I guess it comes down to a simple choice, really. Get busy living or get busy dying
(Andy Dufresne, Shawshank Redemption)
Tôi đang trải qua một quãng thời gian vô cùng bận rộn. Chà, quả thật là khó khăn khi viết ra câu vừa rồi, nhất là hai từ cuối cùng, “bận rộn”. Đã lâu lắm rồi, có lẽ phải đến hơn 3 năm, tôi không nói và không viết về bận rộn, hoặc ít nhất không đề cập đến nó như cái cách tôi đã từng: than vãn, mệt mỏi, trách cứ người khác, đề cao bản thân. Tôi học cách sống chung với bận rộn, tôi thiết lập một hệ thống chặt chẽ để quản lý thời gian và hiệu suất công việc, tôi sắp xếp thời gian nghỉ rõ ràng để cân bằng cuộc sống, tôi đặt ưu tiên vào những công việc thực sự có giá trị, và tôi cố gắng luôn giữ cái nhìn tích cực về bận rộn. Điều này vô tình biến tôi (trong con mắt của nhiều người) trở thành Miss Hiệu Năng, Miss Cân Bằng Cuộc Sống, Miss Tư Duy Tích Cực, và nhất là Miss Self-Help. (Bạn không thể tưởng tượng bao nhiêu người từng gọi tôi với những “danh hiệu” này đâu😅). Ấy thế nhưng mà gần đây, chính xác là 2 tuần trước, tôi mới tự “tước đi” danh hiệu của mình bằng việc thú nhận rằng “có những giai đoạn, dù bạn có biết đủ mọi phương pháp tốt nhất trên đời, có học theo tất cả các sách self-help hay nhất thế giới, bạn vẫn không thể lúc nào cũng tìm được sự thăng bằng hoàn hảo như ý mình muốn”. Tôi đã cố gắng chờ đợi, kiên nhẫn quan sát từ nhiều tháng trước, đợi cho giai đoạn bận rộn qua đi. Nhưng không, nó như những đợt sóng biển giữa cơn giông, cứ rút rồi lại lên, rút rồi lại lên, rồi lên cao, lên cao nữa. Cho đến hôm nay, sau 7 ngày liên tục làm việc hơn 12 tiếng/ngày, tôi đưa ra kết luận (và chấp nhận rằng) đây sẽ là một năm rất bận rộn với tôi — một nghiên cứu sinh năm cuối, một người làm nghiên cứu độc lập, một tác giả sắp ra cuốn sách đầu tay, và cả một blogger với tham vọng “điên rồ” duy trì blog này mỗi tuần có 1 bài viết mới.
Thế nhưng, hành trình của tôi sẽ không đơn độc, vì tôi có mọi người để chia sẻ. Và hành trình của bạn cũng sẽ không đơn độc, vì bạn đã có tôi. Trong bài viết này, tôi sẽ trao đổi 5 điều hữu ích nhất đã và đang giúp tôi vượt qua một trong những ngày tháng bận rộn nhất trong cuộc đời mình. Hy vọng những điều này có thể truyền cảm hứng để bạn tự tin bước qua những giai đoạn khó khăn, tiếp tục bận rộn để sống — sống tích cực, sống có ý nghĩa cho hiện tại và tương lai của mình.
1. Áp dụng Lý thuyết Bốn Lò Lửa
Cách đây không lâu, tôi lược dịch lại trên blog một bài viết về Lý thuyết Bốn Lò Lửa của tác giả James Clear. Lý thuyết này hình tượng hóa bốn mặt quan trọng trong cuộc sống là bốn lò lửa: Lò thứ nhất là gia đình, lò thứ hai là bè bạn, lò thứ ba là sức khoẻ, lò thứ tư là công việc. Điều quan trọng là: Để thành công, bạn phải tắt đi một trong bốn lò. Và để thành công xuất sắc, bạn phải tắt đi hai trong số bốn lò. Lý thuyết này xoay quanh thực tế là cuộc sống không bao giờ có thể tìm được điểm cân bằng hoàn hảo, chúng ta chỉ có thể xoay vần, thay đổi, đặt ưu tiên khác nhau cho các mặt của cuộc sống tùy từng thời điểm và hoàn cảnh mà thôi.
