“Mini Posts” là chọn lọc các bài viết ngắn được yêu thích nhất trên Facebook và Instagram của blog (dựa trên lượt like, comment, share). Mục đích của “Mini Posts” là đồng hành với các bài viết chính trên blog và cập nhật cuộc sống hàng ngày của tác giả Chi Nguyễn.
Mini Post #10 tổng hợp các bài tự do về nhiều chủ đề liên quan đến kỷ niệm, lòng tốt, và những suy nghĩ về cuộc sống khi còn trẻ. Thời gian này, cuộc sống của tôi có khá nhiều xáo trộn, buồn có, vui có, mà lo nghĩ nhiều cũng có. Bởi vậy, đôi khi chính việc viết ra những dòng tư duy ngẫu hứng như thế này giúp tôi tĩnh tâm hơn và lạc quan hơn khi nghĩ về mình và cuộc sống. Hy vọng Mini Post này cũng truyền được năng lượng tích cực như vậy tới bạn đọc. (16/3/2018 – 2/6/2018)
Ngày 16/3/2018: Random Acts of Kindness – Những hành động nhỏ của những tấm lòng lớn
Hàng ngày, có rất nhiều chuyện làm ta cảm thấy mệt mỏi: sáng dậy đọc báo ngập tràn tin xấu; ra đường kẹt xe, khói bụi; đi làm bất bình với đồng nghiệp, sếp, khách hàng; nghỉ ngơi lên mạng xã hội toàn đọc những bình luận tiêu cực; về nhà đủ chuyện đau đầu với gia đình… Tuy nhiên, hàng ngày cũng có không biết bao nhiêu hành động nhỏ bé nhưng dồi dào năng lượng tích cực mà ta không để ý tới, hoặc có để ý nhưng dễ quên ngay (khác hẳn với việc lặp đi lặp lại trong đầu những chuyện tiêu cực). Trong những năm qua, tôi thường cố gắng ghi nhớ những khoảnh khắc đẹp, những hành động nhỏ nhưng tích cực mà người lạ đã mang đến cho tôi. Đây là một phần rất nhỏ trong danh sách ấy: ⠀
1/ Một hôm bão tuyết ngập trắng cả thành phố, tôi đi bộ đến điểm đón xe buýt đi học thì cũng là lúc xe buýt từ phía sau vọt lên. Sợ không kịp bắt xe, tôi hối hả bước nhanh hơn. Bất ngờ, bác tài ngó đầu ra hét to: “Đừng chạy kẻo ngã! Tôi sẽ đợi mà!” Lên được đến xe, cảm thấy cả thân mình và trái tim cũng ấm lại giữa trời đông lạnh giá.
2/ Một buổi trưa nắng to giữa mùa hè ở Đài Bắc (Đài Loan), tôi đi tìm đường đến điểm hẹn làm việc. Đọc biển hiệu chỉ đường thì không hiểu, bản đồ vẽ cũng không rõ, nhìn quanh lại chẳng có ai, sim điện thoại thì không gọi được ở nước ngoài. Đi mãi thì gặp được một bạn nữ trẻ nói được một ít tiếng Anh, bạn chỉ cho tôi là tôi đã đi lạc khá xa, phải đứng ở đây khoảng 15 phút đợi xe buýt đi ngược lại hai chặng thì mới đến nơi. Tôi cảm ơn bạn và đứng ngóng xe buýt. Bạn ấy cũng đi biến đâu mất. 5 phút sau, bạn quay lại với 2 ly trà sữa mát lạnh. Dúi vào tay tôi một ly, bạn nói bằng tiếng Anh đứt quãng: “Trời hôm nay nóng quá, cậu uống đỡ đi nhé, tý nữa là xe tới rồi!” Cho đến tận bây giờ, đấy là ly trà sữa ngon nhất tôi từng uống.
