Đọc Phần 1: Đẩy tiếng Anh từ sách vở ra đời sống
Đọc Phần 2: Viết tiếng Anh như người có học
Nhìn nhận về tiếng Anh
Khác với phần 1 và phần 2 của chuỗi bài thiên về phương pháp (học tiếng Anh như thế nào cho hiệu quả cho người “lỡ cỡ”), phần 3 này là đôi điều suy ngẫm của tôi về cách nhìn nhận tiếng Anh.
Tại sao cách ta nhìn nhận về tiếng Anh lại quan trọng? Khi còn học và dạy học tiếng Anh ở Việt Nam, tôi thường chỉ tập trung vào phương pháp kỹ thuật (techiques) để nâng cao trình độ tiếng Anh, mà rất ít khi để ý đến tâm lý và tâm thế của người học với tiếng Anh. Tại sao chúng ta lại sợ giao tiếp bằng tiếng Anh? Tại sao lại cảm thấy luôn bị “đánh giá”, bị “soi” khi dùng tiếng Anh? Tại sao trong nhiều trường hợp, tiếng Anh lại được sử dụng như thước đo sự “văn minh” và “hội nhập” của con người? Liệu điều này có công bằng hay không?
Cho đến khi sang Mỹ du học và sống trong một môi trường đa quốc gia, đa sắc tộc, nơi tiếng Anh chỉ là một công cụ giao tiếp phổ biến-không hơn, không kém, tôi mới bắt đầu có suy nghĩ về cách người Việt Nam nhìn nhận về tiếng Anh và nói về tiếng Anh trong đời sống hàng ngày. Chúng ta hoặc là tung hô những người nói tiếng Anh giỏi lên tận mây xanh hoặc dè bỉu những người nói tiếng Anh kém xuống tận đáy bùn. Nhưng điều này có ảnh hưởng như thế nào đến việc chính chúng ta học tiếng Anh?
1. Hâm mộ các bạn/anh/chị/em nói tiếng Anh giỏi quá!
“Hâm mộ” những người nói được ngoại ngữ tốt là câu tôi thường xuyên nghe ở những người trẻ, những người học tiếng Anh “lỡ cỡ”. Muốn học tiếng Anh, thích tiếng Anh, thấy tiếng Anh quan trọng, và mong muốn, thậm chí “thèm” và ghen tỵ với những người có trình độ cao hơn mình là điều hết sức bình thường. Tôi cũng bắt đầu học tiếng Anh với việc ghim trong đầu rất nhiều tấm gương học tốt của đàn anh, đàn chị. Nhưng cái tôi cảm thấy ít được đề cập đến ở đây là điều kiện và quá trình học của những “người được hâm mộ” và “fan hâm mộ” này có thể rất khác nhau. Ví dụ:
– Bạn hâm mộ một người nói tiếng Anh rất giỏi vì bản thân bạn học tiếng Anh ở trường hệ 6 năm, 10 năm mà vẫn không nói được tự tin, trong khi người ta bằng tuổi mình thì “chém tiếng Anh như gió”. Nhưng trong khi đó bạn không để ý đôi khi sự thật là “người ta” đấy học tiếng Anh không chỉ ở trường mà còn ở trung tâm Apolo, British Council… một buổi học bằng nửa tháng lương công chức, bố mẹ bạn không thể chi trả được.
– Bạn hâm mộ người nói tiếng Anh chuẩn không có âm nước ngoài vì bản thân mình “nói tiếng Anh như tiếng Việt” nhưng không để ý là có những người được tiếp xúc với tiếng Anh từ khi còn nhỏ, ví dụ nhà có truyền hình cáp/Internet thường xuyên có ý thức nghe tiếng Anh, bố mẹ ý thức được tầm quan trọng của tiếng Anh giao tiếp (chứ không phải điểm cao trên lớp, thi đại học khối D) và hướng cho con cái, hay được cho đi trại hè tiếng Anh, học chương trình song ngữ từ bé.
Ý tôi là, thường chúng ta thường “hâm mộ” những người nói ngoại ngữ hay, hỏi họ những bí quyết học tiếng Anh và cố gắng áp dụng theo, nhưng bí quyết chỉ là những cái chấm rất nhỏ trên cả một bức tranh lớn về nền tảng gia đình, điều kiện tài chính, thời điểm bắt đầu học tiếng Anh, môi trường học tiếng Anh … quyết định trình độ của mỗi người.
