Cách đây khoảng 5 tháng, tôi thử nghiệm viết một series trên Instagram (@thepresentwriter) với những mẩu giấy nhắn, viết tay đơn giản, bắt đầu bằng “Dear Self” hay “Dear Younger Self” (Tôi thân mến…). Đây là những lời nhắn dành cho tôi, được đúc kết bởi những bài học tôi nhận ra cho chính mình ở thời điểm đó. Rất nhiều bạn đọc thích series này và nói rằng bạn nhìn thấy mình ở đâu đó trong những mẩu giấy notes của tôi.
Gần đây, tôi có rất nhiều suy nghĩ về cuộc sống và muốn mang series này trở lại lâu dài trên Instagram. Vì vậy, bạn hãy theo dõi @thepresentwriter để “nhận” những lời nhắn này của tôi nhé.
Nhưng trước hết, trong Mini Post này, chúng ta hãy cũng nhìn lại những lời nhắn được viết trong thời gian vừa rồi:
Con Đường Ta Đã Đi
Tháng 8 tới đây (8/2020) là tròn 7 năm mình sang Mỹ du học và định cư.
Cuộc sống ở nước ngoài nhiều áp lực, cạnh tranh, phải tự lực cánh sinh thật không dễ dàng. Mỗi lần chuyển trường, chuyển nơi ở, có công việc mới là lại một lần “làm lại từ đầu” vì không có gia đình, họ hàng, các mối quan hệ lâu năm làm điểm tựa. Chưa kể đến nỗi lo nơm nớp về chính sách nhập cư có thể thay đổi bất cứ lúc nào, làm đảo lộn mọi cơ hội việc làm, cuộc sống. Có rất nhiều lần mình cảm thấy rất mệt mỏi, chỉ muốn gục ngã.
Nhưng mỗi lần như thế, nhớ lại quãng đường đã đi qua dài như thế nào để có ngày hôm nay, mình lập tức trấn an trở lại.
Mình còn nhớ ước mơ cháy bỏng nhất trong hơn 20 năm đầu đời là được đi du học; có giai đoạn, cơ hội đi học mong manh quá mình nghĩ: “Chỉ được đi du học thôi là đời này mãn nguyện rồi”. Nghĩ lại thấy thời đó mình thật trẻ con, nhưng cũng thật nhiều đam mê, hoài bão.
Giờ ước mơ tuổi 20 ấy không những đã thành sự thật mà còn vượt xa cả tưởng tượng, khi mình có bằng Tiến sĩ, có việc làm, có chồng và con ở Mỹ. Vậy nếu mình không sống thật tốt và không tận hưởng cuộc sống hiện tại thì có nghĩa là mình đang có lỗi với bản thân—có lỗi với một cô bé Chi khát khao, vụng dại ngày nào.
Một điều mình thích làm để lấy lại tinh thần là lên The Present Writer đọc lại các bài viết cũ của mình về du học. Blog như cỗ máy thời gian giúp mình sống lại những ngày mò mẫm thuở ban đầu và làm mình biết ơn hơn con đường sáng tỏ mình đã đi qua.
Cho Ai?
Khi mình viết về định kiến và soi xét thái quá của xã hội đối với phụ nữ (đặc biệt ở Việt Nam), nhiều người nói: “Đó là nét đẹp văn hoá”, “truyền thống giúp phụ nữ Việt nền nã, biết hy sinh hơn”, hay “soi xét cũng là cách để phụ nữ sửa sai và hoàn thiện hơn”… Mình luôn đáp lại bằng câu hỏi: “Cho ai?”
Đó là nét đẹp văn hoá cho ai? Nền nã biết hy sinh cho ai? Sửa sai và hoàn thiện hơn cho ai? Có phải cho chính phụ nữ? Hay là cho những người đàn ông nghiễm nhiên hưởng thụ trên cái gọi là “truyền thống, văn hoá” ấy?
Đừng hiểu nhầm, mình luôn khuyến khích chị em thường xuyên học tập, trau dồi, phát triển bản thân. Mình cũng là phụ nữ và cũng đang cố gắng vươn lên mỗi ngày. Nhưng mình nghĩ hoàn thiện bản thân phải là cho bản thân trước nhất, rồi mới đến những người bên cạnh, và sau cùng mới đến xã hội. Mình không đồng tình với những quan điểm luôn bắt phụ nữ phải thay đổi, làm việc nhà nhiều hơn, lăn lộn vì chồng con nhiều hơn, chiều chuộng đôi bên họ hàng khéo hơn… vì chúng làm cho phụ nữ không bao giờ cảm thấy mình đã “đủ”.
Nếu bạn đã làm hết sức, đã gồng lên để chứng tỏ với bản thân và mọi người mà vẫn chưa làm tất cả hài lòng, mình ở đây để nói cho bạn rằng: “BẠN ĐÃ ĐỦ”.
