Ph.D. – Yay or Nay?
Gần đây, có nhiều bạn liên hệ hỏi tôi về việc học Tiến sĩ ở nước ngoài, đặc biệt trong khối ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đây thực sự là một điều ngạc nhiên lớn đối với tôi! Cách đây 5 năm, khi tôi bắt đầu làm hồ sơ cao học ngành Quản lý Giáo dục ở Mỹ, rất ít người theo học ngành này ở nước ngoài (đa phần mọi người học về Ngôn ngữ Anh hay Dạy tiếng Anh). Tìm được người học cao học đúng ngành Quản lý Giáo dục gần như là không tưởng, nhưng đến cả những người học ngành khoa học xã hội chung chung thôi cũng đã vô cùng khó tìm. Mặc dù từng nhận được sự giúp đỡ từ nhiều anh chị đi trước, tôi thực sự không có một ai gọi là “mentor” (người chỉ dẫn) đúng nghĩa để trả lời các câu hỏi trong quá trình làm hồ sơ và lập dự định tương lai cho mình.
Đó là Thạc sĩ. Còn Tiến sĩ nữa thì ôi thôi, hầu như mọi người nghe đến hai từ “Tiến sĩ” đã thấy vô cùng xa vời và đáng sợ, cứ như thể là học được xong cái bằng ra trường thì đã già lụ khụ, chồng con không có, đầu óc thì phi thực tế ở đâu đâu (hay là thế thật? 😅). Hồi đó, Tiến sĩ hầu như chỉ dành cho những bạn học khối ngành khoa học tự nhiên (STEM) thôi bởi vì các bạn được định hướng làm việc trong phòng thí nghiệm, sản xuất kỹ thuật, máy móc công nghệ … từ rất sớm — những ngành này cũng có xu hướng tuyển nghiên cứu sinh trẻ, mới có bằng Đại học. Trong khi đó, ngành khoa học xã hội thường yêu cầu nghiên cứu sinh phải có bằng Thạc sĩ trước hoặc có kinh nghiệm làm việc ít nhất 2 năm. Thế nên, thời điểm đó, việc nộp học Tiến sĩ ngành khoa học xã hội và nhân văn ở nước ngoài là rất hiếm, đặc biệt cho những ai ngoài ngạch giảng dạy, nghiên cứu, hay quản lý nhà nước tại Việt Nam.
Bởi vậy, việc chỉ sau vài năm đã có rất nhiều người học cao học ở nước ngoài khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, ra trường tiếp tục có ý muốn học Tiến sĩ (thậm chí có những người học thẳng từ Đại học lên Tiến sĩ) là một xu hướng rất thú vị đối với tôi. Tuy nhiên, vì việc học Tiến sĩ ở nước ngoài còn khá mới mẻ với người Việt Nam, tôi nhận thấy có nhiều suy nghĩ mơ hồ, chưa thực sự sát đáng về chủ đề này. Bởi vậy, tôi quyết định thông qua bài viết này để trả lời một số câu hỏi thường gặp như: Tiến sĩ là gì? Học như thế nào? Lý do gì để học Tiến sĩ? Học bậc Tiến sĩ khác với bậc Thạc sĩ như thế nào? Ra trường thì làm gì? và những điều mà tôi ước mình biết trước khi nộp hồ sơ (nhưng không ai chỉ cho vì thiếu mentor 😢).
Tôi không có khả năng (và quyền hạn) để trả lời câu hỏi bạn có nên học Tiến sĩ hay không. Nhưng tôi hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình.
*** Lưu ý: Kiến thức và kinh nghiệm của tôi là hữu hạn. Tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn du học và những gì tôi chia sẻ dưới đây đều xuất phát từ trải nghiệm của tôi, một sinh viên từng học Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Quản lý Giáo dục tại 2 ngôi trường khác nhau trên nước Mỹ. Những người học ngành khác, trường khác, đất nước khác… sẽ có thể có những trải nghiệm rất khác.
Rốt cục, học Tiến sĩ là học gì?