3/ Một tuần trước chuyến đi nước ngoài quan trọng, tôi đánh rơi một chiếc ví trong đó có hộ chiếu, chứng minh thư, và tiền. Một bác tốt bụng nhặt được đến tận nhà trả lại cho Ba tôi (khi đó tôi không có nhà và thậm chí chưa phát hiện ra bị mất ví!). Bác nhất quyết không nói tên, không nhận tiền cảm ơn, và nhanh chóng ra về trong chốc lát. Thật khó có thể tưởng tượng cuộc đời tôi sẽ thay đổi như thế nào nếu không có chuyến đi nước ngoài đó, nếu không nhờ có lòng tốt của bác.
4/ Ngay ngày hôm qua khi có 3 người đi trước lịch sự giữ cửa cho tôi đi vào tòa nhà, và một bé trai đáng yêu giữ thang máy cho tôi và hỏi ngày hôm nay của tôi như thế nào.
5/ Rất nhiều lần đi làm về mệt mỏi rã rời, cảm thấy mất niềm tin vào bản thân thì nhận được tin nhắn/email/comment động viên của bạn đọc nói rằng các bài viết của tôi đã giúp bạn qua được thời điểm khó khăn và rằng những gì tôi đang làm thật có ý nghĩa. 🙂 ⠀
Khoảnh khắc, hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa nhất mà một ai đó xa lạ từng làm cho bạn là gì?
Ngày 25/3/2018: Nghĩ về vụ cháy chung cư Carina tại Việt Nam
Mấy hôm nay đọc báo cập nhật vụ cháy ở chung cư Carina mà thấy thương tâm quá. Xót xa nhất là vì cháy xảy ra giữa đêm mà chuông báo cháy không hoạt động, đèn chỉ dẫn đến cửa thoát hiểm không sáng, cửa chặn khói ở các tầng thì bị kê mở. Nghĩ vậy mới thấy hệ thống báo cháy có phần “nhạy cảm” thái quá của những căn hộ tôi ở bên này hóa ra lại cần thiết và quan trọng đến như vậy.
Phần lớn những căn hộ một phòng ngủ tôi từng ở đều có ít nhất 2 cái smoke dectector (máy báo khói), một cái gắn ở trần nhà khu bếp và cái kia gắn ở bên trong phòng ngủ. Mục đích của hệ thống này là để khi khói lên đến mức độ báo động (có thể từ bên ngoài hoặc bên trong), máy báo khói sẽ rú lên không ngừng nghỉ để người ngủ trong phòng đóng kín cửa vẫn phải bật dậy. Cách tắt tiếng duy nhất là kê ghế trèo lên nóc và trực tiếp giữ nút tắt trong 5-10 giây, đồng thời mở cửa và quạt cho bớt khói. Những ai đã từng đến căn hộ của vợ chồng tôi nấu nướng thì đều biết rằng mấy cái máy này “nhạy cảm” đến mức nào. Chỉ hơi khói lên một chút như thắng nước hàng chưa kịp tắt bếp hay nướng thịt trong lò hơi xém một chút thôi là chuông đã kêu đến rát tai rồi. Nhiều lần định nấu món này món kia nhưng ngại chuông báo khói nên đành phải thôi. Mãi cho đến hai năm gần đây, khi thuê được một căn hộ có ban công rộng, chúng tôi mới mua thêm một cái bếp di động để nấu nướng bên ngoài, bớt nỗi lo khói và mùi trong nhà. Mỗi năm ít nhất 2 lần, quản lý tòa nhà (và một nhân viên làm cho Phòng Cháy Chữa Cháy thành phố) cũng đi khắp các hộ để kiểm tra vận hành của máy báo khói và những dụng cụ chữa cháy (như bình cứu hỏa) trong nhà. Tất cả là để đảm bảo độ “nhạy cảm” của những thiết bị này.
Không chỉ có thế, hệ thống báo cháy của cả tòa nhà cũng “nhạy cảm” không kém, khiến cho đôi lần báo động “hụt”. Còn nhớ ngay tuần đầu tiên tôi sang Mỹ, khi đó tôi còn ở một khu ký túc cho sinh viên quốc tế. Vừa đi học về, mở cửa phòng thì chuông báo cháy hú lên, mọi người được thông báo di tản xuống đất bằng thang bộ. Hồi đó mới sang của cải chẳng có gì, chỉ vơ vội laptop, điện thoại, và hộ chiếu là tôi thoát được ngay ra ngoài. Đợi một lúc ngoài đường nhốn nháo thì quản lý xuống báo là có bạn sinh viên tầng trên nấu ăn nhưng không mở cửa sổ lên khói lên nhanh đến mức báo cháy cả tòa nhà. Thế là cả lũ lại lục đục kéo lên.
