Học kỳ cuối cùng của năm cấp hai (lớp 9 lên lớp 10), bạn bè trong lớp tôi truyền tay nhau những tập lưu bút “mùi mẫn” để viết lại kỷ niệm cho nhau. Vốn là một đứa “kín tiếng”, tôi chỉ có một tấm thiệp nhỏ bằng hai lòng bàn tay, chỉ đủ để các bạn cho chữ ký rồi viết một hai dòng mà thôi. Trong những dòng ngắn ngủi đó, có lời chúc của một cô bạn thuộc dạng “già dặn” trong lớp (ít nhất là trong con mắt của tôi thời đó) làm tôi không thể nào quên: “…Hãy mãi là chính mình nhé!” Thành thật mà nói, ở thời điểm đó, vào độ tuỏi 15-16, tôi thực sự còn chưa biết mình là ai, tính cách của mình mọi mặt như thế nào để mà “là chính mình” hay sống đúng với chính mình cả. Tôi chợt cảm thấy trống rỗng, hoang mang. Liệu tôi có “trẻ con” quá không? Dường như người bạn kia đã chắc chắn về bản thân mình rồi mà tại sao tôi lại chưa? – tôi tự hỏi. Ngày hôm sau, tôi mang tấm thiệp cho bà ngoại tôi xem, đọc đến lời chúc của người bạn kia, bà bật cười: “Trời! Đứa nào viết mà nghe “già” quá đi!” Khi đó, tôi mới mỉm cười, thở phào nghĩ bà mình 70 tuổi mà còn thấy “già” nữa thì chắc là mình không có gì phải lo cả :).
Nhưng sau này, mỗi khi qua một cột mốc nào đó của trưởng thành như vào đại học, đi làm, gặp thành công/thất bại, biến cố lớn trong cuộc sống… tôi lại tự hỏi liệu mình đã hiểu mình là ai chưa và đã sống đúng với chính mình chưa. Tôi nhận ra rằng, con người ai sinh ra ai cũng có những nét tính cách riêng đã được hình thành từ khi còn trong bụng mẹ, nhưng cách chúng ta được giáo dục, môi trường chúng ta lớn lên, trải nghiệm của ta trong cuộc sống… mới nhào nặn ra tính cách hoàn chỉnh ngày hôm nay. Có những người khi lớn lên, tính cách của họ thay đổi rất nhiều – thành một người khác hẳn so với bản thân khi còn nhỏ; nhưng có rất nhiều người, những thay đổi này chỉ làm cho họ tiến gần hơn với bản chất vốn có mà thôi. Vì vậy, tính cách là một thứ gì đó rất khó để đánh giá và định hình, đặc biệt khi ta còn trẻ.
Nhìn lại, có lẽ tôi chỉ thực sự hiểu về bản thân và dần ổn định tính cách khi bước sang tuổi 25, trước đó, tôi cảm thấy như mình luôn trong giai đoạn “thử nghiệm” để uốn nắn nét tính cách thật của mình vào những “phiên bản” nào đó mà gia đình, thầy cô, bạn bè, xã hội, và có lẽ cả chính bản thân tôi kỳ vọng, tưởng tượng về mình. Nhưng khi sang tuổi 25, sau khi trải qua nhiều chuyện trong cuộc sống, tôi học cách sống thật với mình hơn và dần bước ra khỏi vỏ bọc của từng “phiên bản” chắp vá trước đây. Nói cách khác, tôi cảm thấy thoải mái hơn khi bộc lộ chính mình (hay “comfortable in my own skin”), mặc dù điều này đồng nghĩa với hàng loạt thay đổi gây bất ngờ lớn cho nhiều người từng quen biết tôi. Việc viết ra một blog cá nhân, rồi xuất bản một cuốn sách dựa trên trải nghiệm và suy nghĩ thầm kín của mình, đối với tôi, là biểu hiện cao nhất của bộc lộ bản thân – một điều mà trước đây tôi không thể tưởng tượng nổi. (Hãy nhớ rằng tôi từng là đứa không dám có cả quyển lưu bút!). Trải nghiệm của bạn có thể khác với tôi. Bạn có thể hiểu và sống đúng với bản thân sớm hơn, muộn hơn, và cách bộc lộ bản thân của bạn cũng khác. Nhưng, dù bạn có là ai và đang ở giai đoạn nào trong cuộc sống, tôi tin bạn hiểu cảm giác thoải mái và tự do như thế nào khi được là chính mình. Nó như một hình thức tự giải phóng bản thân khỏi chính những rào cản mình tự lập ra, dũng cảm để cho người khác nhìn thấy con người mình “trần trụi” như thế nào, và ngạc nhiên nhận ra những người yêu mình thực sự họ vẫn sẽ yêu mình vì chính con người thật của mình, không cần thêm bất kỳ vỏ bọc nào khác.