Tiến sĩ (Doctors of Philosophy – Ph.D.) là một chương trình kéo dài trong khoảng 4-6 năm (có thể nhiều hơn) trong các lĩnh vực nhỏ, hẹp, và sâu, phần lớn thiên về nghiên cứu. Mặc dù vậy, có những loại Tiến sĩ thiên về ứng dụng thực tiễn, ví dụ trong ngành của tôi có Tiến sĩ Giáo dục (Doctor of Education – Ed.D hay D.Ed). Thông thường, bạn cần lấy lớp học trong vòng 2 năm để tích lũy kiến thức và kỹ năng làm nghiên cứu và 2+ năm còn lại làm đề tài nghiên cứu độc lập của mình. Ở một số nước và một số chương trình, Tiến sĩ có thể bắt tay vào nghiên cứu độc lập ngay khi được nhận và không phải lấy lớp học — tuy nhiên, đây không phải là mô hình thường gặp tại Mỹ.
Nhìn chung, dù bạn làm Tiến sĩ ở ngành nào, đây là một con đường thực sự rất vất vả. Nó tốn nhiều thời gian, công sức, và tiền bạc (kể cả với học bổng) và vì thế, nó là một sự cam kết vô cùng lớn với tương lai của mình. Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng học Tiến sĩ ra là “biết tuốt”, sự thật hoàn toàn ngược lại. Càng nghiên cứu sâu, những gì bạn quan tâm sẽ càng trở nên hẹp lại, tập trung hơn, và sâu hơn. Điều này khiến bạn khi ra trường có thể trở thành “chuyên gia” một lĩnh vực X1 nào đó, chứ không hẳn am tường về lĩnh vực X2, X3 … Ví dụ đơn cử như trong ngành Quản lý Giáo dục tôi đang theo học, nghe có vẻ đã rất hẹp so với ngành “Giáo dục” chung chung nhưng thực sự ngành này còn được chẻ nhỏ ra rất nhiều như Quản lý trường học, Quản lý về dạy học, Quản lý các tổ chức phi chính phủ về giáo dục, Quản lý chính sách … và trong mỗi ngành hẹp này lại còn chẻ nhỏ ra thêm rất nhiều, rất nhiều nhánh nhỏ nữa. Ngoài ra, học Tiến sĩ không phải là chỉ biết có lý thuyết chứ không thực hành. Có rất nhiều cách để làm nghiên cứu và có những nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn ngay tức thì (ví dụ, nghiên cứu làm thay đổi một công nghệ, nghiên cứu để cải tiến chất lượng dạy và học, nghiên cứu định hướng chính sách …). Là một người làm nghiên cứu ứng dụng (action research), cá nhân tôi chưa bao giờ làm một dự án nào mà không nghĩ đến đầu ra của nó cả. Và đa số những người làm nghiên cứu hiện nay tôi biết đều không ngừng tìm kiếm kênh kết nối giữa lý thuyết và thực hành.
Nhưng tại sao lại phải học Tiến sĩ?
Câu đầu tiên tôi thường nói với những bạn còn đang băn khoăn về việc học hay không học, đó là: Bạn không nhất thiết phải có bằng Tiến sĩ để làm được những điều mình muốn. Nếu bạn có ước mơ mở ra một trường học, một tổ chức, một doanh nghiệp …, bạn không nhất thiết cần phải học Tiến sĩ để làm được điều đó. Tôi thường nghĩ thế này. Nếu như chúng tôi, những người làm khoa học, là nơi “sản xuất” ra những công trình nghiên cứu thì bạn có thể là người “tiêu dùng”, sử dụng những kết quả nghiên cứu có sẵn để ứng dụng vào những gì mình đang làm. Có rất nhiều sách báo hiện nay xuất bản kết quả công trình nghiên cứu và viết dưới ngôn ngữ mà mọi người bình thường (không cần học Tiến sĩ) cũng có thể hiểu được. Bởi vậy, nếu ham học hỏi, đọc nhiều, tham dự hội thảo nhiều, hay trao đổi nhiều với các chuyên gia, kiến thức và kỹ năng của bạn cũng có thể nâng tầm cao hơn. Hãy để tôi nhắc lại một lần nữa, bạn không nhất thiết phải có bằng Tiến sĩ để làm được những điều mình muốn!