You’re enough. I’m enough. We’re enough.
Take care!
“Liệu pháp” mua sắm
Một trong những điều mình hối tiếc nhất khi còn trẻ là thói quen mua sắm vô tội vạ bất cứ khi nào tâm trạng đi xuống. Thay vì dừng lại suy ngẫm, đối diện với cảm xúc của bản thân hay tâm sự với một ai đó, mình chỉ chăm chăm lao ra đường mua sắm—hòng “tiêm” vào máu chất xúc cảm hưng phấn nhất thời. Cơn nghiện “retail therapy” này lên đến đỉnh điểm trong mấy tháng đầu mình sang Mỹ vì mới đi học stress, lạc lõng, thiếu tự tin vào bản thân trầm trọng. Nó chỉ dịu đi khi mình bắt đầu có bạn bè, quen với cách học hơn, và đặc biệt, khi mình đi therapy thật để điều trị cân bằng tâm lý.
Sang năm thứ hai ở Mỹ mình chuyển sang học một trường xa trung tâm. Thời điểm đó thành phố mình ở không có nổi một tiệm H&M với Zara nào nên có muốn retail therapy cũng không được, vì thế tự khắc “cai nghiện”.
Lý do nữa là khi bắt đầu học Tiến sĩ có tiền lương (đúng hơn là trợ cấp sau học bổng) rồi thì mình quyết tâm độc lập tài chính hoàn toàn để không làm phiền gia đình thêm nữa. Năm đó mới đi học lương thấp kinh khủng $1,200/tháng (dưới mức nghèo của Mỹ ) nhưng tiền nhà đã là $900. Tức là mình chỉ có đúng $300 (hơn 6 triệu đồng) để trang trải tất cả các chi phí khác. Vậy mà không hiểu làm cách nào hồi đó mình không những ăn uống đầy đủ, tâm lý tốt, mà lại còn tiết kiệm được hẳn 1 tháng tiền nhà (vì nỗi sợ lớn nhất lúc đó là thiếu tiền nhà bị đuổi ra đường giữa đêm tối ). Có lẽ vì không còn bị quyến rũ bởi shopping, sống nhẹ nhàng, tối giản hơn, và tập trung vào tinh thần nhiều hơn vật chất, mình trở nên sáng suốt, thông minh hơn với đồng tiền mình kiếm được.
Nghĩ lại những ngày còn đắm đuối với retail therapy, những bộ váy áo vô nghĩa chất đầy trong tủ, những chiếc túi, đôi giày chưa một lần đeo… mình tiếc tiền ít mà tiếc cơ hội đầu tư, thời gian bỏ ra lang thang mua sắm, tuổi trẻ lạc trong thế giới vật chất tiêu dùng đến vô cùng. Cũng may đã tỉnh ngộ và “cai nghiện” khi còn chưa quá muộn!
Khi không còn là “hoa hậu thân thiện”
Lớn lên trong nền giáo dục đậm chất Á Đông, mình được dạy: con gái lúc nào cũng phải để ý để chiều lòng, đón ý người khác, đừng để người ta đánh giá mình là thế này, thế kia… Bởi thế, mình lớn lên trở thành một people pleaser (người luôn nỗ lực để làm hài lòng người khác) thực sự. Nếu có ai chỉ thể hiện thoáng qua, vu vơ là phật ý với mình thì dù họ đúng hay sai, mình cũng không ngừng tự trách bản thân rồi cố gắng nghĩ xem mình phải làm cách nào để lấy lòng lại họ. Nếu có ai thể hiện là họ quý mình ở điểm nào thì mình lại tiếp tục nỗ lực uốn nắn bản thân để khi đi với họ, điểm họ thích ở mình bộc lộ ra rõ rệt, để họ quý mình hơn và cảm thấy hài hả hơn.
Nhưng càng trưởng thành, mình càng cảm thấy cách sống và cách suy nghĩ này thật sự mệt mỏi. Nó khiến mình cảm thấy như bị vắt kiệt sức khi giao tiếp với một ai đó, cảm giác đôi khi phải giả tạo, không được sống đúng với mình. Mà điều đau đớn nhất là gì, bạn có biết không? Đó là, kể cả khi mình đã nỗ lực hết sức để phục vụ người khác, người ta cũng chưa chắc đã hài lòng! Người ta vẫn có thể thờ ơ, lạnh nhạt, hất gáo nước lạnh vào thành ý của mình, thậm chí nói xấu sau lưng, hãm hại mình.
Bởi vậy, từ giữa tuổi 20, khi bắt đầu ra nước ngoài sống độc lập và tìm lại chính mình, mình đã quyết định từ giờ không còn chiều lòng, đón ý ai nữa. Mình sẽ đối xử với mọi người đúng như cách mình muốn mọi người đối xử với mình. Còn yêu hay ghét, đó là tuỳ thuộc vào đánh giá và hành xử của người ta—điều này ngoài tầm kiểm soát của mình.
