Bạn biết cảm giác ấy… Cảm giác khi mới nhận ra mình mang bầu và khấp khởi bao dự định mua sắm cho 9 tháng 10 ngày sắp tới; hình ảnh những cửa tiệm “Thời trang bà bầu”, “Đồ dùng dành cho mẹ và bé” lung linh hiện ra trước mắt… Nhưng cũng sớm thôi bạn sẽ nhận ra rằng trên thị trường có quá nhiều những thứ được quảng cáo rầm rộ là không-thể-thiếu-được cho bà bầu; chúng nhiều đến mức bạn cảm thấy rằng nếu mình không ăn cái này, không uống cái kia, không “mua cả thế giới”, mình sẽ là một người mẹ tồi. Rồi bạn loạn lên tìm kiếm trên Google, trên các forum mẹ bỉm sữa, nhắn tin cho bạn bè đã có kinh nghiệm để hỏi về danh sách những món cần mua cho mẹ bầu. Năm người mười ý, vạn thứ cần mua, danh sách cứ càng ngày càng dài ra khiến bạn không khỏi hoang mang: “Liệu mình đã đủ tài chính để mang bầu, sinh con rồi nuôi con?”
Nhưng ngay cả khi có tiền đủ để mua sắm thỏa thích, bạn cũng chưa chắc đã thực sự hài lòng. Lấy quần áo làm ví dụ. Bạn hào hứng, tung tăng đến tiệm thời trang bà bầu để sắm sửa rồi hụt hẫng nhận ra rằng: Phần lớn những món đồ “thời trang” loại này đều quá lùm xùm, không vừa vặn, không tôn dáng, và đặc biệt màu mè sặc sỡ—cứ như thể là ngay khi có bầu, gu thẩm mỹ của bạn sẽ biến thành nhí nhảnh như các em bé ở vườn trẻ hay xuề xòa như các bà nội trợ tuổi 60 vậy. Nhưng vì vẫn phải đi làm và giao tiếp xã hội, bạn cố gắng săn tìm những bộ đồ “bà bầu công sở”, chỉ để rồi thất vọng nhận ra rằng phần lớn những món này có thiết kế khô cứng, già dặn, không hợp với phong cách của mình và nơi mình làm việc. Những món đồ thời trang hơn một chút, vừa vặn với phom người, tôn lên vóc dáng, không quá lòe loẹt, không quá thô cứng, chất liệu đẹp thì… ôi thôi là đắt đỏ. Cứ như thể mỗi lần gắn cái mác “dành cho bà bầu” lên là một lần tăng giá. Rồi bạn tự hỏi: “Làm sao mình có thể vừa tiết kiệm, tối giản và vừa ưa nhìn khi mang bầu?”
Là một người đã ở vào những tháng cuối của thai kỳ và hầu như không còn nhiều nhu cầu mua sắm, tôi có thể khẳng định rằng việc trở thành một “Bà Bầu Tối Giản” không khó. Bạn không cần phải chi tiêu quá nhiều để đáp ứng đủ cho những nhu cầu cần thiết, cũng không phải hy sinh cái đẹp để chui vào những bộ đồ rẻ tiền, nhưng vẫn có thể giữ được phong cách riêng cho mình hệt như trước khi mang bầu. Bài viết này là những lời khuyên của tôi về mua sắm tối giản cho những bà bầu hiện đại🤰:
Bắt đầu bằng tư duy tối giản
Dù bạn có phải là người theo Chủ nghĩa tối giản hay không, việc bắt đầu bằng tư duy tối giản khi mua sắm lúc mang bầu cũng sẽ đem lại nhiều lợi ích. Hãy thử tư duy cùng tôi nhé: Thời gian mang bầu 9 tháng 10 ngày nghe qua có vẻ rất lâu nhưng thực chất 3 tháng đầu bạn sẽ không có quá nhiều thay đổi về hình thức. Đa phần phụ nữ, nhất là những người mang bầu lần đâu chưa “có bụng” và tăng cân nhiều ở những tháng đầu này. Thậm chí nhiều người (trong đó có tôi) còn bị sút cân vì ốm nghén, không ăn uống được như bình thường. Như vậy, mua sắm quá nhiều đồ bầu ở thời kỳ này là không cần thiết. Vậy là bạn còn khoảng 6 tháng. Trong 6 tháng này, bạn có thể dần sắm sửa đồ bầu theo nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, bạn cũng không cần mua quá nhiều đồ và chi quá nhiều tiền bởi vì khó có thể đoán trước được cơ thể và hoàn cảnh của mình sẽ thay đổi như thế nào (có thể cái váy này mình mặc vừa hôm nay lại không vừa ngày mai, có thể món đồ này ở tháng thứ 7 mình không thể thiếu được nhưng sang tháng thứ 8 thì hoàn toàn không cần dùng…). Mua quá nhiều đồ đắt tiền ở giai đoạn này sẽ trở nên lãng phí vì số lần sử dụng không nhiều.
