“Mini Posts” là chọn lọc các bài viết ngắn được yêu thích nhất trên Facebook và Instagram của blog (dựa trên lượt like, comment, share). Mục đích của “Mini Posts” là đồng hành với các bài viết chính trên blog và cập nhật cuộc sống hàng ngày của tác giả Chi Nguyễn.
Mini Post #8 tổng hợp các bài ngắn nhưng sâu sắc, được viết trong những tháng cuối năm 2017. Thời gian này tôi phải đối mặt với nhiều áp lực và chính những áp lực này buộc tôi nhìn lại bản thân mình và những gì đã qua trong năm 2017 (23/11 – 31/12/2017).
23/11/2017: Hướng nội & Network
Đây là bức ảnh tôi chụp được từ tầng 2 một quán bar trong buổi tiệc chiêu đãi (reception) của hội thảo. Tất cả những người trong ảnh này đều là học giả đầu ngành hoặc những người mong muốn trở thành học giả (như tôi và nhiều nghiên cứu sinh khác). Đối với nhiều người, đặc biệt những ai trong ngành truyền thông hay kinh doanh, bức ảnh này nói lên cơ hội tuyệt vời để network, để giới thiệu bản thân, để làm quen với những người quan trọng, để tìm kiếm cơ hội mới. Nhưng đối với một người hướng nội như tôi, bức ảnh này toát lên sự đông đúc, ngột ngạt, cạnh tranh, mệt mỏi. Tôi cảm thấy đây là một nơi mà mình không thuộc về.
Đừng hiểu lầm ý tôi, tôi biết đây là cơ hội tuyệt vời để network. Nhưng network không đến dễ dàng và tự nhiên đối với những người hướng nội. Rất nhiều lần tôi tránh tiệc chiêu đãi hoặc bỏ về từ rất sớm hoặc đến nhưng chỉ nói chuyện với những người tôi biết. Vì ở một không gian đông đúc và ồn ã như thế này, tôi thường cảm thấy lạc lõng và mỏi mệt — mọi năng lượng hầu như bị hút cạn. Nhưng năm nay, đối với tiệc chiêu đãi này, tôi cảm thấy mình đã nhận ra cách để network hiệu quả cho bản thân tôi — và có thể áp dụng cho những người hướng nội khác.
Thứ nhất, là người hướng nội, bạn phải có sự chuẩn bị kỹ về thời gian và kiến thức trước cuộc gặp gỡ. Khác với những người hướng ngoại có thể di chuyển nhanh từ việc này sang việc khác, bắt chuyện dễ dàng, tìm ra chủ đề chung chỉ sau vài câu xã giao. Người hướng nội trước khi bước vào nơi đông đúc như thế này cần thời gian và năng lượng lớn (tôi thường ăn uống đầy đủ trước khi đi và đến địa điểm sớm hơn để bản thân làm quen tốt hơn với không gian mới). Để có thể bắt chuyện dễ dàng hơn và hiệu quả, người hướng nội nên tìm hiểu trước những ai tham gia tiệc, những ai mình muốn bắt chuyện, họ là ai, họ và mình có những điểm chung gì (tôi luôn xem trước danh sách những người tham gia và Google hồ sơ của một số người tôi cần gặp trước).
Thứ hai, nói chuyện càng lâu thì người hướng nội sẽ càng cảm thấy năng lượng mình hụt dần đi (trong khi người hướng ngoại cảm thấy phấn chấn hơn). Vì vậy, người hướng nội có thể chủ động kết thúc cuộc nói chuyện trước, cảm ơn lịch sự, và xin tiếp tục nói chuyện tiếp qua email sau (nên trao đổi danh thiếp). Tôi thường dùng cách này khi giao tiếp với những người bận rộn vì bản thân họ cũng cần network và mình không nên chiếm quá nhiều thời gian của họ; trừ khi cuộc nói chuyện quan trọng và có thể kéo dài lâu hơn bình thường.
