(Bài viết được biên tập và đăng lại từ blog cũ, đăng gốc Ngày 18 Tháng 6, 2013)
Truyền hình
Hôm nay tôi tình cờ xem được chương trình “Xưởng thời trang” của VTV6. Chương trình có format tựa như “How do I look?” của Mỹ, trong đó các stylists trẻ, không chuyên sẽ giúp thay đổi diện mạo của một nhân vật tham gia chương trình. Kỳ này một bạn stylist hình như đã quen mặt với chương trình là sinh viên Đại học Thương Mại, còn một chị thì đang học Thạc sĩ một ngành kỹ thuật ở Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Ban đầu tôi nghĩ đây là một chương trình sáng tạo, mang đến sân chơi cho các bạn từ nhiều ngành nghề khác nhau nhưng có đam mê thời trang và muốn thử nghiệm bản thân ở một công việc khác hẳn bình thường. Tức là một cuộc dạo chơi, một buổi chiều chủ nhật trước ngày làm việc bình thường. Tuy nhiên, đến giữa chương trình thì chị Thạc sĩ kỹ thuật chia sẻ là: mặc dù học kỹ thuật nhưng đó hoàn toàn không phải cái chị muốn, và rằng: học cái mình không thích thực sự là cực hình nên chị muốn chuyển sang thời trang. Còn em ĐH Thương Mại thì tôi tìm Google ngay trang đầu đã có tâm sự là em thực sự thích vẽ và thời trang nhưng bố mẹ không đồng ý con trai “vẽ vời” nên buộc phải thi Thương Mại theo ý bố mẹ và âm thầm học cái mình thích.
Tóm lại là trong một chương trình cho thanh niên ngẫu nhiên trên trên truyền hình thì đã có cả 2 nhân vật chính chọn ngành ĐH “nhầm”, thậm chí có người học lên cả cao học ?!
Báo mạng
Lại tình cờ, hôm nay tôi đọc báo mạng thấy tin các em mới thi tốt nghiệp cấp 3 điểm cao phơi phới, trong đó có một em thủ khoa cả nước với 5 con 10 ! Quá giỏi! Trong bài viết chia sẻ của em, em nói: “Thiên hướng của em là các môn xã hội, nhưng học đều các môn. Em đã từng thích Văn, sau đó chuyển sang Anh và có đôi lúc em thích Toán” và mục đích của em là Thi khối D vào Khoa Anh của ĐH A và Thi khối A1 vào Khoa Kinh tế kỹ thuật và Đầu tư của ĐH B, tuy nhiên ước mơ lớn nhất của em là đi du học.
Đọc bài báo, tôi cảm thấy choáng vì hai luồng suy nghĩ, một là hâm mộ em bé học giỏi đều (xưa nay thấy “học đều” thì nhiều nhưng “học giỏi đều” thì hiếm), nhưng hai là thấy buồn vì em dường như chưa biết được cái mình thực sự thích. Thi khối D học tiếng Anh thì vào Khoa Anh, thi A1 thì vào học kỹ thuật… Em ước mơ đi du học nhưng em muốn đi học gì? Điều này có ai nhận ra không? Có ai chỉ cho em từ đầu hay chỉ tung hô em học giỏi đều, môn gì cũng tốt, học gì cũng hay—”học sinh giỏi toàn diện” ?
“Những người sống quanh tôi” học gì?