Tất nhiên, bạn có thể đưa ra lập luận rằng: “Mình cứ mua thoải mái bây giờ, không dùng cho lần bầu này thì lần bầu sau?” Nhưng có thật vậy không? Có thật là bạn sẽ có bầu lần nữa ngay trong vòng 1-3 năm tới không? Có thật là khi có bầu lần sau cơ thể bạn, hoàn cảnh sống và môi trường làm việc của bạn sẽ y hệt như lần này để tái sử dụng đồ dùng dư thừa một cách triệt để? Bạn có chắc mình sẽ thực sự tiết kiệm được khi mua năm nay để dành cho những năm sau, trong khi thời trang liên tục thay đổi, những món đồ tiện ích cho bà bầu và em bé cũng không ngừng cập nhật khiến bạn không thể kìm được mong muốn mua sắm mới?
Lời khuyên của tôi luôn là: bắt đầu với một tư duy tối giản. Điều này không chỉ tốt cho bạn, mà còn tốt cho con của bạn. Với tư duy tối giản, bạn sẽ không quá stress về vật chất, tiền bạc, mua sắm, mà tập trung nhiều hơn đến trải nghiệm rất riêng chỉ mình mới có với em bé trong thời gian mang thai. Những đồng tiền bạn định tiêu vào những thứ xa xỉ, chỉ dùng vài lần rồi tống vào trong tủ, tại sao không để ra làm một món cho bạn và em bé trong thời gian “nằm ổ” sắp tới? Hãy thử tưởng tượng hình ảnh con mình chào đời với một khoản tiền tiết kiệm đã sẵn sàng, thật an lành và hạnh phúc làm sao!
Tận dụng những gì mình đã có (với vài thay đổi nhỏ)
Điều đầu tiên khi biết mình có tin vui không nên là chạy ngay ra ngoài đường mua sắm mà nên là “shopping” ngay chính tủ quần áo của mình! Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra mình có nhiều váy áo mặc bình thường (không hề gắn mác “bầu”) nhưng có thể mặc khi mang bầu tiện lợi như thế nào. Cho đến ngày hôm nay (tháng thứ 8 của thai kỳ), tôi vẫn có thể mặc một số váy áo phom rộng, chất liệu co giãn mà tôi vốn có từ trước khi mang bầu. Mặc những món đồ cũ này khiến tôi cảm thấy rất tự tin vì chúng vẫn thể hiện được phong cách thời trang đúng chất của tôi, khiến tôi cảm thấy mình vẫn là mình (mặc dù cơ thể và tâm lý có thể thay đổi nhiều), và yêu những món đồ cũ hơn khi biết chúng đa năng đến như thế nào.
Trong 3 tháng đầu, như đã viết, bạn không thực sự cần mua thêm đồ mới vì cơ thể chưa có thay đổi rõ rệt lắm. Tuy nhiên, thời kỳ này bạn có thể cảm thấy khó chịu trong người vì hooc-môn không ổn định, ăn uống thất thường, chướng bụng… Vì vậy, việc ăn mặc thoải mái là vô cùng quan trọng. Nếu bạn không có những bộ váy áo rộng, co giãn hoặc nơi làm việc yêu cầu bạn mặc quần tây nhiều thì những công cụ trợ giúp nhỏ nhỏ như Belly Belt (giống như thế này) sẽ rất hữu hiệu. Belly Belt cơ bản là một loại vải chun co giãn, một đầu là khuy hoặc móc cài và một đầu là lỗ cài khuy hoặc nơi cài móc (giống như ở các loại quần cài khuy hoặc móc khóa bình thường). Bạn cũng có thể “tự chế” Belly Belt bằng cách dùng chun buộc tóc co giãn. Khi dùng Belly Belt (hoặc chun) cài vào cạp quần, bạn sẽ không cần phải kéo khóa chặt, vô hình chung nới rộng được phần bụng của quần mà quần không bị tụt hoặc lộ bụng. Để che đi phần nới rộng này, bạn sẽ cần mặc áo dáng dài như sơ-mi vạt trước dài, áo phông rộng hoặc áo len dáng dài… Những món này khi có bầu bạn vốn đã có xu hướng thích mặc nhiều hơn vì thoải mái hơn áo bó. Bằng cách này, bạn sẽ kéo dài được “tuổi thọ” những chiếc quần jeans mình yêu thích hoặc quần tây đi làm được một thời gian.
