“Mini Posts” là chọn lọc các bài viết ngắn được yêu thích nhất trên Facebook và Instagram của blog (dựa trên lượt like, comment, share). Mục đích của “Mini Posts” là đồng hành với các bài viết chính trên blog và cập nhật cuộc sống hàng ngày của tác giả Chi Nguyễn.
Mini Post #6 tổng hợp các bài viết ngắn trong khoảng thời gian nhiều sự kiện đối với tôi như kỷ niệm ngày cưới, về Việt Nam, bố mẹ sang thăm, mèo mất … (25/5/2017 – 14/8/2017). Bài viết này chủ yếu xoay quanh những hồi ức của tôi về trưởng thành và cuộc sống.
Ngày 26/5/ 2017
Rất ít người biết về đám cưới của chúng tôi. Ngay cả bạn bè và người thân trong gia đình (trừ bố mẹ hai bên) cũng chỉ biết đến lễ ăn hỏi/đính hôn của chúng tôi ở Hà Nội, chứ không rõ cụ thể chúng tôi tổ chức đám cưới ở bên Mỹ như thế nào. Nói thế nào nhỉ… Đám cưới của chúng tôi tốn tất cả $14 (~300.000 đồng), diễn ra trong 15 phút, tại toà án nơi tôi ở; thành phần khách mời: 01 người.
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Từ khi còn nhỏ, tôi đã không có ước mơ đám cưới “thần tiên”, cô dâu mặc váy trắng đi vào lễ đài tung hoa, hàng trăm quan khách vỗ tay, bánh cưới, sâm-panh nổ đùng đoàng… như các bạn gái khác (mặc dù tôi rất thích đi dự và tổ chức những đám cưới kiểu như thế này). Tôi còn nhớ hồi học lớp 4, tôi có viết vào sổ nhật ký là: “mơ ước thầm kín: tổ chức đám cưới ngoài đảo hoang không có một bóng người” . Cũng không biết từ đâu tôi có ý tưởng “ngược đời” như thế, nhưng tôi luôn biết chắc rằng mình sẽ không có một đám cưới truyền thống.
Vào giữa tháng 5/2015, tôi và Joe trở lại Mỹ sau khi tổ chức lễ ăn hỏi ở Hà Nội, bọn tôi bắt đầu bàn xem kế hoạch tổ chức đám cưới ngoài đảo (hoang) sẽ ra như thế nào (không hiểu thế nào tôi lại tìm được ngay đối tượng kết hôn có cùng chung ý tưởng như vậy). Tuy nhiên, thời điểm đó chúng tôi vẫn ở 2 đầu nước Mỹ và đều rất bận công việc, tính toán phải đến 1 năm sau mới có điều kiện tổ chức. Cùng thời gian đó, trong quá trình tìm hiểu về đăng ký kết hôn, chúng tôi phát hiện ra mình có thể tổ chức “legal ceremony” – một đám cưới “hành chính” tại toà án. Tất cả chỉ cần 1 tờ giấy đăng ký kết hôn ($14) và một thẩm phán đồng ý làm lễ (free). Vậy là trong 1 tuần duy nhất Joe còn ở lại State College, chúng tôi quyết định tổ chức đám cưới.
