Ngay từ những ngày đầu viết về Chủ nghĩa tối giản, tôi đã chú trọng viết nhiều về tư duy (mindset/mentality) – mặc cho nhiều người ý kiến rằng tư duy không liên quan trực tiếp việc tối giản hóa đồ đạc, cuộc sống. Nhưng thực chất, hầu hết mọi nghiên cứu và trải nghiệm thực tế đều chứng minh rằng, nếu muốn thay đổi bất kỳ một hành vi hay thói quen nào hiệu quả, lâu dài, và tích cực, ta cần có một tư duy đúng đắn trước nhất. Bởi thế, trên blog, hay đặc biệt trong cuốn sách đầu tay (“Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản“), tôi viết nhiều về sự liên hệ giữa Chủ nghĩa tối giản và tư duy tích cực, sống cho hiện tại, tư duy mở (growth mindset) và tư duy đóng (fixed mindset)… Với việc tiếp cận lối sống tối giản bằng một tư duy cởi mở, tích cực, trân trọng các giá trị hiện tại, tôi tin rằng mọi người sẽ sống được lâu hơn, hết mình hơn, và có ý nghĩa hơn với Chủ nghĩa tối giản – thay vì việc căng thẳng đếm đồ đạc của mình xem mình đã “tối giản” đến đâu hay so sánh, phán xét hành trình tối giản của mình với người khác.
Gần đây, tôi suy nghĩ thêm nhiều về khái niệm Abundance Mindset (tạm dịch: Tư duy thừa hoặc Tư duy thịnh vượng) và Scarcity Mindset (tạm dịch: Tư duy thiếu hoặc Tư duy khan hiếm). Đây là hai khái niệm về tư duy rất thú vị được Stephen Covey giới thiệu trong cuốn sách nổi tiếng của ông là The 7 Habits of Highly Effective People (7 Thói Quen của Những Người Cực Kỳ Hiệu Quả). Mặc dù hai khái niệm này đã được ứng dụng vào nhiều mặt trong cuộc sống nhưng rất ít tài liệu đặt lối tư duy này vào phong cách sống tối giản. Bởi vậy, thông qua bài viết dưới đây, tôi muốn xây dựng mối liên kết đơn giản mà ý nghĩa giữa Tư duy thừa và Chủ nghĩa tối giản, đồng thời giới thiệu một số ứng dụng của Tư duy thừa và Tư duy thiếu trong các mặt khác của cuộc sống.
Tư duy thừa và Tư duy thiếu là gì?
Stephen Covey cho rằng đa số mọi người đều lún sâu vào cái mà ông tạm gọi là Tư duy thiếu. Những người này cho rằng tài nguyên, cơ hội trong cuộc sống là vô cùng hạn hẹp, vì thế phải cạnh tranh khốc liệt mới có được cái mình muốn. Họ cho rằng mọi thứ trên đời chỉ quay quanh hai điều “Có” và “Không” (zero-sum), nếu ai đó có được một thứ gì, tức là bạn mất đi thứ đó. Bởi thế, những người có tư duy này cảm thấy rất khó để chia sẻ công trạng, cơ hội, quyền lực, lợi ích với người khác – ngay cả khi những người khác này giúp họ đạt được mục đích. Họ thường hay ghen tỵ và khó có thể cảm thấy hạnh phúc trước thành công của người khác. Người có Tư duy thiếu, vì thế, thường có tính cạnh tranh cao, ít thoả mãn với cuộc sống, hay tiêu cực, cay nghiệt, và dù có thành công cũng không cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn.
Ngược lại, những người có Tư duy thừa nhìn nhận cuộc sống với vô vàn tài nguyên, lựa chọn, thay đổi, và sáng tạo. Họ cho rằng ngoài kia còn rất nhiều cơ hội cho bản thân mình, nếu nỗ lực vươn tới, chắc chắn sẽ đạt được điều mình mong muốn. Họ sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn lợi ích, công danh, quyền lực… cho người khác để đạt được mục đích chung. Những người có Tư duy thừa giải phóng bản thân khỏi nỗi bất an thường trực và nghi hoặc về bản thân mình. Bởi thế, họ sống nhẹ nhõm, an yên hơn, hạnh phúc hơn, và nhìn thấy nhiều cơ hội, nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống.
