The Present Writer

A Minimalist Blog that Maximizes Your Life

  • BLOG
  • YOUTUBE
  • PODCAST
  • SHOP
    • SHOPEE
    • TIKI
  • BẢN TIN
  • MỤC LỤC
  • GIỚI THIỆU
    • Về Chi Nguyễn
    • Về The Present Writer
    • Trên Truyền thông

🤷🏻‍♀️Đúng…Nhưng…

Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 07/05/2025

Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,

Tuần qua, không rõ tình cờ hay hữu ý, những buổi trò chuyện mình tham gia đều xoay quanh một chủ đề: tại sao mình lại “khác người” 🤷🏻‍♀️ Ví dụ: Đồng nghiệp ở trường đại học mình công tác đặt câu hỏi tại sao đề tài nghiên cứu của mình lại trải rộng ở nhiều mảng (phổ thông, đại học, nội địa, quốc tế…) như vậy trong khi các giáo sư khác cùng ngành tại Mỹ thường chỉ đào sâu vào một hoặc hai mảng cố định. Rồi bạn học ở studio gốm ngạc nhiên tại sao mình là người làm khoa học logic, rõ ràng mà sản phẩm gốm dưới tay mình lại méo mó, khác thường. Xong tới hàng xóm cũng thấy lạ với “mô hình” nhà mình là vợ tập trung cho sự nghiệp, còn chồng sâu sát với gia đình.

Những cuộc trò chuyện này giúp mình hiểu hơn về bản thân, bởi vì thực sự mình không chủ đích thiết kế cuộc sống như vậy, nhưng từng lựa chọn mình đưa ra từ tiềm thức góp phần tạo nên cuộc sống như ngày nay. Bên cạnh đó, mình cũng ngẫm nghĩ rộng ra hơn về bài học dành cho những ai có xu hướng “lội ngược dòng” như mình (mình tin mình không phải là duy nhất!), bởi vì để làm được điều này, bạn cần phải thế hiện được ra với thế giới rằng: Những điều số đông chọn làm có thể ĐÚNG, NHƯNG không phải là điều bạn chọn làm cho mình, vì bạn có lý do riêng.

Dưới đây là 2 điều đầu tiên hiện ra trong đầu mình về trường hợp “Đúng…Nhưng…” này:

1- Cuộc sống sẽ rõ ràng hơn nếu bạn “một màu”: Mặc dù cuộc sống là đa sắc nhưng nếu bạn để ý kỹ, nhiều “phần thường” được thiết lập cho những ai sống theo “chiến thuật” đơn sắc. Chẳng hạn, trong cả học thuật, nghệ thuật, lẫn việc làm nội dung số, bạn nghe rất nhiều về “ngành hẹp” hay “ngách hẹp” (niche). Khi tập trung vào một ngách nhỏ nhất định, bạn sẽ có lợi thế là nền tảng/cộng đồng sẽ đẩy đưa bạn đến đúng những người quan tâm ở ngách đó, bạn cũng ít phải cạnh tranh hơn, và thương hiệu của bạn cũng rõ ràng hơn trong mắt mọi người vì nhắc đến “từ khóa” này là người ta nghĩ ngay tới bạn, hoặc ngược lại. Mọi thứ sẽ rõ ràng, dễ dàng và thống nhất hơn ngay từ ban đầu nếu bạn chỉ tập trung vào một thứ.

Điều này ĐÚNG, NHƯNG không phải là thực tế cuộc sống và không phải xu thế tự nhiên của con người. Cuộc sống là đa sắc và con người có nhiều mối quan tâm đa dạng. Việc chỉ tập trung vào một ngách nhỏ nhất định có thể giúp bạn thành công sớm hơn, nhưng duy trì thành công đó lâu dài là một điều rất khó. Trước hết là khán giả dễ thấy nhàm chán khi mọi thứ từ bạn chỉ một màu (thử tưởng tượng 100% những nội dung mình làm chỉ xoay quanh “chủ nghĩa tối giản”) và quan trọng hơn là bản thân bạn là người làm lâu dài cũng thấy ngán (đây chính là lý do tại sao rất nhiều content creator thành công phải bỏ ngách hẹp hoặc bỏ cả sự nghiệp vì không thể làm đi làm lại được một chủ đề lâu dài).

