Tôi không còn nhớ mình biết đến cuốn sách “Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời” (The Defining Decade) (tiếng Anh) của Tiến sĩ/Nhà tâm lý học Meg Jay trong hoàn cảnh nào. Có thể là trong một ngày thư giãn, lang thang trên mạng tìm kiếm một cuốn sách hay để đọc, mà cũng có thể là từ một ngày lo lắng gõ tìm câu trả lời cho tương lai của mình trên … Google. Nhưng tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên nghe bản audio thử của cuốn sách. Đó là một tối mùa đông yên ắng ở căn hộ cũ của chúng tôi trên đường Stratford Drive. Ở nhà một mình, co ro dưới lớp chăn mỏng, tôi kéo cốc ca-cao nóng vào lòng và lắng nghe chương đầu tiên của cuốn sách – câu chuyện về một trong những khách hàng (client) đầu tiên của Meg Jay, một cô gái vừa ngoài đôi mươi.
Câu chuyện lập tức đưa tôi ngược trở lại những năm tháng khó khăn nhất của mình khi vừa tới Mỹ – khi mà buổi gặp mặt 2 lần/tuần với M. (bác sĩ tâm lý của tôi khi đó) là động lực duy nhất để tôi ra khỏi nhà. Với vị trí của một người tư vấn, M. có thể chỉ ngồi nghe tôi nói, thi thoảng gật đầu, và tiễn tôi về bằng những lời động viên chung chung, sáo rỗng. Nhưng không, M. không bao giờ làm thế, cô ấy kiên trì, bền bỉ, và quyết liệt với những vấn đề khúc mắc của tôi. M. luôn đưa ra những lời khuyên cụ thể, sắc bén vào thời điểm tôi hoang mang nhất. Chưa bao giờ tôi thôi biết ơn M. về điều đó. Khi những năm tháng khó khăn nhất đã qua đi, tôi tự hỏi cuộc đời mình sẽ thay đổi như thế nào nếu chưa từng gặp M.? Có bao nhiêu người ngoài kia đang gặp khó khăn như tôi mà không tìm được nguồn động viên, giúp sức? Trong hằng hà sa số những cuốn sách về tình yêu tuổi teen, sách dạy làm giàu, sách cho các bà mẹ “bỉm sữa”, có bao nhiêu cuốn sách viết cho tuổi 20s (20-29) – lứa tuổi mơ hồ nhất trong đời?.
“Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời”, vì thế, là một cuốn sách mang nhiều ý nghĩa với tôi. Và tôi tin rằng cuốn sách cũng sẽ mang lại nhiều điều đáng suy ngẫm cho những ai đã, đang, và sẽ bước qua tuổi 20s. Trong bài review này, tôi sẽ lược lại một số ý tưởng quan trọng trong 3 phần chính cuả cuốn sách: “Công việc”, “Tình yêu”, “Trí não và cơ thể” cùng với những liên hệ và trải nghiệm cuộc sống của riêng tôi. Cuối bài, tôi thể hiện quan điểm thẳng thắn của mình về những điểm cộng và trừ của cuốn sách.
* Lưu ý:
- Bạn đọc có thể xem một số trích đoạn của sách (bản gốc tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của tôi) ở đây.
- Vì tôi đọc sách bằng tiếng Anh nên có thể một số ngôn từ và cách diễn giải trong bài này khác với bản dịch tiếng Việt có trên thị trường hiện nay.
Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời
1. Công việc
Trong phần này, Meg Jay lần lượt giới thiệu những câu chuyện thật về khách hàng đến tìm cô để tư vấn tâm lý. Chúng ta gặp Helen, cô gái cho rằng mình đang có “identity crisis” (khủng hoảng bản ngã). Ở tuổi 27, Helen vẫn làm những công việc bán thời gian không liên quan đến ngành học, sống một cuộc sống không có định hướng, chờ một ngày nào đó cô sẽ “thức tỉnh” và trưởng thành một cách thần kỳ. Chúng ta cũng gặp Ian – một chàng trai trẻ lấy ví dụ tuổi 20 của mình như một đại dương lớn, nơi anh có thể bơi đến mọi nơi, cũng có thể không bơi đến một nơi nào. Vì thế, Ian chọn không làm gì cả, anh “lững lờ” nghĩ về một ngày sẽ tìm ra “công việc trong mơ” của mình. Chúng ta cũng gặp cả Talia, một cô gái thường xuyên lo lắng về tương lai của mình, nhất là khi so sánh với cuộc đời của bạn bè trên Facebook; Talia không ngừng nghĩ tuổi 20s của mình đáng ra phải đẹp hơn nữa, phải là cơ hội để tìm lại bản thân như nữ chính trong cuốn sách nổi tiếng Ăn, Cầu Nguyện, Yêu. Cùng theo dõi quá trình hỏi-đáp, diễn giải, đặt lại vấn đề giữa tác giả (dưới cương vị nhà tư vấn tâm lý) và 3 nhân vật, người đọc tìm hiểu tận cùng lý do tại sao những người tuổi 20s có những khủng hoảng, hoang mang như vậy về tương lai. Người đọc cũng chứng kiến được quá trình 3 nhân vật thay đổi, dũng cảm bước ra “thế giới thực” để tìm lấy cơ hội công việc, đưa ra những quyết định quan trọng, và dần khẳng định bản ngã của mình.