Phản ứng ban đầu của tôi khi đọc bài viết này là lo lắng và sợ hãi. Tôi phải tắt đi lò nào? Tôi không muốn bỏ đi lò nào hết! Nhưng càng suy nghĩ nhiều về ý tưởng này này và càng trở nên bận rộn hơn, tôi nhận ra đây thực sự là một chìa khóa vàng, không chỉ cho thành công, mà còn cho sự tự do về cả thể xác lẫn tâm hồn. Từ khi nhận ra mình không thể hoàn hảo tuyệt đối với gia đình, bạn bè, sức khỏe, và công việc, tôi học được cách ưu tiên triệt để hơn và nói “không” nhiều hơn.
Bởi vì đây là năm quyết định cho sự nghiệp của mình, tôi đặt ưu tiên công việc lên hàng đầu. Nhưng để có thể làm việc được hiệu quả, tôi cần có sức khỏe, và vì thế, đặt sức khỏe (cả thể chất và tinh thần) lên thứ hai. Cũng có nghĩa là tôi phải tạm thời hy sinh lò lửa gia đình và bạn bè. Điều này nghe qua thật đáng buồn, nhưng nó thực sự không buồn đến thế, nếu bạn tắt đi những ngọn lửa này với một tâm thế tốt. Ngay từ đầu năm học, tôi đã nói với tất cả người thân và bạn bè rằng đây là một năm quyết định đối với tôi. Tôi xin lỗi nếu mình không thể trả lời tin nhắn ngay lập tức, không thể ra ngoài bất cứ lúc nào, không thể có mặt trong tất cả các cuộc vui. Tôi sẽ trở lại trong năm tới. Nhưng ít nhất trong năm nay, tôi cần mọi người thông cảm hết mức. Bạn có thể hỏi mẹ tôi, có đến vài tuần, thậm chí cả tháng tôi không gọi về cho gia đình một lần nào, nhắn tin cũng rất thưa thớt. Chồng tôi phải giúp đỡ rất nhiều trong công việc nhà. Hiếm hoi lắm tôi mới tranh thủ đi ăn trưa hoặc uống cà phê với bạn bè. Và mới hôm qua đây thôi, tôi vừa quyết định hủy chuyến bay về Boston dự lễ Tạ ơn. Tôi có cảm thấy tội lỗi không? Có chứ. Nhiều là đằng khác. Nhưng tôi biết và tôi tin tưởng rằng bạn bè và người thân sẽ hiểu và thông cảm cho tôi. Họ biết đích xác tại sao tôi biến mất, khi nào tôi có thể trở lại, và tình cảm của tôi với họ như thế nào. Đó là điều quan trọng nhất.
Nếu bạn có thể tắt đi 1-2 lò lửa với một tâm thế chủ động, tích cực với bản thân và với mọi người, sự hy sinh sẽ không là quá khó. Nếu chấp nhận buông bỏ, bạn sẽ tìm được cách giải phóng bản thân khỏi ràng buộc, xao nhãng và tập trung vào công việc quan trọng nhất tại thời điểm hiện tại của mình.
2. Làm việc theo nhóm
Làm việc theo nhóm là phương pháp tuyệt vời để giữ lửa cho công việc, nhất ở là những công việc khó, kéo dài, dễ gây nản chí. Nếu bạn tắt đi lò lửa gia đình và bạn bè như tôi thì nhóm làm việc sẽ trở thành gia đình và bạn bè thứ hai của bạn. Họ là những người hiểu bạn hơn ai hết trong giai đoạn này (vì họ cũng đang trải qua những khó khăn tương tự) và họ có thể nâng đỡ, tạo động lực cho bạn hoàn thành công việc sớm hơn. Họ có thể là nơi bạn tâm sự, giãi bày khi không có điều kiện tìm đến những người thân thiết. Họ là những người mà bạn có thể dựa vào trong giai đoạn khó khăn.
