Xem phần 1 của bài phỏng vấn tại đây.
Linh: Nhiều người phụ nữ khi mới sinh em bé bị depressed (trầm cảm), em nghĩ em không đến mức trầm cảm, nhưng em lúc nào cũng cảm thấy stress. Thời gian đầu sau khi sinh, mẹ chồng em qua giúp em trông con. Nhưng bà lại bị đau lưng, rồi bà lại cũng ốm nữa, nên em cũng lo lắng. Thế nhưng khoảng thời gian có mẹ chồng em ở đây em cảm thấy tốt hơn nhiều vì bà đỡ được cho em rất nhiều việc. Khi con em bắt đầu được 5 tháng thì bà phải về Việt Nam. Thế nên khi con em vừa được 4 tháng em đã phải gửi đi daycare (dịch vụ trông trẻ nhỏ). Lúc bà về rồi, chỉ có hai mẹ con thôi, thì lúc đó em cũng vừa vào kỳ học thứ 2 của Tiến sĩ và bắt đầu phải quay lại nhịp độ làm việc của một nghiên cứu sinh bình thường.
Quay lại câu chuyện về funding. Rất may mắn là ngay khi em bắt đầu kỳ học đầu tiên được vài ngày thì giáo sư em thông báo là bà ấy nhận được một cái grant 2.2 triệu đô cho 3 năm nghiên cứu. Giáo sư mới nói với em là: “You’re very lucky!” (Bạn rất là may mắn đấy!) tức là bà ấy có thể lo funding cho em trong 3 năm tới. Vậy, cũng có nghĩa là em sẽ làm việc cho giáo sư toàn thời gian để giữ được nguồn funding đó. Trong học kỳ đầu, khi em mới có em bé, giáo sư làm giúp em rất nhiều việc. Nhưng đến học kỳ thứ hai, em phải quay lại làm việc toàn thời gian vì thực sự không còn ai giúp nữa.
Hầu hết ngày nào em cũng phải lên trường, lên lớp, rồi lại lên lab làm thí nghiệm. Đến mùa hè cuối năm thứ nhất, khi em phải thi preliminary exam (*kỳ thi đầu tiên, rất quan trọng đối với Tiến sĩ) thì mẹ đẻ em qua chăm con cho em 3 tháng để em ôn thi. Sau khi bà về rồi, chỉ có mình em với con thì mọi thứ cũng đã vào guồng quay rồi. Em cứ sáng cho con đi học rồi em đi làm, chiều em đi làm về lại đón con, con ngủ thì em học. Nó thành một cái guồng quay với nhịp độ khá ổn định.
Sau kì thi preliminary exam, em khá là stressed vì giáo sư cho một bạn sinh viên năm thứ 5 làm cùng lab với em nghỉ vì không hài lòng với kết quả làm việc của bạn ý. Em có cảm giác đấy chính là “warning” cho em nếu em không làm việc tốt. Hiện tại em đang khá vất vả vì phải làm nhiều hơn trước. Em muốn gắn đề tài tốt nghiệp của mình vào đề tài em làm ở dự án cùng giáo sư. Vì vậy, em phải cố gắng đẩy mạnh công việc, làm đúng theo tiến độ, nếu không thì bản thân việc tốt nghiệp của em cũng bị chậm trễ mất. Vậy nên, hiện nay em vừa tập trung làm việc vừa lo chăm con nhỏ, cố gắng cân bằng mọi thứ trong cuộc sống.
Chi: Chị rất vui khi được nghe những chia sẻ của em về cuộc sống và công việc. Chị nghĩ mình cũng là người biết nhiều về em và luôn theo sát các cột mốc lớn của em như lấy chồng, sinh con, bắt đầu chương trình Tiến sĩ… Nhưng bây giờ chị mới nhận ra là mình không biết hết những tình tiết nhỏ, những khó khăn không gọi được tên đã làm nên thành công của em hôm nay. Chị thực sự rất khâm phục Linh – một “Ph.D. Mom”!