Đối với đồ ngủ và đồ mặc nhà, việc mua mới những bộ đồ chuyên cho bà bầu đặc biệt rất vô lý. Thứ nhất là những loại này dành riêng cho bà bầu thường đắt hơn nhiều đồ ngủ bình thường, trong khi đó, kiểu dáng lại không bằng, màu sắc thường lòe loẹt, chất liệu không được tốt. Thứ hai là phần lớn các bà bầu trước khi ngủ phải bôi các loại kem, dầu dưỡng da để da có độ ẩm tốt, đỡ khô, đỡ ngứa, hạn chế rạn da… rất dễ dính bẩn vào quần áo. Vì thế, không có lý do gì để mua những món đồ mới đắt đỏ để đi ngủ và dây bẩn như vậy. Để xử lý việc này, tôi thường thích đi ngủ với những chiếc áo phông cũ, rộng, dài, tối màu vì chúng mềm, dễ giặt, và không quá phí phạm nếu cần bỏ đi sau này. Nhưng tốt hơn cả trong lĩnh vực này chính là… áo phông đàn ông. Tôi thực sự không hiểu tại sao nhưng áo phông nam được thiết kế vô cùng hợp với các bà bầu vì rộng rãi, thoáng mát, chất liệu thì vô cùng mềm mại, êm ái. Bởi vậy, trong suốt thai kỳ, tôi gần như chỉ mặc áo của chồng đi ngủ 🙈. (Từ những ngày đầu theo phong cách tối giản, vợ chồng tôi đã có thói quen mặc lẫn đồ của nhau để giảm bớt lương quần áo dư thừa nên việc làm này không có gì lạ trong gia đình tôi cả. Nhưng nếu bạn chưa từng mặc đồ của chồng bao giờ thì nên “thương lượng” với anh xã xem những chiếc áo phông nào có thể cho vợ mượn tạm được trong những tháng này).
Tiết kiệm khi mua những món đồ dùng thông dụng
Là một người sống tối giản, khi cần mua thêm đồ, tôi thường tập trung vào chất lượng hơn số lượng để đồ dùng được lâu, và vì thế đa phần các món đồ tôi sở hữu hay có giá cao hơn thị trường và cũng ít khi được giảm giá. Tuy nhiên, có bầu lại là một ngoại lệ! Như đã viết, những món đồ kể cả mới mua khi mang bầu cũng không mặc được lâu (3-6 tháng là cùng), bởi vậy, ta không nhất thiết phải “đầu tư” qúa nhiều vào những món đồ phổ thông như quần áo, giày dép (đặc biệt là giày dép vì cỡ chân có thể thay đổi khi mang bầu).
Lời khuyên của tôi là khi bạn cần có đồ mới, hãy cố gắng giảm chi phí bằng cách mua đồ hạ giá, mua đồ cũ (second-hand), và đừng ngại nhận lấy những món đồ được cho/tặng bởi những bà mẹ bỉm sữa đã từng qua thời kỳ bầu bí. Điều này không chỉ giúp cho bạn tối giản hóa đồ đạc, tiết kiệm tiền, mà còn tốt cho tương lai khi sau này bạn không cần dùng nữa, có nhu cầu cho đi hoặc bỏ đi thì cũng dễ dàng hơn vì ít cảm giác tiếc nuối.
Trong thời kỳ mang bầu, tôi rất hay ghé thương hiệu thời trang bình dân Old Navy mặc dù trước đó, tôi hầu như rất ít khi bước vào tiệm này vì chất lượng sản phẩm không ổn định, có cái dùng được lâu, có cái không. Tuy nhiên, khi có bầu, tôi mới phát hiện ra hãng này thường xuyên bán những váy áo (bình thường, không gắn mác “bầu”) phom rộng, co giãn, hợp thời trang, chất liệu thoáng mát, và đặc biệt luôn giảm giá mạnh. Rất nhiều bà bầu tôi biết cũng thích mua sắm ở Old Navy và những tiệm thời trang bình dân không sản xuất riêng cho bà bầu. Chính vì mua những món đồ không cộp mác “bầu” nên giá thành những món này không bị đội lên nhiều.