Vậy mọi người đi học Tiến sĩ để làm gì? Phần lớn những người từng liên hệ với tôi đều nói rằng họ muốn học thêm kiến thức, cảm thấy những điều mình học trước đây chưa đủ sâu và chưa “đến tầm”. Nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều lý do có phần “cấp bách” hơn, ví dụ như: muốn có học bổng (vì nguồn tiền học bổng thường dồn cho Tiến sĩ hơn là Thạc sĩ), muốn ra nước ngoài trải nghiệm hoặc muốn ở nước ngoài lâu hơn, muốn ở cùng chồng/vợ và đóng góp kinh tế (một số loại visa không cho phép thân nhân người đi học được đi làm kiếm tiền, bởi vậy, cả hai vợ chồng đều đi học sẽ được cấp loại visa để cả hai cùng có thể đi làm), để được thăng chức hoặc giữ vị trí của mình (một số công việc yêu cầu bằng cấp cao) … Vô vàn các lý do khác nhau. Tôi thường gặp những bạn phải vòng vo, quanh co mãi mới nói ra được lý do thật của mình để đi học vì:”Lý do của mình có thể bị người ngoài đánh giá là ‘thực dụng'”. Nhưng đối với tôi, tất cả các lý do trên đây đều chính đáng.
Bản thân tôi vốn là một người thích học thêm điều mới ở trường lớp (*khác với những người ham học nhưng không nhất thiết phải từ hệ thống giáo dục chính quy) và từ khi còn rất nhỏ, tôi đã khát khao để được học lên cao nhất có thể. Tuy nhiên, ban đầu tôi thiếu tự tin về năng lực của mình và không nghĩ rằng mình có thể học được Tiến sĩ (quay lại vấn đề là tôi không có mentor và không biết ai học Tiến sĩ về Giáo dục). Nhưng năm 2013, khi đang nộp học Thạc sĩ, tôi quyết định làm thêm bộ hồ sơ Tiến sĩ vì quá bức xúc và mệt mỏi với việc nhận được từ chối học bổng cao học từ hết trường này đến trường kia, chỉ vì: “Xin lỗi bạn, nguồn tiền này chỉ dành cho đơn nộp học bậc Tiến sĩ”. Nhưng quá trình làm hồ sơ năm đầu tiên tại Việt Nam và năm thứ hai sau khi đã học được một kỳ Thạc sĩ tại Mỹ làm tôi nhận ra tố chất, kỹ năng, và kinh nghiệm của mình đủ để theo học Tiến sĩ một cách tự tin, chắc chắn (đọc thêm về hành trình của tôi tại đây). Nếu không có sự bức xúc từ những ngày đầu tiên về chuyện thiếu học bổng và những lý do bên ngoài niềm đam mê học tập, tôi có lẽ sẽ không bao giờ có đủ can đảm nộp học Tiến sĩ. Bởi vậy, đối với tôi, mọi lý do đều là chính đáng.
Nhưng hãy nghe tôi ở điểm này, khát khao được học hỏi và đam mê nghiên cứu của bạn phải là lý do hàng đầu. Nếu thiếu đi những điều này, 4-6 năm học và làm việc điên cuồng sẽ khiến bạn cảm thấy khốn khổ và muốn bỏ cuộc giữa chừng. Học Tiến sĩ là một quá trình tu luyện vô cùng nghiêm túc, vất vả, và phải trả giá nhiều điều. Tôi không tin bất cứ ai nói rằng làm Tiến sĩ ở nước ngoài, đặc biệt ở những trường có thứ hạng, là dễ dàng. Tôi cũng sẽ tranh luận cho đến cũng với những ai nói rằng học Tiến sĩ ngành khoa học xã hội và nhân văn (non-STEM) là dễ dàng. Nếu dễ như thế, mọi người hãy làm đi, hãy cho tôi thấy thực tế nó dễ đến mức độ nào. Cho đến tận năm thứ cuối của chương trình Tiến sĩ, tất cả những gì tôi trải qua đều đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt. Chưa có cái gì đến với tôi và bạn bè, đồng nghiệp là dễ dàng cả.