Nhưng bỏ qua sự thỏa mãn cá nhân, tại sao ta cần hiểu và sống đúng với chính mình? Trước hết, có rất nhiều lợi ích của việc hiểu rõ tính cách của bản thân, biết ưu và khuyết điểm của mình, và nắm rõ ai là những người mình có thể hòa hợp trong công việc, cuộc sống, tình cảm. Nếu không hiểu rõ được chính mình, việc đưa ra những quyết định quan trọng sau này, nhất là những quyết định gây mâu thuẫn hay ảnh hưởng đến người khác, sẽ thực sự khó khăn. Hiểu được chính mình cũng sẽ giúp cuộc sống “dễ thở” hơn cho bản thân và người khác. Ví dụ, bạn là người hướng nội hay hướng ngoại? – biết được điều này sẽ giúp điều chỉnh được thời gian riêng tư và thời gian chia sẻ với người khác, cân đối được năng lượng của mình, thậm chí xác định được môi trường sống và làm việc hợp lý nhất. Hạn chế của bạn là gì? Có những điều gì mà thông thường người khác làm được nhưng bạn không thể làm được? – biết được điều này sẽ giúp bạn tránh được những rắc rối không đáng có trong tương lai khi bị đặt vào những tình huống khó. Bạn cảm thấy mình hợp nhất khi ở bên những người có nét tính cách như thế nào? Những ai bạn không thể hòa hợp được? – hiểu được sự tương thích nhất định với các mối quan hệ sẽ giúp bạn chọn được đối tượng hẹn hò, kết hôn, làm bạn, làm đồng nghiệp… dễ dàng hơn, tránh đi những mâu thuẫn trong mối quan hệ ngay từ trong tính cách mà không thể hòa giải được.
Vậy làm sao để tìm hiểu bản thân mình? Mỗi lần đụng đến “lĩnh vực” này, tôi cảm thấy mẹ tôi có thể kể vanh vách cả quyển sổ tử vi các loại tuổi (loại có Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ…) còn cô bạn thân của tôi có thể từ ngày, tháng, năm sinh để vạch ra đủ các loại tính cách theo chòm sao Horoscope, chưa kể đến nhóm bạn Hàn Quốc của tôi lúc nào lẩm nhẩm xem tính cách này là loại nhóm máu nào (!). Tất nhiên, những loại “test” kiểu như thế này có phần đúng (vì thế nó mới phổ biến đến như thế) nhưng nó không đúng hoàn toàn vì thời điểm chúng ta ra đời hay nhóm máu chúng ta có chỉ là một phần rất nhỏ tạo nên tính cách của ta mà thôi. Nếu coi đây là những yếu tố “thiên định” thì không lẽ ai sinh ra cùng một năm, một tháng, một ngày, cùng nhóm máu cũng sẽ có tính cách giống hệt nhau? Ta phải cân nhắc thêm cả những yếu tố “nhân định” – những gì trong quyền kiểm soát và thay đổi của cá nhân mỗi con người nữa. Đó là lý do tại sao ta cần trải qua THỜI GIAN và TRẢI NGHIỆM để tìm hiểu chính mình. Nhưng vì tính cách con người có thể thay đổi theo hoàn cảnh và nhân sinh quan, ta có thể thường xuyên “kiểm tra” bản thân xem tính cách của mình hiện tại như thế nào, đã có thay đổi gì hay chưa.