Lần gần nhất là ngay mùa hè vừa rồi, chồng tôi đang hí hửng lấy khay bánh pizza tự làm ra khỏi lò nướng định cắt cho hai vợ chồng ăn trưa thì chuông báo cháy cả tòa nhà hú lên kinh hoàng. Mở cửa ra hành lang thì thấy không có khói, không nóng, nhưng đèn tín hiệu khẩn cấp thì sáng trưng, đỏ lòe, tiếng báo động inh tai nhức óc (đúng như cảnh trong phim). Đều nghi là báo động “hụt” nhưng vợ chồng tôi cũng vẫn nhanh chóng khoác áo, đi giày, vơ đồ đạc quan trọng (cũng lại chỉ có laptop, điện thoại, và giấy tờ tùy thân) và bước ra khỏi cửa. Đi được vài bước, tôi nhìn lại không thấy chồng đâu, vài giây sau mới thấy “hắn” đi ra miệng cười, tay cầm…khay pizza. Tôi buồn cười quá kêu lên: “Trời, đi thoát hiểm mà anh còn mang theo đồ ăn?” Chồng tôi mới bảo: “Chắc còn lâu họ mới cho mình lên phòng, tại sao không mang đi ăn luôn?” Đúng là ông chồng đầu bếp, trong hoàn cảnh như thế mà vẫn cười tươi rồi không quên mang theo đồ ăn (lúc sau mới biết là còn có mấy chai nước găm trong túi quần nữa !). Chúng tôi đi theo đèn thoát hiểm để ra ngoài chỉ hết chưa đến một phút, còi và đèn báo động vẫn rung lên khắp các hành lang. Xuống đến nơi thì mọi người (cùng chó, mèo, thỏ, chim, chuột cảnh) đã đứng lổn nhổn, xe cứu hỏa cũng đến nơi. Đúng như dự đoán, cứu hỏa nói là khả năng báo cháy “nhạy cảm” quá hoặc ai đó ấn nhầm vào chuông báo cháy nhưng họ cũng phải kiểm tra kỹ lưỡng rồi mới cho người dân lên phòng. Trong thời gian chờ đợi, may nhờ có pizza và nước của chồng tôi mà chúng tôi (cùng mấy người hàng xóm) đỡ được cơn đói giữa trưa. Cũng nhờ thế mà chúng tôi cũng quen được thêm nhiều người sống cùng khu nhà, cho đến tận bây giờ thỉnh thoảng gặp họ vẫn đùa: “Hôm nay có pizza không đấy?”
Mấy hôm nay cập nhật tin tức vụ cháy ở nhà, tôi nói với chồng tôi là có thể mấy hệ thống báo cháy bên này quá “nhạy cảm” và đôi lúc khó chịu thật nhưng nó làm cho mình yên tâm là hệ thống vẫn hoạt động tốt. Mấy lần báo cháy “hụt” thì coi như là tập dượt đề phòng tình huống thật xảy ra. Tôi biết có những người hàng xóm khó chịu vì hệ thống báo cháy đến mức tháo pin máy báo khói trong nhà ra để khi nấu ăn không bị làm phiền. Nhưng cách làm “cho tiện” như vậy khi xảy ra chuyện thật có thể để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng — cũng như việc mọi người chặn cục gạch vào cửa ngăn khói “cho tiện” vậy. Có những thứ để duy trì thì hơi mất công một chút nhưng có khả năng bảo vệ được tính mạng của mình và người thân thì vẫn rất cần trân trọng.