- Đúng là xin học bổng để học Tiến sĩ dễ hơn là ở những cấp học khác nhưng không có gì là miễn phí, hay đúng ra, không có gì gọi là “học bổng” hoàn toàn (đọc bài viết của tôi về Ph.D. funding để hiểu rõ hơn điểm này). Tất cả mọi nghiên cứu sinh đều làm việc không mệt mỏi để được miễn trừ học phí và có một khoản chi tiêu nho nhỏ, chỉ trên dưới mức lương tối thiểu một chút ít. Bởi vậy, hãy sẵn sàng để trở thành “đối tượng nghèo” ở nơi đất khách, ngay cả khi có “học bổng” 😭. Tôi biết có nhiều bạn, anh, chị người Việt Nam làm nghiên cứu sinh ở Mỹ vẫn có thể tiết kiệm khoản tiền lương tối thiểu để gửi về cho gia đình. Tôi thực sự ngưỡng mộ họ, nhưng tôi luôn tự hỏi liệu mọi người ở nhà có biết những du học sinh này phải tiết kiệm nhiều như thế nào để đủ tiền sinh hoạt và dôi dư gửi về nhà? Sống ở nước ngoài thực sự rất đắt đỏ.
- Đúng là làm Tiến sĩ sẽ kéo dài thêm thời gian ở nước ngoài của bạn nhưng bạn cũng cần phải biết rằng bằng cấp nào cũng có điểm kết thúc. Sẽ có một ngày bạn lại phải đối mặt với quyết định đi hay ở. Và nếu bạn may mắn có thể gia hạn thêm nữa thời gian ở lại, bạn sẽ làm gì khi ra trường? Đây là những vấn đề mà sớm muộn chúng ta cũng cần phải giải quyết.
- Đúng là làm Tiến sĩ có thể mang vợ/chồng, con cái theo nhưng cuộc sống sẽ trở nên vô cùng bận rộn và tốn kém. Hãy sẵn sàng chuẩn bị tâm thế cho cuộc sống gia đình ở nước ngoài (đọc bài “Học tiến sĩ, sinh con, và nuôi con ở Mỹ” để hiểu thêm về hoàn cảnh này). Bạn cũng sẽ phải học cách cân bằng cuộc sống và công việc tốt hơn khi mang theo chồng/vợ và con cái.
- Đúng là làm Tiến sĩ có thể giúp thăng tiến tốt hơn (nếu bạn đã có một công việc ổn định) nhưng cũng phải đánh đổi nhiều cơ hội khác. Tôi từng gặp nhiều anh chị có công việc rất tốt ở Việt Nam và sang nước ngoài học để thăng tiến và đáp ứng tốt hơn với nhu cầu công việc. Nhưng việc ở nước ngoài quá lâu cũng làm mất đi của họ nhiều mối quan hệ và cơ hội làm ăn quan trọng. Nếu đây là lý do đi học của bạn, hãy chọn chương trình nào có khả năng kết thúc sớm, làm nghiên cứu có tính ứng dụng sát với công việc của mình, và tích cực cập nhật trên mạng xã hội để giữ các mối quan hệ mình có tại Việt Nam.
Viết ra tất cả những khó khăn này không phải để nói rằng bạn không nên đi học Tiến sĩ, mà chỉ để bạn có cái nhìn toàn cảnh hơn và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai của mình. Khi viết bài luận về lý do muốn đi học (Statement of Purpose — SOP), bạn hãy nghĩ thật thấu đáo về điều này: Mình có thực sự, thực sự muốn học Tiến sĩ không? Muốn tới mức mà mình sẵn sàng chết đi sống lại vì nó?
Thế còn học Tiến sĩ khác với học Thạc sĩ ở điểm nào?
