Đã bao giờ bạn nhìn vào một người em, người đồng môn khoá dưới, hay người đồng nghiệp cấp dưới và thấy một phần của mình hồi trẻ trong đó nhưng năng động hơn và trưởng thành hơn?
Đó là cảm giác của tôi khi gặp Hoàng Minh Trang, một bạn trẻ học dưới tôi một khoá tại Khoa Quốc tế, Đại học Hà Nội. Tôi nghe kể về Trang từ khi còn đi học vì Trang tham gia nhiều chương trình mà tôi từng làm một năm trước đó. Tuy nhiên, tôi chưa có dịp gặp và nói chuyện trực tiếp với Trang. Theo dõi Trang từ những ngày ra trường, tôi ngạc nhiên khi thấy chỉ trong chưa đầy 4 năm, Trang đã kinh qua nhiều công việc, làm ở nhiều vị trí, có thêm nhiều mối quan hệ, và cũng đã kịp lấy chồng và có một bé trai kháu khỉnh. Bất cứ ai trải qua khúc đầu đời nhiều “thăng trầm” đến vậy – như cách Trang miêu tả về hành trình của mình – chắc chắn đều có những bài học cuộc sống thú vị. Bởi vậy, ngay khi sắp xếp được thời gian ở Hà Nội, tôi đã hẹn gặp Trang để thực hiện cuộc phỏng vấn về trải nghiệm của em từ khi còn học Đại học, ra trường, và làm việc cho đến nay. Cá nhân tôi đã học được rất nhiều điều từ cuộc phỏng vấn này và tôi tin rằng bạn đọc, nhất là những người trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, cũng sẽ học được nhiều điều bổ ích từ Trang.
Những công việc Trang từng làm
6.2012-1.2013 : Red Velvet Events
Nhân viên điều phối tổ chức sự kiện, đám cưới
1.2013-4.2013 : Peach Garden, Singapore
Phục vụ nhà hàng
5.2013-5.2014: Chatime VN
Trợ lý giám đốc phát triển kinh doanh
6.2014-9.2014: Dingtea VN
Trợ lý cá nhân cho Phó Giám đốc
9.2014-11.2014: Vietnamworks
Nhân viên phát triển kinh doanh
11.2014-05.2016:
Nghỉ sinh (full-time mom) và bán hàng online
06.2016- nay: Manulife VN
Trưởng nhóm kinh doanh, Tư vấn tài chính
Năng động từ khi học Đại học
Chi: Chào Trang, chị biết em từ khi còn học Đại học vì em tham gia nhiều chương trình mà chị từng tham gia ở khoá trên như dạy học tình nguyện tại làng cổ Đường Lâm, học cùng UCHANU (một chương trình học trao đổi giữa 3 trường trong hệ thống Đại học California và Đại học Hà Nội), đi thực tập với GIEU (một chương trình thực tập cùng sinh viên Đại học Michigan). Nhưng có lẽ đó cũng chưa đầy đủ về em, em có thể kể lại quá trình hoạt động hồi Đại học của mình được không?
Trang: Hồi xưa em rất thích tham gia những hoạt động tổ chức đều đặn. Em có tham gia tình nguyện với Khoa mình ở Đường Lâm nhưng không theo lâu được vì có lẽ em không hợp với công việc dạy học. Nhưng em tham gia Mùa hè Xanh với Khoa Tiếng Anh rất đều, hè nào em cũng đi, và mỗi mùa hè lại đến một nơi khác nhau để làm tình nguyện. Em đi nhiều đến mức vào mùa hè em đã ra trường rồi các bạn vẫn gọi em đi. Em thích đi làm Mùa hè Xanh lắm vì được đặt chân đến nhiều vùng sâu, vùng xa mà có lẽ không làm hoạt động thì không bao giờ tới được. Bọn em cũng tham gia đào mương, trồng cây, làm đường… rất nhiều trải nghiệm thú vị. Thời kỳ đó đi làm tình nguyện thực sự rất vui!