Tôi thích cách cuốn sách bắt đầu bằng một chương viết về công việc bởi vì đây là thứ mơ hồ nhất, bấp bênh nhất, và khó nắm bắt nhất đối với những người mới vào đời. Đối với đa số những người ở tuổi 20s, công việc không chỉ là một thứ họ làm cho có tiền sinh hoạt qua ngày, mà công việc còn là sự khẳng định về bản ngã, tự tin, ước mơ, và hoài bão của tuổi trẻ. Nhưng đôi khi, chính những người trẻ lại không biết ước mơ của mình là gì. Vì lạc lối trong niềm tin mơ hồ mà phim ảnh, tiểu thuyết vẫn huyền thoại hoá: “Theo đuổi ước mơ!”, “ Để mơ ước chỉ đường cho bạn!”, nhiều người chọn không-làm-gì-cả với tuổi 20s của mình. Cá nhân tôi từng gặp 2 tuýp người như vậy. Tuýp thứ nhất là những người coi 20s là tuổi để khám phá bản thân, sống gấp, họ lo sợ đến năm 30s, 40s mình sẽ không còn cơ hội nữa. Vì vậy họ chọn không đi làm những công việc ổn định mà dành toàn bộ tiền và thời gian để du lịch, nghỉ ngơi, trải nghiệm. Tuýp thứ hai là những người quá kỳ vọng vào cái gọi là “công việc trong mơ”, cho rằng mình phải làm đúng đam mê (nhưng chưa rõ đam mê là gì), thà ở nhà thất nghiệp còn hơn là bắt đầu làm ở những vị trí thấp, làm trái ngành, hoặc được giao những việc “không xứng tầm”. Cả hai lối sống này đều không có gì là sai cả, tôi hoàn toàn ủng hộ những người tuổi 20s xây dựng hoài bão lớn và dành sức trẻ để trải nghiệm. Tuy nhiên, nếu những mơ ước và trải nghiệm ở tuổi 20s này không có gì liên quan đến công việc bạn muốn làm ổn định ở tuổi 30s, sẽ rất khó để có thể tìm được một công việc tốt sau này. Nói như Meg Jay, không có nhà tuyển dụng nghiêm túc nào về đồ hoạ lại bắt đầu cuộc phỏng vấn với câu: “Bạn hãy kể cho tôi kinh nghiệm làm trông trẻ của mình?” – tất cả những kinh nghiệm làm việc liệt kê trong C.V. phải cho thấy rằng bạn đã có sự chuẩn bị cẩn thận, về cả kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm, thông qua kinh nghiệm làm việc từ những vị trí nhỏ nhất.
Nhưng phải làm sao nếu bạn vẫn chưa biết mình thích gì? không biết mình có thể làm gì trong tương lai? Câu trả lời của Meg Jay (và của cả tôi) là: “Hãy cứ bắt đầu một công việc nghiêm túc!”. Nếu có điều gì tôi học được từ những năm đầu của tuổi 20s, đó là công việc mở ra công việc, cơ hội chắp nối cơ hội, đam mê nảy sinh từ quá trình làm việc không ngừng. Bạn trẻ đừng nên nghĩ rằng mình cứ đi học, cứ ra trường, rồi cứ ngồi không đó một ngày đẹp trời “đam mê” sẽ từ đâu bay đến và một công việc ưng ý sẽ đột nhiên rơi trúng đầu. Không có đâu bạn ạ! Chỉ có một số ít những người may mắn biết được đam mê của mình là gì từ nhỏ, còn đại đa số chúng ta đều phải vượt qua trải nghiệm cuộc sống, lao động thực sự, phong ba bão táp mới tôi luyện được con người. Chỉ qua trải nghiệm, ta mới biết mình thích gì-không thích gì, giỏi cái gì-kém cái gì, và nên làm gì cho tương lai. Nếu bạn có lờ mờ ý tưởng thích làm việc nào đó trong tương lai, hãy tìm chính xác công việc đó, nộp đơn làm việc cho vị trí đó, và bắt đầu làm thử (kể cả không lương, tình nguyện, hay thực tập cũng được) để biết thực tế công việc ra sao. (Học Hoàng Minh Trang ở “7 công việc trong vòng 4 năm” để biết bạn này làm thử việc như thế nào). “Công việc trong mơ” có tồn tại hay không, tất cả phải qua trải nghiệm thực tế; còn nếu đã thử nhiều năm nhưng không tìm được, tại sao bạn không tự tạo ra “công việc trong mơ” cho riêng mình?