Để mang đến thành công, hiệu năng, hạnh phúc – không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh, Stephen Covey khuyên chúng ta nên bắt đầu xây dựng cho mình lối Tư duy thừa.
Chủ nghĩa tối giản & Tư duy thừa
Vậy đâu là mối liên hệ giữa Chủ nghĩa tối giản và Tư duy thừa? Theo tôi, tất cả nằm ở tâm thế ban đầu của ta khi tối giản cuộc sống. Tối giản, nói một cách đơn giản nhất, tức là chọn bỏ đi một (hoặc nhiều) cái gì đó thừa thãi, không còn ý nghĩa trong cuộc sống. Chúng ta chọn sống với số ít — ít đồ đạc, ít mối quan hệ, ít suy nghĩ tiêu cực…— không phải vì cuộc sống của ta thiếu thốn mà ngược lại, bởi vì nó đã quá đủ đầy rồi. Đó, cũng chính là điểm cốt lõi của Tư duy thừa.
Nếu bạn tối giản hóa cuộc sống của mình với một Tư duy thừa, bạn sẽ cảm thấy quá trình thanh lọc các giá trị vật chất và tinh thần của mình diễn ra nhanh hơn, nhẹ nhõm hơn, và bền vững hơn. Vì bạn biết rằng cuộc sống hiện tại của mình đã vốn đủ đầy rồi, không cần phải thêm bất cứ thứ gì nữa để làm nó giàu có hơn, bạn sẽ thôi đi những suy nghĩ như: “Liệu mình có nên bỏ thứ này không? Nhỡ đâu sau này lại cần… Nhỡ đâu không có cái tương tự để mua…” hay: “Mình làm như thế này thì người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ gì về mình? Sẽ đánh giá gì về mình?…” bởi vì những điều này đều không-còn-quan-trọng nữa!
Bạn hiểu rõ cuộc sống mình cần những gì, mình là ai, những ai mình muốn ở bên cạnh, mình cần làm gì để trở nên hạnh phúc… Từ đó, bạn không còn áp lực phải chạy theo các nhãn hàng, bạn cũng bớt đi sự ghen tỵ và so sánh với người khác khi họ có nhiều hơn mình một cái gì đó. Bạn cũng có cái nhìn lạc quan hơn về bản thân và về thành công; Bạn tin rằng nếu bạn cố gắng, ngoài kia sẽ có cơ hội cho bạn. Bạn nhận ra rằng chúng ta không nhất thiết phải tranh đấu quyết liệt, chà đạp lên người khác thì mình mới có cơ hội thăng tiến. Với Tư duy thừa, chúng ta chia sẻ cơ hội, tài nguyên, cùng nhau phát triển và làm giàu thêm cho cuộc sống của mình.
Tư duy thừa trong Chủ nghĩa tối giản là yếu tố rất quan trọng nếu bạn muốn truyền cảm hứng về lối sống này cho người thân, đặc biệt là con cái – thế hệ sau của mình. Bởi những người mới tiếp cận Chủ nghĩa tối giản dễ cảm thấy bất an khi bị lấy đi những thứ gì vốn là của mình, trẻ em lại càng dễ so sánh với bạn bè khi thấy các bạn có nhiều đồ chơi, quần áo, đặc quyền hơn mình — mặc dù những thứ này đôi khi không thực sự cần thiết. Khi đó, với Tư duy thừa, bạn có thể truyền cảm hứng cho người thân rằng cuộc sống hiện tại của mình vốn đã rất đủ đầy rồi và sống với ít hơn (live with less) là một chọn lựa thực sự tích cực và đáng tự hào chứ không phải do hoàn cảnh o ép, khan hiếm của cải, cơ hội bạn mới phải đẩy mình và gia đình vào lối sống này. Bắt đầu với một tư duy cởi mở, cách nhìn nhận về lối sống sẽ có thể hoàn toàn thay đổi từ cảm giác thiệt thòi, xấu hổ đến thoải mái, phóng khoáng, tự tin.
