Mini Post #14 tổng hợp lại những bài viết ngắn vào mùa đông năm 2019 (18/1-18/2/2019), khi mình chuyển nhà sau khi sinh em bé đầu lòng được 3 tháng và trải qua quá trình tìm lại bản thân và chỗ đứng của mình sau một thời gian vượt lên chứng trầm cảm sau sinh.
Chuyển Nhà & Tối Giản
Ai đọc “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” thì chắc cũng biết mình bắt đầu tối giản hoá cuộc sống từ lần chuyển nhà cách đây 4 năm. Thật trùng hợp là sách tái bản đúng lúc mình lại dịch chuyển một lần nữa.
Bạn đọc có ai thích nghe những mẩu chuyện nhỏ trong quá trình chuyển nhà lần này của Chi không? (Biết đâu sau này lại thành tư liệu cho cuốn sách thứ hai về tối giản 🙊)
Mớ hỗn độn trước khi trật tự mới được lập ra
Hình bên trái (before) là góc làm việc ở căn hộ cũ của mình đã ở được gần 3 năm. Hình bên phải (after) là mớ đồ mình lôi ra từ cái góc bé xíu ấy để chuẩn bị đóng thùng chuyển đi.
Thật khó có thể tưởng tượng được đúng không?
Một cái góc vốn gọn gàng là thế, một người thực hành lối sống tối giản như thế, mà khi lôi tất cả mọi thứ ra vẫn lanh tanh bành đến thế này. Mỗi lần dọn nhà là một lần mình học thêm một điều gì đó về bản thân và biết thêm rằng mình còn có thể tối giản nhiều hơn nữa.
Nhưng thành thật mà nói, mình khá thích mớ hỗn độn này 😅. Với phương pháp dọn dẹp của mình (lôi toàn bộ đồ đạc ra trước mặt để cân nhắc thay vì dúi vào đâu đó để “khuất mắt trông coi”) thì việc dọn nhà luôn phải đối mặt với một mớ hỗn độn kinh hoàng, trước khi trật tự mới tươi đẹp được lập ra. Đây là một quá trình thay đổi bản thân về mặt tư tưởng — đối với mình, nó có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn là ngồi đếm xem mình có bao nhiêu món đồ. Có lẽ vì thích sự hỗn độn này mà mình dường như “nghiện” dọn nhà, nếu 2-3 năm không chuyển nhà lần nào thì vài lần lần trong năm cũng phải lôi các thứ ra sắp xếp lại, bỏ bớt đi.
Ý tưởng viết “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” cũng được hình thành sau một lần chuyển nhà khủng hoảng như thế (câu chuyện này được viết ngay chương đầu tiên của cuốn sách). Thật trùng hợp là sách được tái bản ngay đúng đợt mình chuyển nhà một lần nữa. Một năm qua kể từ ngày sách đầu tiên được ra mắt, cuộc sống và thế giới quan của mình đã thay đổi rất nhiều.
Ngày trước có thể mình sẽ ngại chia sẻ những tấm hình bừa bộn như thế này lên mạng xã hội nhưng bây giờ, mình cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Có lẽ, đó là bởi vì mình nghiệm ra rằng “minimalists” thực thụ là những người dám đối mặt với sự hỗn độn, thậm chí có thể dũng cảm đập vỡ trật tự cũ để xây lại một trật tự mới từ đống hỗn độn tạm thời.
Suy nghĩ nhiều về cuốn sách tái bản trong lần chuyển nhà lần này, mình hy vọng những người theo dõi The Present Writer blog cũng như độc giả của “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” cũng có thể thoải mái chia sẻ mớ hỗn độn mọi người đang phải đối mặt để làm động lực bắt tay xây dựng trật tự mới cho mình.
Tại sao mình lại chuyển nhà?
Trong khi cả thế giới (đặc biệt là thế giới của những người trẻ sống tối giản) đang rộ lên phong trào “downsizing” bằng việc bỏ đi hầu hết đồ đạc và sống trong không gian nhỏ hơn nhiều (trong những căn hộ bé xíu hoặc thậm chí, trong xe van, xe kéo…) thì với lần chuyển nhà lần này mình hoàn toàn “upsizing” về không gian sống: từ căn hộ 1 phòng ngủ lên tới 3 phòng ngủ. Tại sao?
Tất cả đều bắt nguồn từ anh chàng này.