Tôi vốn là một người làm việc độc lập nhưng càng bận rộn hơn, tôi lại càng làm việc theo nhóm nhiều hơn. Năm học này, tôi tham gia 2 nhóm làm việc chính.
Nhóm thứ nhất gồm 3 người cùng nghiên cứu với tôi trong một dự án chung. Chúng tôi đều rất bận rộn nhưng tuần nào cũng gặp nhau 1 buổi để thảo luận dự án (*việc “phải” gặp nhau 1 tuần/lần cũng giúp tạo động lực để cả nhóm làm đúng tiến độ) và buổi họp bao giờ cũng kết thúc bằng một bữa trưa vui vẻ, không công việc (*đây là một cách để tạo mối quan hệ khăng khít trong và ngoài công việc, giúp mọi người bớt stress hơn).
Nhóm thứ hai gồm 20 người hầu như không quen biết nhau. Điểm chung duy nhất giữa 20 người chúng tôi là cùng đăng ký vào một chương trình “Writing Group” (Nhóm Viết) của trường. Với một khoản phí nhỏ, chương trình này cung cấp cho người tham dự một phòng học cố định từ 12-5 giờ chiều trong một ngày trong tuần cùng với đồ ăn trưa và nước uống. Tất cả 20 người cùng đến một giờ và ra một giờ (chúng tôi phải ký giấy ra/vào nghiêm ngặt, ai chậm hoặc lỡ hẹn sẽ bị phạt tiền rất nặng). Chúng tôi hầu như không nói với nhau câu nào, toàn tâm toàn ý sử dụng thời gian và không gian cố định đó để viết – và chỉ viết mà thôi. Bạn thử tưởng tượng 5 tiếng đồng hồ liền ngồi trong 1 căn phòng với 20 người điên cuồng viết lách, gõ bàn phím, đi đi lại lại suy nghĩ…, bạn liệu có thể ngồi chơi, xem phim, nghịch ngợm được không? Nhóm làm việc này thực sự nâng khả năng tập trung và hiệu suất công việc của tôi lên một tầm cao mới.
Nếu bạn đang có một dự án lớn, dài hơi cần làm, hãy tự tạo nhóm làm việc cho mình. Mọi người trong nhóm có thể không cần cùng hướng đến một mục tiêu chung, nhưng cần có chung ý chí quyết tâm làm việc. Nếu không có nhóm, bạn có thể tự tạo không gian nhóm bằng cách đến thư viện, cà phê sách, nơi cho thuê phòng làm việc chung… để ngồi làm việc trong không gian hừng hực khí thế quyết tâm.
3. Tự tạo hạn định, áp lực cho bản thân*
*Điều này không phải tốt cho tất cả mọi người, và không phải ai cũng có thể làm được. Nhưng nếu bạn có khả năng lập kế hoạch tốt và chịu được áp lực lớn, đây là một phương pháp rất hiệu quả.
Đối với những công việc dài hơi, không có hạn định ngay lập tức, hoặc bạn có thể tự ấn định/thay đổi hạn định (ví dụ: nộp hồ sơ du học, lập công ty mới, thiết kế tự do …) việc tập trung vào hoàn thành công việc là rất khó. Bạn sẽ dễ tìm được cớ để trì hoãn hành động và đẩy lùi hạn định vốn có của mình. Bởi vậy, để tạo cho bản thân cảm giác “không còn đường lùi”, bạn nên tạo hạn định chắc chắn và áp lực cần thiết để mình đạt được mục tiêu.