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Ban đầu tôi định mặc một cái váy trắng ngắn có sẵn ở nhà, đi bốt cao cổ, đầu đội mũ phớt đến làm lễ (không hiểu tại sao luôn ). Nhưng về sau, xem lại bộ ảnh đám hỏi ở Hà Nội, nhớ mẹ chăm chút cho tôi từ cái tất chân đến hoa cài tóc, tôi cảm thấy nếu làm cho (hơi hơi) giống đám cưới truyền thống một chút, mẹ có thể sẽ vui hơn. Vì thế, tôi chọn mua và mặc một cái váy trắng dài, hở lưng ở một tiệm chuyên phong cách Bô-hê-miêng, còn Joe thắt nơ (bow ties) và mặc gi-lê thay vì com-lê, ca-vát. Buổi sáng ngày tổ chức đám cưới, tôi tự trang điểm và làm tóc cho mình, còn Joe mua hoa cầm tay cho tôi ở một tiệm gần nhà. Khách mời duy nhất, kiêm người làm chứng, và kiêm luôn thợ chụp ảnh là một người bạn tốt của tôi, Tiệp Vũ (nhân vật tôi từng phỏng vấn trên blog). Cả ba bọn tôi chạy xe đến toà án, ngồi đợi bà thẩm phán giải quyết xong một vụ kiện tụng, lổm nhổm giữa một loạt các bác da trắng trông rất “đầu gấu” (thử tưởng tượng cảnh ba đứa Châu Á ngồi ngơ ngác ở một toà án địa phương, một trong hai đứa mặc váy dài sườn sượt, môi đỏ chót, cài hoa trên đầu )
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Bà thẩm phán rất thân thiện, vừa nhìn thấy chúng tôi đã cười, nói “Chúc mừng nhé” và dẫn cả ba vào phòng làm lễ. Tôi và Joe đứng quay mặt vào nhau còn bà thẩm phán đứng giữa (giống như trong phim Mỹ). Bà đọc câu thề nguyền (vows) trước và chúng tôi lặp lại sau. Đây có lẽ là một trong những thời khắc kỳ lạ nhất trong đời tôi vì nó diễn ra rất, rất, rất chậm. Tưởng như mọi thứ xung quanh đều dừng lại, cả thế giới chỉ còn có chúng tôi và lời của bà thẩm phán. Có một cảm giác gì đó vô cùng thiêng liêng và xúc động ở thời điểm đó mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa lý giải được. Buổi lễ chính thức diễn ra chỉ khoảng 5-7 phút nhưng tôi có cảm giác như 1 giờ đồng hồ. Sau khi được tuyên bố chính thức là vợ chồng, chúng tôi hôn nhau, cầm giấy kết hôn lên và chụp tấm ảnh này (Tiệp chụp).
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Đối với chúng tôi, đây là một lễ cưới hoàn hảo. Nó hoàn hảo đến mức cả hai không còn nhu cầu tổ chức đám cưới ngoài đảo nữa, để lại cho kỷ niệm mãi mãi vẹn nguyên là ngày hôm đó. (Hay có thể viết là “ngày hôm nay” (26/5) – Kỷ niệm 2 năm ngày cưới)
Ngày 8/7/2017
Hôm qua tôi gặp một người bạn cũ và nói lại rất nhiều kỷ niệm hồi đi học. Trên đường về, tôi nhớ ra mấy dòng tâm sự này, viết trên Note của Facebook cá nhân cách đây gần 4 năm, khi tôi mới bắt đầu chương trình học Thạc sĩ tại Mỹ.
Post lại ở đây để chia sẻ với bạn đọc một phần tuổi thơ của tôi.
=============================================
Viết rất nhanh về chuyện ngày xưa đi học
Nhân chuyện thầy giáo tát học trò, trò đánh lại thầy xôn xao ở nhà gần đây. Hmmm. Mình ở Hà Nội, nhà ngay trung tâm quận Ba Đình, bố mẹ công chức, cho ăn học đàng hoàng.
Mẫu giáo mình học trường công gần nhà, ăn chậm, nói to, khóc…cô giáo nhốt tủ, nhốt nhà vệ sinh…thành quen. Một lần trưa không ngủ được (cho đến bây giờ mình vẫn không ngủ trưa), cô giáo bắt mình và một con bé (rất thảo mai – bây giờ vẫn nhớ ) lên … bắt chấy cho cô. Mình kiểu cả đời (ý là 3-4 năm đầu đời) chưa biết con chấy là con gì, còn con bé thảo mai kia thì bắt nhoay nhoắy, còn đưa lên miệng cắn rau ráu . Cô bảo: “Chị kia !! (“chị” ở đây là con mẫu giáo lơ ngớ) nhìn bạn mà học tập!”. Sau đó về nhà bị chấy, biết là của ai rồi đấy
Lớp 1 học cô giáo tên là Chi – cùng tên, nên cô rất chi là “quan tâm”. Ngày nào cũng đánh cho một cơ số lần vì nói bé . Lý do cho việc nói bé là vì ở nhà mình mọi người đi làm, anh trai đi học, không có ai chơi, toàn bị nhốt chơi với gấu bông với búp bê nên nói chuyện với bọn nó quen rồi. Nhưng trẻ con thì không bao giờ kể chuyện về nhà (tại nghĩ là bình thường). Một hôm mẹ đón về con bé rất vui, cười suốt, mẹ hỏi tại sao, mình bảo là: “Con vui lắm, hôm nay cô đánh con có 10 cái vào tay thôi, mọi hôm cô đánh những 20 cái” (lúc này mới học đếm đến 2 chữ số ). Sau cú sốc của mẹ và cuộc “thăm hỏi” cô, từ đó mình không bị đánh nữa và học giỏi lên rất nhiều (trước đó cảm thấy đầu óc lúc nào cũng mụ mị vì đòn, chả học được mấy).
