Trong truyền thông và marketing, chúng ta hay nghe tới cụm từ “go viral” chỉ những sản phẩm truyền thông lan truyền nhanh và rộng một cách đột biến thông qua mạng xã hội và email. Đối với những người làm sáng tạo, tạo ra được một nội dung có hiệu ứng viral (viral content) là ước mơ và mục tiêu lớn, bởi vì viral content có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ, đưa thương hiệu cá nhân/doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, hiệu ứng viral cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực và hệ lụy mà người làm sáng tạo chưa hình dung được ngay từ ban đầu.
Trong hơn 4 năm viết blog, tôi từng có một số bài viết tạo được hiệu ứng viral. Tại sao biết được là viral? Đó là vì đột ngột ngay sau khi bài đăng, lượt đọc, comment và share bài tăng lên gấp hàng chục lần so với bình thường, đưa nội dung đến hàng ngàn bạn đọc mới chỉ trong một thời gian rất ngắn. Nhìn lại, tôi nhận ra hai yếu tố lớn nhất khiến những bài viết này viral: (1) tính độc đáo – khi viết về một đề tài mà chưa ai viết/ít người biết đến vào thời điểm đó (ví dụ: “chủ nghĩa tối giản”; “trào lưu FIRE”) và (2) tính thời sự – khi viết về một đề tài nóng, đang được nhiều người quan tâm (ví dụ: “cult-cuồng giáo” vào thời điểm giáo phái lạ nổi lên ở Việt Nam; “nước Mỹ và COVID-19” khi dịch bênh mới bùng phát trên toàn cầu).
“Tại sao tôi sống theo Chủ nghĩa tối giản?” là bài viết đầu tiên tạo được hiệu ứng viral trên The Present Writer. Tôi nhớ nhất bài viết này vì sau khi nhấn nút đăng bài thì đã là tối muộn ở Mỹ, tôi bình thản đi ngủ, thầm nghĩ: “Chắc không ai ở Việt Nam quan tâm đến tối giản đâu” – đó là năm 2016, chưa từng có bài viết nào bằng tiếng Việt về đề tài này. Sáng hôm sau, cầm điện thoại lên, tôi choáng váng vì hàng trăm comment, email, tin nhắn đổ xuống. Thậm chí đến WordPress (nền tảng tôi làm blog) còn thông báo: “Lượng người quan tâm đến trang của bạn đột ngột tăng vọt! Great job!”.
Bạn có thể đọc bài viết đặc biệt này tại đây hoặc xem video essay dưới:
Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi không muốn đi sâu vào việc tạo viral content mà muốn phân tích ảnh hưởng sau này của hiệu ứng này đối với người làm sáng tạo nội dung — điều ít khi được nhắc đến. Bạn nên làm gì sau khi (bất ngờ) có được viral content? Làm sao để tận dụng lợi thế viral, đồng thời giải quyết những hệ lụy không mong muốn từ hiệu ứng này?
Vậy,
Chuyện gì xảy ra khi bạn có một bài viết “viral”?
Qua trải nghiệm của chính mình và quan sát những blogger/influencer khác từng có viral content, tôi nghiệm ra rằng hiệu ứng viral thường dẫn đến những hệ quả như sau:
Lượt tương tác tăng lên đột biến
Biểu hiện rõ nhất của viral là traffic trên toàn kênh nội dung sẽ tăng vọt ở mọi chỉ số (view, like, comment, share, link click…). Bài viết sẽ đến được với những người chưa từng biết bạn là ai và chưa đọc chia sẻ của bạn bao giờ. Điều này đặc biệt tốt cho những blogger/influencer nhỏ đang muốn xây dựng thương hiệu cá nhân vì hiệu ứng viral giúp cho nội dung đến với mọi người một cách tự nhiên nhất, khuyến khích tương tác nhất–điều mà quảng cáo kiểu truyền thống khó đạt được. Nếu bạn đã có sẵn những bài viết thú vị khác trên kênh nội dung hay đã ra sản phẩm/dịch vụ nào hữu ích, hiệu ứng viral sẽ giúp nhiều người phát hiện và ủng hộ thêm tiềm năng của bạn.