Ngày 31/3/2018: Tai nạn & Lòng tốt – Câu chuyện của Chi & Mẹ
Ngày còn nhỏ, có một lần tôi thấy mẹ đi làm về chân tay trầy xước, tức tưởi kể là mẹ bị ngã xe máy ngay giữa ngã ba, giữa dòng người lại qua nườm nượp nhưng không ai đỡ hộ cái xe cho mẹ đứng dậy. Mãi lúc sau mới có một anh Tây mặc dù đang đi ở tận bên kia đường vẫn dũng cảm băng qua ngã ba để đỡ mẹ tôi. Mẹ bảo xót xa khi nằm dưới lòng đường và nghĩ lòng tốt của người Việt đi đâu rồi, để phải chờ đến một người ngoại quốc tốt bụng giang tay ra đỡ… Nghe câu chuyện này từ nhỏ nên mỗi lần đi xe máy tôi rất sợ ngã. Cứ nhắm mắt lại là nghĩ đến cảnh một mình nằm chỏng chơ giữa đường, xe đè lên chân không đứng dậy được giữa một biển người đi như vũ bão.
Nhưng sự thực, đây là câu chuyện 3 lần ngã xe máy gần nhất của tôi:
Lần thứ nhất là hồi tôi còn học Đại học năm thứ 2, khi đó tôi đi chiếc xe Wave xanh cam chạy sáng chiều trên đường Nguyễn Trãi đầy bụi bặm. Tôi còn nhớ hôm đấy mình đi đối giày búp bê chấm bi có hình con khỉ 🙊 tại vì lúc có ai đó đằng sau bất chợt va tôi ngã xuống đất, một chiếc giày bung ra và móc lại trên chân đạp số. Đấy là tất cả những gì tôi nhìn thấy… từ dưới mặt đường, vì nửa mặt gần như úp xuống lòng đường đầy cát. Người đâm vào tôi thì đã chạy đi từ lúc nào. Nhưng ngay lập tức, có một đôi anh chị đang đèo nhau dừng lại, giúp tôi đứng lên, và dựng lại xe cho tôi. Anh còn cẩn thận dắt xe vào hè, nổ máy cho tôi chạy thử xem có vấn đề gì không. Thấy tôi ổn rồi, chỉ bị bẩn quần áo, xước nhẹ trên mặt thôi thì anh chị mới đi về. Vì thế tôi đến lớp muộn, quần áo lấm lem. Các bạn hỏi sao thế, tôi chỉ kể là bị ngã xe nhưng may có hai anh chị tốt bụng đỡ lên cho. Đến lúc có bạn hỏi: “Thế mày có thấy đứa đâm xe làm mày ngã không?” thì tôi mới ngớ người ra. Trên đoạn đường còn lại đến trường, không hiểu tại sao tôi không hề nhớ đến người đâm vào mình mà chỉ biết ơn hai anh chị kia mà thôi.
Lần thứ hai là hồi học Đại học năm thứ 4, hôm đấy tôi mượn chiếc xe Atila cũ của mẹ chở đồ đến nhà một người bạn ở ngõ Phùng Khoang. Đến nơi gọi điện mới biết bạn không có nhà. Hôm đấy là mùa đông rất lạnh nên tôi đeo găng tay len, móc ra móc vào điện thoại, rồi lại đeo găng tay. Vừa kéo tay ga định đi thì tự nhiên chiếc xe rú lên và lao vun vút (không rõ là do xe hỏng hay do găng tay tôi kéo trượt). Kéo thắng đến thế nào cũng không dừng lại được. Trong một khoảnh khắc, tôi lao như tên bắn trong cái ngõ bé xíu ấy, cảm thấy mình gần như sắp chết. Đột nhiên, hai bác trung niên đi xe máy lao ra từ trong ngách. Xe của tôi đâm vào bánh trước xe hai bác và dừng lại. Tôi ngã ra. Còn hai bác thì không sao, chỉ loạng choạng một chút. Bên ngoài nhìn vào thì thật cứ như là tôi phóng nhanh vượt ẩu trong ngõ, vô ý đâm vào hai bác. Nhưng tôi chưa kịp xin lỗi thì hai bác đã đỡ tôi lên và nói: “Khổ quá, cháu có sao không?” và dìu tôi vào nhà của hai bác ngay cạnh đó (tôi còn nhớ nhà bác bán bánh mỳ với bánh ngọt). May mắn mùa đông mặc nhiều lớp áo quần nên người ngợm không sao, nhưng tinh thần tôi run rẩy không còn tin tưởng vào cái xe để đi về nhà nữa. Ngồi ở nhà hai bác một lúc tôi mới nhớ ra mình có một người bạn nữa cũng ở ngõ Phùng Khoang nên gọi cho bạn. Bạn ấy chạy ngay ra, đưa xe tôi đi kiểm tra, vẫn chưa yên tâm còn chở tôi về tận nhà rồi mới bắt xe ôm về lại Phùng Khoang. (Cảm ơn T.A.!)
