“Mini Posts” là chọn lọc các bài viết ngắn được yêu thích nhất trên Facebook và Instagram của blog (dựa trên lượt like, comment, share). Mục đích của “Mini Posts” là đồng hành với các bài viết chính trên blog và cập nhật cuộc sống hàng ngày của tác giả Chi Nguyễn.
Mini Post #7 tổng hợp các bài viết ngắn trong khoảng thời gian “sống chậm” của tôi ở Pennsylvania. Sau một mùa hè nhiều sự kiện dồn dập, tôi cố gắng giành lại sự cân bằng nhất định trong cuộc sống, trong khi vẫn tiếp tục theo đuổi lịch làm việc nhiều sức ép của những dự án mới (8/9/2017 – 28/10/2017). Bài viết này chủ yếu xoay quanh những suy nghĩ tản mạn của tôi về bản thân và cuộc sống.
Ngày 8/9/2017
Buổi sáng.
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Có những buổi sáng tỉnh dậy với một nụ cười. Cuộc sống thật tươi đẹp, tương lai đầy hứa hẹn, yêu tất cả mọi người.
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Có những buổi sáng tỉnh dậy với mây đen trên đầu. Cuộc sống thật khó khăn, quá nhiều việc phải làm, tương lai thì vô định, lòng người càng khó đoán.
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Có những buổi sáng tỉnh dậy với bình yên. Trái đất vẫn quay. Dòng đời vẫn chảy. Không cuộc sống nào là hoàn hảo cả. Đổi thay là bình thường.
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Nhìn về tương lai, nghĩ về hiện tại, nhớ đến quá khứ. Mỗi một ngày mới lại là một điểm khởi đầu.
Ngày 6/10/2017
Bài phỏng vấn đầu tiên về viết lách
Bạn Nha Trang, một bạn đọc của blog và người viết cho makeitnoise.com đã làm một bài phỏng vấn khá thú vị và nhẹ nhàng với tôi về viết lách, có tiêu đề: “Viết và viết là cách duy nhất để viết tốt hơn”. Bài phỏng vấn này cũng nhằm trả lời một số câu hỏi các bạn muốn làm blog từng hỏi tôi qua email hay tin nhắn cá nhân. Phía cuối bài còn có thêm phần Q&A hỏi nhanh-đáp nhanh về sở thích và thói quen viết lách của tôi 😀
Toàn bộ nội dung bài phỏng vấn có thể đọc tại đây. Phía dưới là trích đoạn trả lời của tôi ở 3 câu hỏi mà nhiều người có vẻ quan tâm nhất:
Hỏi: Thời gian đầu viết blog Chi cảm thấy như thế nào? Cuộc sống của bạn có thêm blog thì có thay đổi nhiều không?
Đáp: Thời gian đầu viết blog tôi cảm thấy vừa hứng khởi, vừa bất an. Tôi hào hứng bắt đầu một dự án mới – xây dựng một “ốc đảo” riêng để thể hiện sự sáng tạo của bản thân bên ngoài thời gian làm nghiên cứu khoa học. Nhưng tôi cũng cảm thấy lo lắng vì đây là lần đầu tiên tôi chia sẻ những câu chuyện rất cá nhân trên một diễn đàn mở như vậy (tôi viết cả về thành công lẫn thất bại, cả những kỷ niệm vui lẫn kỷ niệm buồn); tôi không biết chắc người đọc có hiểu đúng về con người mình hay không và liệu tôi có thể duy trì blog được lâu dài hay không. Nhưng rất may mắn là blog được mọi người đón nhận tích cực. Tôi cũng dần hiểu về độc giả của mình và định hướng được tốt hơn cách viết.
