“Mini Posts” là chọn lọc các bài viết ngắn được yêu thích nhất trên Facebook và Instagram của blog (dựa trên lượt like và comment). Mục đích của “Mini Posts” là đồng hành với các bài viết chính trên blog và cập nhật cuộc sống hàng ngày của tác giả Chi Nguyễn.
Mini Post #3 tổng hợp bài viết ngắn trong thời gian 1 tháng đầu tôi về Việt Nam (11/12/2016 – 27/1/2017)
Ngày 11/12/2016
My real “deadline” this week: catching a flight home . Khoảng hơn 1 tuần nay, ngày nào tôi cũng làm việc hết công suất để hoàn thành các bài cuối kỳ. Tôi từng chia sẻ ở đây là việc tôi lấy tới 5 lớp/kỳ tạo nhiều áp lực cho thời gian chạy nước rút này. Nhưng lý do thực sự khiến tôi hoả tốc làm bài là vì tôi sắp về nhà 😊. Chính xác là chỉ còn vài tiếng nữa tôi sẽ lên máy bay.
Trong gần 4 năm ở Mỹ, tôi đã về nhà 2 lần và lần nào cũng vào đợt cuối kỳ như thế này. Lần thứ nhất tôi thiếu ngủ vật vờ trên máy bay, cứ lúc nào mở được mắt ra là đánh máy, cố cho xong bài. Nhưng đến khi về đến nhà rồi mới có thể hoàn thành và nộp bài được. Lần thứ hai tôi bay về cùng Joe để làm đám hỏi hai đứa ở Việt Nam. Tổng thời gian chờ ở sân bay và ngồi trên máy bay là gần 48 tiếng. Trong từng ấy thời gian, tôi không ngủ một giờ nào, làm việc từ lúc lên máy bay đến lúc hạ cánh. Thậm chí đêm trước ngày đám hỏi, khi mọi người ở nhà giúp dựng lều rạp, tôi vẫn ngồi ở quán cà phê hoàn thành bài cuối cùng. Joe cũng phải giúp đọc soát lỗi sai đến tận nửa đêm vì đến cuối ngày, tôi gần như vừa nhắm mắt vừa đánh máy. 😂
Hôm này là lần thứ 3 tôi về nhà. Mục tiêu của tôi là hoàn thành tất cả bài cuối kỳ trước khi lên máy bay (thực ra tuần tới mới là hạn nộp bài). Cho đến giờ phút này, tôi đã nộp xong 3 bài 🙏, đã viết xong 1 bài nữa chờ đọc lại lần cuối, còn 1 bài cuối đang nháp dở. Mặc dù không hoàn toàn thực hiện được mục tiêu ban đầu, tôi rất tự hào vì mình đã làm việc vô cùng tập trung và hiệu quả. Đặc biệt vào Thứ 4 vừa rồi, khi tôi đang chuẩn bị nộp một bài cuối kỳ thì phát hiện ra lỗi sai thuật toán khiến tôi phải chạy lại dự liệu từ đầu và sửa hầu như tất cả các con số trong bài. Nhưng tôi vẫn giữ bình tĩnh để sửa bài và tiến hành sắp xếp hành lý như bình thường – một điều mà tôi không thể làm chỉ 1-2 năm trước đây. Đôi khi những gì học được trong quá trình thực hiện có ý nghĩa hơn nhiều kết quả cuối cùng, đúng không? 😊
Giờ làm nốt “bài tập về nhà” để về nhà với mẹ thôi!