Đọc đến đây, có thể bạn đã nghĩ tới hàng loạt ví dụ khác về những người không có điều kiện vẫn học tiếng Anh tốt, học khi đã lớn tuổi nhưng vẫn rất chuẩn, học qua việc giao tiếp, nỗ lực hết mình … Tôi khẳng định là có, và tôi là một trong số những người không được đầu tư từ đầu và rất chật vật để có trình độ hiện nay. Nhưng phải nói thật rằng, số những người này không nhiều. Thử nghĩ về lớp cấp 1-cấp 2- cấp 3- Đại học của bạn có bao nhiêu người học tiếng Anh và hiện nay còn dùng được tiếng Anh? Nói rộng thêm, những bạn học ở nông thôn, ngoại tỉnh, ngoài những thành phố lớn, bao nhiêu người đã học tiếng Anh và bây giờ còn dùng được tiếng Anh?
Điểm này nói ra không phải để mọi người nản chí, rằng là mình không có nền tảng, điều kiện, không được học từ bé thì không bao giờ học được tiếng Anh. Vấn đề không phải như thế. Mọi người hoàn toàn có thể làm được, nhưng phải xác định tư tưởng từ đầu là sẽ chậm, thậm chí rất chậm hơn những người “có điều kiện” kể trên. Điều tôi muốn nhấn mạnh là, khi bạn thấy một người giỏi tiếng Anh, đừng vội sợ hãi so sánh người ta giỏi, mình “dốt” – chẳng ai là dốt với ngôn ngữ cả, chỉ là mọi người có đầu tư học khác nhau mà thôi.
Nếu bạn muốn tìm một hình mẫu để noi theo, tôi khuyên bạn nên tìm người có hoàn cảnh tương tự như mình (ví dụ, học trường bình thường, không được tiếp xúc tiếng Anh từ bé, không được đi nước ngoài …) mà thành công để học tập. Và kể cả khi áp dụng bí quyết học của người khác nhưng không thành, bạn nên ngừng lại một chút để suy nghĩ về tổng thể, nhìn vào hoàn cảnh khác nhau của mình và người đưa ra bí quyết, từ đó nghĩ cách khắc phục để tốt lên, hơn là âm thầm “hành hạ” bản thân, coi mình là kém cỏi hơn người khác. Tôi cũng mong bạn đọc blog khi tham khảo phần 1 và phần 2 chuỗi bài viết về phương pháp học tiếng Anh giữ cho mình một tâm thế như vậy.
2. “Thằng/con này” nói tiếng Anh kém quá!
Đây là câu nói tôi thường được nghe từ những người thích bình luận về khả năng tiếng Anh của người khác, những người giỏi tiếng Anh hoặc thường tự cho là mình giỏi tiếng Anh hơn số đông.
Chuyện thứ nhất: Tôi còn nhớ vào một trong những năm đầu tiên có chương trình Asian Next Top Model, bạn đại diện Việt Nam bị loại chỉ vì trình độ tiếng Anh kém. Người xem có thể nhìn thấy rất rõ là bạn này không nghe được và không nói được mấy, khi đạo diễn hình ảnh chỉ đạo, hướng dẫn, bạn không hiểu nhưng cũng chỉ âm ừ, cười trừ thôi chứ không hỏi lại. Khi quyết định loại bạn này, giám khảo liên tục hỏi: “Why don’t you ask?!!” như một cách nói là” “Chúng tôi không yêu cầu người mẫu nói tốt tiếng Anh nhưng yêu cầu người mẫu phải hỏi khi không hiểu chúng tôi nói gì”. Điểm này hoàn toàn đúng, tôi thấy nhiều người Việt Nam nói riêng hay Châu Á nói chung hay có xu hướng im ỉm, đoán ý người nói khi không hiểu, thay vì hỏi trực tiếp ngay khi cần. Đây là một thói quen xấu và rất không có lợi sau này khi làm việc trong môi trường cần giao tiếp ngoại ngữ nhiều với độ chính xác cao.
NHƯNG nếu ngoại ngữ có hạn, vốn từ ngữ dùng không đủ để hiểu chuyện gì đang xảy ra xung quanh, hỏi thì người ta lại “Pardon/Say it again” thì liệu mấy người không giỏi tiếng Anh (như bạn người mẫu kia) có dũng cảm để lần nào không hiểu cũng hỏi lại? Cộng với áp lực ống kính máy quay chĩa vào, bao nhiêu cái ngượng với ngại tăng lên gấp nhiều lần. Thực sự phải ở vào hoàn cảnh đó mới hiểu hết nỗi khổ của người yếu ngoại ngữ.
Cũng thời điểm đó, trên mạng Internet và các mạng xã hội tôi tham gia (với rất đông bạn bè nói giỏi tiếng Anh) đều phê phán bạn người mẫu này kém quá, không ra gì, thậm chí làm nhục “quốc thể” khi đi thi quốc tế mà tiếng Anh không nói được gì, bao nhiêu trường lớp dạy sao không đi học trước khi đi thi … Càng đọc tôi thấy giận. Giận vì mọi người quá khắt khe. Nếu một người đã từng ấy tuổi, không được đào tạo tiếng Anh từ đâu, đi làm người mẫu cũng là lao động chứ có được nuôi ăn đi học không đâu, sao có thể trong vài tháng học nhoáng nhoàng mà nói tiếng Anh được như những người có điều kiện học từ nhỏ. Nhiều người phê phán cái bề mặt (khả năng nói tiếng Anh) mà không thông cảm nhìn vào nền tảng và điều kiện của mỗi người.