Cuộc sống của tôi thay đổi rất nhiều từ khi viết blog. Tôi bận rộn hơn nhiều vì ngoài viết blog đều đặn để có bài mới hàng tuần, tôi còn dịch và chia sẻ lại những bài viết hay tôi đọc được, phỏng vấn những người thú vị tôi từng gặp, và duy trì các hoạt động của blog trên mạng xã hội. Bận rộn là thế nhưng đời sống tinh thần của tôi tốt lên rất nhiều, tôi cảm thấy mình sống có ích hơn khi chia sẻ với cộng đồng, tôi cũng học được nhiều từ blog và từ bạn đọc blog. Tôi đã trưởng thành lên rất nhiều.
Hỏi: Là một người không chuyên về viết lách, khó khăn nhất Chi nhận thấy khi duy trì trang blog là gì? Có khi nào bạn muốn từ bỏ?
Đáp: Tôi không phải là người chuyên về viết sáng tạo (creative writing) nhưng vì công việc chính của tôi cũng là viết lách — chuyên về viết học thuật (academic writing). Công việc bên ngoài blog của tôi đòi hỏi viết rất nhiều (chủ yếu bằng tiếng Anh), ngôn ngữ cần chuẩn mực, chính xác, và cần biên tập lại thường xuyên để cho ra đời những bài báo khoa học chất lượng, xuất bản trên các tạp chí quốc tế. Mặc dù ngôn ngữ và hình thức có khác nhau nhưng về bản chất, viết sáng tạo hay học thuật đều có những thuận lợi và khó khăn tương đối giống nhau. Cái khó nhất, theo quan điểm của tôi, là duy trì được thói quen viết đều đặn. Bởi vậy, tôi cố gắng viết đều, viết hàng ngày, mỗi ngày ít nhất 3 trang, bất kể hoàn cảnh, điều kiện thời gian, có “hứng” viết hay không.
Trong hơn 1 năm qua viết blog, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ. Tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao để có thể duy trì blog ở một mức nào đó mà tôi vẫn có thể cân bằng được thời gian, hiệu quả, chất lượng, cảm hứng cá nhân và vẫn mang lại lợi ích cho người đọc.
Hỏi: Phải làm sao để tạo được dấu ấn cá nhân hay chính là văn phong riêng khi viết blog?
Đáp: Tôi thực sự cũng không gọi tên dấu ấn cá nhân hay văn phong riêng của mình nên cũng khó có thể đưa ra câu trả lời thích đáng cho câu hỏi này. Tôi viết phần nhiều theo bản năng. Trước đây, khi còn học chuyên văn ở Việt Nam, tôi thường viết văn hoa, rào trước đón sau, “lớp lang” hơn bây giờ nhiều. Nhưng sau này đi làm khoa học, viết học thuật nhiều cũng khiến văn viết của tôi thẳng thắn, súc tích hơn. Hiện tôi hướng bản thân tới lối viết chân thực, nhẹ nhàng, không dùng đến mỹ từ nhưng vẫn truyền tải được tình cảm và nội tâm người viết. Nếu nói về lời khuyên, có lẽ vẫn là viết nhiều và viết thường xuyên để hiểu phong cách viết của chính mình và phát triển giọng văn của mình tốt hơn. Con người thay đổi nên văn viết cũng thay đổi theo thời gian. Bởi vậy theo tôi, không nhất thiết phải theo một lối viết suốt cả đời, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi phong cách viết theo cách của mình.
[…]
Ngày 19/10/2017
Fallingwater
Đầu tuần này, tôi vừa đến thăm Fallingwater, một ngôi nhà được xem là kiệt tác kiến trúc của kiến trúc sư Frank Lloyd Wright. Ngôi nhà được xây năm 1935 cho gia đình Kaufmann, những người chủ của chuỗi cửa hàng kinh doanh phát đạt thời bấy giờ ở Bắc Mỹ. Điểm đặc biệt của ngôi nhà là nó dựa vào thác nước tự nhiên, thiết kế mở đón ánh sáng mặt trời, nằm trọn hoàn toàn trong lòng một khu rừng xanh yên tĩnh. Chạy xe từ bên ngoài đường cao tốc, rẽ vào một con đường nhỏ, rồi một vài con đường nhỏ hơn, đi tận vào sâu trong rừng mới thấy cả một ngôi nhà tuyệt đẹp hiện ra bên trên thác nước. Thiết kế nội thất bên trong căn nhà cũng rất đẹp, ấm cúng, trang nhã, hài hòa với tổng thể (rất tiếc không được chụp ảnh bên trong nhà).
