Âu lo và chỉ trích thường đi đôi với nhau.
Chúng ta lo lắng khi nghĩ về tương lai, về bản thân, về gia đình, bạn bè, và về cả những “người ta” nào đó tưởng rất xa mà lại rất gần—như trong câu cửa miệng: “Rồi người ta sẽ nghĩ gì về mình?”, “Liệu người ta có cười chê mình không?”. Bởi vậy, đôi khi vì lo sợ chỉ trích mà ta không dám đi ngược lại số đông để làm điều mình muốn và khi vấp phải chỉ trích thì không biết làm sao để đương đầu.
Mini Post #18 này đưa cho bạn một số lời khuyên thực tế để giảm bớt âu lo và vượt qua chỉ trích.
Làm sao để bớt âu lo
Nhiều bạn nhắn cho mình rằng video “Một cuộc hành trình của âu lo” đã giúp các bạn cảm thấy bớt đơn độc và chới với trong cuộc chiến đẩy lùi trầm cảm và lo âu.
Sau nhiều năm đối mặt với các vấn đề tâm lý, mình không thể nói là đã hết hoàn toàn âu lo, nhưng mình có thể kiểm soát và xử lý nó tốt hơn trước nhiều.
Dưới đây là một số lời khuyên của mình cho những ai thuộc tuýp người hay lo nghĩ:
1-Viết ra những âu lo của mình
Nếu giữ suy nghĩ trong đầu quá lâu chúng sẽ lùng bùng, hỗn loạn, nhưng nếu viết ra, ta sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về những gì mình đang phải đối mặt.
Đọc thêm về journaling.
2-Giảm bớt kỳ vọng vào bản thân và người khác
Đặt kỳ vọng xuống thấp giúp ta bớt lo lắng hơn về tương lai. Đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào những điều ta không thể kiểm soát được.
3-Hạn chế nguồn năng lượng tiêu cực
Những người hay lo lắng thường rất khó để giữ trạng thái tích cực. Bởi vậy, hãy bảo vệ sức khoẻ tinh thần của mình bằng việc hạn chế tiếp xúc những nguồn năng lượng tiêu cực, như các mối quan hệ độc hại, những tin tức gây thù hằn, những chuyện sân si không liên quan tới mình…
Đọc thêm Tư duy tích cực.
4-Nghĩ đến 3 điều biết ơn mỗi ngày
Luyện tập lòng biết ơn mỗi ngày để trân trọng hơn những gì mình đang có. Ba điều biết ơn có thể nhỏ bé thôi, như món ăn ngon, ánh nắng mặt trời, cử chỉ nhẹ nhàng của ai đó… — tất cả những điều khiến trái tim ta mỉm cười.
Đọc thêm 30 ngày viết điều biết ơn.
5-Hành động để thay đổi
Đôi khi, điều tốt nhất để ngừng hẳn âu lo là đối đầu trực diện với nỗi lo lớn nhất của mình và hành động để giải quyết nó. Khi bắt tay vào hành động, ta sẽ có cảm giác kiểm soát được tình thế tốt hơn và vì thế, bớt lo lắng hơn.
Đọc thêm Bài học về 3 lần xin việc tại Mỹ
Chúc bạn tâm an
Làm sao để vượt qua chỉ trích?
Bất cứ khi nào chúng ta đưa ý kiến, sản phẩm, dịch vụ… của mình ra trước công chúng, ta phải chấp nhận rằng sẽ có người thích, có người không thích và từ đó dẫn đến chỉ trích. Là một người làm sáng tạo nội dung, dù với nội dung tích cực đến đâu, mình vẫn không tránh khỏi việc bị chỉ trích.
Sự tiêu cực trên mạng xã hội cũng là một rào cản khiến rất nhiều bạn dù muốn bộc lộ bản thân, trở thành blogger hay vlogger/podcaster phải chùn bước. Vậy, làm sao vượt qua chỉ trích để thực hiện mục tiêu và ước mơ của mình?
