Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 29/05/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer từ Hội An🎋,
Mình đã ở Hội An viết sách được 10 ngày. Quá trình viết tập trung này giúp mình có được khá nhiều “breakthrough” (đột phá?) quan trọng trong tư duy mà khi viết ở nơi quen thuộc, trong nhịp sống thường nhật mình khó mà có được. Nhưng mình sẽ dành lại để kể những breakthrough này trong cuốn sách sắp tới nhé 😉 (cập nhật dự án sách ở đây).
Trong bản tin tuần này, mình muốn kể một bài học ngoài lề dự án sách nhưng cũng là một “breakthrough” nho nhỏ của mình thời gian gần đây:
Mọi người có hay xem nội dung ngắn trên YouTube Shorts hay TikTok không?
Có một thực tế thú vị là rất nhiều video mới được thuật toán mạng xã hội đẩy lên dựa theo vị trí địa lý của người xem. Ví dụ như khi mình ở Mỹ thì đa số các video hiện lên là bằng tiếng Anh, hoặc bằng tiếng Việt nhưng về những chủ đề du học/sống ở nước ngoài của các bạn sống ở Mỹ. Nhưng khi mình về Việt Nam thì trang mạng xã hội của mình tràn ngập video của các creator ở Việt nam, với rất nhiều chủ đề đa dạng về cuộc sống, ẩm thực, du lịch, tài chính…
Do vậy, mình có những khoảnh khắc “ố á” kiểu như: “Ồ, ở Việt Nam giờ đang có trend này hả?”, “Các bạn Việt Nam edit video kiểu như này á?”, “Cái từ này cũng tiếng Việt mà sao nghe lạ quá?” OK, OK, ngoài kiểu ngơ ngác rất “Việt Kiều” ra thì mình còn là một “bà già 8x” nên não mình cần một thời gian nhất định để “load” những gì các bạn GenZ đang nói và làm ở Việt Nam 😅
Phản ứng đầu tiên của mình là gì các bạn biết không? Ghen tỵ 😭
Trùi ui, mấy bạn trẻ Việt giờ giỏi quá chừng! Video lên với tốc độ vũ bão (có bạn ngày lên vài video liền), kỹ năng edit cao—dùng nhiều màu sắc, âm thanh, zoom vào ra liên tục để hút người xem, chịu khó thay đổi góc quay thường xuyên, nội dung cũng được đầu tư tốt, tiếng Anh nói rất hay…
Nhìn người lại ngẫm tới ta 🥲, mình làm video tới nay được 4 năm rồi mà vẫn format y như cũ: video dài, ngồi nói chuyện trực diện, thường chỉ một cảnh quay, edit cũng rất đơn giản, chưa bao giờ theo trend (vì có được xem các nội dung trendy ở Việt Nam đâu mà biết!).
Nghĩ tới khúc này, sự ghen tỵ và tự ti lên cao, mình bấm máy gọi cho ông xã ở bên kia địa cầu, than: “Anh! Anh! Em mới xem video ở Việt Nam thấy các bạn trẻ làm hay quá. Video đổi nhiều góc máy, jump cut liên tục, chữ chạy ra chạy vô, hiệu ứng liên tục vậy em sao làm được!!! Video của mình đâu có đu theo được đà này!” Chồng mình ở đầu dây bên kia chầm chậm cất giọng khàn ngái ngủ lên: “Nhưng mà cái đó đâu phải cái em thích”.
Ờ ha! Đúng là về lý thuyết làm video thì mấy video ngắn kiểu như vậy rất thu hút người xem. Nhưng cá nhân mình—trong khung thời gian rất hạn hẹp sau giờ làm—chỉ thích xem những video format dài, nhiều nội dung bổ ích, với kiểu quay ngồi nói trực diện, edit tối giản, nhẹ nhàng, như kênh Ali Abdaal, Vanessa Lau, Matt D’avella. Và do vậy, một cách rất tự nhiên, mình cũng làm đúng dòng video mà mình thích.