Từ khi bắt đầu có Jaden, mình cảm thấy rất cần một không gian riêng yên tĩnh.
Công việc của mình (nghiên cứu, viết lách) yêu cầu sự tập trung cao độ, trong khi đó nhà cũ của mình chỉ có điều kiện kê một chỗ làm việc nhỏ trong phòng khách, rất khó có thể dứt con nhỏ ra 1-2 tiếng để làm việc, thậm chí kể cả khi con ngủ hoặc có người chăm con giúp. Vì thế vợ chồng mình mới nghe ngóng, hy vọng tìm được một nơi ở mới rộng rãi hơn, cũng ở khu vực trung tâm cạnh trường Đại học mình đang làm, mà lại còn trong dự trù kinh phí cho phép (những yêu cầu thực sự rất khó!).
Nhưng càng đi hỏi han các nơi, bọn mình càng nhận ra là cũng bởi vì có Jaden, gia đình mình được ưu tiên rất nhiều trong việc chọn nhà ở – đây là một chính sách rất tuyệt vời của thành phố dành cho các gia đình trẻ có con nhỏ. Ở nhiều khu nhà mình tới, mặc dù đơn xin thuê nhà gửi từ trước đã dày đến cả gang tay nhưng khi đọc hồ sơ của gia đình mình, các nhân viên đều ưu tiên để lên hàng đầu. Cuối cùng, sau vài tháng chờ đợi, gia đình mình cũng có được một căn hộ rộng gấp 3-4 lần căn hộ cũ mà đặc biệt, giá thuê nhà còn thấp hơn nhà cũ !
Với sự chuyển đổi này, Jaden mới 2 tháng tuổi đã có phòng riêng, còn mẹ Jaden thì (lần đầu tiên trong cuộc đời) có văn phòng làm việc tại nhà đúng nghĩa.
Mình biết không phải ai có con nhỏ cũng có điều kiện được ở riêng, rồi có nhà rộng rãi như thế này, nên mình cảm thấy thực sự may mắn và biết ơn. Mẹ mình nói, có được căn hộ này là “lộc của Jaden cho bố mẹ”. Mình nghĩ cũng đúng. Có con là động lực để mình quyết tâm thay đổi, nâng cấp cuộc sống vốn đã quen thuộc trước đây, và có con cũng (thật bất ngờ) mở ra những cánh cửa tới cơ hội mới mà trước nay mình chưa từng nghĩ tới.
Tốt-Tô-‘Chi’—Cô bé bên cửa sổ
Văn phòng tại nhà của mình cũng đã gần hoàn thiện. Cũng như mọi nơi khác mình từng ở, bàn làm việc luôn được kê bên cửa sổ hoặc cửa ra ban công lấy ánh sáng tự nhiên.
Cách đây hơn 3 năm, mình thuê một căn hộ tầng hai ở một toà nhà khá thấp (hai tầng nhưng tầng một xuống sâu gần như tầng hầm). Căn mình ở hồi đó có ban công rất rộng, cửa kính lớn nhìn ra bên ngoài là chỗ đỗ xe của toà nhà, công viên cây xanh và một trạm xe buýt. Theo thói quen, mình kê bàn học ngay bên cạnh cửa kính ban công, nhìn ra ngoài đường.
Thời gian đó mình còn đang lấy lớp trên trường (hai năm đầu làm nghiên cứu sinh thường phải đi học nhiều môn trước khi được nghiên cứu độc lập) nên rất bận. Hầu như ngày nào nếu không đến trường thì từ sáng đến tối mình cứ ngồi bàn làm việc, cắm mặt vào đọc với viết từ sáng đến đêm. Ngồi lâu thành quen, tập trung chả để ý mấy xung quanh. Mãi sau này lúc gần chuyển đi mới biết là mình “nổi tiếng” khắp cả khu nhà với biệt danh “cô bé bên cửa sổ” – người mà ai cũng biết mặt nhưng chưa gặp bao giờ 🙈.
Hoá ra vì toà nhà quá thấp nên tầm nhìn của mọi người (lúc đỗ xe, xuống bến xe buýt, dắt chó đi dạo…) vào đúng tầm ban công nhà mình, cũng tức là dòm ngay vào chỗ bàn làm việc của mình. Các bạn hàng xóm xôn xao: “Không hiểu sao có cái con bé Châu Á ngồi một chỗ giỏi thế, tao sáng sớm đi làm đã thấy nó ngồi, chiều làm về thấy ngồi nguyên chỗ đó, tối đi chơi nhìn lên cũng lại thấy nó ngồi”🙊 (sau này chồng mình đi uống bia với hàng xóm về kể lại vậy).