2. Tình yêu
Meg Jay bắt đầu phần “Tình yêu” bằng một cuộc trò chuyện nghiêm túc về hôn nhân. Cuộc trò chuyện này nghiêm túc đến mức, tôi cảm giác như bạn đọc nào chưa lập gia đình hoặc đang bế tắc trong vấn đề tình yêu sẽ cảm thấy hơi khó chịu, thậm chí hơi “sợ” nữa. Nhưng vì là một người đã kết hôn, tôi cảm thấy đây là những điều mà tôi ước mình đọc được 5-7 năm trước – nó có thể đã giúp tôi từ chối sớm những mối quan hệ không có tương lai và đến được sớm hơn với những mối quan hệ nghiêm túc.
Kết hôn là một trong những thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời vì có quá nhiều thứ gói gọn trong đó. … Chỉ với một quyết định, bạn sẽ chọn người đồng hành với mình trong mọi mặt của quãng đời trưởng thành. Tiền bạc, công việc, lối sống, gia đình, sức khoẻ, thú vui, hưu trí, và thậm chí cái chết đều trở thành một cuộc đua ba chân. Hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc đời bạn sẽ đều hoà quyện với hầu hết mọi khía cạnh của bạn đời của bạn. Và hãy đối mặt với một sự thật rằng, nếu mọi việc không thành, bạn cũng không thể xoá bỏ một cuộc hôn nhân đổ vỡ ra khỏi sơ yếu lý lịch của mình như một công việc thất bại. Thậm chí khi đã ly hôn, hai người vẫn có thể bị ràng buộc mãi mãi, về tài chính và hậu cần, mỗi khi cả hai trả học phí cho con và gặp nhau mỗi cuối tuần để đón con. (Meg Jay, “The Defining Decade”, p. 72).
Thật vậy, kết hôn là một quyết định rất lớn và có ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống sau này. Nhưng nhiều người tuổi 20s không hiểu rằng, để có một cuộc hôn nhân tốt đẹp ở tuổi 30s, chúng ta phải bắt đầu tìm kiếm và chọn lựa bạn đời từ những năm 20s. Và có rất nhiều yếu tố ngoài tình yêu chúng ta cần phải cân nhắc để xem có đi đến được hôn nhân lâu dài hay không (như mẹ tôi thường nói: “Hôn nhân là dựa trên tình yêu và cộng…cộng…”).
Trong chương này, Meg Jay viết về Emma, một nữ khách hàng có tuổi thơ buồn vì bố mẹ chia tay. Trong những năm 20s, cô chọn bạn trai khá tuỳ ý, và cũng không cân nhắc nhiều lắm về gia đình bạn trai. Emma nói: “Tôi không thể kỳ vọng bố mẹ bạn trai mình hoàn hảo được. Bố mẹ tôi cũng chẳng hoàn hảo gì” và “Bạn không chọn được gia đình cho mình mà chỉ chọn được bạn bè thôi”. Nhưng Meg Jay đã kiên trì chỉ cho Emma thấy rằng, nếu chọn được bạn trai (và bố mẹ bạn trai) phù hợp, Emma sẽ có được gia đình thứ hai (gia đình riêng của cô) hạnh phúc sau này. Ngược lại, nếu cứ “nhắm mắt chọn bừa” Emma sẽ có thể tiếp tục bi kịch gia đình mà cô từng chứng kiến thời thơ ấu. Meg Jay cũng giải thích rằng, những khách hàng có gia đình đổ vỡ thường muốn có người yêu/bạn đời nhanh chóng vì họ thèm cảm giác yêu thường mà mình từng thiếu thốn. Nhưng đôi khi vì quá khao khát tình yêu, những người này dễ đưa ra quyết định sai lầm về hôn nhân. Tôi thực sự đồng cảm với điều này. Tôi từng chứng kiến hai người bạn gái thân của mình đi đến quyết định hôn nhân vô cùng chóng vánh, chỉ vì “mình không thể chịu nổi ở chung với bố mẹ đẻ thêm được một năm nào nữa” và “mình có vẻ ‘bắt nạt’ được anh ấy nên chắc chúng mình sẽ không cãi nhau nhiều như bố mẹ mình”. Thời đó, chúng tôi đều quá trẻ và thiếu kinh nghiệm để biết được tình yêu đính thực là gì, kết hôn sẽ ra thế nào. Và cứ thế, tôi mơ hồ, lúng túng, trân trân nhìn bạn mình cưới hỏi, dọn về nhà chồng, khóc hết nước mắt một năm đầu kết hôn, rồi lại gạt nước mắt dọn ra khỏi nhà chồng. Hai cuộc hôn nhân kết thúc cũng chóng vánh như khi nó bắt đầu. Mỗi lần nghĩ về chuyện này, tim tôi lại thắt lại, ước gì chúng tôi đọc được chương sách này từ những năm tháng ngơ ngác đó.