Mình đã từng chia sẻ ở đâu đó là mình làm nội dung với “chiến lược ích kỷ” 😬. Ý là từ ngày thành lập The Present Writer cho tới giờ, mình chưa bao giờ làm “market research” (khảo sát thị trường) hay cũng rất hiếm khi hỏi xem khán giả thích cái gì để mình làm theo cái đó. Mình thường chỉ làm nội dung về những thứ mình thích và cần. Ví dụ:
- Mình đam mê sống tối giản ➡️ Viết “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”.
- Mình cần một công cụ giúp sắp xếp và thực hiện công việc hiệu quả ➡️ Sản xuất sổ “The Present Day planner”.
- Mình muốn tập trung sắp xếp lại các khoản đầu tư, tiết kiệm của gia đình ➡️ Làm chuỗi video tài chính cá nhân.
Cách làm này, tất nhiên, có hạn chế nhất định. Nhưng nó thực sự phù hợp với tính cách và hoàn cảnh của mình—một người hướng nội, sống ở nước ngoài nhưng làm nội dung cho khán giả Việt Nam, làm sáng tạo chỉ là nghề tay trái (nghề tay phải của mình là giảng viên/người làm nghiên cứu khoa học).
Bởi vậy, giây phút “bỗng dưng ghen tỵ” nói trên giúp mình nhận ra một số điểm hay—cho riêng mình—về cách mình làm nội dung:
1- Nội dung mãi xanh (evergreen). Vì không làm nội dung theo xu hướng, tất cả nội dung của mình đều có thể xem ở bất kỳ thời điểm nào, thậm chí xem đi xem lại nhiều lần vẫn có giá trị. Điều này có thể không giúp mình “viral” nhanh chóng hay có lượt view cao từ ban đầu, nhưng sẽ giúp mình có những khán giả trung thành và lượt view tiếp tục theo thời gian, chứ không có bất kỳ “hạn sử dụng” nào cả.
2- Góc nhìn đa văn hóa. Một điều thú vị khi sống và làm việc giữa các nền văn hóa là mình thấy được cùng nội dung đó, xu hướng đó, cách edit đó…nhưng mỗi creator ở quốc gia hay nền văn hóa khác nhau có cách thể hiện khác nhau như thế nào. Nhận định này giúp mình không bị sa đà vào những thứ mà số đông mọi người nhái lại nhau làm (vì thiếu cái nhìn đa chiều) hay tránh được những xu hướng tưởng hay ho ban đầu nhưng chịu “gạch đá” sau đó (do nhạy cảm văn hóa/chính trị/tôn giáo).
3- Luôn “trưởng thành”. Vì mình chỉ làm những gì mà cá nhân mình đang thích và đang cần ở thời điểm đó, nội dung của mình sẽ luôn “đồng hành” cùng với mình. Có nghĩa là, khi mình không ngừng học hỏi, phát triển và trưởng thành hơn, nội dung của mình cũng sẽ không dậm chân tại chỗ mà sẽ luôn phát triển cùng với mình. Khán giả cũng sẽ có trải nghiệm “lớn lên” cùng nội dung mình làm. Trong khí đó, có nhiều creator làm nội dung cho khán giả ở độ tuổi nhỏ (ví dụ: tuổi teen) và luôn phải nghĩ cách “trẻ hóa” bản thân để giữ nội dung ở phân khúc trẻ—đây là điều mà mình thực sự không muốn làm, nhất là khi đã sang tuổi 35.
—
Mình hy vọng là các bạn không chê cười và vẫn nhận được giá trị tích cực từ câu chuyện “bỗng dưng ghen tỵ” này của mình ☺️. Qua đây, mình cũng muốn nói lời cảm ơn các bạn đã theo dõi và ủng hộ mình, mặc dù mình không phải, chưa phải, và sẽ không bao giờ “hoàn hảo”.
✨Hãy nhấn chuyển tiếp email “Bài học thứ Tư” tuần này cho những ai cần nghe thông điệp này nhé!
Be present,
Chi Nguyễn
P/S: “Cộng sự” ngẫu hứng giúp Chi làm nghiên cứu cho cuốn sách thứ hai ở một quán cafe Hội An. Đăng ký email ở đây để nhận cập nhật về sách nha!