Đối với tôi, một trong những dự án lớn nhất năm nay là đề án tốt nghiệp và tôi biết mình cần tạo áp lực lớn để hoàn thành đề án đúng hạn. Đối với đa phần các sinh viên, bạn thu thập dữ liệu, nghiên cứu kỹ càng, tìm ra kết quả gần như cuối cùng rồi thì mới xin thuyết trình trên hội thảo khoa học. Nhưng từ khi gửi proposal (đề xuất) xin thuyết trình đến khi được duyệt, được chấp nhận, và được thuyết trình lên tới hàng tháng trời (trung bình 4-6 tháng). Như vậy, tôi nhẩm tính, nếu đợi đến khi xong xuôi hết tát cả rồi mới làm proposal thì năm sau nữa tôi mới có thể thuyết trình, như vậy là quá muộn! Bởi thế, ngay khi vừa thu thập xong dự liệu và chạy một số thử nghiệm ban đầu, tôi đã viết 3 proposals cho 3 hội thảo khác nhau. Tôi cũng hết sức minh bạch về tiến độ của mình và nói rõ trong proposals rằng mình chỉ báo cáo với preliminary findings (kết quả ban đầu) mà thôi. Rất may mắn, cả 3 proposals này đều được chấp nhận vào mùa hè vừa rồi. Vậy là tôi có 3 hạn định chắc chắn, 3 áp lực to đùng để hoàn thành đề án tốt nghiệp. Mỗi lần cảm thấy lười biếng, trì hoãn, tôi lại tưởng tượng ra hình ảnh mình ngơ ngác trên khán đài trước một dàn các học giả đầu ngành phía dưới là tôi lại run lên vì sợ hãi. Và chính nỗi sợ này tạo động lực khổng lồ để tôi tiếp tục tập trung làm việc. Tuần trước tôi vừa thuyết trình tại hội thảo đầu tiên ở Texas, tuần này tôi sẽ thuyết trình tại hội thảo thứ hai ở Colorado. Đề án còn chưa hoàn hảo và vẫn đang tiếp tục trong giai đoạn hoàn thiện nhưng đã đi được những bước rất xa so với giai đoạn nộp proposal. Trong quá trình thuyết trình tại hội thảo, tôi cũng nhận được nhiều góp ý tuyệt vời để làm tốt hơn đề án của mình — một việc không thể có nếu tôi đợi đến khi xong xuôi mới dám mang đề án ra ngoài “ánh sáng”.
Như tôi đã viết, phương pháp này không phải dành cho tất cả mọi người. Quá nhiều áp lực và cam kết là không tốt, nếu bạn không thể thực hiện được. Nhưng bạn luôn có thể thử nghiệm bằng cách đặt những hạn định và áp lực nhỏ hơn trong những dự án mình đang làm, rồi dần dần tiến đến những mức độ cao hơn, có ảnh hưởng lớn hơn.
4. Nghỉ ngơi đúng lúc – Không quá khắt khe với bản thân
Lời khuyên này có vẻ trái ngược với lời khuyên phía bên trên. Nhưng biết làm sao được, cuộc sống vốn nhiều điều trái ngược mà 😁.
Để có thể tạo áp lực vừa đủ cho bản thân và giữ một tâm thế tích cực, lành mạnh để đi đường dài, chúng ta đều cần phải nghỉ ngơi đúng lúc. Bạn cũng đừng nên quá khắt khe với bản thân, nếu bạn không làm được đúng như kỳ vọng, không sao cả! Hãy xem đó là cơ hội để bạn nhìn lại sự sắp xếp về thời gian, công việc, và thực tế cuộc sống của mình. Cuộc sống luôn cho ta những cơ hội để điều chỉnh bản thân.
Trong những ngày tháng bận rộn tưởng như không thở được, tôi vẫn cố gắng có những ngày nghỉ hay những giờ nghỉ ngắn trong ngày. Tôi vẫn đi du lịch, nhiều là đằng khác. Nhưng những chuyến đi này ngắn hơn và tuyệt đối thư giãn (không nghĩ về công việc, chỉ tập trung vào hiện tại). Tôi vẫn viết blog, đều đặn nữa là đằng khác. Tôi xem đây là “phần thưởng” cho mình nếu tôi làm được đúng hạn mức mình đề ra trong tuần (YAY!).
Giữ cho bạn những niềm vui nho nhỏ: đi du lịch, viết lách, chơi nhạc, vẽ tranh, chơi thể thao, đi mua sắm, nấu ăn… làm tất cả những gì bạn thích trong thời gian nghỉ ngơi. Đây là lúc mà cơ thể và đầu óc của bạn được thoải mái để sẵn sàng làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn nữa.