Update ngày 12/12/2016: Cám ơn mọi người đã quan tâm đến post trước của tôi về hành trình về nhà. Mọi người cũng như gia đình thứ hai trên mạng vậy 🤗. Tôi vừa về nhà đêm qua và đã nộp đủ 5 bài finals vào sáng nay !!!!! Với việc xong finals học kỳ này, tôi đã kết thúc tất cả các khoá học bậc Tiến sĩ (khoảng 24 môn, 72 credits cho cả 2 ngành học) 🙏
Ngày 16/12/2016
Hanoi. Hanoi
Tuổi thơ của tôi gắn liền với khu tập thể của nhà ông bà ngoại ở Thành Công. Đến năm thứ 2 Đại học, khi có đoàn khách nước ngoài đến trường, tôi lại được phân dẫn đoàn đến khu tập thể cũ ở Nguyễn Công Trứ. Thầy tôi khi đó là nhà lịch sử học người Mỹ nghiên cứu nhiều năm về Việt Nam đã dạy cho tôi rất nhiều điều về nhà tập thể và văn hoá khu tập thể (những điều tôi vốn quen thuộc nhưng chưa bao giờ hỏi tại sao). Ví dụ như thầy nói cách các căn hộ được xây không có cửa ngăn cách hay để không gian chơi chung ở giữa thể hiện tư duy của những người làm Chủ Nghĩa Xã Hội (CNXH) muốn mọi người dân đều hoà đồng, cởi mở, chia sẻ tất cả. Rồi cách mọi người nói chuyện, hỏi han nhau trong khu tập thể cũng thể hiện nhuần nhuyễn văn hoá Việt và tư duy CNXH. Tất nhiên, ngày nay mọi việc đã khác. Nhiều nhà đã cơi nới, xây thêm rào, cửa để tăng tính riêng tư. Cách mọi người quan tâm đến nhau cũng khác ngày xưa. Nhưng nhà tập thể vẫn đứng đó như một minh chứng về lịch sử và tư duy chính trị, xã hội một thời.
Ngày 20/12/2016
Working everywhere and anywhere.
Ngày xưa tôi từng viện rất nhiều lý do để trì hoãn (procrastinate) công việc. Nào là không có hứng làm việc, nào là ngồi lâu đau lưng, nào là phải chọn chỗ ngồi tốt, nào là phải có người làm cùng… Đến khi có quá nhiều việc, đa phần lại là việc mình đam mê làm, tôi nhận ra mình có thể làm việc ở bất cứ đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhiều khi tất cả những thứ cần chỉ là một mặt đất để ngồi, một cái máy tính, một nguồn cắm điện sạc pin, và một cốc nước trắng. Ngày mai tôi bắt đầu ngày làm việc chính thức ở Hà Nội. Wish me luck! 😇
Ngày 30/12/2016
ĐÔI ĐIỀU VỀ CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN (MINIMALISM) & CHỮ “TIỆN”
Chuyến đi về Việt Nam lần này làm tôi có nhiều suy nghĩ về Chủ nghĩa tối giản. Vì thế, tôi chủ đích tạm ngưng viết về đề tài này một vài tuần để có thể tư duy thông suốt hơn.
Khi bắt đầu viết chuỗi bài về Chủ nghĩa tối giản trên blog (link), tôi đã theo phong cách này được 1 năm khi đang sống tại Mỹ. Tức là tư duy của tôi khi đó đã phần nào được định hình, tôi không còn lấn cấn chuyện bỏ đi thứ gì, giữ lại thứ gì, tôi cũng không còn tiếc nuối những món đồ kỷ niệm, cũng không còn có nhu cầu để đồ lại “phòng hờ”… – những điều mà mọi người khi mới bắt đầu Chủ nghĩa tối giản thường gặp. Tôi cũng đã hình thành thói quen phải chuyển nhà thường xuyên ở một đất nước rộng lớn, nơi mà nếu tôi không mạnh tay bỏ bớt đồ đạc, chúng sẽ níu chân kinh khủng đến mức tôi không thể đi đến những nơi tôi muốn đi, làm được những gì tôi muốn làm. Vì vậy, tôi dường như quên mất rằng những người đã sống hàng chục năm trong môi trường nhiều đồ đạc, những người rất hiếm khi chuyển nhà, những người chưa bao giờ nghĩ đến bỏ đi một món đồ còn có thể sử dụng được… phải gặp khó khăn như thế nào để tối giản hoá đồ đạc và cuộc sống của mình. Có những thói quen, những lối tư duy rất rất nhỏ thôi nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với việc kiểm soát đồ đạc hay để đồ đạc bừa bãi, leo thang trong gia đình mình.
Đầu tiên phải nói là TIỆN. Từ “tiện” trong “Cứ để đấy cho tiện!” hay trong “Tiện thì để đấy đã, lúc khác bỏ đi!” TIỆN có thể nói là khắc tinh trong việc dọn dẹp nhà cửa nói riêng hay tối giản cuộc sống nói chung. Cái tiện của một người còn có thể làm cho cuộc sống những người sống cùng ngột ngạt, mệt mỏi.