Chi: Làm sao em tìm được đến các cơ hội tình nguyện với Khoa Anh?
Trang: Em cũng quen với các bạn bên Khoa đó từ năm thứ nhất Đại học, chơi thân rồi các bạn rủ đi các hoạt động. Hồi đó mọi người hay lên một forum của trường tên là Little Hanu để chat và em quen được nhiều bạn Khoa Anh trên đó. Em cũng quen với cả chồng em hiện tại trên forum đó nữa (cười)
Chi: Vậy hả? Chị sẽ hỏi về vụ đó sau (cười). Nhưng quay lại chuyện đi làm tình nguyện. Các hoạt động em tham gia sau này có gì khác với Mùa hè Xanh không?
Trang: Khác chứ ạ! Em nghĩ mỗi một hoạt động lại có một “màu sắc” khác nhau. Như đi GIEU lại là đi du lịch trải nghiệm, đi giao lưu với các bạn Mỹ. Rồi đi UCHANU lại là đi phỏng vấn mọi người về công việc và đời sống cho Project Kiếm Ăn. Các hoạt động này không liên quan đến nhau nhưng đều rất thú vị vì nó đem cho mình trải nghiệm rất khác. Ngay cả khi năm nào em cũng đi Mùa hè Xanh nhưng mỗi mùa hè lại đến một nơi mới, làm một công việc mới nên lại học được nhiều điều mới. Em thích tất cả các hoạt động này vì các cơ hội sau này của em đều nảy sinh từ những phong trào sinh viên này.
Chi: Cơ hội lại mở ra cơ hội! Em có thể kể thêm được không?
Trang: Dạ. Ví dụ như sau khi em tham gia GIEU, em lại có nền tảng và cơ hội để apply UCHANU (–ghi chú: để được chọn tham gia các hoạt động này, sinh viên thường cần nộp hồ sơ, viết luận, phỏng vấn, và tuyển lựa qua nhiều vòng). Rồi đi nhiều cũng mở rộng quan hệ quen được thêm nhiều bạn, các bạn lại giới thiệu cho em công việc làm sau này. Ví dụ như vì em hay tham gia hoạt động, em mới quen được với một em ở khoá dưới. Bọn em cùng có đam mê về đám cưới nên hay nói chuyện với nhau và sau này em ấy giới thiệu cho em một chị làm về tổ chức tiệc cưới. Chị ấy sau trở thành Sếp đầu tiên của em và công việc đầu tiên của em là tổ chức tiệc cưới cũng từ mối quan hệ này. Cơ hội là một chuỗi tách rời nhưng lại có quan hệ mật thiết với nhau, cái này dẫn ra cái kia, dần dần đưa em đến những công việc mà chính em cũng không ngờ tới.
Chi: Rất thú vị! Chị muốn quay trở lại việc học Đại học của em một chút. Tại sao em lại quyết định tham gia những hoạt động xã hội trong khi việc học ở trường cũng chiếm khá nhiều thời gian rồi? Chị nghĩ câu hỏi này là quan trọng vì không phải bạn sinh viên nào cũng tham gia hoạt động tình nguyện hay đi làm thêm khi còn trên ghế nhà trường.
Trang: Em nghĩ một phần là do tính cách và định hướng của từng người. Có thể nhiều bạn thích chỉ học và nghiên cứu không thôi, đó cũng không sao cả! Nhưng đối với em, học không thôi thì rất nhàm chán, em luôn muốn được trải nghiệm thêm, làm dày thêm kiến thức thực thế của mình khi còn đi học. Hồi đó, mơ ước của em là làm cho các Tổ chức Phi chính phủ (NGOs) để đi nhiều nơi và giúp đỡ mọi người nên em rất thích được tham gia tình nguyện. Ngoài ra, em nghĩ mình cũng may mắn nữa vì em apply các chương trình đều thành công, trong khi đó có các bạn em biết apply lần đầu bị từ chối là các bạn cũng nản không nộp tiếp lần sau. Cũng khó cho mọi người vì nếu chưa có trải nghiệm thì khó có thể hào hứng, rồi đầu tư thời gian tìm kiếm các cơ hội sau được.
