Vào ngày này đúng 1 năm trước, tôi nhận được 2 lời đề nghị công việc: một là tiếp tục làm trợ lý cho một trung tâm nghiên cứu về trường học (tạm gọi tắt là SCHOOL), hai là làm chuyên viên phân tích dữ liệu cho một trung tâm khảo sát về học sinh, sinh viên (tạm gọi tắt là SURVEY). Cả hai đều là công việc tốt với chế độ đãi ngộ tương tự nhau. Khi nhận được 2 lời đề nghị cùng một lúc, tôi biết ngay đây sẽ là một trong những quyết định khó khăn nhất tôi từng phải đưa ra. Nhưng ở thời điểm đó, tôi không biết rằng đây là bước ngoặt làm thay đổi tư duy của mình mãi mãi.
Nhưng trước khi nói cho bạn biết quyết định của tôi và những gì tôi học được từ trải nghiệm này, tôi muốn bạn đọc thêm một chút về hành trình của tôi (và hàng trăm nghiên cứu sinh ngành Xã hội khác) để tìm funding (nguồn tài trợ cho việc học/nghiên cứu) trong 4-5 năm làm Tiến sĩ.
Sự thật về cái gọi là “học bổng toàn phần”
Nếu bạn thường xuyên theo dõi các bài tôi viết về chủ đề Du học (như trò chuyện cùng Tiệp Vũ, Linh Phan), chắc hẳn bạn cũng biết rằng tìm được một suất “học bổng toàn phần” cho bậc Tiến sĩ không phải dễ dàng, và nếu có, nó cũng không hẳn là “học bổng” theo cái nghĩa là không phải làm gì mà vẫn có tiền ăn học. Tất nhiên, có những trường hợp ngoại lệ như học bổng chính phủ, học bổng từ công ty tư nhân, học bổng của các quỹ/ tổ chức… tài trợ đủ tiền học và chi phí sinh hoạt cho nghiên cứu sinh mà không có ràng buộc về công việc. Nhưng đa số các bạn làm Tiến sĩ ở Mỹ mà tôi biết đều có hợp đồng làm việc tối đa 20 giờ/tuần cho trường, cho phòng thí nghiệm, hoặc cho giáo sư để đổi lấy miễn giảm học phí, tiền tiêu hàng tháng, và bảo hiểm sức khoẻ. Có rất nhiều loại hình công việc cho nghiên cứu sinh, nhưng ở trường tôi, những công việc này được gọi chung là Graduate Assistantship (G.A.). G.A. có thể bao gồm Research Assistantship (R.A.) chuyên về nghiên cứu, Teaching Assistantship (T.A.) chuyên về giảng dạy, và Administrative Assistantship (A.A.) chuyên về công việc văn phòng.
Đối với một số ngành Khoa học kỹ thuật và đối với một số trường/khoa có nguồn lực kinh tế lớn, việc bạn được nhận vào chương trình Tiến sĩ đã là đảm bảo 100% “học bổng toàn phần” (dạng G.A.) trong khoảng 5 năm theo học ở trường. Tuy nhiên đối với các ngành Khoa học xã hội, đặc biệt là ngành Giáo dục mà tôi đang theo học, nguồn tiền tài trợ cho nghiên cứu sinh là rất ít ỏi, dẫn đến hai lựa chọn: một là phải chọn rất ít sinh viên đầu vào (ví dụ, chỉ tuyển 1-2 sinh viên/năm nhưng đảm bảo “học bổng” đủ 5 năm), hai là chọn sinh viên làm G.A. vô cùng khắt khe (ví dụ, sinh viên phải “xin việc” hàng năm và có người được nhận việc, người không). Khoa tôi đang theo học rơi vào nhóm thứ 2. Tức là cứ vào khoảng tháng 12 hàng năm, tất cả các nghiên cứu sinh nhận được thông báo nộp đơn “xin việc” cho năm tới; và từ tháng 12 năm trước đến cuối tháng 4 năm sau, tất cả những ai đã nộp đơn đều nín thở hồi hộp đợi kết quả. Tiêu chí lựa chọn có nhiều, nhưng đa phần các sinh viên xuất sắc sẽ được chọn trước (vì giáo sư nào cũng muốn làm với những người này) và các sinh viên năm thứ nhất và thứ hai sẽ được ưu tiên (vì học phí cho 2 năm đầu bao giờ cũng cao nhất, những năm sau, nếu không còn yêu cầu lấy lớp, học phí sẽ giảm rõ rệt). Khỏi phải nói nhiều, chắc bạn cũng hiểu quá trình “xin việc/học bổng” hàng năm này căng thẳng đến thế nào, nó cũng như kiểu vừa đi học vừa chạy ăn từng bữa vậy. Nhưng trường hợp như tôi có lẽ vẫn còn may mắn, vì tôi biết có những trường/khoa còn yêu cầu sinh viên nộp xin G.A. mỗi kỳ học một — tức là mỗi 4-5 tháng lại phải lên dây cót tinh thần một lần — chỉ nghĩ đến thôi là đã thấy ngộp thở.