Chương này cũng viết về mối quan hệ giữa Eli và bạn gái – hai người hẹn hò với nhau vì có nhiều điểm tương đồng như cùng đẳng cấp xã hội, cùng quan điểm chính trị, nhiều bạn bè chung, … – họ sống với nhau ổn nhưng không hạnh phúc. Meg Jay giải thích rằng thông thường các cặp đôi tìm đến với nhau vì có những điểm tương đồng rõ ràng, nhưng vấn đề ở đây là, không phải điểm tương đồng nào cũng đảm bảo cho một mối quan hệ bền chặt. Có rất nhiều người giống nhau về mọi thứ thuộc về bề nổi, nhưng lại khác nhau về chiều sâu như quan điểm về hôn nhân, đời sống nội tâm, tính cách… Những sự khác biệt về chiều sâu này, nếu không có tin tưởng, thoả hiệp, và thay đổi, chúng rất dễ dẫn đến đổ vỡ trong hôn nhân. Meg Jay đưa ra một bảng phân chia nhân cách, gọi là 5 Điều Lớn (The Big Five) để người đọc tự đối chiếu và tự đánh giá sự hoà hợp về chiều sâu giữa mình và đối tượng hẹn hò/kết hôn. Tôi nghĩ đây là một bảng “trắc nghiệm” tốt để chúng ta nhìn lại mối quan hệ hiện tại của mình hoặc chủ động tìm được đối tượng tương đồng tốt hơn trong tương lai. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của mình, tôi khuyên bạn đọc chỉ xem đây như một nguồn thông tin tham khảo, không phải cứ tìm được đích xác người nào hoà hợp với mình trên cả 5 điểm mới có thể đi đến kết hôn. Tình yêu bền vững, theo quan điểm của tôi, là khi bạn chấp nhận được điểm yếu, sự khác biệt của đối phương. Nếu có những điểm khác biệt mà bạn chấp nhận được, cảm thấy đó là có thể là nét “bù trừ” cho mình, tôi nghĩ bạn hoàn toàn có thể tiến đến mối quan hệ lâu dài (nhưng đừng quên là mình luôn phải ghi nhớ và dung hoà sự khác biệt đó). Còn nếu có những điểm khác biệt mà bạn không thể chấp nhận được, cảm thấy mỗi lần nét tính cách này của đối phương nổi lên là không thể kiềm chế được mình, bạn nên cân nhắc dừng mối quan hệ khi còn chưa quá sâu sắc.
Chương sách này làm tôi tủm tỉm nhớ lại kỷ niệm “hẹn hò” thời còn nhí nhảnh với một bạn có tính cách gần như giống hệt tôi (cả về bề nổi lẫn chiều sâu), bố mẹ tôi cũng rất quý bạn ấy, nhưng tôi luôn cảm thấy giữa chúng tôi chỉ hơn tình bạn một chút xíu. Một lần, có người anh họ bắt gặp tôi đang đi ăn quà vặt với bạn ấy ngoài đường và trêu: “Này, thế bao giờ hai đứa chính thức đấy?”. Một câu hỏi bâng quơ thế thôi mà không hiểu sao làm tôi rùng mình. Tôi có thể thấy mình đi chơi, đi ăn vặt, đi xem phim với bạn ấy bao nhiêu lần cũng được, nhưng cứ hình dung ra cảnh tôi và bạn ấy lấy nhau, nấu cơm cho nhau ăn, cùng nhau xây dựng gia đình là tôi muốn…ói – Tôi cảm thấy như mình đang kết hôn với chính mình vậy. Một suy nghĩ trẻ con sượt qua đầu thế thôi, nhưng cũng đủ để tôi nhận ra và thẳng thắn dừng mối quan hệ này trước khi đi quá xa. Giờ thì cả hai đều có nơi, có chốn rồi 🙂
3. Trí não và cơ thể
Phần này bắt đầu bằng một câu nói của nhà triết học Søren Kierkegaard: “Life can only be understood backward, but it must be lived forward” (Tạm dịch: Cuộc đời chỉ có thể hiểu được khi bạn nhìn lại, nhưng bạn phải sống về phía trước), có nghĩa là bạn vẫn phải sống tiếp (mặc dù chưa chắc hiểu được hết ý nghĩa của việc mình đang làm như thế nào, tương lai của mình sẽ ra sao) để rồi một thời gian qua đi, bạn nhìn lại và nhận ra: “À, ra thế… Những việc mình làm ngày xưa có ý nghĩa cho tương lai của mình như thế…”. Có thể nói, câu châm ngôn này thể hiện toàn bộ nội dung của blog The Present Writer – nơi tôi viết về những gì mình học được từ trải nghiệm trong quá khứ (understood backward) và những gì tôi đang làm trong hiện tại và dự tính cho tương lai (lived forward).