Tôi cũng thỉnh thoảng mua đồ second-hand, đặc biệt là những chiếc áo dài để che đi Belly Belt và rất hay tìm được những món đồ hàng hiệu chỉ với giá 45 cent hay $1-2 ở những tiệm đồ cũ. Ở hoàn cảnh sống ở nước ngoài, xa bạn bè và gia đình, tôi không có nhiều người quen để cho lại đồ bầu như các mẹ có thể trao đổi với nhau ở Việt Nam. Nhưng thi thoảng, các bạn ở “Câu lạc bộ Bà Mẹ” mà tôi sinh hoạt cũng hay mang đến cho tôi những món đồ các bạn dùng qua rồi nhưng vẫn còn mới. Tôi rất thích nhận những món này vì chúng đã được qua trải nghiệm thực tế là cần thiết và hữu ích. Việc dùng đồ second-hand và đồ được cho/tặng không chỉ giúp tiết kiệm tiền mà còn giảm được thói quen mua sắm dư thừa, tăng cường tái sử dụng đồ đạc, giảm rác thải cho môi trường.
Dành tiền đầu tư vào những món đồ thực sự cần thiết và dùng được lâu dài
Mặc dù tiết kiệm và đơn giản hóa đến đâu thì luôn có những món đồ nhất định theo tôi vẫn cần đặt chất lượng lên trên số lượng. Điều này đồng nghĩa với việc phải “đầu tư” chi trả nhiều hơn. Tôi thường ưu tiên cho những món đồ thực sự cần thiết (“cần mua” chứ không phải là “muốn mua”) và có thể sử dụng được lâu dài qua các tháng bầu bí và sau này khi đã có em bé. Bí quyết khi mua sắm những món đồ này là phải “nhìn xa trông rộng”, khi mua đồ hay thử đồ phải để ý xem mình có thể dùng được thêm 3-6 tháng nữa không và liệu món đồ còn hữu ích để tiếp tục tận dụng sau khi sinh em bé hay không; cũng như chất lượng của món đồ có đủ tốt để dùng liên tục trong khoảng thời gian dài như vậy không. Ví dụ, ở những tiệm thời trang bà bầu, trong phòng thay đồ họ hay để một bộ “bụng bầu giả” và “độn ngực giả” bằng mút hoặc bông vải để khách hàng đeo vào thử nghiệm xem mình còn mặc được đến tháng thứ mấy, khi cơ thể mình to lên bao nhiêu, sẽ trông như thế nào—những phụ kiện này rất hữu hiệu để xác định “tuổi thọ” của món đồ. Nếu thử quần áo ở những nơi không có phụ kiện độn như thế này, bạn có thể mang theo một cái áo len, khăn len, hoặc áo khoác nhỏ để tự cuộn vào độn thử nghiệm, tiện cũng để xem món đồ thời trang đó có dễ kết hợp không. Dưới đây là một số món tôi nghĩ nên đầu tư:
- Leggings/Quần bó co giãn: Bà bầu nào cũng thích mặc leggings đen hoặc quần co giãn, ôm sát người vì những món này thực sự rất thoải mái, tôn dáng, dễ kết hợp, phù hợp với hầu hết các loại thời tiết; chưa kể còn có thể mặc đi tập thể dục, yoga. Tôi đặc biệt đầu tư vào những chiếc quần dành riêng cho bà bầu với chất lượng cao vì sau khi xỏ thử quần ở nhiều thương hiệu, mức giá khác nhau, tôi nhận ra chất lượng của chúng khác biệt rất rõ nét. Những chiếc quần này có thể tiếp tục mặc sau khi sinh em bé vì cơ thể người phụ nữ khi đó chưa trở lại được ngay bình thường nên những chiếc quần ôm sát thân mà phần bụng thoải mái sẽ rất hữu hiệu sau này. Thường có 2 loại quần kiểu này cho bà bầu: Một là phần cạp quần kéo được lên che cả bụng và hai là phần cạp quần luôn ở dưới bụng. Cả hai đều rất tốt nhưng khi mua, bạn nên chú ý mua loại thứ nhất size lớn hơn để khi bụng to lên không quá chật, còn loại thứ hai thì có thể mua size bình thường thôi vì không ảnh hưởng quá nhiều khi phần bụng phía trên to lên. Thương hiệu tôi thích để mua quần leggings là Motherhood Maternity.
