
Cảm ơn tất cả các bạn đã gửi câu hỏi đến mục “Bạn hỏi-Chi trả lời”! Tôi thực sự học được nhiều điều thú vị từ việc đọc và trả lời các câu hỏi, phản hồi, chia sẻ của các bạn! Mọi người vẫn có thể tiếp tục đặt câu hỏi qua đường link khảo sát (tại đây) nếu phần trả lời trong bài này và bài trước (Bạn hỏi – Chi trả lời 1.0) chưa giải đáp được hết các thắc mắc của các bạn. Thông thường, cách khoảng vài tháng, tôi sẽ lại tổng hợp và trả lời những câu hỏi lớn trong phần Hỏi-Đáp như thế này. Đối với những câu hỏi ngắn hoặc “khẩn cấp” cần trả lời ngay, bạn có thể liên hệ trực tiếp với tôi qua Facebook và email, tôi sẽ cố gắng trả lời sớm nhất có thể 🙂.
***Ghi chú: Một số câu hỏi dưới đây đã được gộp lại hoặc/và biên tập câu chữ cho phù hợp với nhân xưng và văn cảnh.
Du học – Học tiếng Anh
Bạn hỏi: Chi có thể chia sẻ về con đường đi du học và các hoạt động thời sinh viên của bạn để chuẩn bị cho việc đi du học?
Chi trả lời: Tôi từng viết khá nhiều trên blog về con đường du học, cũng như những nơi tôi đã học và làm tại Việt Nam. Bạn đọc có thể đọc lại Bạn hỏi-Chi trả lời (1.0) để xem đầy đủ thông tin và đường link dẫn đến các bài viết cũ. Trong tháng 8 và tháng 9 này, tôi sẽ viết thêm nhiều bài nữa trên blog về trải nghiệm của tôi trong 4 năm du học và sống ở nước ngoài. Kỳ vọng của tôi là qua chuỗi bài viết, bạn đọc sẽ thấy được cả một hành trình kéo dài sau khi được nhận học và lên đường đi nước ngoài. (Có được tấm vé đi du học thực sự chỉ là bước đầu tiên!). Bạn đọc quan tâm có thể theo dõi blog và Facebook thường xuyên để cập nhật về chuỗi bài viết mới này.
Về cơ bản, tôi tốt nghiệp một trường đại học công lập tại Việt Nam, với một ngành học khác so với ngành tôi đang học hiện nay, điểm số cũng không có gì quá nổi trội, kinh nghiệm làm việc 1 năm. Điều khác biệt so với phần đông sinh viên khác, theo suy nghĩ chủ quan của tôi, là tư duy học không vì điểm số hay bằng đại học mà học để phát triển bản thân và mở rộng đến những kiến thức bên ngoài trường học (tôi từng viết về ý này tại đây) và tôi cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội ở trong và ngoài nước để tích lũy thêm kinh nghiệm. Thời đó thực sự mà nói thì công nghệ và các dịch vụ du học kém xa so với bây giờ, ít người hiểu rõ được là phải đi những bước nào, chuẩn bị những cái gì để hồ sơ du học có tính cạnh tranh cao. Thế nên, thời sinh viên, tôi lao như con thiêu thân đi làm ở khắp mọi nơi (đa phần làm tình nguyện, không lương, không trợ cấp) chỉ để được học, nhiều khi cảm giác bạc mặt ngoài đường, đi cả trăm cây số, ăn rừng, ngủ lán mà học được một điều mới thôi là đã quý hóa, xuýt xoa, nâng niu lắm rồi. Có lẽ vì thế nên tôi làm việc rất vô tư, không vụ lợi, không than phiền và cũng vì thế mà được nhiều anh chị, thầy cô tin tưởng gửi gắm cho làm những dự án lớn, lâu dài hơn.
Trải nghiệm của tôi khi học đại học cũng tương đối giống bạn Hoàng Minh Trang, nhân vật trong bài phỏng vấn “Làm 7 công việc trong vòng 4 năm” – có lẽ vì Trang là “đồng môn” với tôi nên có môi trường phát triển giống nhau và bạn ấy cũng tham gia những chương trình mà tôi từng tham gia một năm trước đó. Tôi cũng viết về những năm tháng học đại học của mình trong “Gửi tôi 18” – một bức thư có phần hài hước nhìn lại quá trình trưởng thành của tôi trong 10 năm (từ 18 đến 28 tuổi).