Linh: Có một điều này em nghĩ các “Ph.D. Mom” có thể chia sẻ cùng em. Đó là khi con ốm mà chỉ có một mình mình xoay xở. Bình thường, em phải quản lý thời gian cho gia đình và công việc rất chặt chẽ mới có thể cân bằng được cuộc sống. Nhưng mỗi khi con em ốm, mọi thứ bị đảo lộn lên thì thực sự rất vất vả. Kỳ vừa rồi, daycare của con em đóng cửa đi nghỉ mát mất 10 ngày – mọi năm thì họ nghỉ mát trong hè, lúc có mẹ em đến chăm cháu, nhưng năm nay không hiểu sao họ lại chuyển kỳ nghỉ vào trong năm. Thế là 10 ngày con em không có người trông, em cũng phải cố gắng xoay xở. Có 2 ngày em buộc phải lên lớp thì em nhờ một chị bạn em trông giúp, còn lại thì em xin nghỉ để làm việc ở nhà để trông con. Bây giờ em cũng phải luyện kỹ năng vừa chơi với con vừa có thể đọc tài liệu, thậm chí vừa cả viết bài nữa. Bây giờ con em lớn rồi, nhiều lúc em ôm máy laptop làm việc thì nó muốn đẩy cái máy ra để ngồi vào lòng em. Thế nên em phải luyện kỹ năng làm sao con vừa chơi được với mẹ mà mẹ vẫn làm được việc. Em sợ chỉ sợ nhất là khi con ốm, lúc đấy thì mẹ mệt, con mệt, mà em không làm được nổi việc gì, em chỉ sợ nhất là con ốm thôi!
Chi: Nhưng trộm vía, chị thấy là bé nhà em cũng thuộc dạng khoẻ mạnh, bụ bẫm, vui vẻ, ít ốm – chắc bé cũng biết thương mẹ đây.
Linh: Vâng ạ, em cũng chỉ mong có thế thôi ạ!
Chi: Có một điều mà chị vẫn luôn nói khi nghĩ về Linh, đó là em luôn có định hướng làm mọi việc từ sớm và luôn luôn quyết tâm bước lên phía trước. Vì quen em đã lâu, chị biết em vốn học sớm hơn các bạn cùng lứa (*Linh sinh năm 1991 nhưng học cùng khoá với các bạn năm 1990), em cũng bắt đầu chuẩn bị cho học bổng VEF khi mới học năm thứ 2 Đại học, rồi em sang Mỹ năm 22 tuổi, lấy chồng năm 23 tuổi, sinh con năm 24 tuổi. Trong khi đó, em còn phải nộp hồ sơ từ Thạc sĩ lên Tiến sĩ và còn nuôi còn một mình khi chồng ở cách xa hàng ngàn cây số. Dù gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng em vẫn luôn luôn tiếp bước về phía trước. Vậy, em có thể chia sẻ cách em đưa ra những quyết định lớn, thay đổi cuộc đời như vậy được không?
Linh: Em chỉ nghĩ là nếu ý định của mình muốn làm gì thì mình phải luôn gắn với nó, mình phải kiên định trên con đường mình đã chọn, dù cho có khó khăn thế nào. Em muốn sang Mỹ học Thạc sĩ, học Tiến sĩ thì em sẽ luôn gắn với quyết định đó, dù cho cuộc sống có như thế nào đi chăng nữa. Còn việc có chồng, có con là những layers khác thêm vào cuộc sống của mình, theo quan điểm tích cực của em, là để cuộc sống thú vị hơn, hạnh phúc hơn. Đấy là những quyết định phải nói là thay đổi cuộc sống (life-changing), nhưng em sẽ không bao giờ quay lại! Em cảm thấy may mắn vì lấy người chồng cũng là nghiên cứu sinh vì anh ấy hiểu được những khó khăn em phải trải qua trong công việc hàng ngày. Vợ chồng dĩ nhiên yêu nhau thì mới lấy nhau, nhưng đối với em, điều quan trọng nhất là chồng em hiểu được đam mê của em trong nghiên cứu, hiểu được những khó khăn của em trong cuộc sống ở Mỹ – bởi vì những khó khăn này bản thân anh ấy cũng phải trải qua. Em nghĩ không phải ai có thể hiểu được mình ở nhiều góc độ như thế.
Còn có con, theo em, đó là điều hạnh phúc nhất trong cuộc sống. Em có nói với chị là em chịu rất nhiều stress sau khi sinh con. Nhưng sau khi cân bằng được cuộc sống và công việc, em cảm nhận thấy có con là điều tuyệt vời nhất trên đời! Bây giờ mỗi ngày em đi làm trên lab rất mệt mỏi, rồi em ngồi thư viện nhiều khi cũng không biết nên viết gì. Những lúc như vậy, em lại nghĩ đến con. Cứ nghĩ đến buổi chiều làm xong việc được đến đón con là em quên hết mệt mỏi. Em nghĩ chồng và con là động lực trong cuộc sống để em tiếp tục bước tiếp trong con đường làm Tiến sĩ. Em luôn luôn nghĩ tích cực như thế.
Chi: Chị nghe Linh nói không hiểu sao chị thấy rất hạnh phúc (cười). Chị cảm thấy em có nhiều suy nghĩ khác lạ và tích cực. Có thể đối với nhiều người, việc vừa học vừa sinh con ở nước ngoài, lại một thân một mình gồng gánh khi chồng ở xa là điều rất khổ cực, chồng con khi đó được xem là gánh nặng cho sự nghiệp. Nhưng đối với em, em luôn nhấn mạnh rằng chồng con là động lực cho sự nghiệp của em. Chị rất thích lối tư duy tích cực này. Để cung cấp thêm một số thông tin cụ thể cho các “Ph.D. Mom” tương lai, em có thể chia sẻ thêm về quá trình em sinh con và chăm con ở Mỹ được không? Ví dụ như, em có bảo hiểm sinh con không?