Chi: Chị nghĩ may mắn cũng là một phần nhỏ thôi, phần nhiều có lẽ vì em đã từng đi làm những chương trình nhỏ để xây dựng kinh nghiệm và hồ sơ thì apply các chương trình lớn sẽ dễ dàng hơn. … Nhìn lại thời sinh viên sôi nổi như vậy, có điều gì em hối tiếc mình chưa làm được không?
Trang: Nói là nuối tiếc nhất thì…Nếu em được quay lại thời đó, em sẽ không bỏ lỡ học bổng đi Thuỵ Điển. Đây là một chương trình mà Khoa mình hợp tác với một trường Đại học ở Thuỵ Điển, họ cho sinh viên học bổng 100% học phí trong một kỳ học khoảng 6 tháng tại Thuỵ Điển. Trong khoá em, có em và một bạn nữa được nhận học bổng này (qua quá trình apply và tuyển chọn) nhưng cuối cùng cả hai đều từ chối vì lý do tài chính. Mặc dù được học bổng 100% nhưng bọn em vẫn phải trả vé máy bay và chi phí ăn ở vào khoảng 100 triệu. Lúc đó em có về nói với mẹ em về học bổng và số tiền còn lại phải trả. Thực sự gia đình em cũng không phải dư dả gì nên mẹ em nói em nên suy nghĩ kỹ. Mẹ em nói rằng 6 tháng đi học cũng tốt nhưng vì đây là chương trình liên kết ngắn hạn thôi nên khi tốt nghiệp, giá trị bằng ở Việt Nam của mình vẫn không có gì thay đổi. Em nghĩ bố mẹ nào cũng muốn cho con mình đi trải nghiệm thôi nhưng 100 triệu cũng là một món tiền lớn. Nghĩ vậy rồi em cũng thôi không đi nữa. Bây giờ nghĩ lại, nói tiếc thì cũng không hẳn là tiếc vì đợt đó, không đi Thuỵ Điển em cũng có được nhiều cơ hội khác trong nước, như GIEU và UCHANU. Em nghĩ cơ hội này đóng lại thì cũng nhiều cơ hội khác mở ra, nếu như mình tích cực tìm kiếm. Tuy nhiên, em thấy tiếc vì mình chưa từng có trải nghiệm đi học ở nước ngoài bởi vì bây giờ em cũng không có ý định đi học nước ngoài nữa.
Chi: Vậy vào thời điểm đó, em có ý định đi du học hay không?
Trang: Lúc đó, em cứ nghĩ đơn giản là nếu mình không đi Thuỵ Điển thời Đại học thì sau này mình đi học cao học ở nước ngoài cũng được, không thiếu gì cơ hội. Nhưng thực tế thì sau này em cảm thấy mình không hợp với việc học cao lên nữa, em thấy hài lòng với cơ hội và cuộc sống hiện tại ở Việt Nam. Nên chuyến đi Thuỵ Điển không thành đó đôi khi khiến em nghĩ về những trải nghiệm mình có thể có ở nước ngoài nếu mình quyết tâm đi…
Chi: Chị rất hiểu hoàn cảnh khi đó của em và gia đình. Năm thứ 2 Đại học chị cũng có cơ hội được đi dự hội thảo APEC ở Peru và sang thăm một số trường Đại học ở Mỹ trong khoảng 1 tháng. Chương trình đã đài thọ 100% tiền ăn, ở, và một phần tiền đi lại, tuy nhiên, số tiền còn lại (bao gồm một phần tiền vé máy bay, tiền tiêu vặt, tiền đi du lịch ngoài chương trình) cũng là một khoản khá lớn. Khi chị và gia đình đang cân nhắc có nên đi hay không, rất nhiều người nói ra nói vào và phản đối chuyến đi này vì nó là một chuyến đi ngắn, thiên về trải nghiệm, chứ không phải là đi học lấy bằng cấp hay kiếm tiền gì cả. Có người còn nói trốn được ở lại thì đi chứ đi ít ngày thế tốn một đống tiền thì để làm gì! Nhưng vì mẹ chị làm truyền thông nhiều năm nên rất hiểu tầm quan trọng của việc tham gia những hội thảo quốc tế như vậy đối với một đứa trẻ nên đã động viên và giúp đỡ chị về tài chính cho chuyến đi. Chuyến đi đó thực sự đã làm thay đổi cuộc đời và những sự lựa chọn công việc về sau của chị. Nên chị rất biết ơn sự quyết đoán và ủng hộ của gia đình mình khi đó.