Tôi làm G.A.
Công việc đầu tiên
Năm đầu tiên của chương trình Tiến sĩ, tôi làm G.A. cho một giáo sư trong Khoa. Công việc chính của tôi là trợ giúp thầy trong các dự án nghiên cứu (R.A.) — đủ mọi đầu việc từ tìm kiếm tài liệu, đọc sách/báo, đến xử lý số liệu, viết bản thảo. Thời gian này tôi mới vào chương trình nên có nhiều điều bỡ ngỡ nhưng thầy luôn kiên nhẫn chỉ dẫn và động viên tôi. Đến cuối năm thứ nhất, trong khi chờ kết quả G.A. cho năm sau, tôi cũng hơi lo lắng, nhưng thầy nói là không sao – hội đồng xét duyệt luôn ưu tiên những sinh viên còn trong 2 năm đầu. Quả đúng vậy, tôi có tiếp G.A. năm thứ hai, nhưng ở một vị trí khác.
Làm ở SCHOOL
Năm thứ hai, tôi được Khoa phân cho làm G.A. cho một trung tâm nghiên cứu về trường học (“SCHOOL”) có trụ sở ngay trong Khoa. Công việc của tôi phần nhiều thiên về các vấn đề hành chính (A.A.) và tôi có làm thêm công tác biên tập (editor) cho một tạp chí khoa học được xuất bản bởi SCHOOL. Giáo sư tôi làm G.A. năm trước tốt đến mức đến dự buổi làm việc đầu tiên của tôi với Giám đốc của SCHOOL (tôi hay gọi đùa là Sếp) để ủng hộ và nói tốt về tôi trước mặt Sếp. Sếp cũng rất tốt với tôi, chuẩn bị sẵn cho tôi một bàn làm việc rộng rãi, và nói luôn là công việc sẽ rất thoải mái, tôi có thể làm bất cứ giờ nào và làm ở đâu cũng được, miễn là xong việc. Trong văn phòng ngoài tôi ra còn có một chị thư ký cho Sếp. Khác với công việc R.A. năm thứ nhất, làm A.A. ở SCHOOL nhẹ nhàng hơn, độc lập hơn, và không liên quan nhiều đến đề tài nghiên cứu của tôi, vì thế, tôi hầu như không bao giờ đến văn phòng, cứ làm một việc gì xong rồi thì email cho Sếp. SCHOOL có tổ chức sự kiện gì tôi cũng biết (vì tôi là người gửi thư mời cho khách) nhưng hầu như không bao giờ tham gia. Nghĩ lại, tôi nhận ra mình từng làm việc rất hời hợt, nhưng khi ấy, tôi nghĩ đó chỉ là “mình chỉ làm đúng phần việc được giao, thế thôi”.
Đến gần hết học kỳ I năm thứ hai, tôi mới nhận ra một tin sét đánh là 5 môn học mà tôi tưởng được tính cho cả chuyên ngành thứ 2 thì lại không được tính. Điều này có nghĩa là tôi sẽ phải lấy đến 5 lớp nữa cho năm thứ ba – năm không thuộc nhóm “ưu tiên” cho G.A. “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình không tiếp tục có funding cho năm sau?” — ngày nào tôi cũng lo lắng tự hỏi. Nhìn hoá đơn hàng chục ngàn đô cho 5 môn học, chưa kể tiền sinh hoạt phí và tiền bảo hiểm, tôi nôn nao kinh khủng. Tôi bắt đầu cảm thấy stress.
Cảm giác stress ngày càng tăng cao, tôi càng trở nên lo lắng về vị trí G.A. của mình ở SCHOOL. Tôi muốn được làm nhiều việc hơn để chứng tỏ mình và hy vọng Sếp ưu ái tôi, rồi nói với Khoa cho tôi tiếp tục làm G.A. năm sau. Tôi bắt đầu liên lạc với Sếp nhiều hơn, hầu như tuần nào cũng email hỏi: “SCHOOL có việc gì cần tôi trợ giúp nữa không? Sếp cứ nhắn tôi nhé!” nhưng Sếp thường nói, hiện cũng không có việc gì hoặc Sếp đang phải xử lý công việc với chị thư ký trước. Điều này càng làm cho tôi thấy lo lắng hơn: “Có phải Sếp không tin tưởng tôi nên mới không giao thêm việc? Có phải Sếp coi trọng chị thư ký hơn tôi?” – trong đầu tôi cứ nhảy múa những suy nghĩ tiêu cực như vậy. Mỗi lần đến văn phòng tôi lại thấy Sếp và chị thư ký lúc nào cũng loạn lên giấy tờ, in ấn, đi đi lại lại bàn bạc với nhau, trong khi tôi cứ lủi thủi một xó muốn giúp cũng không biết giúp gì, tôi cảm thấy mình như một người thừa trong văn phòng. Tôi lại càng lo lắng hơn về tương lai của mình trong năm tới.
