Vào một ngày đầu hè cuối năm thứ 2 Tiến sĩ, tôi và một người bạn học ngồi uống trà ở khuôn viên cây xanh đằng sau thư viện trường. Nhấp ngụm trà đầu tiên, tôi hỏi bạn:
– Đố cậu biết điều tệ nhất của việc học Giáo dục là gì?
– Là ít tiền đúng không? – Bạn cười lớn, giọng bông đùa
– Cũng có thể – Tôi mỉm cười – Nhưng không phải là điều tệ nhất. Có mấy ai bước vào ngành này mà nghĩ là mình sẽ kiếm được thật nhiều tiền đâu, nhưng mình vẫn chọn làm đấy thôi.
– Vậy chắc tệ nhất có lẽ là những người chọn làm giáo viên nhưng đi dạy mới phát hiện ra mình không thích hợp dạy dỗ học trò, đối đáp với phụ huynh? – Bạn nhíu mày
– Cũng có thể – Tôi gật đầu – Nhưng học Giáo dục đâu phải chỉ để đi làm giáo viên. Như nhiều đứa trong bọn mình học ra làm quản lý, làm nghiên cứu, làm ở các tổ chức giáo dục. Không hợp làm nghề giáo thì làm nghề khác. Đấy cũng không phải điều tệ nhất.
– Thế rút cục, điều tệ nhất là gì? – Bạn dồn hỏi
– Điều tệ nhất là … – Tôi chậm rãi trả lời— … càng học, ta càng nhận ra có rất nhiều điều mình được dạy trước đây bởi bố mẹ, thầy cô là chưa thực sự đúng, thậm chí phản giáo dục. Và …
– …. Và ta không ngừng tự hỏi bản thân rằng liệu nhân cách, trí tuệ, và cuộc đời mình có thể đã thay đổi ra sao nếu như ngày trước ta được chỉ dạy đúng đắn – Bạn chợt ngắt lời, nói như thở hắt ra
– Đúng vậy! – Tôi mỉm cười, lặng thinh.
Cả hai chúng tôi nhìn nhau trong yên lặng như thế một lúc lâu, để những vạt nắng đầu hè chiếu xuống vàng ươm trên mái tóc. Hai cốc trà trong tay sóng sánh như đang soi vào cả một thời tuổi thơ của chúng tôi, hoang mang, mơ hồ, tiếc nuối.
***
Vài năm trước, trong một lớp học về Phân hóa giai cấp trong Giáo dục, chúng tôi cùng đọc và thảo luận cuốn “Choosing Colleges“ (Chọn trường đại học) của Patricia McDonough — cuốn sách là nghiên cứu so sánh bốn nhóm học sinh ở bốn trường cấp ba khác nhau tại Mỹ (giàu-nghèo, công-tư, theo đạo-không theo đạo) để xem quá trình học sinh chọn trường đại học khác nhau như thế nào ở từng tầng lớp xã hội, môi trường học tập. Đọc xong cuốn sách, một bạn nam da màu ngồi đối diện tôi phát biểu, giọng chan đầy thất vọng:
– Cuốn sách này làm mình cảm thấy rất buồn. Hơn 10 năm trước lúc mình nộp học đại học, chẳng có ai nói với mình là mình nên có người hướng dẫn, nên có gia sư SAT. Trường mình cũng chẳng có chương trình nào để định hướng đâu là trường đại học tốt nhất cho mình. Bố mẹ mình thì cũng chẳng biết gì vì họ đâu có được đi học đại học. Mình là người đầu tiên trong gia đình được đi học. Ai cũng mừng: “Oaa! Vậy là con sẽ đi học đại học!” – Chỉ vậy thôi
Cô bạn người Mỹ gốc Á ngồi ngay cạnh tôi tiếp lời:
– Mình cũng vậy đấy! Mẹ mình cầm một tập brochures mấy trường đại học nhỏ, chẳng biết bà lấy ở đâu ra, rồi quẳng vào trước mặt mình: “Con xem đi rồi chọn trường nào giá rẻ nhất trong số này”. Thế thôi. Haha. Cảm ơn mẹ nhiều!
Cô ấy vừa nói vừa cười nhưng giọng điệu rung lên sự chua chát.
Còn tôi cứ ngồi đó, nghe, và nghĩ rất lâu… Nếu bạn từng đọc “Đại học hay ‘học đại’?”, bạn cũng biết rằng tôi hầu như không có ai giúp đỡ khi chọn trường đại học. Nhưng vì ba mẹ tôi là những người có lối suy nghĩ tự do, luôn tin tưởng và cổ vũ tôi chọn theo những gì tôi cho là phù hợp, tôi may mắn chọn được (và đỗ vào được) một ngôi trường và một ngành học hợp với mình. Không giống như nhiều người bạn khác của tôi — những người phải chọn theo học những ngành nghề, trường lớp mình không đam mê chỉ vì sức ép và tác động của gia đình.
Nhưng điều đó không có nghĩa là ba mẹ tôi hoàn hảo. Tôi là một đứa trẻ nhạy cảm. Vì thế, từ khi còn rất bé, tôi đã ý thức được nhiều điều người lớn nói về mình, nói với mình, nói trước mặt mình, và nói sau lưng mình … có ý nghĩa như thế nào. Tôi có thể cảm nhận được không khí hòa hợp, vui vẻ hay mâu thuẫn, nặng nề xung quanh mình. Có nhiều điều trong quá khứ mà ba mẹ hoặc những người lớn trong gia đình nói hay cư xử với tôi mà sau này nhìn lại bằng con mắt của người làm Giáo dục, tôi biết đó là điều không không phù hợp. NHƯNG tôi không bao giờ trách ba mẹ tôi, bởi vì những gì họ từng làm đều là vì họ nghĩ điều đó sẽ tốt cho tôi, bởi vì tình yêu vô điều kiện họ dành cho tôi.