Năm lớp 4 mới học tiếng Anh lần đầu, các bạn được đi học Language Link, Hội đồng Anh … từ bé tí nên nói tiếng Anh bạo lắm. Cô tưởng đứa nào cũng thế, dạy cứ là vèo vèo, mà hình như còn cố vèo vèo vì cô nói sai bỏ xừ ra chứ có được như mấy trung tâm Tây kia. Còn mấy đứa chưa học bao giờ như mình (vì nghĩ trường chính sẽ dạy) thì tiết Tiếng Anh thật cực hình. Một hôm cô gọi bạn giai bên cạnh lên nói câu kiểu như: “I wake up at 6 everyday” (một mẫu câu bây giờ mình thấy vẫn là khó so với người chưa biết 1 chữ gì). Cô gọi mình lặp lại, mình không lặp lại được. Cô hỏi: “Này! (không có chủ ngữ nhé) Tên gì đấy?”. – Mình: “Em tên là Phương Chi ạ” – Cô: “Này! Tên thì hay thế sao mà người thì học DỐT thế”!!. Mãi sau này (ý là cả chục năm sau) mình không cảm thấy thích thú với môn tiếng Anh vì mỗi lần học là cảm thấy áp lực. Mình cũng nhạy cảm với chữ “dốt”, mình không bao giờ, kể cả trong suy nghĩ dùng “dốt”, “ngu” hay “đần” để nói với học trò mình hay bất cứ ai. Không biết năm đó cô đã nói bao nhiêu em lớp 4 là “dốt” và “ngu”, trong đó bao nhiêu em tiếp tục học được nữa? Một câu nói của giáo viên có thể thay đổi cuộc đời con người học trò. Mình học được điều đó lần đầu tiên – một cách khá … cay đắng
Còn rất nhiều chuyện nữa, cấp 1-2-3, những chuyện mà “các cô” nghĩ là trẻ con sẽ quên. Nhưng ít nhất có 1 đứa không quên. Không quên là hôm đầu tiên đi học, cô giáo hỏi cả lớp: “Lớp này bạn nào có bố hay mẹ làm giám đốc đứng lên” . Không quên ánh mắt liếc xéo của cô giáo: “Nhà Chi chắc nghĩ Chi học giỏi lắm rồi nhất trường này đến nơi nên không “quan tâm” gì đến các cô. Có thấy đến nhà cô bao giờ đâu” và tay mẹ mình nhét thêm tờ giấy bạc vào bó hoa. Không quên những hôm cô dành ra cả 2-3 tiết (vài tiếng đồng hồ) trút giận mắng xối xả cả lớp, chả học được chữ nào, cũng chả hiểu lý do vì sao. Nghỉ giữa “hiệp”, cô ra nói với đồng nghiệp là “tối qua tôi với “lão” cãi nhau, bực quá”. Không quên mẹ dặn đây là xã hội, là những chuyện bình thường, con phải đi học, phải “blend in” (mình không muốn dùng tiếng Việt cho cụm từ này vì đến bây giờ nó vẫn làm mình thấy uất ức).
Nhưng cũng không quên cô giáo chủ nhiệm cấp 3, cô Tuyết, dạy cho bọn mình bài học đầu tiên trong đời là “những chuyện đó” là không bình thường, không phải xã hội ai cũng thế, và cô không như thế. Nó như kiểu mở ra ánh sáng trong bóng tối – cũng giống như chuyện năm lớp 1 mình học không nổi vì trước đó bị cô giáo đánh đến ngu đi – bây giờ thoát ra được cái mụ mị ấy và thấy mọi thứ rõ ràng hơn rất nhiều.