Linh: Em có bảo hiểm của trường ạ. Bảo hiểm của trường khá là tốt vì trường em là State University (trường của bang), lại có cả bệnh viện trong trường nên dịch vụ khá tốt. Bảo hiểm của trường trả gần như 100% viện phí. Em cảm thấy rất may mắn khi có bảo hiểm này vì em không phải trả quá nhiều tiền khi sinh con.
Chi: Vậy sau khi sinh con thì sao? Chị thấy ở Việt Nam mọi người sinh con xong thường ở kiêng ở cữ rất lâu, nhưng Linh có kể là sinh con xong 2 tuần em đã trở lại làm việc ngay…
Linh: Về việc kiêng cữ thì em nghĩ ai có điều kiện nghỉ nhiều thì nghỉ nhiều, ai không có điều kiện thì nghỉ ít. Em cũng không dám nói là em nghỉ ít hay nhiều, nhưng hoàn cảnh em như thế thì em phải quay lại làm sớm thôi ạ. Em có nói là 2 tuần sau khi sinh thì em chính thức quay lại làm việc, nhưng thực sự sinh con ra ngay một cái là em đã làm việc luôn rồi. Em không có điều kiện để kiêng.
Sau khi em sinh con được 10 ngày thì chồng em phải quay lại California để đi làm. Anh ấy cũng làm trợ giảng nên phải quay về trường để đứng lớp. Sau khi anh ấy về thì em phải làm các việc mà trước đây chồng em làm giúp em, như lái xe chẳng hạn (*lúc này gia đình Linh mới mua ô tô). Em rất sợ vì em còn yếu tay lái mà tuần nào cũng phải chở con đi viện. Con em khi mới sinh bị vàng da nên bác sĩ yêu cầu ngày nào cũng phải đưa con lên viện kiểm tra, đến khi các chỉ số của con về bình thường thì mới thôi. Khi em mới sinh thì rất đau vì em sinh thường. Nhưng ngay sau hôm đó em đã phải túc tắc đi bộ, rồi bế con đến viện. Rất may là hết một tuần đầu thì con em hết vàng da và không phải lên viện hàng ngày nữa. Tuy nhiên, em vẫn còn phải đến kiểm tra thường xuyên. Em rất sợ vì vừa mua xe đã phải lái rồi, mẹ chồng em cũng bị say xe không ngồi ô tô được, thế nên chỉ có em cùng con đi viện thôi. Nhiều lúc chỉ có hai mẹ con em với nhau, em cảm thấy rất tủi thân.
Chi: Đợi một chút! Chị vẫn chưa hiểu em tập lái xe lúc nào. Chị biết em có học một khoá lái xe ở Việt Nam và thi được bằng lái nhưng chưa lái xe thực địa bao giờ. Vậy em học lái xe ở Mỹ lúc nào?
Linh: Dạ. Tuần đầu sau khi sinh con, khi chồng em còn ở Chicago, thì ngày nào vợ chồng em cũng lên lái xung quanh khu vực gần nhà cho em quen xe. Tập đến sát ngày em phải chở con đến viện một mình thì thôi.
Chi: Vậy là ngay sau khi sinh con, em vừa phải làm việc, vừa phải chăm con, vừa phải tập lái xe?
Linh: Vâng ạ. Sau hai tuần sinh con, em phải quay lại trường thì em cũng lái xe đi, lái xe về. Lái nhiều thì mình cũng quen xe. Rồi đến lúc em chở con đi viện. May mắn hai mẹ con vẫn an toàn, không làm sao cả.
Nhưng khoảng thời gian một mình đưa con đi viện ấy, bây giờ nghĩ lại, em vẫn còn cảm thấy tủi thân. Năm đó thời tiết ở Chicago rất lạnh, con em sinh đúng cuối thu đầu đông nên thời tiết rất khắc nghiệt. Em cứ chở con đi, rồi bế con, rồi mang con lên hết chỗ này đến chỗ khác. Chỉ có hai mẹ con giữa trời tuyết giá.
Chi: Chị rất hiểu cảm giác một mình giữa mùa đông nước Mỹ, lạc lõng, lạnh lẽo, bơ vơ là như thế nào. Bây giờ hai mẹ con sao rồi?