Bạn hỏi: Bí quyết săn học bổng của Chi là gì?
Chi trả lời: Nếu bạn từng đọc “Chúng tôi đã apply và học Ph.D. như thế nào?”, bạn sẽ thấy là tôi thực sự không có “bí quyết” nào đặc biệt cho việc săn học bổng cả (hic, xin lỗi bạn nào đã đặt câu hỏi 😬) vì tất cả những gì tôi làm để có học bổng chỉ là bám sát theo quy trình truyền thống: thi các kỳ thi chuẩn hóa, song song tìm trường, tìm chương trình học, tìm giáo sư, chuẩn bị hồ sơ, và liên hệ với trường/giáo sư – tất cả diễn ra trong vòng 1 năm. Thế nên nếu bắt buộc phải nói về “bí quyết” thì tôi chỉ có: bền bỉ, chăm chỉ, và quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn và vượt lên bản thân để đạt được ước mơ của mình.
Con đường đi du học và tìm kiếm học bổng của tôi có thể khác so với nhiều bạn vì một số lý do. Thứ nhất, tôi không có “duyên” với học bổng chính phủ. Thời còn sinh viên, đã có vài lần tôi đăng ký ứng tuyển và lọt vào vòng trong những học bổng nhỏ của chính phủ nhưng đều trượt vì những lý do rất “trời ơi”. Ví dụ như có lần thi thố đủ thứ rồi đến vòng kiểm tra tiếng Anh tưởng dễ nhất thì tôi mệt quá ngủ thiếp đi ngay tại phần thi Listening nên trượt, hay có lần qua bao nhiêu thời gian đầu tư tâm huyết đến được vòng tuyển chọn cuối cùng cho một học bổng đi Mỹ ngắn hạn thì ban giám khảo mới nói: “Bây giờ chúng tôi mới để ý là bạn đã từng đi Mỹ một lần rồi, nên thôi, cơ hội này sẽ dành cho các bạn chưa được đi bao giờ”😢 (…và còn rất nhiều lần khác nữa). Sau khi ra trường, tôi rất muốn đi du học nhưng các học bổng chính phủ thời đó đều bắt buộc phải có kinh nghiệm làm việc 2 năm tính từ ngày ra trường, có học bổng còn yêu cầu làm ở cơ quan nhà nước, có học bổng cũng ưu tiên những người chưa đi nước ngoài bao giờ, và còn rất nhiều cam kết khác mà tôi không thể đáp ứng tại thời điểm đó. Vậy nên tôi quyết định tìm một con đường khác là đi xin học bổng tự do từ các trường đại học bên Mỹ. Ngày nay, các học bổng chính phủ đã ra đời nhiều hơn (như học bổng của Chính phủ Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Mỹ, Đức…) và các yêu cầu về kinh nghiệm làm việc cùng cam kết ràng buộc cũng không còn nặng nề như xưa, tạo điều kiện nhiều hơn cho các bạn mới ra trường xin học bổng. Thông tin về những học bổng này có thể tìm dễ dàng trên các trang web Đại sứ quán và các tổ chức tư vấn du học – bạn đọc có thể tự tìm hiểu, tôi sẽ không bàn thêm ở đây.
Thứ hai, vì tôi xin học bổng tự do từ các trường nên quy trình tìm và apply học bổng cũng hoàn toàn “tự lập” hết, hầu như không có ai giúp cả. Vì phải làm một mình nên tôi lập một bản Microsoft Excel mà tôi đặt tên là “Fishing” (Câu cá) 🐟 – mục đích của bản Excel này tất nhiên chính là để “câu” học bổng. Tôi còn nhớ mình chia các cột: số thứ tự, tên trường, ngành học, chương trình học, các yêu cầu để được tiếp nhận (bao gồm đường link dẫn đến yêu cầu cụ thể), có cho học bổng đối với sinh viên quốc tế hay không, hạn nộp, yêu cầu đối với các chứng chỉ TOEFL và GRE, email liên hệ… Sau này, khi quá trình đi “câu” càng ngày càng vào sâu, tôi tiếp tục thêm cột “Updates” (Cập nhật) ghi lại những email trao đổi giữa tôi và trường/giáo sư, suy nghĩ ban đầu của tôi về điểm mạnh, yếu của từng cơ hội, và quyết định có nộp hay không.