Một câu chuyện nhỏ của tôi: Khi tôi mới biết về Chủ nghĩa tối giản và bắt đầu dọn nhà lần đầu tiên. Khi đó tôi ở MỘT MÌNH tại một căn hộ có 1 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 gian bếp, 1 phòng tắm (gọi chung là 4 phòng). Căn hộ rất bình thường cho người độc thân/du học sinh, diện tích có thể nhỏ hơn căn hộ chung cư ở Hà Nội. Sau khi dọn xong nhà, tôi lôi ra được 8 THÙNG RÁC !!! Tức là trung bình mỗi phòng 2 thùng rác!!! Khoan nói tại sao 1 người lại cần đến 8 thùng rác, câu hỏi đặt ra là tại sao 8 thùng rác đó chiếm nhiều diện tích (lại không lấy gì làm đẹp đẽ) trong một căn hộ nhỏ như vậy mà tôi chưa bao giờ để ý!! Chúng cứ chình ình ra đấy, ngột ngạt, nhem nhuốc, nặng nề… Vậy 8 thúng rác đó ở đâu mà ra? Chỉ có 3 thùng là tôi có thể lý giải được, đó là 3 thùng ở phòng tắm, nhà bếp, và phòng khách — 3 nơi có nhiều nhất nhu cầu sử dụng. 5 thùng còn lại được đặt lên bởi một chữ TIỆN. Thùng rác thứ nhất được đặt thêm ở nhà bếp vì tôi nghĩ cần 2 thùng ở hai đầu nhà bếp cho nó “tiện” (thay vì đổ chung vào một thùng, mỗi ngày vệ sinh luôn cho sạch sẽ). Thùng thứ hai được đặt tại phòng ngủ, hầu như không bỏ rác vào bao giờ nhưng cứ để đấy biết đâu có rác bỏ vào cho “tiện” (mặc dù có thể đi 2 bước chân là ra đến thùng rác phòng khách). Thùng thứ ba đặt cạnh bàn làm việc để vứt rác văn phòng và thùng thứ tư đặt cạnh bàn ăn để có giấy ăn dùng xong để vào — cũng cho nó “tiện”. Trong khi đó, cả bàn làm việc và bàn ăn đều nằm ở phòng khách, nơi đã có một thùng rác cố định! Thùng thứ năm đến bây giờ vẫn khiến tôi rùng mình, đó là thùng rác để cạnh hộp cát mèo. Mỗi khi mèo đi vệ sinh vào cát xong, cát được xúc vào thùng và để đấy, khi nào đầy thùng thì mới đổ (vâng, cũng là để cho nó “tiện”!!!). Cái thùng thứ năm này khỏi nói vô cùng ô nhiễm, tại sao không đổ cát mèo mỗi ngày mà phải tích trữ vài ngày mới đổ?!! Ôi cái chữ “tiện” đau đầu! Ngày nay nhà tôi đã có 2 vợ chồng nhưng chỉ còn 3 thùng rác đặt ở 3 chỗ cơ bản, phòng tắm, phòng bếp, và phòng khách. Mỗi ngày các thùng rác được đổ và vệ sinh một lần sạch sẽ. Nhà cửa thông thoáng mà con người cũng năng động nhờ đi lại thường xuyên để rác vào chỗ quy định. Mất đi những 5 thùng rác nhưng tôi thực sự không cảm thấy “bất tiện” đi một chút nào!
Vậy nên, trong cuộc sống hàng ngày, “tiện” đôi khi là mỹ từ cho “lười”. Vì lười vận động, lười để đồ sau khi sử dụng về chỗ cũ, lười lấy đồ ở chỗ quy định ra để sử dụng, nhiều người lớn bày đồ đạc xung quanh như trẻ con bày đồ hàng ra chơi hàng ngày. Tiện còn là lười suy nghĩ, lười thay đổi, lười quan tâm đến người khác. Ví dụ như, thay vì để ra 5 giây đến 1 phút quyết định xem nên bỏ hay nên giữ một món đồ, nhiều người lại tiện tay (vâng, lại “tiện”) để lại trên giá, trên móc, trên kho chứa đồ để “sau này tính tiếp”. Dần dà, đồ đạc ngày càng leo thang thiếu kiểm soát, lúc đó thì sức ỳ của con người lại ngày một nhiều, khó có thể dọn dẹp ngay được. Chưa kể đến không gian chung của gia đình còn cần chia sẻ bởi nhiều người, vì một chữ “tiện” của người này mà có thể nhiều người khác phải khổ, phải sống trong ngột ngạt, bức bối vì đồ đạc.