Trang: Nhiều khi em cũng nghĩ nếu mình sang Thuỵ Điển thì cuộc đời có thể đã rẽ sang ngã khác, có thể sẽ rất khác hiện nay. Nhưng em lại rất thích cuộc sống của mình hiện nay! Em cảm thấy tất cả những trải nghiệm của mình đều thú vị và em không muốn đánh đổi bất cứ điều gì đã làm trong quá khứ. Nên có lẽ, nếu quay ngược thời gian lại, em vẫn chọn không đi.
Phưu lưu với những công việc đầu tiên
Chi: Sau khi ra trường, Trang làm công việc gì?
Trang: Ngay khi ra trường, em làm chính thức ở công ty tổ chức tiệc cưới và sự kiện mà em làm part-time hồi còn Đại học. Hồi đấy lương của em cũng thấp thôi, chỉ khoảng 3 triệu, nhưng em vui lắm vì được làm cái mình thích. Lúc đấy nhiều người cũng nói, bảo là tại sao đi học 4 năm ra trường một ngành lại đi làm cái chẳng liên quan gì. Nhưng em nghĩ là mình chọn công việc theo sở thích cá nhân và theo nhu cầu của xã hội, chứ không cứ là ra trường phải làm ngay đúng chuyên ngành. Những gì em học ở Khoa mình em vẫn ứng dụng được vào các mảng khác nhau của công việc của mình (ví dụ như kiến thức về giao tiếp và kỹ năng mềm) mặc dù em làm trái ngành. Thời đấy, em cứ làm xong một sự kiện là thấy rất vui, ngày nào cũng tỉ mẩn làm từng tí một, khi thấy thành quả của mình lên thực tế lung linh là em hạnh phúc lắm.
Tuy nhiên, làm một thời gian khoảng 6 tháng thì tự em thấy mình cần phải thay đổi. Em thuộc tuýp người mà khi đã làm một công việc thì sẽ xác định gắn bó lâu dài, nhưng nếu trong quá trình làm mà bản thân em cảm thấy không còn phù hợp nữa thì em sẽ sẵn sàng xin ra và bắt đầu lại từ con số không. Khác với nhiều người, em không ngại thay đổi và làm lại từ đầu. Vì vậy mà khi em cảm thấy muốn thay đổi môi trường, em đã apply một chương trình sang Singapore dạng Work & Travel (Vừa làm vừa du lịch) trong 3 tháng. Vậy là em sang Sing làm phục vụ ở một nhà hang 5 sao…
Chi: Đợi một chút! Chị muốn hỏi em thêm về quyết định này vì chị nghĩ nó rất thú vị. Em nói em muốn thay đổi môi trường, nhưng tại sao lại phải sang Sing để đi làm? Vì nếu nói là muốn thay đổi, người ta sẽ thường thay đổi việc làm ngay tại trong nước hoặc đi du học nước ngoài. Còn ở đây, em lại chọn đi làm một công việc phục vụ ở một đất nước xa lạ?
