Bạn đọc theo dõi The Present Writer từ những ngày đầu chắc hẳn đều biết trong hơn 4 năm đầu viết blog, tôi hầu như chưa bao giờ nói trước công chúng. Mọi trao đổi, tương tác hầu hết chỉ thể hiện qua văn viết; thậm chí khi giọng của mình vô tình lạc vào Instagram/Facebook story, tôi cũng lặng lẽ nhấn nút tắt tiếng trước khi đăng. Tất cả là vì tôi từng vô cùng tự ti về một nhược điểm trong giọng nói của mình: ngắn lưỡi.
Sinh ra với cái lưỡi ngắn, từ nhỏ, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp. Tôi nói luyến âm, mất âm nhiều, tạo ra cảm giác nói nhanh, nói khó nghe hơn người bình thường. “Hả? Cháu nói cái gì?”, “Con nói lại, con nói cô nghe không hiểu?”, “Tao căng tai nghe con bé này nói mà vẫn chẳng hiểu gì!”… — đó là những câu tôi nghe thường trực từ nhỏ tới lớn. Tự ti về giọng nói nên tôi rất hạn chế nói trước người lạ, và nếu buộc phải nói thì tôi thường nói rất nhanh và rất nhỏ để người ta không chú ý đến mình, dẫn đến việc càng khó nghe hơn.
Sau này, không hiểu “dòng đời xô đẩy” như thế nào tôi lại trở thành giáo viên — một nghề rất cần kỹ năng nói. Nhưng may mắn là trong quá trình học tập, tôi nhận ra khuyết điểm ngắn lưỡi của mình ít bị phát hiện khi nói tiếng Anh. Có lẽ là vì cách phát âm tiếng Anh khác với tiếng Việt, khuyến khích luyến láy, nối âm nhiều hơn nên cái giọng kỳ cục của tôi lại được khen “tự nhiên như người bản ngữ”. Chính vì thế, từ trước tới nay, tôi chỉ tập trung dạy tiếng Anh hoặc dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh ở cả Việt Nam và Mỹ vì nó đem lại cho tôi sự tự tin trong giọng nói mà tôi không có được khi nói tiếng Việt.
Nhưng vào cuối năm vừa rồi (năm 2020), tôi quyết định đối diện với sự tự ti của mình và vượt qua nó bằng việc ép mình phải nói tiếng Việt trước công chúng. Vì thế, tôi quyết định mở ra kênh YouTube và Podcast cho The Present Writer với một phần mục đích là tạo động lực để tôi luyện tập nói tiếng Việt chuẩn hơn. Khi video/podcast ra đời, đó cũng là lần đầu tiên mà hầu hết bạn đọc The Present Writer nghe được giọng của tôi.
Và không ngoài dự đoán, tôi nhận được rất nhiều bình luận về giọng nói của mình. Một số người từng để comment trên YouTube nói tôi “điệu”, “giọng cứ sai sai làm sao ấy”, thậm chí còn so sánh đoạn tôi phát âm tiếng Anh và tiếng Việt rồi chụp mũ: “cố tình nói tiếng Việt chệch đi để thể hiện ta đây ở nước ngoài”. 🙉 Nhưng bên cạnh đó cũng có (rất nhiều!) người khen giọng của tôi “ấm áp”, “dễ thương”, “nhẹ nhàng” và “gần gũi”. Có bạn còn bảo chỉ xem kênh YouTube vì thích giọng tôi và nghe podcast của tôi để bình an trước khi đi ngủ. Tất cả những lời bình luận, cả tích cực lẫn tiêu cực, đều là động lực để tôi luyện tập nói tiếng Việt tốt hơn.
Ngày nay, mặc dù vẫn không thể nói được tròn vành rõ chữ như MC chuyên nghiệp, tôi tự hào về tiến bộ của mình qua từng chiếc video, từng tập podcast để hoàn thiện giọng nói. Và đặc biệt, quá trình luyện giọng và ép bản thân bước ra khỏi vòng an toàn để nói trước công chúng đã bất ngờ dạy cho tôi những bài học quý báu về cuộc sống.
Bài viết này ghi lại những bài học trong năm qua tôi học được khi mang “giọng nói ngắn lưỡi” này ra ngoài thế giới.
1. Chấp nhận bản thân, cả tốt lẫn xấu
Ta có thể học hỏi, luyện tập để hoàn thiện bản thân nhưng không thể thay đổi được gốc rễ, bản chất con người mình.
Giống như việc tôi có thể luyện giọng để nói rõ hơn, nói chậm hơn nhưng không bao giờ (đúng vậy, tôi đã chấp nhận là không bao giờ!) có thể bằng được một người Việt có cấu trúc lưỡi bình thường, chứ chưa nói đến MC, diễn giả chuyên nghiệp. Nhưng từ khi tôi chấp nhận điều này, mọi lo lắng, tự ti, bất an trong tôi chợt dịu đi rất nhiều. Tôi không có nhu cầu “che giấu” giọng nói của mình nữa. Đồng thời, tôi không cảm thấy bị xúc phạm khi nghe người khác chê, cũng không quá hưng phấn khi nghe người khác khen giọng nói của mình. Tôi biết điểm mạnh và yếu của mình là gì, cần phải làm gì để cải thiện và đưa giọng nói “đặc biệt” của mình vào những mục đích tốt.