- Đồ lót: Khỏi phải giải thích nhiều, khi mang bầu những thứ mặc bên trong sát người như đồ lót cần phải có chất lượng tốt như thế nào để bà bầu không cảm thấy khó chịu, nhất là khi kích cỡ cơ thể ngày một lớn. Hãy tạm xếp những chiếc áo ngực gọng sắt, push-up nghẹt thở, những chiếc quần lót ren, pha ni-lon mỏng manh sang một bên và thay bằng những chiếc áo ngực, quần lót 100% cotton, ôm dáng nhưng không quá bó, thực sự thoải mái. Đặc biệt khi mua áo lót, bạn nên chú ý rằng vì kích cỡ ngực phụ nữ khi mang bầu và khi cho con bú có thể tăng lên 2-3 size so với trước khi mang bầu nên chú ý mua các size lớn hơn size thường của mình. Thời kỳ mang thai, nếu có thể, bạn nên sắm những chiếc áo ngực dạng “sleeping nursing bra” (áo lót cho con bú có thể mặc đi ngủ – kiểu như thế này) vì nó rất thoải mái, gần như áo lót tập thể dục vậy, và có những chiếc “túi” nhỏ bên trong để bạn để tấm mút đệm ngực cho hiện tại và sau này để vải thấm sữa khi cho con bú. Thời kỳ cho con bú, bạn có thể đầu tư mua thêm những loại áo ngực có khuy cài, khuy bấm phía trên để mở ra mở vào dễ dàng hơn. Nhưng khi mua những loại áo ngực chuyên dụng kiểu như thế này, vì giá thành khá đắt và khó để tự phỏng đoán kích cỡ của mình, bạn nên đến cửa hàng thử trực tiếp và hỏi tư vấn bán hàng để chắc chắn mua được đúng size cho mình. Cá nhân tôi thích đồ lót 100% cotton của Everlane.
- Mỹ phẩm: Khi mang bầu, bạn rất cần để ý đến chất lượng của mỹ phẩm. Có nhiều hóa chất trong mỹ phẩm không tốt cho em bé và có nhiều hóa chất trước đây bạn có thể dùng bình thường như khi mang bầu lại dễ bị kích ứng hơn. Bởi vậy tốt nhất nên dùng mỹ phẩm sạch, tự nhiên, càng ít hóa chất càng tốt; đọc thật kỹ các thành phần trước khi mua. Bạn không nhất thiết phải đổ quá nhiều tiền vào mỹ phẩm, chỉ cần đầu tư vào những thứ cơ bản như: sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm, kem chống nắng, kem nền/BB cream, son môi… vì khi mang bầu, bạn cũng sẽ có xu hướng để mặt mộc hoặc trang điểm tự nhiên nhiều hơn. Rất nhiều người bỏ ra hàng đống tiền để mua các loại kem được quảng cáo là “thần dược” chống rạn da nhưng sự thật là tất cả các nghiên cứu cho tới nay đều cho thấy kem bôi bên ngoài rất ít tác dụng cho rạn da vì da bị rạn là từ những lớp tận sâu bên trong cơ thể và còn do nhiều lý do như gen, cơ địa, độ đàn hồi tự nhiên của da, mức độ tăng cân… quyết định. Bởi vậy, bạn không cần đổ quá nhiều tiền vào các loại kem, chỉ cần mua những loại thông thường, không gây kích ứng da để điều trị khô da, ngứa da khi mang bầu và làm mờ vết rạn khi chúng xuất hiện mà thôi. Trước mang bầu, tôi đã thích dùng những thương hiệu mỹ phẩm sạch như Juice Beauty và vẫn tiếp tục sử dụng trong suốt thời kỳ bầu bí. Một người bạn có tặng cho tôi bộ sản phẩm dành riêng cho bà bầu của Belli, tôi thấy cũng khá tốt, không gây kích ứng cho da. Đối với kem bôi cơ thể, tôi dùng Eucrein (được bác sĩ khuyên dùng để giữ ẩm cho da) và Bio Oil để ngăn ngừa và làm mờ vết rạn.