Điều tôi cảm thấy thú vị nhất ở Fallingwater là thiết kế tối giản bên trong căn nhà. Khác với suy nghĩ của nhiều người về một gia đình giàu có, bước vào phòng riêng của ông bà Kaufmann và người con trai, khách tham quan ngạc nhiên khi thấy các phòng đều nhỏ, hẹp, trần thấp, và nội thất chỉ dừng lại ở những thứ vô cùng thiết yếu. Người dẫn tour của chúng tôi giải thích rằng kiến trúc sư Wright chủ ý để căn phòng nhỏ như vậy để người ở tận dụng được hết không gian tự nhiên bên ngoài, mở rèm cửa đón nắng vào, và bước ra ngoài với thiên nhiên nhiều hơn. Tôi thấy đây là chủ ý rất thú vị để người sử dụng căn nhà luôn quay lại với ý nghĩa đặc biệt của Fallingwater. Một điểm thú vị khác nữa là mặc dù ban đầu, ông chủ Kaufmann muốn để khoảng đất dưới nhà làm ga-ra ô tô, kiến trúc sư Wright phản đối. Ông nói, nếu để làm ga-ra, mọi người sẽ có thói quen chất chứa vào đó những món đồ không cần thiết, cái gì ngại bỏ đi cũng quăng vào (đây là thói quen thường gặp ở những gia đình có ga-ra ô tô bên Mỹ). Ông chủ Kaufmann đồng ý và để khoảng trống đó làm đường đi thoáng đãng cho khách đến nhà.
Năm 1964, người con trai duy nhất của gia đình Kaufmann quyên tặng căn nhà này cho tổ chức bảo tồn thiên nhiên của bang và mở cửa cho khách vào thăm quan như một bảo tàng. Có người nghĩ đây là hành động từ thiện đáng trân trọng, có người lại nghĩ rằng đây là cách để gia đình Kaufmann phô trương thanh thế, để lại dấu ấn cho đời sau nhưng cá nhân tôi cho rằng để quyên góp căn nhà mình và gia đình đã sống như vậy trước hết là một hành động dũng cảm. Gia đình nào cũng có vấn đề riêng và không có phong cách sống nào hoàn hảo, việc mở cửa căn nhà như vậy cũng là mời mọi người bước vào xem (và đánh giá) cuộc sống của mình. Đây không phải là điều ai cũng có thể làm được, nhưng nhờ có vậy hậu thế sau này như tôi mới có cơ hội được đến thăm và chia sẻ lại với các bạn. Thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ!