Như đã viết, mặc dù bạn có thể học thẳng từ Đại học lên Tiến sĩ (đặc biệt những bạn học khoa học tự nhiên), đa số những người học khoa học xã hội và nhân văn thường phải học qua bậc Thạc sĩ trước. Tôi có may mắn được trải nghiệm cả hai cấp học này ở Mỹ, ở một trường từ Ivy League và một trường công nghiên cứu lớn, nên tôi có thể chia sẻ một số suy nghĩ của mình về sự giống và khác nhau giữa hai cấp học này:
- Thạc sĩ học tương đối rộng và khá tự do trong vấn đề lựa chọn môn. Tiến sĩ học sâu hơn, hẹp hơn, và tập trung hơn
- Thạc sĩ tập trung vào việc lấy lớp đi học. Tiến sĩ tập trung vào nghiên cứu độc lập
- Thạc sĩ chủ yếu chỉ cần viết lách bài giữa kỳ/cuối kỳ và (có thể) bài tốt nghiệp. Tiến sĩ chỉ có viết, viết, và viết trong suốt cả quá trình (ít nhất là trong ngành của tôi) nếu bạn muốn có xuất bản (publication) trước khi tốt nghiệp
- Khi học Thạc sĩ, bạn dễ tìm được bạn học cùng tuổi với mình hơn. Những người học Tiến sĩ thường đến từ nhiều lứa tuổi, đa phần già dặn hơn, và nhiều người đã lập gia đình
- Chương trình Thạc sĩ tương đối ngắn (từ 1-2 năm) nên ít có thay đổi trong đời sống cá nhân. Trong khi đó, vì thời gian học Tiến sĩ nhiều hơn, có nhiều sự kiện lớn xảy ra hơn (cưới xin, chia tay, sinh con, mua nhà, mua xe …) nên dễ có nhiều vấn đề cá nhân nảy sinh hơn
- Khi học Thạc sĩ, nếu có mối quan hệ không tốt với thầy cô và bạn bè, mọi chuyện có thể không đáng ngại lắm vì thời gian học ngắn. Nhưng đối với Tiến sĩ, mọi mối quan hệ cần cân nhắc kỹ để có thể tồn tại được tốt đẹp và lâu dài
Đây chỉ là một vài (trong số rất nhiều) điểm giống và khác nhau giữa Thạc sĩ và Tiến sĩ, theo quan điểm của tôi. Nếu bạn từng có kinh nghiệm học cả 2 cấp này ở nước ngoài, hãy bổ sung thêm cho tôi trong phần comment phía dưới nhé!
Rồi học Tiến sĩ ra trường thì làm gì?
Về cơ bản, bạn sẽ có 2 lựa chọn: Một là làm những công việc học thuật (academic track) như làm công tác giảng dạy ở trường Đại học; Hai là làm những công việc ngoài học thuật (non-academic track) như ở các tổ chức phi chính phủ, công ty, hay đơn vị công nghiệp ngành nghề khác.
Nhưng dù làm gì, để xin được việc cũng sẽ vô cùng cạnh tranh và phức tạp (trừ khi bạn đã có sẵn công việc chờ ở Việt Nam hay đâu đó ở nước ngoài). Bởi vì bằng cấp càng cao và ngạch nghiên cứu càng hẹp thì lại càng khó để tìm được một công việc thực sự khớp. Số lượng người có bằng Tiến sĩ ngày càng nhiều, trong khi công việc mở ra cho bằng cấp này có hạn. Do vậy, cũng không phải dễ dàng gì để có việc làm (đúng ý) ngay sau khi ra trường.
Đây là một mảng mà tôi chưa có kinh nghiệm vì hiện nay, tôi vẫn đang trong quá trình học tập và dần tìm hiểu về cơ hội cho tương lai. Hy vọng sau một thời gian ngắn nữa, tôi sẽ có thể chia sẻ thêm với bạn đọc về công việc cho Tiến sĩ.
***
Tôi mong rằng bài viết này mang lại cái nhìn rõ ràng hơn cho bạn đọc về việc học Tiến sĩ ở nước ngoài. Nếu bạn thực sự muốn theo đuổi bậc học này, có một “ý tưởng” hay “sở thích” thôi chưa đủ. Bạn cần có một kế hoạch rõ ràng với tính toán lợi-hại ở nhiều mảng khác nhau trong cuộc sống. Nhưng ít nhất, bây giờ cũng dễ dàng hơn để tìm được “mentor” rồi, đúng không? 😌
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Văn Thủy says
Cảm ơn chị Chi vì bài viết này nhé! Thực sự đọc xong bài viết này, em thấy thấm thế nào là “nghiên cứu là một nghề” chứ không phải là thứ để cho thấy chức vị của mình so với người khác.
Thực sự thì em cũng có dự định muốn học lên cao như chị vì nghĩ mình khá giống chị về tính cách. Nhưng sau khi đọc xong, em thấy chắc gì mình đã cần phải học Tiến sĩ!
Ôi em ước gì sẽ có nhiều người từ nhiều ngành nghề khác nhau chia sẻ về những hiểu biết và trải nghiệm nghề nghiệp như chị để em có cái nhìn chuẩn hơn về tương lai!
Yêu chị nhiều <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết và chia sẻ! Nghiên cứu đúng là một nghề đấy em ạ. Còn học thì cũng có nhiều con đường lắm, mình không ngừng học hỏi trên sách vở, cuộc sống, giao tiếp hàng ngày chứ không phải cứ qua trường lớp với học được. Đúng là có bằng Ph.D thì nghe “cao sang” thật nhưng cũng phải đánh đổi rất nhiều. Sau khi chị học xong chị cũng có cái nhìn khác, thật hơn về những người có bằng Ph.D.