Thông điệp của phần này có thể gói gọn trong hai từ “thời gian” và “thời điểm”.
Meg Jay giải thích, tuổi 20s là khi não bộ của chúng ta còn chưa thật sự ổn định, nó sẽ được nhào nặn tuỳ từng hoàn cảnh, từng trải nghiệm, và từng con người ta gặp. Vì vậy, tuổi 20s là lứa tuổi tuyệt vời nhất để học – học kiến thức, học kỹ năng, và học về cuộc sống. Đừng để uổng phí những năm tuổi 20s vì khi sang tuổi 30s, 40s, não bộ ta đã vững chắc, nhân cách ta hoàn toàn hình thành – khi đó, rất khó để tạo ra những thay đổi lớn về nhận thức và trí tuệ. Đừng nên bỏ phí một giây, một phút nào của tuổi 20s, hãy liên tục học hỏi, liên tục cọ xát với cả thành công lẫn thất bại, đừng ngại thử thách. Hãy sống một cuộc đời tuổi 20s sôi nổi mà khi nhìn lại, ta không phải cúi đầu hối tiếc về bất kỳ điều gì. Thời điểm là vô cùng quan trọng!
Nhưng thời gian cũng “phũ phàng” không kém. Meg Jay viết, rất nhiều người tuổi 20s, thậm chí 30s nói với cô là họ còn rất nhiều thời gian – còn quá trẻ để suy nghĩ về tương lai, về công việc ổn định, về kết hôn và sinh con. Nhưng nếu ngồi lại nghiêm túc, cùng tính toán về thời gian, họ sẽ ngỡ ngàng nhận ra mình không còn nhiều thời gian như tưởng tượng. Những người trẻ thường gặp phải một vấn đề mà các nhà khoa học gọi là “present bias” (tạm dịch: thiên lệch về hiện tại), có nghĩa là nếu đang ở trong hiện tại trẻ trung, chưa trải qua nhiều mất mát, con người có xu hướng ít nhìn xa trông rộng, tính toán cho tương lai. Ví dụ như, có những chuyện cần phải bắt đầu từ sớm như tiết kiệm tiền hay làm bảo hiểm (thời gian càng dài thì vốn liếng tích luỹ, lợi ích từ bảo hiểm càng cao) nhưng ít người trẻ làm vì cho rằng đây là những điều quá xa vời. Meg Jay cũng đưa ra những ví dụ về sinh học như việc sinh con ở phụ nữ, mặc dù hầu hết mọi người biết rằng sau 35 tuổi khả năng sinh nở của người phụ nữ sẽ giảm xuống rõ rệt, nhiều người không tính toán trước là nếu muốn sinh con an toàn trước tuổi 35, họ phải bắt đầu hẹn hò từ những năm 20s, kết hôn muộn nhất vào đầu tuổi 30s, và có kế hoạch sinh con ngay sau khi cưới. Vì vậy, nếu bạn có kế hoạch gì lớn cho tương lai, cần phải lên kế hoạch ngay và làm từ bây giờ!
Phần này làm tôi nhớ tới những lời “nhắc nhở” thường trực của các bà, các mẹ Việt Nam như: “Phải bắt đầu chắt chiu, dành dụm, quán xuyến tiền nong từ bây giờ đi!”, “Bao giờ thì mới lấy chồng?”, hay “Thế đã ‘có gì’ chưa?” Bản thân tôi thường cảm thấy không thoải mái khi phải nghe quá nhiều những câu này. Nhưng mặt khác, những lời nhắc này có thể giúp các bạn trẻ Việt Nam tránh present bias và luôn ý thức chuẩn bị cho tương lai. Tất nhiên, nói cái gì quan trọng bằng nói như thế nào. Có thể cũng một nội dung nhưng cách truyền tải có phần áp đặt của người lớn ở Việt Nam khó có thể để cho những người trẻ nghe và chấp nhận ngay được. Trong khi đó, Meg Jay viết sách bằng tất cả sự tôn trọng cho tuổi 20s, đưa ra chứng minh khoa học, luận cứ rõ ràng, dễ thuyết phục hơn nhiều đối với người đọc trẻ. Cuốn sách này, vì thế, là một món quà tuyệt vời để các bậc phụ huynh tặng cho con mình như một hình thức giáo dục nhẹ nhàng.
Đánh giá chung
1. Điểm cộng
- Đây là một cuốn sách được viết kỹ lưỡng, giàu thông tin, mang tính truyền cảm hứng cao cho những người trẻ.
- Mặc dù mang nhiều nội dung học thuật, các viết của tác giả rõ ràng, dễ hiểu, khiến người đọc thông thường cũng có thể tiếp cận được.
- Người đọc có thể học thêm kỹ năng trò chuyện/phỏng vấn bằng việc quan sát cách Meg Jay đặt câu hỏi, lắng nghe, và truyền cảm hứng cho các khách hàng của mình.