Điểm yếu của viral là hiệu ứng này qua rất nhanh–thường chỉ vài ngày, thậm chí vài giờ. Vì vậy, bạn cần tận dụng tối đa thời gian viral bằng cách kết nối ngay với độc giả mới, thể hiện bản thân và thông điệp của mình một cách rõ ràng, giới thiệu mọi người tới những nội dung/sản phẩm/dịch vụ khác cộp mác “thương hiệu” của mình. Về khía cạnh sáng tạo, bạn cần nghiên cứu dữ liệu để phân tích tại sao bài viết này lại có hiệu ứng viral và điều gì bạn học được để áp dụng cho những bài viết tiếp theo được tốt hơn, thu hút người đọc hơn. Mục tiêu của bạn nên là phát triển lâu dài và bền vững, thay vì chỉ dựa vào đột biến nhanh nhờ viral.
Xuất hiện nhiều phản ứng trái chiều
Khi bài viết của bạn đột ngột lan tỏa rộng khắp, bạn chắc chắn sẽ nhận được nhiều (hơn nhiều bình thường) phản ứng trái chiều. Đây là điều hết sức bình thường, thậm chí cũng là một biểu hiện tốt, chứng minh nội dung bạn làm đã chạm được đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau.
Nội dung càng viral thì khả năng nhận được những comment tiêu cực, chỉ trích, cạnh khóe, quy chụp… càng lớn. Đây là bởi những người đọc mới không biết rõ về bạn, họ chỉ đánh giá bạn qua một bài viết đơn lẻ — mà có lẽ bài viết đó họ cũng không chịu đọc cẩn thận, thậm chí mới chỉ lướt qua tiêu đề, đọc các comment khác rồi hùa vào rào rào gõ bàn phím. Do vậy, mặc dù có vẻ như bạn đang bị “cả thế giới tấn công”, bạn đừng nên buồn hay thất vọng. Phần lớn những gì mọi người chỉ trích bạn đều từ cách nhìn vào thực tế méo mó của họ chứ không phải do bạn. Đối với những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, bạn có thể chọn lọc, tiếp thu.
Đối diện với phản ứng trái chiều, hãy cư xử hòa nhã, trả lời lịch sự, rõ ràng đối với những người có thiện chí. Đừng ngại xóa, ẩn, block những comment/user thiếu tôn trọng, chủ đích công kích cá nhân, tục tĩu, cợt nhả… để đảm bảo “môi trường trong sạch” cho trang của bạn (cũng là bảo toàn năng lượng tích cực cho những độc giả khác).
Nảy sinh vấn đề đạo nhái, sao chép bất hợp pháp
Một trong những điều bức xúc nhất (đặc biệt ở Việt Nam) khi có viral content là một số cá nhân và tổ chức không tôn trọng quá trình lao động sáng tạo của người khác mà tự ý copy, chỉnh sửa, đăng chéo tràn lan, không đề tên, xuất xứ bài viết gốc và không xin phép tác giả. Đã là người làm sáng tạo nội dung thì ai cũng muốn nội dung của mình được đến với càng nhiều người càng tốt, nhưng điều này không có nghĩa là cho phép cá nhân/tổ chức chiếm dụng, bóp méo, thậm chí kiếm tiền trên “đứa con tinh thần” của mình mà không có sự đồng ý.
Ngày nay, công nghệ hiện đại đã cho ra những nút share, tag, copy-paste đường link gốc, email/message hỏi ý kiến tác giả… để chia sẻ bài viết một cách văn minh, hãy tận dụng chúng! Ở vị trí của người làm sáng tạo, bạn cũng có thể nêu rõ quan điểm của mình về bản quyền ngay trên kênh nội dung để mọi người nắm được tiêu chí của bạn và liên hệ hỏi ý kiến bạn khi cần.