Mình thi thoảng kể chuyện hồi mình đi học với nhiều người, kể ngẫu hứng, mình không cố giữ ký ức, nó thi thoảng lại về. Nhiều người nói mình “Tại sao bạn nhớ dai quá vậy?, Những chuyện không tốt thì nên quên đi”, hoặc nói như mẹ mình: “blend in”. Nhưng mình vẫn nghĩ, có thể những cái ám ảnh mình về trường lớp hồi nhỏ lại là cái ám ảnh tốt, bí mật thôi thúc mình làm một cái gì đó cho Giáo dục: từ làm giáo viên, làm trung tâm thanh thiếu niên, làm tình nguyện, làm ở trường Đại học và bây giờ sang đây học Thạc sĩ về Giáo dục … Lại lấy câu “Everything happens for a reason”. Có thể lắm chứ
Còn bây giờ phải đi học đây đã – để được làm “một cái gì đó”
Ngày 13/7/2017
Dưới đây là 1 video ngắn tổng hợp những giây phút đáng nhớ nhất trong 13 ngày về nhà của tôi (“A Short Trip Home” – 3 phút 27 giây).
Trước khi bắt đầu chuyến đi này, tôi đã nghĩ sẽ biến nó trở thành một trải nghiệm hoàn toàn “sống cho hiện tại” (be present) – bắt đầu bằng việc hạn chế sử dụng mạng xã hội, bớt chụp ảnh/check-in, và dành 100% sự tập trung trong mọi cuộc gặp gỡ, trò chuyện với những người tôi có cơ hội gặp trong 13 ngày ngắn ngủi này. Có rất nhiều điều thú vị trong chuyến đi mà khó có thể gói gọn trong vài phút video, có những lúc quá tập trung vào hiện tại mà tôi quên không cầm máy lên quay, và cũng có những thước phim/tấm hình tôi muốn giữ cho riêng mình. Nhưng tôi hy vọng video này phần nào đưa bạn đọc đến gần hơn với trải nghiệm của tôi và truyền cảm hứng cho bạn đọc thử nghiệm một phong cách du lịch khác – tập trung vào hiện tại, trải nghiệm trực tiếp, và con người.
Cảm ơn tất cả những người thân trong gia đình, những người bạn lâu năm, và cả những người bạn mới quen đã sắp xếp thời gian để gặp tôi trong chuyến đi này. Cảm ơn tất cả bạn đọc The Present Writer blog – tôi nghĩ về mọi người rất nhiều trong suốt cuộc hành trình; nếu không có blog và bạn đọc, có lẽ tôi sẽ không bao giờ có đủ động lực để trải nghiệm sâu và kiên trì ghi chép những gì mình học được, dù là nhỏ nhất, trong mọi hoàn cảnh. Hẹn gặp mọi người vào một chuyến đi khác!
Ngày 18/7/2017
Tôi chưa bao giờ là một người học giỏi xuất sắc. Tôi chỉ thường nhàng nhàng ở tầm trung của lớp và không có gì quá nổi trội, trừ khả năng viết văn – mà cái này thì cũng luôn có vài bạn được đánh giá cao hơn tôi. Những người bạn học của tôi theo dõi blog này có thể làm chứng, tôi chưa bao giờ quá nổi bật về việc học.
Thậm chí tôi còn rất hay gặp xui xẻo về đường học (cái này mẹ tôi là người biết hơn ai hết): đi thi thì bị đau bụng, đi học thì bị cô giáo “trù”, chật vật lắm mới vào được đội tuyển thi học sinh giỏi thì đúng năm cắt chỉ tiêu, rồi đến lúc được đi thi thì quy chế khen thưởng cũng không còn… Có mấy lần tổng kết năm hiếm hoi được vào tốp đầu, đáng lẽ sẽ được gọi lên khen thưởng trước cả lớp thì luôn có chuyện gì đó xảy ra làm hỏng kế hoạch, lúc thì cô giáo vào điểm thiếu, khi thì hết thời lượng chương trình, và gần đây nhất, hồi học đại học, là nhà trường in sai bảng điểm.