2. Điểm trừ
- Đây là một cuốn sách viết cho đối tượng độc giả Mỹ nên có thể, một số liên hệ về văn hoá, tâm sinh lý khác với các bạn trẻ Việt Nam. Nhưng sự khác biệt này, theo tôi, không quá lớn.
- Đây không phải là một cuốn sách dễ đọc – nó hàm chứa nhiều thông tin, học thuyết, tình huống phức tạp. Theo tôi, bạn đọc nên dành thời gian đọc kỹ, tra cứu các nguyên lý/học thuyết bằng tiếng Anh (nếu đọc bản dịch tiếng Việt) để hiểu rõ nội dung sách. Nếu cảm thấy khó tập trung khi đọc, bạn nên gạch chân, ghi chú thường xuyên, liên tục tìm mối liên hệ với bản thân để duy trì cảm hứng đọc. Bạn có thể tham khảo phương pháp đọc của tôi ở đây.
Tôi hy vọng bài viết hữu ích cho những người quan tâm đến cuốn sách này và đề tài về tuổi 20s. Đừng quên xem lại những trích đoạn ngắn tôi thu thập và dịch lại từ sách (link) và chia sẻ với tôi suy nghĩ của bạn về những năm tháng tuổi 20s của mình.
Sách hiện có bản tiếng Việt và tiếng Anh
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
AnAn says
Hi chị Chi,
Quyển sách này của chị đến khi mà em đang ở đoạn cuối của những khủng hoảng trong một thời gian dài. Em cảm thấy có lẽ mình sắp vượt qua rồi. Và quyển sách này em tin thực sự sẽ là một lời khuyên tốt cho em vào thời điểm này. Em cảm thấy như muốn chạy ra hiệu sách mua ngay^^
Em cảm ơn chị vì bài viết hữu ích
Chúc chị một ngày tốt lành (theo giờ Việt Nam hi hi)
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết. Chị rất vui vì em thấy review này hữu ích!!! Sách ở Việt Nam thì chị thấy các bạn comment trên Facebook là không còn bán nhiều nhưng có bán ebook tiếng Việt trên mạng. Nếu em đọc được tiếng Anh thì trên Amazon cũng có bản Kindle nữa. Chúc em sớm vượt qua thời kỳ khó khắn
Minh Trang says
Cám ơn chị Chi vì bài viết. Em cũng đang trong tuổi 20s với nhiều khủng hoảng ở tất cả các vấn đề chị nêu trên, em sẽ tìm đọc sách này xem sao ạ.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết! Hy vọng cuốn sách này sẽ giúp được em
Thúy Ngô says
Quyển sách này là cứu tinh cho tư tưởng của em sau gần 2 năm lạc lối. Em cũng đã đọc lại vài lần và ghi chú trong quá trình đọc nhưng hôm nay đọc bài viết của chị em mới biết mình đã đọc hời hợt ra sao. Một phần lí do có thể giải thích là vì em còn chưa đủ trải nghiệm, phần khác là em đọc sách chưa hiệu quả (cách chị tóm tắt và review sách hay quá chừng). Cám ơn bài viết cùng những chia sẻ của chị, chắc em sẽ đọc lại lần nữa. 🙂
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết! Chị đọc quyển này ít nhất 2 lần. Lần đầu là khoảng 1 năm trước thì cũng thích, nhưng không có nhiều liên hệ lắm. Sau 1 năm nhiều biến cố, chị đọc lại và thấy có nhiều điều mình “vỡ” ra được hơn nên mới quyết định viết review này 🙂
Mark Tuyen says
Cảm ơn chị đã chia sẻ những điều sẽ giúp ích cho rất nhiều người.
Hiếu Béo says
Cảm ơn chị bài viết hay quá ạ. Em ra nhà sách Nhã Nam mua luôn mới được (đã ra tìm thử trước và vẫn còn, nhưng hôm trước em chưa đọc hết bài review này nên chưa mua), em cũng đang gặp nhiều vấn đề trong tuổi 20s.
Khánh Linh says
Cảm ơn chị về bài viết ạ, em năm nay vừa tròn 20 rất mông lung về mọi mặt, cuốn sách chị gợi ý là một tia sáng trong tương lai vô định phía trước, em sẽ về tìm đọc ngay ạ
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết. 20 tuổi thì tất nhiên là phải mông lung rồi – em đừng quá lo nhé. Chị nghĩ cuốn sách sẽ rất hợp với em
Thu Thao says
Em cảm ơn tất cả những gì chì đã đề cập trong bài viết.Trong công việc của em, em nhận được offer này rất tình cờ, và dù em không yêu thích công việc, nhưng em đã gắn với nó được hơn 2 năm, đã học hỏi, đã tích cực học tập và hoàn thành công việc và trách nhiềm rồi. Tuy nhiên khi nghĩ về tương lai, em lại thấy mọi thứ mông lung như trò đùa. Vì em chưa rõ em là em muốn làm gì. HIện tại em muốn tham dự vào các chương trình hoạt động tình nguyện và có cơ hội làm việc ở nước ngoài ngắn ngày, như chị đã tham gia tại Đài Loan, hoặc chị Trang tham gia chương trình Work and Travel. Chị có thể gợi ý cho em một số nguồn, trang web để tham dự vào những chương trình này có được không ạ. Em cảm ơn chị.