Nghĩ lại cũng thấy thời đó sao mà mình chăm quá, vừa học vừa làm quên cả thời gian, quên cả cuộc sống. Bây giờ biết (phải) cân bằng cuộc sống hơn rồi nhưng một phần nào đó bên trong mình vẫn mãi là “cô bé bên cửa sổ” thôi.
——-
Email #113
Sáng nay như thường lệ mình mở điện thoại ra xem Inbox/Gmail nhưng không thấy có email mới nào—một điều khá bất thường vì mình có những email subscription gửi hàng ngày vào mỗi sáng, kể cả thứ 7, chủ nhật. Mãi đến khi tới chỗ làm mở máy tính ra mình mới nhận được thông báo là Inbox quá đầy nên phải xóa bớt email cũ đi mới được nhận/gửi email mới. Sợ bị lỡ mất email quan trọng, mình ngay lập tức tìm cách xóa đi email cũ từ những năm 2008, 2009, 2010—những trao đổi/chat chít hồi còn đi làm tình nguyện, hồi học đại học, những đơn nộp học bổng từ ngày xưa…
Trong mớ hỗn độn của quá khứ ấy, mình bắt gặp email “#113” của Joe. Thời đó, bọn mình có thói quen viết email cho nhau (gần như là cách duy nhất để liên lạc quốc tế lúc bấy giờ) và dần dần đánh số các email để xem cuối năm viết được bao nhiêu “lá”.
Trong email #113, Joe kể rằng có một anh bạn đến chơi nhà, biết chuyện Joe có tình cảm với Chi— một người con gái ở Việt Nam mới chỉ gặp một lần, anh ta lấy làm ngạc nhiên lắm và hỏi: “Thành thật mà nói Joe đã ‘lừa dối’ Chi bao nhiêu lần rồi?” Joe bảo chưa lần nào cả. Sau đó cả hai chuyển chủ đề nói về một buổi ca nhạc ngoài trời và anh ta lại nói rằng: “Đó là cơ hội để gặp gỡ mấy đứa con gái xinh xắn, có tình một đêm và không bao giờ gặp lại”.
Rồi Joe viết tiếp kể rằng ở chỗ Joe làm có một bạn gái mới 17 tuổi nhưng sống rất phóng túng, không hẹn hò ai cụ thể cả nhưng hôm này dẫn anh kia về nhà, hôm sau lại về nhà anh nọ, và lần gần nhất là say sưa tỉnh dậy mới nhận ra mình vừa qua đêm ở nhà một người đàn ông mới quen. Cô bạn này đến chỗ làm và thản nhiên kể cho mọi người như một chiến tích.
Cuối thư, Joe viết: “Anyways hearing these stories just makes me feel better about us and i feel that we really have something special. I love you baby girl. I cant wait to see you” (Tạm dịch: Nghe những câu chuyện như vậy khiến anh cảm thấy tốt hơn về chúng ta và anh cảm thấy rằng quan hệ của chúng ta có một cái gì đó rất đặc biệt. Anh yêu em cô bé. Anh không thể đợi để gặp lại em).
Thế nhưng mà phải sau hàng trăm email, hàng ngàn tin nhắn nữa bọn mình mới gặp lại nhau lần thứ hai tại Mỹ; rồi không biết bao chuyến bay nối hai bờ Nam-Bắc nước Mỹ nữa rồi mới được ở hẳn bên nhau. (Đọc thêm ở “Chuyện của Chi & Joe“)
Ba tháng gần đây, với sự ra đời của con đầu lòng, cuộc sống của bọn mình có nhiều xáo trộn. Với vai trò mới là bố và mẹ, bọn mình cũng đặt cho nhau nhiều kỳ vọng hơn và vì thế, cũng căng thẳng hơn.
Nhưng email #113 nhắc mình nhớ lại mối quan hệ của bọn mình đã từng đặc biệt đến thế nào và cả hai đã đi qua chặng đường dài tới đâu để đến được bên nhau. Email #113 làm mình nhận ra Joe đã đúng như thế nào khi luôn tin tưởng và lạc quan về tương lai tươi sáng, trong khi mình luôn nghi hoặc, chờ đợi một sự chắc chắn không rõ ràng. Email #113 khiến mình yêu “chúng mình” của hiện tại hơn rất nhiều, vì những gì cả hai đã học được ở nhau và trưởng thành sau 10 năm qua, và vì những gì tốt đẹp nhất mình biết còn đang đợi chúng mình phía trước.