Thành thật mà nói, không có người làm cha làm mẹ nào là hoàn hảo cả. Cha mẹ chỉ có thể dạy được con cái những gì họ biết. Trừ những người có kiến thức chuyên sâu về Giáo dục ra thì cha mẹ thông thường học cách dạy con dựa vào cách cha mẹ của họ dạy họ (tức là từ 20-30 năm trước hoặc hơn), từ những gì họ nghe ngóng và rút kinh nghiệm trong cuộc sống, hoặc từ trực cảm cá nhân của họ. Hãy để tôi nhắc lại một lần nữa, cha mẹ không thể dạy cho con cái những gì mà họ không biết. Bởi vậy, kể cả với hai bằng cao học về Giáo dục, tôi không thể nào quay lại và nói với ba mẹ tôi: Tại sao ba mẹ không cho con “cultural capital”, “social capital”, “human capital” (vốn văn hóa, vốn xã hội, vốn con người) như lý thuyết của Pierre Bourdieu, James Coleman, Gary Becker? Tại sao ba mẹ không dạy cho con là đạo Khổng có nhiều điểm lạc hậu, phong kiến, để cho con có “critical thinking” như cách John Dewey, Emile Durkheim, Paulo Freire hướng dẫn? Tại sao ba mẹ không biết được rằng “positive reinforcement” (khuyến khích) là phương pháp được chứng minh hiệu quả hơn nhiều “negative reinforcement” (trừng phạt) đối với trẻ nhỏ? … Tôi không thể làm như vậy được. Bởi vì lý do duy nhất tại sao tôi có được những kiến thức này là bởi ba mẹ tôi đã dồn hết cố gắng cho tôi được đi học. Ba mẹ tôi có thể không biết nhiều điều nhưng nếu có một điều nào đó họ biết chắc, họ sẽ làm tất cả để tôi có được điều đó. Đó là tại sao tôi đi được đến ngày hôm nay.
Cha mẹ bạn có thể cũng như vậy. Họ yêu bạn, họ mong điều tốt nhất cho bạn, nhưng họ không thể làm tất cả mọi việc cùng một lúc. Trách nhiệm đi làm, kiếm tiền, cho con ngày ăn ba bữa, ấp áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè, “tương đối” vui vẻ trong cả năm … đã là một gánh nặng kinh khủng rồi. Và vì họ không thể làm tất cả, họ gửi bạn đến trường để nhờ cậy thầy cô.
Nhưng thầy cô cũng lại không hoàn hảo.
Năm tôi lên 4 tuổi, tôi có một buổi “tiệc” sinh nhật đầu tiên ở nhà trẻ. Ba mẹ tôi chuẩn bị hàng bọc kẹo và bọc bánh mang đến lớp — rất nhiều, rất nhiều kẹo, nhiều bánh. Đó là tiệc sinh nhật đầu tiên của tôi, tôi đã vô cùng háo hức. Đến giờ học, cô giáo chỉ đạo cho tôi đứng lên, cầm một túi bánh quy nhỏ (tôi vẫn còn nhớ đó là túi nhỏ nhất trong bọc bánh, có những chiếc bánh quy bé xíu hình que) và phát cho các bạn. Mỗi bạn chỉ được một cái que! Tôi nghe thế cũng không hỏi gì nhiều và sẵn sàng đi phát bánh; trong khi đó, cả lớp đã ngồi xuống sàn, xếp thành một vòng tròn. Cô yêu cầu các bạn phải xòe sẵn hai tay ra đợi đến lượt mình thì cầm. Tôi kiên nhẫn đi vòng tròn phát que bánh cho từng bạn, các bạn cũng kiên nhẫn xòe tay ra như những người ăn xin trên đường chờ đợi một đồng bố thí. Bất chợt, một bạn trai nghịch ngợm trong lớp đứng vụt lên khi tôi vừa đi qua, lấy thêm một que nữa trong tay tôi. Thấy thế, cô giáo hét lên đanh thép, mắt trợn ngược, bắt bạn trả lại tôi ngay. Bạn trai trả lại que bánh, mắt nhìn xuống đất như một con mèo ăn vụng bị bắt quả tang. Tôi tiếp tục chuyến “tour” phát bánh 1:1 của mình, trong lòng cảm thấy có điều gì đó không thoải mái lắm, có lẽ vì tôi không quen nhìn bạn mình trong tư thế khúm núm, rụt rè đến vâỵ. Rồi tôi tự hỏi: “Mấy bọc kẹo, bọc bánh to hơn cô để đâu? Sao không phát luôn?” và nghĩ có lẽ cô đợi đến cuối giờ sẽ phát hết. Nhưng không. Vào giờ ngủ trưa, khi mắt tôi còn thao láo lên dòm theo mấy gói bánh kẹo sinh nhật của mình để ở góc nhà thì cô giáo gọi vào một “tổ” 4-5 cô giáo khác trong trường. “Có đứa lớp em hôm nay mang bánh kẹo sinh nhật” – Cô giáo nói và chia bọc bánh kẹo cho các cô kia. Cứ như thế, sột soạt, chóp chép, các cô bóc bánh, ăn kẹo, cười nói rôm rả cả một buổi trưa. Các cô còn vui vẻ mang hàng túi bánh kẹo thừa ra về. Sau giờ ngủ trưa, cô giáo lại dựng cả lớp dậy học và chơi như bình thường. Tất cả đều bình thường. Chỉ có một điều bất thường. Đó là tôi – một con bé 4 tuổi bàng hoàng, ngỡ ngàng, uất ức. Đó là lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng tôi tổ chức sinh nhật ở trên lớp.
Câu chuyện này dạy cho đứa trẻ 4 tuổi điều gì? Bất công trong xã hội? Tham ô? Đạo đức giả? Quyền lực? Bất tín? Tôi không biết nữa. Nhưng ngày hôm đó, khi mới lên 4 tuổi, tôi đã chọn im lặng. Và tôi quyết định chọn im lặng cho tới tận bây giờ bởi vì ba mẹ tôi giải thích rằng thời kỳ đó, kinh tế nước nhà còn chưa phát triển, các cô mẫu giáo thì không được đào tạo cẩn thận, cứ chơi được với trẻ con là cho đi trông trẻ thôi. Bọc bánh, bọc kẹo đó có thể không là gì đối với tôi nhưng có ý nghĩa lớn hơn với các cô. Có thể họ đói? Con họ đói? Cha mẹ họ đói? Có thể họ lớn lên thiếu thốn nên mỗi khi thấy đồ ăn là cảm giác phải làm mọi cách để chiếm hữu? Có thể cha mẹ họ đối xử với họ khi còn nhỏ không tốt nên họ không để tâm đến suy tư của trẻ con? Rất nhiều điều có thể đã xảy ra để khiến cho họ có cách hành xử như vậy. Tôi thường nghĩ, vì các cô giáo mầm non khi đó không được đào tạo, tức là các cô không biết, và vì thế, tôi cũng quyết định không trách cứ các cô.