Giải pháp của mình để dung hòa hai cách tiếp cận này là: Thông điệp. Chẳng hạn trong nghiên cứu, mặc dù nhìn qua các xuất bản khoa học của mình, mọi người có thể nghĩ rằng mình quan tâm tới quá nhiều mảng khác nhau, nhưng đối với mình, tất cả những mảng này đều liên quan và xâu chuỗi bằng một sợi chỉ đỏ–chính là thông điệp của mình về bình đẳng giáo dục. Với quan tâm về bình đẳng giáo dục, mình hoàn toàn có thể lý giải tại sao mình nghiên cứu về các cấp học và quốc gia khác nhau, và thậm chí cả việc tại sao mình vừa làm nghiên cứu và vừa làm nội dung trên mạng xã hội. Vì đối với mình, những việc mình làm có thể khác về cách tiếp cận, nhưng cùng chung một thông điệp và mục tiêu lớn nhất. Tương tự như vậy, nếu bạn làm nội dung ở nhiều ngách khác nhau hay bạn là một người làm ở nhiều ngành nghề hay có nhiều sở thích khác nhau, điều bạn cần làm là thống nhất chung tất cả vào một thông điệp rõ ràng và truyền đạt thông điệp ấy tới mọi người xung quanh. Khi đó, mặc dù mọi thứ không thể trắng đen rõ ràng như chiến thuật đơn sắc, nhưng người khác vẫn có thể hiểu được (và ủng hộ) cách sống đa sắc màu của mình.

2- Cuộc sống sẽ an toàn hơn nếu bạn sống đúng như kỳ vọng xã hội: Nhìn vào lịch sử hình thành văn hóa xã hội, bạn sẽ thấy rằng kỳ vọng xã hội được đặt ra bởi số đông con người, và nhằm phục vụ nhu cầu của nhóm lợi ích lớn nhất. Điều này lý giải tại sao mọi người thường cảm thấy thoải mái hơn khi bạn làm đúng như những gì họ làm. Họ cảm thấy có thể đoán trước được hành động và phản ứng của bạn, hay nói cách khác, họ cảm thấy phần nào kiểm soát được bạn. Bạn cũng sẽ cảm thấy an toàn, thoải mái và tránh va chạm hơn vì một khi bạn đã sống theo “chuẩn xã hội” thì bạn không phải giải thích gì với những người xung quanh.

Điều này ĐÚNG, NHƯNG không phải dành cho tất cả mọi người. Khi một cái khuôn được đặt ra cho đa số thì lẽ dĩ nhiên sẽ có những người thiểu số không khớp vào khung đó—đó là quy luật tất yếu của xã hội. Và chính sự khác biệt này tạo ra một thế giới thú vị hơn. Trong cuốn “The Practice: Shipping Creative Work” (tựa tiếng Việt: “Ta Giấu Sáng Tạo Ở Đâu”), tác giả Seth Godin có viết, đại ý: Cách tránh chỉ trích hữu hiệu nhất là vọng lại âm thanh của người khác. Tưởng tượng nếu tất cả mọi người khi cất lời chỉ là tiếng vọng của lẫn nhau thì lấy đâu ra những câu chuyện hấp dẫn, những tác phẩm văn học đắt giá, những phát minh đột phá? Kể cả khi bạn không làm sáng tạo hay không có nhu cầu thay đổi thế giới thì việc bạn tôn trọng sự khác biệt của người khác hay cho chính mình quyền bước ra khỏi vòng an toàn để thử nghiệm một lối sống khác cũng góp phần giúp cuộc sống bớt khuôn mẫu, giáo điều và nhàm chán hơn.

Giải pháp của mình để bảo vệ bản thân khi đi ngược lại với xu hướng chung là: Chia sẻ. Chẳng hạn, với những sở thích sáng tạo bên cạnh công việc nghiên cứu chính, mình thường chia sẻ với những ai tò mò rằng: thực ra, đồng nghiệp của mình ai cũng có sở thích riêng. Cuối tuần rồi, mình vừa đi xem một đồng nghiệp nữ biểu diễn trong một band nhạc rock; hay một đồng nghiệp nam mới bắt đầu sự nghiệp tay trái là nghệ sĩ hài độc thoại. Cả hai đều có gia đình với con nhỏ, và đều là giáo sư đại học—nhưng không phải vì thế mà họ phải theo khuôn mẫu “làm nghề giáo thì phải như thế này… thế kia…” Khi chia sẻ về lý do của bản thân về lối sống của mình, cũng như đưa ra ví dụ thực tế khác bên ngoài, mình cảm thấy những người xung quanh mở mang hơn, thoải mái hơn và thấu hiểu hơn.

