Nếu đã theo dõi blog được một thời gian, hẳn bạn cũng nhận ra toàn bộ nội dung blog này đều dựa vào trải nghiệm thật của tôi — một người Việt trẻ ở nước ngoài vẫn ngày ngày tìm cách trưởng thành, cố gắng hiểu hơn về bản thân mình, và quan sát học hỏi thêm nhiều điều từ thế giới. Tôi lớn lên qua từng trang viết, qua sự tự nhìn nhận (và chấp nhận) cả mặt tốt lẫn chưa tốt của mình. Điều này thật sự không dễ dàng. Trong hơn 1 năm viết blog, bên cạnh phần đông bạn đọc luôn tích cực ủng hộ, tôi cũng nhận được không ít những lời bình luận và tin nhắn tiêu cực về hành trình cá nhân của mình. Có những người khó có thể chấp nhận được việc đọc bài viết của một người (được xem là) trưởng thành về những va vấp của họ trong quá khứ, từ những thứ nhỏ nhặt như vụng nấu ăn, hay lạc đường, không biết sắp xếp hành lý đến những thứ lớn hơn như khủng hoảng tâm lý, không khéo léo trong đối nhân xử thế … Đây thực ra cũng là một điều dễ hiểu. Có những kiến thức và kỹ năng đối với một số người là “cơ bản” — thuộc dạng “trẻ con cũng phải biết”, những đối với một số người khác, những thứ này cần phải qua thời gian, trải nghiệm, và va vấp mới có thể hình thành được. Trưởng thành, vì vậy, mang hình hài rất khác nhau đối với từng người. Trong quan điểm của tôi, rất dễ để có thể đứng ở vị trí của mình ngày hôm nay và nói ra những lời đao to búa lớn về bí quyết thành công (ví dụ như, “Bạn muốn trở thành Tiến sĩ ở Mỹ? Hãy làm theo các bước này của tôi: một là, hai là, ba là…”). Nhưng rất khó để khơi lại những thất bại của mình trong quá khứ và chỉ ra cho người khác thấy điểm khởi đầu của mình từng thấp như thế nào. Đối với tôi, cuộc hành trình chỉ có ý nghĩa khi nó là hành trình, chứ không phải đích đến.
Gần đây, tôi nghĩ rất nhiều về trưởng thành. Trước đây, trưởng thành với tôi như con đường thẳng một chiều, nơi mỗi người học và học lại, thất bại và thành công, vấp ngã và đứng lên tiếp tục đi về phía trước (đọc “Trưởng Thành”). Nhưng giờ đây, trưởng thành trong tôi dường như con đường đôi hai chiều, cho ta định hướng đi về phía trước nhưng cũng chừa lại một lối đi về phía sau. Nói cách khác, giữ được cho mình tư duy của một đứa trẻ vụng về, thiếu tự tin cũng là một cách để phát triển bản thân trưởng thành hơn, tự tin hơn. Tại sao lại như vậy? Điều này có vô lý quá không? Hãy để bài viết này nói lên quan điểm của tôi. Đánh giá cuối cùng thuộc về bạn.
Đánh mất và tìm lại “đứa trẻ bên trong” (inner child)
“The most sophisticated people I know – inside they are all children” (Những người sâu sắc nhất mà tôi biết – bên trong họ đều là những đứa trẻ) – Jim Henson
Ngẫm lại 1/4 cuộc đời đã qua, tôi nhận ra rằng có một điểm chung lớn nhất ở tất cả những người uyên bác nhất, có đạo đức nhất, và được tôn trọng nhất mà tôi từng gặp — đó là ở một mức độ nào đó, họ không ngại thể hiện “đứa trẻ bên trong” (inner child) của mình. Ai trong chúng ta cũng có một đứa trẻ bên trong, đó là hình thái tạo nên bởi ký ức thuở ấu thơ, của sự trẻ trung, vụng về, ngây ngô, tinh nghịch, của khi mà tất cả những thứ hoa mỹ bên ngoài như bằng cấp, tiền tài, danh vọng, nhan sắc… chưa chạm tới được. Đứa trẻ này không bao giờ mất hẳn đi, nhưng nó có xu hướng bị lãng quên, quay lưng, thậm chí đè nén, kìm hãm khi ta lớn lên và buộc bản thân phải theo đuổi những gì xã hội cho là chuẩn mực của sự “trưởng thành”. Những người ở vị trí cao như cha mẹ (đối với con cái), giáo viên (đối với học sinh), lãnh đạo cơ quan (đối với nhân viên), lãnh đạo nhà nước (đối với dân chúng) … thường chịu áp lực lớn hơn để tạo cho mình một bề ngoài đĩnh đạc, cách ăn nói già dặn, và hành động nghiêm túc. Đây chính là điểm cốt lõi mà chúng ta tạo ra ranh giới giữa “người lớn” và “trẻ con” — khi chúng ta hy sinh đứa trẻ bên trong của mình để thành người lớn theo quan niệm chung của xã hội. Nhưng cũng chính vì thế, chúng ta mất đi mối liên hệ với quá khứ của chính mình, trở nên soi mói, khắt khe hơn với những người trẻ, thiếu sự cảm thông cho những người ở vị trí thấp hơn, và có xu hướng đề cao bản thân và thành công hơn mọi thứ khác trên đời. Trở lại câu nói ban đầu, những người tuyệt vời nhất và uyên bác nhất tôi từng gặp, họ biết cách giữ sự trưởng thành của bản thân không quá xa so với quá khứ non nớt ngày nào và quan trọng hơn, họ không ngại thể hiện ra bên ngoài đứa trẻ bên trong của mình.