Bởi vậy, tôi muốn giới thiệu tới bạn đọc 3 bài “test” dựa vào khoa học và nghiên cứu về tính cách và hành vi con người để xác định tính cách. Có rất nhiều phương pháp khác tựa như thế này, nhưng để bắt đầu, tôi nghĩ, đây là 3 tests khá thú vị.
Đây là một bài test tính cách hoàn toàn miễn phí và được khá nhiều cơ quan, tổ chức sử dụng để định hình cá tính nhân viên cho những vị trí phù hợp (https://www.16personalities.com/). Bài test khá kỹ lưỡng, để hoàn thành cần khoảng 15 phút để thực hiện, nội dung câu hỏi xoay quanh cách hành xử và thói quen của bạn trong những trường hợp cụ thể để đánh giá bạn là loại nào trong 16 tính cách nổi bật nhất. Ngoài ra, bài test còn cho những chỉ số cụ thể (ví dụ, bao nhiêu % tính cách bạn là hướng nội, bao nhiêu % là hướng ngoại). Bài test bằng tiếng Anh nhưng nội dung đơn giản đủ để bạn sử dụng Google Dịch (nếu cần) để thực hiện dễ dàng. Bài test dựa trên tổng hợp của rất nhiều lý thuyết và ứng dụng của Tâm Lý Học Tính Cách (Personality Psychology) rất thú vị nếu bạn muốn tìm hiểu sâu thêm.
***Với tinh thần “bộc lộ bản thân” nói chung của bài viết này, tôi cũng muốn lần đầu chia sẻ là tính cách của mình thuộc nhóm INFJ (“The Advocate”). Như miêu tả, nhóm tính cách này rất hiếm, chỉ chiếm 1% dân số và chỉ hợp để “thành đôi” với 2 loại tính cách khác duy nhất trong bộ 16 tính cách nói trên. Một kỷ niệm khá thú vị là gần đây, qua một cuộc nói chuyện tình cờ về bài test này trong gia đình, tôi mới phát hiện ra là bạn gái của em chồng tôi cũng là INFJ (một sự tình cờ ở 1% dân số!). Chồng và em chồng tôi khi đó chưa làm bài test này và hai người có nét tính cách rất khác nhau. Sau đó, lần lượt cả hai làm bài test thì kết quả là chồng tôi và em chồng chính là 2 loại tính cách duy nhất tương thích với INFJ! Ha! Vậy nên nếu kể cả bạn không tin vào kết quả bài test này, tôi nghĩ cũng là một trải nghiệm vui để thử nghiệm trong gia đình, tìm ra sự kết nối giữa các thành viên.
2/ The Big Five (Năm tính cách lớn)
Đây không hẳn là một bài test nhưng là bảng phân loại tính cách đã có từ khá lâu trong giới học thuật và được sử dụng rộng rãi, dựa trên 5 nét tính cách lớn của con người. Có nhiều cách để mô tả “The Big Five” nhưng cá nhân tôi thích cách thể hiện dưới dây, dựa trên cuốn sách đã được review trên blog ‘The Defining Decade” của Meg Jay.
Năm nét tính cách lớn mô tả trong mô hình này là: (1) Cởi mở (Opennness) nếu bạn thích trải nghiệm mới, tò mò, không ngại mạo hiểm thì hệ số của bạn ở mảng này sẽ cao (high), còn ngược lại sẽ là thấp (low); (2) Tận tâm (Conscientious) nếu bạn là người có kỷ luật, sắp xếp tốt, có trách nhiệm thì hệ số này sẽ cao, nếu bạn dễ dãi, không có nhiều luật lệ thì sẽ là thấp; (3)Hướng ngoại (Extraversion) nếu bạn thích ra ngoài, hoạt động, nhiệt tình thì chỉ số cao, thích thời gian riêng, yên ắng, độc lập thì chỉ số sẽ thấp; (4) Dễ chịu (Agreeableness) nếu bạn dễ tính, hòa đồng, tốt bụng thì chỉ số này cao, còn nếu hay nghi ngờ, ít thỏa hiệp thì chỉ số này sẽ thấp; (5)Tâm lý bất ổn (Neuroticism) nếu hay lo lắng, tiêu cực, nhạy cảm thì chỉ số này cao còn nếu tâm lý ổn định, không chịu nhiều tác động thì chỉ số này sẽ thấp. Trang Beautifulmindvn có bài viết tiếng Việt rất chi tiết về mô hình này, bạn có thể đọc thêm ở đây.