Nhưng có lẽ vì thế mà tôi thích học, học một cách âm thầm, không vì thành tích nào, mà cũng chẳng vì ai hết, ngoài tôi. Tôi có thể là một cô bé mới lớn thiếu tự tin, nhưng nếu có điều gì làm tôi tự hào (một cách bí mật) thì đó là khả năng suy nghĩ độc lập, không chịu sự ảnh hưởng của người lớn và độ tập trung tuyệt đối trong thời gian dài vào thứ tôi thực sự quan tâm. Mặc dù đi học nhiều khi chẳng vui vẻ gì, tôi vẫn thích trường học. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn mặc “đồng phục” quần xanh, áo trắng, giày/dép quai hậu đi khắp mọi nơi – có một cái gì đó về trường học làm tôi luôn cảm thấy tập trung, phấn chấn.
Vì vậy, trong khi hầu hết mọi người đều ngạc nhiên khi biết tôi quyết định học lên tiến sĩ, lại là tiến sĩ về Giáo dục, tôi là người duy nhất không ngạc nhiên chút nào. Vào ngày tốt nghiệp đại học, các bạn đùa nhau “đốt hết sách vở”, tôi chỉ nghĩ trong đầu: “mình còn quá nhiều thứ để học”, rồi ngày nhận bằng thạc sĩ, các bạn lại hùa nhau: “chúc mừng sự học đến đây là hết”, tôi lại nhún vai: “mình cảm thấy hầu như chưa học được gì”.
Cho đến bây giờ, khi đã đến năm thứ 4 tiến sĩ, tôi cảm thấy kiến thức của mình mới chỉ bằng một hạt cát giữa sa mạc. Đúng như câu nói, “The more I know, the more I know I know nothing” (Tôi càng biết nhiều thì lại càng biết là mình chẳng biết gì). Nhưng nhìn lại cả một chặng đường đi học đã qua, tôi nhận ra rằng điểm số và thứ hạng trên lớp thực chất chẳng hề nói lên một điều gì, kiến thức không chỉ nằm trong bốn bức tường, những nhận định ban đầu của giáo viên, bạn học, gia đình … về khả năng học vấn của con trẻ chỉ có tính tham khảo, không một người nào biết được bạn có thể đi xa đến đâu, trừ bạn.
Vì vậy, với những ai cảm thấy chưa hài lòng về sự học của mình, bạn hãy nhớ rằng điểm cao không phải là đích đến, đại học cũng không phải là đích đến, cao học càng không, và du học cũng không nốt – một khi bạn có thể học không phải vì một đích đến nào nhất định, bạn mới thực sự học, và khi đó, mới thực sự thành công.
Ngày 4/8/2017
Có bao giờ bạn nghe lại một bài hát quen thuộc và cảm thấy lập tức bị kéo ra khỏi hiện tại và ném ngay vào một thời khắc nào đó trong quá khứ, sống động, rõ nét, trần trụi?
Bản nhạc jazz mềm, ấm “Come Away with Me” (Norah Jones) luôn làm tôi tan chảy vào một buổi sáng mùa đông ở ngoại ô Texas. Lần đầu tiên xa nhà, 19 tuổi, tôi tỉnh dậy cảm giác như mình vẫn đang mơ ngủ, một giấc mơ trống vắng, mơ hồ. “Sorry, Blame It on Me” (Akon) lại đẩy tôi lên một toa tàu giường nằm từ Bắc vào Nam, nơi tôi cùng hai người bạn nghe nhạc và hát theo những bản lyrics tiếng Anh in trên giấy A4 – thời chưa có smartphone. Đó là lần đầu tiên tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh, mùa hè năm thứ nhất lên năm thứ hai đại học. Tiếng bánh ray nện xuống đường tàu, tiếng dây xích kim loại đập vào nhau chan chát giữa các toa, nhịp di chuyển lắc lư của cả đoàn tàu làm tôi cảm thấy nôn nao như say xe mỗi khi Akon cất lời: “As life goes on I’m starting to learn more and more about responsibility…” Đã lâu rồi tôi không nghe “I’m Yours” (Jason Mraz) vì 100 lần như một, bài hát thả tôi xuống ngay ban công tầng hai khu tập quân sự trên Mai Lĩnh – nơi tôi từng đứng hàng giờ mỗi buổi chiều sau giờ tập trung, cố hít hà một chút không khí cuối ngày hè đặc quánh, lòng dạ chộn rộn bởi những cảm xúc không tên. Trẻ con. Ngây thơ. Kỳ cục. Lạc lõng.