Thứ ba, ngừng so sánh bản thân với người khác! Trước đây, mỗi lần cảm thấy lạc lõng giữa đám đông, tôi thường nghĩ: “Sao bạn A bạn B có thể tự tin nói chuyện với người mới quen nhanh đến vậy? Tại sao tôi lại cảm thấy khó khăn đến thế? Có phải vì hướng nội? Vì tiếng Anh? Vì văn hoá? Vì yếu kém của tôi?” Nhưng đến năm nay, sau khi đã thoải mái hơn với việc giao tiếp trong đám đông, tôi nhận ra rằng tất cả mọi người, kể cả người hướng ngoại, kể cả người bản địa, họ đều cảm thấy lạc lõng ít nhiều. Ai cũng phải thúc đẩy bản thân để gặp người mới. Ai cũng mệt mỏi khi phải gào lên để nói chuyện trong không gian ồn ào. Và ai cũng phải qua luyện tập, quen biết từ nhiều lần network trước mới cảm thấy thoải mái hơn được. Vì vậy, hãy tạm “tắt” chức năng quan sát và so sánh không ngừng của người hướng nội lại để tự tin network.
Tôi nghĩ mình đã làm rất tốt trong buổi tiệc chiêu đãi, nơi tôi chụp tấm hình này. Đây cũng là lần đầu tiên mà tôi không cảm thấy hồi hộp, lo âu khi network với những học giả lớn; đa số thời gian, tôi hoàn toàn bình tâm, thả lỏng, tự tin — một điều trước đây tôi khó có thể đạt được. Nhưng thành thật mà nói, bước ra khỏi buổi Tiệc và bước ra khỏi Hội thảo, tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi cần tới không chỉ vài tiếng mà thậm chỉ vài ngày yên tĩnh để phục hồi lại năng lượng và quay lại nhịp độ hàng ngày. Thực tế vẫn là thế giới xoay vần theo những người hướng ngoại. Và những người hướng nội cần phải cố gắng nhiều hơn để làm những điều mà người hướng ngoại cho là bình thường.
Nhưng vốn là một người hướng nội từng thay đổi bản thân hoàn toàn để trở thành hướng ngoại (và đã thành công, trong rất nhiều năm!), tôi quyết định quay trở về với xu hướng tự nhiên của mình là hướng nội trong khoảng 4 năm trở lại đây và tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định này. Hướng nội có lẽ là một trong những món quà tuyệt vời nhất tạo hoá đã dành cho tôi. Nó khiến tôi thu mình, kỳ cục, lạc lõng giữa đám đông. Nó khiến tôi không nổi bật, không khéo léo, không cạnh tranh được như nhiều người. Nhưng nó cũng khiến tôi có những suy nghĩ đa chiều sâu sắc, nó khiến tôi tìm được nhiều khoảng lặng cần thiết, nó khiến tôi biết được năng lượng của mình đang ở đâu. Nhưng quan trọng hơn, với tất cả điểm tốt và xấu, nó khiến tôi là tôi, là chính tôi
Ngày 25/11/2017: Quiet (Susan Cain)
Vài ngày trước, tôi có chia sẻ một bức ảnh chụp buổi networking sau hội thảo và viết về suy nghĩ và kinh nghiệm của tôi để networking không quá là “thảm họa” cho những người hướng nội (bài viết phía trên). Rất nhiều bạn đọc quan tâm đến bài viết này và có liên hệ hỏi tôi tài liệu để tìm hiểu thêm về hướng nội/hướng ngoại. Tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này và còn rất nhiều điều phải học để hiểu về bản thân tôi, một người có tới 70% hướng nội. Nhưng gần đây, cuốn Quiet (Im Lặng) của Susan Cain giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về ĐIỂM MẠNH của tính cách hướng nội và cách để có thể nhấn mạnh điểm mạnh này, tìm con đường đi trong một xã hội tôn sùng sự hướng ngoại. Cuốn sách này từng được dịch ra tiếng Việt với tiêu đề “Hướng Nội”. Nhưng nếu bạn có điều kiện, rất nên đọc bản gốc tiếng Anh và nghe bài nói của Susan Cain trên Ted Talk.