Luôn luôn bắt đầu bằng một tư duy đúng!.
Tư duy thừa trong những mặt khác của cuộc sống
Khái niệm Tư duy thừa và Tư duy thiếu thường được áp dụng nhiều nhất để bàn về công việc và thành công. Rất nhiều người, đặc biệt là những người sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, thường mang Tư duy thiếu về thành công. Họ cho rằng để có được thành công là phải tranh đấu. Nếu đồng nghiệp có được cái này thì nghĩa là mình mất đi đúng cái đó – bởi vậy họ cảm thấy mình phải gồng mình lên để cạnh tranh, để tạo áp lực, để dành quyền lợi dù cho có phải thủ đoạn, giả dối như thế nào. Họ cũng có cái nhìn tiêu cực hơn về thành công của người khác, nghĩ rằng người ta làm được là do thủ đoạn, hối lộ, hay quyền lực ngầm nào mà mình không có được. Những người này họ có thể thành công nhanh nhưng sống với rất nhiều áp lực và mệt mỏi, họ thường không hạnh phúc và cũng làm những người xung quanh cảm thấy tiêu cực. Đôi khi, vì quá tập trung vào cạnh tranh cho một cơ hội nhất định, họ không nhìn thấy cánh cửa mở ra những cơ hội khác thú vị hơn, sáng sủa hơn ngay bên mình. Bởi vậy, trong công việc, không chỉ Sếp mà nhân viên đều nên có Tư duy thừa để cùng nhau thành công, thay vì cạnh tranh, cào xé, chà đạp lẫn nhau.
Khi mới tốt nghiệp Đại học ở Việt Nam, tôi có nguyện vọng muốn làm ở một trường Đại học công – hay nói cách khác là làm công chức ở trong bộ máy giáo dục. Rất nhiều người biết điều này đã chép miệng nói với tôi rằng để làm công chức thời này ai cũng phải “chạy”, đặc biệt là để vào trường công lập, không có tiền, không có quan hệ, không có quyền lực còn lâu mới xin được một chân “trà nước”. Nhưng sự thực, khi biết tin một Khoa ở trường Đại học đúng ngành học của tôi có đợt tuyển, tôi làm hồ sơ nộp hoàn toàn khách quan và sau một thời gian chờ đợi, tôi được gọi đến thi và phỏng vấn. Ngày tôi đến phòng thi, có tôi và 3-4 bạn nữa trạc trạc tuổi nhau mới tốt nghiệp Đại học và 2 anh chị trung niên. Đợt đó tuyển không có giới hạn cụ thể về số lượng. Phần thi thứ nhất là viết bài luận bằng tiếng Việt, phần thứ hai viết bài luận bằng tiếng Anh, đều về chủ đề giáo dục với câu hỏi cho sẵn. Phần tiếng Việt mọi người đều làm bình thường, không ai để ý đến ai, có một trong số 3-4 bạn trạc tuổi tôi hình như còn mang theo tài liệu lấy ra chép. Đến phần tiếng Anh thì không khí khác hẳn, chỉ có tôi và 2 anh chị trung niên có vẻ còn làm được, viết lách miệt mài, còn 3-4 bạn kia thì hầu như không viết được gì. Tôi còn nhớ khi tôi viết được sang đến trang thứ hai thì một bạn bắt đầu nhìn sang lườm nguýt rồi nói: “Viết bài luận tiếng Anh thì chẳng cần viết dài. Viết dài thành ra viết dại”. Ngay sau đó, các bạn kia cũng hưởng ứng, nói vào: “Thi công chức làm hành chính thôi chứ có phải thi văn học Anh đâu mà viết nhiều làm gì. Chủ yếu đúng trọng tâm chứ ai đọc…” Điều đáng nói là các bạn ấy đều chĩa mũi dùi vào tôi, chứ không hề để ý gì đến 2 anh chị trung niên kia, có lẽ vì các bạn nghĩ 2 anh chị ấy không