Lần thứ ba là lúc tôi đã ra trường đi làm. Hôm ấy tôi chạy một chiếc xe tay ga khác trên đường Tây Sơn. Đường thì đông, lại ướt nước do sáng mới rửa đường. Đến được một đoạn hơi vắng tôi đang cố đi lên thì chợt nhìn thấy một anh đi xe máy ra từ trong ngõ. Tôi giật mình, thắng vội lại nhưng đường trơn quá nên bánh xe bị trượt và tôi ngã sõng soài ra đường, bao nhiêu tài liệu làm việc tung ra hết. Tôi còn chưa định hình chuyện gì đang xảy ra thì một nhóm các bạn sinh viên tình nguyện làm công tác giao thông gần đấy (hình như các bạn trường Thủy Lợi thì phải) lập tức đến xốc tôi dậy, lấy hết giấy tờ, đỡ chiếc xe, và cho tôi lên hè ngồi ghế. “Anh đi từ trong ngõ” cùng dừng lại hỏi han tôi có sao không, giọng rất tội lỗi — mặc dù hoàn toàn không phải lỗi của anh (anh ấy còn chưa ra hẳn mặt ngõ). Tôi cũng bảo: em không sao đâu, không phải tại anh, anh cứ đi làm đi ạ. Tôi ngồi lại ghế một lúc cho đỡ choáng và nhắn tin cho cơ quan đến muộn. Năm phút sau, “anh đi từ trong ngõ” bất ngờ quay lại, đưa cho tôi một tệp băng dán Salonpas (phải đến 25-30 cái). Tôi bất ngờ quá, cứ lắp bắp: “em không sao mà anh ạ”. Anh ấy mới bảo là đây là hàng công ty anh ấy có sẵn nhiều lắm (hình như anh ấy làm phân phối cho Salonpas), công ty anh ấy ngay gần thôi nên đi vội rồi về đưa cho tôi. Nói xong anh ấy hớt hải đi làm luôn. Số keo dán anh tốt bụng tặng cho ấy cả nhà tôi dùng mãi không hết, thậm chí có mấy miếng cuối năm sau đó tôi đi du học còn mang theo sang Mỹ.
Tôi từng kể ba câu chuyện này với nhiều người… Có người nói do tôi may mắn nên hay gặp được người tốt, có người lại bảo vì tôi còn trẻ, trông ưa nhìn nên dễ được sự để ý giúp đỡ. Lại có người nói hình như vì tôi “cố tình ngây thơ” nên chỉ chọn nhớ những mặt tích cực thôi, tại sao không nhớ đến đứa đâm xe vào mình, không trách rửa đường trơn trượt, không giận những người (khác) qua đường không dừng lại giúp tôi… Cũng có thể! Nhưng dù may mắn, trẻ trung, hay ngây thơ thì tất cả những chuyện đã xảy ra trên đây đều có thật. Lòng tốt của con người là có thật. Tuy nhiên, có thể nếu trong cuộc đời ta bị ngã nhiều lần mà không được ai đỡ, nếu ta đang sống trong hoàn cảnh mệt mỏi chán chường, nếu ngày nào ta cũng bị người khác rót vào tai những điều tiêu cực… thì rất khó để có thể nhìn ra cái tốt, thậm chí ngay cả khi cái tốt xuất hiện trước mặt mình. NHƯNG đừng nên lấy đây là lý do để biện hộ cho cái nhìn cay đắng của mình về cuộc đời và cho mình cái quyền được cay nghiệt với những người khác. NGƯỢC LẠI, hãy cho đây là động lực để mình thoát khỏi hoàn cảnh chán chường, để cách ly bản thân khỏi những người tiêu cực, và để mở lòng cho, nhận, và cảm ơn những hành động tốt đẹp, dù là nhỏ nhặt hàng ngày.