Sau này, khi đã xin được học bổng, rất nhiều bạn biết về quá trình đi “câu” này của tôi và hỏi xin bản Excel này để làm theo. Ban đầu, tôi chia sẻ rất vô tư, với suy nghĩ sẽ giúp các bạn rút ngắn hơn thời gian tìm học bổng của mình (nhất là những người cùng ngành học). Nhưng càng về sau, tôi nhận thấy việc chia sẻ này không mang lại nhiều lợi ích cho mọi người vì nhiều bạn chủ quan là đã có mẫu “ăn sẵn” rồi, chỉ cần xem thoáng một tý là xong, không kiểm tra, đối chiếu, cập nhật gì thêm cả. Hơn nữa, chính quá trình lập ra bản Excel này (hay bất kỳ hệ thống sắp xếp thông tin nào phù hợp với bạn) đã là một quá trình tự học, tự thay đổi nhận thức, và thúc đẩy bản thân đến gần hơn với mục tiêu. Bởi vậy, ngày nay tôi chỉ chia sẻ về ý tưởng (như những gì tôi viết phía trên), còn cụ thể lập hệ thống như thế nào, có những hạng mục gì, màu sắc ra sao… là hoàn toàn theo định hướng của cá nhân bạn.
Thứ ba, trong quá trình apply, tôi tham gia vào một nhóm các bạn có ý định nộp hồ sơ cùng một đợt. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tôi có một môi trường giao tiếp và trao đổi với những người cùng chí hướng (vì ở thời điểm apply, tôi đã nghỉ làm và hoàn toàn ở nhà tập trung cho việc nộp hồ sơ). Đối với những người apply tự do, tôi cũng khuyên bạn nên tìm được một nhóm nào đó hoặc 1-2 bạn nào đó cũng có ý định nộp học để động viên nhau cố gắng, chia sẻ thông tin với nhau, và đưa nhau đến đích. Tôi biết nhiều người khi đang apply thường muốn giấu thông tin, tự mình mình làm, nếu được thì mới chia sẻ cho mọi người biết, còn không được thì thôi, coi như không ai biết về thất bại của mình thì càng tốt. Điều này hẳn nhiên không xấu nhưng cũng không mang lại hiệu quả gì cho bản thân và quá trình apply của bạn cả – chia sẻ gánh nặng sẽ giúp bạn đi được đường dài trong quá trình nộp học và kết nối được với những người tài năng, nghị lực. (Như bạn Linh Phan trong “Học tiến sĩ, sinh con, và nuôi con ở Mỹ” chẳng hạn)
Bạn hỏi: Em thấy trong các chương trình quốc tế, hay cả trong những hoạt động xin học bổng,…người ta thường đề cập đến “khả năng lãnh đạo”. Thực sự là gần hết 4 năm Đại học, em chỉ cắm cúi vào học nên chưa từng làm lãnh đạo bao giờ. Em không hiểu khái niệm “khả năng lãnh đạo” ở đây được hiểu là gì? Có cần phải là leader mới có thể có khả năng ấy không ạ?
Chi trả lời: Câu hỏi này của em y hệt như câu chị từng email thầy giáo dạy môn “Lãnh đạo” hồi chị còn học đại học nhưng tiếc là thầy chưa từng trả lời. Khả năng lãnh đạo là gì? Nếu làm ở những vị trí mà không có người “dưới chướng” (tạm gọi thế) thì làm sao mình có thể phát triển khả năng lãnh đạo? Khoảng 6 tháng sau khi khóa học “Lãnh đạo” ở trường kết thúc (và vẫn chưa nhận được câu trả lời của thầy), chị có tham gia một workshop do các bạn ở AIESEC Việt Nam tổ chức và nhận ra một điều là: quản lý bản thân mình cũng là một hình thức lãnh đạo. Khi chưa có cơ hội lãnh đạo người khác thì trước hết, hãy học cách lãnh đạo chính bản thân mình: lập kế hoạch cho tương lai, sắp xếp các công việc nhỏ để đạt được mục đích, tự tạo ra deadlines cho mình… Chỉ khi lãnh đạo được ý chí, hành vi, và suy nghĩ của mình, ta mới có thể lãnh đạo được người khác. Và khi đã tự tin về khả năng của bản thân rồi, ta có thể vươn lấy tất cả các cơ hội làm trưởng nhóm, trưởng lớp, quản lý dự án… để học hỏi thêm cách làm việc với người khác. Sau này, chị cũng email ý tưởng này cho thầy một lần nữa – không hy vọng sẽ nhận được hồi đáp – nhưng để giải phóng bản thân vì cảm thấy một câu hỏi đau đáu đã được giải đáp phần nào (ít nhất theo cách riêng của mình 😄).
