Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 01/10/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Vài ngày trước, mình có một chuyến bay khá xa, phải nối chuyến ở sân bay San Francisco—một trong những sân bay lớn nhất ở Mỹ. Vấn đề là chuyến bay đầu tiên của mình bị trễ mất gần 2 tiếng vì máy bay cần sửa chữa. Khi máy bay đáp xuống San Francisco, mình chỉ còn chừng 15 phút để tới cổng tiếp theo để bay nối chuyến. Điều đó có nghĩa là mình phải lập tức ra khỏi máy bay và làm cách nào đó để di chuyển nhanh nhất từ đầu bên này tới đầu bên kia của sân bay, chưa kể chặng đường yêu cầu mình phải lên xuống thang máy 2 lần và kéo theo hành lý nặng (1 ba-lô và 1 va-ly kéo).
Khi cô tiếp viên hàng không nhìn thấy tấm vé trong tay mình, cô ấy đã giơ hai tay và kêu lên: “Run! You need to run!” (“Chạy đi! Bạn phải chạy đi thôi!”)
Nghe vậy, câu đầu tiên mình thốt ra (trước khi ba chân bốn cẳng chạy) là: “Gosh! I’m too old for this!” (“Trời ạ! Tôi đã quá già để làm cái việc này!”)
Đúng vậy, mình tưởng những ngày hoảng hốt chạy loạn ở sân bay đã kết lại ở những năm mình 20 tuổi. Từ khi sang tuổi 30, có gia đình và sự nghiệp ổn định, mình đã “đầm tính” lại hơn nhiều: chịu đặt vé giá cao hơn để có thời gian đi lại tốt hơn, đến sân bay sớm hẳn hơn 2 tiếng để nghỉ ngơi, đọc sách, đi lại trong sân bay nhẹ nhàng, điềm đạm… Ồ nhưng không, cuộc đời (hay ở đây là máy bay) luôn có những cú ngoặt bất ngờ khiến mình muốn thanh lịch cũng không được 🫠.
Vậy là mình chạy… Chạy tới mức mồ hôi nhễ nhại, tim đập thình thình, thở không ra hơi… Ban đầu, mình cảm thấy rất bức xúc, mình nghĩ: “Đây hoàn toàn không phải lỗi của tôi! Hãng máy bay đáng lẽ phải đền bù tổn thất thời gian và tâm lý, phải cho tôi phương tiện di chuyển khác chứ tại sao lại bắt tôi chạy như vịt với hành lý như thế này?!”. Nhưng một lúc sau, mình lại cảm thấy… rất là buồn cười í 🤣. Mình thấy mình rất giống cậu bé Kevin trong phim hài “Home Alone 2” (“Ở nhà một mình 2”) khi cậu bé hớt hải chạy trên sân bay rồi lên nhầm máy bay, một mình tới thành phố khác. Nghĩ vậy, mình phì cười.
Và đột nhiên, mình thấy mình… trẻ lại! Mình nhớ lại lần đầu tiên sang Mỹ năm 19 tuổi ngơ ngác với chiếc va-ly “rởm” tới mức nó vỡ tan ngay khi ra khỏi băng chuyền ở sân bay Texas. Mình nhớ lại những lần ngủ gục trên máy bay, khi tỉnh dậy thấy mọi người lục đục lấy đồ, mình tưởng đã tới nơi rồi; hóa ra máy bay còn chưa hề cất cánh do trục trặc và mọi người buộc phải trở lại điểm xuất phát. Mình cũng nhớ hàng chục lần trễ chuyến, lỡ giờ bay, rồi kẹt lại ở sân bay do bão tuyết… Tuổi trẻ của mình thực sự gắn với những chuyến bay. Không phải hành trình nào cũng suôn sẻ nhưng vì mình chịu khó đi, mình luôn tới được nơi mình muốn tới.
Nghĩ vậy, mình cảm thấy vui hơn nhiều. Vẫn mồ hôi nhễ nhại, vẫn tim đập thình thình, và vẫn thở không ra hơi. Nhưng mình kịp chạy tới cửa lên máy bay ngay sát giờ đóng cổng… với một nụ cười ☺️.
Mình nghĩ, đối với hầu hết mọi người, đặc biệt những người xa nhà từ sớm, tuổi trẻ gắn liền với lo toan, khó khăn, vất vả. Nó khó vì ta còn chưa biết hiểu mình là ai, tương lai còn chưa rõ ràng, hiện tại thì không chắc chắn. Nhưng cũng chính vì thế, những kỷ niệm “vụng về” thời trẻ ấy lại trở nên đáng yêu và đáng nhớ hơn khi ta trưởng thành. Và chừng nào, ta còn có thể cười với những tình huống trớ trêu xảy tới trong cuộc đời, chừng đó ta vẫn còn trẻ và vẫn còn sẵn sàng trải nghiệm nhiều lắm.
Chúc bạn một ngày thứ Tư tươi trẻ nhé!
Be present,
Chi Nguyễn
P/S: Bản tin hàng tuần này đã, đang và sẽ luôn được gửi tới bạn hoàn toàn miễn phí. Nếu bạn muốn giúp bản duy trì bền vững, hãy cân nhắc ủng hộ một phần chi phí vận hành, mua sách và sổ của mình, hoặc chia sẻ dự án “Bài học thứ Tư” nhé! Mình thực sự biết ơn sự cổ vũ và động viên của bạn ♥️
GỢI Ý TUẦN NÀY
1. Sách “Authentic Happiness” (“Hạnh phúc đích thực“)—Martin Selignman. Vài tuần nay, mình đang đọc cuốn sách này. Đây là một cuốn sách khoa học về hạnh phúc. Sách được viết bởi GS TS. Seligman, người được xem là “cha đẻ” ngành Tâm lý học Tích cực. Khác với những cuốn sách self-help thông thường về hạnh phúc, cuốn sách này lý giải với dẫn chứng khoa học cho từng luận điểm cụ thể, ví dụ: Tại sao ta cần hạnh phúc? Tính cách nào mang lại hạnh phúc? Tại sao hạnh phúc ở mỗi nền văn hóa có thể khác nhau…
2. Phim Hidden Figures. Một bộ phim truyền cảm hứng kể về đóng góp của ba người phụ nữ da màu đối với những dự án tàu vũ trụ đầu tiên của NASA. Những đóng góp này từng bị ẩn đi hoặc lờ đi trong hàng thập kỷ do các vấn đề phân biệt chủng tộc và giới. Phim rất hay và còn nguyên giá trị về những khó khăn nữ giới gặp phải trong môi trường làm việc còn nhiều định kiến.
CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
🎬YouTube – Thoát khỏi khủng hoảng trong công việc
Video chia sẻ 3 BÀI HỌC đã giúp mình vượt qua những giai đoạn khủng hoảng để thiết lập “trật tự mới” cho sự nghiệp của mình. Đây là video thứ hai trong chuỗi series 3 video về xây dựng sự nghiệp trong mơ.
🎤 Podcast – Mỗi cuốn sách—Mỗi trưởng thành (cùng Tác giả La Khuê)
Nếu như mỗi giai đoạn trong cuộc đời đều là từng chương sách. thì chị La Khuê đã ghi lại 3 chương lớn nhất trong cuộc đời với 3 cuốn sách xuất bản ở cả Việt Nam và nước ngoài. Podcast chia sẻ hành trình viết sách và trưởng thành của chị.
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email