Hôm nay, sau khi đọc được khoảng 2/3 cuốn sách, tôi xem lại bài Ted Talk và vẫn thấy được truyền cảm hứng như lần đầu tiên xem. Đặc biệt, tôi bắt gặp một bình luận rất đáng suy ngẫm của tài khoản tên là Michelle Ridnour dưới đây (lược dịch):
“Tôi là một người hướng ngoại, lại cưới một người hướng ngoại nữa, nhưng con gái tôi là người hướng nội. Tôi từng lo rằng con bé bị trầm cảm. Tôi tự hỏi tại sao nó không tiệc tùng rồi giao lưu với mọi người, giờ tôi đã hiểu. Tôi từng làm con bé phát điên bằng cách không ngừng đặt câu hỏi: “Có gì không ổn vậy con?” và rồi nó giận dữ bởi vì CHẲNG CÓ GÌ là không ổn cả. Con gái tôi nay đã 18 tuổi, là một người tốt bụng và sống có trách nhiệm. Con bé làm những việc nó yêu thích và tôi yêu nó rất nhiều. Tôi cảm phục con bé hơn nữa bởi vì nó đang làm những điều làm cho nó hạnh phúc, thay vì phải cố gắng trở thành một ai khác đi. Điều hối tiếc nhất của tôi là đã không biết về hướng nội và không đọc cuốn sách của Susan Cain sớm hơn. Giá như tôi biết được những điều này sớm hơn, tôi đã hiểu con gái tôi nhiều hơn và tâm tôi cũng bình an hơn. Tôi cũng là một giáo viên và sau khi đọc cuốn sách này, tôi nhìn những học trò bé nhỏ có tính cách hướng nội hoàn toàn khác. Tầm nhìn của tôi thực sự được mở mang rất nhiều”
Bình luận này làm tôi muốn được nghiên cứu thêm về giáo dục ở gia đình và nhà trường. Liệu chúng ta có đang đối xử đúng với trẻ em và thanh thiếu niên hướng nội?
Ngày 20/12/2017: Bất an
Suốt cả cuộc đời, tôi luôn cảm thấy mình đang chạy đuổi theo một cái gì đó — với suy nghĩ rằng nếu có thứ đó trong tay, tôi sẽ cảm thấy “an toàn”. Khi còn học phổ thông, đích đến luôn là cổng trường Đại học. Tranh đấu giành giải học sinh giỏi hay vùi đầu vào các tập đề luyện thi, tất cả cũng chỉ vì suy nghĩ: “Giờ chịu khó một chút, đến khi vào được Đại học rồi mọi chuyện sẽ ổn”. Nhưng rồi vào Đại học được rồi lại phải nghĩ thi đủ điểm tiếng Anh để được lên học chuyên ngành, rồi thi môn này môn kia đạt điểm cao để có tấm bằng đẹp và không còn phải phấp phỏng lo âu về việc làm nữa. Rồi tốt nghiệp Đại học xong, may mắn có một công việc tốt nhưng sáng đi làm, tối về lại làm hồ sơ cao học nước ngoài. Cuộc sống ở Việt Nam khi đó cũng cho tôi nhiều thất vọng, bí bức, nhưng tôi nghĩ: “Thôi không sao cả. Đến khi được đi du học cuộc đời sẽ sang trang khác, mọi thứ sẽ ổn”. Rồi cơ hội đi du học cũng đến, và lo lắng mới cũng đến theo. Việc học Thạc sĩ đã rất vất vả rồi, nhưng nỗi lo về tài chính và cơ hội học Tiến sĩ còn lớn hơn. Có những lúc stress quá, tôi từng viết ra hàng trang giấy như thế này: “Nếu nhận được học bổng, mình sẽ trở thành người như thế này … mình sẽ làm việc như thế kia … cuộc sống của mình sẽ đổi thay như thế nọ …” để tưởng tượng về một tương lai “an toàn” trước mắt, thay vì cảm thấy bị trói buộc bởi hoàn cảnh bấp bênh hiện tại. Khi nhận được tin có học bổng toàn phần, tôi cảm thấy gánh nặng ngàn cân được trút bỏ. Và cảm giác “an toàn” ấy cũng đến, và kéo dài được … khoảng 30 phút (!)