Cơ hội mới với SURVEY
Năm đó quyết định về G.A. đến rất muộn, tới tận tháng 4 vẫn chưa có kết quả gì, tôi rất sốt ruột. Mấy người bạn cùng khoá với tôi cũng bồn chồn, lo lắng; một số đứa còn đồn thổi với tôi là năm nay Khoa cắt giảm ngân sách nên “chắc chắn một trong số chúng ta sẽ không có G.A”. (Sau này nghĩ lại, tôi nhận ra rằng vì mình đang stress và tiêu cực nên rất dễ “bập” phải những người cũng stress và tiêu cực không kém). Ngày càng cảm thấy tiêu cực về khả năng có G.A. trong Khoa, tôi bắt đầu tìm kiếm cơ hội đi làm ở những nơi khác trong trường. Sau một thời gian miệt mài tìm kiếm trên trang “Việc làm” của trường, tôi đọc được thông báo tuyển G.A. cho trung tâm khảo sát về học sinh, sinh viên (“SURVEY”) cho năm tới. Tất cả mọi quyền lợi của SURVEY đều tương tự SCHOOL, chỉ khác là SURVEY có lịch làm việc nghiêm khắc hơn (phải đến cơ quan làm đủ 20 giờ/tuần) nhưng bù lại, vị trí này được đảm bảo trong ít nhất 2 năm (tức là tôi không phải trải qua giai đoạn nộp hồ sơ căng thẳng hàng năm nữa).
Nếu có điều gì bạn nên biết về tôi thì đó là một khi đã xác định được mục tiêu, tôi có khả năng làm việc vô cùng, vô cùng chăm chỉ và cẩn thận để đạt được mục tiêu đó. Tôi còn nhớ mình dành hẳn 2 ngày để nghiên cứu kỹ về SURVEY (thông tin trên website, đội ngũ nhân viên, các dự án họ đã và đang làm…), đọc đến thuộc lòng bản thông tin tuyển dụng rồi mới bắt đầu viết hồ sơ xin việc. Trước khi nộp hồ sơ, tôi nhờ ít nhất 2 người bạn đọc hộ, sau đó đến Trung tâm tư vấn việc làm (Career Service) ở trường để nhờ họ đọc lại lần cuối. Khoảng 3 tuần sau, tôi nhận được thông báo vào vòng phỏng vấn với SURVEY. Từ khi biết tin, tôi tiếp tục nghiên cứu thông tin về SURVEY để chuẩn bị trả lời các câu hỏi về kiến thức/kỹ thuật. Tôi cũng đến Career Service hai lần nữa để luyện tập phỏng vấn (mock interview), cả hai lần tôi đều chủ động quay video lại để học từ lỗi sai cũ, cải thiện khả năng nói và ngôn ngữ hình thể.
Buổi phỏng vấn với SURVEY có tất cả 2 vòng. Vòng thứ nhất (15 phút) với Giám đốc, ông ấy hỏi tôi tất cả những gì tôi biết về SURVEY và các kỹ thuật phân tích dữ liệu, phần mềm nào SURVEY từng sử dụng, phần mềm nào tôi từng sử dụng… Vòng thứ hai (1 tiếng 30 phút) với 3 nhân viên của SURVEY, họ sử dụng bảng câu hỏi y hệt Career Service (ha!) để tìm hiểu về cá tính, thói quen, và kỹ năng giao tiếp của tôi. Đó thực sự là một buổi phỏng vấn tốt; khi bước ra khỏi văn phòng tôi đã nghĩ mình có đến 80-90% cơ hội. Tất nhiên, tôi cũng không quên viết email cám ơn đích danh cả 4 người đã nói chuyện với mình hôm đó.
Ngày tôi nhận được điện thoại từ Giám đốc SURVEY nói tôi trúng tuyển, tôi rất vui, cảm thấy tảng đá hàng ngàn cân đè lên ngực đã được trút xuống. Tôi vui vẻ đồng ý ngay. Giữa lúc chỉ còn chờ ký tên vào hợp đồng là đi làm với SURVEY, tôi nhận được tin từ Khoa tiếp tục có funding cho tôi làm G.A. ở SCHOOL một năm nữa. Cuộc đời thi thoảng trớ trêu là thế!
