Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 24/09/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Hôm nay mình sẽ chia sẻ với bạn một bí mật cá nhân mà mình chưa từng công khai ở đâu hết.
Đó là: Khi quyết định làm bất cứ điều gì, mình luôn nghĩ tới tình huống xấu nhất trước tiên.
Ví dụ: Trước khi bắt tay làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, mình đã xem rất nhiều bài viết, video, podcast… về bình luận tiêu cực, văn hóa bài trừ, lừa đảo trên mạng. Trong quá trình nộp đơn cho vị trí giáo sư đại học tại Mỹ, kể cả khi chưa nhận được lời mời phỏng vấn nào, mình đã đọc trước hàng trăm trang forum về khủng hoảng sự nghiệp khi giáo sư không được nhận vào tenure (biên chế) và bị mất việc ra sao. Và tất nhiên, trước khi bạn trai (chồng mình hiện tại) kịp cầu hôn, mình đã nằm lòng điều luật ly hôn của không chỉ một, mà cả hai tiểu bang bọn mình sống hồi đó.
Mình giữ điều này làm bí mật vì mỗi lần mình vừa mở lời là lại nghe thấy một ai đó ré lên: “Trời! Sao mà bi quan thế!”. Và khó nghe hơn cả tiếng ré là: “Tưởng The Present Writer—‘idol các bạn trẻ’ thì luôn tích cực cơ đấy!” Bởi vậy, mình chưa bao giờ cởi mở về điều này, thậm chí từng xem nó là một cái “toxic trait” (nét độc hại) của mình.
Nhưng vài tuần trước, khi mình đọc lại cuốn “The Dip” (“Vùng Trũng”) của Seth Godin, mình chợt nhận ra lý do tại sao mình lại có lối suy nghĩ như vậy. Và quan trọng hơn, nó không những không độc hại, bi quan mà thậm chí còn là biểu hiện của sự tích cực, lạc quan nữa là khác (!)
Cuốn sách xoay quanh chủ đề: Từ bỏ một cách có chiến thuật. Tác giả khẳng định, câu nói “người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc” không đúng với mọi trường hợp. Đôi khi, từ bỏ đúng lúc sẽ giúp ta tránh việc dấn sâu vào con đường sai và điều hướng năng lượng kịp thời, dẫn đến những “trận thắng” giòn giã hơn. Vấn đề ở đây là, mỗi một điều gì lớn lao ta muốn làm đều sẽ có những giai đoạn khủng hoảng chạm đáy (“vùng trũng”). Như minh họa dưới đây:
Ở đây có 3 lựa chọn:
- Từ bỏ ngay từ đầu. Nếu chưa sẵn sàng đối diện với khủng hoảng, tốt hơn hết là quay lưng bước đi ngay từ đầu và dành thời gian, công sức vào việc khác phù hợp hơn.
- Làm cho đến cùng, dồn toàn lực vượt lên “vùng trũng”. Nếu ta tin tưởng vào mục tiêu mình hướng tới và khả năng của bản thân để vượt qua gian khổ để đạt được mục tiêu, đây là lựa chọn tốt nhất.
- Làm cho tới khi gặp “vùng trũng” thì từ bỏ. Lựa chọn này là tệ nhất vì ta phải hứng chịu khó khăn, vất vả, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là từ bỏ.
Nói một cách đơn giản, triết lý của cuốn sách này là: Không dám làm thì thôi đừng làm, bỏ đi càng sớm càng tốt. Đã làm thì phải làm hết sức mình, làm cho tới cuối cùng* mới thôi. (*”Cuối cùng” ở đây có thể là thành công cuối cùng nhưng cũng có thể là điểm cao nhất của khả năng của mình ở thời điểm đó).
Thiên hướng tự nhiên của mình tương đối khớp với triết lý này. Nhưng vì mình là người làm nghiên cứu, mình cần “dữ liệu” để đưa ra quyết định của mình. Dữ liệu của mình nằm ở đáy của vùng trũng. Bởi vậy, mình đầu tư tìm hiểu tình huống xấu nhất của mọi tình huống xấu nhất là gì. Khi đã có đủ thông tin rồi, mình sẽ tự tin hơn để ra quyết định bắt tay vào làm hay không. Và vì mình đã lường trước và sẵn sàng đối đầu với rủi ro lớn nhất, mình cũng lạc quan và tích cực hơn trước mọi khó khăn—mọi thứ chỉ là “vũng trùng”, chỉ là “ranh giới”, nếu cố gắng hết sức, mình sẽ vượt qua.
Đó là điều mình nhận ra về chính bản thân mình, ở tuổi 35, sau khi đọc lại một cuốn sách mà mình tưởng đã hiểu hết ở tuổi 20+.
Bạn có nét tính cách tưởng-độc-hại-mà-lại-rất-healthy này không? 😉 Nếu có, mình hy vọng bài viết này giúp bạn thấy không đơn độc như mình trước đây. Nếu không, mình cũng hy vọng bạn không phải ré lên ngạc nhiên nếu ai đó có lối suy nghĩ “là lạ” này.
Chúc bạn một tuần vui vẻ!
Be present,
Chi Nguyễn
P/S: Bản tin hàng tuần này đã, đang và sẽ luôn được gửi tới bạn hoàn toàn miễn phí. Nếu bạn muốn giúp bản duy trì bền vững, hãy cân nhắc ủng hộ một phần chi phí vận hành, mua sách và sổ của mình, hoặc chia sẻ dự án “Bài học thứ Tư” nhé! Mình thực sự biết ơn sự cổ vũ và động viên của bạn ♥️
📣 CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
YouTube – Làm sao để có “CÔNG VIỆC TRONG MƠ”?
“Công việc trong mơ có thực sự tồn tại?” Và nếu nó tồn tại, làm sao để có được công việc này? Video có nhiều ví dụ trực quan về phương pháp, một số mô hình trong nghiên cứu, và trải nghiệm cá nhân của mình… trên hành trình tìm kiếm và xây dựng sự nghiệp mơ ước.
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email