Chuyện thứ hai: Vào thời điểm trước khi đi du học, tôi hay xem kênh YouTube học tiếng Anh của một bạn cũng du học sinh Mỹ. Luận điểm bạn này đưa ra là: Nhiều người nghĩ đợi đến đi du học sẽ nói tiếng Anh chuẩn nhưng thực tế không phải. Nếu bạn đã nói sai từ đầu rồi thì sang đây rất khó sửa, thậm chí mãi mãi nói tiếng Anh như tiếng Việt. Luận điểm này có phần đúng.
Tôi đã từng gặp nhiều người ở Mỹ, ở Anh hàng chục năm, ở trong môi trường học thuật, giao tiếp toàn Tây, nhưng nói tiếng Anh cũng y như ở nhà vậy thôi. Ngay bản thân tôi cảm thấy sang đây nói vẫn có âm giọng (accent) và tôi chấp nhận là đó là một phần của giọng nói tự nhiên của mình, là một trong những thứ mà có lẽ sẽ không bao giờ thay đổi 100% được. Những người sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng trong cộng đồng da đen, Mexico, Á… họ cũng có âm giọng riêng, nên không phải cứ là sang đây là nói chuẩn (chuẩn ở đây là theo Mỹ trắng – ngay cả cái “chuẩn” này cũng mang màu sắc phân biệt chủng tộc, đây lại là một đề tài khác).
Mặc dù tôi thấy luận điểm này đúng nhưng phần minh hoạ của bạn YouTuber này làm tôi rất choáng. Để minh hoạ cho việc những người giỏi tiếng Anh họ đã nói tốt kể cả trước khi đi học, bạn cho 2 nhân vật nói tiếng Anh, một giọng Mỹ, một giọng Anh rất tuyệt vời vào video. Điều này làm tôi cảm thấy khá tiêu cực, ngoài việc nó khiến cho các bạn có thêm nhiều “fan hâm mộ” ra thì thực sự không giúp ích gì nhiều cho những người muốn học tiếng Anh. Thậm chí, người ta có thể hiểu thông điệp của video đó là: Đừng có mà nghĩ đi du học để tăng tiếng Anh, giỏi thì giỏi từ đầu rồi, kém thì mãi kém ?!!
Sự thật không hẳn là như thế. Tất cả đều phải bắt đầu từ điểm xuất phát, ai xuất phát sớm hơn và đúng cách hơn thì sẽ thành công sớm hơn. Đi du học có thể không làm tiếng Anh của bạn đang từ 70 TOEFL lên 120 TOEFL nhưng có thể từ 70 lên 90 hay 100. Có thể bạn mãi mãi nói có âm giọng nhưng ít ra nói người ta vẫn hiểu được. Không phải vì mình không nói chuẩn ngay từ đầu mà không dám mở miệng ra nói. Không phải vì mình không được đi du học mà không được nói. Không phải vì bố mẹ không đầu tư mình nói tiếng Anh từ bé mà lớn lên mình không có quyền nói.
Tôi quan niệm tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng, nhưng cuối cùng, nó cũng chỉ là ngoại ngữ. Mình không nên xấu hổ khi nói tiếng Anh với người nước ngoài vì tiếng Anh chỉ là ngoại ngữ của mình thôi, ngôn ngữ chính của mình là tiếng Việt. Và nên tự hào vì mình nói được 2 thứ tiếng, trong khi nhiều người nước ngoài chỉ biết mỗi tiếng Anh – tiếng mẹ đẻ. Vì thế, tôi luôn tâm niệm rằng mỗi khi dạy tiếng Anh, đưa bí quyết học tiếng Anh, hay phê phán những người nói tiếng Anh chưa tốt, ta nên nghĩ đến điều kiện ban đầu của họ, nghĩ đến liệu bình luận của mình có giúp họ học tốt lên không hay chỉ làm họ nản lòng hơn, nghĩ đến khía cạnh tích cực của việc học ngoại ngữ thay vì tiêu cực. Và cũng nên thấy vui vì người Việt Nam càng ngày càng nhiều người nói được ngoại ngữ, so với chỉ vài chục năm trở về trước 90% dân số còn mù chữ, đến ngày hôm nay khi bốn bể, năm châu đều có người Việt thành thạo không chỉ một mà nhiều ngoại ngữ — đây là một thành quả vô cùng tuyệt vời!