Những năm gần đây, tôi học cách chế ngự cảm giác lo lắng của mình, tìm cách sống chung với sự “không an toàn”, và dùng nó làm động lực để làm việc hiệu quả hơn, thay vì sợ hãi và stress vì nó. Tôi nhận ra những lúc mình cảm thấy không an toàn: khi bỏ tâm huyết vào một việc quan trọng mà không thấy hồi đáp, khi nhận ra mình thực sự không hiểu biết nhiều như mình nghĩ, khi nhận được chỉ trích, và gần đây nhất, khi nghĩ về tương lai. Những lúc như thế, tôi thường dừng mọi việc mình đang làm lại, hít vào một hơi thật sâu sự biết ơn, và thở ra thật nhiều sự kỳ vọng. Tôi cố gắng tập trung nghĩ về những việc mình đã làm được, trân trọng những gì mình đang có, và nỗ lực thay đổi những gì mình có thể thay đổi được. Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng nó dễ thương và bình yên hơn ta thường mường tượng.
Trường lớp, cuộc sống, sách self-help dạy ta phải luôn nhìn về phía trước, phải không ngừng thay đổi, phải làm điều gì đó thật lớn lao. Đây có thể là “liều thuốc” cần thiết cho những người cảm thấy lười nhác, ì trệ, thiếu chí tiến thủ… Nhưng với những người luôn nỗ lực hết sức mình (và hơn thế nữa), cần lắm một vài phút giây ngơi nghỉ, nhìn lại con đường mình đã qua, khẳng định lại những gì mình đã làm, và yêu bản thân hơn chút nữa. Câu nói: “Mọi thứ sẽ ổn” chỉ thành sự thật khi bản thân hoàn toàn tin tưởng vào điều đó. An toàn là ở chính nơi đây. Đừng sợ!
Ngày 30/12/2017: Bài học lớn nhất năm 2017
Tôi chưa bao giờ là mẫu người của gia đình. Nhỏ-không, lớn-không, chưa chồng-không, có chồng-cũng không nốt. Năm 19 tuổi, tôi sang Mỹ lần đầu tiên. Mọi người ai cũng hỏi: “Con có nhớ nhà không? Có nhớ ba, nhớ mẹ, nhớ anh chị, họ hàng không? Có khóc không?” Thành thật mà nói, thương thì có, nhưng nhớ thì không. Thương ba mẹ chắt chiu rồi lo lắng nhiều cho mình tuổi nhỏ mà đi xa. Liên lạc ngày đó cũng không được thông suốt, dễ dàng như bây giờ, nên nhận được cái email từ nhà, viết: “Đọc được vài dòng của con vậy là ba mẹ yên tâm rồi” là thấy thương lắm. Nhưng không nhớ đâu, đi nhiều lại càng thấy mình cần đi xa hơn, đi lâu hơn nữa để mở rộng tầm mắt, để học thêm những điều mới. Mà có thể trời thương, ban cho cái tính như vậy để có thể đi xa mà không thấy day dứt trong lòng.
Bởi vậy, khi xác định năm 2017 là năm của công việc, đồng nghĩa với việc cắt đi một phần sự tập trung vào gia đình, tôi biết đây không phải là quyết định quá khó khăn. Thế nhưng, điều ngạc nhiên nhất lại là: Chính năm 2017 đã dạy cho tôi bài học lớn nhất về giá trị gia đình. Tháng 3/2017, khi khí thế làm việc còn đang hừng hực, tôi gặp một bác giáo sư lớn tuổi để hỏi về công việc. Nhưng lời khuyên lớn nhất của bác cuối cùng lại là, “Việc có thể bỏ. Không làm việc này ta làm việc khác. Nhưng gia đình thì khác. Ta sẽ luôn bị ‘kẹt’ với gia đình. Những gì ta không thể làm cho gia đình ở thời điểm này, ta sẽ phải giải quyết hậu quả ở những thời điểm sau”. Câu nói của bác ở lại trong tôi rất lâu, suy cho cùng thì thành công hay thất bại trên đường đời, cái chúng ta còn lại là gì?