Quyết định của tôi
Có thể đối với nhiều người, chọn làm việc này hay việc khác là điều rất dễ dàng, nhưng đối với tôi, đây không phải là một quyết định đơn giản. Vốn là một người có trách nhiệm, tôi rất ngại nếu phải rút lời hứa làm việc với SURVEY, ông giám đốc và 3 người cộng sự đã tin tưởng tôi, và họ có thể cũng đã từ chối những ứng viên khác để nhận tôi — suy nghĩ phải làm phiền người khác, làm người khác thất vọng khiến tôi cảm thấy không yên. Nếu làm việc ở SURVEY, tôi sẽ yên tâm có funding đủ đến lúc tốt nghiệp, không phải đôn đáo tìm việc thêm nữa. Tôi cũng có thể rèn luyện kỹ năng xử lý dữ liệu lấy từ khảo sát — phương pháp nghiên cứu tôi cũng sử dụng cho đề tài tốt nghiệp. Nhưng làm việc ở SCHOOL cho tôi quỹ thời gian thoải mái, không gian làm việc cơ động — điều tôi rất cần vì năm sau đó, tôi học đến 5 môn/kỳ và còn có ý định về Việt Nam lấy dữ liệu cho đề tài tốt nghiệp. Mặt khác, tôi cảm thấy vẫn chưa nắm rõ được công việc thực sự của mình ở SCHOOL, và SCHOOL cũng không bảo đảm việc làm cho tôi đến khi ra trường. Tiến thoái lưỡng nan! Tôi cảm thấy rất bế tắc.
Tôi còn nhớ mình chỉ có 2 ngày để đưa ra quyết định. Tôi cố gắng làm tất cả những điều mình có thể. Tôi viết rất nhiều, viết về suy nghĩ của tôi về công việc, điểm mạnh và yếu của từng nơi. Tôi thảo luận với chồng tôi, gọi điện nói chuyện với mẹ tôi rất lâu, thậm chí đến văn phòng SURVEY để nói chuyện với mọi người và cảm nhận thêm không khí làm việc. Nhưng tôi vẫn chưa đưa ra được quyết định rõ ràng. Đến ngày cuối cùng, tôi nghĩ mình cần phải đến Career Service một lần nữa để gặp một người tư vấn chuyên nghiệp, khách quan. Có một điều về Career Service mà tôi chưa kể với các bạn là họ có một hệ thống tư vấn viên khoảng chục người, mỗi lần sinh viên đến đăng ký, máy tính sẽ chọn ngẫu nhiên ra một tư vấn viên bất kỳ. Từ lâu, tôi quen một bạn người Mỹ học Tiến sĩ cùng chương trình với tôi nhưng chỉ học bán thời gian và làm toàn thời gian ở Career Service. Nhưng không hiểu sao, chưa bao giờ tôi “bắt cặp” được với bạn ấy. Trên đường từ nhà đến Career Service, tôi cầu nguyện mình gặp được bạn ấy vì bạn ấy học cùng chương trình với tôi và hiểu hơn ai hết khó khăn và cơ hội của tôi với từng công việc. Không hiểu sao, tôi rất tin tưởng bạn ấy.
Đúng là khi bạn thực sự mong muốn điều gì, cả vũ trụ sẽ đem đến cho bạn điều đó (Paulo Coelho). Tôi được chọn ngẫu nhiên với bạn ấy. Vừa nghe tôi nói một vài câu, bạn ấy đã hoàn toàn hiểu câu chuyện và bắt đầu từng bước giúp tôi gỡ rối. Trong quá trình trao đổi, bạn ấy hỏi một câu (có vẻ rất hiển nhiên) mà cả tôi, chồng tôi, mẹ tôi, và tất cả những người tôi từng nói chuyện chưa bao giờ nghĩ đến: “Dự định sự nghiệp lớn nhất, lâu dài của Chi là gì? Giữa SCHOOL và SURVEY, công việc nào giúp Chi tiến gần hơn với dự định đó nhất?” Ngay khi nghe câu hỏi này, tôi đột nhiên cảm thấy đầu óc mình thông suốt rõ ràng, như có một luồng năng lượng bất ngờ xẹt qua não tôi — đó là khoảnh khắc mà Oprah gọi là: “Aha Moment”
Dự định sự nghiệp lớn nhất của tôi là làm nghiên cứu. Nếu nhìn qua, rất dễ dàng nhận thấy là SURVEY sẽ phục vụ tốt hơn dự định này vì SURVEY là vị trí nghiên cứu, còn SCHOOL chỉ là vị trí hành chính. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại! Tôi chợt nhận ra là nhờ 1 năm làm ở SCHOOL không bị áp lực về thời gian, tôi đã hoàn thành được rất nhiều dự định nghiên cứu riêng của mình, xuất bản không chỉ một, mà hai bài báo trên tạp chí khoa học nhờ có thời gian trống ở SCHOOL. Tôi chợt nhận ra là Sếp thực sự rất tốt với tôi và mong tôi có thời gian tập trung vào công việc học tập/nghiên cứu riêng của mình (chứ không phải vì Sếp không tin tưởng tôi để giao thêm việc như tôi từng nghĩ). Sếp vẫn luôn ủng hộ tôi mang bài vở đến văn phòng để học trong giờ; Sếp còn thương tôi “sinh viên nghèo vượt khó” nên thường xuyên cho tôi tài liệu học tập, giấy in, và mực in miễn phí; Sếp cũng hay tặng quà cho tôi mỗi dịp lễ tết (tức là Sếp khẳng định sự có mặt của tôi trong văn phòng chứ không phải coi tôi là người thừa như tôi từng tưởng tượng). Thế nhưng, vì thường xuyên lo lắng, tự tạo áp lực cho bản thân mình, thường xuyên so sánh bản thân với người khác, tôi đã không thấy được mặt tốt đẹp của công việc mình đang làm và những con người mình đang ngày ngày tiếp xúc.