Nếu bạn muốn tối giản hoá cuộc sống, hay chỉ đơn thuần nhất thôi là có một căn nhà phong quang, sạch sẽ, hãy bỏ dần đi chữ “TIỆN” ra khỏi tư duy của mình. Đừng vì dăm phút, chục giây “tiện lợi” mà về lâu dài trở nên “tuỳ tiện” với cuộc sống của mình!
Ngày 31/12/2016
4 năm trước khi tôi chuẩn bị đi du học, phần lớn bạn bè đều mới ra trường, đang chập chững ở những việc làm đầu tiên, và mới bắt đầu các mối quan hệ nghiêm túc. 4 năm sau, hầu như tất cả các bạn đều đã lấy chồng, có một đến hai con, và kinh qua nhiều công việc khác nhau. Tôi đã bỏ lỡ rất nhiều mốc quan trọng. Tôi không ở đó khi bạn lên xe hoa, tôi cũng không xoa tay lên bụng bạn khi bạn mang thai con đầu lòng, tôi lại càng không xách cặp lồng cơm ngồi ăn với bạn những buổi trưa văn phòng… Dù tôi có email, có text message, có like Facebook nhiều đến thế nào, sự thật vẫn là tôi đã không có mặt khi bạn cần đến tôi nhất. Nhưng có lẽ vì thế, cảm giác được gặp lại bạn cũ, được nghe những câu chuyện cũ, và được sống lại một phần trẻ thơ của mình trở nên xúc động và đáng quý hơn bao giờ hết. #bạntốtcủaChi
Ngày 1/1/2017
Soi vào năm 2016…
Nếu chỉ được dùng một từ để miêu tả năm 2016, có lẽ tôi sẽ dùng từ: “dũng cảm”. 2016 là năm mà tôi quyết định đối mặt với nhiều nỗi sợ của bản thân để làm những điều mà mình trước nay chưa dám làm.
Tháng 1: Bắt đầu “săn lùng” căn hộ mới để chuyển nhà. Đây là một quyết định lớn vì mỗi lần chuyển nhà là một lần phải đối diện với hàng núi việc không tên, tốn rất nhiều công sức, thời gian, và cả tiền của nữa. Nhưng kết quả cũng được đền bù xứng đáng, cả hai vợ chồng tôi đều rất thích căn hộ hiện đang ở và đã ký gia hạn thêm năm tới – đồng nghĩa với việc năm 2017 là năm đầu tiên ở Mỹ mà tôi không phải chuyển nhà 🙂
Tháng 3: Sau một thời gian dài cứ đặt lên rồi lại hạ xuống, cuối cùng tôi cũng nuốt được nỗi lo lắng vào trong để trình ý tưởng tốt nghiệp lên thầy hướng dẫn. Thầy xem xong hỏi: “Liệu em có bảo vệ được đề án (dissertation proposal defense) trong năm học này không?” Lúc đó còn chính xác 2 tháng nữa là hết năm học, đề án của tôi mới chỉ là một trang ý tưởng, trong khi mọi người thường dành ra từ 6 tháng đến 1 năm để viết và chuẩn bị bảo vệ. Không hiểu sao lúc đó, hoặc là do quá hồi hộp, hoặc là ăn phải gan hùm mật gấu ở đâu, tôi buột miệng bảo: “Chắc được ạ” 😥. Và thế là thôi, từ đó đến hết tháng 5 là chỉ có biết cắm đầu vào làm, làm ngày làm đêm, làm đến quên ăn quên ngủ.
Tháng 5: Vừa bảo vệ thành công đề án được 1 tuần thì tôi lên bàn mổ 4 cái răng khôn một lúc. 4 cái răng mọc lệch này đã được chỉ định mổ từ 5 năm trước nhưng tôi sợ nhổ răng đến mức chưa bao giờ dám đi tái khám, dù cho có những lần răng mọc đau vật vã đến mấy ngày. Nhưng vì năm 2016 là năm của sự dũng cảm, tôi quyết định nói lời tạm biệt với cả 4 em răng. Mổ răng chiều hôm trước, sáng hôm sau tôi vẫn đi học được bình thường, mặt sưng vuông góc hệt như cái bánh chưng 😷. 2 tuần sau, chồng tôi cũng đi mổ lấy 3 cái răng khôn. Hai vợ chồng đúng là chỉ còn biết “rau cháo nuôi nhau” suốt một tháng.