Dưới đây là những điều mình thường làm để lấy lại tinh thần mỗi khi gặp chỉ trích trong công việc và cuộc sống:
1-Suy nghĩ tích cực
Chỉ trích không phải lúc nào cũng là tín hiệu xấu. Đôi khi, bạn nhận được chỉ trích nhiều nhất khi làm một điều gì đó thú vị, khác biệt, gây chú ý. Điều bạn đang làm phải tạo ấn tượng cho người khác tới mức nào họ mới cảm thấy không im lặng được mà phải nói ra cho bạn nghe ý kiến của họ.
Đối với người làm sáng tạo, rất dễ nhận thấy sản phẩm nào càng viral, càng nhiều người biết tới thì lại càng có nhiều ý kiến trái chiều vì khán giả mới thường chưa biết nhiều về tác giả/hoàn cảnh sáng tác mà chỉ nhận xét hạn hẹp qua một sản phẩm duy nhất.
Bởi vậy, nếu bạn đã làm hết sức mình, tạo ảnh hưởng tích cực mà vẫn nhận lời chỉ trích thì hãy nghĩ đây là tín hiệu tốt, cho thấy những gì bạn đang làm đáng được quan tâm.
Tìm hiểu thêm về khía cạnh này trong Khoá học làm blog miễn phí
2-Phân biệt công kích cá nhân và chỉ trích có tính xây dựng
Chỉ trích có tính xây dựng rất cần thiết để ta học từ những thiếu sót hiện tại và phát triển tốt hơn hơn trong tương lai. Những lời chỉ trích này thường lịch sự, chừng mực, khen-chê rõ ràng, tập trung vào sự vật/sự việc khách quan.
Ngược lại, công kích cá nhân là những lời chỉ trích vô căn cứ, hoặc có căn cứ nhưng thổi phồng sự việc lên một cách thái quá, thường thô lỗ, thiếu văn minh và đi sâu vào đả kích cá nhân hơn là nhận xét về sự vật/sự việc trước mắt.
Vì vậy, ta chỉ nên tập trung vào những chỉ trích có tính xây dựng, đồng thời lọc bỏ những công kích cá nhân ra khỏi tâm trí mình.
3-Chỉ nhận chỉ trích từ những người mình sẵn sàng nhận lời khuyên
Có câu: “Don’t take criticism from people you wouldn’t take advice from” (Đừng nhận lời chỉ trích từ những người mà bạn không nhận lời khuyên), ý nói bạn chỉ nên lắng nghe những người hiểu về việc bạn làm và có thể đưa ra nhận xét xác thực để bạn làm tốt hơn.
Ví dụ, khi nghe một người chỉ trích về sản phẩm của bạn, hãy đặt cho mình câu hỏi: “Liệu tôi có sẵn sàng tìm đến người này để xin lời khuyên cho sản phẩm của mình tốt hơn không?” Nếu có, những lời chỉ trích này cũng đáng giá tựa lời khuyên. Nếu không, đừng suy nghĩ quá nhiều vì lời chỉ trích này.
—
Khi mình nộp nghiên cứu xuất bản, các tạp chí khoa học uy tín đều có học giả làm peer review (đánh giá cùng chuyên ngành). Đây là những người có kiến thức và kỹ năng cao, am hiểu về ngành mình nghiên cứu và có khả năng đánh giá chất lượng nghiên cứu của mình. Bởi vậy, nhận xét của họ rất đáng để tham khảo. Không ít lần, bài báo nghiên cứu của mình được trả về với rất nhiều chỉ trích gay gắt.
Tuy nhiên, mình luôn tự nhủ rằng đây là những người mình “sẵn sàng nhận lời khuyên”, họ đưa ra nhận xét có tính xây dựng để nghiên cứu của mình tốt lên, và bài báo của mình phải thú vị như thế nào thì họ mới dành thời gian để review (nếu không thì đã bị desk-rejected hay còn gọi là “loại từ vòng gửi xe”).
Khi vượt qua được sự khó chịu ban đầu, mình bình tâm ngồi lại chỉnh sửa theo góp ý của reviewers một cách có chọn lọc, và thường nhận ra bài nghiên cứu của mình được cải thiện nhờ những lời nhận xét đó.
Vì vậy, mình cũng cố gắng áp dụng tư duy này trong việc làm sáng tạo nội dung và cũng như trong cuộc sống, công việc khác hàng ngày.