phải là “đối thủ”. Tôi cũng không để mấy lời nói ấy vào đầu cho lắm, chỉ tập trung hoàn thành bài thi. Sau phần thi là nghỉ 30 phút trước khi phỏng vấn. Trong 30 phút đấy, mặc dù tôi cũng chào hỏi thân thiện xã giao, các bạn tiếp tục công kích nói mát mẻ tôi rất nhiều thứ, đại khái nói tôi giỏi tiếng Anh thế thì xin làm giảng viên chứ vào làm công chức đầu ngạch này làm gì, chỉ trà nước hành chính, đóng dấu thôi chứ cần gì tiếng Anh… thực sự rất kỳ cục. Sau đợt tuyển đó, chỉ có tôi và 2 anh chị trung niên được tuyển. Tất cả quá trình này đều hoàn toàn khách quan, tôi chưa từng bỏ một đồng nào cho bất kỳ ai hay là con cháu ông bà nào tác động để được nhận vào làm. Công việc của tôi cũng rất tốt, nhận vào làm là làm chuyên môn luôn; thỉnh thoảng tôi có giúp các anh chị dọn dẹp hoa quả, trà bánh khi cần nhưng là vì phép lịch sự tối thiểu chứ không phải đó là việc chính tôi phải làm.
Bạn có thể nói là vì tôi may mắn tìm được một cơ quan tốt, liêm chính để nhận việc giữa thời buổi “chạy chức, chạy quyền”. Nhưng nếu tôi tin vào những lời tiêu cực, chê bôi xã hội, phiến diện về công chức ban đầu của mọi người, có lẽ tôi đã không dám nộp đơn vào cơ quan ấy. Bạn cũng có thể nói là 3-4 bạn mới ra trường kia phải nói lời cạnh khóe, cạnh tranh như thế là đúng vì thực tế, có thể vì tôi (cùng tuổi, cùng bằng cấp, có thể chỉ khác trình độ tiếng Anh) mà các bạn ấy không được nhận việc. Nhưng bạn cũng có thể nghĩ rằng cơ hội là cho tất cả mọi người, vì không hạn chế số lượng tuyển, nếu các bạn ấy cố gắng, có năng lực và tập trung vào bài thi và bài phỏng vấn của mình (thay vì lo lắng cạnh tranh với người khác), biết đâu các bạn ấy lại có cơ hội? Tất cả đều phụ thuộc vào cách tư duy và phân tích của riêng mỗi người.
Tư duy thừa cũng rất hiệu quả khi áp dụng vào quản lý tài chính. Phần đông chúng ta sống với một Tư duy thiếu về tiền bạc, chúng ta nghĩ rằng mình thường xuyên thiếu tiền, cần thêm nhiều tiền hơn nữa mới hạnh phúc. Nhưng thực chất, nếu có một Tư duy thừa, ta có thể nhận ra rằng số tiền mình có đôi khi đã là đủ, mình phải biết tiết kiệm, cân đo đóng đếm đồng tiền mình kiếm được vừa với cuộc sống hiện tại trước, thay vì tiêu xài quá mức rồi sau đó mới nghĩ đến muốn thêm tiền. Nếu sống với Tư duy thiếu, bạn sẽ thấy cuộc sống ngột ngạt, bế tắc, bạn chờ một cơ hội lớn để “đổi đời” – đây cũng là thời điểm nguy hiểm để lòng tham và sự thiếu thốn của mình bị người khác lợi dụng và lừa đảo. Ngược lại, nếu có một Tư duy thừa, bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhõm hơn, sẽ tích cực tìm kiếm cơ hội hơn thay vì chờ cơ hội đến với mình, bạn cũng cẩn trọng hơn, không bị mắc mưu vào những trò lừa đảo đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết. Tư duy thừa cũng khiến bạn thoải mái hơn khi tiêu đồng tiền mình làm ra, bạn cảm thấy đủ đầy và hạnh phúc thay vì sống kham khổ kiếm tiền cho đến khi lớn tuổi, sắp qua đời rồi cũng không dám tiêu đồng tiền của mình vì sợ thiếu thốn.