Tôi hy vọng chuỗi 3 bài về Học tiếng Anh cho người “lỡ cỡ” này có ích cho bạn đọc. Như đã viết từ phần đầu tiên, chuỗi bài này được cập nhật từ bản nháp blog của tôi từ 3-4 năm trước, do vậy, nếu trong tương lai tôi học hỏi được thêm nhiều điều mới về cách học và nhìn nhận về tiếng Anh, tôi sẽ tiếp tục cập nhật series bài viết này. (Update 6/2020: Chuỗi bài viết đã được cập nhật thêm một số công nghệ mới, ví dụ Grammarly)
Cám ơn bạn đọc đã kiên trì theo dõi chuỗi bài viết! Chúc bạn thành công trên hành trình học tiếng Anh của mình.
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Duy says
Cảm ơn bạn Chi Nguyễn rất nhiều, trân trọng cảm ơn bạn đã đồng cảm với những người “lỡ cỡ” như mình
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Mình viết bài này vì mình cũng từng là một người “lỡ cỡ” và cũng rất mong có người đồng cảm. Hy vọng bài viết giúp ích được cho bạn!
Thao says
Cám ơn Chi, bài viết khá bổ ích với mình. Mình có xem video về các tips học Tiếng Anh, mong Chi sẽ chia sẽ thêm các kinh nghiệm học Tiếng Anh để mọi người cùng học hỏi ạ!
Lý Thu Hiền says
Em cảm ơn chị, bài viết của chị rất hay, nó khiến em nhìn nhận lại cách nhìn của mình với tiếng anh, em cũng thường hay so sánh khả năng nói tiếng anh của mình với những bạn bằng mình nhưng nói tiếng anh rất giỏi rồi thấy mình kém quá. Nhưng qua bài viết của chị đã giúp em rất nhiều ạ.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã dành thời gian đọc và comment trên blog. Kỹ năng nói thường bị “soi” nhiều nhất, người ta soi mình, mình cũng tự tin so sánh với người ta. Nhưng nếu không nói ra, không nói sai và không sửa thì không thể tốt lên được. Đến tận ngày hôm nay, sau 10 năm sử dụng tiếng Anh thường xuyên, trong đó có 4 năm sống ở nước nói tiếng Anh, chồng chị (một người bản ngữ) thỉnh thoảng cũng góp ý cho những từ phát âm sai của chị. Vì vậy, em đừng ngại nhé! Chị mong một ngày nghe được em nói tiếng Anh 🙂
Kelly Phạm says
Cảm ơn chị Chi nhiều về tất cả những chia sẻ của chị trên blog, không chỉ về việc học tiếng Anh. Nó thực sự truyền cảm hứng cho em vào lúc này khi em phải đối mặt với quá nhiều áp lực về tài chính, học hành. Tuy chưa tìm được động lực vực dậy cho bản thân nhưng mỗi ngày đọc blog của Chị thực sự đã cho em thêm một chút bình yên, động viên và an ủi. Huge thanks for all!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã tìm đến với blog. Chị rất vui vì bài viết giúp được em khi cần. Ngày ngày chị cũng đối mặt với nhiều áp lực nên viết blog cũng như một các thư giãn và tìm về bình yên — Mong em cũng cảm nhận được điều này khi đọc blog và ghé đọc thường xuyên
Linh Chi says
Mặc dù đang là sinh viên của chính trường ngoại ngữ, hàng ngày hàng giờ đều phải sử dụng tiếng anh để học môn chuyên ngành, nhưng đúng là quan điểm nhìn nhận tiếng Anh chỉ như 1 công cụ thì em thấy mình có thể sử dụng được, nhưng rất khó sử dụng nhuần nhuyễn đc và thoải mái chị ạ. Bài viết này đã cho em 1 cái nhìn mới hơn về cách học tiếng Anh, và cả series này đã giúp em học lại và bắt đầu chú ý hơn, yêu thích hơn việc học ngôn ngữ này. Chứ trước đây là dân Toán nên em không có thích học tiếng Anh lắm đâu chị ơi :D. Hi vọng chị sẽ tiếp tục chia sẻ nhiều hơn về cách học chị nhé 😀
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã chia sẻ! Khi học Đại học Hà Nội chị cũng học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh rất thường xuyên nhưng cũng phải mất một vài năm cuối tập trung vào sử dụng tiếng Anh một cách nhuần nhuyễn, cộng với việc làm việc (paid và unpaid) với các bạn người nước ngoài, tiếng Anh mới thực sự được “giải phóng”. Chúc em học tốt nhé!
Linh Chi says
Hihi thực sự là em rất enjoy môi trường của Hanu mình ạ, mặc dù cũng có lúc vất vả nhưng bạn bè với thầy cô nhiệt tình cũng truyền cảm hứng lớn lắm. Biết chị lại càng tạo động lực cho em 😀
Chi Nguyễn says
Hanu tuyệt vời mà (nhưng đúng là vất vả hơn nhiều trường thật!) Em học Khoa nào?