Vi says
Hi Chi,
Vi đang chat với bạn về đúng câu hỏi này thì email thông báo bài mới Chi viết. Sự trùng hợp khiến Vi phải giật mình 😀
Vi cũng từng thấy PhD là một cái gì đó thật xa xôi, cũng chưa từng nghĩ tới đó, cho đến khi Giáo Sư khuyên Vi nên cân nhắc con đuờng này sau khi tham khảo bài viết và mục tiêu tương lai mà Vi chia sẻ.
Vi thực sự thấy vấn đề về mentor là quan trọng. Giáo sư đã chỉ cho Vi thấy những sai lầm trong suy nghĩ của Vi về PhD. Và quan trọng hơn cả, Thầy cũng là người chỉ ra khả năng của Vi đối với lựa chọn này. Vi nghĩ theo đuổi Thạc Sĩ truớc là một quyết định đúng đắn nhất mà Vi có. Ngoài việc nâng cao kỹ năng học và nghiên cứu cơ bản, đây là môi trường mang lại cho Vi nhiều sự giúp đỡ học thuật, mối quan hệ chuyên ngành. Trên hết, thời gian này là thời gian trung gian để Vi kiểm tra khả năng của mình trước khi quyết định con đường tiếp theo.
Mặc cảm duy nhất mà vẫn khiến Vi phải cân nhắc là liệu một người không cái background về giảng dạy chính thống có làm tốt vai trò của một nghiên cứu sinh mảng giáo dục hay không.
Trong thời gian trước khi có quyết định chính xác, Vi vẫn cảm thấy vui vì ít nhất, mình cũng đẩy bản thân mình đi một bước quan trọng, là kiếm cho mình một bằng cấp chính thức về giáo dục. Sau này có muốn thực hiện ước mơ của mình cũng tự tin hơn.
Cám ơn bài viết mới
Chúc Chi một ngày vui
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Vi đã chia sẻ nhé! Mình cũng thấy học Thạc sĩ trước là một lựa chọn đúng đắn để theo đuổi Tiến sĩ (ít nhất trong ngành mình học). Về băn khoăn của Vi về việc có cần kinh nghiệm đứng lớp hay không, mình thấy là không nhất thiết phải có. Tất nhiên, nếu Vi định học ngành Kỹ thuật giảng dạy hay gì đó thì kinh nghiệm dạy chính thống là rất cần. Nhưng nếu Vi muốn học về trường, lớp, chính sách, … thì theo mình là không nhất thiết phải cần (có nhiều giáo sư đầu ngành học cũng chưa từng đi dạy học phổ thông bao giờ!). Trong quá trình học, Vi có thể tranh thủ đi dạy mùa hè hay TA ở trường hoặc dạy miễn phí để có thêm kinh nghiệm thực tiễn cũng được.
Form Your Soul says
Thực sự em rất cảm ơn chị Chi về bài viết này ạ. Bài viết vô cùng có ý nghĩa với em ạ. Em chúc chị Chi một ngày mới hiệu quả nha. <3 <3 <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em!
Hạnh says
Cảm ơn bạn vì bài viết hữu ích này, cho những người còn đang lưỡng lự trong con đường nên học lên hay không. Tôi là 1 người như thế. Tốt nghiệp ĐH tại VN và đi làm chục năm, bằng cấp và kinh nghiệm chuyên môn đều là kinh tế, nhưng giờ tôi đang băn khoăn chuyển hướng sang giáo dục. Gia đình tôi theo nghiệp Giáo, bố mẹ cũng định hướng tôi theo hướng ý ngày nhỏ, nhưng tôi ko theo, và giờ đấy là 1 trong những nuối tiếc của tôi.
Rất mong nhận được thêm sự chia sẻ của bạn. Nếu có thể, tôi có thể liên lạc với bạn qua email được khong?