—

Cho tới cuối cùng, mình thực sự cảm thấy bản thân không quá “khác người” như mọi người nhìn nhận bề ngoài. Bởi vì, mình tin rằng mỗi cá nhân đều có những điểm khác biệt riêng đáng trân trọng—chỉ có điều không phải ai cũng có (hay cũng muốn) có nền tảng mở cho công chúng (như mình với The Present Writer) để thể hiện sự khác biệt này một cách rộng rãi mà thôi.

Trong hành trình làm nghiên cứu khoa học cũng như làm nghệ thuật và sáng tạo, mình biết nhiều người không yêu thích hay thoải mái với những điều mình làm hay cách mình sống bởi vì họ chưa hiểu thông điệp của mình, hoặc mình chưa chia sẻ đủ để chạm tới họ. Nhưng vì bạn đã nhấn theo dõi Bản tin thứ Tư này, mình tin rằng ít nhiều bạn hiểu, thông cảm và chấp nhận những điểm riêng khác biệt làm nên chính mình. Và mình biết ơn bạn vì điều đó! 🙏

Be present,

Chi Nguyễn

P/S: Bản tin hàng tuần này đã, đang và sẽ luôn được gửi tới bạn hoàn toàn miễn phí. Nếu bạn muốn giúp bản duy trì bền vững, hãy cân nhắc ủng hộ một phần chi phí vận hành, mua sách và sổ của mình, hoặc chia sẻ dự án “Bài học thứ Tư” nhé! Mình thực sự biết ơn sự cổ vũ và động viên của bạn ♥️


 

🧩 GỢI Ý TUẦN NÀY

1- Nghe “The Mel Robbins Podcast”. Nếu bạn nghe được (hoặc muốn luyện để nghe được) tiếng Anh, mình gợi ý nghe podcast của Mel Robbins. Đây hiện là podcast xếp hạng đầu trên thế giới, bàn về nhiều chủ đề rộng như cuộc sống, văn hóa, xã hội. Điểm hay nhất của podcast này là cách chia sẻ của Mel (một người phụ nữ ngoài 50 từng trải) rất gần gũi và thực tế, kèm theo nhiều tập phỏng vấn giá trị với các nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia hàng đầu về Tâm lý học, Y tế, Quản trị… Mình biết đến podcast này từ lâu qua nhiều video ngắn vài chục triệu views (!) trên mạng xã hội, nhưng gần đây khi có những giờ ngồi một mình làm gốm, mình bắt đầu nghe các tập full nhiều hơn và học được rất nhiều giá trị từ đây.

2- Học từ vựng tiếng Anh/Nhật trên MochiMochi: MochiMochi là ứng dụng học từ vựng được rất nhiều bạn trẻ yêu thích với hai bộ môn tiếng Anh và tiếng Nhật. Điểm đặc biệt nhất của app này là được xây dựng theo phương pháp Spaced Repetition (Lặp lại cách quãng) đã được khoa học chứng minh là tốt cho trí nhớ. Ngoài ra, thiết kế app dễ thương, cổ vũ người dùng đăng nhập sử dụng app để học ngoại ngữ. MochiMochi có ưu đãi riêng dành cho cộng đồng The Present Writer: Giảm giá 30% cho cả tiếng Anh và tiếng Nhật.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”

Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần. 

Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer 👇

📮 Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com

☕️ Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”

💌 Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email

The Present Writer là “khu vườn xanh yên tĩnh” của Chi Nguyễn—Tiến sĩ Giáo dục tại Mỹ. Đọc thêm về Chi & Blog

Xuất bản

“Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” là cuốn sách đầu tay của Chi về đề tài tối giản hóa cuộc sống.

“The Present Day planner” là sổ kết hoạch và làm việc hiệu năng từ kết quả nghiên cứu ứng dụng của Chi.

5 bước xây dựng một blog thành công & 1 khoá học làm blog miễn phí. Xem tại đây

Tìm kiếm

Đề Tài

Bài Viết Mới Nhất

  • Tại sao tôi ngừng viết & Tương lai The Present Writer
  • The Present Day planner
  • Academic Research 101: Những điều cần biết về nghiên cứu học thuật
  • Đọc với Notecard: Phương pháp đọc sách hiệu quả và nhớ lâu
  • “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”

Kết nối

RSS
Follow by Email
Facebook
Facebook
fb-share-icon
Instagram

Ủng hộ để blog tiếp tục hoạt động bền vững, miễn phí và không banner quảng cáo.

Copyright © 2025 The Present Writer · Log in