Có nhiều chuyện tương tự như vậy xảy ra khi tôi còn đi học. Ví dụ như hồi lớp 1 tôi bị đánh rất nhiều. Ngày nào cũng bị cô giáo chủ nhiệm lôi ra đánh. Bị đánh nhiều đến mức mà sau này, khi một người bạn của tôi khóc vì bị đánh vào tay. Tôi chạy ra an ủi bạn và hỏi bạn bị đánh bao nhiêu cái. Khi biết bạn bị đánh 10 cái, tôi nói: “Ôi, đừng khóc, thế vẫn còn tốt lắm. Tớ bình thường toàn bị đánh 20 cái cơ!” Nghĩ lại chuyện này, máu trong người tôi lại sôi lên. Tại sao lại phải đánh những đứa trẻ lên 6 đến mức độ như vậy? Tại sao lại dạy trẻ con nghĩ rằng việc bị bạo hành là chuyện bình thường, là lẽ đương nhiên? Là một người làm Giáo dục, đối với tôi, việc này không thể chấp nhận được! Nhưng sau này tôi biết rằng cô giáo chủ nhiệm tôi năm lớp 1 là cô giáo mới ra trường; giáo viên tiểu học hồi đó cũng không thực sự được đào tạo bài bản. Có lẽ cô chịu nhiều áp lực lần đầu đứng lớp? Có thể cô không biết ảnh hưởng của việc đánh học trò có tác động lâu dài thế nào? Vì có thể cô không biết, tôi cũng không muốn trách gì cô nữa.
Khi tôi bắt đầu viết lại những mẩu chuyện kiểu như thế này trên trang cá nhân, nhiều người vào bình luận hỏi tại sao tôi “thù dai nhớ lâu” đến vậy, tại sao tôi không quên chúng đi. Vài người lại nói vì tôi có “trí nhớ siêu phàm” nên mới viết được những chuyện kiểu như thế này để mọi người có cái “giải trí”. Giải trí?! Bạn có cảm thấy giải trí không? Tôi thì không! Sự thật là càng học nhiều về Giáo dục, tôi lại càng nhớ ra nhiều chuyện về học hành trong quá khứ, kết nối lại các sợi dây liên kết để thấy rằng chúng có ảnh hưởng tới tôi hiện nay như thế nào. Đó, như tôi nói, là điều tệ nhất khi học Giáo dục. Nhưng tôi không chỉ nhớ những chuyện buồn, tôi còn nhớ những chuyện vui. Nhớ những thầy cô đã dạy cho tôi niềm tin vào con người, vào Giáo dục, vào khả năng kỳ diệu của tri thức để làm thay đổi con người. Rất, rất nhiều câu chuyện khác nữa.
Rồi tôi tự hỏi, điều gì khiến tôi tha thứ và không tha thứ những con người và những câu chuyện trong quá khứ? Điều gì khiến tôi cảm thấy dễ quên và không thể quên? Gần đây, tôi nghĩ câu trả lời là: Tình yêu.
Tôi nhận ra rằng tôi dễ dàng tha thứ cho những điều người khác làm không đúng với mình khi còn nhỏ nếu họ không biết điều mình làm là sai (thiếu kiến thức) hoặc/và những điều này xuất phát từ dụng tâm tốt. Như tôi đã viết, mặc dù có nhiều điều trong quá khứ ba mẹ hay thầy cô đối với tôi là không theo chuẩn Giáo dục, nếu tôi biết tất cả những hành động này xuất phát từ tình yêu và mong mỏi để cho tôi tốt lên, tôi sẽ không bao giờ trách cứ họ.
Tuy nhiên, tôi không thể tha thứ cho những người mà hành động của họ xuất phát từ sự hiểu biết rõ ràng về Giáo dục nhưng được thực hiện với ý đồ đen tối để hành hạ học sinh, trục lợi cho bản thân mình. Ví dụ như những thầy cô từng bắt nạt chúng tôi (theo đúng nghĩa của từ này) cả về thể xác lẫn tinh thần vào thời điểm mà chúng tôi còn non nớt và dễ đổ vỡ nhất. Ví dụ như những thầy cô làm mọi cách để chúng tôi thấy quyền lực của đồng tiền, của địa vị, của quan hệ xã hội lớn đến thế nào trên bục giảng. Ví dụ như những thầy cô sỉ nhục chúng tôi trước lớp là “ngu”, “chậm”, “dốt”, “chỉ cần cù bù thông minh” … Đối với những thầy cô và những “người lớn” như thế, đôi khi tôi nghĩ tại sao họ lại làm những việc họ đã làm? Tại sao họ không nghĩ rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ lớn và nhìn lại những kỷ niệm trong quá khứ này với con mắt kinh thường? Tôi cũng không biết nữa. Nhưng những câu chuyện như thế này khiến tôi muốn học thêm về Giáo dục và muốn làm cuộc sống trở nên tốt hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Đáng tiếc, tha thứ và quên đi cũng không có nghĩa là tôi hết băn khoăn cuộc đời mình sẽ khác đi như thế nào nếu được đối xử một cách tinh tế hơn khi còn nhỏ. Tất nhiên, bạn có thể nhìn tôi bây giờ và nói: “Ok Chi, bạn than phiền về những chuyện trong quá khứ nhưng bạn bây giờ ổn đấy chứ: nghiên cứu sinh, sống ở Mỹ, xuất bản sách, … Bạn còn muốn gì hơn?” Nhưng hãy để cho tôi nói với bạn rằng không có một ngày nào trôi qua mà tôi không tự động viên bản thân là hãy làm hết sức mình; không có tuần nào trôi qua mà tôi không hét lên “Im Lặng!” với những tiếng xì xầm “ngu”, “chậm”, “dốt” vang lên từ quá khứ; không có một tháng nào trôi qua mà tôi không nhìn lại mình và tự hỏi: “Tôi đang nghĩ những điều này về bản thân là vì chính tôi nghĩ ra điều đó hay ai đó áp đặt suy nghĩ này trong tôi từ khi còn nhỏ?” Tôi không thể chấp nhận được mỗi khi đọc bài báo mạng về bạo hành trẻ em mà phía dưới dày đặc những bình luận kiểu như: “Hồi nhỏ bố mẹ tôi đánh tôi suốt, tôi vẫn lớn ok, có sao đâu, mạnh mẽ hơn là đằng khác!” Ha! Tốt cho bạn thôi! Nhưng nếu bạn được cho phép sống lại những ngày đó ngay bây giờ, bạn có muốn hay không? có tươi cười giơ đầu, giờ tay ra chịu đòn không? Bạn có nghĩ rằng nếu bạn cảm thấy “ok” khi bị người khác bạo hành thì con cái bạn rồi cũng thấy thế; rồi chúng cũng sẽ bạo hành con của chúng, vợ chúng, và những người xung quanh… Không! Không! Không thể! Những lối tư duy kiểu như thế này cần phải chấm dứt ngay lập tức!