Bước ra khỏi Career Service, tôi cảm thấy trời đất sáng tỏ, đầu óc minh mẫn, tâm hồn bình yên. Tôi nhắn tin cho chồng tôi, nội dung chỉ vỏn vẹn một câu nói khuyết danh nổi tiếng: “I was blind but now I see” (Tôi từng đui mù nhưng giờ đã nhìn sáng tỏ). Và anh ấy biết, tôi đã đưa ra được quyết định cuối cùng của mình: SCHOOL.
“I was blind but now I see”
Sau sự việc này, thế giới quan của tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi nhận ra có rất nhiều điều mình muốn làm và có thể làm cho SCHOOL mà trước đây, vì khư khư tư duy lao động hời hợt, kiểu “không phải việc của mình thì mình không phải làm”, tôi đã không nhìn ra được những điểm này. Vì vậy, việc đầu tiên tôi làm sau khi từ chối SURVEY và nhận làm với SCHOOL là đến gặp trực tiếp Sếp và nói với Sếp tôi rất biết ơn 1 năm qua Sếp đã tạo điều kiện cho tôi làm việc với giờ giấc thoải mái, cho phép tôi làm việc tại nhà, nhờ đó mà tôi đã có được một số thành quả nhất định. Tôi cũng nói với Sếp là mình sẽ có chính thức “Office Hours” (giờ hành chính) ổn định vào hai buổi sáng trong tuần. Trong hai buổi này, tôi sẽ có mặt ở văn phòng, Sếp không cần việc gì thì thôi, còn cần gì cứ gặp trực tiếp tôi vào hai buổi đó. Tôi cũng đề xuất một số ý tưởng để các công việc hành chính của SCHOOL được tối ưu hơn, chuyên nghiệp hơn. Sếp rất vui.
Nhờ việc có mặt ở văn phòng theo lịch nhất định, mọi người dễ tìm đến tôi để trao đổi công việc và thân thiện với tôi hơn. Tôi cũng biết thêm rất nhiều điều về văn phòng. Trước đây tôi nghĩ Sếp ưu ái chị thư ký hơn tôi, nhưng thực ra không phải vậy, chị thư ký có bằng kế toán và có tên trên tài khoản ngân hàng của SCHOOL, do vậy, chị là người duy nhất có thể quản số má, giấy tờ, sổ sách — dù Sếp có muốn giao cho tôi cũng không được. Trước đây tôi luôn hỏi Sếp có việc gì cần giao cho tôi làm không, nhưng giờ tôi luôn tự tìm ra việc, tự nghĩ ra việc để làm. Tôi cũng đến dự các sự kiện của SCHOOL thường xuyên hơn, giúp chị thư ký đón khách, và gặp gỡ thêm nhiều người. Bên ngoài tôi có thể trông vẫn vậy, nhưng bên trong, tôi đã là một G.A. hoàn toàn khác.
Từ sự việc này, tôi đã rút ra một số điều quan trọng về công việc mà tôi muốn chia sẻ với bạn:
- Đừng nên quá để tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình. Khi tôi nói với người bạn ở Career Service rằng mình rất ngại nếu phải từ chối SURVEY khi đã đồng ý làm với họ, bạn ấy bảo: “Đừng nên suy nghĩ như vậy, có rất nhiều người mong muốn làm công việc này. Nếu cậu từ chối sớm, người khác sẽ có được công việc sớm. SURVEY là văn phòng chuyên nghiệp, họ sẽ có cách sắp xếp dễ dàng”. Bạn ấy nói đúng. Khi tôi gọi điện cho Giám đốc SURVEY để từ chối công việc, ông ấy cũng nói là rất tiếc để tôi đi nhưng vui vì tôi tìm được công việc phù hợp hơn – rất lịch sự, nhẹ nhàng, và chuyên nghiệp. Cũng như vậy, vì tôi từng quá để tâm đến xem Sếp nghĩ gì về tôi, chị thư ký nghĩ gì về tôi … tôi tự vẽ ra trong đầu những điều không phải là sự thật.
- Đừng để lo lắng, stress làm đầu óc trở nên u tối. Lo lắng và stress có thể khiến con người trở nên rất tiêu cực, và tiêu cực có thể tự “sinh sôi nảy nở” rất nhanh. Do vậy, cố gắng nhìn vào sự việc khách quan, thường xuyên luyện tập tư duy tích cực, và sống có ý nghĩa cho bản thân và mọi người.