Trang: Rất tình cờ thôi ạ. Một lần rất lâu rồi em cùng một người bạn có đi du lịch Sing-Malay. Khi ra sân bay thì tình cờ gặp một nhóm các bạn Khoa Du lịch trường mình đang lên đường đi làm ở Sing. Thế là bọn em chỉ hỏi bâng quơ là tại sao lại đi, rồi đi làm gì…thì các bạn cũng nói sơ qua là đi làm theo chương trình 3 tháng và có nhắc đến địa chỉ của công ty tổ chức chương trình này. Nói qua quýt vậy thôi rồi bọn em cũng lên máy bay, mỗi người một nơi. Đến thời điểm về sau này khi em cảm thấy mình không còn hứng thú với công việc và muốn thay đổi, em nhớ lại lần gặp tình cờ đó và google ra được tên công ty. Em có gọi điện hỏi và được chỉ dẫn đến nơi đi phỏng vấn dạng “xuất khẩu lao động sang Sing”. Rồi em cũng đến gặp một ông người Sing để phỏng vấn, ông ý cũng hỏi mấy câu tiếng Anh đơn giản thôi (Em nghĩ là ai học chương trình tiếng Anh của Khoa mình thì cũng trả lời được dễ dàng). Em cứ nghĩ là phỏng vấn thế thôi, còn lâu mới xét tuyển rồi đi. Nhưng chỉ khoảng 1-2 ngày sau phỏng vấn, em được gọi thông báo đã trúng tuyển và phải lên đường đi ngày trong tuần! Vậy là em về thông báo gấp với công ty và gia đình, bàn giao lại các công việc – mọi người ngạc nhiên nhưng cũng thông cảm và ủng hộ cho chuyến đi của em.
Chi: Trải nghiệm làm việc của em ở Sing như thế nào?
Trang: Chuyến đi Sing thực sự làm em thay đổi. Em nghĩ ở Việt Nam mình cũng được đánh giá là một con người năng động, nhanh nhẹn nhưng sang đấy rồi, em cảm thấy mình như “vô dụng” vậy. Vì mọi kiến thức về Du lịch-Nhà hàng em đều không có, từ những việc nhỏ nhặt nhất như cầm cái khay lên thôi người ta cũng phải dạy mình từ đầu. Em không biết nói tiếng Trung mà lại làm trong nhà hàng Hoa, rất ít người nói được tiếng Anh. Mấy người làm cùng với em làm rất thạo việc, ngay cả mấy bạn Đài Loan vào làm cùng đợt với em cũng học việc nhanh vì các bạn ấy có học chuyên ngành về Nhà hang-Khách sạn. Mình thì chẳng biết gì nên làm rất chậm, mà nhịp độ làm việc bên Sing lại nhanh, thế nên lúc nào em cũng nghe giục: “Minh (–ghi chú: mọi người gọi Trang theo tên đệm), Nhanh lên! Nhanh lên”. Thế nên lúc đầu sang em thấy mình như bị “sụt” xuống ấy. Nhưng em thấy khoảng thời gian này rất thú vị vì nó giúp em nhận ra rằng mình chẳng là gì cả, ít nhất là không giỏi giang, to tát như mình từng tưởng tượng khi còn ở Việt Nam.
Chi: Chị đồng ý. Chị nghĩ đây là một trải nghiệm rất thú vị. Khi chị sang Mỹ rồi chị mới thấy để trụ lại ở nước ngoài, con người phải gồng mình lên rất nhiều. Thứ nhất là phải rất giỏi mới có thể có một công việc hợp pháp, được bảo lãnh, có đồng lương sống được đàng hoàng ở nơi chi phí đắt đỏ. Thứ hai là phải chịu được áp lực công việc lớn và mật độ làm việc cao, trong khi không có gia đình, bạn bè ở bên trợ giúp. Ai cũng phải làm lại từ con số không rất khổ cực, chứ không như nhiều người nghĩ về cuộc sống nước ngoài xa hoa, dễ dàng.