Tôi có một người bạn thân đã từng chịu sức ép (vô cùng quyết liệt) của mẹ mà phải chọn học Tài chính-Ngân hàng, thay vì ngành Sinh học-Môi trường mà bạn muốn. Đó đã là câu chuyện của 4-5 năm trước (Khoảng năm 2007), nhìn lại, tôi nghĩ bố mẹ nào cũng mong muốn điều tốt nhất cho con cái mình, thời điểm đó, các ngân hàng đang đà phát triển, ai cũng mơ ước làm ở một trụ sở ngân hàng. Thật không may khi người bạn của tôi ra trường thì là lúc các ngân hàng ở Việt Nam điêu đứng, trong khi đó ngành Môi trường lại lên ngôi. Nhưng không kể những lý do khách quan như kinh tế, xã hội, môi trường chi phối ngành nghề, việc phải học cái mình không thích và những làm những cái mình không muốn làm cả đời có khác gì chịu đeo gông vào cổ mà vẫn phải bước đi. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng chạm được vào phần sâu sắc như nội tâm, đam mê, hoài bão của con cái, đa phần chỉ cố gắng nắn con theo những điều họ cho là sẽ tốt cho tương lai của con. Dường như bố mẹ nào cũng nói như thể họ có khả năng nhìn thấu tương lai, đúng không?
Tôi cũng có nhiều người bạn học đến năm 2, thậm chí năm 3 ĐH trường nào đó ở Việt Nam rồi cảm thấy thực sự không “chịu” được và “bung” ra. Có lẽ cách “bung” an toàn nhất là học lại ngành mình muốn, hoặc thi lại ĐH Việt Nam, hoặc đi du học. Còn cách “bung” khác mà các bậc phụ huynh vẫn gọi là “nổi loạn” thì là chẳng học gì nữa sất, rẽ sang làm cái mình muốn thôi (nhưng đã đến mức này thì các bạn trẻ rất dễ trở nên “nông nổi” và có quyết định vội vàng).
Thật khó trách các bậc làm cha làm mẹ, cũng chẳng trách được các bạn trẻ non nớt, vấn đề đối với tôi nằm ở Công tác định hướng ở Việt Nam. Điều này còn quá yếu kém!
Khi tôi nộp hồ sơ đi học ở Mỹ, bài luận đầu tiên của hầu hết các trường luôn là: “Nói cho chúng tôi bạn là ai? và Tại sao bạn nộp học vào đây?”. Câu hỏi tưởng như đơn giản và cá nhân như thế mà lại vô cùng khó khăn, nó đồng thời là cơ hội để mỗi cá nhân soi vào chính mình xem mình là ai, bản ngã của mình kêu lên những tiếng nào, tim mình đập theo nhịp ra sao. Nếu viết ẫm ở kiểu “Đây là điểu bố mẹ em muốn nhưng em cũng muốn” thì sẽ chẳng đến đâu hết. Ở góc độ giáo dục, tôi nhận thấy đây là một phương pháp định hướng vừa đơn giản và hiệu quả. Vừa tốt cho học sinh lại tốt cho nhà trường vì cả hai như hai mảnh ghép tách rời, phải phù hợp mới ghép được vào nhau.
Tôi cũng không phủ nhận là học cái gì cũng có thể ấm vào thân. Có thể bạn học đến vài năm ở một trường, học một ngành bạn không thích nhưng ngay chính cái-không-thích đấy đôi khi đã dạy cho bạn sự quyết tâm tìm về cái mình thực sự thích. Không có kiến thức hay trải nghiệm nào là vô ích cả. Chỉ là bạn (cùng bố mẹ bạn?) đã chọn cho mình con đường vào đời gập ghềnh thôi…
Tôi học gì?
Khi tôi học lớp 12, công thức chọn trường ĐH của tôi rất đơn giản: Hà Nội + Khối D = Ngoại Thương. Tôi dường như không có lựa chọn nào khác vì chẳng biết đến một cái tên nào khác, cũng chẳng có ai chỉ cho tôi con đường khác. Bố mẹ tôi cũng không áp đặt, nói tôi có thể chọn bất cứ ngành gì “có cơ hội tốt”.
Một buổi tối đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm luyện thi, tôi đang ngáp ngủ nhìn lên cột nhà thì có mấy anh chị ĐH phát tài liệu tuyển sinh. Tiện, cô giáo tôi nói: “Này, các em đang có trong đầu suy nghĩ thi Ngoại Thương, các em có biết Ngoại Thương dạy gì không? Em có muốn học kinh tế, học xuất nhập khẩu, học tiếng Anh thương mại?”. Lúc đấy thì tôi (tỉnh cả ngủ) vẫn chẳng biết mình thích cái gì, nhưng khẳng định luôn là không trong danh mục những cái cô liệt kê. Tôi choáng! Choáng luôn!