Vài tuần trước, tôi tình cờ xem được một bài phỏng vấn của Ellen DeGeneres (người dẫn talk show mà tôi thích nhất) và Ali Wong (một nghệ sĩ hài người Mỹ gốc Á nổi tiếng). Gần cuối đoạn phỏng vấn, Ellen hỏi Ali rằng tại sao cô là ngôi sao của Netflix (một kênh truyền hình trả tiền) mà lại không có tài khoản Netflix. Ali mới cười và trả lời rằng vì cô ấy từng là nghệ sĩ nghèo trong một thời gian quá dài rồi nên giờ đến khi nổi tiếng, tư duy tiêu tiền của cô ấy vẫn rất “cheap” (tằn tiện). Cô ấy không muốn bỏ tiền ra, trừ khi Netflix cho tài khoản miễn phí. Khán giả ai cũng cười ồ. Nhưng Ellen lại có lời khuyên khá nghiêm túc thế này (lược dịch): “Tôi lại nghĩ khác. Ngày xưa tôi cũng rất túng thiếu, nên tôi quyết định rằng mình sẽ không bao giờ để bản thân cảm thấy như thế nữa. Tôi sẽ luôn làm tất cả những gì tôi muốn. Tôi tin rằng cuộc sống thừa thãi, đủ đầy (abundance) và tôi sẽ luôn có những gì tôi muốn. Vì thế bạn không nên sống trong nỗi sợ về tiền vì nó sẽ thể hiện trong mối quan hệ của bạn với tiền bạc…” Theo tôi, đây chính là cách nói súc tích nhất và chính xác nhất về Tư duy thừa đối với tiền bạc. Bạn không sợ thiếu thốn, bạn giải phóng bản thân khỏi nỗi sợ về tiền thì tiền sẽ tự khắc đến với bạn (nhờ vào sự tự do, thả lỏng tư duy, kiểm soát tốt những đồng tiền mình đang có và vươn tới những cơ hội mới) và bạn cũng sẽ thoải mái hơn khi tiêu tiền. Cảm ơn Ellen!
Cuối cùng, Tư duy thừa cũng có thể được áp dụng trong quan hệ tình cảm. Tất nhiên, trong một mối quan hệ có cam kết, bạn không muốn chia sẻ tình cảm của người mình yêu cho bất cứ ai khác – việc đó cũng là hành vi lừa dối. Nhưng ở một khía cạnh khác, bạn không nhất thiết phải chiếm hữu toàn bộ tình cảm của người đó. Nếu bạn có một Tư duy thừa, bạn hiểu rằng tình cảm của con người có rất nhiều hình thái, người ta yêu bạn nhưng cũng cần có thời gian bên cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp và những mối quan hệ xã hội khác — điều đó không có nghĩa là tình cảm dành cho bạn sẽ bị vơi cạn. Điều này cũng có thể áp dụng trong mối quan hệ cha mẹ và con cái (cha mẹ quan tâm đến anh chị em khác nhiều hơn trong một thời điểm không có nghĩa là họ thiên vị, con yêu con ghét), sếp với nhân viên (sếp thân với nhân viên khác hơn bạn không có nghĩa là sếp ghét bạn hay bạn phải chịu thiệt thòi gì), hay bạn bè với nhau …