Trang: Đúng vậy! Đợt em đi là đợt sát Tết nên em đón Tết Âm lịch ở Sing. Nhà hàng nhà em lại là một trong những nhà hàng mở “xuyên Tết” nên em làm suốt, làm vất vả cả ngày lẫn đêm. Em vẫn nhớ đêm 30 Tết nhà hàng em mở tiệc lớn nên đến tận 12 giờ đêm em mới bước ra khỏi nhà hàng. Khi em lên tàu về nhà, em đã mệt rũ. Cả toa tầu chỉ có mỗi mình em là đi hướng ngược về còn mọi người đều nô nức đi tới phía trung tâm xem bắn pháo hoa. Lúc đấy em mới thấm thía nỗi nhớ nhà. Về nhà tắm rửa xong thì cũng đến Giao thừa giờ Việt Nam, em gọi về nhà cũng cảm thấy rưng rưng nhưng không dám khóc vì sợ bố mẹ buồn.
Chi: Vậy em đón Tết với ai?
Trang: Em đón Tết cùng các em người Việt Nam cũng sang lao động ở Sing. Trong cả đoàn chỉ có em là từng học Đại học, ở Hà Nội, và sang Sing làm mang tính chất trải nghiệm. Các em còn lại đa phần nhỏ tuổi hơn, lại ở các tỉnh xa, gia đình phải vay mượn hàng chục triệu để đi Sing làm gửi tiền về nhà, tiếng Anh lại không biết mấy… nên mục đích chuyến đi của các em rất khác. Lúc đó em mới biết mình rất sung sướng vì được ăn học đầy đủ, có nhiều trải nghiệm, đi làm cũng không bị áp lực kiếm tiền.
Chi: Tại sao chi phí của mấy em đó lại cao đến vậy?
Trang: Dạ tại vì các em ấy không được nhận đi làm trực tiếp mà qua rất nhiều khâu trung gian, ví dụ như nhà trường giới thiệu được cơ hội thì trích một phần tiền, trung tâm giới thiệu được cũng trích một phần tiền…, rồi các em ở tỉnh xa phải lặn lội ra Hà Nội ăn ở để nộp hồ sơ, lại còn phải đóng tiền học lớp tiếng Anh, thi qua rồi mới được đi. Trong khi đó, em chỉ phải đóng một số tiền rất ít, phỏng vấn đi làm trực tiếp, tiếng Anh cũng không phải học thêm. Cả nhà vay vượn hàng mấy chục triệu cho mấy em ấy đi làm bên Sing hy vọng được nhiều tiền lương và cả tiền tip nữa để gửi về nhà trả nợ với phụ giúp gia đình. Thực ra tiền công lao động phổ thông cũng cao hơn ở Việt Nam nhiều, nhưng làm rất vất vả, chi phí ăn ở lại đắt đỏ, muốn có tiền tip cao thì thường phải làm cho nhà hàng Tây mà mấy em đó cũng không biết tiếng Anh mấy nên chỉ làm được ở nhà hàng Hoa thôi. Nên rất khó khăn chị ạ.
Ban đầu, vì em nói tốt tiếng Anh nên được người ta nhắm trước định cho làm ở một nhà hàng Tây, làm có thể đỡ bận hơn, mà tiền tip thì chắc chắn cao hơn. Nhưng vì từ trên máy bay, em ngồi cùng mấy em ở tỉnh xa đến, các em có nói là: “Bọn em sang đây lạ nước lạ cái, tiếng Anh kém lắm, có gì chị giúp chúng em!”. Thế nên, khi thấy các em ấy được phân vào làm nhà hàng Hoa, em cũng tình nguyện đi làm cùng, mặc dù chị quản lý có hỏi mấy lần xem em có chắc chắn không vì làm nhà hàng Tây hợp với em hơn. Nhưng em nghĩ mình đi sang đây không phải vì kiếm tiền mà vì muốn có nhiều trải nghiệm, nên em cũng không quan trọng mình phải làm ở đâu ra nhiều tiền. Sau này nghĩ lại, mặc dù đúng là vất vả hơn thật, em cũng không thấy hối tiếc vì nhiều cơ hội việc làm sau này của em đến từ chính nhà hàng Hoa này.