Chi Nguyễn says
Dạ, chào chị! Chị có thể liên hệ với em qua email (địa chỉ có trên trang web). Như em viết trong bài, Giáo dục cũng có nhiều mảng như giảng dạy, quản lý, chính sách … nếu chị biết mình quan tâm mảng nào thì việc chuyển ngành cũng không quá khó. Cá nhân em trước cũng không học Đại học ngành Giáo dục, đến khi sang cao học mới chuyển ngành. Nếu chị có bằng cấp về Kinh tế, chị có thể đi dạy Kinh tế hoặc sử dụng kiến thức kinh tế để làm nghiên cứu về chính sách giáo dục… Có nhiều con đường lắm ạ, chỉ là mình có chọn được đúng với nguyện vọng hay không thôi ạ.
Hanh Nguyen says
Cám ơn chị về bài viết. Em đang làm hồ sơ để đi học PhD tại Nhật ngành y học, cũng đang bơ vơ không biết gì. May mà có được những bài viết như của chị cảm thấy quý giá lắm ạ! Tự bản thân em thấy đây là một trải nghiệm quý giá và xứng đáng, vì đã thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn, ngay từ trong quá trình nộp hồ sơ mà đã thấy hứng thú và cũng có phần vất vả rồi, nhưng mà rất xứng đáng! Một lần nữa em cám ơn chị và chúc chị thật nhiều sức khỏe.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em! Chúc em may mắn trong quá trình nộp hồ sơ nhé!
Thu Nguyen says
Many thanks Chi.
Hoang says
Cảm ơn bạn đã chia sẻ, bản thân mình thì thấy việc học lên tiến sĩ chỉ thực sự cần thiết khi bạn có kế hoạch làm việc trong các viện nghiên cứu hoặc giảng dạy chứ còn học lên cao như thế mà đi làm kinh doanh thì lại không ứng dụng gì được cả rất lãng phí nguồn lực.
Chi Nguyễn says
Mình đồng ý! Nhưng nếu làm kinh doanh giáo dục (như mở trường học, trung tâm tư vấn học tập) mà có bằng cấp và kiến thức giáo dục thì mình nghĩ cũng rất tốt cho mô hình kinh doanh, để có chiều sâu và đạo đức hơn
Đặng Thanh Duy says
ở Việt Nam, tiến sĩ khó tìm được công việc phù hợp?
Hoàng Hưng says
Hi Chi
Bài của Chi rất hay. Mình dự định sẽ học tiến sĩ trong tương lai sau khi học thạc sĩ xong. Chi thấy 30 tuổi học tiến sĩ có trễ không? Và 1 vấn đề hơi nhạy cảm là nếu trong quá trình mình học tiến sĩ mà người thân như cha mẹ mất thì Chi nghĩ người ta nên xử lí thế nào. Vì khi lớn lên đến tuổi học tiến sĩ và trải qua 4-6 năm thì điều đó hoàn toàn có thể. Xin lỗi nếu đặt ra một câu hỏi hơi không ý tứ nhưng mình cứ sợ vậy…
Chi Nguyễn says
Chào Hưng. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Theo mình học không bao giờ là trễ cả, đặc biệt nếu bạn là nam giới thì càng dễ dàng hơn. Mình cũng đã từng gặp một số biến cố gia đình trong quá trình đi học, mặc dù chưa có hoàn cảnh như bạn kể nhưng mình cũng tìm cách trao đổi, chia sẻ lại với gia đình. Nếu biến cố quá lớn, mình chắc chắn sẽ quay về một thời gian để chăm lo cho gia đình. Cơ bản các chương trình Tiến sĩ mình phải đi học (lên lớp) khoảng 2 năm sau đó thì có thể ở nhà tự nghiên cứu, thời gian các năm sau bạn có thể đi bất cứ nơi đâu, nếu không có lệ thuộc về công việc gì ở trường. Mình nghĩ nỗi sợ của bạn là có cơ sở, nhưng không nhất thiết phải là lý do để ngừng học đâu :). Chúc bạn nhiều may mắn!
Thanh Thảo says
Hi Chi,
Cám ơn bài viết của Chi nhiều.
Mình đang làm hồ sơ du học tiến sỹ khoa học xã hội và mình thiếu một mentor thật sự. Mình đang ở trong tình trạng hoang mang.
DanJP says
Cảm ơn Chi vì bài viết tuyệt vời này. M vừa học xong thạc sỹ ở Nhật ngành kinh te năng lượng. Bây giờ muốn apply phd ở Đức thì may mắn tìm được blog của bạn. M năm nay 35t rùi nên muốn cố học càng sớm càng tốt