Hai tháng sau (5/2017), nhận được khoản tiền học bổng nhỏ, chỉ vừa đủ mua một chiếc vé khứ hồi về Việt Nam, tôi vẫn quyết định lên máy bay về nhà trong 2 tuần. Về một cách âm thầm. Về để có thể dành thời gian nhiều nhất cho gia đình và cho những việc có ý nghĩa (thay vì về chỉ để “thưa, gửi, dạ, vâng”, chiều lòng người này, đón ý người kia, để làm những việc “phải làm”- chứ không phải là những việc “muốn làm”). Hai tuần, chính xác là 13 ngày này, đã cho tôi cái nhìn sâu sắc hơn về gia đình. Gia đình, về bản chất là phức tạp. Sẽ không bao giờ có một gia đình nào hoàn hảo ở mọi khía cạnh. Đã là gia đình thì sẽ có lúc này, lúc khác; có người này, người kia. Và đúng như bác giáo sư nói, chúng ta đều bị “kẹt” lại với gia đình. Bởi vậy, ta bắt buộc phải học cách chấp nhận lẫn nhau, yêu thương nhau vô điều kiện, và nhất là, học cách tha thứ cho nhau. Gia đình, có thể không phải lúc nào cũng là “chốn bình yên”, nhưng chắc chắn là “nơi đi về”.
Tháng 6/2017, ba mẹ tôi sang Mỹ. Đây là lần đầu tiên của rất nhiều thứ. Lần đầu tiên tôi bay cùng ba mẹ (ở tuổi 28!). Lần đầu tiên ba mẹ tôi đến thăm nơi tôi ở. Lần đầu tiên tôi dẫn đường, phiên dịch, làm thủ tục nhập cảnh cho người khác. Cảm giác nhìn ngắm cành cây, ngọn cỏ mình ngày nào cũng đi qua mà hôm nay có ba mẹ mình cũng ngắm thật là… vô cùng khó tả. Tôi nhận ra rồi mình cũng đã lớn; một ngày nào đó mình sẽ biết nhiều hơn ba mẹ (ở một vài mảng nào đó), còn ba mẹ một ngày nào đó sẽ phải dựa vào mình nhiều hơn. Vị trí của cả hai dường như bị đánh tráo. Điều này có lẽ người làm con nào cũng đã ít nhiều ý thức trong đầu, nhưng không phải ai cũng có thể trải nghiệm thực tế như thế ở tuổi 20. Tôi biết ơn trải nghiệm này rất nhiều, và nó khiến tôi muốn trưởng thành nhanh hơn một chút nữa.
Tháng 7/2017, chú mèo ba tuổi của vợ chồng tôi, Friday qua đời vì bệnh ung thư. Ngôn từ không thể kể hết áp lực, căng thẳng, lo lắng đè nặng lên chúng tôi như thế nào trong hai tháng Friday đổ bệnh. Không biết bao nhiêu lần chầu chực ở bệnh viện, không biết bao nhiêu đêm tỉnh dậy xem mèo có còn không, không biết bao lần hy vọng rồi lại thất vọng… Nhưng cũng không biết bao nhiêu cái nắm tay chặt, những cái ôm thật lâu, những cuộc đối thoại từ tận trái tim mà tôi và Joe có với nhau trong những ngày khó khăn của tháng bảy ấy. Chúng tôi nhận ra rằng kết hôn chỉ là kết hôn thôi, còn lập gia đình lại là một quá trình, sẽ không ai dạy cho mình cả nhưng mình vẫn phải học, học hàng ngày. Học không phải ở chỗ ai nấu ăn cho ai, ai rửa bát cho ai, ai nhớ ai, ai thương ai, ai là người của gia đình, ai là người của xã hội… mà học là để dù cho vợ chồng có là ai đi chăng nữa, có làm gì đi chăng nữa, gia đình vẫn phải là gia đình.