(*Bạn có thể xem một số tấm ảnh tôi chụp ngôi nhà tại đây)
Ngày 22/10/2017
Chuyện hai đôi giày 🌿
Hai hôm trước, trong lúc đang đứng đợi xe buýt ở gần nhà, tôi chợt nhìn xuống chân và nhận ra đôi bốt da của mình đã có nhiều vết xước ở mặt trước, mũi giày cũng bạc màu hơn so với phần thân – điều dễ hiểu đối với một đôi bốt đã đi được hơn 3 năm trong nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Cúi xuống xoa mũi giày (như thể việc đó có thể làm các vết xước lành lại ngay được), tôi nghĩ: “Có khi đã đến lúc mình cần mua một đôi bốt mới”. Đúng lúc đó, tôi tình cờ nhìn ngang xuống dưới chân một cậu bạn Châu Á đứng ngay bên cạnh. Cậu ấy đi một “đôi giày thể thao” – để trong ngoặc kép là vì tôi chỉ đoán vậy thôi, còn đâu đôi giày rách đến mức không còn nhận ra hình hài. Cả hai chiếc giày đều rách những mảng to đến mức có thể nhìn thấy phần lớn đôi tất trắng bên trong cậu ấy đi bên trong. Có lẽ xỏ chân vào giày hàng ngày mà không vướng vào những mảng rách đó cũng đã là một nỗ lực. Ngoài đôi giày “đặc biệt” ấy ra, cậu ấy nhìn giống như phần đông những học sinh Châu Á khác, mắt đeo kính cận, tay cầm điện thoại xem giờ xe buýt đến, rướn mắt lên phía xa theo chiều xe chạy, ba-lô đeo vai, túi chéo đựng sách, tay cầm túi đựng hộp cơm trưa…
Vài phút sau, xe buýt tới. Xe rất đông nên tôi bị dồn lên phía trước và ngồi vào một trong hai hàng ghế ngang đối diện nhau- vị trí mà bình thường rất ít khi tôi ngồi vì sợ chóng mặt. Ngay khi vừa kéo được chiếc túi đeo của mình vào lòng và ổn định vị trí thì tôi bắt gặp nụ cười xã giao thân thiện của một cậu da trắng ngồi đối diện. Đây có lẽ là điểm thú vị nhất của hàng ghế ngang này – khi người ngồi (buộc phải) nhìn thấy nhau ngay chính diện. Nó tạo cảm giác gần gũi hơn kiểu ngồi ghế hàng dọc thông thường. Tôi mỉm cười đáp lại. Cậu hành khách ấy mặc một chiếc áo phông trắng trơn, đeo tai nghe lớn, túi đựng laptop để trên đùi, và có một chiếc túi đeo chéo nữa ở bên cạnh. Bất chợt, chiếc quần cậu ấy mặc thu hút sự chú ý của tôi. Nó là một kiểu quần dài suông thường gặp của nam giới, màu nâu nhạt, chất vải bên ngoài nhiều sợi mềm như nhung. Nhìn thoáng qua trông rất bình thường nhưng nếu để ý một chút, phía mặt bên trong của chiếc quần đã mài nhẵn hoàn toàn, phần sợi nhung mất hẳn đi, mặt vải sờn, bạc, nhẵn bóng. (Ok, Ok, tôi phải công nhận rằng việc để ý rồi mô tả chi tiết một chiếc quần của đàn ông thật sự rất kỳ cục 😅). Nhưng nó làm tôi nhớ đến những chiếc quần xanh đồng phục tôi mặc ở trường phổ thông ở Việt Nam. Hồi đó có những chiếc quần tôi thích đến mức ngày nào cũng mặc, đến cuối tuần lại giặt, rồi phơi khô để thứ hai mặc tiếp. Phần đáy và mặt bên trong quần mặc lâu rồi cũng bạc và nhẵn bóng (thế mới có câu “mài đũng quần trên ghế nhà trường”) nhưng tôi chưa bao giờ phải để đến mức sờn hết toàn bộ mặt vải, đổi màu đến như vậy.
Mặc cho sự ngạc nhiên của tôi, cả 2 cậu thanh niên tôi gặp hôm đó đều có vẻ không mấy quan tâm mấy đến vẻ bề ngoài. Họ trông hoàn toàn thoải mái với trang phục mình mặc; dù cho gương mặt hơi căng thẳng một chút, có vẻ như họ đều đang trông chờ điều gì đó quan trọng ở phía cuối chặng xe buýt.
Tôi tự hỏi: Tại sao có những người có thể dùng đồ đạc đến tận cùng giá trị sử dụng đến như vậy? Hai cậu ấy không có điều kiện để mua sắm đồ mới? Hay là họ không quá quan trọng về hình thức mà ưu tiên những thứ khác trong cuộc sống? Hay vì là đàn ông nên việc đầu tư về ngoại hình của họ không chịu nhiều áp lực như phụ nữ? Tôi cũng không biết chắc câu trả lời. Chỉ biết là sau chuyến xe buýt đó, ý nghĩ thôi thúc về việc mua đôi giày mới của tôi tự nhiên biến mất hẳn.