Điều này không phải dễ dàng.
Khi đã lên được đến vị trí cao, bạn sẽ dễ quên đi hành trình của mình. Bạn quên rằng mình đã có được ngày hôm nay như thế nào. Bạn quên rằng mình cũng từng có một thời tuổi trẻ lạc lõng, vụng về, ngây ngô ra sao. Bố mẹ là một ví dụ. Rất nhiều bố mẹ nghiêm cấm con mình đi chơi với bạn ngoài giờ học hay hẹn hò khi còn ở tuổi thiếu niên. Điều này không phải là sai khi xã hội hiện nay ngày càng có nhiều cám dỗ và học sinh thì cần tập trung vào việc học. Nhưng bố mẹ dường như quên mất rằng mình cũng từng có một “tuổi thơ dữ dội”, khi mà tâm sinh lý chưa ổn định, chỉ muốn chống đối lại tất cả những gì người lớn nói, và trái tim thì thường xuyên loạn nhịp vì những hình bóng thoáng qua. Bố mẹ và con cái đều trải qua những giai đoạn giống nhau – điểm khác biệt duy nhất là ta có nhớ được thời kỳ đó hay không mà thôi. Tương tự như vậy là thầy cô/lãnh đạo. Mọi người đến được vị trí ngày hôm nay là vì từng có một thời ngơ ngác, thiếu tự tin, đều từng vấp ngã và học cách đứng lên từ va vấp ấy. Trở nên trưởng thành hơn không đồng nghĩa với việc cho mình quyền để bắt lỗi, soi mói, buộc người khác phải “chín ép”. Là một giáo viên trẻ, đôi khi tôi cảm thấy việc mình cố gắng trở nên chín chắn, già dặn vô hình chung kéo dài khoảng cách giữa tôi và học trò. Đã đôi lần, tôi bất ngờ nhận ra mình đang đặt ra những yêu cầu quá cao cho người học (mặc dù với mục đích tốt). Tôi quên đi rằng trước đây mình cũng từng chán nản, mệt mỏi khi đến trường, từng viết rất chậm, từng trễ hẹn nộp bài, từng là “thiên tài” của sự trì hoãn và phải học cách đối phó với sự trì hoãn ấy. Mỗi lần như vậy, đứa trẻ bên trong lại nhắc cho tôi nhớ phải luôn đặt bản thân vào vị trí của học trò, ngưng kỳ vọng thái quá, và bớt khắt khe khi đánh giá về người khác.