Một nét thể hiện rõ ràng của Tư duy thừa/thiếu trong mối quan hệ tình cảm là sự chia sẻ giữa mẹ chồng-nàng dâu và người chồng. Nếu bắt đầu bằng Tư duy thiếu, người mẹ chồng có thể ghen tức, gây áp lực cho con dâu vì thấy con trai mình – người mình chăm bẵm cả đời – dành nhiều tình cảm hơn cho một người phụ nữ khác. Người con dâu cũng hậm hực, uất ức mẹ chồng vì chồng thương mẹ mà không dám bênh vực cho mình, yêu mẹ hơn yêu mình. Nhưng nếu cả mẹ chồng, nàng dâu, và người chồng đều có Tư duy thừa, mọi người sẽ hiểu rằng tình cảm của con người là rất đa dạng và dồi dào hơn chúng ta tưởng. Tình yêu dành cho người vợ sẽ rất khác và không thể thay thế tình yêu dành cho người mẹ, và ngược lại. Bởi vậy, không có lý do gì để ganh đua, tranh cãi vì tình cảm của người chồng-người con trai trong gia đình (bởi vì hai loại tình cảm này khác hẳn nhau). Thay vào đó, nếu ta có thể sống bao dung hơn, nghĩ rằng cuộc sống vốn đủ đầy, tình cảm dành cho nhau chan chứa, mọi thứ sẽ nhẹ nhõm, ấm áp hơn nhiều.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
haiyen says
Cảm ơn bạn Chi Nguyễn đã có một bài viết tổng hợp với tư duy tích cực, khi tích cực thì ít nhất bạn sẽ thấy đủ đầy một bước để nghĩ đến tư duy thừa. Mình đã đọc sách bạn và chia sẻ với rất nhiều bạn bè, những quyển sách khác về lối sống tối giãn cho mình những khái niệm cách làm nhưng với quyển của bạn Chi cho mình một “Tư duy tối giãn” thông qua những câu chuyện bài học trãi nghiệm của bạn thay đổi từng ngày từ khi tiếp cận cho đến khi bạn sở hữu “tối giãn” thông qua quyển sách mình còn học được đó là một QUÁ TRÌNH thay đổi về TƯ DUY và áp dụng vào CUỘC SỐNG chứ không phải một cách rập khuôn mà chọn lọc sao phù hợp với hoàn cảnh điều kiện và điểm tư duy hiện tại của mỗi người. Sự trùng hợp là sáng nay cũng cầm trên tay quyển sách “7 thói quen hiệu quả”. Cảm ơn bạn về bài post sâu sắc.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Hy vọng thời gian tới đây mình cũng có thể review cuốn sách “7 thói quen hiệu quả”
Ha Anh says
Em cảm ơn chị về bài viết ý nghĩa và bổ ích này ạ. Thực sự, trang blog của chị giống 1 quyển sách, vừa đọc thú vị vừa đem kiến thức mới cho người đọc. (Bài viết của chị hôm nay lại đến đúng lúc lắm chị ạ..).
From Vietnam to US with all my heart 💙
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã ghé blog <3
Thanh Hảo says
Cảm ơn Chi về những bài viết rất sâu sắc và ý nghĩa.
Ngân says
Cảm ơn chị Chi. Mỗi bài viết của Chi đều là một sự đầu tư bài bản.
Em rất thích ý tưởng về “Abundance Mindset “, quả thật là hơi khó để chọn một từ tiếng Việt để lột tả được đủ đầy ý nghĩa của từ “Abundance”. Nhưng quan trọng là quan niệm “ngoài kia vẫn còn nhiều cơ hội đang đợi chờ những người nỗ lực” rất chi là hữu ích chị ạ. Trước đây, em đã từng dùng nó để động viên bản thân. Nay bắt gặp lại thấy thích vô cùng.
Cảm ơn chị Chi rất nhiều!
Chi Nguyễn says
Đúng là rất khó để dịch sát nghĩa được từ “abundance” nhưng chị hy vọng bài viết truyền tải được phần nào thông điệp của cụm này. Cảm ơn em đã đọc!