***
Tôi viết ra những điều này không nhằm làm khuấy lên quá khứ không vui của bạn hay làm bạn cảm thấy lo lắng khi đang là bố mẹ hay giáo viên. Tất cả những điều tôi muốn nói là: Chúng ta đang sống trong một xã hội vận động không ngừng. Giáo dục ngày một khác, môi trường sống ngày một khác, tâm sinh lý của trẻ em cũng ngày một khác. Là người trưởng thành, chúng ta phải sống có trách nhiệm hơn, với chính mình và với người khác. Làm giáo viên là phải học. Làm bố mẹ cũng phải học. Làm người lại càng phải học. Chúng ta học để hiểu hơn về trẻ em, về thanh thiếu niên, và để mở lòng đón nhận những tư duy mới, chấp nhận con trẻ như chúng vốn có. Nhưng nếu những thứ phải học là quá nhiều, làm bạn cảm thấy choáng ngợp. Không sao cả! Hãy bắt đầu bằng một điều đơn giản nhất: tình yêu. Nếu tất cả những gì bạn nói, bạn làm, bạn suy nghĩ xuất phát từ tình yêu trong sáng, muốn người khác được tốt hơn thì dù bạn có gặp lỗi lầm, va vấp, tôi tin người đó cũng sẽ tha thứ cho bạn. Tôi, tha thứ cho bạn!
Be Present,
Chi Nguyễn
Những bài viết liên quan:
- Đại học hay “học đại”
- Thay đổi tư duy để viết lại quá khứ
- Tròn hay méo
- Viết nhanh về ngày xưa đi học (mini post)
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Linh Nguyen says
Cảm ơn chị về những chia sẻ hết sức chân thật. Những gì chị viết cũng gợi lại trong em vài kỉ niệm buồn hồi còn đi học, nghĩ tới giờ mà vẫn bức xúc. Hồi em còn học mẫu giáo, trong lớp em là đứa lớn nhất (vì to xác nhất) 🙂 nên cứ sau giờ ăn là bị cô giáo bắt đi phụ rửa bát. Cũng giống chị, em vẫn giữ im lặng thậm chí đến tận bây giờ, và em chưa bao giờ kể cho bố mẹ nghe về chuyện thời xa xưa đó. Giờ nhiều lúc nghĩ lại cảm thấy vừa tủi thân vừa buồn cười. Rồi đến năm em học tiểu học, các cô cũng hay doạ nạt học trò kiểu rất bạo lực. Khi ấy còn nhỏ nên chả nghĩ ngợi gì tới những ngôn từ ấy, nhưng nó thực sự đã gắn chặt trong tâm trí em và nhớ mãi tới giờ. Em cũng mong là các thầy các cô bây giờ được đào tạo tốt hơn để học trò không bị tổn thương tâm lý như thời chị em mình nữa.
Chi Nguyễn says
Comment của em làm chị nhớ ngày mẫu giáo ăn chậm nhất lớp nên toàn phải cầm tô cơm rệu rạo nhai cơm ngoài lớp trong khi các bạn chuẩn bị ngủ trưa. Các cô đi qua toàn lườm nguýt, dậm chân bực tức; mỗi lần sợ cô lườm rơm rớm nước mắt là cô lại cho câu: “Sốt hết cả ruột!” Trời, nghĩ lại ngày nhỏ cảm thấy ức chế vô cùng. Nhưng gần đây đi thăm lại “lớp cũ, trường xưa” thì chị thấy các cô giờ mặt bằng chung tốt hơn nhiều ngày xưa rồi nên cũng vui hơn. Cảm ơn em đã chia sẻ một kỷ niệm tuổi thơ với chị!
Van Anh Nguyen says
Em cảm ơn chị Chi về bài viết ạ. Thực sự có rất nhiều suy nghĩ ạ.
Thao Ngo says
Cám ơn chị về bài viết này ạ. Em như được mở mang thêm một lĩnh vực mới mà em sẽ đầu tư tìm hiểu nhiều hơn. Nếu được, chị có thể viết nhiều hơn về những bài học về giáo dục trong quá trình chị học Tiến sĩ ở Mỹ được không ạ ^^ Em cám ơn chị rất nhiều.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em! Chị sẽ cố gắng suy nghĩ về đề tài này. Nhiều khi chị cảm thấy như việc viết cho khoa học là “công việc” còn viết blog là “sở thích” nên vẫn chưa tìm được cách để nối liền hai mảng này. Chị sẽ học thêm, luyện tập thêm cách viết, và sẽ viết nhiều hơn nữa
Thủy Nguyễn says
Em phải công nhận đây là bài hay nhất trong các bài em từng đọc của chị. Giáo dục thực sự đang giết chết tiềm năng con người chị à. Không chỉ với những đứa trẻ hay bị kêu là “dốt”, “ngu”, “hư hỏng” mà ngay cả những đứa được coi là “chăm ngoan”, “học giỏi”, “hòa đồng” chị à! Những lời nhận xét tích cực ấy khiến em từng trở nên như một ngôi sao trong lớp vậy. Nhưng kì thực, sau này học đại học, em càng chua chát nhận ra nó chẳng có ý nghĩa gì trong việc phân cấp người nào tốt hơn, xấu hơn cả. Đôi khi “chăm ngoan” ở trường là biểu hiện của chỉ biết nghe lời, sống theo khuôn mẫu, không dám chống đối. Cuối cùng tính cách của mình khi ra đời là một kẻ yếu ớt, nhu mì, không chính kiến, không tự tin.
Em vẫn đang cố gắng thoát ra khỏi cái vỏ bọc đó, biết lắng nghe bản thân hơn, tự tin hơn. Dù môi trường của mình đang học tập không có tạo nhiều điều kiện để mình rèn luyện như vậy, nhưng dẫu sao cố gắng vẫn hơn không chị nhỉ? 🙂
Chi Nguyễn says
Đúng rồi em à! Mình nghĩ được như vậy đã là dũng cảm hơn rất nhiều người rồi. Chúc em thêm mạnh mẽ!
Vi says
Cám ơn Chi vì những dòng cảm xúc chân thành 🙂
Vi học về giáo dục và cũng luôn ước rằng, ai cũng nên tự bản thân trau dồi kiến thức và tư duy tiên tiến, sớm chừng nào hay chừng đó. Để khi đến lúc chúng ta sống phải có trách nhiệm thêm với những cá nhân khác, chúng ta có sơ sở để lựa chọn những điều tốt nhất để mang đến cho họ.
Hiếu Phạm says
Cảm ơn chị về bài viết này. Hồi đi học em cũng từng gặp những chuyện tương tự như vậy, và em không bao giờ quên. Đúng như chị nói, có những người thầy – cô mà em không bao giờ có thể tha thứ cho họ. Và em nghĩ một điều, nếu sau này có con, em sẽ làm mọi thứ để con mình không phải gặp những người thầy-cô như vậy, nhưng nếu có, em sẽ dạy con mình đủ mạnh mẽ để vượt qua những lời nói đó và lớn lên hạnh phúc.