Kết nối lại với đứa trẻ bên trong sẽ khiến cho bạn cảm thấy trẻ trung và yêu đời hơn. Bạn nhận ra một phần con người của mình vẫn còn trong trẻo, tinh nghịch; bạn muốn tiếp tục những thú vui và ước mơ thuở thiếu thời; và bạn thấy gần gũi hơn với những người ít tuổi hơn mình. Sự kết nối này đôi khi cần nhiều thời gian. Bà ngoại tôi là một ví dụ. Khi còn nhỏ, bà ngoại là một trong những người bạn thú vị nhất mà tôi có vì bà lúc nào cũng vui vẻ, bà có thể sáng tạo ra nhiều câu chuyện hay, khéo tay nặn những con thú đồ chơi cho anh em tôi từ ruột bánh mỳ, và không ngại hỏi chúng tôi có cần mua gì tặng “bạn” trong ngày Valentine không. Chúng tôi đều bạn của bà, hay nói cách khác, là bạn của đứa trẻ bên trong của bà. Nhưng mẹ tôi từng kể rằng khi còn trẻ, bà rất nghiêm khắc, cứng nhắc, và không gần gũi các con như với các cháu; mọi người cũng nói rằng bà trẻ hơn và gần gũi hơn hơn về già. Có lẽ bà tôi đã cần đến hơn 20 năm và 2 đứa cháu mới tìm lại được đứa trẻ bên trong của mình.
Sự kết nối này cũng đòi hỏi tới lòng dũng cảm. Thể hiện ra đứa trẻ bên trong cũng đồng nghĩa với việc cho mọi người biết phần yếu mềm, mộng mơ, rất “con người” của mình. Và không phải ai cũng dám làm điều này. Một trong những người tuyệt vời nhất trên thế giới mà tôi biết là giáo sư hướng dẫn của tôi, K.S. Thầy là giáo sư lâu năm, là chủ nhiệm chương trình, và là người luôn hành xử thông minh, đĩnh đạc, chuyên nghiệp. Nhưng ngay từ lần đầu gặp mặt, tôi đã cảm thấy một cái gì đó đặc biệt ẩn dưới vẻ ngoài “hàn lâm” của thầy, có thể là từ nét thầy cười hóm hỉnh và cách đặt vấn đề thẳng thắn, không rào trước đón sau. Mãi đến hơn 1 năm sau, khi được mời đến xem ban nhạc Rock của thầy biểu diễn (!) thì tôi mới hiểu lý do tại sao. Đứa trẻ bên trong của thầy chính là ở niềm đam mê âm nhạc. Và thầy không hề ngại thể hiện ra điều này — không hề ngại nhắm tịt mắt đánh đàn guitar, hát cả đêm những bài nhạc Rock cổ, nhảy nhiệt tình trên sân khẩu đèn nháy lập lòe. Và tất nhiên, thầy cũng không hề ngại để cho lũ học trò mắt tròn mắt dẹt ở phía dưới khán đài. Giáo sư của tôi là một ngôi sao nhạc Rock ! – tôi rất tự hào về điều này và sẽ không bao quên hình ảnh đứa trẻ bên trong đó của thầy.
Sự kết nối này, bởi thế, cũng kéo con người đến gần nhau hơn. Một giáo sư vô cùng tuyệt vời nữa mà tôi biết là R.Q. Thầy còn trẻ, từng tốt nghiệp ở những trường Ivy League, làm việc ở những nơi hàng đầu thế giới, luôn luôn xuất hiện đĩnh đạc, quyền uy; nhưng thầy cũng rất tận tình, quan tâm đến từng sinh viên. Khi bắt đầu làm việc với thầy, tôi cảm thấy rất áp lực, lúc nào cũng nghĩ rằng mình cần phải thể hiện ấn tượng, hoàn hảo trước mắt thầy. Một lần, khi chúng tôi đang ngồi làm việc ở một quá cà-phê thì một người bạn học của thầy tình cờ bước vào. Khi biết tôi là học trò của thầy, người bạn này mới đùa: “Nhìn cậu kìa R.Q., giờ cậu cũng là giáo sư có học trò để hướng dẫn ra trò rồi!”. Thầy cười xòa rồi nói: “Cậu biết đấy, trước đây mình cũng ở vị trí này. Có một giáo sư dạy mình những thứ này khi còn là sinh viên. Bây giờ mình dạy lại cho Chi”. Và trong khoảnh khắc ấy, tôi nhìn thấy đứa trẻ bên trong của thầy, một sinh viên cũng bình thường, cũng thiếu tự tin, cũng từng áp lực, không khác mình cho lắm. Từ đó, tôi cảm thấy thoải mái hơn hẳn khi làm việc với thầy, và đến tận bây giờ, kể cả khi không còn là thầy giáo-học trò nữa, chúng tôi vẫn là những người bạn tốt.