To Joe-y: Thanks for sending me email #113 and hundreds of other love notes. Thanks for being my biggest fan and cheerleader (even though you don’t understand my writing in Vietnamese). Love you, honey
——-
Ở nơi đó ta thuộc về
Lần đầu tiên mình về Việt Nam thăm gia đình là mùa đông năm 2014—một năm rưỡi kể từ khi bắt đầu đi du học—khi đó mình vừa nhận bằng Thạc sĩ ở trường cũ và chuyển sang trường mới học tiếp Tiến sĩ. Mình còn nhớ như in cảm giác ngạc nhiên khi vừa bước chân về nhà, ngạc nhiên tới mức reo lên thành tiếng: “Ồ, sao mọi thứ trong nhà như bé đi vậy?”
Anh trai mình đang kê lại bộ bàn ghế để dắt hai cái xe máy vào phòng khách (kiêm “ga-ra” để xe buổi tối) nghe thấy thế bật cười bảo: “Này, mày đừng có như mấy đứa Việt kiều mỗi lần về nước là lại chê cái gì ở nhà cũng bé hơn ở bển đấy nhá!” Ấy dà, nói thể thì tội cho con bé em quá vì năm đầu ở Mỹ nó phải thuê nhà ở chung với hai bạn nữa, chỉ chui ra chui vào có một cái phòng bé tí chỉ kê đủ cái giường với bàn học chứ đừng nói đến là phòng khách với mấy tầng gác như ở nhà.
Thế nhưng, cảm giác vẫn là cảm giác, mọi thứ ở nhà dường như bé lại, trần nhà sụp xuống thấp hơn, căn bếp trở nên tí xíu, cầu thang hẹp đến kì cục… Đó là vì căn nhà thu nhỏ lại hay vì mình đã lớn lên nhiều?
Thời gian đó về nhà cũng nhằm lúc mình phải gia hạn visa để về lại Mỹ. Ngày bay về đã tới gần mà visa vẫn chưa thấy đâu, quá cả khoảng thời gian quy định thông thường, mình bắt đầu thấy sốt ruột. Mãi mới bắt được liên lạc với bên Lãnh sự quán thì họ thông báo chung chung là mình phải bổ sung giấy tờ. Cuống lên hỏi đi hỏi lại mới được biết cụ thể hơn là I-20 (một văn bản nhà trường cấp cho sinh viên quốc tế) của mình bị lỗi, mặc dù trên giấy tờ đã ghi tên trường mới nhưng số hóa trên mạng liên kết với Lãnh sự quán thì vẫn là tên trường cũ. Thời gian thì còn eo hẹp mà trách nhiệm liên hệ sang Mỹ sửa lỗi lại đổ hết sang mình (mặc dù lỗi hoàn toàn không ở mình). Khổ sở nhất là vì Việt Nam và Mỹ trái múi giờ 12 tiếng, muốn liên hệ với văn phòng sinh viên ở Mỹ cũng phải đợi đến đêm ở Việt Nam mới gọi được điện thoại, mà hồi đó các phương tiện gọi quốc tế cũng chưa được cập nhật như bây giờ.
Thế là cả ngày lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ chong chong đợi đến đêm gọi điện sang Mỹ hỏi hồ sơ sửa đến đâu rồi, rồi lại chờ đến sáng hôm sau để liên hệ xem Lãnh sự quán Việt Nam đã nhận được hồ sơ chưa… Trong những ngày căng thẳng ấy, có những lúc mình nghĩ: “Nếu visa có trục trặc, mình không về lại được Mỹ nữa thì sao?”
Nhắm mắt lại, mình cố gắng nhớ từng chi tiết căn nhà mình thuê ở Mỹ, từng cái bàn, cái ghế mình mua bằng những đồng lương đầu tiên của nghiên cứu sinh, con đường trải nhựa xám từ nhà đến trường, những cành cây khô mùa đông ngoài cửa sổ xào xạc, và nhất là chú mèo xám mình đang nhờ người bạn trông giùm…Nhớ nhiều lắm, mà nhớ vội nhớ vàng, nhớ cứ như sợ rằng nếu không túm, không nắm, không hít hà những hình ảnh ấy ngay lúc này, chúng sẽ biến đi mãi mãi.
