Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 17/09/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Bạn có anh hay chị em ruột lớn lên trong cùng một nhà? Nếu có, mọi người có chung tính tình và cách hành xử trong cuộc sống không?
Mình có một anh trai hơn 5 tuổi. Mặc dù hai anh em lớn lên bên nhau, được ông bà, bố mẹ nuôi dạy tương đồng và trải qua tất cả những sự kiện quan trọng đầu đời, mình và anh hoàn toàn là hai người trái ngược.
Phần nhiều, mình nghĩ là do gen tự nhiên, như các cụ thường nói: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Chẳng hạn, mình cực kỳ hướng nội trong khi anh mình vô cùng hướng ngoại; mình chỉ đi ra đầu ngõ đã lạc đường, anh mình mọi ngóc ngách đều trong lòng bàn tay; mình hay nghĩ rất lâu, hành động chậm, anh mình thì làm trước đã, nghĩ sau…
Nhưng tuần rồi, mình tình cờ xem một video ngắn phỏng vấn Gabor Maté, bác sĩ chuyên về tâm thần nổi tiếng của Canada và thấy có một số điểm thú vị khác về anh/chị/em ruột từ khía cạnh cha mẹ.
Cụ thể, người phỏng vấn chia sẻ anh và chị em gái cùng lớn lên trong một nhà, có cùng cha mẹ nhưng lại hoàn toàn khác nhau. Gabor Maté phản biện: “Thực ra, anh không lớn lên trong cùng một nhà và không có cùng cha mẹ”
Bởi vì:
Dù cha mẹ có cố gắng đối xử bình đẳng tới đâu, họ cũng sẽ là những người cha mẹ khác nhau với từng đứa trẻ.
Cụ thể:
- Cách cư xử của cha mẹ với trẻ nam và trẻ nữ luôn khác nhau, phần nhiều do yếu tố văn hóa
- Cha mẹ là những người khác nhau ở từng giai đoạn trưởng thành của riêng họ, nên cách họ đổi xử với con cái ở những độ tuổi, thời điểm ra đời khác nhau sẽ rất khác.
- Mỗi trẻ có độ nhạy cảm khác nhau, có thể cùng một trải nghiệm với cha mẹ, nhưng cách nhìn nhận của trẻ về trải nghiệm đó hoàn toàn khác nhau.
Ngoài ra, là một người làm giáo dục, mình cũng muốn bổ sung thêm một ý: Mỗi trẻ có tính cách và hành vi tự nhiên khác nhau, nên cha mẹ sẽ có xu hướng thay đổi cách giáo dục tùy theo sự phát triển của mỗi người con. Bởi vậy, không có mối quan hệ cha mẹ-con cái nào hoàn toàn giống nhau, kể cả khi cha mẹ có cố gắng công bằng tới đâu đi chăng nữa.
Mình chia sẻ bài học này vì mình nghĩ nó không chỉ mang lại cái nhìn đa chiều cho những người con lớn lên với anh chị em ruột (như mình) mà còn có thể giảm bớt nỗi lo lắng và cảm giác tội lỗi của những người làm cha mẹ mỗi khi tự hỏi liệu mình có “con yêu con ghét hay không” hoặc tại sao “cách dạy dỗ này thành công với người con này nhưng lại thất bại với người con khác”… Nếu bạn không nằm trong hai nhóm này, mình cũng hy vọng bài viết cho bạn đôi điều đáng suy ngẫm giữa tuần ☺️
Be present,
Chi Nguyễn
P/S: Bản tin hàng tuần này đã, đang và sẽ luôn được gửi tới bạn hoàn toàn miễn phí. Nếu bạn muốn giúp bản duy trì bền vững, hãy cân nhắc ủng hộ một phần chi phí vận hành, mua sách và sổ của mình, hoặc chia sẻ dự án “Bài học thứ Tư” nhé! Mình thực sự biết ơn sự cổ vũ và động viên của bạn ♥️
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email