Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 30/04/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Trước khi vào nội dung chính của bản tin có tiêu đề “nặng mùi” 💩 ngày hôm nay, mình muốn thông báo một tin vui:
- Gian hàng Quốc tế của The Present Writer đã hoàn thiện: https://store.thepresentwriter.com/ Từ ngày hôm nay, các bạn đã có thể đặt mua sản phẩm của The Present Writer ở mọi nơi trên thế giới 🎉
- Hiện gian hàng mở bán với sản phẩm sổ hiệu năng The Present Day planner và sẽ có thêm các sản phẩm mới trong tương lai. Mọi đơn hàng đều được xử lý và ship đi từ Mỹ 🇺🇸.
- Đây là kết quả sau nhiều tháng làm việc ròng rã của Chi và team và là một cột mốc “lịch sử” với thương hiệu. Cảm ơn sự đồng hành và động viên của các bạn! 🥳
—
Trở lại với Bản tin “Bài học thứ Tư”:
Tuần rồi mình có buổi gặp online với hai người bạn là giáo sư nghiên cứu ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Ba bọn mình cùng tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ Giáo dục tại Mỹ và từ ngày còn đi học, bọn mình đã luôn mơ về một ngày trở thành giáo sư đại học. Sau rất nhiều thăng trầm, cả ba đứa đều đạt được ước mơ năm nào. Nhưng tuần rồi, cả ba đều…mệt lả.
🤦🏻♀️ Bạn Hàn Quốc: “Tớ thực sự quá mệt mỏi với môi trường học thuật ở Hàn. Mọi thứ đều phải theo thứ tự thâm niên, theo quy trình đã có sẵn, ít ai nói ra suy nghĩ thật của mình. Tớ nhớ môi trường tự do ngôn luận ở Mỹ.”
👩🏻🏫 Bạn Trung Quốc: “Tớ cũng có những cú sốc văn hóa tương tự. Nhưng còn tệ hơn thế! Tớ phải làm hộ việc của cấp trên mà không được ghi nhận. Tớ đi dạy hộ tới 70 tiết, quay hơn 500 tiếng video bài giảng cho khóa học của trưởng khoa!”
🙋🏻♀️Mình (Chi): “Tớ không gặp nhiều vấn đề bất công hay ngôn luận. Tuy vậy, văn hóa làm việc ở Mỹ rất áp lực vì yêu cầu để vào tenure (biên chế) rất cao; trong khi đó giảng viên phải đối diện với cả các vấn đề chính trị nội bộ, khủng hoảng tài chính, cạnh tranh nguồn lực lẫn vị trí khoa học.”
Than vãn một thôi một hồi… Bỗng dưng cả ba đứa im lặng, mỉm cười và nói gần như cùng một lúc: “Nhưng vẫn còn có nghiên cứu…” 😊. Và ở khoảnh khắc ấy, bọn mình đều nhận ra rằng, dù công việc hiện tại có những mảng tối khó khăn, bọn mình vẫn neo được vào một nguồn sáng tích cực là tình yêu và đam mê nghiên cứu từ thuở ban đầu.
—
Buổi gặp làm mình nhớ tới một đoạn viết trong cuốn sách “Big Magic” của nhà văn nổi tiếng Elizabeth Gilbert. Mình lược dịch từ tiếng Anh như sau:
“Gần đây tôi đọc được một bài blog rất hay của Mark Manson. Tác giả nói, bí mật để tìm ra mục đích sống là trả lời câu hỏi này một cách thành thật: ‘Tôi thích ăn cái bánh phân (shit sandwich) vị nào?’
Điều tác giả muốn nói ở đây là bất kỳ điều gì bạn đang theo đuổi—dù nó có tuyệt vời, hứng khởi, lộng lẫy đến đâu—cũng kèm theo một thể loại “bánh phân” nào đó—hay nói cách khác là mặt trái riêng của nó. Như Manson viết: ‘Mọi thứ trên đời đều dở ẹc, lúc này hay lúc khác’. Bởi vậy, câu hỏi quan trọng không phải là: ‘Công việc nào bạn đam mê?’ mà phải là: ‘Công việc nào bạn đam-mê-đủ để chịu được những khía cạnh tệ hại nhất của nó?”.