Những người làm được điều này không nhiều, nhưng cũng bởi vậy, họ thường là những người được tôn trọng và yêu quý nhất. Nếu bạn nghĩ mình đã trưởng thành, hãy thường xuyên quay lại với đứa trẻ bên trong của mình. Đừng đánh giá thấp những người trẻ hơn nếu họ vụng về hơn bạn, trẻ thì đương nhiên phải vụng về. Đừng coi thường những người lớn hơn nếu họ chưa sâu sắc được bằng bạn, thiếu sâu sắc có thể là dấu hiệu của sự giản đơn, chân thành.
Từ ngày đầu tiên làm blog, tôi đã viết rằng mình sẽ “không bao giờ là người hoàn hảo hay hoàn toàn trưởng thành” và cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn khẳng định lại điều đó. Hành trình phát triển bản thân của tôi sẽ luôn hiện hữu một đứa trẻ bên trong ngây thơ, vụng về. Tôi trân trọng đứa trẻ của mình. Và tôi mong bạn cũng làm điều đó với đứa trẻ của bạn.
Đứa trẻ bên trong vs. Hành xử trẻ con
Người trưởng thành với đứa trẻ bên trong hoàn toàn khác với người trưởng thành mà hành xử như trẻ con.
Khi còn nhỏ, tôi đinh ninh rằng những người lớn tuổi, đã kết hôn, và có con là những người hoàn toàn trưởng thành. Đơn giản tôi nghĩ nếu họ đã vượt qua những mốc quan trọng nhất trong cuộc đời thì ắt hẳn họ phải từng trải, hiểu đời lắm. Thậm chí đến tận khi học xong đại học, ra trường đi làm rồi tôi vẫn còn giữ niềm tin này. Sau một thời gian dài làm bán thời gian với các bạn cùng lứa, chán nản với những vấn đề của các “cậu ấm, cô chiêu” mới lớn, tôi mừng rỡ khi nhận được công việc toàn thời gian ở một văn phòng mà hầu hết các đồng nghiệp đều đã lập gia đình và có con nhỏ. Tôi cảm thấy an tâm phần nào khi ở vai người “em út” trong công sở, chờ đợi học hỏi những điều tốt đẹp từ những người đã hoàn toàn trưởng thành. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Càng đi làm nhiều năm, càng ở nhiều môi trường công sở, và càng tiếp xúc với nhiều loại người, bạn sẽ nhận ra có rất nhiều người bề ngoài hoàn toàn trưởng thành nhưng hành xử không khác gì một đứa trẻ mới lớn. Họ xấu tính, họ thủ đoạn, họ dùng mọi cách để trả thù vặt. Họ ngồi lê đôi mách, họ nói xấu sau lưng. Họ tranh công của người khác. Họ sẵn sàng dìm bạn xuống để đẩy họ lên. Bởi vì họ lớn tuổi hơn, họ cảm thấy có thể bắt nạt bạn; bởi vì họ ở cấp cao hơn, họ nghĩ họ có quyền đè nén bạn; bởi vì họ là đàn ông, họ thấy họ có thể to mồm át đi tiếng nói của phụ nữ … Đôi lúc, bạn ngớ người và tự hỏi rằng liệu mình đang ở thế giới “người lớn” hay đang trong lớp mẫu giáo với các bạn cấu chí, gào khóc tranh giành một món đồ chơi? Nếu những người trưởng thành hành xử với nhau như vậy ở ngoài xã hội, về nhà họ sẽ dậy con cái mình những gì? Tệ hơn, nếu những người này là giáo viên, họ sẽ biến con cái chúng ta thành loại người gì?
Nếu trưởng thành là biết cách làm tổn thưởng người khác và giành quyền lợi về cho mình, tôi thà rằng không bao giờ trưởng thành. Suy cho cùng, ý nghĩa của trưởng thành là gì? Bạn có thể trưởng thành để biết hết mọi mánh khóe và dùng nó để hạ thấp người khác, tìm thăng tiến cho bản thân mình. HOẶC bạn cũng có thể trưởng thành để biết tất cả những mánh khóe đó nhưng chọn không làm vì bạn biết mình trưởng thành hơn thế. Tôi không biết bạn như thế nào, nhưng tôi biết mình sẽ hoàn toàn hạnh phúc với vế thứ hai.