Bạn hỏi: Mình nhớ có lần Chi nói giọng của Chi là của người ngắn lưỡi (short tongue), không biết Chi có gặp trở ngại gì trong việc phát âm tiếng Anh? Mình có vấn đề về tongue-tie nên mình rất sợ hãi khi phải trình bày ở những hội thảo quốc tế. Không biết Chi có kinh nghiệm gì trong việc này không?
Chi trả lời: Một câu hỏi rất thú vị! Đúng là lưỡi mình bẩm sinh ngắn nên khi nói nhanh, kể cả tiếng Việt và tiếng Anh, dễ bị nuốt mất âm và về tổng quan thì không tròn vành, rõ chữ được như các bạn có cấu trúc lưỡi khác. Đây là điều mà mình ý thức được từ bé (ngay từ nhỏ bố mẹ mình đã nhận xét là nhiều khi mình nói mọi người “nghe không hiểu gì”) và hồi đi học cũng hay bị các bạn trêu nên nhiều lúc cũng hơi bị mặc cảm. Nhưng về sau này, mình nhận ra là chính sự thiếu tự tin vì ngắn lưỡi lại khiến mình nói khó nghe hơn, chứ không hoàn toàn vì ngắn lưỡi nên mới nói khó nghe. (Bạn nào đọc hiểu được câu này chết liền 😂). Ý mình là, khi cảm thấy thiếu tự tin vì phải nói trước đám đông hay sử dụng ngoại ngữ, mình sẽ hồi hộp hơn, lưỡi dễ cuốn vào hơn, nói nhanh hơn, và càng dễ mất âm, mất chữ hơn. Sau đó, nếu người nghe tỏ vẻ không hiểu hoặc hỏi lại thì thay vì bình tĩnh trả lời, mình lại cuống lên, càng hồi hộp, càng thiếu tự tin, và càng nói nhanh (nói kiểu “không ai hiểu gì thì càng tốt” ấy 😂) nên lại càng khó nghe hơn. Bây giờ mình cũng không tự tin để nói là mình nói tiếng Anh hay tiếng Việt hoàn hảo được nhưng mình đã cải thiện được tốt hơn ngày xưa rất nhiều bằng cách: kiểm soát tâm lý, hít thở sâu trước khi nói trước đám đông, khi nói chú ý nhịp hơi thở để điều hòa tốc độ nói cho chậm lại, ghi âm giọng nói của mình để nghe lại và sửa, phỏng vấn người khác để học cách nói chuyện cùng tốc độ với người đối diện…. Mặc dù nghe có vẻ hơi vô lý nhưng một cách hữu hiệu nhất để “chữa” vấn đề líu lưỡi khi nói trước đám đông là càng nói trước đám đông nhiều càng tốt, coi mỗi cơ hội được nói từ 3 người trở lên, thuyết trình trên lớp, thuyết trình hội thảo…là một cơ hội để luyện tập – càng nhiều lỗi sai bây giờ thì càng ít lỗi sai về sau. Hy vọng chia sẻ này giúp được cho bạn phần nào. Mình cũng đang luyện tập hàng ngày để nói tốt hơn.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm chuỗi bài viết về kinh nghiệm học tiếng Anh của tôi tại đây.
Nghiên cứu – Công việc
Bạn hỏi: Công việc của Chi hiện tại là gì?