Cảm ơn chị.
Ninh says
Cam on Chi ve bai viet nay, no da tra loi cho vai van de minh dang vuong mac. Mong cho nhung bai viet tiep theo cua ban.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn!
Duong Cao says
Cám ơn Chi về những chia sẻ rất thật này. Kể từ khi có con, chị cũng học nhiều về cách làm cha mẹ, và cũng hay tự hỏi liệu mình có khác đj không nếu được nuôi dạy khác đi. Và chị cungz có câu trả lời giống Chi. Bố mẹ đã làm hết sức theo cách có thể để dành những điều tốt nhất cho mình, giống như mình cũng đang cố gắng học hỏi và làm những gì tốt nhất cho con mình, là vì Tình yêu! Cho phép chị share bài viết này nhé
Chi Nguyễn says
Vâng ạ! Em viết để chia sẻ nên chị cứ share lại ạ! Em cũng nghĩ về tương lai mà muốn có con, nuôi con để được trải nghiệm giáo dục theo một con mắt khác <3
Minh Hương says
Hoá ra ko chỉ mình em “thù dai nhớ lâu” 😝
Hồi em học lớp 5 mẹ đi làm phòng mạch kiếm thêm thu nhập, tối nào cũng phải đi làm tới 10h đêm mới về. Thế mà lúc cô giáo dạy lớp 5 dúi vào tay tấm vé mời văn nghệ (tấm vé này đại diện cho việc phải ủng hộ cho trường vài chục ngàn trở lên) , em thật thà bảo trả lại vì mẹ không thể đi được cô lại sửng cồ quát lớn trước mặt cả lớp “nhà giàu mà còn keo” rồi nguýt dài. Tới giờ em vẫn còn nhớ cái cảm giác xấu hổ đóng tiền mà ko dám đi coi văn nghệ dù rất thích. Nó làm tổn thương đứa con nít 11 tuổi ghê gớm chị ạ.
Cảm ơn chị vì bài viết sâu sắc. 17 năm trời mỗi lần nghĩ lại em ấm ức và giận cô giáo đó kinh khủng. Chắc cũng đến lúc em thôi hờn trách giáo viên này rồi.
Mai Tong says
Bài viết của chị Chi luôn là điều em mong chờ mỗi sáng thứ tư. Cảm ơn chị nhiều ạ! Những gì chị viết em đều thấy rất thực và gần gũi, như kể một câu chuyện mà ai cũng từng trải qua chứ không phải của riêng một blogger nổi tiếng nữa. Em cảm ơn chị nhiều. Em có góp ý nhỏ là do bài viết lần này dài nên có mấy chỗ còn sót lỗi chính tả. Cũng vụn vặt thôi nhưng em cảm nhận chị Chi là người kĩ tính, các bài viết trước em chưa thấy lỗi đó bao giờ (hoặc chị đã sửa trước khi em đọc ạ). Chúc chị một năm mới nhiều niềm vui và học thêm được nhiều điều.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã comment chia sẻ và góp ý. Chị viết vội và không có người làm biên tập cho nên cũng rất hay sót lỗi. Sau khi đọc comment của em chị đã đọc lại cả bài và sửa một số chỗ, hy vọng giờ đã tốt hơn 🙂 Mong em ghé blog mỗi tuần!
Lua Ngo says
Cám ơn Chi rất nhiều về những chia sẻ rất thật và cảm động của Chi.
Mình may mắn hơn Chi được sống trong môi trường giáo dục ở tỉnh lẻ, tuy không tân tiến, nhiều thông tin nhưng ấm áp tình người. Tuy nhiên nền giáo dục hiện nay tại Việt Nam làm mình không khỏi lo lắng cho thế hệ tương lai. Là một người mẹ của một em bé gái 2 tuổi, mình mong Chi viết thêm về những kiến thức về giáo dục Chi được học để mình có cơ hội học hỏi, tiếp cận thêm thông tin mới trong xã hội không ngừng thay đổi này.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết! bản thân mình mỗi khi có dịp tiếp xúc với các thầy cô ở các trường ở tỉnh, mình cũng cảm thấy là thầy cô rất chân thành và hướng cho học sinh tự lập rất nhiều; chứ không quá phức tạp như nhiều mối quan hệ thầy-trò ở thành phố. Nhưng mình cũng may mắn có cô chủ nhiệm cấp 3 rất chính trực, tình cảm, và thẳng thắn; cô là người làm thay đổi cái nhìn của mình về cuộc sống. Mình cũng đang suy nghĩ viết về giáo dục nhưng đối với mình, viết ra những thứ cần cẩn thận như Khoa học dưới ngôn từ đơn giản, dễ hiểu, và chuẩn xác là cả một quá trình phải học tập, trau dồi. Hiện mình vẫn đang học. Hy vọng sẽ có thể chia sẻ nhiều hơn trong tương lai
Adam Loc says
Đọc bài của bạn, mình lại nhớ đến hồi 4t, xin đc ông anh họ 1 cái xe đạp đồ chơi, giá hơn chục nghìn (hồi đó 2k mua đc 1 bát phở), mang đến lớp chơi và bị cô giáo thu, dù trong lòng ấm ức nhưng ko dám kể với ai, chôn chặt đến tận bây giờ
Chi Nguyễn says
Mình cũng không đồng tình với những phương pháp tịch thu đồ dùng của học sinh mà không trả lại hay kiểm tra cặp sách của học sinh đột xuất (bắt bạn này mở cặp bạn kia ra xem) mà không vì lý do gì cả
Oanh Trần says
Chi ơi, mình xin phép share bài này nhé!
Louise Le says
Không hiểu vì sao khi em đọc thấy tiêu đề bài viết này trong phần suggestion ở cuối một bài khác, trong đầu em chợt nảy ra đúng suy nghĩ “chắc là nhận ra cách giáo dục chị được nhận trong quá khứ đã sai lầm thế nào” . Cảm giác mà chị viết trong bài em cũng có, khi hồi lớp 10 em đọc một số sách như cuốn do mẹ chị Lã Hồ Minh Khuê viết hay cuốn “Em phải đến Harvard học kinh tế” và khi gặp một số người họ hàng khác với cách giáo dục con cái của họ khác bố mẹ em, con họ cũng thành công hơn em. Em cảm thấy rất buồn và tội lỗi khi có những suy nghĩ như “Ước gì bố mẹ mình là họ” “Mình sẽ thế nào nếu không phải là con của bố mẹ mình”.