Tháng 7: Cho ra mắt blog The Present Writer!Đây có lẽ là quyết định dũng cảm nhất trong năm vì sau rất rất rất nhiều năm, tôi mới có thể đối diện với những nỗi sợ hãi vô hình của mình để mở lòng chia sẻ với người khác. Cho tới tận ngày hôm nay (sau khi đã viết blog được gần nửa năm), tim tôi vẫn đập thình thịch mỗi khi nghĩ đến việc ngày ngày có từ mấy trăm đến mấy ngàn người lên đọc những gì tôi viết, biết và bình luận những gì tôi chia sẻ. Blog có ý nghĩa rất cá nhân và sâu sắc đối với tôi.
Tháng 9: Bài báo lớn đầu tiên của tôi được đăng trên tạp chí khoa học. Đây là kết quả của 2 năm rưỡi miệt mài lao động, bao gồm 3 tháng thu thập dữ liệu, 1 năm nghiên cứu và xử lý dữ liệu, và hơn 1 năm nữa viết và sửa bài báo. Rất nhiều mồ hôi, nước mắt, và nhiều đêm thức trắng. Tôi biết ơn người đồng tác giả của tôi, những người tham gia dự án, và những người bạn đã động viên tôi trong suốt quãng thời gian theo đuổi đề tài. Có được xuất bản đầu tiên này, tôi cảm thấy vững tin hơn để theo đuổi con đường học thuật phía trước.
Tháng 11-12: Mua vé máy bay về Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tôi về Việt Nam trong thời gian dài (khoảng 3 tháng) để làm nghiên cứu cho đề tài tốt nghiệp. Vừa phải thi hết môn cho 5 khoá học, vừa chuẩn bị cho chuyến đi về Việt Nam, và vừa lo sắp xếp các công việc tại Mỹ, mọi chuyện cứ đổ dồn, rối beng lên trong những tháng cuối năm 2016. Cũng không hiểu bằng cách nào và với thời gian ở đâu, tôi vẫn có thể viết blog đều đặn mỗi tuần một bài 😅. Nhưng cứ dũng cảm tiến tới, cứ nhắm mắt mà đi, cứ tin là mình rồi sẽ đến đích, tôi cũng đi được đến hết những tháng ngày bận rộn nhất của năm 2016.
Cám ơn năm 2016 – một năm của “dũng cảm”! Tôi mong muốn năm 2017 sẽ là năm của “hiện tại” (“be present”) – một năm tôi có thể sống chậm đi hơn một chút và bình tâm tận hưởng những khoảnh khắc nhỏ bé của cuộc sống.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI!
Ngày 27/1/2017
30 Tết!!!! Ngày 30 của mọi người như thế nào rồi? Tôi vừa hoàn thành xong nhiệm vụ to lớn nhất được “Đảng và Nhà Nước” (Bố và Mẹ) giao cho là dọn nhà nên mới online một chút. Đúng lúc The Blue Expat đưa lên podcast ngắn kỳ này có đóng góp nho nhỏ của mình (link). Bạn đọc nghe mình trả lời câu hỏi: “Tết này bạn muốn gặp ai nhất?” cùng với các bạn Việt expat ở các nơi trên thế giới nhé!
Đây là podcast đầu tiên của Việt Nam mà tôi được biết, được làm bởi người rất có tâm, với giọng nói vô cùng truyền cảm! Năm tới tôi quyết tâm sẽ ngậm đá luyện giọng để nói được chậm và rõ chữ như bạn ấy!
Chúc mọi người một tối Tất niên vui vẻ, ấm cúng, nhiều món ăn ngon! Cám ơn mọi người đã theo dõi blog trong nửa năm vừa qua. Các bạn luôn là nguồn động lức và truyền cảm hứng cho tôi!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Cảm ơn chị Chi. Vì mỗi bài viết lại tạo nên động lực cho em 😀 và vì đọc Present Writer đã thành thói quen hàng tuần 😀
Cám ơn em nhiều! Chị sẽ cố gắng viết đều để mỗi tuần em có bài mới đọc 😀