- Gối ngủ dành cho bà bầu: Khi có bầu, tư thế ngủ rất quan trọng vì cơ thể thay đổi rất nhiều, áp lực từ bào thai đè xuống nhiều bộ phận, dây thần kinh, khiến cho việc ngủ ngon giấc và lưu thông máu cho cả mẹ và con gặp khó khăn. Nếu bạn từng xem các video hướng dẫn bà bầu ngủ thì sẽ thấy rằng bác sĩ chuyên khoa luôn khuyên bà bầu ngủ nghiêng một bên (ưu tiên bên trái vì lưu thông máu tốt hơn nhưng bên phải cũng được, tránh ngủ đặt lưng xuống giường hoặc nằm sấp), đồng thời kẹp một chiếc gối vào giữa hai chân để giảm áp lực, và đặt một chiếc gối nữa vào lưng để đỡ đau lưng. Tuy nhiên, để nhiều gối như vậy lên giường rất khó chịu cho cả bạn và người ngủ cùng (nếu có); chưa kể việc giữ tư thế khi ngủ rất khó để đảm bảo đúng. Bởi vậy, những chiếc gối ngủ dành cho bà bầu dạng chữ U dài cả thân người (có chỗ gối đầu, vòng qua ôm thân) là rất tốt vì nó hướng cho bạn có một tư thế đúng và chỉ cần một chiếc gối có thể giải quyết được tất cả các vấn đề. Vì kích cỡ lớn như vậy nên giá thành những chiếc gối này tương đối cao (ví dụ đây là chiếc gối tôi đang sử dụng). Tuy nhiên, đây là một trong những món đồ tôi từng mua mà cảm thấy đáng tiền nhất vì nó giúp chất lượng giấc ngủ hàng đêm cải thiện hơn rất nhiều; chiếc gối không chỉ dùng để ngủ mà còn để dựa lưng đọc sách, làm việc; sau này có thể cho em bé nằm vào bên trong hình chữ U… rất tiện lợi. Ngay cả chồng tôi cũng rất thích chiếc gối này và gọi nó một cách thân thương là “Snake Pillow” (gối con rắn) vì khi ngủ, nó cuộn vào người như hình con rắn, và anh ấy cũng thường xuyên dùng “ké” của vợ 🐍.
Tận hưởng thời kỳ mang thai thay vì căng thẳng vì đồ đạc
Cuối cùng, hãy tận thưởng thời kỳ mang thai, thay vì căng thẳng vì đồ đạc vô tri, vô giác (Enjoy your pregancy, not your stuff!!!). Khi mang bầu, đặc biệt nếu mang thai lần đầu, bản thân người phụ nữ đã có nhiều thứ căng thẳng, lo lắng không biết mình có khỏe không, con mình có khỏe không, thường xuyên hồi hộp khám thai, học làm bố mẹ, suy tính cho tương lai… Chưa kể hooc-môn lên xuống bất thường, cơ thể thay đổi với nhiều dấu hiệu mình chưa cảm nhận thấy bao giờ. Bởi vậy, đừng để bản thân xao nhãng thêm vì những chuyện nhỏ nhặt như mua sắm đồ đạc dư thừa.
Nếu có thể quay lại những ngày đầu mang thai, tôi sẽ khuyên bản thân mình hãy thư giãn, đừng nên lo lắng quá, tận hưởng những ngày tháng mang thai chỉ đến một (vài) lần trong đời này. Điều này không chỉ giúp cho mẹ mà còn khiến cho em bé được phát triển tốt hơn trong bào thai, thư giãn hơn khi ra đời. Càng gần đến ngày sinh, tôi càng mong em bé được chào đời trong một không gian thư thái, thoáng đãng, gọn gàng, ít đồ đạc dư thừa. Mặc dù nhiều người thường xuyên nói rằng: “Hãy cứ đợi đấy, có trẻ con là thêm nhiều đồ lắm, chuẩn bị tinh thần đồ đạc lên gấp 2-3 lần bây giờ…”, tôi vẫn tin là mình có thể kiểm soát được số lượng và chất lượng đồ dùng cho mẹ, con, và gia đình. Nếu mỗi một bước đi, một món đồ mình mua được cân nhắc kỹ lưỡng thay vì mua khi có hứng, mua khi con đòi, mua khi thấy người khác đua nhau mua… thì mọi món đồ mang về nhà sẽ đều có ý nghĩa lâu dài. Tất nhiên, tôi cũng không trông chờ vào sự hoàn hảo; có thể những món tôi đầu tư mua cho bản thân lại không dùng được lâu dài, có thể những món tôi mua cho con vì nghĩ là con cần hóa ra con lại không… nhưng đó là một phần của cuộc hành trình, của cả mẹ và con. Tôi thực sự nóng lòng để có Bambi đồng hành trên con đường tối giản hóa cuộc sống này 👶🏼.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
DuyTran says
Chào Chi Nguyễn!