***P/S: Từng nghe nhiều những câu chuyện ngã xe của tôi, mẹ tôi chưa bao giờ tỏ ra hậm hực hay ghen tỵ khi so sánh với lần tai nạn của mẹ khi trước. Thay vào đó, mẹ tôi thường nói: “Mặc dù mẹ ra đời có thể không gặp may mắn, không được nhiều người giúp, nhưng mẹ vẫn giúp người khác vô tư, hết lòng. Có lẽ vì thế mà may mắn được chuyển sang cho con”. Tôi thích cách nghĩ về niềm tin như thế vì nó là động lực để ta đối xử tốt với mọi người, có thể không vì lợi ích cho chính mình – ngay tại thời điểm này, nhưng có thể cho những người thân yêu, cho nhân-quả sau này của mình nữa. Cảm ơn tất cả mọi người vì lòng tốt và niềm tin trong sáng!
Ngày 30/5/2018:5 lý do để đọc sách nhiều hơn (từ quan điểm của một người viết)
1/ Sách có khả năng truyền tải kiến thức một cách cặn kẽ, rõ ràng, có hệ thống hơn nhiều so với báo mạng, Facebook, hay blog … Để cho ra đời một cuốn sách cần cả một ê-kíp biên tập, soát lỗi, sửa bản in nhiều lần để đảm bảo chất lượng của từng trang viết trước khi đến tay người đọc. Bởi thế, cầm một cuốn sách lên, ta thường cảm thấy tự tin, hứng khởi, sẵn sàng đầu tư thời gian để đọc chậm và kỹ hơn.
2/ Đọc sách giúp tâm hồn thư giãn, an yên. Khác với những mẩu tin nhanh, những dòng tít giật gân gây chú ý trên mạng, sách hút người đọc vào một không gian tĩnh, chậm rãi, tập trung. Đọc sách và đằm mình vào thế giới sách, ta có thể tạm tách mình khỏi cuộc sống ồn ào, gấp gáp bên ngoài. ⠀
3/ Ai cũng có thể viết status Facebook, nhắn tin cho nhau cả ngày, nhưng không nhiều người có thể viết sách. Viết sách đòi hỏi kiến thức, sự tập trung, tính kỷ luật, và sức sáng tạo không mệt mỏi của người viết. Bởi vậy, một cuốn sách tâm huyết còn truyền được nguồn năng lượng tích cực đến người đọc, tiếp thêm động lực để làm việc hiệu quả hơn và sống có ý nghĩa hơn. ⠀
4/ Đọc sách rèn cho ta tính kiên nhẫn, sự tập trung, cách hạ cái tôi của mình xuống để nhập vào mạch suy nghĩ của người khác. Hầu như ai cũng có thể đọc chớp nhoáng vài dòng trên mạng, xem qua loa đôi ba video giải trí và buông lời (gõ phím) chỉ trích ngay được. Nhưng không dễ gì để đưa ra ngay ý kiến chủ quan của mình về một cuốn sách khi chưa đọc hết nó. Sách buộc ta phải đọc chậm lại, tập suy nghĩ thấu đáo, và đặt mình vào tâm tư của người viết trước khi đưa ra ý kiến riêng. Trẻ con đặc biệt học được nhiều về tư duy và cách hành xử nếu có thói quen đọc sách từ nhỏ.
5/ Một cuốn sách hay là một người bạn tốt mà ta có thể quay lại gặp gỡ nhiều lần. Người bạn này không bao giờ phán xét mà chỉ thủ thỉ tâm tình, gợi mở suy nghĩ mà thôi. Ta cũng có thể giới thiệu hay tặng lại sách cho người khác để chia sẻ tình bạn này hay dùng nó để truyền đạt ý tưởng, thay lời muốn nói. Và cũng như mọi mối quan hệ thân thiết trên đời, nếu ta dành thời gian cho sách và mở lòng khi đọc sách, sách cũng sẽ cho ta thời gian, kiến thức, và sự sẻ chia mà ta hằng mong muốn.