GỢI Ý TUẦN NÀY
1- Kênh hài Sài Gòn Tếu. Một điều mình làm vui nhất trong dịp ở Việt Nam lần này là thuật toán đã gợi ý cho mình kênh hài độc thoại của các bạn trong Sài Gòn Tếu. Mình rất hay xem thể loại này ở Mỹ nhưng thực sự đây là lần đầu nghe hài độc thoại bằng tiếng Việt mà thấy hay, thông minh, tếu táo nhưng duyên dáng, lịch sự. Bản diễn hài mình thích nhất là “Em phà ở đâu thế” của Phương Nam vì bạn diễn rất hay và nói lên nỗi lòng của mình khi thường xuyên lạc đường ở Việt Nam 🤣
2- Quán cà phê mình thích ở Hội An. Hội An nhiều quán cà phê xinh xắn nhưng nhiều quán ở phố cổ không có điều hòa mà lại ở hướng nắng chiếu vào nên khó ngồi lâu để làm việc được. Tuy vậy, sau 10 ngày “lang thang dưới nắng Hội An”, mình có gợi ý hai quán cà phê xinh-mát-tĩnh mà mình hay ghé: Hoi An Roastery—84 Trần Cao Vân (đây là chi nhánh mới mở và duy nhất có điều hòa, ở gần tiệm bánh mỳ nổi tiếng Madam Khanh) và Café Slow—Thôn Trà Quế (quán này không có điều hòa nhưng nằm giữa vườn rau xanh mướt nên khá mát, hơi xa trung tâm Hội An xíu).
3- Khóa học từ Coach La Khuê. Nếu bạn muốn học từ “thầy” của mình thì chị La Khuê (Business Coach của Chi) thì ngày 30 & 31/5 này, chị La Khuê có Workshop “Trái Your Brain” về luyện tập não bộ tập trung, giảm lo âu và có tầm nhìn sáng rõ . Mình đã tham gia coach với chị La Khuê từ năm 2022, khi mình mới bước vào con đường kinh doanh nghiêm túc và chị Khuê đã giúp mình chuyển hóa tư tưởng sâu sắc và xây dựng thương hiệu The Present Writer như ngày nay.
4- App MochiMochi: MochiMochi là ứng dụng học từ vựng được rất nhiều bạn trẻ yêu thích với hai bộ môn tiếng Anh và tiếng Nhật. Điểm đặc biệt nhất của app này là được xây dựng theo phương pháp Spaced Repetition (Lặp lại cách quãng) đã được khoa học chứng minh là tốt cho trí nhớ. Ngoài ra, thiết kế app dễ thương, cổ vũ người dùng đăng nhập sử dụng app để học ngoại ngữ. MochiMochi có ưu đãi riêng dành cho cộng đồng The Present Writer: Giảm giá 30% cho cả tiếng Anh và tiếng Nhật.
CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
YouTube – 10 cách nâng cấp bản thân (với chi phí thấp) ✨
✨Glow up✨hay “Dậy thì thành công” là cụm từ mà rất nhiều bạn trẻ dùng để miêu tả quá trình chuyển đổi tích cực của bản thân. Mình từng nghĩ rằng sẽ không bao giờ làm về nội dung này, do đã “quá tuổi” 🙈.
Nhưng tuần này (tuần sinh nhật tuổi 35 của mình 🎂), mình nghĩ nhiều về thời gian mình còn đi học với mụn đầy trán, dáng người còng còng, và cảm giác tự ti thường trực. Video tuần này là một cái ôm gửi tới Chi của 20 năm trước và lời chỉ dẫn cho Chi của 20+ năm tiếp theo tiếp tục hành trình “glow up”✨
🎤 Podcast – Nỗi sợ và lòng tham (tập cuối của Mùa 4 Podcast)
Tại sao nỗi sợ và lòng tham luôn đi cùng nhau? Chúng ta cần làm gì để vượt lên nỗi sợ và tránh khỏi sự cám dỗ, lừa đảo từ lòng tham?
Đây là tập cuối cùng của mùa podcast thứ 4. Mùa tới đây sẽ về chủ đề “Money Trauma” (sang chấn về tiền) và “Financial Wellbeing “ (sức khỏe tài chính). Các bạn đặt câu hỏi cho mùa mới ở đây nha: https://forms.gle/UHuhQu1cigg5qncu9
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email