Linh Chi says
Em đang học Tài chính ở FMT chị ạ. Có những tuần muốn điên đầu luôn vì phải chia thời gian học khi có đến mấy môn thi liền với nhau. E nghĩ sức mình cũng ổn nhưng quả thật là để học vượt hẳn lên đúng như ý muốn thì lại cảm thấy đang tạo ra stress cho chính mình. Học không hiểu nên cảm thấy khó khăn, những lúc như vậy em lại mò lên blog của chị để tiếp động lực 😀
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã xem blog là nguồn động viên! Đối với việc học, nhiều khi giảm bớt kỳ vọng, bớt stress lại có kêt quả tốt đấy
Hiếu Nguyễn says
Cảm ơn Chi nhiều! Series 3 bài viết về Học tiếng Anh cho người lỡ cỡ của bạn rất hay! Vì tớ cũng là một người “lỡ cỡ” y như những gì bạn mô tả: học tiếng Anh hệ 3 năm (lớp 10 mới được học), hồi nhỏ nhà ở nông thôn còn chưa có cả tivi, radio, lên đại học thì khoa tớ lại phân học tiếng Pháp, bố mẹ làm nông không có tiền để đi học ở các trung tâm ngoại ngữ…v.v. Bài viết của bạn thực sự đã giúp tớ có thêm động lực, cảm hứng để tiếp tục trau dồi tiếng Anh. Mình luôn chờ đón các bài viết mới của Chi!
Chi Nguyễn says
Cám ơn Hiếu! Mình rất đồng cảm với bạn vì mặc dù ở thành phố nhưng đến năm lớp 12 nhà mình mới có máy tính nối mạng và truyền hình cáp để học tiếng Anh, bố mẹ cũng chỉ cho đi học các lớp Ngữ pháp để thi Đại học thôi chứ không có tiền học trung tâm lớn. Nếu bạn cảm thấy series này hữu ích, mình hy vọng bạn có thể chia sẻ cho bạn bè và người thân biết để có thêm động lực học tiếng Anh! Chúc bạn nhiều may mắn.
Hiếu Nguyễn says
Cảm ơn Chi! Tớ vẫn thường gửi link các bài viết của cậu cho những người thân thiết cùng đọc. Tớ biết đến cậu cũng là do bạn thân giới thiệu. Tớ không phải là dân ngoại ngữ, học tiếng Anh là do yêu thích và công việc cần dùng đến. Duy nhất 3 năm học cấp 3 là được học tiếng Anh chính thức, còn lại là tự học, thế nên nó cứ “lỡ cỡ”. Hy vọng qua thời gian sẽ cải thiện được trình độ tiếng Anh của mình.
Dieu Tran says
Cảm ơn chị Chi, em đã say mê các bài của c và đọc, ghi chép lại những phần em quan tâm và thích thú. Em cũng đang “lỡ cỡ” tiếng Anh, em muốn học, muốn nói nhưng em chưa tìm được động lực. Em cũng không thể sx tg để tham gia các khóa học được. Đôi khi em cũng xẩu hổ khi không nói được TA, cũng so sánh mình với người tốt hơn- điều đó càng làm em thêm tự ti. Em cũng làm nghiên cứu trong ngành lao động&xã hội, rất mong nhận được những bài viết tiếp theo của chị về kinh nghiệm của một reseacher. Iu quý chị,
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã iu quý chị và blog <3. Chị nghĩ em chỉ mắc mỗi vấn đề động lực thôi còn nếu có nó rồi thì bận đến mấy vẫn sắp xếp được thời gian em ạ! Quyết tâm lên một xíu nữa là mọi việc sẽ thành. Cố lên em!
Vân says
Cảm ơn chị Chi rất nhiều về bài viết! Em cũng rất hâm mộ những bạn nói tiếng anh giỏi và đôi khi cảm thấy tự ti vì bản thân nói tiếng anh không tốt. Sau khi đọc bài viết em cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều!
Bài viết đầu tiên em đọc của chị là bài viết về lối sống tối giản, sau đó em cũng thực hiện theo và cảm thấy rất hài lòng với “tủ quần áo” hiện tại! Luôn theo dõi và ủng hộ chị! ^^
NT Uyên says
Cảm ơn chị đã làm em phải thức tỉnh ra mình là dạng “người-lỡ-cỡ” như vậy.
Từ những ngày học cấp 3 đến ĐH của em, bằng một cách may mắn nào đó (hoặc không hề), em đều được học chương trình song ngữ, nhưng là được học với những người là non-native đến từ Phillipines, Malaysia, Hàn Quốc, Việt Nam,… Em từng suy nghĩ rằng tất cả lỗi làm mình phát âm không có đạt được “chuẩn giọng Anh” là đều do kiểu môi trường song ngữ đó định hình dần nhưng rồi em vừa chợt nhận ra là còn do bản thân quá tự đề cao mình nữa.