Về cơ bản, bảng phân loại này sẽ giúp cho bạn hiểu rõ nét tính cách lớn của mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng để xác định nét tính cách của người yêu, bạn đời, hay bạn bè, đồng nghiệp thân thiết để xem tính cách nào hòa hợp và tính cách nào trái dấu với nhau. Tất nhiên, nếu có nhiều nét tính cách chung thì cuộc sống sẽ đỡ mâu thuẫn hơn nhưng những nét tính cách trái dấu cũng có thể bổ sung tốt cho nhau. Bởi vậy, đây là một bài test rất hay để suy nghĩ kỹ hơn về quan hệ giữa người với người trong nền tảng tính cách đã có sẵn.
3/5 Love Languages (Năm ngôn ngữ yêu)
Đây cũng là một bài test miễn phí bằng tiếng Anh (ngôn ngữ khá đơn giản để dịch lại), tập trung vào tình yêu (http://www.5lovelanguages.com/.) Bài test này dựa trên quan điểm rằng mỗi chúng ta đều có một “ngôn ngữ yêu” riêng. Ta thích yêu bằng ngôn từ, bằng hành động, bằng vật chất, hay bằng thể xác.. – tất cả đều là cách ta thể hiện tình yêu và muốn nhận được tình yêu. Bài test này tất nhiên phù hợp với những người đang yêu vì bạn có thể xem mình và “người ấy” thể hiện tình yêu như thế nào, có giống nhau không, mình có thể làm gì để thể hiện tình yêu tốt hơn. Nhưng bài test này cũng phù hợp cho gia đình (như bố mẹ với con cái, các thành viên với nhau) và cho các mối quan hệ khác nữa để xem cách thể hiện tình yêu như thế nào là hiệu quả nhất đối với từng người.
===
Tôi hy vọng bài viết này phần nào giúp bạn bắt đầu suy nghĩ về việc định hình tính cách của mình, hiểu bản thân hơn, và sống đúng với chính mình hơn. Khi mới lớn, tôi thường tâm niệm câu nói: “Be yourself” (Hãy là chính mình) như lời người bạn tôi từng chúc. Nhưng khi trưởng thành hơn, tôi lại thích câu nói tếu táo này: “Be Yourself. Unless you are an asshole, in which case be someone else” (Hãy là chính mình. Trừ khi bạn là kẻ đê tiện. Trong trường hợp đó, hãy là người khác) 😎 hay một câu nói nhẹ nhàng hơn là “Be the best version of yourself” (Hãy là phiên bản tốt nhất của chính mình). Để hoàn toàn sống được với chính mình, có lẽ chúng ta cần phải trở thành những người tốt trước nhất.
Be Present,
Chi Nguyễn
Những bài viết liên quan:
1. Review sách “Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời” (The Defining Decade): https://thepresentwriter.com/book-review-tuoi-20-meg-jay/
2. Trưởng thành: https://thepresentwriter.com/truong-thanh/
3. Chưa trưởng thành: https://thepresentwriter.com/chua-truong-thanh/
4. Người ây: https://thepresentwriter.com/nguoi-ay/
5. Hướng nội: https://thepresentwriter.com/mini-post-8-huong-noi-bat-an-bai-hoc-lon-nhat-nam-2017/
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Vanle says
Ôi em cũng là INFJ chị ạ, chắc đó là 1 phần lí do khi em đọc những bài chị viết em thấy như đang viết đúng những suy nghĩ mà em đã trải qua/ hoặc đang viết về một hình mẫu mà em muốn trở thành.