Bốn tháng từ 8-11/2017, tôi một lần nữa đổ dồn mọi sự tập trung vào công việc, để bù đắp một mùa hè (một cách không định trước) bận rộn vì việc gia đình. Vốn là người của công việc, tôi dường như không có vấn đề gì trong việc “đạp chân ga, lên số, phóng toàn lực về phía trước” (như cách một người bạn học từng nói về tôi) trong 3 tháng đầu. Nhưng đến tháng thứ 4, tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Đặc biệt, vào tháng cuối, khi Joe có việc gấp phải về Florida làm việc, tôi ở nhà một mình và dường như không còn một “cột mốc” nào rõ ràng để phân biệt giờ làm việc và giờ nghỉ ngơi nữa. Mọi thứ cứ đan xen vào nhau, cộng thêm công việc không được suôn sẻ như kỳ vọng, khiến cho tôi ngày càng cảm thấy bất an, kiệt sức. Rất may, can thiệp kịp thời của tư vấn tâm lý từ những ngày cuối tháng 11 khiến cho tôi bình tâm trở lại.
Những ngày cuối năm 2017 này, tôi dành tới hơn 3 tuần ở nhà bố mẹ chồng ở Florida, rời xa chiếc bàn làm việc quen thuộc, con đường đến trường hàng ngày, góc ban công ngày nào cũng ngồi học nhìn ra tuyết rơi… Những ngày này càng làm cho tôi thấm thía hơn sự kết nối của mình với gia đình. Tôi vẫn không phải là mẫu người của gia đình, trước không, nay không, và có thể tương lai cũng không. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không có kết nối sâu sắc với gia đình và không có phương thức thể hiện tình cảm theo cách riêng của tôi. Những ngày này làm cho tôi nhận ra rằng có những chuyện bên ngoài mình cảm thấy là to tát, tưởng chết đi-sống lại được, nhưng bước vào sau cánh cửa gia đình rồi thì chúng lại trở nên bé nhỏ. Những chuyện tưởng như đơn giản, nhàm chán như cơm nấu ba bữa, quần áo giặt hàng ngày, dắt chó ra vườn… trở thành một chu trình ổn định — ổn định hơn nhiều so với xã hội hỗn loạn, khó đoán định bên ngoài. Chính sự ổn định này tạo ra cảm giác bình yên. Bởi vì, ta biết dù mình có thất bại, có bầm dập ngoài xã hội như thế nào, nếu ngày mai tỉnh dậy vẫn có bố, có mẹ, có gia đình thì đó đã là một ngày may mắn rồi.
Những ngày này tôi cũng dành thời gian biên tập cuốn sách đầu tay (“Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”) và nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ ba mẹ tôi tại Việt Nam – những người đã có kinh nghiệm hơn 30 năm làm công tác biên tập — để nhặt lỗi sai từ câu từ, diễn đạt đến đánh máy, chấm phẩy, dàn trang… Cùng làm công việc này, dù cách nhau 12 tiếng và nửa vòng trái đất, tôi vẫn cảm nhận được sự kết nối về trí tuệ và bản năng viết lách đến khó tin giữa chúng tôi. Tôi, cho tới cùng, vẫn là con gái của ba mẹ tôi. Sự kết nối sẽ luôn hiện hữu trong từng con chữ tôi viết ra, từng dòng suy nghĩ tôi thoáng qua, và từng nhịp bước chân tôi đi trên đường đời.
Cảm ơn 2017 vì bài học lớn nhất về gia đình. Chúc mọi người một năm 2018 an lành và hạnh phúc bên gia đình!
Một số bài viết liên quan:
1. Bận rộn để sống: https://thepresentwriter.com/ban-ron-de-song/
2. 13 ngày ở Việt Nam: https://www.facebook.com/PresentWriter/videos/1410535945659770/
3. Từ khi không có Friday: https://thepresentwriter.com/tu-khi-khong-co-friday/
4. Một chuyến phiêu lưu của tâm hồn: https://thepresentwriter.com/mot-chuyen-phieu-luu-cua-tam-h…/
5. Suy nghĩ về cuốn sách đầu tay:https://thepresentwriter.com/minimalism-change-nhung-suy-ng…/
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Form Your Soul says
Em cảm ơn chị Chi nhé. Càng đọc nhiều bài viết của chị, em càng thấy chị là người rất sâu sắc. Chúc chị một năm mới nhiều thành công, hạnh phúc và bình yên trong tâm hồn chị nhé.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em! Chúc Form Your Soul năm mới nhiều bài viết hay hơn nữa nhé!
Trần Thanh Phương says
Bài viết hữu ích quá chị ơi :3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Hương! Chị có thu nhận góp ý của em vài tuần trước và giảm những chỗ in đậm trong bài 🙂 Cảm ơn em lần nữa đã góp ý nhé!