Chi trả lời: Như nhiều người cũng biết, tôi hiện là nghiên cứu sinh năm thứ 4 ngành Giáo dục tại một trường đại học thiên về nghiên cứu tại Mỹ. Vì vậy, nghề nghiệp hiện tại của tôi có thể gọi là “nghiên cứu sinh” hay “sinh viên” với công việc chính là học tập, nghiên cứu. Nhưng nếu như bạn từng đọc “Ph.D. funding hay những gì tôi học được khi từ chối một công việc tốt” bạn sẽ biết là tôi làm một số công việc bên lề (khoảng 20 giờ/tuần) cho giáo sư và cho trường như trợ lý nghiên cứu, trợ lý giảng dạy, xuất bản, hành chính… để bảo toàn được khoản “học bổng” và tiền sinh hoạt hàng tháng của mình. Công việc của tôi không có giờ giấc và địa điểm làm việc cụ thể, hàng ngày tôi làm từ 8-10 tiếng bao gồm các việc riêng của mình và của giáo sư hướng dẫn (như đọc sách, nghiên cứu, viết lách, thu thập dự liệu, nhập dữ liệu, phân tích dữ liệu…cho đề tài tốt nghiệp và các dự án nghiên cứu làm chung với người khác). Có những tuần cũng không có nhiều việc, túc tắc làm mỗi ngày 8 tiếng là đủ. Nhưng có những tuần deadlines dồn dập thì làm từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau cũng không chắc hết việc 😂 – những lúc như thế thì cân bằng cuộc sống, sắp xếp thời gian biểu hợp lý, chăm sóc bản thân, và (nhất là) tìm thời gian viết blog trở nên rất khó khăn. Nhưng nhiều khi tôi nghĩ, có lẽ vì bận rộn nên tôi mới có động lực làm nhiều việc một lúc và trau dồi kỹ năng quản lý thời gian tốt hơn, bởi vậy tôi luôn trân trọng mọi việc mình đang làm và cố gắng làm tốt nhất có thể. Hiện nay, tôi ổn. Nhưng 2 tuần nữa sau khi học kỳ mới bắt đầu? Tôi không dám chắc cho lắm 😂.
Bạn đọc quan tâm đến những gì tôi đang làm có thể cập nhật tại website cá nhân của tôi: https://chinguyen.education/
Bạn hỏi: Bạn có thể chia sẻ thêm những cuốn sách học thuật bạn cảm thấy hữu ích và kỹ năng/kiến thức từ việc làm nghiên cứu?
Chi trả lời: Một số cuốn sách học thuật tôi thích nhất đã được chia sẻ tại đây.Tôi sẽ cập nhật thêm trong thời gian tới nếu có thêm những cuốn sách mà tôi cảm thấy “đắt giá” để cho vào danh sách này.
Về nghiên cứu/học thuật tôi từng chia sẻ một số nội dung lồng ghép như: Phương pháp học hiệu quả, Đọc tài liệu nhanh, năm ý tốt, và Làm việc tập trung, không trì hoãn. Tôi khá đắn đo khi viết những nội dung về “kỹ thuật” (như phương pháp nghiên cứu định lượng, định tính) hay những học thuyết giáo dục, xã hội trên blog vì nhìn tổng quát, blog vẫn là nơi tôi chia sẻ về cuộc sống, chứ không phải về công việc. Nhưng nếu bạn đọc quan tâm, tôi có thể lồng ghép nội dung ứng dụng từ lý thuyết khoa học và kiến thức học thuật vào đời sống hàng ngày. (Comment phía dưới cho tôi biết suy nghĩ của bạn về đề tài này nhé!).
Bạn hỏi: Theo bạn, một người làm nghiên cứu khoa học cần có những phẩm chất nào?
Chi trả lời: Tôi không chắc mình có đủ kinh nghiệm sống và nghiên cứu để đưa ra những phẩm chất cần có của một người làm nghiên cứu. Nhưng từ kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ người làm nghiên cứu trước hết phải có đam mê lớn với ngành học hoặc đề tài mình theo đuổi vì thời gian nghiên cứu thường kéo dài, không mang lại nhiều lợi ích trước mắt (như tiền bạc, danh tiếng), không dễ chia sẻ được với người thân về công việc, và làm việc rất vất vả nên nếu không có đam mê thì khó có thể theo đuổi được lâu dài. Cũng vì những đặc thù này của công việc nghiên cứu, người làm nghiên cứu, theo tôi, cần kiên nhẫn, bền bỉ, có khả năng làm việc độc lập và tự thúc đẩy bản thân cao để đạt được mục tiêu mình đề ra, dù có áp lực từ bên ngoài tác động hay không.
Cuộc sống – Tình yêu
Bạn hỏi: Chi có thể chia sẻ routine hàng ngày của mình được không?
Chi trả lời: Một trong những bài viết được đọc nhiều nhất trên blog là về routine (link), trong đó, tôi có giải thích routine là gì và một số điều tôi làm trong routine hàng ngày của mình. Cho đến nay, tôi vẫn duy trì những routine đó nhưng cũng tùy theo lịch làm việc, tùy theo từng hoàn cảnh mà routine có thể thay đổi, thêm bớt một số thứ cho phù hợp. Hiện nay, tôi cũng đang cố gắng thiết lập lại một routine ổn định hơn.