Tương tự như vậy, không ai trên đời này là hoàn hảo cả. Sự khác biệt giữa người tự tin so với người tự ti có chăng là họ chấp nhận bản thân mình, bao gồm cả điểm mạnh lẫn điểm yếu; họ để điểm mạnh của mình tỏa sáng và để điểm yếu của mình được vỗ về, an ủi, thay vì hằn học, che giấu nó.
2. Đừng vội đánh giá người khác qua giọng nói của họ
Việc đối diện với nhược điểm giọng nói của mình từ khi còn nhỏ khiến tôi học được tính cảm thông và bao dung hơn với người khác.
Không phải ai nói giọng “khác lạ” có nghĩa là họ cố tình như vậy để thể hiện bản thân. Không phải cứ thấy nói lắp, nói nhịu, nói ngọng, nói tiếng địa phương là tự động xem thường, bỏ ngoài tai lời họ nói. Tương tự, nói tiếng Anh không chuẩn không có nghĩa là bạn bị tước đi quyền được nói tiếng Anh. Đằng sau mỗi một sự “thiếu chuẩn mực” và “không hoàn hảo” đều có lý do của nó. Thay vì soi mói, chỉ trích, ta nên thông cảm cho nhau; nếu muốn góp ý, hãy góp ý chân thành, lịch sự, có tính xây dựng để cho nhau tốt hơn.
Hãy nhớ, hạ thấp giọng nói của người khác không làm cho giọng nói của mình hay hơn.
3. Tập trung vào những người hiểu mình trước
Như đã viết, bên cạnh những comment tiêu cực, có rất nhiều người yêu giọng nói của tôi và ủng hộ những gì tôi đang làm. Vì vậy, để có thêm tự tin, mỗi khi bật camera lên để quay video hay cắm mic để thu âm, tôi không nghĩ rằng mình sẽ nói cho toàn thế giới nghe, mà tôi chỉ nghĩ trong đầu là mình nói cho những người luôn ủng hộ và mong muốn được nghe những gì mình nói mà thôi.
Không ai có thể chiều lòng tất cả mọi người, sẽ luôn có những người không muốn nghe những gì bạn nói và không ủng hộ điều bạn làm. Vì thế, thay vì gồng mình lên thay đổi bản thân để làm hài lòng cả thế giới, ta nên tập trung vào những người hiểu và ủng hộ mình trước. Điều này không có nghĩa là “mũ ni che tai”, quay lưng trước những phản hồi trái chiều mang tính xây dựng; nhưng mình nghe có chọn lọc hơn và cân nhắc hơn khi áp dụng lời khuyên, góp ý của người khác vào hoàn cảnh của mình.
4. Biến khuyết điểm thành lợi thế
Càng trưởng thành hơn, tôi càng nhận ra rằng mọi thứ trên đời đều có hai mặt, không có cái gì là hoàn toàn xấu và hoàn toàn tốt. Như vậy, khuyết điểm của người này, có thể là lợi thế của người khác, và ngược lại. Điều tạo nên sự khác biệt là cái nhìn của chúng ta vào vấn đề.
Ví dụ, đối với giọng nói “ngắn lưỡi” của mình, ngay cả trong những năm tháng trưởng thành tự ti nhất, tôi cũng biết cách nương vào những điểm mạnh của khiếm khuyết này để tỏa sáng (như nói tiếng Anh nhiều hơn, xem đây là “điểm khác biệt” thú vị tạo nên thương hiệu của mình…). Điều tương tự cũng đúng với những thứ được xem là “khiếm khuyết” về hình thể hay tính cách, nếu hiểu hơn về bản thân và trân trọng những gì mình đang có, ta sẽ tìm được cách biến khuyết điểm thành lợi thế một cách hiệu quả hơn.
Xin trích lời một bài viết cùng chủ đề trên blog này có tiêu đề “Yêu một tôi không hoàn hảo” (2018): “Ai trong chúng ta cũng cần rèn dũa hàng ngày để hoàn thiện mình hơn, để trở thành “phiên bản tốt nhất của chính mình” — nhưng trước hết, mình phải là chính mình trước. Chỉ khi nắm được bản thân mình là ai, học được cách phát huy điểm mạnh từ chính những điểm yếu của mình, ta mới có thể phát triển bản thân và tạo ra những thay đổi bền vững, tự tin, mạnh mẽ nhất”
—
Tôi hy vọng bài viết này mang đến nguồn cảm hứng cho những ai còn tự ti với khiếm khuyết bẩm sinh của mình. Tôi muốn bạn biết rằng, bạn không đơn độc. Và rằng, rất có thể những điểm chưa hoàn hảo, những điểm bẩm sinh trong con người bạn mà hay bị người khác đem ra làm đề tài chỉ trích, lại chính là điểm khiến bạn hoàn hảo theo cách rất riêng của mình. Hãy không ngừng trau dồi, phát triển bản thân nhưng cũng đừng nên xem thường năng lực tiềm ẩn của chính mình. Tôi tin ở bạn và sẽ luôn cổ vũ cho bạn (bằng cái giọng ngắn lưỡi của mình) 🐒
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Chào chị Chi! Em thường xuyên theo dõi và rất thích đọc các bài viết của chị, từ Sách đến blog, youtube. Em rất thích văn phong, cách nói chuyện của chị, nội dung bài rất lượng, trình bày logic, gần gũi và cung cấp nhiều thông tin.