***
Hết phần 1. Trong phần 2 của bài phỏng vấn, Trang sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình sau khi đi về từ Singapore, bao gồm các công việc ở Dingtea, Chattime, Vietnamworks, Manulife, và bán hàng online.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
BTQ says
Cảm ơn chị đã chia sẻ bài viết này. Em thấy thích cách suy nghĩ của bạn ấy khi ở trong một môi trường khác (cụ thể là ở Sing) rằng “mình chẳng là cái gì”. Em cũng có rất nhiều lần có cảm giác như vậy, và khi nhìn lại em lại thấy đó là dấu mốc giúp em vượt qua sự-huyễn-hoặc-bản-thân, tiến lên và phát triển hơn.
Cảm ơn chị đều post bài đều đặn hàng tuần. Chúc chị mỗi ngày an vui.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết và comment trên blog! Chị cũng thích cách nhìn nhận đó của Trang. Khi còn đi học và mới đi làm, chị có nhiều lần suy nghĩ như vậy, nhưng không dũng cảm để nói ra thành lời. Sau này trưởng thành hơn rồi, cảm giác đúng như em viết,chị cảm thấy nếu trung thực nhìn nhận rõ bản thân mình thì sẽ phát triển được mạnh mẽ hơn. Chúc em nhiều điều may mắn!
Ano says
Đọc những gì bạn này làm được thấy tiếc tuổi trẻ của mình khi lúc đó không có nhiều tham vọng. Dù sao bây giờ thay đổi vẫn còn kịp.
Cảm ơn tác giả về bài viết.
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc bài viết! Môi trường Đại học của mình và bạn Trang – nhân vật trong bài này rất năng động và khuyến khích sinh viên trải nghiệm, hiện thực hoá mơ ước của mình. Cả hai bọn mình đều rất biết ơn vì điều này. Nhưng mình cũng có nhiều bạn hồi Đại học không có điều kiện phát triển nhưng đi làm và đi học cao học lại mở mang được rất nhiều điều và có nhiều tham vọng lớn hơn nữa. Đúng như bạn nói, thay đổi không bao giờ là muộn cả 🙂
Thị Hoàng says
Cảm ơn chị Chi về bài viết!
Đọc bài blog này em học hỏi được nhiều điều lắm ạ.
Vd, cách đặt câu hỏi mở và nhận xét khi nhận được thông tin, vì em tự thấy mình không phải là người nói chuyện giỏi,
rồi những chia sẻ của chị Trang, những cảm nghĩ được nói ra thành lời như vậy, thật tuyệt, em như thấy 1 phần nào chính mình trong đó. Em thì chưa trải nghiệm nhiều và dài như chị Trang (4 năm ) nhưng cũng may mắn là trong 4,5 năm học Đh, ko bao giờ tính đi làm thêm ( vì nhà em khá giả, đi kiếm tiền làm gì? Em tự nói với bản thân, trong khi em lại KO nghĩ tới việc Đi làm Để Trải Nghiệm, học hỏi ) thì tới năm cuối Đh, em đã có trải nghiệm 3-4 công việc pảrt-time ( tính ra là trong 2 năm trước, t9/2014- đầu 2016). Khoảng thời gian đó thực sự rất tuyệt vời và 1 trong những kỉ niệm thực sự đẹp trong đời sinh viên của em , chị ạ.
Bétter late than never!
Do đó, khi đang đi làm thêm, công việc trợ giảng tiếng Anh, tiếp xúc với nhiều bạn sv nhỏ tuổi hơn, em luôn chia sẻ và động viên các bạn ấy rằng : những thói quen thiết yếu của sinh viên là Học Ngoại Ngữ và đi làm thêm , càng sớm càng tốt.
Hiện tại, em đang sống tại Đức, tuần sau bắt đầu đi làm, “kiếm sống”. Sẽ có nhiều thách thức và trải nghiệm gian truân và thú vị đây! Nỗi nhớ nhà, hiện chưa đậm rõ, nhưng em nghĩ là qua năm tháng, “khoảng khắc đêm giao thừa “như chị Trang, em sẽ ngẫm lại bản thân và những gì xung quanh tốt hơn!