- Luôn chủ động trong công việc. Không ai thích một nhân viên bị động, giao việc gì thì làm việc nấy, có gì thêm thì chối đây đẩy: “không phải việc của tôi!”. Hãy luôn chủ động tìm kiếm công việc, làm tốt hơn những gì mình đang làm, và giúp đỡ mọi người mỗi khi có thể.
- Thường xuyên đánh giá lại giá trị thật của công việc. Sau khi làm một việc trong thời gian dài, chúng ta thường lẫn lộn các giá trị thật và giả của công việc. Trong câu chuyện này, tôi chỉ nhận ra giá trị tốt đẹp của SCHOOL sau khi gần như mất nó. Nhờ sự ủng hộ của Sếp, tôi đã có thể về Việt Nam 3 tháng trong giữa năm học để làm đề tài tốt nghiệp — một sự tự do mà chưa từng G.A. nào trong Khoa có được — đây là giá trị thật của SCHOOL
- Tự tin vào bản thân mình. Quá trình tìm việc và phỏng vấn với SURVEY không phải là hoàn toàn vô nghĩa. Nó đã khiến tôi tự tin thêm rất nhiều về bản thân, tôi nghĩ nếu mình đã từng xin được việc bên ngoài một lần, chắc chắn mình sẽ làm được lần tiếp theo. Tư duy này khiến tôi thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Cuối kỳ vừa rồi, tôi có nộp tiếp đơn xin G.A. cho năm học cuối cùng. Đây là lần đầu tiên tôi không stress, không sốt ruột, cũng không thúc ép ai phải trả lời sớm cho mình. Nhưng ngay từ trước khi Khoa có thông báo chính thức, giáo sư chủ nghiệm chương trình (Professor in Charge) đã nói riêng với tôi là ông ấy ký nhận tôi làm cùng cho năm tới. Tại sao? Bởi vì tôi có kết quả học tập/nghiên cứu tốt, vì tôi thường xuyên xuất hiện ở văn phòng, và vì những người từng làm với tôi đều nói tốt về tôi — tất cả những điều này không thể có nếu tôi không tin vào bản thân mình và tin vào những điều tôi có thể làm cho công việc tốt lên.
Bài viết này không phải để huyênh hoang những gì tôi đã làm được (vì thực sự tôi vẫn chưa làm được gì nhiều) mà để nói cho bạn đọc hiểu được hành trình tìm funding gian nan của những người học Tiến sĩ ngành Xã hội, và để bạn biết được những gì tôi học được trong cuộc hành trình này. Hy vọng bài viết truyền cảm hứng cho bạn tin tưởng vào cuộc sống và làm việc hiệu quả hơn.
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
NA says
Congrats chị Chi! Em rất vui và hứng thú khi được đọc câu chuyện của chị. Em cũng thường phải chọn lựa như vậy, khó nhất là hồi chọn trường cao học, và dần dần em cũng luyện được một chút kĩ năng để lựa chọn tốt hơn. Và đã chọn rồi là let the thoughts for other options go luôn, để ko vương vấn luyến tiếc, ko tự hỏi mình “Nếu như… thì sao?” nữa, để chỉ tập trung năng lượng vào lựa chọn của mình thôi 🙂 Chị làm em nhớ đến một chương sách trong Designing Your Life, nói về cách tạo ra nhiều lựa chọn trong cuộc sống và cách chọn được lựa chọn tốt nhất. Chúc chị Chi luôn vui và học được nhiều thứ nhé.
Chi Nguyễn says
Cám ơn NA! Một khi đã chọn rồi cứ hạnh phúc với lựa chọn của mình. Chị cũng chúc em như vậy 🙂
dohongthuan says
Chi ơi, bài viết hay lắm em! Cám ơn em nha.
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị! Bao giờ chị chia sẻ câu chuyện của mình nữa ạ
Minh Đức says
Chúc mừng chị! Bài viết cũng rất hay chị ạ. Em cũng hay bị bối rối lo lắng về hình ảnh của mình trong mắt người khác, có thể vì bản thân chưa có gì nên hơi tự ti, nhưng dần rồi cũng sẽ phải tập cho bản thân tự tin.
Em rất thích câu nói của bạn tư vấn “Đừng nên suy nghĩ như vậy, có rất nhiều người mong muốn làm công việc này. Nếu cậu từ chối sớm, người khác sẽ có được công việc sớm.” Đây cũng là lời giải đáp cho băn khoăn của em trong một thời gian dài, vì suy nghĩ quá nhiều về hậu quả hành động của mình đến người khác, đặt tất cả gánh nặng trách nhiệm lên mình mà không biết phải san sẻ gánh nặng ấy…
Chúc chị luôn thành công và nhiều may mắn!
DuyP says
Vô tình biết những bài viết của Chi.