Em thường test MBTI mỗi năm 1 lần, để xem có thay đổi không, nếu có thay đổi thì thường là chữ N, vì chữ N vs S của em không chênh nhau là mấy, còn chữ I (introvert) thì trăm lần như 1 không thoát vào đâu được.
Có một số người/nhóm người khi em trò chuyện cùng cảm thấy như mình bị hút hết năng lượng, trở nên lạc lõng vô cùng, hoặc nói bao nhiêu chuyện cũng thấy có chút gượng gạo, còn 1 số người thì khác, dường như họ bổ sung năng lượng cho mình – lúc đó thì em thấy em hướng ngoại nhiều hơn là hướng nội.
Em cảm ơn chị vì những bài viết tâm huyết & thực sự “trải lòng” như thế này 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Introvert thì không khác mấy nhưng tỷ lệ % có khác không em? 🙂 Chị cũng chưa thử test này nhiều nhưng có lẽ mỗi năm chị cũng làm lại test như em
Vanle says
Introvert của em luôn trong khoảng 65-70% chị ạ :d
Quỳnh says
em cũng là The Advocate chị ơi 🤣
Chi Nguyễn says
#teamadvocate!!! 🙂
Phạm Ngọc Phương Linh says
em cũng team Advocate
Dương Cao says
Cám ơn Chi về bài viết này! Chị cũng đang trên hành trình kết nối với bản thân, để học cách yêu bản thân mình vô điều kiện, và sống cho chính mình chứ không theo kỳ vọng của bất kì ai khác. Blog của em tiếp thêm cho chị rất nhiều cảm hứng và độc lập để làm điều đó! Chị đã đọc vè 5 love languages, giờ sẽ thử bài test đầu tiên em giới thiệu 🙂
Lan Nguyen says
Chị ơi INFJ thiệt hiếm như chị nói sao ạ 😂? Em cũng là INFJ-T – Advocate luôn. Mà thiệt sự là những bài chị viết, hành trình của chị em đều thấy em trong đó, với những suy nghĩ, trăn trở như vậy (một phần lý do để em chuyển sang ngành gõ đầu trẻ). Em làm test MBTI nhiều lần mà vẫn chỉ có một kết quả thôi, em cũng bắt đầu tìm hiểu về introvert (qua sách, TED talks, báo và blog) mỗi khi em có cơ hội, để hiểu bản thân mình hơn. Em nghĩ chắc mình cũng hiếm vì chồng em năm 24 tuổi từng nói em có tiềm năng hơn cả chồng mà tại em vẫn chưa nhận ra thôi 😂.
Cảm ơn chị về bài viết và kiến thức.
Chi Nguyễn says
Theo thống kê là rất hiếm nhưng có thể vì thế chúng ta “hút” nhau để đến blog này và ngành giáo dục, em ha 🙂
Linh says
E đã thử và thấy mình cx thuộc nhóm người INFJ (INFJ-T) nhưng không biết làm cách nào để biết được 2 nhóm tính cách tương thích với mình. Vậy chị có thể cho e biết 2 nhóm tính cách ấy là gì được không?
Chi Nguyễn says
Chào Linh! Đây là copy từ phân tích về INFJ: “INFJ’s natural partner is the ENTP, or the ENFP.” Cả 2 đều là extrovert cả 🙂
Linh says
thank u so much!!! ^_^
Trang Đoàn says
Ôi chị Chi ơi, em cũng The Advocate luôn ạ !!! Em đoán sẽ tình cờ có nhiều độc giả của The Present Writer có trùng kết quả này cho mà xem 😉 Cũng là một “sự kết nối” như chị nói ấy nhỉ, kỳ lạ thật ấy ^^
Chi Nguyễn says
#teamadvocate!!!! Chị cũng rất vui vì phát hiện ra sự trùng hợp này từ độc giả
Anh Tim says
Từ hồi đọc bài viết “Hướng nội” của chị e tìm hiểu và củng biết mình là Introvert, hôm nay sau khi làm bài test xong e lại biết thêm mình là The Advocate.Cảm ơn chị nhiều lắm!
