Trong một bài viết trước, tôi đã phân tích sự khác nhau trong việc học Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Chính sự khác nhau này ảnh hưởng lớn đến giai đoạn nộp hồ sơ du học và xin học bổng cho từng cấp học.
Trước đây khi còn làm mentor tình nguyện cho các bạn làm hồ sơ du học, tôi nhận ra nhiều bạn không để ý sự khác biệt của từng bậc học, dẫn đến việc góp nhặt thông tin và áp dụng các “chiến thuật” xin học bổng vào hồ sơ của mình chưa đạt hiệu quả. Ví dụ, rất nhiều bạn đọc trên báo thấy “bí kíp” xin học bổng Đại học thành công và mặc nhiên áp dụng nó vào hồ sơ học bổng cao học của mình mà không có sự cân nhắc, chọn lựa cẩn thận, không biết tại sao bí kíp kia thành công với người khác mà sang đến mình lại thất bại.
Tuy nhiên, cũng rất khó để mọi người biết được sự khác biệt trong quá trình apply giữa các cấp học này nếu như chưa từng có kinh nghiệm làm hồ sơ và chưa có cơ hội ngồi hội đồng tuyển sinh để biết được chính xác người đọc hồ sơ tìm kiếm điều gì ở mỗi ứng viên.
Vì vậy, trong bài viết này (kèm theo video), tôi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức mình có được từ quá trình trực tiếp nộp học, hướng dẫn làm hồ sơ, và tham gia hội đồng tuyển sinh tại Mỹ để chỉ cho các bạn thấy sự giống và khác nhau trong quá trình apply Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ và làm sao để có thể xây dựng bộ hồ sơ cạnh tranh cho từng bậc học này.
Điểm giống nhau
Dù bạn nộp học ở bậc nào đi chăng nữa, bạn cũng cần phải chú trọng đến những bước sau:
- Chủ động tìm kiếm thông tin: Đây là khâu tiên quyết trong quá trình làm hồ sơ. Bạn cần phải chủ động thu thập thông tin từng học bổng, từng tổ chức, từng trường, từng khoa/chương trình bạn muốn nộp học: yêu cầu tuyển sinh là gì? hạn nộp ngày nào? có yêu cầu gì đặc biệt cho sinh viên quốc tế không? học phí bao nhiêu?… Cố gắng bắt đầu từ sớm (ít nhất 6 tháng trước mùa tuyển sinh), sắp xếp thông tin khoa học (ví dụ, trên Excel hay Google Sheets), và lên kế hoạch phù hợp theo thông tin mình có.
- Thi các kỳ thi chuẩn hóa: Rất nhiều học bổng và chương trình học yêu cầu sinh viên quốc tế thi các kỳ thi chuẩn hóa như TOEFL, IELTS, SAT, GRE, GMAT… Bạn cần tìm hiểu mình cần chứng chỉ bài thi nào cho cấp học/chương trình học mình nhắm tới, ôn thi và thi trước khi nộp hồ sơ.
- Đầu tư vào bài luận: Bài luận có vai trò rất quan trọng trong bộ hồ sơ vì nó là cơ hội bạn thể hiện bản thân, nói lên bạn là ai, tại sao bạn chọn nộp vào trường/chương trình này, tại sao bạn xứng đáng để được hội đồng tuyển sinh cân nhắc cho học bổng… Bài luận phải đủ yêu cầu không sai ngữ pháp, chính tả, hành văn sáng rõ, thuyết phục, gây ấn tượng ngay từ ban đầu.
- Chủ động liên hệ với chương trình/giáo sư: Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào trong quá trình nộp hồ sơ, bạn cần chủ đồng liên hệ (email, gọi điện, gặp trực tiếp) với cán bộ nhà trường/chương trình học bổng để làm rõ; nếu bạn muốn cộng tác với giáo sư (đặc biệt ở bậc Tiến sĩ), bạn cần liên lạc với giáo sư càng sớm càng tốt. Rất nhiều bạn ngại không muốn liên hệ và cứ hỏi quanh hết người này đến người kia không liên quan, vừa tốn thời gian lại vừa nhận thông tin không chính xác. Đừng ngại! Hãy chủ động liên hệ!
Điểm khác biệt
Như đã phân tích trong bài viết trước (kèm video dưới đây), mỗi bậc học đem đến điểm khác biệt rõ nét do yếu tố tuổi tác của ứng viên, mục tiêu học tập, nội dung học tập, dự định tương lai… Những khác biệt này yêu cầu hồ sơ nộp học cũng cần thay đổi, tùy theo từng cấp bậc.
1/ Apply Đại học
Khi nộp Đại học, đa số các ứng viên còn rất trẻ (khoảng 18 tuổi), hầu như chưa có kinh nghiệm làm việc và tương lai còn rộng mở phía trước. Vì thế, hội đồng tuyển sinh thường đánh giá con người bạn ở mức độ tổng quan trên nhiều lĩnh vực, nhìn vào tương lai và tiềm năng của bạn hơn là kinh nghiệm của bạn. Họ hoàn toàn chấp nhận nếu hiện tại bạn chưa xác định mình sẽ làm gì, bạn đã chọn được ngành học phù hợp nhất hay chưa; chỉ cần bạn thể hiện được mục tiêu, chí hướng, tiềm năng của mình trong tương lai là bạn đã có cơ hội.