#Havefunreading !!!
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀Ngày 2/6/2018: Khi còn trẻ, tôi từng nghĩ rằng …
1/ Khi còn trẻ, tôi từng nghĩ rằng những lời ba mẹ dặn dò, giáo huấn là quá phiền phức. Có một thời kỳ “dậy thì” dở dở ương ương, tôi cảm thấy bất cứ lời nào ba mẹ nói ra đều dội vào tai nghe chát chúa, cổ hủ, không thể chấp nhận được. Nhưng khi đã trưởng thành và đi làm ngoài xã hội, tôi nhận ra rằng vì yêu thương vô điều kiện, ba mẹ mới nói ra những điều khó nghe trước mặt mình để mình rút kinh nghiệm. Còn người ngoài, nếu họ có nói, chỉ là nói sau lưng mình mà thôi.
2/ Khi còn trẻ, tôi từng nghĩ rằng mình sẽ làm việc gì đó to tát để thay đổi thế giới. Nhưng càng trưởng thành hơn, tôi chỉ muốn thay đổi chính mình và cố gắng làm sao trong cuộc hành trình của riêng mình, truyền cảm hứng tích cực để người khác tiếp tục thay đổi cuộc sống của họ. ⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
3/ Khi còn trẻ, tôi từng nghĩ rằng những người thành công thật đáng sợ và đáng ghét, vì họ lấy hết cơ hội của người khác và luôn khiến người khác cảm thấy kém cỏi hơn. Khi trưởng thành hơn, tôi nhận ra rằng những người thành công thật đáng trân trọng và học hỏi vì con đường của họ đến với thành công chắc chắn không hề dễ dàng. Còn cảm giác ganh ghét, ghen tỵ, thấy mất cơ hội, hay kém cỏi hơn chỉ là cảm xúc và suy diễn của cá nhân mình, không phải là thực tế. ⠀
4/ Khi còn trẻ, tôi từng nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ, mọi lời nói, việc làm của mình đều khiến mọi người để ý, đánh giá từng li từng tí một. Khi trưởng thành hơn, tôi nhận ra rằng đa phần mọi người cũng đều coi chính họ là trung tâm của vụ trũ 🙃. Quá bận rộn với những suy nghĩ quay quanh mình, họ không còn nhiều tâm trí để soi xét ai khác. Những ai còn thừa thời gian và tâm trí để xét nét người khác, cuộc sống của họ chắc chắn cũng không vui vẻ gì (vì họ không biết cách đề cao chính bản thân và trân trọng năng lượng của mình) – những người như vậy, ý kiến của họ cũng không mang nhiều ý nghĩa
5/ Khi còn trẻ, tôi từng nghĩ rằng nếu mình cố gắng thân thiện, hòa nhã, giúp đỡ nhiệt tình những người khác, họ cũng sẽ để tâm và đối xử tốt lại với mình. Trưởng thành hơn, tôi nhận ra rằng trên đời có rất nhiều người vô tâm, mình có thể thành tâm hai tay dâng bát cơm nóng lên cho họ khi họ không có gì ăn; nhưng khi đỡ đói, họ quên đi tấm lòng của mình rất nhanh và thậm chí có thể trở mặt, hất cả gáo nước lạnh lên mình. Người với người không hợp nhau (dù đối tốt với nhau đến thế nào), hợp và tan, tan và hợp… là chuyện bình thường của cuộc sống. Vì vậy, hãy cứ sống tốt nhất có thể nhưng không phải gồng lên chiều lòng người khác nhằm mong chờ ngày nào đó người ta đối tốt lại với mình.
6/ Khi còn trẻ, tôi từng nghĩ rằng có rất nhiều điều mình PHẢI làm cho người khác và KHÔNG THỂ NÓI KHÔNG, nhất là với họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết… Trưởng thành hơn, tôi nhận ra rằng không có bất cứ điều gì trên đời là “phải” cả (trừ phạm trù đạo đức cơ bản và pháp luật). Tập nói “không” nhiều hơn để giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc không đáng có.