Học được nhiều từ đó. Cám ơn bạn
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã ghé blog. Mình viết bài mới hàng tuần và có thêm nhiều đoạn viết ngắn trên Facebook/Instagram của blog
haiyen thi nguyen says
Cảm ơn chia sẻ của bạn Chi, mình cũng vừa thấy ánh sáng sau những năm dài u tối, u tối với những “con bò” nguỵ biện, bạn sẽ là bạn không ai khác, suy nghĩ của bạn chỉ ảnh hưởng đến bạn, ai rồi cũng có công việc của mình, sự thay đổi lần này của mình khác bạn Chi là mình tự vật vã quyết định đóng cánh cửa này và đúng cánh cửa khác đã mở. Từ lúc gặp được blog của bạn Chi mình cũng học hỏi thêm được rất nhiều, mong được bạn chia sẻ nhiều hơn, nhất là mục đọc sách và những gì học được từ sách, mình đã đọc được 4 thoả ước và nhờ nó tâm mình thoát trong một mớ rắc rối mang tên “của người ta”. Một lần nữa cảm ơn bạn.
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã comment chia sẻ! Mình đang lên list sách. Hy vọng trong tuần tới có thể post bài này
AnAn says
Hi chị Chi,
Bài viết này nhắc em nhớ về mình trong khía cạnh luôn so sánh bản thân với người trước đây khiến cho em tự mất cơ hội & không nhìn thấy những điểm tốt của bản thân. Em thấy rằng để không so sánh bản thân với người khác trước tiên mình phải nâng cao năng lực của mình và tư duy sáng suốt để không rơi bị tình huống stress rồi mọi thứ rối tung lên 🙂
Nice day chị
Chi Nguyễn says
Cám ơn em!!!
Hoàng Ngọc Sỹ says
Em cảm ơn Chị đã chia sẻ những trải nghiệm quý báu, nó thật sự là những tinh hoa, là động lực giúp em phát triển tương lai. Em chúc Chị dồi dào sức khỏe để gặt hái thêm nhiều thành công khác nữa ạ!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em nhiều về những lời động viên!
Lan Anh says
Em thường xuyên đọc Blog này của chị Chi và thấy những bài viết của chị rất hữu ích ạ. Đọc bài này em mới biết chị làm về mảng Giáo Dục, một vài người bạn của em cũng rất tâm huyết với mảng này và đang có ý tưởng xây dựng 1 cộng đồng trao đổi về các trường phái, phương pháp trong giáo dục. Chị có hay về VN không ạ, em rất mong có được sự tư vấn/ hợp tác từ chị ạ 🙂
Have a nice day!
Chi Nguyễn says
Chào em! Chị cố gắng về VN mỗi năm một lần nhưng cũng không được lâu. Nếu em có cộng đồng như vậy mà online thì chị sẽ tham gia được thường xuyên
Tran Lien says
Bài viết của chị Chi rất thực tế, giúp em có cái tư duy đúng đắn hơn khi lựa chọn quyết định, cũng như những tình huống bị stress, sự so sánh, tiêu cực làm lu mờ. Chủ đề về công việc em thấy hấp dẫn không kém những series chủ đề trước của chị ^^. Em cảm ơn chị Chi
Chi Nguyễn says
Cám ơn em. Tới đây sẽ còn nhiều bài nữa về công việc 🙂
D. V. Cường says
Em chào chị Chi ạ!
Thật may mắn khi em cũng đang trong tâm trạng lo lắng cho việc học Ph.D của mình thì đã tìm được các bài viết của chị. Thực sự em cũng tự hỏi tại sao mình lại đi học PhD trong khi đang có một công việc tốt ở VN. Tại sao lại phải đặt mình trong hoàn cảnh khó khăn như vậy? Môi trường mới, ngôn ngữ khác, đồng nghiệp mới, mọi thứ đều là những cản trở trong khoảng thời gian đầu. Qua bài viết của chị em cũng hiểu hơn về con đường sắp tới của mình, những thứ phải đối mặt, mặc dù chưa biết là gì nhưng chắc chắn không dễ dàng. Quan trọng là chuẩn bị tốt tinh thần chị nhỉ. Giờ em đã cảm thấy sẵn sàng hơn để đối mặt. Em cảm ơn chị nhiều vì những chia sẻ của mình.
Chúc chị và gia đình sức khỏe, hạnh phúc ạ!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Thời gian đầy luôn là khó khăn nhất, không phải chỉ riêng cho việc học Ph.D. mà còn cho rất nhiều hoàn cảnh khác trong cuộc sống nữa. Những điều này là bình thường và tự nhiên thôi em ạ. Chúc em nhiều may mắn trong con đường học vấn nhé!