5. Luôn quay lại với mục đích ban đầu
Cuối cùng, điều quan trọng nhất mà tôi cảm thấy làm nhiều người mất phương hướng là họ không tìm lại mục đích ban đầu của mình sau một thời gian bận rộn. Bạn bận rộn, bạn mệt mỏi, bạn chán nản, rồi bạn tự hỏi: “Tại sao mình phải làm mấy cái thứ này? Mệt mỏi quá! Tung hê tất cả đi!” Nhưng nếu trước mỗi ngày làm việc, bạn nghĩ trong đầu, hoặc viết ra giấy, hoặc nói thành lời: “Mục đích tôi làm việc này là …” thì mọi thứ sẽ rõ ràng hơn và có ý nghĩa hơn. Mục đích ban đầu sẽ đưa bạn quay trở lại ngay thời điểm ban đầu, khi bạn còn hừng hực khí thế với công việc và hoài bão cho tương lai. Mục đích ban đầu sẽ giúp bạn nhận ra những việc bạn đang làm là xây nhịp cầu dẫn tới thành công, chứ không phải với tay lấy thành công đã ở ngay trước mắt. Đây là điều vô cùng, vô cùng quan trọng để thúc đẩy bản thân đến được với cái đích mình mong muốn.
Còn nếu như bạn không thể điền vào câu: “Mục đích tôi làm việc này là ….” hoặc câu trả lời không còn làm bạn cảm thấy thôi thúc, hứng khởi nữa thì đó cũng là một cơ hội để bạn nhìn lại bản thân. Liệu bạn có còn muốn tiếp tục nữa hay không?
—-
Thành thật mà nói, tôi không thích từ “bận rộn”. Tôi ghét chính bản thân mình và những người thường xuyên vẩy tay ra và nói: “Bận lắm! Bận lắm”. Bận rộn dễ trở thành cái cớ để ta không quan tâm đến gia đình, bạn bè, sức khỏe, và thậm chí công việc (nếu như cái “bận” của ta đặt sai chỗ). Nhưng nếu bận rộn là để sống cho ngày hôm nay có ý nghĩa, cho ngày hôm qua không phí hoài, và cho ngày mai tươi sáng, tôi không ngại bận rộn. Và tôi hy vọng bạn đọc bài viết này, đặc biệt là những bạn trẻ, hãy bận rộn để sống. Đừng than phiền, đừng trì hoãn, đừng chỉ nói mà không làm, đừng bận rộn để chết, hãy bận rộn để sống!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
BTQ says
Cảm ơn chị dù bận rộn vẫn ra bài viết đều đặn hàng tuần. Đọc những bài viết của chị em luôn cảm thấy tích cực và nhẹ nhàng hơn. Chúc chị mọi điều tốt đẹp và an lành.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em. Comments của mọi người cũng là động lực để hàng tuần chị viết tiếp 😀
Lua Ngo says
Cám ơn Chi vì những chia sẻ rất hữu ích của Chi. Mình cũng đang ở gần gần trạng thái của Chi nên mình rất biết ơn vì bài này giúp mình nhận ra rõ hơn mục tiêu của mình là gì và mình nên làm gì.
Cheers.
Chi Nguyễn says
Chi mong bạn sớm đến được với mục tiêu của mình <3
Elbe040 says
Ý tưởng về “Writing Group” như chị đề cập thật là hay, liệu chị có thể chia sẻ thêm thông tin về ý tưởng này được không ạ?
Chi Nguyễn says
Chào em! Writing Group này đơn giản là một nhóm làm việc chung cùng thời gian và không gian (nhưng không cùng dự án). Một (vài) người đứng ra tổ chức, thu của mỗi người tham gia một số tiền nhất định để thuê phòng và mua đồ ăn trưa, ngoài ra mỗi người tham gia đóng thêm một số tiền cược. Tất cả những ai đến đầy đủ các buổi và ra vào đúng giờ (như chị viết trong bài) thì sẽ được trả tiền cược vào cuối chương trình (khoảng 4-6 tuần)
Tình says
cảm ơn chị nhiều!