Nhưng về cơ bản, buổi sáng tôi dậy khoảng 7:30 – tôi không thích thức dậy bằng đồng hồ báo thức nên cố gắng ngủ đúng giờ để tự mình dậy được sớm (trước đây có mèo Friday đánh thức tôi dậy rất đúng giờ nhưng tiếc rằng chiếc “đồng hồ báo thức” này không còn nữa 😢). Việc đầu tiên tôi làm là viết 3 điều tôi cảm thấy biết ơn, 3 điều tôi định làm, và lời quyết tâm trong The 5-Minute Journal – viết cũng là một cách hữu hiệu để tỉnh ngủ. Sau đó, tôi uống nước, làm vệ sinh cá nhân, và ăn sáng (ngày nghỉ thì tôi nấu ăn còn ngày thường tôi “ăn” sáng bằng cách uống nước dinh dưỡng Soylent). Sau khi ăn sáng, tôi thường viết Morning Pages 20 phút và thiền 10 phút. Tôi thường ngồi vào bàn làm việc lúc 9 giờ, chậm nhất là 9 giờ 30.
Buổi chiều, khoảng 4 giờ 30 chồng tôi đi làm về thì hai vợ chồng đi tập gym khoảng 1 tiếng; nếu hôm nào không tập gym thì tôi tập yoga tại nhà khoảng 30 phút. (Đây là một cố gắng lớn vì nếu bạn biết lịch sử tập thể dục của tôi, bạn sẽ hiểu tôi ghét thể thao thế nào 😅). Sau đó, chúng tôi về nhà tắm rửa, nấu ăn và dọn dẹp – kết thúc khoảng 8 giờ. Sau khi ăn tối, nếu ai còn việc thì người đó sẽ làm tiếp đến khoảng 9-10 giờ, nếu không có việc thì cả hai xem phim hoặc ra ngoài đi dạo – làm một hoạt động thư giãn nào đó cùng nhau. Chúng tôi đều cố gắng lên giường ngủ lúc 10 giờ 30. Trước khi đi ngủ, cả 2 viết chung vào cuốn sổ Q&A dành cho cặp đôi – cuốn sổ này mỗi ngày sẽ đưa ra 1 câu hỏi cho 2 người trả lời, đủ 365 ngày/năm, viết trong 3 năm – hiện nay chúng tôi đã viết được 1 năm rưỡi.
Bạn hỏi: Chi có nấu ăn không? Bạn có kinh nghiệm gì về ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng không?
Chi trả lời: Nếu các bạn thường xuyên theo dõi Instagram Stories của tôi, bạn sẽ nhận ra là tôi … ăn rất nhiều 😄. Gần đây trên Instagram Stories, tôi cũng chia sẻ các bước nấu đồ ăn Việt nhưng thay đổi một số nguyên liệu cho nhẹ nhàng, ít chất béo hơn, như đậu phụ thái mỏng và rán với một ít dầu dừa, rang “cơm” súp lơ trắng (cauliflower rice) thay vì rang cơm trắng như bình thường … Nhưng thú thực là tôi còn cần phải học rất nhiều về bếp núc, tôi muốn học nấu món Việt một cách bài bản, không chỉ nấu ăn ngon mà còn trình bày đẹp, và thay đổi nguyên liệu để có lợi cho sức khỏe hơn. (Tôi sẽ chia sẻ thêm sau về chủ đề này).
Còn trong gia đình, người nấu chính là chồng tôi 👨🏼🍳! Chồng tôi đã làm trong lĩnh vực nhà hàng đã được 7 năm, là một đầu bếp chuyên nghiệp, và rất yêu nấu nướng. Vì thế, nếu không phải làm ca tối, anh ấy sẽ phụ trách tất cả các bữa ăn tối và tráng miệng, tôi chỉ phụ bếp với rửa bát đũa cuối ngày thôi 😋. Nhưng vì chồng tôi chỉ chuyên các món Âu nên có những hôm thích ăn món Á, đặc biệt món Việt Nam, thì tôi sẽ vào bếp (nhiều khi đang nấu dở không nhớ cách lại phải Facetime về hỏi 2 “sư phụ” là mẹ đẻ với mẹ chồng 😁)
Bạn hỏi: Chi làm cách nào để duy trì quan hệ tình cảm khi ở xa nhau (long distance relationship)?