Vi says
Thật tình cờ là những ngày cuối năm 2017, Vi cũng tiếp cận idea về người hướng nội của Susan Cain và cũng muốn viết về chủ đề này. Đặc biệt là khóa leadership của V lại rất quan tâm phân tích những nhà lãnh đạo hướng nội.
Hy vọng là Chi sẽ được năm 2018 ưu ái với nhiều trải nghiệm thú vị và nhiều niềm hạnh phúc.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Vi! Chi cũng đang đọc thêm nhiều sách về leadership kết hợp với personality psychology để hiểu hơn về hướng đi của mình. Nếu Vi đọc được sách gì hay giới thiệu cho Chi với nhé! <3
Xiwang says
Đây có lẽ là 1 trong những mini posts nhiều cảm xúc nhất của Chi. Đoc mà thấy rưng rưng quá. Chúc Chi luôn giữ một tâm hồn nhiều màu sắc như vậy nha <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn. Chi đọc lại cũng thấy rưng rưng. Những tháng cuối năm bao giờ cũng là thời gian để ta ngẫm nghĩ. Hy vọng năm mới sẽ an lành và nhẹ nhàng hơn.
Đặng Kim Thanh says
Tôi nghĩ bạn là người hướng nội mang tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm (là do thiên bẩm) nhưng có tác phong làm việc của người làm khoa học (là do tự thân rèn luyện). Chính nhờ tổng hòa của những phẩm chất ấy mà chúng tôi mới nhận được những bài viết chia sẻ của bạn như bấy lâu. I love you.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn nhiều vì sự đồng cảm! Mình đang học thêm nhiều về cách làm việc khoa học cho nhiều kiểu tính cách (bản thân chồng mình là người hướng ngoại nên nhiều phương pháp mình nêu ra anh ấy không thực hiện được triệt để). Hy vọng trong tương lai mình có thể viết bài cập nhật về phương pháp làm việc cho những kiểu người khác nhau
Ngoc Lan says
Chào chị Chi, gửi chị lời chúc một năm mạnh khỏe và thành công !
em đã từng đọc nhiều bài viết của chị về cuộc sống cũng như công việc của chị, nhưng cũng 1 thời gian rồi e không quay lại để đọc những bài mới, vì em quá bận với cv và học hành của mình thôi. hôm nay chị gái em ở nước ngoài có nhắn về là tìm mua cuốn sách mới của chị viết về chủ nghĩa tối giản. Vậy là em click vô trang blog của chị đọc về nó, và một số bài viết mới mà em bỏ sót. Oa em như tìm thấy chính mình trong bài viết này của chị, chị Chi a. em là một người hướng nội hoàn toàn, thích đọc sách và thu mình vào phòng tận hưởng không gian riêng của mình. Hơn thế nữa em cũng gặp các vấn đề mà chị đã từng gặp, đó là bất an, là sự không an toàn. Khi em loay hoay đi tìm một cuộc sống mới mà em cho là tốt đẹp hơn cuộc sống và công việc ở quê em đang làm. giờ đây, em đã gần chạm tới điều đó, nhưng em vẫn có cảm giác bất an và nuối tiếc những gì đã bỏ qua. phải chăng em chưa đủ mạnh mẽ ? Em theo đuổi học bổng toàn phần và đã đạt được nó, em vẫn cần phải học thêm ngoại ngữ để đạt yêu cầu của trường thì mới chính thức là được đi du học ( sau 1 năm nếu không đạt thì e vẫn bị out bình thường) . khi nhận được kết quả học bổng em vui mừng và quả quyết rằng mình phải đi thôi, mình đã ở đây và trì trệ 4 năm sau khi ra trường rồi. Vậy là em đi, cảm giác này kéo dài được khoảng 1 tháng. khi e gặp nhiều khó khăn trong học tập, choáng ngợp trước kiến thức, tự ti với bạn bè cùng học vi các bạn học giỏi quá và cả nỗi lo về gia đình khi chỉ còn mỗi mẹ già. Em cứ loay hoay trong vòng tròn của mình mãi không thoát ra được, em sợ rằng em cứ nửa chừng thế này thì em sẽ không đạt được điều gì cả. e phải làm sao để sốc lại tinh thần đây chị và vực dậy niềm hứng thú học tiếng anh. Chị có thể cho em lời khuyên cũng như giới thiệu cuốn sách nào đó giúp em trong hoàn cảnh này không?