Ngọc says
Cảm ơn bạn Chi Nguyễn. Mình rất thích bài viết này của bạn, giúp mình rõ ra nhiều điều. Chi cho phép mình share bài viết trên trang FB của mình nhé?
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn. Bạn có thể dẫn link chia sẻ trên FB bất cứ lúc nào
Khoa Nguyễn says
Cảm ơn chị Chi vì một bài viết hay, đây là lần đầu tiên em comment dù em đã đọc blog của chị trong một khoảng thời gian. Em có một câu hỏi dành cho chị về Tư Duy Thừa. Như những gì em đọc được, Tư Duy Thừa nhìn cuộc sống theo chiều hướng “Như vậy với tôi đã là đủ rồi”. Tuy nhiên liệu điều đó có hơi mâu thuẫn với mong muốn cầu tiến, đạt được nhiều cơ hội như chị nói ở trên? Bởi lẽ, em cũng có thể hoàn toàn suy nghĩ theo kiểu như “Vì cuộc sống của tôi đã đủ rồi, cần gì phát triển thêm nữa. Tiền trong tài khoản vậy là đủ rồi, công việc hiện tại cũng đủ tốt rồi, người yêu cũng OK rồi.” Liệu Tư Duy Thừa và mong muốn cầu tiến có hơi mâu thuẫn với nhau? Em chưa đọc The 7 Habits of Highly Effective People tuy nhiên em đã từng đọc khá nhiều sách Hạt Giống Tâm Hồn và đọc về tư tưởng “Cuộc sống của chúng ta đã đầy đủ” khá nhiều, tuy nhiên em luôn có một thắc mắc như vậy.
Hy vọng chị có thể giúp em giải đáp thắc mắc và hiểu kĩ hơn về Tư Duy Thừa. Cảm ơn vì bài viết rất sâu sắc.
Chi Nguyễn says
Chào em. Câu hỏi rất hay. Thực ra trong cuốn sách đầu tay của chị (Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản) chị có dành ra gần một trang để viết về vấn đề gần như thế này nên giờ tóm lại một vài dòng cũng khá khó. Tuy nhiên, về cơ bản chị nghĩ có Tư Duy Thừa không đồng nghĩa với việc Thiếu Chí Tiến Thủ. Tư duy thừa giúp mình suy nghĩ thoáng hơn, hài lòng hơn với cuộc sống hiện tại, nhưng cũng chính sự hài lòng và yêu cuộc sống hiện tại ấy lại là động lực để mình làm cho cuộc sống tốt hơn lên, chứ không có nghĩa là để nó dậm chân tại chỗ. Chị nghĩ như việc trồng một cái cây vậy, nếu mình yêu cây, thấy cây của mình khỏe đẹp rồi thì không cần thiết phải so sánh, ganh tỵ với cây của hàng xóm nữa, nhưng không có nghĩa là mình ngừng chăm bẵm làm cho cây sống khỏe hơn, lớn hơn nữa. Hay như trong quan hệ tình cảm chẳng hạn, nếu mình cảm thấy hòa hợp với người mình yêu rồi, mình không “đứng núi này, trông núi nọ” nữa nhưng mình vẫn phải quan tâm đến người mình yêu, chăm sóc cho tình yêu của mình để tình yêu của mình ngày càng dồi dào, lâu bền hơn. Chính sự hài lòng với hiện tại lại làm mình có động lực để chăm bẵm cho hiện tại của mình hơn (thay vì so sánh, ganh tỵ, hay muốn hướng tới hiện tại của người khác). Chị hy vọng một vài dòng chia sẻ ngắn này giải đáp được thắc mắc của em
Đỗ Văn says
Một blog thật tuyệt!