Đây có lẽ là quyết định bước ngoặt, tạo ra nhiều thay đổi lớn trong cuộc đời mình. Cho đến tận bây giờ, dấu vết của một people pleaser trong mình vẫn còn, và mình vẫn đang chỉnh sửa hàng ngày để thoát khỏi những ràng buộc từ quá khứ. Nhưng nhìn lại, cuộc sống hiện giờ của mình tự do hơn và tâm hồn của mình nhẹ nhõm hơn trước đây rất, rất, rất nhiều. Mình thực sự tự hào về điều đó!
Đúng vậy, không phải ai trên đời này cũng yêu quý bạn, và điều đó cũng bình thường thôi! Cuộc sống mà! 🙂
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Quynh Quang Ngo says
Great job, Chi!
Question: is this because you are living now in US, you can live that way comfortably? Imagine with your current self and you were living in VN, would you be able to persist to live and t think that way? Or should you change, if right from beginning you stayed and lived in VN up to now? And your conclusion? I haven’t read your previous posts, maybe you answered those questions already somewhere. 🙂 Thank you.
Chi Nguyễn says
Maybe and maybe not 🙂 Most of these notes I wrote for myself when I was still in Vietnam (around 10 years ago), so I’m not sure if and how moving to the U.S. has impacted my way of thinking. But perhaps, becoming an immigrant in a big country, living on my own, and going through lots of hardship aboard helped me realize that I need to live more for myself–not for others. I will be posting a podcast episode on “sense of belonging,” which goes deeper into this subject. Stay tuned & Thank you for reading my post!
Trần Thị Huyền says
Chào chị Chi,
Em vô tình tìm thấy blog này khi tìm hiểu về chủ nghĩa tối giản và từ đó có cơ hội đọc sách chị xuất bản. Em hiện đang theo đuổi chương trình nghiên cứu sinh ở Pháp và cũng có rất nhiều áp lực lẫn niềm vui. Blog của chị giống như một ly nước mát “tưới” vào lòng em mỗi khi nhiều khó khăn ập đến cùng lúc. Một trong những việc trong danh sách ưu tiên cứu vớt em khi bản thân rơi vào áp lực là đọc lại những bài đăng mà chị đã chia sẻ. Em cám ơn chị thật nhiều <3. Nếu hữu duyên, em rất mong có cơ hội gặp chị một lần.
Chị có một ngày tuyệt vời nhé 🙂 !
Thân ái,
Huyền
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều vì đã theo dõi blog! Chị cũng thích được làm ly nước mát cho cuộc sống của em 🙂 Chúc em nhiều may mắn trong con đường làm nghiên cứu sinh nhé!
Minh Hương says
Đọc bài viết này của chị em nghĩ về em của trước khi sinh con tự nhiên thấy thương con bé Hương đó quá. Lúc nào cũng muốn sống cho vừa lòng đồng nghiệp, ngại làm mích lòng sếp, ngại đấu tranh để công việc được tốt hơn, ngại đủ thứ và cũng mơ mộng đủ thứ về tương lai. Ấy thế mà sinh con 3 tháng, nghỉ thai sản tới tháng thứ 4 tự dưng em thay đổi suy nghĩ hẳn. Hôm nay đọc bài này của chị em càng có thêm tự tin để sống đúng là mình hơn, để được sống trọn vẹn cho hiện tại hơn.
Cảm ơn chị đã truyền cảm hứng viết cho em, nhờ có chị mà em nhận ra khi viết em mới đúng là mình, em mới được là mình, em mới thấy bản thân mình có giá trị. Cảm ơn chị Chi thật nhiều.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc và chia sẻ! Chúc hai mẹ con khoẻ mạnh để mẹ sớm trở lại mạnh mẽ hơn xưa nhé <3
Quynh Quang Ngo says
Thanks Chi!
I’m really looking forward to the podcast episode.
Actually, when I wrote down the questions for you, I just thought about the influence of the differences in political systems, ideologies that are supported in each country, the popular metrics that judge values in each country, e.g., the opposite between individualism and communism, and so-called cultures.
I got it when you mentioned “sense of belonging”, you chose your path and how to live your life.
But hey another question: is it a political statement from you? 🙂 Thank you.
Tuấn Huỳnh says
Em chào chị Chi Nguyễn
Em vô tình biết về chị bằng vài Video Youtube rồi sang Blog của chị đọc. Thật sự những chia sẻ của chị như “thực phẩm chức năng” bổ sung cho em suy nghĩ còn thiếu cũng như tăng thêm niềm vui và giúp tinh thần tốt hơn.
Em cảm ơn chị, chúc chị Chi sức khỏe và ThePresentWriter ngày càng phát triển.