Em cảm ơn chị thật nhiều
Chi Nguyễn says
Chào em! Chúc mừng em đã nhận được học bổng toàn phần – một điều mà hàng triệu người mơ ước! Chị nghĩ em không cần thêm nhiều lời khuyên nào to tát nữa vì có vẻ như em đã nhận ra vấn đề hiện nay của mình rồi. Em hay lo lắng, cảm thấy mình “not good enough”, so sánh mình với người khác, và không cảm thấy yên tâm với thành công của mình. Với những điều như thế này, chị nghĩ em có thể tìm thấy những bài tập về tư duy tích cực hữu ích ở series này trên blog: https://thepresentwriter.com/category/lam-sao-de-toi-uu-hoa-cuoc-song/tu-duy-tich-cuc/. Nếu em có ý định đọc “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”, chị có biên tập, cô đọng, và phát triển thêm series này vào một chương có tên là “Tư duy” trong sách. Hy vọng là những gì chị chia sẻ sẽ giúp được em. Nội lực là ở bên trong. Em hãy tin là mình sẽ làm được! — Chúc em nhiều may mắn — Chị Chi
Cát Lợi says
cảm ơn chị Chi vì những bài viết rất thú vị,em luôn tìm thấy mình trong những bài viết của chị,bài viết mà chị nhắc đến người hướng nội làm em đồng cảm quá,em đã cố quyết tâm biến mình thành người hướng ngoại,rồi lại cảm thấy việc phải gồng mình lên thật mệt mỏi,thế là lại thu mình lại, sống như bản thân mình vốn có,rồi lại day dứt với chính bản thân rằng mình không cố gắng thay đổi,em cứ loanh quanh như thế đấy,không hiểu được chính mình,
huhu
Chi Nguyễn says
Không việc gì phải huhu em ơi :D! Hướng nội là một món quà! Em cứ sống là mình và tìm ra cho mình con đường riêng giữa hướng nội và hướng ngoại. Nếu cả thế giới không hiểu em thì cứ tin là có chị (70% hướng nội) đây hiểu em nhé! Cố lên!
Panda says
Chào chị Chi, em cảm ơn chị vì bài viết này, một thời gian rất dài đến tận 23 tuổi em vẫn kiên quyết cho rằng mình là một người hướng ngoại để rồi gặp thất bại rất nhiều trong việc network cũng như thất vọng trong việc xác định bản thân là ai và nên làm gì. Đọc xong Mini post này em như được giải tỏa rất rất nhiều thứ mà không nghĩ rằng đến với mình một cách tình cờ như vậy. Tìm được một khoảng lặng trong tâm trí để nhìn lại, tìm được một quyển sách để thấu hiểu hơn về bản thân, và tìm được một người có nhiều điểm tương đồng để cảm thấy mình không đơn độc, em cảm ơn chị rất nhiều.
Mặc dù bài post này khá lâu rồi nhưng em mong chị sẽ đọc được những dòng này ạ.
Chúc chị một ngày bình an.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã chia sẻ với chị. Chị đang viết Mini Post #13 để đăng trong vòng 12 tiếng sắp tới nên đọc được comment của em trên Mini Post #8 chị rất vui. 🙂
Aster says
Chào chị Chi, đây là lần đầu tiên em ghé thăm blog của chị, thật sự nơi này cứ như thỏi nam châm vậy , em cứ bị hút bởi sự chân thành, nhẹ nhàng nhưng rất tâm huyết mà chị dành cho từng bài viết. Đọc hết bài này lại đến bài khác , em chẳng thể dừng lại được huhu. Và giờ em đã phát hiện ra em có một siêu năng lực đó là “siêu thích Chi”.
Chi Nguyễn says
Comment dễ thương quá! Cảm ơn em nhiều vì đã ghé blog <3