Tăng kỳ vọng và áp lực
Sau khi có viral content, kỳ vọng của độc giả sẽ cao hơn đối với người viết: độc giả mới muốn đọc thêm nội dung ở mức độ viral, độc giả cũ muốn chất lượng bài viết đồng đều, phát triển hơn nữa. Bản thân người viết cũng có kỳ vọng cao hơn ở mình, dẫn đến áp lực lớn. Có rất nhiều người làm sáng tạo gặp phải cảnh “one-hit wonder” tức là chỉ duy nhất một sản phẩm sáng tạo trong cả sự nghiệp dài của họ được mọi người biết đến; họ không thể vượt qua cái bóng của chính mình và áp lực từ khán giả để sáng tạo hơn. Đây chính là mặt trái lớn nhất của viral.
Để giải quyết được vấn đề này, người viết chỉ có một cách duy nhất: đó chính là viết. Viết, viết, và viết! Bạn nên tiếp tục viết tiếp về chủ đề từng viral (để tận dụng hiệu ứng) nhưng cũng cần nhanh chóng làm mới mình, thử thách bản thân ở những mảng viết khác, phong cách viết khác để tiếp tục guồng quay sáng tạo. Đừng vì kỳ vọng và áp lực viral mà đóng khung bản thân trong một công thức nhất định. Nếu bạn tiếp tục viết, bạn sẽ tiếp tục có cơ hội viral. Đừng bỏ cuộc!
Đọc các bí quyết viết lách của tôi tại đây.
Thay lời kết
Có được một viral content là niềm mơ ước của rất nhiều người làm sáng tạo nội dung, truyền thông, marketing. Tuy nhiên, không phải ai cũng chuẩn bị đủ tâm thế để đối diện với những hệ lụy và mặt trái của hiệu ứng viral. Tôi hy vọng bài viết này phần nào giúp bạn có được cái nhìn sáng rõ hơn về viral và thêm ý tưởng tận dụng lợi thế, hạn chế yếu điểm của hiệu ứng này khi bạn có viral content.
Đối với The Present Writer, thành thực mà nói, tôi không chủ đích nhắm tới nội dung (có khả năng) viral mà chỉ viết những gì mình thích tùy theo từng thời điểm. Là một người sống tối giản, hướng nội, tôi cảm thấy mình không phù hợp với những ồn ào mà viral content đem lại; mặc dù vậy, tôi vẫn rất biết ơn những bài viết viral đã đem đến cho blog và cho tôi nhiều độc giả mới – những người bạn tuyệt vời. Mục tiêu của tôi trước nay luôn là viết ra những trang viết có giá trị lâu dài cho bản thân và cộng đồng; trong quá trình viết, nếu được viral thì tôi xem đó là điểm nhấn thú vị cho cuộc hành trình của mình với The Present Writer 🙂
—
Khóa học làm blog miễn phí
Nếu bạn cũng đam mê viết lách và có ý định làm blog nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, tôi có một khóa học hoàn hảo dành cho bạn.
Sau hàng tháng trời ấp ủ và vài tuần làm việc liên tục, tôi rất vui được thông báo sự ra đời của Khóa học làm blog miễn phí 7 ngày qua email. Thông qua khóa học này, tôi chia sẻ tất cả kinh nghiệm từ cách tạo trang blog, cho tới mở những kênh kiếm tiền qua blog và cách thu hút độc giả thường xuyên.
Bạn chỉ cần đăng ký email của mình theo đường link phía dưới. Hàng ngày vào khung giờ nhất định (trong 7 ngày liên tục) bạn sẽ nhận được một email với những chủ đề thực tiễn giúp bạn bắt đầu blog thành công.
Với khóa học làm blog này, tôi tin rằng bạn có thể phát triển blog của mình nhanh và đúng hướng ngay từ ban đầu, thay vì phải mò mẫm tìm đường như tôi ngày trước ☺️
Đăng ký khoá học tại đây.
Hy vọng sớm được “gặp” bạn qua email !
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Thuy Vi Ly says
Chúc khóa học của cô giáo dễ thương có nhiều người tham gia và tương tác tốt nghen <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Vi 🙂
Ly Nguyen says
Hi chị Chi. Em đã tập tành viết Blog được hơn nửa năm rồi. Em viết vì em thấy cô đơn thôi. Em đã đăng kí khóa học của chị và học hỏi nhiều điều hay từ chị ạ.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em. Chúc em thành công với blog nhé!