Về nhà cuống cuồng đặt “công thức” mới: Hà Nội + Khối D + Môn xã hội (thế mạnh và sở thích của tôi từ nhỏ) + Môi trường năng động (điều tôi muốn làm trong tương lai) + Tiếng Anh (điều tôi luôn luôn cần dù ở đâu) = Khoa Quốc tế học – Đại học Hà Nội.
Tôi viết ra đây không phải để quảng cáo cho nơi mình từng học cũng như so sánh nó với Ngoại Thương hay bất kỳ trường nào khác. Ngoại Thương hẳn nhiên là trường tốt, nhưng nó không hẳn tốt cho tôi vào thời điểm đó. Các bạn cũng vậy, khi chọn trường nên nghĩ rằng mình là người mua hàng, cái áo rất đẹp nhưng không vừa với mình thì cũng không nên mua (nhất là “cái áo” ấy bạn phải mặc ít thì 4 năm, nhiều thì … cả đời). Bản thân tôi thì thấy may mắn vì lựa chọn ĐH của tôi đã thay đổi cuộc sống của tôi hoàn toàn theo chiều hướng tốt lên. Tôi cũng yêu những bạn học của mình và yêu trường lớp thực sự. Có những lúc tôi cũng chán học, cũng có thể bỏ học vài tiết, nhưng mỗi lần tôi học được điều mới thú vị hoặc được tham gia trải nghiệm mới ở trường làm tôi cảm thấy được tiếp thêm năng lượng để đi tiếp. Làm cái mình thích và thích cái mình làm — đó có lẽ là bài học lớn nhất của tôi thời ĐH.
Chung cuộc
Với kiểu định hướng như Việt Nam hiện nay, bố mẹ mò mẫm tìm đường rồi áp đặt lên con , chọn trường ĐH chẳng khác gì gieo quẻ, gieo xong vận cả vào người… vừa buồn vừa chua xót.
Với những ai đã may mắn được học thứ mình muốn như tôi, thì hãy cố gắng phấn đấu theo đuổi nó đến cùng và (làm ơn) định hướng cho càng nhiều em lớp 12 càng tốt. Còn với những ai không may học điều mình không thích, bạn hãy cố gắng suy nghĩ tích cực, lạc quan và tìm con đường mới cho riêng mình. Nếu quyết định bỏ, hãy bỏ thật quyết tâm — Nếu quyết định theo, hãy theo cho đến hết. Lại còn các bạn không có cảm xúc với những cái mình đang học —không yêu nhưng cũng chẳng ghét, đi học chỉ để không phải ở nhà, học hôm nay không biết ngày mai—xin chúc mừng, bạn đã cộng tác tốt với nền giáo dục lỗi thời của Việt Nam.
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Vũ Nghĩa says
Chị cũng đang gặp vấn đề tương tự như Chi nhưng trong việc chọn nghề: làm nghề mình thích – thích nghề mình làm. Mong có 1 bài viết của Chi về vấn đề này. Chị đang trong vòng luẩn quẩn. Muốn có 1 công thức như của Chi 🙂 Cảm ơn Chi nhiều lắm.