Một lần nữa, em cảm ơn chị rất rất rất nhiều <3
Nguyễn Tiến Sử says
Cảm ơn chị rất nhiều, series bài viết rất hay và thiết thực. Chúc chị nhiều sức khỏe, và có nhiều bài viết hay hơn nữa cho mọi người! ^^
Chi Nguyễn says
Cám ơn em nhiều!
Trần Thị Quyên says
Cảm ơn những chia sẻ rất chân thực và sâu sắc của bạn! Mình tình cờ tìm được blog của bạn, dù mới đọc 1, 2 bài viết của bạn nhưng mình cảm thấy rất ấn tượng và yêu thích cách viết đơn giản, dễ hiểu nhưng rất sâu sắc của bạn. Mình bây giờ là một người mẹ có 2 con nhỏ, bản thân mình chỉ gọi là “vọc vạch” biết tí chút tiếng Anh (do học từ thời cấp 3 và mấy năm ĐH), công việc và cuộc sống không dùng đến TA. Nhưng hiện nay, mình cũng như rất nhiều cha mẹ khác, đều rất muốn con mình học TA, biết TA,…Nếu ở những thành phố lớn có rất nhiều cơ hội cho các bé học tập, trải nghiệm TA, thì bọn mình ở quê lại ít có điều kiện. Các trung tâm gần như không có, nếu có thì chất lượng cũng rất hạn chế. Mình đang rất băn khoăn, muốn tìm ra một phương pháp nào đó cho con mình tiếp cận, học tập, rèn luyện TA một cách có hệ thống, hiệu quả, dễ thực hiện. Các trang mạng hiện nay cũng quảng cáo rất nhiều các chương trình học online, nhưng thực sự để lựa chọn được chương trình học chất lượng, uy tín, hiệu quả thì cũng không đơn giản. Mình rất mong nhận được những chia sẻ của bạn (về phương pháp, về các địa chỉ đào tạo online uy tín,…) để mình có thể tìm ra được hướng đi phù hợp với mình. 2 bé nhà mình một bé 7 tuổi và 1 bé 3 tuổi, trình độ TA của mẹ rất hạn chế!
Chân thành cảm ơn bạn!
Chi Nguyễn says
Chào bạn! Với 2 bé tuổi như con bạn mình nghĩ cứ để các bé tự nhiên tiếp xúc với tiếng Anh là tốt nhất. Mình nghĩ bạn có thể cho các con xem truyền hình cáp các kênh thiếu nhi nói tiếng Anh hoặc online cũng có các chương trình này (ví dụ: cartoon network). Bạn cho con xem không có phụ đề hoặc ít phụ đề, không thuyết minh. Song song với việc dạy các con những mẫu câu đơn giản theo bộ sách Let’s Go. Mình nghĩ bố mẹ quan tâm có thể tạo điều kiện nhưng không cần khắt khe quá như học các môn Văn, Toán. Ngoại ngữ học càng tự nhiên, càng vui thì trẻ con mới thích và theo lâu được. Chúc các bé nhà bạn học tốt! 🙂
Trần Thị Quyên says
Cảm ơn Chi nhé! Chúc bạn luôn mạnh khỏe, vui vẻ và bình an!
Quyên Nguyễn says
Bài viết này rất hay và em rất đồng tình ạ.
Em thấy để giỏi ngoại ngữ đúng là cần chăm chỉ và kiên trì, học có phương pháp nhiều hơn là năng khiếu và đầu tư tiền đi học trung tâm. Năng khiếu sẽ giúp dễ tiếp cận với ngoại ngữ, học nhanh hơn lúc ban đầu, nhưng nếu lười biếng, mau nản (bệnh thường hay gặp của nhiều người, kể cả người có năng khiếu) thì sẽ không đi xa, học sâu bằng những người chăm chỉ.
Học trung tâm hay đi du học đi nữa cũng là để hỗ trợ cho việc tự học, nếu không thật sự ngồi vào bàn học thì khó mà giỏi hơn được. Nhiều bạn em biết không có điều kiện học nơi mắc tiền, không du học chỉ luyện Youtube thôi, thi IE đã 8.5 rồi.
LattexCoca says
Cảm ơn chị về những chia sẻ rất hữu ích, ở tất cả các chủ đề, không chỉ riêng việc học tiếng Anh.
Chúc chị luôn dồi dào năng lực và niềm vui để tiếp tục có thêm nhiều bài viết hay nữa (btw em rất mong chờ cuốn sách của chị)
Have a nice weekend, chị Chi 😉
Loan Duong says
Chị cám ơn em Chi Nguyễn, đọc bài xong chị có thêm động lực học tiếng Anh, chị là quá cỡ chứ không phải lỡ cỡ nữa nhưng không sao. Sẽ học và cố gắng học. Chúc em luôn hạnh phúc.