****
Vài tuần trước, tôi nghe lại bài hát “Overflow” của Ghost Loft và chợt hiểu ra ý nghĩa của mấy câu hát này:
Some say the world gets smaller
The more that you know
Hearts grow bitter
The older we grow
—-
Ai đó nói rằng thế giới trở nên bé lại
Khi bạn biết nhiều hơn
Trái tim cay đắng hơn
Khi chúng ta già đi
Tôi đánh máy lại 4 câu hát này và để lên làm màn hình máy tính. Hàng ngày, chúng nhắc tôi kết nối lại với đứa trẻ bên trong của mình. Để nhớ rằng, dù hiểu biết có rộng đến đâu, thế giới vẫn luôn còn vô vàn điều để khám phá; dù tuổi có nhiều đến đâu, trái tim vẫn cần ngọt ngào, nhân hậu.
Cảm ơn tất cả mọi người đã trở thành một phần trong hành trình trưởng thành của tôi. Tôi cầu chúc mọi điều tốt đẹp nhất đến với hành trình của bạn!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Hà Phạm says
Cảm ơn Chi vì bài viết rất sâu sắc!
Giang Phạm says
Chị Chi ơi, một khía cạnh khác em rút ra từ bài viết của chị là dù trải qua bao nhiêu chuyện buồn vui mà có nhiều khi khiến tâm hồn chai sạn, thôi mơ mộng thì rồi vẫn cần giữ được niềm lạc quan với cuộc đời như trong con mắt bọn trẻ vậy chị nhỉ.
Em nghĩ inner child theo một cách nào đó cũng là một loại kỹ năng, tức là mình có thể học hỏi trau dồi hằng ngày để giữ gìn nó, không để nó bị quá trình “trưởng thành” vùi dập làm cho tắt ngúm. Đọc bài của chị Chi là một cách em “luyện” kĩ năng đó đấy ạ 😀 Chỉ cần lòng mình không bao giờ thôi muốn hướng về những điều tốt lành, thiện chí, chỉ cần mình muốn thì đó sẽ là bước đầu để thu hút những điều tốt đẹp về mình, và biết đâu lan tỏa được tới những người xung quanh ha chị :”>
Cảm ơn chị Chi về những bài-viết-thứ-Tư trong trẻo tuyệt vời như này ạ !!!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã chia sẻ. Chị hoàn toàn đồng ý với vụ rèn luyện kỹ năng inner child. Chị hay chơi với trẻ con, chơi với động vật để thấy hạnh phúc của chúng nó thật giản đơn, đâu cần kèn cựa, soi mói nhau làm gì. Mỗi lần ai đó làm gì tốt cho chị, chị lại làm một điều gì đó tốt cho người khác – pay it forward – chị nghĩ đó cũng là một cách luyện tập hàng ngày 🙂
Diệp Nguyễn says
Em cảm ơn chị về bài viết. Đọc blog của chị em học được nhiều điều.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều. Chị cũng học được thêm nhiều về bản thân và cuộc sống từ viết lách
Phạm Như Quỳnh says
Mình thực sự ấn tượng với cách bạn suy nghĩ về “trưởng thành”, về “trưởng thành hơn thế”, tìm lại “đứa trẻ bên trong” khác với “hành xử trẻ con”. Bài viết đã giúp mình định hình lại phương châm sống (nhất là khi mình cũng đang bị stress vì môi trường công sở) để ngày một trưởng thành đúng nghĩa. Cảm ơn bạn Chi rất nhiều! Mình cũng rất thích câu hát mà bạn trích dẫn.^^
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn nhiều. Mình hy vọng bài viết này xoa dịu được phần nào stress bạn gặp nơi công sở. Ngày trước đi làm mình có lúc stress nhiều cũng viết nhật ký và blog để giải tỏa. Bài viết này là một phần ý tưởng từ những ngày đó. Mình mong nhiều điều tốt đẹp đến với bạn!
BTQ says
Cảm ơn chị vì một bài viết giữ tuần thật sâu sắc!
Đọc bài viết của chị trong suốt hơn 1 năm qua, em thấy mình cũng lớn lên theo từng năm tháng.
Không biết chị có biết bài hát này ko? “I don’t know my name” của Grace VanderWaal. Trong bài hát có 3 đoạn này:
“I don’t know my name
I don’t play by the rules of the game
So you say I’m just trying
Just trying
…
I am lost…
Trying to get found
In an ocean of people
I now know my name!
I don’t play by the rules of the game
So you say, I’m not trying
But I’m trying
To find my way”
Nghĩ cuộc sống là 1 hành trình thì thấy cuộc sống thật thú vị chị nhỉ.