Vì thế, để tạo một bộ hồ sơ cạnh tranh, bạn cần thể hiện con người toàn diện của mình ở nhiều góc độ như điểm số, hoạt động cộng đồng, tài lẻ (nếu có); nhấn mạnh rõ ràng trong bài luận về ước mơ và mục tiêu trong tương lai của mình. Do đó, ta thường nghe về trường hợp các bạn chỉ được vào trong waitlist (danh sách chờ) của trường nhưng kiên trì gửi thêm video ca hát, portfolio nghệ thuật, ảnh thiện nguyện… và được nhận với học bổng toàn phần — đây là một chiến thuật tốt cho bậc Đại học vì nó thể hiện con người toàn diện và thuyết phục hội đồng tuyển sinh về tiềm năng của bạn.
2/ Apply Thạc sĩ
Khi lên đến bậc Thạc sĩ, bạn đã được xem là người trưởng thành, có học thức với bằng Đại học, đã có khả năng đưa ra quyết định vững chắc cho tương lai để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học tập. Vì vậy, hội đồng tuyển sinh sẽ nhìn nhận bạn dưới góc độ tập trung hơn, cụ thể nhắm tới mối liên hệ giữa kinh nghiệm công việc, trải nghiệm sống của bạn và ngành học Thạc sĩ mà bạn đang muốn theo đuổi.
Vì vậy, trong hồ sơ của mình, bạn cần thể hiện được hai điều quan trọng: Thứ nhất, tại sao bạn quyết định theo đuổi Thạc sĩ ngành này? Nếu bạn chuyển ngành học khác đi với ngành học Đại học (một điều hoàn toàn bình thường, không phải là điểm yếu!) thì bạn cần giải thích lý do chuyển ngành và bạn đã có sự chuẩn bị gì về mặt kiến thức, kỹ năng cho ngành học mới? Thứ hai, bạn mang đến kinh nghiệm, trải nghiệm nào thú vị để bổ trợ tốt cho ngành học và đóng góp được gì cho chất lượng và sự phát triển của chương trình học.
Mọi thông tin cá nhân thể hiện trên CV, bài luận, hồ sơ kèm theo đều cần tập trung, gắn liền với ngành học và mục tiêu sự nghiệp của bạn, thay vì dàn trải, tổng quan như khi nộp bậc Đại học.
3/ Apply Tiến sĩ
Tiến sĩ là một bậc học khác hẳn, tập trung vào nghiên cứu, thay vì chỉ “đi học” theo nghĩa thông thường ở các cấp học trước. Vì vậy, hội đồng tuyển sinh sẽ chú trọng nhiều nhất vào kỹ năng, kinh nghiệm nghiên cứu của bạn. Đặc biệt, nếu bạn muốn nhận học bổng Tiến sĩ, bạn cần thể hiện khả năng nghiên cứu xuất sắc của mình đủ để phụ tá cho giáo sư thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học chất lượng trong quá trình làm nghiên cứu sinh.
Vì vậy, trong hồ sơ nộp học, bạn luôn cần đặt yếu tố nghiên cứu lên hàng đầu trong CV, bài luận, và những tài liệu bổ trợ kèm theo hồ sơ. Bạn có kinh nghiệm nào liên quan đến nghiên cứu? Bạn có từng làm luận văn tốt nghiệp, tham gia dự án nghiên cứu, hỗ trợ nghiên cứu viên nào chưa? Nếu có, tất cả cần phải nhấn mạnh, để lên hàng đầu. Ngoài ra, bạn rất cần tìm hiểu giáo sư nào trong chương trình bạn muốn làm việc cùng, liên hệ trước với giáo sư xem họ có còn nhận nghiên cứu sinh không, và nêu tên đích danh họ trong bài luận của mình.
Một số trường còn yêu cầu writing sample (bài viết mẫu) để xem trình độ viết của bạn và research proposal (đề án nghiên cứu) để đánh giá dự án bạn muốn nghiên cứu trong tương lai. Vì vậy, một bộ hồ sơ Tiến sĩ có thể tốn rất nhiều thời gian và công sức để hoàn thiện.
Đọc thêm tại “Chúng tôi đã apply và học Tiến sĩ như thế nào?“
—
Trên đây là một số điểm chung và điểm riêng lớn nhất, theo tôi, bạn cần lưu ý khi làm hồ sơ du học và xin học bổng. Tất nhiên, những điểm này được tổng hợp từ kinh nghiệm và kiến thức của riêng tôi nên không chắc có thể bao quát tất cả các ngành học và tất cả các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, bạn cần tự làm nghiên cứu riêng cho mình để tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho hồ sơ của mình.
Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn nên tìm đến các trung tâm và tổ chức tư vấn du học, tìm những người có kinh nghiệm để làm mentor cho bạn (đọc thêm về mentoring tại đây). Mỗi khi đăng bài về du học và được hỏi địa chỉ tin cậy về tư vấn, tôi luôn giới thiệu chương trình “Mentor 1:1” của Nguồn Học Bổng vì chương trình này cho phép bạn có một mentor đi cùng từ đầu đến cuối hành trình nộp học bổng, sửa bài luận và góp ý cho hồ sơ không giới hạn — đặc biệt, tư vấn ban đầu hoàn toàn miễn phí nên rất dễ để tham gia. Bạn có thể đăng ký nhận thông tin chương trình này qua form: https://forms.gle/t7BwzeGhUfCqzkgz7
Chúc bạn nhiều may mắn và thành công trong quá trình apply du học!
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Gửi chị Chi,
Đầu tiên em xin cảm ơn chị đã có những bài viết và chia sẻ rất bổ ích, giúp em biết thêm nhiều kiến thức và kĩ năng.
Em đang bắt đầu học GRE và rất muốn được nhận những chia sẻ của chị về chủ đề này (lộ trình học, tài liệu, phương pháp v.v.)
Em có tham khảo bài viết này nhưng bài viết đã từ năm 2014 nên em không rõ phương pháp và tài liệu học trong đây còn hiệu quả không. (https://notnoonabutstillyeppo.wordpress.com/2014/04/01/de-bot-lan-dan-voi-gre/?fbclid=IwAR2qC6y44Vh_aGCpWtchp9qQL75CSEzdmBSSy2lb6ey553WOHpAXMJS9XzY)
Do đó, em rất mong nhận được một vài lời khuyên từ chị ạ. Em cảm ơn chị nhiều.
Chào em. Chị đã thi GRE từ năm 2012 nên phương pháp của bạn trong bài có thể còn mới hơn chị :D. Chị có đọc qua và thấy bạn có nhiều thông tin bổ ích, tài liệu tham khảo đầy đủ. Chị nghĩ mỗi người có cách học khác nhau nên em có thể thử nghiệm xem có hợp với mình không. Tuy nhiên, chị đồng ý với bạn là nếu em muốn thi GRE em cần học “ngay và luôn” vì có rất nhiều kiến thức cần học. Để cập nhật tốt nhất với các bài thi GRE hiện đại, chị recommend em học trên Magoosh: https://thepresentwriter.com/goi-y/#Magoosh Vì đây là đơn vị uy tín và theo rất sát với GRE quốc tế. Chúc em may mắn nhé!
Chào chị,
Em đã và đang bước vào con đường nghiên cứu sinh cho một lab ở trường đại học hiện tại em đang theo học. Em mong chị có thể cho em một vài cách để bắt đầu xây dựng cv được không ạ. Vì em muốn được apply thạc sĩ sau khi tốt nghiệp. Em rất mong sự phản hồi từ chị.
Chúc chị và gia đình luôn dồi dào sức khoẻ. Em cảm ơn.
Chị Chi ơi, chị cho em tham khảo GPA Đại học mà lúc trước chị đã dùng để apply học bổng thạc sĩ là khoảng bao nhiêu được không ạ? Em cảm ơn chị nhiều ạ.
Chị cũng không nhớ cụ thể lắm vì thang điểm chuyển đổi không rõ ràng (thời chị học khác với hiện nay), nhưng chị được khoảng 3.5 hay 3.7 gì đó
Em chào chị. Em đang là sinh viên năm cuối bậc đại học và muốn tiếp tục chương trình du học thạc sĩ ở Mỹ và tất nhiên em rất muốn apply học bổng nhưng em không đủ tự tin về kiến thức và vẫn e ngại về tài chính. Dạo gần đây em lướt fb và vô tình thấy một trường đại học ở mỹ “university of the people” hoàn toàn miễn phí. và học online rất phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay. Liệu em có nên theo học ngôi trường này không? Em rất mong chị có thông tin và chia sẻ về ngôi trường này ạ!
Chúc chị nhiều sức khỏe.
Em chào chị,
Em có một thắc mắc là, em học đại học chuyên ngành ngôn ngữ Anh thì có thể học thạc sĩ ngành khác hay không, và em có thể tìm hiểu ở đâu ạ? Em đã tìm nhiều trên google những thực sự chưa tìm được câu trả lời. Em xin chân thành cảm ơn chị <3
Hoàn toàn có thể em!!! Chị cũng học đại học một ngành và thạc sĩ ngành khác. rất nhiều blog và video chị làm có nói về điều này em ha
Chào chị ạ, em cảm ơn rất nhiều về các chia sẻ của chị. Em rất thích học nghiên cứu, cũng rất mông lung. Mọi người thường hỏi em con gái học làm gì nhiều nhưng với em, mỗi một cấp học, một môi trường mình sẽ được học và có những thu hoạch khác nhau. Do tài chính nên em cũng đã lựa chọn chương trình học tập, phù hợp với điều kiện của mình. Có lúc em định từ bỏ nhưng bài viết của chị lại cho em động lực cố gắng. Em cảm ơn chị!