Năm đầu tiên du học, tôi thuê một căn hộ cách trường 25 phút đi bộ – không xe buýt, không tàu điện ngầm, không một phương tiện công cộng nào chạy qua tuyến phố – chỉ có đi bộ, dù trời có nóng đến 40 độ hay lạnh âm 20 độ đi chăng nữa. Những ngày học khuya ở trường về ra ngoài trời tối mịt, vệ đường lấp lóa lùm cây đen kịt, tưởng như ai đó có thể nhào ra bất cứ lúc nào làm người đi đường chết ngất. Tôi buộc phải đi bộ dưới mặt đường chính – ngay giữa làn đường dành cho ôtô – chỉ để hứng chút ánh đèn đường leo lắt, trong khi “We Can’t Stop” (Miley Cyrus) – bài hát duy nhất còn giữ được sau khi đổi điện thoại – át đi nhịp tim đập nhanh khủng khiếp của tôi theo từng nhịp bước chân sâu dần vào đêm tối: “Remember only God can judge ya. Forget the haters ’cause somebody loves ya”. Nhưng có những buổi đêm muộn về đến nhà, khi nhịp tim và hơi thở gấp dần trùng xuống, tôi lặng lẽ nghe chị Thu Phương hát “Chưa Bao Giờ”. Tôi tự hỏi liệu mình có bao giờ, sau nhiều năm bôn ba xứ người, bầm dập với cuộc sống, trải qua nhiều biến cố như chị Thu Phương mà có thể thấm thía hết ý nghĩa 3 câu hát này: “Đi về đâu cũng là thế/ Buồn kia còn trong dáng ngồi/ Thiên đường xưa khép lại từ muôn năm rồi” ?
Vài bài hát đặc biệt lại có khả năng đưa tôi về những thời điểm hoàn toàn khác nhau với những cảm xúc trái ngược. Ví dụ như “One Way Ticket” (Midnight To Monaco). Trước đây, mỗi lần giai điệu bật lên, bài hát ngay lập tức đưa chân tôi đi những bước đi dài, hứng khởi trên đường phố Hà Nội sau Tết. Tôi, chính tôi với đôi bốt ngắn cổ da lộn màu đen, chiếc váy đen thêu hoa trắng, và mái tóc tết sam đằng sau, chính tôi đang chuẩn bị bước vào một chuyến phưu lưu mới. Nhưng vài ngày gần đây, bài hát lại kéo tôi vào cái nóng hầm hập của buổi trưa hè ở Florida, khi tôi kéo cửa kính xe xuống, để một bàn tay ra ngoài trời đón gió. Nhưng không có gió. Chỉ có tôi và Joe, vừa khóc vừa hát theo “One Way Ticket” để tiễn Friday trên chuyến đi cuối cùng – một chuyến đi không có vé khứ hồi.
Nhưng cũng có những ngày vô định như hôm nay, khi không vì một lý do gì cả, giai điệu “Tìm Lại Bầu Trời” từ đâu lại ùa tới làm tôi bật cười thành tiếng. Ít nhất cũng phải 5-6 năm rồi tôi chưa quay lại thôn Dy, Ba Vì. Lần cuối cùng tôi đến, bọn trẻ con trong thôn quần ngắn, áo cộc, mặt mũi lấm lem, líu la líu lô cả ngày lẫn đêm ở Nhà văn hóa xã: “Anh khóc vì giờ đây anh đã mất em rồi/Anh khóc vì giờ đây em đã xa thật rồi”…. Chẳng biết tụi trẻ có hiểu lời bài hát sến súa này hay cái giọng khàn gằn xuống của Tuấn Hưng có ý nghĩa gì không nhưng điệu bộ của chúng nó làm tôi không thể nhịn được cười. Thử tưởng tượng mà xem, cả chục đứa trẻ con lít nhít, dập dình trên mấy cái xích đu với bập bênh ở đầu thôn, thi nhau gào lên từ sáng sớm đến tối khuya: “Anh xin lỗi vì đã cướp mất ‘mười nghìn” của em/Nhưng có người sẽ cho em ‘lại mười một nghìn”. Có thể thôi mà cũng là một kỷ niệm đáng nhớ thời đi làm tình nguyện – cho tới tận bây giờ vẫn không thôi khiến tôi nở nụ cười vô tư như thế.