Ngày 28/10/2017
Self-help và tôi 🌿
Hai tuần trước, một người bạn và cũng là đồng nghiệp của tôi, J.H. đến buổi họp nhóm lúc 10 giờ sáng với gương mặt phờ phạc. Nhấp ngụm cà phê đầu tiên, J.H. nói: “Cả đêm qua tớ không ngủ để làm để án tốt nghiệp. Sáng ngay 8 giờ phải bỏ dở việc chạy đi phỏng vấn cho dự án của bọn mình vì đã lỡ hẹn với người ta từ trước rồi. Phỏng vấn hơn 1 tiếng xong cái tớ chạy luôn đến đây”. Tôi (và những người trong nhóm họp) gần như gào lên: “Trời đất, J.H., cậu thức trắng đêm à?! Hại cho sức khỏe lắm đấy”. J.H. nhún vai: “Tớ biết, nhưng biết làm sao được, tớ đã xin gia hạn nộp bài một lần rồi”. Tôi lắc đầu. Lúc này, phần nhân cách “self-help” trong tôi chợt nhảy ra (tin tôi đi, bạn chưa gặp và cũng không nên gặp nhân cách này của tôi 😬) và bắt đầu tuôn một tràng về cách lập kế hoạch theo matrix ABC, cân bằng lịch làm việc theo nghiên cứu XYZ để không bị quá tải… J.H. gật gù, uống thêm mấy ngụm cà phê nữa trước khi vào bàn họp.
Buổi họp sau đó diễn ra bình thường. Trước khi ra về, tôi định ôm tạm biệt J.H. thì cậu ấy giơ tay ra và cười: “Cậu không nên ôm tớ đâu. Tớ chưa tắm từ hôm kia đến giờ. Vừa rồi tớ không muốn nói chứ thực ra tối qua tớ không về nhà, tớ làm cả đêm ở trường, và chỉ nằm nghỉ dưới sàn nhà ở thư viện thôi”. Tôi tròn mắt. Nhưng thay vì cho J.H. một bài giảng “self-help” nữa, tôi ôm cậu ấy và nói: “Cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé!”.
Không phải là tôi chưa bao giờ trải qua tình trạng quá tải như thế. Năm học Thạc sĩ và hai năm đầu Tiến sĩ tôi bận việc và làm đêm rất nhiều; đỉnh điểm có một lần tôi làm 48 tiếng không ngủ, đến lúc xong việc đóng máy tính nhìn ra bên ngoài thì mọi thứ đều chao đảo, lờ mờ như thể kính mắt của tôi tăng lên 3-4 đi-ốp. Sau lần đó, tôi tự hứa với bản thân mình sẽ không bao giờ làm việc qua đêm nữa. Và đó cũng là lúc tôi bắt đầu tìm hiểu những phương pháp để làm việc hiệu quả trong thời gian ngắn, để bản thân không trì hoãn và không dồn việc đến mức phải làm nhiều giờ liên tục đến như vậy. (Đó có lẽ là giai đoạn mà nhân cách “self-help” hình thành 😬)
Một tuần sau buổi họp với J.H., dự án chúng tôi làm chung đến giai đoạn nước rút mà tiến độ lại chậm mất vài ngày vì nhiều lý do khách quan. Vào ngày cuối cùng, tôi, J.H., và một người đồng nghiệp nữa, A.K., gặp nhau lúc 8 giờ sáng và làm liên tục từ lúc đó đến 11 giờ đêm, chỉ nghỉ đúng 30 phút ăn trưa và 30 phút ăn tối. Công việc cuối cùng cũng hoàn thành đúng hạn nhưng cả 3 chúng tôi đều mệt mỏi rã rời. Đó sực sự là một ngày làm việc hết công suất.