Chi Nguyễn says
<3
Form Your Soul says
Em cảm ơn chị Chi ạ. Rất ý nghĩa và đầy cảm hứng chị ạ.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em VA soulful 🙂
Form Your Soul says
hihi. Em cảm ơn chị nhiều lắm. Chị giống như người bạn “phương xa” của em vậy ạ. (Em xin phép được gọi chị là bạn ạ).
Trang Đoàn says
Em luôn có một cảm giác vui vẻ dễ chịu mỗi khi thấy chị thông báo có bài viết mới. Chị nói đúng, em tin rằng hành trình của em sẽ không đơn độc vì còn có chị để chia sẻ. Bài viết này của chị đến thật là ý nghĩa với em, thời điểm cuối năm là lúc em luôn băn khoăn tự thẩm vấn mình về những việc đã làm và những dự định đang dang dở. Nhiều đêm em hoang mang và mất bình tĩnh đến nỗi bủn rủn cả người, không ngủ được và ngủ thì chập chờn, chỉ vì check-list công việc và ý tưởng bùng nhùng chằng chịt trong não.
Em luôn biết ơn những chia sẻ này của chị, chẳng hiểu sao dù xa lạ nhưng chị cứ người bạn thân ở bên cạnh em, biết em lo lắng điều gì mà khuyên nhủ đúng lúc.
Chúc chị tiếp tục những tháng cuối năm bận rộn!
Chi Nguyễn says
Đọc đoạn “bùng nhùng chằng chịt” chị cũng cảm thấy bủn rủn cả người. Hihi. Chị sẽ luôn ở bên em. Chúc em nhiều điều may mắn
Trang says
Cảm ơn Chi nhé, bài viết này rất hay em ạ 🙂
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị đã đọc và động viên ạ
Trung Hiếu says
Bài viết này của chị đến với em thật quá đúng lúc, đúng vào cái khoảng thời gian mà em quay mòng mòng. Em cảm ơn chị rất nhiều ạ.
Xin phép chị,
Be present!
Ha says
Chúc em luôn tràn đầy năng lượng để vượt qua giai đoạn “bận rộn” và có bài viết đều trên blog. Chị thường cho con đọc các bài viết rất hữu ích của em.
Hảo says
Cảm ơn chị rất nhiều vì những chia sẻ ạ. Chúc chị có một ngày tốt lành ^^
Lộc says
Thật may mắn khi em biết đến blog của chị. E là 1 du học sinh và đang đối diện vs nỗi sợ ko tốt nghiệp đc. Những bài viết của chị giúp e nhận ra nhiều điều, chỉ là hơi muộn để em áp dụng vì sắp đến kỳ thi cuối kỳ rồi.
Hy vọng e sẽ thay đổi tiến bộ hơn.
Anh Nguyen says
Chào chị Chi,
Em là sinh viên năm nhất, 19 tuổi. Thực sự khi mới vào năm học mọi người đều bảo em là freshman mà, cứ vui chơi tận hưởng đi. Mà thực sự em không có thấy điều đó ổn lắm. Em ghi chép sổ tay hằng ngày, luôn giữ cái planner của mình đầy đặn công việc cần làm. Em cũng viết blog hằng tuần và cho mình hẳn 1 ngày để nghỉ ngơi và đi chơi cùng mọi người.
Tuy mọi thứ chưa hẳn được cân bằng, nhiều lúc em cũng hơi la cà với deadlines mình tự đặt ra, nhưng em thích cái thói quen sống mình đang bắt đầu này.
Cám ơn chị nhiều với bài viết chị nhé. Em luôn ngưỡng mộ cách chị luôn tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống và công việc. Cách chị nhìn nhận một cách rất thực tế về phong cách sống. Chị truyền cảm hứng cho em nhiều lắm :)) Em vẫn đọc bài của chị thường xuyên với theo dõi chị trên instagram nữa
Pham Thu Phuong says
cảm ơn chị Chi vì bài viết quá hay, em xin lưu lại trong điện thoại để đọc lại nhiều lần , củ cố bản thân ạ
Nguyễn Phương says
Thanks for your share!