Linh: Bây giờ thỉnh thoảng lắm em mới phải đưa con đi viện, cách nhà 7 miles (khoảng 30 phút lái xe). Còn con đi học daycare thì cũng gần nhà. Em đưa con đi học rồi đi làm. Bây giờ, khó khăn nhất là những lúc em đang đi làm ở trường thì cô giáo gọi là phải đến đến đón con vì con sốt. Đến đón con thì thấy con đang ngồi trong cũi khóc, thương ơi là thương. Rồi em đến đón con, cho con ăn, cho con nghỉ, nếu con không đỡ sốt thì hai mẹ con lại mang nhau đi viện. Rồi có những lúc đến muộn quá, bệnh viện đóng cửa rồi thì lại phải đến Urgent Care (*dịch vụ khám sức khoẻ, cấp cứu ngoài giờ). Hai mẹ con ngồi chầu chực ở đấy đợi khám nhiều khi 8 giờ tối mới được về nhà. Những lúc như thế thì thực sự rất khó khăn. Em nghĩ em là người mạnh mẽ, nếu có nhiều bài tập, nhiều công việc, nhiều áp lực, em có thể vượt qua dễ dàng. Nhưng nếu con sốt, đêm con quấy khóc không ngủ được thì rất tội, những lúc như thế em lại tự động viên mình cố gắng, cùng con vượt qua khó khăn để đi tiếp.
Chi: Em có lời khuyên nào cho những bạn nữ bằng tuổi em hoặc hơn tuổi em, có ý định đi học ở Mỹ nhưng đang băn khoăn về vấn đề gia đình, con cái, muốn sinh con hoặc mang con sang Mỹ không? Em muốn nói gì với các bạn?
Linh: Em nghĩ là con đường vừa học vừa nuôi con sẽ không dễ dàng, nhưng không có nghĩa là không thể làm được. Nếu bạn nào có điều kiện đưa bố mẹ sang giúp thì là tốt nhất. Còn nếu không có điều kiện thì mình cứ tự sắp xếp cuộc sống của mình thôi. Như em thì em gửi con đi daycare, rồi em cũng cố gắng sắp xếp lịch học và làm việc của mình cho hợp lý. Ban đầu khi em nghe đến việc vừa học vừa chăm con, em nghĩ là không thể được. Nhưng bây giờ trải qua rồi, em thấy là mình hoàn toàn có thể làm được. Đó là lời khuyên thôi ạ, còn nếu các bạn đã có đủ quyết tâm theo đuổi Ph.D., đủ đam mê nghiên cứu thì chắc chắn các bạn sẽ làm được. Nếu em làm được, em nghĩ chắc chắn mọi người đều có thể làm được!
Chi: Cám ơn Linh rất nhiều vì bài phỏng vấn nhiều cảm xúc này!
—–
Bạn đọc The Present Writer blog thân mến! Như Linh nói, nếu em làm được thì mọi người ắt có thể làm được. Tôi luôn tâm niệm rằng, khó khăn trong cuộc sống xuất hiện dưới nhiều loại hình, màu sắc, hình hài, có thể khó khăn của người này khác với khó khăn của người kia, nhưng tựu chung lại, quyết tâm, ý chí, và tinh thần lạc quan là chìa khoá chung giúp mọi người vượt lên mọi hoàn cảnh. Tôi hy vọng rằng câu chuyện của Linh truyền cảm hứng cho bạn đọc nhiều như nó đã truyền cảm hứng cho tôi. Cố lên các “Ph.D. Mom” !!!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
—
P/S: Đọc thêm bài phỏng vấn về du học: “Chúng tôi đã apply và học tiến sĩ như thế nào” – phần 1, phần 2.
Miss Linh says
Thật khâm phục chị quá , chị là tấm gương cho tụi em noi theo, chúc chị luôn khỏe và thành công nhé
————————
Công ty sản xuất mũ bảo hiểm quảng cáo giá rẻ tại tphcm
Thao says
Chị Linh ơi cho em hỏi e thấy bên Úc tiền daycare rất đắt. vậy chị trang trải tiền daycare thế nào ạ? và 3h chiều họ đã trả bé rồi thì làm sao mình tham dự lớp buổi tối vậy ạ vì e học thạc sĩ chị à
Chi Nguyễn says
Chào em! Chị Chi đã thay em gửi câu hỏi đến cho Linh và Linh trả lời như sau em nhé: “”Ở Mỹ tiền daycare cũng rất là mắc, nhưng họ nhận gửi từ 7h sáng đến 6h chiều nên mình có thể sắp xếp việc học cũng như nghiên cứu ở trường. Cũng rất may mắn là mình tìm được trường cho con mà có học phí đóng theo “sliding scale” tùy theo mức thu nhập của bố mẹ nên hai vợ chồng mình cũng phải rất tiết kiệm mới có thể trang trải được cuộc sống ở Mỹ”