7/ Khi còn trẻ, tôi từng nghĩ rằng tiền không quan trọng, quan trọng là sống và làm việc theo “đam mê”. Trưởng thành hơn, tôi nhận ra rằng “đam mê” là một thứ gì đó rất khó nắm bắt và có thể thay đổi theo thời gian và cái nhìn của mình về cuộc sống. Tiền, mặt khác, tạo ra sự ổn định để đầu óc có thể tỉnh táo và thư thái hơn để nghĩ về những gì mình muốn làm cho cuộc sống lâu dài – cho cái gọi là “đam mê”. Kiếm tiền và ổn định tài chính KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ phải từ bỏ đam mê. Tiền có thể nuôi đam mê, và nếu có thể làm việc với đam mê, ta lại càng có thể mang tạo ra nhiều nguồn thu tài chính lớn hơn và bền vững hơn nữa.
===
Hẹn gặp lại bạn đọc trong những Mini Posts lần sau!!!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Dương Phương Hiếu says
Em cảm ơn chị vì bài viết của chị có nhiều điểm giúp em nhận ra mình cần cải thiện hơn rất nhiều để mình luôn happy với bản thân mình hơn. Thật sự cảm ơn chị !
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã ghé blog! Chúc em luôn happy với bản thân nhé <3
Lan says
Hi Chi,
Những điều Chi chia sẻ khi còn trẻ và trưởng thành thật sự có sức nặng. Lan cũng từng suy nghĩ như Chi về những vấn đề đó :), đặc biệt là làm hài lòng người khác và tiền.
Sau khi mình đọc bài viết “Khi bạn làm hài lòng tất cả mọi người” (https://www.ptcn.me/khi-ban-lam-hai-long-tat-ca-moi-nguoi/), mình nhận ra là mình thật sự sai lầm, bản thân mình không vui vẻ gì, tại sao mình lại ép bản thân theo con đường đó?
Còn về tiền, mình vẫn quan niệm tiền chỉ là phương tiện, không phải mục đích sống để theo đuổi nên mình vẫn tôn trọng đam mê hơn :). Đúng như Chi nói, đam mê là thứ rất khó nắm bắt và có thể thay đổi theo thời gian. Như cách đây 5 năm, mà ai bảo mình sẽ thành cô giáo chắc mình không tin nổi. Vậy mà giờ mình lại theo đuổi ngành và rất thích :).
Cảm ơn Chi về những chia sẻ và người tốt sẽ gặp điều tốt thôi. Mình cũng quan niệm như mẹ của Chi vậy. Mình cứ giúp đỡ người khác hết mình. Có thể những người mình giúp không giúp lại mình nhưng người khác sẽ giúp mình. Và những người khác đó lại không cần mình giúp (nhưng mình vẫn rất biết ơn). Mình tự thấy cuộc đời mình cũng gặp nhiều may mắn :), và mình vẫn nên nỗ lực để giúp cuộc đời tốt đẹp hơn, nhỉ?!
Võ Trần Diễm My says
Em đọc bài viết này vào sáng thứ 2, 20201012, buổi sáng Sài Gòn mưa rỉ rả làm mình cũng chùn xuống vì tâm trạng.
Cảm ơn chị vì những điều tử tế chị mang lại, chúc chị mãi cứ vui và có thật nhiều sức khỏe để lan tỏa nhiều hơn nữa ạ.
Sài Gòn mấy ngày này mưa nhưng cũng rất dễ thương. Hẹn chị một ngày ở Sài Gòn ạ.
Minh Trần says
Cám ơn cô Chi. Đọc bài viết của cô mà con cảm thấy cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp và ý nghĩa.
Le says
Đây là lần đầu tiên ghé qua blog của chị. Em rất ấn tượng vì nó cõ những câu chuyện thực tế mà các cuốn sách em tìm không có. Cảm ơn những tâm ý chị gửi vào trong bài viết. Chúc chị thật nhiều sức khỏe <3