Đọc bài viết của chị em đồng cảm rất nhiều vì em cũng có khuyết điểm “ngắn lưỡi”. Lúc nhỏ tới bây giờ vẫn thỉnh thoảng bị trêu chọc là “nói đớt”, “nói ngọng”, “lưỡi ngắn” nên em luôn mặc cảm với giọng nói của mình. Vì mặc cảm ấy nên nhiều lúc trong công việc em không tự tin thể hiện bản thân nếu có người bảo em phát biểu, thuyết trình hay làm MC dù có vài người động viên bảo nghe giọng em lạ lạ, dễ thương. Cám ơn bài viết tích cực của chị đã truyền cảm hứng cho em rất nhiều. Nói thật nếu không có bài viết này, em không biết chị “lưỡi ngắn” đâu, vì em rất thích giọng nói của chị trên Youtube, nghe rất dễ thương, gần gũi, ấm áp. Em cũng rất thích nụ cười của chị ạ.
Chúc chị luôn tràn đầy năng lượng và hạnh phúc!
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Từ bài này mà chị cũng làm quen được với các bạn thuộc #team_ngắn_lưỡi như mình :D. Chị cũng hy vọng thông qua bài viết này, mọi người có cái nhìn cảm thông hơn với sự khác biệt vì giọng nói/cấu trúc lưỡi là thứ mình sinh ra đã có rồi, và phải cố gắng nỗ lực rất nhiều mới cải thiện được khiếm khuyết của mình. Chúc em nhiều niềm vui và sự tự tin khi dùng giọng nói đặc biệt của mình nha <3
Khi em đang lướt gg tìm cách giải quyết vấn đế “lưỡi ngắn” thì tình cờ đọc bài c, thấy bản thân mình trong đó. Em cũng là một gv TIếng anh. Hay chăng là nên chấp nhận vấn đề như c nhỉ? Cảm ơn bài viết của c nhé <3
Chị thấy sau một thời gian làm podcast, giọng của chị cũng cải thiện lên nhiều
Chúc mừng Chi đã tìm được sự tự tin trong giọng nói. Khi nghe Chi nói, tớ không nhận ra ‘khuyết điểm’ này. Mai vẫn thấy phục những người có thể thu âm và tự nghe giọng nói của mình. Đợt hè Mai dạy online nên phải thu âm bài giảng trước, nhưng không hiểu sao không thích nghe lại giọng thu âm của mình. haha. Kiểu nghĩ, “Sao nghe giọng mình thu âm nghe buồn cười thế nhỉ?” 😀
Cảm ơn Mai vì đã động viên nha. Nếu Mai cần thu âm nhiều, Mai có thể đầu tư một cái mic tốt thì giọng thu vào sẽ dày và ấm hơn thu qua loa ngoài máy tính hay mic kèm tai nghe thông thường.<3
Chị Chi ơi, em cũng bị ngắn lưỡi ạ. Chị có thể làm 1 tập podcast hay bài viết để chia sẻ về cách luyện giọng được không ạ? Em có tham khảo các cách luyện giọng trên mạng, thì ra rất nhiều phương pháp kết quả. Em cũng không rõ mình nên làm theo phương pháp nào nữa.
Em cảm ơn chị ạ.
Cảm ơn những lời chia sẻ của chị. Em cũng thuộc dạng “ngắn lưỡi” nên đôi khi em cũng tự ti giao tiếp lắm. Mọi người nhận xét em nói chuyện “ngọng”, nói ngang, không tròn chữ. Đôi khi, em ước có một giọng bình thường như mọi người thôi và tự trách bản thân mình lắm. Hôm nay, em cảm thấy buồn và muốn tìm kiếm trường hợp tương tự thì thật may mắn, em tìm thấy bài viết này của chị. Em cảm nhận sự đồng cảm trong bài của chị như được chữa lành trong tâm hồn vậy, và điều quan trọng hơn, em có thêm 1 người bạn (1 người chị) mà em có thể lắng nghe những câu chuyện. Giọng của chị rất hay và truyền cảm, lúc em nghe pobcast em cũng không bao giờ nghĩ chị bị trường hợp như vậy. Quả thật là một sự nỗ lực phi thường, em ngưỡng mộ chị lắm. Bây giờ, em cảm thấy vui vẻ hơn và sẵn sàng đối mặt với khiếm khuyết của mình. Chúc chị và gia đình thật nhiều sức khỏe và năng lượng.