Gần đến ngày đi thì cũng vừa may visa được cấp. Mình gấp rút chuẩn bị quay lại Mỹ. Những ngày cuối cùng vội vã đến mức mình không còn nhớ điều gì, chỉ biết nhoằng một cái đã lại ra sân bay, tạm biệt gia đình, rồi ngủ trên máy bay mấy giấc là đã đặt chân sang Mỹ. Cứ như một giấc mơ vậy.
Đến tận khi kéo hành lý vào chiếc taxi để về lại căn hộ thuê, mình vẫn không có cảm giác gì. Nhưng đến khi bác tài vừa cho xe lăn bánh, ngước lên cửa kính xe là cả một bầu trời sáng chói, tuyết ngập hai bên đường, những cành cây khẳng khiu khoác chung màu trắng xốp, không gian tĩnh lặng hệt như trong những bức tranh vẽ mùa đông phương Tây, mình mới thấy lòng nhẹ lại: “À, đây đã là nước Mỹ và mình đang trên đường về nhà…”
Đã 5 năm qua đi kể từ ngày ấy nhưng cảm giác “thuộc về” đó mình không bao giờ quên. Đó là thời khắc làm mình nhận ra dù yêu gia đình đến đâu và thèm khát về Việt Nam thăm nhà đến thế nào, số phận dường như đã sắp đặt cho mình sống cuộc sống tha hương. Có những người sống ở nước ngoài hàng chục năm nhưng chỉ có cảm giác thuộc về ấy khi về Việt Nam. Có những người dù ở Việt Nam gần như cả đời nhưng lại chỉ cảm thấy thuộc về khi sang một đất nước khác. Nhưng không phải ai cũng được lựa chọn để ở nơi mình muốn. Bản thân mình cảm thấy thực sự may mắn khi được sống nơi mình đang sống, sống đúng với tiếng gọi của tâm hồn mình. Sự biết ơn này đã giúp mình vượt qua nhiều lúc nhớ nhà, nhớ gia đình, bạn bè, nhớ Hà Nội… và làm mình thấy yêu hơn những ngày “Xuân” trong tuyết trắng như thế này.
UPDATE 8/2020:
Tháng trước, mình đã chính thức trở thành công dân Mỹ, chấm dứt chuỗi ngày về nhà ở Việt Nam trong tâm trạng phập phồng không biết có được quay lại nhà bên Mỹ không. Nhưng quan trọng hơn, mang hai quốc tịch Việt Nam và Mỹ khiến mình cảm thấy mình hoàn toàn được “thuộc về” ở cả hai nơi, không chỉ trên giấy tờ mà còn trong tâm hồn, tư tưởng thực sự.
Chuyện chuyển nhà giờ mới thấy thấm thía là quyết định đúng đắn như thế nào. Hồi đó mình mới sinh bé xong, cơ thể còn yếu mà vừa chăm con vừa gói đồ rồi bê đồ mấy tầng gác giữa trời mưa tuyết để chuyển nhà, nghĩ không biết sao mà mình phải vất vả thế. Ai biết đâu rằng chỉ hơn một năm sau dịch COVID-19 hoành hành ngang dọc khiến bố mẹ buộc phải ở nhà làm, con nghỉ học ở nhà trẻ, cả nhà xúm lấy nhau 24/7 suốt nhiều tháng cách ly. Nếu không có không gian lớn với phòng làm việc riêng thì thật sự vô cùng, vô cùng bức bách và mất tập trung. Mỗi ngày thức dậy mình đều biết ơn cuộc sống đã khéo sắp xếp cho gia đình nhỏ của mình một chỗ ở tốt, một cơ hội tuyệt vời để cả nhà cùng nhau vượt quá khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh. Đúng là “lộc của Jaden” 🐒
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Le Tanhoa says
Thử thách gian nan và ý chí
Chúc mừng bạn
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn nhiều!
Nguyen Zehe says
Cảm ơn Chi về bài viết dễ thương, chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khỏe.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình 🙂
Hùng says
Em thật bản lĩnh. Chúc gia đình nhỏ luôn hạnh phúc!
Hải Yến says
Bài viết nhẹ nhàng
Chúc em và gia đình nhỏ nhiều hạnh phúc