Em học được nhiều điều ở bài viết, nhưng có lẽ điều để lại ấn tượng nhất là không nên đổ lỗi cho cha mẹ mình vì họ ko biết và điều thứ hai: là con người luôn phải học tập không ngừng. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ mà cha mẹ đã mang đến cho mình, nhưng ta có thể lựa chọn việc học tập và làm bản thân mình tốt đẹp hơn. Cảm ơn bài viết của chị.
Tũn says
Sau năm 75 đến nay tôi ít khi còn đọc bài nào về giáo dục 1 cách hoàn chỉnh, vì 1 người vn sống xa nhà ngoài chuyện tiếp thu những câu chuyện không tốt từ báo trí từ người thân kể lại thì sự mất mát trong niềm tin đã chiếm dần trong suy nghĩ. Nhưng khi đọc bài này của bạn thì tự nhiên tôi vui hẳn lên, vui 1 cách lạ thường, như lão già đi lạc trong gần 2 thập kỉ tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Subscribed
Duyen says
Chào chị Chi,
Em định không viết gì, mà sao đọc đến bài viết này, em lại đồng cảm, đồng tình với chị quá chừng.
Mặc dù nền tảng học vấn của em là Luật. Nhưng sau 6 năm gắn bó với ngành này, em mới nhận ra Giáo dục (đặc biệt trẻ 0-10 tuổi) mới là mối quan tâm thực sự của em. (Ngày làm hồ sơ đại học mẹ của em đã khuyên em đi học mầm non, nhưng ba lại bảo học Luật có tương lai hơn, nên em đã đăng ký học Luật)
Chị nói đúng càng nghiên cứu nhiều về Giáo dục, em cũng nhận ra được nỗi đau của chính bản thân mình khi được giáo dục không đúng cách trong quá khứ. Và niềm khao khát cháy bỏng mong muốn áp dụng những phương pháp giáo dục đúng đắn hơn đối với những đứa trẻ sau này. Mà hơn hết, trước mắt, với em, còn muốn thay đổi suy nghĩ và hành động của người lớn hiện tại về cách giáo dục con cái, học sinh của chính họ. (Bởi nhiều khi xem video phụ huynh đánh bạn của con tới tấp, cô giáo trả vở cho học sinh bằng cách vứt tập xuống nền nhà v,v, là lòng em lại đau xót vô cùng. Chẳng hiểu tụi nhỏ nó bị tổn thương đến cỡ nào. Điều đáng buồn hơn, là chúng sẽ noi theo những hình ảnh xấu ấy vì coi những việc làm kia là bình thường, chúng hồn nhiên áp dụng lên một thế hệ mới. Cứ như thế đến bao giờ nền văn minh, văn hóa của dân tộc mới khá lên được?)
Cám ơn chị đã nói lên nỗi lòng của biết bao người – như em!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã chia sẻ. Chị cũng ước gì được làm một cái máy quét, quét hết những tư tưởng xấu xí trong đầu người lớn đi, để họ nuôi một đứa bé bình an, hạnh phúc. Nhưng có lẽ cuộc sống có trắng, có đen, có bất bình đẳng mới là cuộc sống. Hy vọng chị em mình có thể làm được điều gì đó khiến cuộc sống tươi sáng hơn, đặc biệt cho các bạn nhỏ. <3
Trương Thanh Tâm says
Đọc những chia sẻ của chị làm em nhớ về một chuyện xảy ra trong những năm cấp 3 của em khi mà có một giáo viên dạy văn, đã cười lên khi đọc to nghành học ước mơ của em, cả lớp cũng cười theo. Nó làm em xấu hổ, đỏ mặt và thậm chí từ bỏ luôn cái ước mơ của mình.
Viết đến đây vẫn không khỏi xót xa, khi mà lần gần đây em gặp lại cô giáo đó, cô lại nói với tụi em là nghành đó giờ đang phát triển lắm. Thực sự, lúc đó em chợt hiểu ra là những lời nói vô tâm có thế tác động lớn như thế nào đối với con trẻ. Sự vô tâm trong giáo dục, thật đáng trách
Chi Nguyễn says
Đúng là xót xa quá đi! Chị cũng có người bạn thân khao khát học ngành môi trường mà mẹ kiên quyết không chịu, ép bằng được học ngành ngân hàng. Khi bạn ra trường thì ngân hàng đi xuống, ngành môi trường lại lên ngôi. Bạn ấy sau phải bỏ ngân hàng vì không chịu nổi và đang học lại môi trường từ đầu (mất đến 10 năm liền uổng phí!). Thương lắm!
Chi Tran says
Sau khi nghe podcast tập này của chị, em phải chuyển ngay sang blog để comment vì bài viết rất chân thành và sâu sắc. Cảm ơn chị vì luôn cố gắng truyền tải những suy nghĩ khó thể hiện thành lời theo cách logic, dễ hiểu nhất. Bài viết này khiến em cảm thấy được an ủi hơn, và giúp em phần nào tin hơn vào bản thân khi nhận ra mình không phải người duy nhất băn khoăn rằng, liệu những điều não bộ đang dằn vặt bản thân bằng những định kiến là đến từ chính mình, hay từ cách người lớn dán nhãn về mình. Khi em gợi nhớ và chia sẻ cảm nhận về những câu chuyện để lại nhiều cảm xúc mạnh và sức ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần, em cũng nhận được những lời đánh giá “Người nhà với nhau tại sao lại để bụng những chuyện đó. Biết tính rồi nghe thì quên đi chứ”. Em khi đó thực sự rất bối rối, cảm thấy không đủ tự tin để tiếp tục chia sẻ nữa. Tập podcast này của chị đã động viên em tiếp tục học cách tha thứ, dù em không chắc mình có thôi dằn vặt về những gì mình từng được đối xử hay không. Cảm ơn chị Chi thật nhiều. Mong chị sẽ thành công ở cương vị mới năm học tới này!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc và chia sẻ nhé. Chị cũng nghe rất nhiều câu: “Người nhà…” như em nói. Chị cảm thấy thực ra trong gia đình, nỗi đau mới là nỗi đau lớn nhất vì mình gặp nhau thường xuyên và nhớ đi nhớ lại những chuyện không vui. Người ngoài thì mình không gặp, coi như không nhắc đến. Chị cũng muốn làm một podcast xoay quanh chủ đề “người nhà” này. Cảm ơn em đã nhắc chị nhé <3
Phượng says
Hôm nay mới đọc bài này của chị. Bài viết rất hay. Theo em nghĩ thì bất cứ đứa trẻ nào cũng nhạy cảm. Và tất cả những gì xảy ra ở thời thơ ấu có ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách sau này. Ở Việt Nam trước kia không có văn hóa tôn trọng cá nhân, và tôn trọng trẻ con, nên rất nhiều người cho rằng (và được dạy rằng) những vấn đề trẻ con không quan trọng, và không đáng để tâm. Giống như trong bài viết của chị rằng “Khi tôi bắt đầu viết lại những mẩu chuyện kiểu như thế này trên trang cá nhân, nhiều người vào bình luận hỏi tại sao tôi “thù dai nhớ lâu” đến vậy, tại sao tôi không quên chúng đi. Vài người lại nói vì tôi có “trí nhớ siêu phàm” nên mới viết được những chuyện kiểu như thế này để mọi người có cái “giải trí”.