Chỉ trích là điều không thể tránh khỏi nếu bạn muốn làm một điều gì đó có tầm ảnh hưởng. Những người ít bị nghe chỉ trích chỉ có thể là thánh nhân hoặc người luôn ở trong vòng an toàn, chỉ làm những điều chiều lòng, đón ý người khác. Bởi vậy, dũng cảm đối mặt, vượt qua chỉ trích cũng là cách để ta trưởng thành hơn và làm được những điều có ích, có tầm ảnh hưởng hơn mỗi ngày.
Cố lên nhé!
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Tình cờ xem được 1 video trên youtube của chị. Em cảm thấy rất hay và ý nghĩa. Gần 1 tuần nay em cứ vào trang blog của chị đọc lại những bài viết cũ. Cảm ơn chị vì những bài viết rất hữu ích trong công việc và cuộc sống. <3
Mình cũng tình cờ xem được 1 video của chị Chi trên Youtube và từ đó đến giờ mình luôn xem video mới nhất, nghe podcast và đọc blog của chị Chi. Cảm ơn chị đã dành thời gian và công sức để đem đến cho mọi người những bài học tuyệt vời và hữu ích ạ.
Bài viết rất hay, mình suy nghĩ tích cực là hết phiền lo ngay ấy bạn ơi ?
Hôm nay tình cờ đọc lại bài này của Chi và có một thắc mắc vui là Chi viết nhiều Morning Page thế thì những quyển sổ viết hết Chi có bỏ đi ko hay có bao giờ đọc lại ko. Nếu theo chủ nghĩa tối giản thì sẽ k muốn lưu lại những quyển sổ đã viết hết, nhưng bỏ thì tiếc mà để lại thì nhiều quá mà chúng k có ích gì mấy. Mình cũng vừa mới mua một quyển sổ mới bắt đầu hành trình Morning Page 🙂
Chi viết khoảng 4 năm đầu bỏ hết và không đọc lại :). Những năm gần đây Chi giữ lại vì mục đích lấy cảm hứng viết lách, làm podcast chia sẻ vì những trang viết đó gợi nhắc cho Chi những kỷ niệm quá khứ. Còn nếu không có mục đích nhớ lại để làm content thì chắc Chi sẽ bỏ hoặc scan hay chụp lại để máy tính lưu thôi
Dear chị Chi,
Một lần tình cờ em xem được 1 video trên youtube của chị về việc đọc sách, sau đó đã tìm đến blog của chị để đọc về từng bài viết. Hôm nay lại đọc được bài blog này của chị và bài blog “Rồi sao? What can you do about it?”. Em vốn dĩ là người có khá nhiều suy nghĩ tích cực và quyết tâm nhưng đôi khi thỉnh thoảng cũng có đôi chút bị trùng xuống, chính là ở thời điểm này. Và thế là em lại vào đọc 2 bài blog này của chị.
Em chỉ muốn nói là blog của chị thực sự có ý nghĩa đối với em, vì blog của chị Chi chính là những bài blog đầu tiên đưa em đến với chủ nghĩa tối giản cùng với những năng lượng tích cực cũng như kỹ năng học tập và làm việc trong cuộc sống. Từ khi biết tới chủ nghĩa tối giản, cuộc sống của em cũng tích cực hơn khá nhiều.
Cảm ơn chị Chi rất nhiều. Em chúc chị luôn mạnh khoẻ và sẽ cho ra được nhiều video và blog bổ ích!
Dear chị Chi!
Xin chào chị, hiện tại e cũng đang là một du học sinh tại Nhật Bản, những điều hiện tại em gặp phải thì e thấy rất tương đồng những cảm xúc, những chia sẻ của chị.
Cảm ơn từ những chia sẻ từ Podcast đến những blog này e cảm thấy nhận được những nguồn năng lượng tích cực từ chị và nhìn nhận vấn đề một cách tích cực hơn.
E chúc chị có thêm nhiều sức khỏe, và nhiều năng lượng để tiếp tục truyền những nguòn năng lượng tích cực đến cộng đồng nhé!
Cảm ơn em vì sự đồng cảm. Chị sẽ làm thêm nhiều bài viết có ý nghĩa nữa.