Mình từng hỏi Chi vài câu hỏi nhưng vẫn chưa “khai thông” nổi cái đầu u tối của mình khi khởi đầu cho Cuộc sống tối giản. Mình có 1 bé 2 tuổi và 1 bé 2 tháng tuổi. Mình vốn là người thích dọn dẹp…chuẩn là thích dọn dẹp. Vì mình dọn dẹp mà ko biết chán giống như Kondo vậy? Đó cũng là lý do tại sao một số người chê cuốn sách của Kondo vì Kondo viết sách với 1 tâm thế là người tích dọn dẹp, sắp xếp chứ ko phải tâm thế tối giản. Chi thì khác!
Mình rất hạnh phúc khi tìm tất Chủ nghĩa tối giản và tìm thấy các bài viết của Chi. Nó thiết thực và đúng là người tiếp cận và trải nghiệm CNTG. Nhưng Chi là phụ nữ nên thật sự nhiều điều Chi nói và viết cũng hơi khác vì mình là nam giới.
Mình bắt đầu tối giản được gần 1 năm rồi. Nhưng vẫn chưa thoát khỏi tư duy “tích trữ”. Bởi mình là người thích “tận dụng” và “sử dụng hết giá trị”. Có lẽ vì kinh tế gia đình mình cũng hơi eo hẹp nên đôi khi mình tiết kiệm quá, thành ra hay “tiếc của”. Mình thường giữ lại nhiều thứ nhỏ nhặt vì khi “chế tạo”, chế đồ sẽ cần đến, mà mình lại hay làm những thứ đó. Mình ko biết làm thế nào để có thể vượt qua suy nghĩ của người “hay tiếc của”.
Làm sao để phân biệt giữa “Tiết kiệm” và “Tối giản”. Thậm chí “Bần tiện”, “Ki bo”, “Đơn giản”, “Vô tâm”, “Vô cảm”…..Những khái niệm đó nhiều khi lẫn lộn và khó kiểm soát???
Chi Nguyễn says
Chào Duy, cảm ơn bạn đã đọc các bài viết trên trang của mình. Những câu hỏi của bạn mình đã cố gắng trả lời sâu và rộng trong cuốn sách đầu tay của mình (“Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”: https://tiki.vn/mot-cuon-sach-ve-chu-nghia-toi-gian-p1390317.html) vì phạm vi một bài blog ngắn nên không thể trình bày kỹ như trong sách. Ngoài ra, có một khái niệm khác biệt giữa người tích trữ (hoarder) và người sưu tập (collector) mình nghĩ bạn sẽ có thể tham khảo để cân nhắc hơn cho trường hợp của mình vì như bạn nói là bạn có thói quen nhặt nhạnh, “chế tạo” đồ. Mình viết khá kỹ về cái này trong sách nhưng nếu chưa có điều kiện đọc sách, bạn có thể tham khảo một phần trong bài viết này: https://thepresentwriter.com/minimalism-book-don-tu-sach-co-ban/
Mèo Lười says
Mình thích bức ảnh bạn đăng kèm bài viết này, nhất quán với những bức ảnh trước: đẹp thanh bình. Chúc bạn mẹ tròn con vuông nhé!
Phuong Thao Nguyen says
Giờ mình mới bắt đầu theo dõi blog của Chi nên mới biết bạn đang bầu, có lẽ giờ này em bé đã được vài tháng tuổi nhỉ. Chúc mừng gia đình bạn nhé, và cảm ơn bạn vẫn dành thời gian để chia sẻ với mọi người các thông tin hữu ích, 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã ghé blog. Em bé của mình mới được hơn một tháng xíu xíu thôi. Khi nào bé cứng cáp hơn mình sẽ có thêm thời gian trở lại với blog 🙂