Kim Chi says
Chào Chi! Sẽ là có lỗi với tác giả khi làm “tàu ngầm” đọc bài viết rồi ko để lại dấu vết, hihi! Quả thực mình đã bị cuốn hút từ 2 hôm nay với các bài viết của Chi, những bài viết có sự đầu tư rất kỹ nhưng GÓC NHÌN lại rất KHÁCH QUAN.
Mình đã đọc tương đối nhiều, chủ đề và hoàn toàn tâm phục khẩu phục với cách tư duy vấn đề của Chi. Mình ko thực sự rõ những lý do khiến Chi viết (dù đâu đó trong các bài Chi có nói, nhưng mình nghĩ đó có thể chưa phải là tất cả), nhưng mình chắc chắn những bài viết của Chi giúp ích rất nhiều cho độc giả, nhất là các bạn trẻ. Đó là sự “cho đi” rất đáng quý.
Nhân được Chi truyền cảm hứng mình cũng chia sẻ băn khoăn của mình về việc viết lách. Mình cũng đam mê viết, dù không đặt ra challenge gì cho bản thân nhưng mình viết khá thường xuyên. Một số ít mình có đăng trên face, còn đa phần thì mình giữ cho riêng mình. Nhiều lần mình cũng muốn làm 1 trang để chia sẻ với mọi người, biết đâu đó giúp được ai đó trong lúc khó khăn, hay ít ra có được những người bạn mới “cùng màu” với mình. Nhưng mình lại ngần ngại việc đưa những thông tin về bản thân, về gia đình của mình 1 cách public (facebook mình cũng chỉ để chế độ friends). Nếu có thể, rất cảm ơn nếu nhận được chia sẻ của Chi về vấn đề này.
Chúc Chi và gia đình mọi điều tốt lành!
Chi Nguyễn says
Chào Kim Chi. Xin lỗi vì hôm nay mình mới đọc được comment này và trả lời bạn. Mình nghĩ băn khoăn của bạn về việc chia sẻ là rất bình thường, bản thân mình mỗi khi viết cũng băn khoăn như vậy. Nếu bạn ngại chia sẻ những thông tin cá nhân thì có thể viết tránh đi những thông tin đó, hoặc dùng ẩn dụ thôi… cho đến khi bạn hoàn toàn thoải mái rồi thì mình có thể chia sẻ nhiều hơn. Bản thân mình trên FB cũng chỉ để chế độ bạn bè, nhưng blog mình lại để public vì mình nghĩ đối tượng khán giả của các kênh này là khác nhau.
Pito Tìm Đĩa Bay says
e đọc quyển sách của chị và bây giờ mới vào blog của chị để xem các bài viết .
thật sự cảm ơn chị đã có những chia sẻ thật tuyệt vời .
hayashi says
Một tối khuya lang thang em đã tìm ra câu trả lời cho sự “không thể lúc nào cũng tìm được sự thăng bằng hoàn hảo như ý mình muốn” hiện tại của bản thân nhờ Lý thuyết bốn lò lửa trong bài viết này. Chúc chị và gia đình luôn bình an và nhiều sức khoẻ 😄
Chi Nguyễn says
Chào mừng bạn đến với blog. Đây cũng là một trong những bài viết mà mình thích nhất trên blog. ☺️
Bùi Thành Đạt says
Bài viết của Chị quá sâu sắc. Nó giúp cho em nhìn nhận rõ hơn về việc cân bằng trong cuộc sống.
Cảm ơn những chia sẽ của Chị.
Chúc Chị cùng với Gia đình luôn khỏe mạnh và thành công nhé!
NGUYEN THAI NGA says
Cảm ơn Chi về bài viết này. Bài viết đi đúng trọng tâm và nhắn đúng điểm mà mình đang cần để cân bằng cuộc sống & để giúp mình bớt cảm thấy có lỗi khi giành quá nhiều thời gian cho công việc & học tập ở thời điểm hiện tại.