Nhưng thực sự những gì xảy ra trong thời thơ ấu có sức ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều những gì chúng ta thường nghĩ, hay đã từng nghĩ vậy. Bạn có thể không nhớ chi tiết sự việc, nhưng cảm xúc và những hậu quả mà nó để lại vẫn còn ở đó. Cho dù bạn không nhớ, không có nghĩa là nó không ảnh hưởng tới bạn nữa. Chỉ là bạn có nhận ra nó được hay không.
Cho nên, việc nhớ lại những điều đã xảy ra trong quá khứ, hiểu được cảm giác của mình, diễn tả được nó, gọi tên được nó, và hiểu được nó đã tác động lên mình như thế nào, và muốn thay đổi, chữa lành cho chính bản thân mình, là điều “lành mạnh” nhất.
Việc bạo hành lời nói và bạo hành thể chất với trẻ em ở VN những năm trước đây được xã hội chấp nhận như một điều hiển nhiên, như một biện pháp kỷ luật “vì tình thương”. “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.
Đây là vấn đề chung của cả một thế hệ, truyền từ đời này sang đời khác, chứ không chỉ có ở những cá nhân đơn lẻ.
Hiện nay, xã hội đã có sự tiến bộ rõ rệt, các bậc cha mẹ có kiến thức, hiểu biết nhiều hơn, tiếp xúc với nguồn thông tin tốt hơn. Cũng đã bắt đầu những khóa học về “parenting” cho cha mẹ từ những chuyên gia tâm lý uy tín. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn rất nhiều, và mình phải tiếp tục đấu tranh với nó. Điều đó cũng tạo ra nhiều “challenge” mới cho cha mẹ. Họ phải tự thay đổi bản thân, và dạy cho con cái những điều mà họ chưa bao giờ được biết trước đây, chưa bao giờ trải qua trước đây.
Riêng em thì em không thể tha thứ được nếu người đó không nhận ra cái sai của họ và không cố gắng thay đổi (dù chỉ là nhỏ nhất). Có thể họ không biết nhưng những tổn thương để lại là có thật. Có thể họ có vấn đề của riêng họ nhưng đó không phải là lỗi của em. Có thể họ bị đói nhưng họ không có quyền hi sinh quyền lợi chính đáng của em để thỏa mãn nhu cầu riêng của họ. Có thể thông cảm phần nào, nhưng em không thể tha thứ.
Và đúng, không ai hoàn hảo, và không cha mẹ nào hoàn hảo, cho dù là những cha mẹ văn minh hiện đại đến mấy chăng nữa. Đối với em tất cả lỗi lầm đều có thể tha thứ. Nhưng sự tha thứ không miễn phí. Phải đổi lại bằng sự lắng nghe chân thành và cố gắng thay đổi.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc và chia sẻ nhé. Chị hoàn toàn đồng ý với những gì em viết. Chị nghĩ mình luôn bắt đầu với một tâm ý tốt, tình yêu thì dù va vấp cũng sẽ được thông cảm, tha thứ, nhưng không có nghĩa là người có vết sẹo tinh thần không phải đấu tranh để chữa lành nó.
Phước Thừa says
Câu chuyện hay nhé! Không ngờ nhìn “bạn” trẻ thế mà lại là “chị” mình!!!!
Sau này lớn lên, em cũng nhận ra rất nhiều “lỗi” trong cách em được giáo dục ngày trước từ ba (bố) em và những người xung quanh. Ba bắt em học thuộc hết con chữ để có thể hiểu khái niệm nào đó. Trong khi em lại là một thằng mơ mộng, cảm tính, tư duy bằng ảnh, khác rất nhiều so với tính cách của ba. Rồi thì cứ làm rồi sẽ thích…
Em cũng nhận ra mỗi người có một cách học riêng, cách nhớ riêng, cách hiểu riêng,… tóm lại vậy!!!!
Đọc lại những chuyện ấy, cũng hiểu được một phần vì sao chị lại chọn làm Ngành Giáo Dục. Nhưng bạn sang “nơi ấy” rồi, liệu có thể thay đổi “nơi đây”!!!
Hồng says
Chào chị.. em là thính giả nghe podcasts về “Điều tệ nhất của việc giáo dục “. cảm ơn chị đã đưa cho em về cái nhìn khả quan và nhiều điều học hỏi qua bài podcasts này. Em cũng từng là học sinh và cũng là Giáo viên, em hiểu rõ Giáo dục từ bé sẽ gây ảnh hưởng đến suy nghĩ và những nỗi’ ám ảnh” cho sự trưởng thành về suy nghĩ tinh thần và quyết định công việc cho sau này. Em cũng từng như chị và em đồng cảm với chị về những gì chị chia sẻ. Cảm ơn chị đã phát hành bài podcasts , em luôn ủng hộ chị <3
Nhưng có một điều ở bài này với quan điểm cá nhân em , em nghĩ nó chưa hoàn toàn là đúng. Bắt đầu từ đoạn " ví dụ như hồi lớp 1 tôi bị đánh rất nhiều …" ở phương diện là một giáo viên, một người từng trải ,một người mẹ có con đi học lớp 1,2. Khi đọc điều này em rất là bức xúc. Lướt qua cấc cmt thì em nghĩ chỉ có mỗi em là nghĩ như này :v. Bức xúc ở chỗ nào ? và vì sao
1.Tại sao bị đánh? Và bị đánh như thế là có đáng hay ko ? Ở đây chị ko nói được lý do này . =) đánh đồng " giáo dục cứ đánh học sinh là sai "?
2. Nền giáo dục ở VN ko giống nền giáo dục ở nước ngoài .Ở chỗ nào ? Ở nước ngoài học sinh được học tại nhà và ko cần đến trường phát triển các kĩ năng mềm , còn ở VN chúng ra vẫn phải đến lớp đến trường và phải có sự hướng dẫn dưới sự kèm cặp của thầy cô. Điển hình như covid bây giờ học sinh lớp 1 2 học online đối với các em là một điều ' khó nhằn " và các em chưa có ý thức và nhận thức được cần làm gì và ko cần làm gì khi học online .