Chi Nguyễn says
Hay cuộc sống thật thú vị vì nó là một cuộc hành trình 🙂 Cảm oen em đã chia sẻ
Thinh Nguyen Thi says
Bài viết của Chi hay quá. Mình hoàn toàn đồng ý với những gì Chi nói. You truly speak my mind. Thank you so much 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn. Great minds are connected
Tú Anh says
Cảm ơn chị về bài viết ý nghĩa. Em luôn kết nối với đứa trẻ bên trong mình để tâm hồn luôn thư thái và hiểu được mong muốn của con gái bé nhỏ của em nhiều hơn nữa. Em luôn muốn trở thành người bạn đồng hành trong những năm tháng phát triển của con mình.
Cảm ơn chị luôn truyền cảm hứng và động lực cho em
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã chia sẻ! Chị hoàn toàn đồng ý rằng nếu mình còn tươi trẻ thì sẽ càng gần được với con cái nhiều hơn, nhìn cuộc đời qua con mắt của bé
Quỳnh Quỳnh says
Bài viết hay quá chị ạ. :))
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em <3
Trang Vu says
Đọc xong bài viết này mình nghĩ tới 1 nhân vật trong truyện Harry Potter là cụ Dumbledore. 🙂 Cảm ơn bài viết của Chi.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nếu mình có cơ hội được làm giáo sư, mình cũng muốn được như cụ Dumbledore
Hoàng Thị Mỹ Linh says
Cảm ơn chị, bài viết rất hay ạ.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em <3
Quế Vũ says
Ngày mới đi làm, vị trí Tuyển dụng, em được dạy phải soi mói, chê bai người khác trong khi bản thân em cũng chỉ là một đứa trẻ vừa rời khỏi ghế nhà trường bước vào đời.
Một công ty quên mất lịch phỏng vấn vòng 2 của em ở một vị trí em cực thích, không một lần liên lạc tử tế nhưng thời gian sau nổi như cồn vì những phát biểu về sự “chuyên nghiệp” của thế hệ trẻ.
Giờ đây khi đã trải qua một số bài học xương máu, khôn lên một chút, em bắt gặp các bạn trẻ cùng nghề với mình thường xuyên chê bai, đòi hỏi ở ứng viên – những điều mà bản thân em tuổi ấy chưa làm được, và họ ở tuổi này cũng chưa chắc giỏi giang.
Càng trải nghiệm, em càng thấy mình hiểu chuyện và bao dung, đồng cảm với người khác hơn rất nhiều. Vì em hiểu, tính cách, hành vi, thực tại cuộc sống của một người là nhất thời và tổng hòa của nhiều yếu tố tác động, trong khi là người lạ em không bao giờ hiểu hết được.
Cám ơn chị Chi rất nhiều vì nói hộ những điều mà em suy ngẫm từ lâu, vô cùng tâm đắc. Yêu chị!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã chia sẻ. Chị không làm tuyển dụng nhưng ngày trước cũng hay phỏng vấn các bạn vào các vị trí tình nguyện cho dự án. Chị có may mắn ngồi cùng mentor của chị khi đó có con mắt nhìn người rất tốt, các bạn ăn nói ấp úng và chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng có tố chất (như chân thành, cầu tiền, chịu khó, có trách nhiệm…) mentor luôn nói nên chọn trước tiên, trước cả các bạn nói tiếng Anh giỏi, ăn nói chau chuốt, và có nhiều kinh nghiệm. Chị cũng học rất nhiều từ những lần phỏng vấn như thế.
Nga Lê says
Cảm ơn chị vì bài viết rất ý nghĩa!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc 🙂
Đặng Kim Thanh says
Tôi đồng ý với bạn. Ích kỷ không giúp ta trưởng thành bởi vì trưởng thành là phát triển về nhân cách. Ích kỷ càng làm tăng trưởng vật chất , danh vọng thì càng làm tâm hồn khô héo, teo quắt đi, nhân cách bé mọn đi. Thời gian mau trôi, chúng ta đều già đi ở bề ngoài nhưng ai vẫn giữ trong mình cái mầm tươi trẻ trong bản thể con người mình thì người đó đang duy trì cơ hội trưởng thành. Ai để cho cái mầm đó khô héo đi là hết cơ hội phát triển cây nhân cách.