Chi Nguyễn says
Chị ơi!!! Không bao giờ là muộn ạ! Mẹ em 55 tuổi vẫn đang học tiếng Anh. Cố lên chị!
Thanh Minh CAO says
Em ít khi nào comment trên mạng nhưng bài này hay quá chị ơi.
Đúng là ở Việt Nam giờ một số người (không phải là ít) vẫn xem việc nói giỏi hay dở tiếng anh là 1 khía cạnh của sự thông minh.
Và chỉ cần giỏi tiếng anh là đủ nên họ hay dùng tiếng anh để thể hiện và bắt nạt những người kém tiếng anh hơn mình.
Mai says
Em không thể không đọc xong mà không xuống gõ vài dòng bình luận về những chia sẻ quá chân thành của chị. Thật khâm phục chị, phải thực sự sâu sắc và tinh tế đến mức nào trong tâm hồn mới có thể viết ra quan điểm này, một quan điểm làm thay đổi cả cách suy nghĩ còn nông cạn của em. Em một phần nào cũng giống suy nghĩ của chị, em nhớ em từng lấn cấn và cuối cùng kết thúc cả mối quan hệ với đứa bạn đại học mới quen chỉ vì cái giọng điệu khinh khỉnh thiển cận của nó về một bạn nói tiếng Anh còn kém. Nhưng em chưa thể sâu sắc như chị, trong em vẫn còn một phần nào xem trọng “thái quá” ngôn ngữ này, cuối cùng nó cũng chỉ là 1 phương tiện giao tiếp, không phải là thứ đánh giá cả con người. Cảm ơn chị vì bài viết xuất sắc này.
Mai Ngọc Thư says
Bài viết rất hay! Cảm ơn chị rất nhiều. Điều quan trọng hơn là em thấy chị có 1 sự bao dung thật sự. Em đã rất vui và đọc lại đoạn này rất nhiều lần.
”Vì thế, tôi luôn tâm niệm rằng mỗi khi dạy tiếng Anh, đưa bí quyết học tiếng Anh, hay phê phán những người nói tiếng Anh chưa tốt, ta nên nghĩ đến điều kiện ban đầu của họ, nghĩ đến liệu bình luận của mình có giúp họ học tốt lên không hay chỉ làm họ nản lòng hơn, nghĩ đến khía cạnh tích cực của việc học ngoại ngữ thay vì tiêu cực. Và cũng nên thấy vui vì người Việt Nam càng ngày càng nhiều người nói được ngoại ngữ, so với chỉ vài chục năm trở về trước 90% dân số còn mù chữ, đến ngày hôm nay khi bốn bể, năm châu đều có người Việt thành thạo không chỉ một mà nhiều ngoại ngữ — đây là một thành quả vô cùng tuyệt vời!”
Lương Lê says
Cảm ơn bài viết của chị, bài viết cho truyền thêm cảm ứng cho em khi muốn trau dồi ngoại ngữ, tiếng anh từ xuất phát điểm “lỡ cỡ”.
Trinh Vo says
Em rất vui và có động lực khi đọc những bài viết của chị. Em thấy mình may mắn và đủ duyên để đọc những dòng chia sẻ của chị. Cảm ơn chị vì chị đã ở đây. Nguyện cầu mọi điều tốt đẹp đến với chị.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều <3
Duyen N says
Thật sự là mình vừa qua Mỹ gần 1 năm, năm nay cũng ba chục mất rồi, lỡ cỡ thực sự cả về cuộc sống, tiền bạc, học hành luôn. Mà quan trọng nhất lac tiếng Anh vì sống bên này rồi, ko biết tiếng thì coi như bị mù chữ luôn. Thật sự đọc part 1 và 2 của Chi thấy cũng tàm tạm vì cũng ko cảm thấy giúp gì được nhiều nhưng đến part 3 thì khác, giống như nó thắp sáng 2 phần kia luôn ấy. Mình cũng sống thành phố nhưng gia đình cũng làm gì có điều kiện đầu tư tiếng Anh sớm, thậm chí cắm đầu học ở trường này nọ cũng đủ chết luôn rồi. Lúc lên đại học thì lại tiếp tục cày các môn trong đó làm gì có thời gian để mài tiếng Anh. Nói đây ko phải để tạo cớ cho bản thân ko làm mà vì thực sự ko có thời gian làm và cũng ko có động lực luôn. Hên là tới thời có truyền hình cáp, cũng ráng bập bõm coi mấy kênh hoạt hình, hbo này nọ để khỏi mất luôn cái gốc tạm bợ từ hồi phổ thông. Rồi sau thì phải lao vào đi làm cũng ko có mấy khi được tiếp xúc tiếng Anh nhưng vẫn rất cố gắng duy trì ở mức tối thiểu. Qua đây 1 cái, gặp bạn Covid rồi thì ngồi nhà luôn, cắn lưỡi tập n vì ko biết phải trau dồi tiếng Anh kiểu gì. Mình ráng