Manson giải thích thêm: ‘Bạn muốn trở thành người nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng lại không sẵn sàng nhận hàng trăm, hàng ngàn lời chỉ trích tác phẩm của mình thì bạn đã thất bại ngay cả trước khi bắt đầu. Nếu bạn muốn trở thành một luật sư thành công nhưng lại không thể chịu được những tuần làm việc 80 tiếng liên tục, thì tôi thực sự có tin xấu cho bạn’.
Khi bạn yêu và muốn một điều gì đó đủ, bạn sẽ không ngại ăn “cái bánh phân” đến kèm theo điều đó.
Một người bạn của tôi từng nói rằng anh ấy muốn trở thành người viết bằng cả trái tim mình, nhưng hóa ra anh ấy lại không muốn ăn ‘cái bánh phân’ đi kèm với nghề viết. Anh ấy yêu viết lách, hẳn nhiên là vậy, nhưng anh ấy không yêu đủ đề tiếp tục viết ngay cả khi kết quả không được như mong muốn. Anh ấy không nghiêm túc chăm chỉ làm việc nếu không có một ‘bảo chứng’ chắc chắn cho sự thành công của mình.
Tức là, anh ấy thực ra chỉ muốn làm người viết với nửa trái tim thôi.
Bởi vậy, chẳng bao lâu sau, anh ấy từ bỏ.
Những trang viết anh ấy bỏ lại khiến tôi hau háu nhìn vào “cái bánh phân” đang cắn dở của anh, chực hỏi: ”Anh có muốn ăn hết* nó không?’
Bởi vì tôi yêu công việc viết lách đến như vậy: Tôi thậm chí sẵn sàng ăn hộ “cái bánh phân” của người khác nếu điều đó có nghĩa rằng tôi có thêm thời gian để viết”.
[*Ghi chú: Tác giả dùng từ “finish” vừa có nghĩa là “ăn hết” vừa có nghĩa là hoàn thiện bản thảo dang dở trong ngữ cảnh này]
Mặc dù hình tượng “cái bánh phân” 💩 rất ghê tởm nhưng chính vì thế nó khiến người đọc lập tức nghĩ ngay về những khía cạnh tồi tệ nhất của công việc của mình—và hãy nhớ, công việc nào, dù là “trong mơ” hay “ác mộng” thì đều cũng sẽ có những vị bánh phân riêng của nó. Quan trọng là, bạn có sẵn sàng ăn nó hay chưa mà thôi.
Trong công việc của mình (cả ở trường đại học hay với The Present Writer) cũng đều có những việc mình không thích nhưng vẫn phải làm, và dần dần mình dạy cho bản thân cách vui vẻ làm những điều đó vì tất cả đều là điểm tựa để mình có thể tiếp tục làm những việc mình muốn làm bằng cả trái tim. Tuy vậy, mình có một số “chiến thuật” riêng để giảm sự khó chịu nhiều nhất:
1- Đặt những việc gây khó chịu xuống cuối. Ví dụ: Khi lên kế hoạch làm việc với The Present Day planner, mình để những đầu việc khó chịu vào ô “Không quan trọng” trong ưu tiên tiên tuần (trang Weekly) và vào cuối cùng danh sách ưu tiên ngày (trang Daily). Như vậy, những việc mình thích làm sẽ được làm trước nhất (thường vào buổi sáng khi tinh thần vui vẻ, tỉnh táo) và những việc không thích sẽ làm sau (thường vào chiều muộn).
2- Biết ơn những việc mang lại niềm vui. Ví dụ: Mỗi sáng, trước khi bắt đầu ngày mới, mình dành 5 phút để viết về những điều mình thấy biết ơn, tích cực trong cuộc sống, nhắc bản thân rằng đâu là điều khiến mình yêu công việc hiện tại. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, mình ghi tiếp vào sổ những điều “khiến trái tim tôi ca hát” (what makes my heart sing) để nhắc lại một lần nữa về những mảng tích cực trong công việc/cuộc sống. Đọc thêm phương pháp này trong Chương 5 và Chương 6 của “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”.
3- Điều chuyển công việc. Nếu có thể, hãy điều chuyển những đầu việc bạn không thích sang cho một ai khác phù hợp hơn. Ví dụ: Trước nay trong quá trình làm video cho The Present Writer, mình ghét nhất việc thiết kế thumbnail (ảnh đại diện). Bởi vậy, áp dụng tư duy “Ai chứ không phải như thế nào” (Who not How), mình đã tuyển họa sĩ Từ Hà An vào team để thực hiện nhiệm vụ này; An làm đẹp hơn, nhanh hơn và với tình yêu công việc thiết kế nhiều hơn mình rất nhiều.