Ngóng bài blog tuần sau của chị!
Chúc chị Vui Khoẻ!^^
Chi Nguyễn says
Chào em! Cám ơn em rất nhiều đã đọc blog và còn comment chia sẻ nữa. Đọc comment của em thì thấy em cũng có rất nhiều trải nghiệm thú vị với công việc. Chị chúc em tuần mới làm việc ở Đức gặp nhiều may mắn! Chị rất mong đọc được thêm chia sẻ của em sau một thời gian làm việc ở nước ngoài. <3
Kelly Phạm says
Cảm ơn Chị về bài viết với nhiều gợi mở thú vị ạ. Mong chị chia sẻ thêm thông tin chương trình mà chị Trang tham gia ở Sing là “Work and Travel” với ạ. Em nghĩ nó thực sự thú vị và là trải nghiệm tốt cho nhiều bạn trẻ. Em cũng muốn tham gia nếu có cơ hội ạ! Em cảm ơn chị nhiều!
nam says
mình cũng muốn tìm hiểu giống bạn!mong chị trả lời bình luận này!
Chi Nguyễn says
Chào hai bạn! Cám ơn hai em đã đọc và comment trên blog! Khi chị phỏng vấn Trang thì bạn có nói là tìm được chương trình này khi search google “lao động Sing” và đến một công ty có trụ sở ở Lê Duẩn, Hà Nội. Dạng như Work & Travel (một chương trình khá nổi đi Mỹ), các bạn sang Sing làm việc, có trả lương trong thời gian một hoặc vài tháng. Chị sẽ hỏi thêm Trang nếu có thông tin gì để comment thêm ở đây cho các bạn biết nhé!
Kelly Phạm says
Em cảm ơn ChỊ. Mong sớm nhận được chỉ dẫn của Chị ạ!
Linh Chi says
Thật tình cờ là lúc em đọc bài viết này của chị vào buổi sáng, và ngay chiều hôm đó em nhận được tin mình đã được cấp học bổng đi Ý 1 kì học. Bài viết như tiếp thêm động lực cho em vậy. Lúc đầu em cũng hơi băn khoăn vì lý do tài chính vì dù được tài trợ cả tiền ăn ở đi lại nhưng trc khi đi vẫn phải nộp những khoản phí trước, nhà e thì chỉ là điều kiện tầm trung. Em cũng thấy may mắn vì mẹ e đã luôn ủng hộ và tạo cơ hội cho e. E nghĩ là mình phải biết mình đang đứng ở đâu, và cần thay đổi như thế nào. Cả chị và chị Trang đều là những người tạo động lực rất lớn cho những đứa đang ở thời kì đầu chặng đường 20 như em, mong muốn được đi xa hơn chị ạ.
Chi Nguyễn says
Chị thực sự chân thành chúc mừng em!!! Cơ hội trong đời có tính thời điểm rất cao, nếu em có thể cố được đi những năm đầu tuổi 20 là tốt nhất. Em sẽ trưởng thành lên rất nhiều. Chị rất vui vì bài viết có ích cho em
Linh Chi says
Vâng, cơ hội chỉ đến khi mình biết nắm bắt, và trong bài có câu em rất thích là “cơ hội lại mở ra cơ hội”. Đọc cả phần 2 bài phỏng vấn e cũng phát hiện ra chồng chị Trang là thầy giáo dạy em năm nhất nữa 😀
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã theo dõi cả 2 phần bài viết! Chồng Trang là giảng viên ĐH Hà Nội. 😆
Giang Pham says
Chị thì thích cả đoạn Trang kể về trải nghiệm ở Sing và đoạn Chi add thêm thông tin về việc phải “gồng mình” ở môi trường làm việc nước ngoài. Thấy đúng hệt như cảm giác của chị 😀