Chi Nguyễn says
Chào em! Cảm ơn em đã đọc bài viết. Nếu em còn mông lung về tương lai thì đi du lịch có ý nghĩa/du lịch tình nguyện hay làm các dự án ngắn ngày là rất tốt để được truyền cảm hứng. Chị cũng lâu rồi không tìm cơ hội trên mạng nên cũng không rõ cụ thể trang nào. Trước đây chị hay đi làm cho tổ chức Tình Nguyện Vì Hoà Bình (Volunteer for Peace Vietnam). Em có thể tìm trên mạng các từ khoá về tình nguyện, exchange, work and travel, short courses …
Jessie Tran says
Chào chị Chi,
Em tên Bảo Ngọc, em theo dõi blog chị một thời gian đã lâu nên mới đủ can đảm viết comment này để thể hiện lòng biết ơn của em với chị. Em năm nay 23 tuổi, mới ra trường và đi làm được 1 năm. Lúc mới đi làm em bị khủng hoảng kinh khủng vì không thích ứng kịp với môi trường, nhịp độ công việc và bị áp lực vì không đạt được expectation của sếp. Tình cờ em biết đến blog của chị, đọc những bài viết của chị, em thấy hình ảnh mình trong đó, các chia sẻ, gợi ý của chị đã giúp em nhìn nhận lại bản thân, vấn đề và tìm cách giải quyết chúng. Đến bây giờ em vẫn còn cảm thấy may mắn vì đã đọc blog của chị nếu không chắc em cứ sống mãi trong bế tắc và không thể thoát ra được nỗi mặc cảm tự ti đó. Và hôm nay em lại đọc lại bài viết này trong lúc lạc lối và loay hoay tìm việc, nhưng lại em cảm thấy như mình đã tìm được ánh sáng soi đường và dẫn dắt mình theo con đường mình muốn trở thành. Thật sự cảm ơn chị, all the best wishes to you. Hy vọng chúng ta sẽ có dịp gặp nhau và trò chuyện trong tương lai.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em vì đã ghé blog và gửi một comment chân thành như thế này cho chị. Nhiều khi chị cứ chăm chỉ viết nhưng không biết có tác động được đến cuộc sống của ai không. Mỗi lần đọc comment như thế này chị lại thấy vui hơn và có thêm cảm hứng viết. Cảm ơn em!
Hoàng Quân says
Chào chị,
Cảm ơn vì chị không chỉ giới thiệu cuốn sách này cho những người chưa đọc, mà còn tóm tắt một vài ý tưởng của tác giả cho những người đã đọc. Em cũng đang đọc cuốn này tuy nhiên ở bản tiếng việt có 1 phần ” Tính chuyên chế của những lời khuyên” thật sự em không thể hiểu được ý tưởng và khái niệm mà tác giả muốn truyền tải trong phần này. Chị có thể giải thích một vài ý cho em về phần này không ạ? Cảm ơn và chúc chị nhiều hạnh phúc.
Chi Nguyễn says
Chào Quân, chị chỉ có bản tiếng Anh và đã xem lại nhưng vẫn chưa tìm thấy phần nào có tên là “tính chuyên chế của những lời khuyên” như em nói. Em có thể chỉ rõ hơn cho chị là phần này ở đầu mục lớn nào và nói về những ý cơ bản gì để chị thử đọc lại rồi trả lời em được không?