Chi trả lời: Sau khi chia sẻ câu chuyện quen nhau “xuyên lục địa” của vợ chồng tôi và cái kết có hậu (nhất là cái kết có hậu 😄), rất nhiều người cũng hỏi tôi về cách duy trì tình bạn/tình yêu khi xa cách. Tôi nghĩ mỗi người sẽ có một cách khác nhau để kết nối liên lạc, tùy theo mối quan hệ và mức độ tình cảm của các bạn. Ngày nay có muôn vàn các cách để giữ liên lạc (chứ không như thời 8 năm trước khi chúng tôi quen nhau còn chưa có smartphone và Facebook) thế nên không quá khó để duy trì mối quan hệ lâu dài.
Tuy nhiên, để tình cảm được bền vững và mỗi người được tự do làm điều mình muốn, tôi thường đưa ra 2 lời khuyên (dựa vào mối quan hệ của riêng vợ chồng tôi). Thứ nhất là “keep yourself busy” (giữ bản thân luôn bận rộn) vì khi bận rộn, tập trung vào phát triển bản thân hoặc các dự án cá nhân, bạn sẽ bớt cảm thấy trống trải khi không có người kia bên cạnh và đỡ chê trách người ta khi không có thời gian cho mình. Thứ hai là “keep your expectations low” (giữ kỳ vọng ở mức thấp) vì kỳ vọng là thứ rất khó để kiểm soát, bạn kỳ vọng bản thân, kỳ vọng người khác, rồi kỳ vọng hai người sẽ như thế nào khi ở bên nhau… nhưng thực tế kỳ vọng chỉ ở trong đầu mình tự nghĩ ra, còn thực tế có giống như thế hay không lại là một câu chuyện khác. Vì vậy, giữ cho kỳ vọng ở mức thấp, trong khi để bản thân luôn bận rộn sẽ làm bớt đi những đánh giá, soi mói, nghi ngờ không đáng có – những thứ dễ phá hỏng các mối quan hệ.
Trong quá trình giữ liên lạc với nhau, sẽ có những lúc bạn cảm thấy hết đề tài để tiếp tục nói chuyện hoặc có những thứ xảy ra trong cuộc sống riêng của mình mà bạn chưa sẵn sàng để chia sẻ. Đây không phải là điều gì quá tệ cả, tôi tin cặp đôi nào cũng trải qua những vấn đề này. Cách chúng tôi vượt qua thời gian “im lặng kỳ cục” đó là làm một hoạt động gì đó cùng nhau. Ví dụ như xem phim cùng nhau (yep, chúng tôi từng chọn một bộ phim và đếm “1,2,3” để nhấn nút “play” 😄), đọc sách cùng nhau, viết chung nhật ký điện tử, hay thậm chí “ngủ” và “thức dậy” cùng nhau (bật webcam kể cả khi đang ngủ 😎) … Nhưng có lẽ, điều có ý nghĩa nhất để chúng tôi đến với nhau là cả hai cùng chia sẻ quá trình trưởng thành của mình, chúng tôi biết nhau từ khi còn non nớt, mới bước ra đời, cùng nhau vượt qua những vấp ngã ban đầu, những khó khăn trong cuộc sống, nên khi đến được với nhau, chúng tôi dù nhận ra cả hai đều khác xưa nhưng hoàn toàn quen thuộc và thấu hiểu sự thay đổi này.
—
Tôi hy vọng phần “Bạn hỏi – Chi trả lời” này hữu ích cho các bạn. Nếu mọi người muốn biết rõ hơn về những gì tôi chia sẻ ở đây hay có câu hỏi gì mới, bạn có thể comment phía dưới hoặc gửi câu hỏi qua đường link khảo sát. Hẹn gặp các bạn vào phần “Bạn hỏi – Chi trả lời” lần tới.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Cảm ơn những chia sẻ của chị ạ. Blog của chị là 1 trong những điều làm em trông chờ đến thứ 4 để xem hôm nay sẽ đọc/ học được điều gì thú vị ^^
Cảm ơn em nhiều. Gặp lại em vào thứ 4 tuần tới ^^
Hay quá chị ơi. Em học được vô cùng nhiều từ chị Chi luôn ấy. hihi.
Cảm ơn em 🙂
hihi. Chị Chi viết nhiều bài về du học với kinh nghiệm nghiên cứu với nha chị. Em cảm ơn chị nhiều ạ.