bám vào youtube và 1 số phim tiếng Anh để xem rồi nhận ra 1 lỗ hỏng to bự là ” cha mẹ ơi sao người ta nói nhanh quá”, ” sao nhiều từ mới quá, học từ này nó đẻ từ khác” , nản thực sự đó Chi ơi. Rồi có khi còn hỏi những câu rất ngây ngô là “sao nói nhanh vậy mà người ta vẫn hiểu nhau?” . Muốn tự vận thiệt luôn á Chi. Giống như xung quanh ai cũng giỏi rồi còn mình viết 1 câu tiếng Anh, nói 1 câu hoàn chỉnh muốn trẹo lưỡi, xoắn não luôn. Nhất là đôi khi coi mấy kênh học thuật như Chi nói là Discovery, National Geography chẳng hạn, từ mới và khó ập đến như nước sông Cửu Long luôn, và mình thấy hụt hơi, và sợ luôn khi coi những kênh đó, giống kiểu sao ko từ nào biết hết. Điều kiện người nhà mình cũng chỉ đủ ăn hàng ngày, ko có tiền cho mình tham gia mấy khóa luyện Sat, ielts này kia để cải thiện nên mình chỉ có gì xài đó thôi. Đọc blog của Chi thấy bớt stress và thoải mái hơn để biết vấn đề của mình là vấn đề bình thường. Mình cũng mong sẽ có người kế bên để chỉnh sửa, cải thiện tiếng Anh như Chi vậy. Và mình cũng đã bị coi thường vic nói tiếng Anh như mổ cò bởi 1 người Mexico American, tuy ko nói thẳng ra nhưng thái độ của họ cho mình biết điều đó. Mình thực sự rất buồn và cảm thấy tự ti lắm, giống bạn American Next Top Model mà Chi đã kể ở trên. Họ kiểu, “người như con nhỏ này mà cũng tuyển là sao, nó làm được gì”. Đương nhiên ai cũng trưng ra về chuyện sẽ không kì thị nhưng thực sự là kì thị vẫn tồn tại theo cách này hay cách khác và làm tổn thương chúng ta. Mình mong là chia sẻ của mình sẽ đồng cảm với những bạn có chung hoàn cảnh.
Chi Nguyễn says
Tâm sự thật quá! Chị rất vui là bài số 3 này giúp được cho bạn vì mình thấy cái khó của học ngoại ngữ nhiều khi không phải là kỹ thuật đâu mà là tâm lý của mình thấy tự tin, thấy bị coi thường nên mình lại càng hoảng hơn, lo lắng hơn khi giao tiếp. Mình vượt qua được chính mình thì mình mới có thể chứng minh bản thân được. Chúc bạn nhiều điều tốt lành <3
Trang says
Em cũng thấy ngoại ngữ chỉ là công cụ để giao tiếp và truyền đạt. Hồi em đi dạy tiếng Nhật, các học viên thường hỏi: “Làm sao để giỏi tiếng Nhật được như sensei (cô)?”. Em chỉ nghĩ đơn giản là phải có lý do gì thúc đẩy đằng sau: như em là vì sử dụng trong công việc; có bạn vì điểm số, chứng chỉ; hay chỉ là vì muốn biết thêm cho nhiều ngoại ngữ. Nên mỗi người mới mỗi trình độ khác nhau tuỳ theo ngoại ngữ đó có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của mình. Em cũng đang theo dõi bài viết về chủ đề tiếng anh của chị để có thể tìm ra phương pháp học phù hợp với mình. Thanks chị!
Chi Nguyễn says
Chị hoàn toàn đồng tình! Chị nghĩ nên có một cái “WHY” rõ ràng đằng sau thì mình sẽ có động lực học hơn và học được lâu dài hơn
Vukytan says
Thực sự rất cảm ơn chị Chi ạ! Em đã nghe hết các podcast của chị rồi, và đang dần đọc hết các Blog từ xưa đến nay của chị Chi, chị là người đầu tiên mang đến cảm giác lạ mà quen, gần gũi, giọng nói ấm áp như vậy cho em.
Chị đã dạy cho em nhiều bài học lớn, về bài post này em mới định nghĩa được mình là người “lỡ cỡ” trong tiếng Anh, trình độ trung trung không giỏi hẳn mà cũng chẳng kém, rơi vào tình trạng không có động lực học mà lại có nhiều mục tiêu ước muốn cùng với công cụ tiếng Anh. Em tin rằng với sự nghiêm túc khi đọc Blog của chị và rút ra bài học, một ngày nào đó em sẽ tự tin giao tiếp với người nước ngoài và sải bước sang trời Âu như mình mong ước ạ.
Một lần nữa cảm ơn chị và gia đình bé nhỏ của chị ạ !
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều vì đã chia sẻ nhé