Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 07/08/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Bài học tuần này đến từ một nghiên cứu được tóm tắt trong cuốn sách nổi tiếng về tâm lý “Flow” (Dòng chảy) của Tiến sĩ Mihaly Csikszentmihalyi. Kết quả nghiên cứu này thú vị tới mức mình đã phải nhắn tin ngay cho chồng để cùng áp dụng trong quá trình nuôi dạy con. Tuy vậy, nếu bạn chưa có con, nghiên cứu này cũng sẽ giúp bạn hiểu hơn về tuổi thơ của mình và những gì bạn nên làm khi trưởng thành để bản thân thấy hạnh phúc hơn.
Cụ thể, nghiên cứu thực hiện trên nhóm đối tượng tuổi teen cho thấy các em đặc biệt hạnh phúc, tự tin và mạnh mẽ thường lớn lên trong các gia đình coi trọng 5 yếu tố sau (lược dịch từ bản gốc tiếng Anh):
1- Rõ ràng (Clarity): Con hiểu rõ về kỳ vọng cha mẹ dành cho mình. Mục tiêu và góp ý trong gia đình rõ ràng, nhất quán.
2- Trọng tâm (Centering): Con nhận thấy cha mẹ quan tâm đến những điều con đang làm ở thời điểm hiện tại (#bepresent) với cảm xúc và trải nghiệm con hiện có—thay vì bận rộn với suy nghĩ về chuyện con có vào được trường đại học tốt hay có việc làm lương cao trong tương lai hay không.
3- Lựa chọn (Choice): Con cảm thấy mình được cho nhiều lựa chọn—bao gồm cả lựa chọn phá vỡ quy tắc của cha mẹ, miễn là con được chuẩn bị để đối diện với hậu quả từ hành động của mình.
4- Cam kết (Commitment): Con cảm thấy đủ sự tin tưởng (cam kết niềm tin) trong gia đình để thoải mái là chính mình và tự do theo đuổi những gì mình thích.
5- Challenge (Thử thách): Con thường xuyên được cha mẹ tạo cơ hội để thử thách bản thân và trưởng thành.
Nói một cách đơn giản, những đứa trẻ biết rõ mình có thể làm gì và không thể làm gì, không phải thường xuyên tranh cãi về quy tắc gia đình, không phải lo lắng về kỳ vọng của cha mẹ về tương lai của mình, sẽ được giải tỏa tâm lý để tập trung hơn vào những gì trẻ thực sự yêu thích và có khả năng tự nhiên. Từ đó, trẻ hạnh phúc hơn, tự tin hơn, và ở một khía cạnh nào đó, có khả năng thành công cao hơn vì được theo đuổi đúng thiên hướng của mình từ nhỏ.
—
Có thể bạn không quá ngạc nhiên với kết quả nghiên cứu, vì 5 yếu tố này vẫn thường được nhắc tới như tiền đề của các mối quan hệ lành mạnh, không chỉ trong gia đình. Tuy vậy, là một người mẹ, mình có thể khẳng định rằng “nói dễ hơn làm”. Để thực hành những điều này, cha mẹ phải học hỏi hàng ngày để bỏ đi những tư tưởng sai đã hằn sâu từ nhiều thế hệ và để buông dần sự kiểm soát, nỗi lo sợ, cái tôi của bản thân…
Bên cạnh đó, là một người trưởng thành, 5 yếu tố này giúp mình hiểu hơn về những trải nghiệm mình có khi còn nhỏ và tại sao những điều mình chứng kiến trong gia đình (cả tích cực lẫn tiêu cực) khiến mình trở thành người như ngày hôm nay. Mình không thể quay lại thay đổi quá khứ hay đổ lỗi cho ba mẹ mình (vì ba mẹ chỉ có thể dạy mình được những gì họ biết). Nhưng điều mình có thể làm được ở thời điểm hiện tại là yêu thương mình hơn, tạo cho chính mình không gian có đủ 5 yếu tố này, thường xuyên hỏi bản thân xem mình đang cảm thấy như thế nào, mình có đang đi đúng con đường mình yêu thích và hạnh phúc nhất không?… Nói cách khác, mình quyết định dùng bài học hôm nay để nuôi dưỡng “đứa trẻ bên trong” của mình.
Mình hy vọng bạn cũng nhận được điều gì đó đáng suy nghĩ từ bài học này.
Be present,
Chi Nguyễn
P/S: Nếu bạn thấy thích nội dung này, hãy nhấn chuyển tiếp “Bài học thứ Tư” này cho ai cần, và cân nhắc ủng hộ tại đây để bản tin miễn phí này được duy trì và phát triển bền vững nhé!
GỢI Ý TUẦN NÀY
1- Video The Growing Hatred For Finance Influencers“ (Donna). Video giải thích tại sao ngày càng nhiều người ghét các YouTuber làm nội dung về tài chính cá nhân. Trong đó, Donna phân tích rằng hầu hết các YouTuber nổi tiếng khi mới bắt đầu kênh về tài chính thì thường rất chỉn chu, đưa ra những lời khuyên đúng đắn, cân bằng. Tuy vậy, sau một thời gian nhắc đi nhắc lại những lời khuyên “bình thường” trên, khán giả của họ trở nên nhàm chán và ngừng xem. Dưới áp lực giữ chân người xem, đăng video đều đặn, tăng lượt xem mỗi video…, họ bắt đầu làm những nội dung “bất thường” như giật tít, câu view, đánh vào tâm lý lo sợ của khán giả để làm quá lên tình hình thị trường, và đưa ra những lời khuyên gây sốc. Bên cạnh đó là những quyết định gây tranh cãi về cộng tác với nhà tài trợ lừa đảo hay mở các khóa học kém chất lượng. Video thú vị cho cả đối tượng khán giả lẫn nhà sáng tạo nội dung chủ đề tài chính.
2- Học với Coach La Khuê. Nếu bạn muốn học từ “thầy” của mình thì tháng này, chị La Khuê (Business Coach của Chi) có Workshop & Bootcamp về những chủ đề khai vấn, nâng cao giá trị tại thân, tăng hiệu suất làm việc và kinh doanh. Mình bắt đầu làm việc với chị La Khuê từ năm 2022 và học rất nhiều về phát triển bản thân, sự nghiệp, doanh nghiệp… từ chị. Tìm hiểu thêm chương trình tại đây.
3- Học từ vựng tiếng Anh/Nhật trên MochiMochi: MochiMochi là ứng dụng học từ vựng được rất nhiều bạn trẻ yêu thích với hai bộ môn tiếng Anh và tiếng Nhật. Điểm đặc biệt nhất của app này là được xây dựng theo phương pháp Spaced Repetition (Lặp lại cách quãng) đã được khoa học chứng minh là tốt cho trí nhớ. Ngoài ra, thiết kế app dễ thương, cổ vũ người dùng đăng nhập sử dụng app để học ngoại ngữ. MochiMochi có ưu đãi riêng dành cho cộng đồng The Present Writer: Giảm giá 30% cho cả tiếng Anh và tiếng Nhật.
CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
🎬 YouTube – Làm sao để TIẾP TỤC HỌC KHI ĐÃ ĐI LÀM (và có gia đình)?
Video chia sẻ một mô hình gồm 3 yếu tố (Thời gian, Khả năng, Chi phí) cùng các ví dụ cụ thể để trợ giúp các bạn có nhu cầu vừa học vừa làm (vừa chăm gia đình) có định hướng rõ ràng và thực tế hơn.
👉 Xem ngay video tại đây
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email