Có những thứ là “cái bánh phân” 💩 của mình nhưng có thể lại là “cái bánh ga-tô” 🍰 của người khác, phải không? Vậy đâu là 💩 và 🍰 trong công việc hiện tại của bạn?
Be present,
Chi Nguyễn
Nếu bạn thấy nội dung này hữu ích, hãy nhấn chuyển tiếp email “Bài học thứ Tư” tuần này cho những ai cần nhé!
GỢI Ý TUẦN NÀY
Ưu đãi Shopee. Shopee Việt Nam đang có đợt giảm giá lớn nhất trong tháng (5.5) với mã ưu đãi tại đây. Khi ở trên Shopee, bạn có thể ghé gian hàng của The Present Writer 😉 với các sản phẩm tri thức của mình như Sổ hiệu năng “The Present Day planner” và Sách “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”.
2- Sách “The Millionaire Fastlane”/“Triệu phú thần tốc” (MJ Demarco). Trong video mới nhất, mình review và phân tích những bài học quan trọng nhất từ cuốn sách dạy làm giàu nhanh (nhưng không dễ) này. Với văn phong thẳng thắn, rõ ràng, tác giả vạch ra những con đường cụ thể để đạt tới tự do tài chính nhanh nhất. Cuốn này thực sự rất hay và mình khuyên bạn nên đọc bản gốc tiếng Anh, nếu có thể.
3- Phim “Slumdog Millionaire” (“Triệu phú ổ chuột”) và Limitless (“Trí lực siêu phàm”). Tuần rồi mình mới xem lại hai bộ phim yêu thích này và tìm thấy một sự gắn kết hay. “Slumdog Millionaire” kể về một chàng trai nghèo tham gia chương trình “Ai là triệu phú” của Ấn Độ. Điều thú vị là những câu trả lời đúng của anh ta không phải nhờ đi học trường lớp cao siêu mà từ những ký ức buồn vui và trải nghiệm cuộc sống thăng trầm từ nhỏ. “Limitless” kết về một nhà văn thất bại tình cờ uống một viên thuốc đặc biệt làm khơi mở não bộ tối đa. Nhờ viên thuốc, anh chàng gọi được ra vô vàn kiến thức, có trí nhớ tuyệt đỉnh, và khả năng dự đoán giỏi như máy tính.
Hai bộ phim đều là hành trình từ “zero tới hero” qua một cuộc đua tri thức nhưng cách tiếp cận rất khác nhau và đều thú vị.
CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
YouTube – Học LÀM GIÀU từ MỘT CUỐN SÁCH
Khi nghe tới “Làm giàu nhanh”, rất nhiều người trong chúng ta sợ hãi run rẩy vì cụm từ này đã gần như đồng nghĩa với “lừa đảo”. Tuy vậy, trong cuốn sách nổi tiếng toàn thế giới “The Millionaire Fastlane” (Triệu phú thần tốc), tác giả MJ DeMarco cho rằng: Làm giàu nhanh hoàn toàn có thể nhưng sẽ không hề dễ dàng. Sự lừa đảo khiến mọi người sợ hãi thực ra là “Làm giàu dễ”.
Video phân tích cụ thể những bài học quan trọng nhất trong sách, kèm theo ví dụ minh họa trực quan và góc nhìn cân bằng và phù hợp hơn cho hoàn cảnh Việt Nam.
🎤 Podcast –SS4E9 Nỗi sợ ở nước ngoài
Đi du học để có trải nghiệm hay định cư ở nước ngoài là ước mơ của rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui, sự háo hức còn tồn tại những nỗi lo lắng, sợ hãi khi nghĩ về việc cô đơn một mình nơi đất khách, bỏ lại gia đình, bạn bè sau lưng.
Là người đã có hơn 10 năm học tập và sinh sống tại Mỹ với những nỗi lo sợ tương tự, Chi chia sẻ những góc nhìn tươi sáng hơn và giải pháp cho những nỗi lo thông qua tập podcast với vibe “trìu mến” này.
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email