Hoàng Quân says
Vâng. Nó nằm ở trong mục “Trên Facebook, cuộc đời tôi phải trông tốt đẹp hơn” của chương ” Công Việc” chị ạ. Bản tiếng việt em đang có được dịch đầy đủ là “Tìm kiếm danh vọng và tính chuyên chế của những lời khuyên”. Cảm ơn chị đã phản hồi.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã “định vị” cho chị. Chị đã tìm được đoạn em nói. Chị nghĩ bản tiếng Việt đã dịch không chuẩn khiến cho em cảm thấy khó hiểu. Tiếng Anh phần này là: “The search for glory and the tyranny of the should”. Chị hiểu nghĩa là: Sự tìm kiếm cái huy hoàng và tính ép buộc/chuyên chế của cái gọi là “nên làm”. Phần này tác giả nói rằng những người trẻ rất hay bị ảnh hưởng của bạn bè (nhất là qua mạng xã hội sống ảo) để so sánh với bản thân là cuộc đời mình phải huy hoàng thế này, mình “nên làm” những điều kia. Nhưng tác giả viết, những cái “nên làm” (the shoulds) khác với mục tiêu (the goals). Nên làm là tiêu chuẩn xa vời, soi xét đánh giá mình với người khác. Bạn mình đi du lịch nước ngoài thì mình cũng nên đi du lịch nước ngoài chẳng hạn. Còn mục tiêu là những kế hoạch rõ ràng, tự mình lập ra mà không chịu ảnh hưởng của ai khác để thực hiện ước mơ của mình. Ví dụ, nếu ước mơ của mình là du lịch toàn thế giới thì hôm nay mình phải làm gì, tiết kiệm như thế nào, đi học thêm ngoại ngữ ở đâu để đạt được mơ ước. Cái “nên làm” nhiều khi còn là việc xã hội áp đặt cho mình nữa. Ví dụ, phụ nữ nên sống vì gia đình chứ không vì bản thân, người trẻ nên trải nghiệm bằng mọi giá (yolo!), đàn ông nên có tiếng nói lớn hơn phụ nữ … Nhưng thực tế, cuộc đời của mình là do mình quyết định. Tác giả khuyên không nên quá tập trung vào cái người ta nói là mình “nên làm” mà cần tìm ra con đường đi đúng nhất cho mình.
Hoàng Quân says
Em rất cảm ơn chị vì đã giải thích giúp em thấy được giá trị của phần này. Quả thật chỉ cần định nghĩa được cái tiêu đề thôi thì mình cũng đã nắm bắt được một phần phương hướng mà tác giả muốn chuyền đạt. Chị trình bày cách hiểu rất rõ ràng. Chị có dịch thử quyển sách nào sang tiếng Việt chưa ạ? Nếu có chắc nó sẽ mang lại cho chị nhiều niềm vui vì những kiến thức chị có được và chia sẻ với mọi người. Cảm ơn chị đã giúp em. Chúc chị ngày vui 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em. Chị thực sự rất ngại khoản dịch :). Tại vì chị học chuyên ngành bằng tiếng Anh chứ không học khoa Tiếng Anh. Nên chị làm tiếng Anh ứng dụng thôi chứ để dịch thì phải học cách dịch rồi tập tính kiên nhẫn ghê lắm. Chị rất hâm mộ những người bạn và đồng nghiệp mình giờ làm dịch giả. Tiếc là có vẻ cuốn Tuổi 20 dịch chưa thực sự sát. Dịch là một kỹ năng vô cùng khó.
Mai Anh says
Cảm ơn vì những gì chị đã chia sẻ. Chị giống như một người chị đầy nhiệt huyết và luôn truyền cảm hứng cho em mỗi khi em cảm thấy chênh vênh. Thật sự biết ơn 🙂
Đỗ Văn Thuận says
Rất cảm kích vì những chia sẻ cực kì quý báu và giá trị của chị. Mong rằng nội dung này sẽ đến được hết các bạn trẻ hiểu tiếng Việt :). (Em sẽ góp chút sức mọn của mình để lan truyền điều đó). Chúc chị và gia đình thật nhiều sức khỏe, giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết để đóng góp những điều quý giá cho mọi người.
Dũng Nguyễn says
Cảm ơn bài này của chị! Thực sự là em đã có tìm mua bản Tiếng Việt nhưng không thể tìm thấy, có lẽ bán hết mà chưa có tái bản chị ạ. Khá buồn. Mong tương lai tái bản lại.
Độc giả says
Thật bất ngờ rằng em biết đến quyển sách này qua video trên kênh YouTube của chị khi em cũng đang ở trong những năm tháng của tuổi 27 và thật may mắn sao, em không chỉ xem video mà click vào link review sách của chị và đọc được những dòng viết sâu sắc đến vậy. Có rất nhiều câu hỏi mà chính bản thân em hiện giờ cũng đang loay hoay mơ hồ và đi tìm câu trả lời. Em sẽ đọc sách và ngâm cứu thật kỹ, đối chiếu với bản thân để có những hành động hướng đi xứng đáng cho tuổi 20s còn lại. Mong rằng em của tuổi 34 sẽ giống chị hiện tại – trọn vẹn và thành công với cuộc sống, ước mơ của mình.
Anonymous says
quá hay ạ, em phải bookmark luôn bài viết này của Chị Chi chị ạ, tâm lý học là môn em nghiên cứu từ lúc sinh viên đến khi ra trường đi làm, mặc dù em tìm hiểu theo hướng nghiệp dư thôi, nhưng vì thích thú khi mình soi chiếu vào con người mình, em cũng vừa thử google xem “bác sĩ tâm lý khác nhà tâm lý học như thế nào” kaka =)))))
P/S: em lê la từ youtube, spotify, rồi đến kênh blog này của chị chị ạ!