Âm nhạc đối với tôi nặng về kỷ niệm hơn nghệ thuật và cảm xúc. Đôi khi ẩm thực cũng vậy. Mà cũng có thể con người cũng như thế. Nặng về kỷ niệm hơn mọi thứ trên đời.
Ngày 14/8/2017
100% Human
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Thỉnh thoảng tôi lại nhận được những tin nhắn như thế này: “Em đã thử đủ các cách làm việc hiệu quả như chị gợi ý nhưng cứ được vài bữa là lại quay lại trì hoãn, lướt Facebook cả ngày. Chị có cách nào khác không?”, hay “Chị nghĩ những gì em viết rất tốt nhưng có thể đó chỉ là trên lý thuyết, thực tế khó có ai duy trì được như vậy”, hay “Mình nghĩ vì Chi sống ở nước ngoài, cuộc sống bình lặng, suôn sẻ nên mới tập trung làm được nhiều việc như vậy. Ở Việt Nam có rất nhiều chuyện làm con người bận rộn, phân tâm lắm”. Có thật như vậy không nhỉ?
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Suốt 3 tháng qua, phần lớn thời gian trong ngày tôi làm một việc “vô cùng thú vị và sáng tạo” đó là nhập thủ công hơn 4,000 bản khảo sát trên giấy vào Excel. Và không có ngày nào tôi không mất, ít thì 1-2 phút nhiều thì 1-2 tiếng, để tự trách bản thân tại sao trong thời gian làm khảo sát tại Việt Nam không thuê người nhập dữ liệu để bây giờ ngồi điên đầu gõ một mình, rồi tưởng tượng từng ấy thời gian trong ngày nếu không phải nhập dữ liệu thì giờ này mình đã viết được bao nhiêu thứ hay, đọc được bao nhiêu sách mới, có khi đã xuất bản được thêm vài bài báo khoa học… Nhưng cuối cùng, sự thật vẫn là mọi việc xảy ra thì đã xảy ra rồi, và mỗi một phút than thân trách phận trôi qua, tôi lại mất đi một phút nhập dữ liệu, một phút tiến gần thêm tới cái kết của quá trình “lao động khổ sai” này.
Suốt 1 năm qua, không ngày nào mở trang thepresentwriter.com để viết blog mà tôi không tự hỏi: “Tại sao mình lại bỏ quá nhiều thời gian để làm công việc sở thích này? Tại sao cứ phải đăng 1 bài/tuần trong lúc bận rộn đến thế này? Liệu có tốt hơn không nếu thay vì viết blog mình làm một cái gì khác để phát triển sự nghiệp và tương lai theo hướng thực tế hơn? Tại sao không viết blog/viết sách sau khi đã tốt nghiệp, sau khi đã có việc làm ổn định, hay đã có thời gian hoàn toàn rảnh rỗi?” Nhưng cuối cùng, sau hàng loạt câu hỏi “tại sao”, tôi vẫn ngồi xuống ghế, thư giãn đầu óc, xoa lấy đôi bàn tay, và tiếp tục viết.