Chi Nguyễn says
Vâng ạ. Nếu mình nghĩ là mình vẫn còn chưa trưởng thành hoàn toàn thì mình biết là mình vẫn còn cần lắng nghe, học hỏi, và trưởng thành tiếp
Hảo Phan says
Em cảm ơn chị rất nhiều vì bài viết này, giống như cho em thêm can đảm và tin tưởng trên con đường (bắt đầu) bước vào thế giới người lớn này. Cảm ơn chị vì đã viết ra, và là một người tốt ạ. Chúc chị một ngày thật vui ạ ^^
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc! Viết ra cũng làm chị cảm thấy mình muốn sống tốt hơn nữa
Ngo Thien Huong says
Thanks. Mot so y trong bai viet cua Ban rat hay.
Lam minh nho lai: Hoang tu be
Mark Tuyen says
Em cảm ơn chị nhiều. Chị cho em chia sẻ với mọi người và ghi nguồn chị nhé!
Chi Nguyễn says
Em có thể chia sẻ lại thoải mái nhé. Nếu em đăng lại nội dung ở trang web khác thì cần kèm link gốc bài viết là được 🙂
Nina Ho says
đọc bài viết của bạn mình thấy vững tin hơn về quyết định con đường trưởng thành của mình
à mà con đường trưởng thành mà mình đi còn được gắn một nhãn mác khác là “người không tham vọng” đó, thôi thì miễn mình phải giữ vững ý chí là được 🙂
Khánh Trần says
Những suy nghĩ của chị thật đẹp. Đọc xong bài của chị, em mỉm cười, em nghĩ đó là đứa trẻ bên trong mình mỉm cười đấy ạ.
Minh Anh says
Em chào chị Chi 😀
Em biết đến The Present Writer vào thời điểm mà em hoang mang nhất, về ngành học mình chọn, về cảm giác “lép vế” (đôi khi là vô căn cứ) của một nguời học khoa học xã hội ở bậc đại học. Chính blog của chị đã giúp em vuợt qua những suy nghĩ tiêu cực, và nhận ra mình không phải là nguời duy nhất với những trăn trở và băn khoăn về tình cảm, học hành, cuộc sống. Em vẫn ghé đọc mỗi khi có bài mới, và lần nào đến dòng cuối cũng thấy đời đẹp hơn nhiều chút chị à ^^
Em cảm ơn chị, cực kỳ nhiều!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã theo dõi blog! Khoa học xã hội là một ngành tuyệt vời và luôn cần cho xã hội; nó có thể không làm ra được nhiều tiền như các ngành kinh tế, tài chính, kỹ thuật khác nhưng chắc chắn là một ngành có ý nghĩa rất lớn tới sự phát triển về chiều sâu của con người.
Phạm Thu Phương says
một bài viết rất hay, cảm ơn Chi
Van says
Bài nào của chị cũng hay và em thấy có phần giống chị quá. Đôi lúc có điều gì chả biết nói chuyện, tâm sự với ai, hoặc sợ tâm sự làm họ phiền lòng thì em lại mò mẫm đọc các bài viết của chị như một cách nói chuyện và hiểu hơn bản thân vậy
Đọc mấy câu cuối em lại nhớ đến một câu nói ” Đừng bao giờ che dấu tình yêu và sự dịu dàng của bạn cho đến khi bạn lìa đời”. Lúc trc cứ ko hiểu lắm cơ, giờ thì hiểu hơn rồi a
Anne says
Mỗi khi đọc bài blog của chị Chi là em lại có cảm giác như mình đang được ngồi nghe chị chia sẻ mà em mong là nó không kết thúc luôn ớ ^^
Đọc bài viết này của chị khiến em cảm thấy vững tin hơn rất nhiều để từng bước đi tiếp trên con đường trưởng thành. Thời gian đi học em đã không ít lần nghe việc em hoặc bạn em không trưởng thành vì không biết luồn cúi, đi cửa sau hoặc gian lận để đạt được kết quả mình muốn, nhưng em nhất quyết không muốn làm. Rất nhiều lần em cảm thấy ghét sự “trưởng thành” vì em nghĩ em phải theo luật chơi, phải thoả hiệp với sự “lươn lẹo” mà người ta cho là khéo léo, nhưng bài viết của chị Chi đã thực sự mở ra cho em một góc nhìn đúng đắn hơn về sự trưởng thành. Em cảm ơn chị.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã chia sẻ với chị nhé!