Hôm đó cũng có lẽ là lần đầu tiên sau 2 năm tối giản hóa và tối ưu hóa cuộc sống, mà tôi cảm thấy mình bắt buộc phải làm việc quá sức đến như vậy. Nhưng đúng như J.H. nói – “biết làm sao được” – có những giai đoạn, dù bạn có biết đủ mọi phương pháp tốt nhất trên đời, có học theo tất cả các sách “self-help” hay nhất thế giới, bạn vẫn không thể lúc nào cũng tìm được sự thăng bằng hoàn hảo như ý mình muốn.
Những gì tôi học được về productivity (hiệu suất làm việc) và chia sẻ với bạn đọc qua blog là những gì tôi thực sự tin tưởng và chứng minh qua thực tế là hữu hiệu (vì thế 2 năm vừa qua tôi làm được rất nhiều mà không bị quá stress như những năm trước đây). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là 100% mọi việc diễn ra đối với tôi đều suôn sẻ. Mỗi lần viết một bài trên blog có hơi hướng “self-help”, tôi đều cầu mong bạn đọc bước ra khỏi bài viết với một tâm lý tích cực. Nếu bạn chưa làm được như những gì bài viết nêu ra, bạn rất nên cân nhắc thay đổi để bản thân tốt hơn; nhưng nếu đã thực hiện mà chưa đạt được đúng những gì mình kỳ vọng, bạn đừng nên quá khắt khe với bản thân! Tôi không hoàn hảo. Bạn không hoàn hảo. Cuộc sống không hoàn hảo. Chúng ta đều đang học mỗi ngày.
(*Những suy nghĩ này truyền cảm hứng cho tôi viết: “Bận rộn để sống” – một bài viết rất được yêu thích hiện nay trên blog)
🌿 Chúc mọi người một ngày Thứ 4 vui vẻ, thư giãn 🌿
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Hảo says
Cảm ơn những chia sẻ của chị ạ. Chúc chị một ngày thật tốt lành ^^
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn. Chúc bạn ngày mới vui vẻ 🙂
Quỳnh Quỳnh says
Em rất thích những bài viết của chị ạ. :))
Đặng Kim Thanh says
Bạn đáng yêu quá!
Thanh says
Cảm ơn những chia sẻ rất thú vị của Chi. Mình đã theo phong cách sống tối giản từ khi bắt đầu đi du học nhưng lúc đó mình chưa đọc hay nghe gì về tối giản. Và mình rất hạnh phúc với lối sống đó vì nó giúp mình có nhiều năng lượng cho những việc thật sự quan trọng trong cuộc sống. Câu chuyện về 2 anh chàng trên xe buýt làm mình nhớ lại hồi bắt đầu học đại học. Mình đã rất thích cái áo đồng phục cấp 3 và đã mặc nó suốt những năm đại học đến bạc cả màu. Lúc đó có bạn nói thì mình mới để ý :)) Nhưng sau đó mình vẫn mặc nó. Và mình rút ra kết luận là quần áo hay những thứ bề ngoài không đem lại cho mình sự tự tin hay hạnh phúc, và nó cũng không nói lên được giá trị thực con người của bạn. Chúc Chi luôn có những chia sẻ thú vị !
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Thanh đã theo dõi blog! Hy vọng có dịp nghe bạn chia sẻ thêm về kinh nghiệm sống tối giản. Mình cũng rất thích đồng phục, giờ mình đi hội thảo toàn mặc quần xanh áo trắng (chỉ thiếu khăn quàng đỏ thôi 🙂
Thanh says
Mình rất thích các bài viết của Chi. Mình cũng hy vọng sẽ có dịp gặp Chi hoặc ít nhất là chia sẻ với nhau về việc sống tối giản…Mình thấy ở Việt Nam còn ít thông tin về vấn đề này.