Cảm ơn em đã theo dõi blog thường xuyên. Chắc chắn sẽ có đề tài du học trong tương lai
Dạ vâng ạ. hihi
Chị Chi ơi, em có 3 vấn đề băn khoăn và mong chị có thể viết bài về chủ đề đó ạ: (1) xây dựng thương hiệu cá nhân, (2) có nên sử dụng mạng xã hội không và dùng nó với cái nhìn như thế nào or nguyên tắc nên có khi sử dụng mạng xã hội, (3) lọc, phát triển và duy trì các mối quan hệ quanh ta. Đọc bài viết của chị em có cảm giác rất tin tưởng vì lý lẽ thuyết phục, mọi thứ khá sáng tỏ và rành mạch nên em rất muốn nghe ý kiến từ chị ạ.
Em cảm ơn chị ạ!
Cảm ơn em đã comment và hỏi ý kiến chị. Về (1) Thương hiệu cá nhân: Chị không thực sự rành về vấn đề này vì bản thân chỉ xây dựng hình ảnh theo đúng những gì mình có – ngay như blog này cũng không phải là personal branding (vì nó tên là thepresentwriter.com chứ không phải chinguyen.abc hay gì cả). Nhưng gần đây chị có làm thêm 1 website nữa để phục vụ cho công việc cá nhân: http://chinguyen.education/). Chị sẽ tìm hiểu và suy nghĩ thêm về vấn đề này, bao giờ sẵn sàng chị sẽ chia sẻ thêm nhé. Về (2) Dùng mạng xã hội, chị ủng hộ việc dùng mạng xã hội nhưng sử dụng có kiểm soát, hiệu quả, và mang lại điều tích cực cho mình và người khác. Em có thể đọc thêm suy nghĩ của chị về “lan tỏa dòng nước trong” tại đây: https://thepresentwriter.com/ren-luyen-tu-duy-tich-cuc-phan-5-cuoi-nhung-dieu-quan-trong-nhat/ và ý kiến của chị Trang (một khách mời của blog) về Facebook tại đây: https://thepresentwriter.com/nhin-cuoc-song-duoi-mot-con-mat-khac-phong-van-co-giao-thac-si-giao-duc-pham-thi-thu-trang/. Về (3) thanh lọc các mối quan hệ, chị đã viết một bài về chủ đề này: https://thepresentwriter.com/8020-quy-tac-vang-de-lam-chu-cuoc-song/
Em cảm ơn chị vì đã hướng dẫn rất chi tiết nhé.
Chị suggest vài blog bằng tiếng Anh mà lối sống và lối suy nghĩ gần như chị để em tìm đọc được không ạ.
Cảm ơn em đã đọc. Chị có liệt kê danh sách blog và sách yêu thích ở đây (sẽ còn update thêm):https://thepresentwriter.com/my-reading-list-sach-truyen-blog-hay-nhat-toi-tung-doc/
Em cảm ơn chị ạ. Chúc chị luôn vui nha <3
Chị ơi em rất ngưỡng mộ chị và cuộc sống của chị. Em thường xuyên đọc blog của chị và đã biết thêm được rất nhiều điều thú vị, nhất là về việc quản lý cuộc sống, chủ nghĩa tối giản, tư duy tích cực và kinh nghiệm học tập ở nước ngoài. Thời gian này em đang có nhiều vấn đề liên quan đến các lựa chọn tương lại nên nhiều lúc bị stress, may mà có blog của chị để em đọc và thấy bình tâm hơn. Cảm ơn chị đã viết. Chị tiếp tục chia sẻ nhé, em luôn chờ đọc các bài viết của chị!
Cảm ơn em! Chị rất vui vì những bài viết này giúp được cho em trong giai đoạn khó khăn
Cám ơn những chia sẻ của chị, c viết thêm về nghiên cứu định lượng đc k ạ, môn này thật khó hỉu. E cám ơn chị nhìu!
Chi ơi, mình rất thích blog của Chi từ mấy năm nay rồi, từ những ngày đầu. Mà lâu rồi không vào lại blog vì chủ yếu nghe Chi trên YouTube hoặc Podcast thôi, thì thấy là Blog Chi ko có bài mới nào trong 2023 nhỉ? Hay mình bị miss ở đâu? YouTube và Podcast thì vẫn thấy ra đều đều.
Mong Chi viết tiếp nhé, mình và mọi người thích đọc bài Chi viết lắm.
Cám ơn Chi!