Đầu tuần trước, tôi đặt ra mục tiêu 7 ngày nhập dữ liệu, mỗi ngày 150 mẫu. 7 ngày sau đó diễn ra như thế này: Ngày thứ nhất, nhập đến hoa mày chóng mặt mới được 100 mẫu. Ngày thứ hai, lên cơn dị ứng đường hô hấp không thể tập trung làm việc, nhập được đúng 10 mẫu. Ngày thứ ba, bản Excel trên máy tính hết hạn phải đến trường cài lại bản mới, thời gian đi lại và chờ đợi rất lâu, nhập được 60 mẫu. Ngày thứ 4, thứ 5, và thứ 6, phát hiện ra bản Excel mới có lỗi, đánh số vào rồi nhưng bị nhảy cột liên tục, mày mò tìm cách sửa mãi không được, phải nhập đi nhập lại nhiều lần. Cả 3 ngày làm được 150 mẫu. Ngày thứ 7, cuối cùng cũng tìm ra được cách sửa, nhập được 120 mẫu. Con số thực tế làm được kém xa mục tiêu đặt ra đầu tuần. Nhưng cuối cùng, đó vẫn là một tuần thành công vì ít nhất, tôi đã không bỏ cuộc.
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Con người ai cũng chỉ có 1 đôi tay, 1 đôi chân, 1 bộ não, 1 trái tim, và 24 giờ trong ngày. Không ai là hoàn hảo, không tuần nào là hoàn hảo, và không có hướng dẫn làm việc hiệu quả nào là hoàn hảo cho mọi trường hợp, khớp với tất cả mọi người. Chúng ta đều trì hoãn, đều muốn làm công việc thú vị, dễ dàng trước, đều than phiền khi gặp khó khăn, đều đặt ra những mục tiêu cao hơn thực tế, và đều thất vọng khi mình không đạt được điều mình muốn. Nhưng điều quan trọng là, cuối cùng, chúng ta chọn từ bỏ hay chọn tiếp tục, chọn đứng trong hay bước ra khỏi vùng an toàn, chọn dừng lại khi vấp ngã hay chọn phủi bụi đứng lên tiếp tục cuộc hành trình. ⠀⠀⠀
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
I am 100% human. WE ARE 100% human
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
FormYourSoul says
Em rất đồng ý với mini post cuối của chị ạ. “100% human”.
Không có gì có thể thay đổi ngay lập tức được chỉ nhỉ? Change is a process.
Cảm ơn chị vì những chia sẻ chân thành này nhé.
Trung Hiếu says
Hay lắm chị ạ. Đúng là dù thế nào, WE ARE 100% human. Cảm ơn chị đã chia sẻ ạ. 😀
Duyên says
Cảm ơn chị Chi vì những chia sẻ của chị, em đọc và tự ngẫm về chính mình. 🙂
Pi says
em đã ngồi cả buổi chiều để đọc các bài viết của chị, em thực sự tìm thấy mình trong đó. Em 28 tuổi, năm 2 thạc sĩ, còn mấy tháng nữa là tốt nghiệp mà em thực sự vẫn chưa biết mình nên đi đâu về đâu. Em suy nghĩ nhiều có nên tiếp tục làm PhD, nhưng lại sợ mình không đủ nghị lực, đủ thông minh để theo con đường đó, và cũng tự hỏi liệu mình có quá già khi bước chân là con đường làm PhD không, khi mà các bạn trẻ thường 24, 25 tuổi đã bắt đầu theo đuổi nó. Em chới với, thực sự chới với chị ạ!
Chi Nguyễn says
Chào bạn! Mình cũng 28 tuổi (tuổi Tây) nên có lẽ chừng tuổi bạn. Mình nghĩ học PhD hay không có nhiều yếu tố chứ không chỉ tuổi tác và kiến thức. Mình nghĩ điều quan trọng nhất là Bạn có thích nghiên cứu đến mức có thể làm một dự án trong 4-6 năm được không và Bạn có cảm thấy bằng PhD cần thiết để làm những điều bạn muốn làm trong tương lai hay không. Mình nghĩ nếu trả lời Có cho cả 2 câu hỏi này thì mới nên cân nhắc PhD. Gần đây có một số bạn cũng hỏi mình về vấn đề PhD hay không PhD. Có lẽ vài tuần nữa mình sẽ viết về chủ đề này. Mong nhiều điều tốt đẹp đến với bạn
Đạt Đinh says
Chị có cảm thụ với âm nhạc như vậy em thắc mắc là chị có thích hát không ? 🙂
Chúc chị tuần mới nhiều sức khỏe và hạnh phúc bên gia đình ạ.