Một cuốn sách thiệt hay!
th.trà says
Ở Việt Nam của mình hiện nay và tương lai tới, mua nhà hay thuê nhà thì kinh tế hơn. Nếu Chi cũng từng có phân vân tương tự, vui lòng cho một bài phân tích nho nhỏ để lòng tụi mình sáng rõ hơn 😀 [bởi hiện nay cái vấn đề này nó nhức đầu nhức óc quá, tại muốn mua nhà thì phải bóp bụng đủ thứ nhưng nó có mục đích, còn thuê thì thoải mái chút nhưng mà xài giống người ta mà lại cuối cùng hông có căn nhà, chậc!]
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã ghé blog và đặt câu hỏi. Câu hỏi này có lẽ mình sẽ trả lời tường tận hơn ở một bài viết khác. Nhưng theo mình, mua nhà hay thuê nhà phụ thuộc vào thời điểm và khả năng tài chính của mình; chỉ nên mua khi mình đã sẵn sàng. Khi thuê nhà thì đúng là tiền thuê đi vào chủ nhà chứ mình không được căn nhà nhưng mình đỡ áp lực trả nợ hơn (nếu không mua đứt được nhà mà phải vay tiền), các khoản chi phí sửa chữa căn nhà mình không phải gánh. Mua nhà thì mình có được căn nhà luôn nhưng áp lực thu xếp tiền mua hoặc tiền trả lãi ngân hàng nếu mua trả góp là rất lớn và phải lo cả chi phí sửa nhà, bảo dưỡng, bảo trì. Nhà mua rồi mà không thích thì cũng phải lo bán nhà phức tạp hơn khi di chuyển. Vậy nên, mình nghĩ nếu kinh tế chưa sẵn sàng, chưa ổn định xem ở đâu cụ thể thì nên thuê nhà, trong thời gian đó tiết kiệm dành tiền mua nhà sau này. Khi đã sẵn sàng rồi thì mình mới mua. Về con số cụ thể cần tiết kiệm bao nhiêu và nếu mua trả góp thì nên bao nhiêu… mình phải hẹn lại vào một bài viết khác 🙂
Thúy Vy says
Hay quá chị ơi, chị đã cho em thấy được một khía cạnh khác khi ta nhìn nhận cuộc sống với một cách nhìn khác, một cách tư duy khác. Nó đã cho em một bài học rất hay
Le Pham Diem Hang says
Cảm ơn chị Chi, đọc blog của chị nhiều rồi mà ít khi bình luận cảm ơn chị. Từ chị em biết tới chủ nghĩa tối giản và từ bài viết này em lại biết thêm Abundance Mindset. Thực sự chị luôn là người cho em rất nhiều năng lượng tích cực và cảm hứng ạ 🤗.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã ghé blog.Chị cảm thấy chủ đề Minimalism vẫn có thể được phát triển và viết tiếp dưới nhiều góc độ. Chị đang trong giai đoạn thử nghiệm và tìm tòi để viết nhiều hơn
Van says
Em cám ơn bài viết của chị nhiều. Mỗi sáng em đều đọc trang của chị để tạo thêm động lực cho mình, em thấy chị phân tích rất sâu, và viết rất thật chị a. Điều này giúp em hiểu rõ dc bản chất của vấn đề và sống tích cực hơn!
Chúc chị có nhiều sức khỏe và niềm vui!
Ka hao says
Em cảm ơn chị đã viết bài này ah bài này thực sự rất hay mong chị viết thêm nhiều bài về chủ đề này nữa ạ 😍😍
Ngoc says
cảm ơn bài viết của chị
Trúc Linh says
Bài viết của chị Chi hay lắm ạ. Em được gợi thêm suy nghĩ về tư duy thiếu khi giải quyết vấn đề. Ví dụ, em đi mua đồ và mang không đủ tiền. Tư duy thiếu là em nghĩ phải nhắn tin vay tiền ngay lập tức nếu không muốn trả lại. Tư duy thừa là em tin còn cách khác để giải quyết như xin nợ tiền vì cửa hàng ấy cũng gần nhà em. Chị Chi nghĩ sao ạ?