3. Khi đi dạy các em học sinh lớp 1,2 hay là toàn thể học sinh c1. 10 em thì chỉ có 3 -4 em khi về nhà sẽ làm bài tập và nghe lời cô hoàn thành những thứ cô giao , ở trên lớp nghe giảng và hợp tác cùng giáo viên. 6-7 em còn lại thì sẽ như nào? Lấy một ví dụ có thật và e tin rằng mọi người ở đây có con có em mình sẽ thấy. Trái ngược với sự làm bài tập và có ý thức học tập ngay từ bé thì bây giờ các em rất " lươn lẹo " ở chỗ nào ? " Dạ thưa cô em đau đầu em đau bụng em buồn nôn, viết mỗi thứ ngày môn bài và cắn bút nhìn hết một buổi học " thứ em ấy nhận lại cả môt buổi học là gì? là sự ko tập trung ko hợp tác cùng cô giáo và còn gây áp lực cho GV nữa. AI dạy con nhỏ ở nhà khi học bài sẽ hiểu rõ nhất và khi đó hãy đặt mình vào GV , một lớp có bao nhiêu em và một bài học được dạy trong bao nhiêu tiết, và con số đặt ra rằng các em có hiểu bài và tính toán được hay k? Những điều em nói ở trên đều có sự hợp tác với phụ huynh và mong con em mình tốt hơn!
Và cái vấn đề ở đây là gì ? Chúng ta ko đánh đồng rằng việc dạy dỗ con em bằng roi vọt là sai là ảnh hưởng tới các em ? ở mỗi độ tuổi các em sẽ thayd đổi về suy nghĩ sẽ khác nhau. nếu như ngay từ bé chúng ta ko dạy dỗ rèn luyện "lạc mềm buộc chặt" ở từng trường hợp, hoàn cảnh phù hợp ? thì liệu các em có tự nhận thức và thayd đổi tâm lý theo một hướng đúng đắn hay k? Và chúng ta cũng thể đổ lỗi rằng GVTH " không " được đào tạo bài bản . Ở mỗi cấp học và phụ thuộc vào độ tuổi, nhịp điệu sinh học, giới tính và sự thay đổi tâm sinh lý của các em mà chúng ta có những phương pháp giáo dục khác nhau.
4.Những đứa trẻ được sinh ra ở điều kiện khác nhau môi trường học tập khác nhau và sẽ cũng sẽ có những suy nghĩ hành động khác nhau. Việc dạy trẻ c1 bằng việc" cho roi cho vọt" là chuyện bình thường hay không ? nó là ở gia đình sự nhận thức cho con trẻ và sự hợp tác của GV. "Việc cho roi cho vọt "này được thể hiện bằng cách nào ? Thì bây giờ đã có luật ko ' đánh vào cơ thể" mà chỉ đơn giản dùng thước và" yêu cầu" các con xòe tay ra, nhìn nhận vào lỗi của mình .
5. Và em cũng thấy rằng đoạn này của chị đang đánh đồng cho việc đánh học sinh là sai ? và nó đánh đồng rất nhiều trong nền GD các em. Ở c1,c2,c3 ,đh sẽ có những biện pháp và phwuong án phù hợp với các em. CHúng ta không thể cầm roi đánh học sinh c2 hay c3 và thậm chí là đh.Và cũng không thể " chửi" hay " lăng mạ " các em ở tuổi đó rằng các em " ngu hay lười " được. ( đoạn này em đồng ý với chị ) Ở độ tuổi đó nó sẽ đánh vào nhận thức và khả năng tự học của các em. Và c1 thì khác , các em cần phải nhìn rõ và nhìn nhận được lỗi sai của mình. Giáo viên sai thì sẽ bị kỉ luật và các em c1 cũng thế.
6. Với một người làm Giáo dục, em hi vọng rằng chị sẽ có nhiều suy nghĩ đa chiều hơn về vấn đề này . MOng rằng quan điểm của em ko gây cho chị khó chịu . Cảm ơn chị đã lắng nghe
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã chia sẻ. Đây là một bài viết từ trải nghiệm cá nhân của chị (với những chuyện hồi nhỏ của chị, chỉ có chị mới trải qua và chứng kiến) chứ không phải bài nghiên cứu khoa học với nhiều góc cạnh có thể áp dụng nhiều hoàn cảnh. Đối với chị, việc bị đánh hồi nhỏ có ảnh hướng rất lớn đến sức khoẻ tinh thần và sự tự tin của chị khi đó. Chị là một đứa trẻ ngoan và nhút nhát, nói nhỏ nên bị cô đánh chứ không phải quậy phá gì để dáng “cho roi cho vọt” theo nghĩa đen. Chị đồng ý với quan điểm của em là giáo dục thưởng phạt phân minh. Tuy nhiên, cũng là người làm nhà giáo, bản thân chị sẽ không bao giờ đánh học trò của mình — đây là lựa chọn của chị. Cảm ơn em lần nữa đã chia sẻ và phản biện nhé
Minh Huế says
Em chào chị Chi ạ. Đọc bài viết này của chị và cảm nhận được sự đồng cảm bởi hóa ra không chỉ mình em thấy những sai lầm trong cách giáo dục của thầy cô và bố mẹ. Bản thân em cũng đã từng trải qua những câu chuyện tương tự như vậy, em đã giận những giáo viên ấy rất lâu và rất khó chấp nhận tha thứ cho họ dù chuyện đã qua cũng ngót nghét gần chục năm rồi, nhưng khi đọc bài viết này của chị, em chợt nhận ra và có 1 cách nhìn khác hơn, rằng có thể họ chưa được đào tạo, chưa được giáo dục về hậu quả của những việc họ làm đối với học sinh, hay vì những vấn đề tâm lý mà họ từng phải trải qua thời thơ ấu. Cảm ơn bài viết của chị rất nhiều vì đã cho e 1 cách nhìn khác để mở lòng hơn, hiểu nhiều hơn và có thêm ý tưởng cho bài luận của em nữa ạ. Sắp tới e đang cần viết 1 bài luận có liên quan đến chủ đề giáo dục để apply vào 1 trường ĐH, nếu chị có thể dành thời gian giúp em xem qua bài luận còn thiếu sót và cần sửa những gì được không ạ. Em cảm ơn chị rất nhìu dù chị có nhận lời giúp em hay không ạ. Respect, send u a hug and hope one day I can see u in real life <3
Lê Thủy Nguyên says
Cảm ơn chị rất nhiều vì bài post này, và về cả hành trình chị từng đi qua.