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị đã đọc bài viết. Em nghĩ chị có thể thấy bài phỏng vấn này hữu ích:
https://thepresentwriter.com/lam-7-cong-viec-trong-vong-4-nam-trai-nghiem-cua-co-gai-da-nghe-hoang-minh-trang-phan-12/
https://thepresentwriter.com/lam-7-cong-viec-trong-vong-4-nam-phong-van-co-gai-da-nghe-hoang-minh-trang-phan-22/
Sophia nguyen says
Chào Chi, mình đang muốn viết blog về sức khoẻ, không biết Chi tự tạo blog ( mua tên miền, mua hosting… mình đang đọc thấy rối vì ko dễ hii…) hay thuê công ty làm webside luôn? Cảm ơn Chi
Lin says
Em chào chị Chi, đọc bài của chị em lại suy nghĩ về mình, em đã rất nhiều lần đặt câu hỏi mình là ai, mình muốn trở thành ai. Em ko giỏi hay tài năng về bất cứ 1 lĩnh vực gì. Em theo nghành mà em học nhưng khi học nghành này em cũng ko biết vì sao mình chọn nó. Đối với e 1 năm bây giờ như 1 ngày . Em muốn rẽ sang hướng khác , nhưng em lại quay về bài toán ban đầu ko biết mình nên rẽ đi đâu . Rất khó hiểu đúng không chị
Linh PH says
Em là một bạn đọc mới của The Present Writer, “Đại học hay học đại” là một chủ đề đáng quan tâm vậy nên em mới “đào mộ” bài viết này của chị từ năm 2016.
Là người đã học qua môi trường Đại học Việt Nam, ngôi trường mà chị suýt nữa lựa chọn, và học thạc sĩ nước ngoài, em cũng cho rằng định hướng nghề nghiệp cấp 3, sau đó là giáo dục đại học ở Việt Nam là quãng đường bị lạc lối của rất nhiều học sinh, kể cả những học sinh khá, giỏi trên hành trình tìm kiếm công việc phù hợp và cuộc sống mong ước.
Em cũng rất đồng ý với quan điểm của chị về nhận định bố mẹ mò mẫm tìm đường cho con thực sự rất chua xót. Bởi, thế hệ bố mẹ mình (5x, 6x, 7x) lớn lên khi đất nước mới chuyển mình, chắc hẳn chẳng có hình hài cụ thể về kinh tế thị trường hay chất lượng giáo dục và cũng bởi bố mẹ không được định hướng từ ông bà, một thế hệ đang bận rộn với chiến tranh.
Và hiện nay, với thế hệ tiếp theo – Gen Z, thực tế, trường lớp, thầy cô vẫn đang bận rộn với giảng dạy mà không có chương trình hướng nghiệp cụ thể, hiệu quả. Và khi tìm kiếm thông tin này trên mạng, những bài viết hướng nghiệp đều khá lẫn lộn và mơ hồ.
Trong khi, em thấy rằng tại nhiều nước phát triển, họ có môn học để giúp sinh viên tìm ra thế mạnh của mình và hỗ trợ định hướng nghề nghiệp.
Vậy theo kinh nghiệm và quan điểm của chị, ở góc độ cá nhân, gia đình (bố mẹ định hướng cho con, anh chị định hướng cho em), có những phương pháp hay công cụ nào có thể tiếp cận được giúp định hướng nghề nghiệp cho các bạn học sinh lớp 12?
Chi Nguyễn says
Em có thể nghe podcast này nhé: https://anchor.fm/thepresentwriter/episodes/Framework-nh-hng-tng-lai-evejm1/a-a5b2or4 và podcast này nữa: https://anchor.fm/thepresentwriter/episodes/Tr-chuyn-hng-nghip-cho-gii-tr—-cng-Thu-Duong-UPenn-eiqfhn/a-a32lkmu
Linh PH says
Em cảm ơn chị Chi nhé!
Hoàng Thanh Nghĩa says
Một bài viết hay, một cách nhìn nhận nhẹ nhàng.
Chẳng chê trách điều gì vì đơn giản con người luôn tạo một khuôn mẫu riêng và coi đó là hướng đi rồi để so sánh.
Như trên bài viết một số bạn sẽ bỏ ngành đang học để chạy theo tư tưởng của mình nhưng cũng cố một số tư tưởng khác như em. Muốn trở thành ông lão đánh cá như trong câu truyện ”ông lão đánh cá và doanh nhân”. Dù sao vẫn phải đi tiếp chúc mọi người may mắn trên con đường của mình.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc blog và chia sẻ