Chắc trong này hầu hết một người đều như v nên tiếp “đồng cảm” nhiều với giọng văn của chị.!
Chi Nguyễn says
Đồng cảm quá! 🙂 #teamadvocate
Hoàng Béo says
Your Results: ADVOCATE PERSONALITY (INFJ, -A/-T) ^^
Em có thử làm test và nó ra ntn nhưng cũng ko chắc là chính xác. Tại vì có những câu trả lời rất nhanh ko cần suy nghĩ, cũng có câu vì ít gặp trong thực tế nên trả lời khá cảm tính và mơ hồ.
Để gửi cho ny làm thử coi sao 😀
SS. says
em là một người khá hoạt ngôn, có thể dễ dàng trò chuyện và làm quen với người lạ nên em luôn nghĩ mình là extroverted và có xu hướng bài trừ suy nghĩ mình introverted. em biết bài test này lâu rồi nhưng hầu như đều làm giữa chừng rồi bỏ, hôm nay làm lại thì ra đúng INFJ – Advocate luôn chị ạ. có lẽ cũng là một cái duyên nên em mới có cơ hội được đọc một blog đồng điệu với mình như vậy.
Cảm ơn và chúc chị nhiều sức khỏe để tiếp tục phát triển blog này nhé chị.
Linh Do says
cam on Chi da gioi thieu bai test, sau khi lam xong thi ket qua cua minh la mot Defender ISFJ-A 🙂
Machiko says
Chị ơi xem tính cách của mình hợp với những tính cách nào thì xem ở đâu ạ? Ví dụ tính cách ISFT,-A/-T the defender thì hợp với tính cách nào ạ?
Chi Nguyễn says
Chào em. Những câu hỏi ngoài thế này chị thường hay google. Ví dụ em có thể gõ: “What personality ISFT is compatibale with?” Một trong những kết quả là trang này: https://www.truity.com/personality-type/ISFJ/relationships
Casey Hoang says
Chị Chị ơi em cũng là INFJ và cũng theo đuổi giáo dục ạaaa. Em đọc mấy bài blog post của chị về việc du học rồi, thấy đồng cảm lắm, nay lại biết thông tin này tự dưng thấy connected quá. 1 mối quan hệ ko rõ ràng của em là ENTP mà ko biết có duyên với nhau ko =)) chị có thể cho em biết vì sao INFJ và ENTP lại là natural partners ko ạ? Em cảm ơn chị.
Chi Nguyễn says
Hihi. Đáng tiếc Chị không phải là người nghiên cứu về tâm lý học tính cách nên không thể trả lời câu hỏi của em được. Vụ “natural partners” là dựa vào nghiên cứu của những người làm về ngành này đưa ra. Nhưng đó cũng chỉ là kết luận chung thôi, bản thân mình sẽ có câu trả lời phù hợp nhất :D. Chúc “mối quan hệ không rõ ràng” của em sớm rõ hơn nhé
Hồng Thương says
Kết quả test 16 personalities của chị là Defender 🙂 Đọc phần miêu tả của họ mà thấy đúng quá, mà còn có cảm giác “họ hiểu mình hơn cả mình” 😀 . À, Chi cho chị hỏi: Em có mua cái premium profile cho personality của mình ko? Có thể cho chị xin ít review ko? Cám ơn em!
Chi Nguyễn says
Em chưa bao giờ mua premium profile chị ạ.
Châu Đỗ says
Hôm nay em làm bài test, mặc dù em thấy bản thân em thì tính cách cũng hơi khác biệt, nhưng cũng không nghĩ là lại rơi vào 1% hiếm Advocates (INFJs). Đúng là tính cách giống nhau thì hút nhau chị nhỉ. Em follow blog của chị khá lâu và học được rất nhiều từ chị ạ. Cảm ơn chị rất nhiều.