Tai Le says
Đọc xong bài của chị, em cảm thấy mỗi người sinh ra đều phải tự quyết định số phận của mình, ở những bất kỳ hoàn cảnh nào mình cũng phải có những suy tính và phân tích đúng đắn ạ. Bản thân em, em có thể nói em là một người có tư duy chậm chị ạ. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền Trung nghèo khó, em luôn tự nhận thức được mình phải luôn vươn lên, vươn lên bằng chính khả năng của mình để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Em cảm thấy rất may mắn khi có những người thầy- người mentors tốt, định hướng và giúp em trong những lúc khó khăn. Sự tâm huyết và chăm chỉ của em cũng đã 1 phần được đền đáp sau khi hơn 1 năm contact với 1 g.s Vietnam đang làm việc tại Mỹ, em chỉ cần cải thiện t.a 1 chút nữa là cách cửa tới ngôi trường đh Mỹ rộng mở với em. Nhiều lúc em tự suy nghĩ, có khi nào tự nhiên mình dừng bước giữa đường không nhỉ, và suy nghĩ đấy đã ùa về trong em vào những thời điểm khó khăn nhất. Em không phải là một đứa không chịu được gian khổ, khó khăn mà chính là với tư duy chậm của em, em luôn mong muốn mọi thứ sẽ phải được tính toán 1 cách kỹ càng và thấy trước được kết quả nếu mình quyết tâm theo đuổi nó. Nhưng trớ trêu thay, cái đấy có thể chỉ được áp dụng khá tốt trong nghiên cứu mà thôi (theo em nghĩ là vậy ạ). Em đã bị những cú sock về tâm lý, khiến em ở phòng 1 tuần để suy nghĩ. Em có rất rất nhiều suy nghĩ muốn đươc chia sẻ nữa ạ, hi vọng sẽ được có dịp chia sẻ với chị ạ ^^.
Em đọc rất nhiều bài của chị, khi đọc những trải nghiệm của chị dường như e thấy có 1 phần của mình trong đó. Chúc chị có những bài hay và ý nghĩa nữa ạ.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã có những lời chia sẻ chân thành. Đọc comment, chị nghĩ em không phải là người có “tư duy chậm” mà có thể em cẩn trọng, chắc chắn, cầu toàn trước quyết định của mình. Điều này không có gì sai cả nhưng nếu em muốn quyết định nhanh hơn, em có thể nói chuyện cởi mở hơn với những người em tin tưởng để cho ý kiến và động lực quyết định. Chị rất vui vì em thấy mình trong bài viết này
Tai Le says
Em lại quay trở lại để đọc lần nữa bài viết của chị, chị ạ.
Cách cửa trường đại học Mỹ em đã thành công rồi chị ạ. Chưa đầy 2 tuần nữa em cũng sẽ sang nước Mỹ xa xôi để tiếp tục theo đuổi con đường học thuật của mình ạ. Đọc các bài viết của chị về chuyên mục Du học, em cũng tích lũy được 1 phần nào đó kinh nghiệm cho chuyến hành trình mới ở bên kia.
Em chúc chị có những bài viết hay hơn đặc biệt ở mục Du học du học ạ.
Hi vọng có thể được gặp chị ở bên kia vào ngày gần nhất ạ :D.
Chi Nguyễn says
Chúc mừng em!!!!! Chị nhất định sẽ viết nhiều hơn nữa về đề tài du học. Em học ở trường nào? Biết đâu mình lại có dịp gặp nhau 🙂
Tai Le says
Dạ, em học ở trường University of Washington ạ.
Tiểu bang em học có vẻ khá là xa so với trường chị đang học phải không ạ :D.
Em đang đọc về việc chuẩn bị hành lí của chị đây ạ. Hì ^^
Thơm says
Cảm ơn những chia sẻ của chị! Em nghĩ mình đã có thêm động lực để tin tưởng, hi vọng và cố gắng! Bởi “khi bạn thực sự mong muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ mang điều đó đến cho bạn”. Và khi đã chọn rồi thì sẽ không “nếu như…thì..”! Có lẽ ai cũng mệt mỏi với cụm từ ấy. Mong những bài viết tiếp theo của chị ạ!💐💐💐💐
Chi Nguyễn says
Cám ơn em!!! 🌺🌺🌺
Yến Nhi says
Chia sẻ của chị vừa chân thành vừa rất thực tế, dù em chỉ đang là Sinh viên, nhưng đọc những dòng chia sẻ của chị mà “thấm” kinh khủng, cảm thấy có động lực để làm tốt hơn nữa những việc mình đang làm! <3
Thao D. Nguyen says
Cảm ơn chia sẻ của chị Chi!! Đoạn đầu đọc mà em hồi hộp quá 😛 Em đã học được rất nhiều từ bài viết này, em nghĩ nhưng điều này sẽ rất bổ ích trong chặng đường làm PhD tương của em. Em chúc chị vẫn luôn vui vẻ, đầy năng lượng, và làm việc hiệu quả như bây giờ 😛
Em Thảo.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em! Chúc em nhiều may mắn
DuyL says
Bài viết hay quá, thấm quá, có ích không chỉ cho những bạn đang làm GA mà còn cả những bạn sinh viên, những bạn mới ra trường hay mới bắt đầu đi làm.
Mình thích câu này qúa “khi bạn thực sự mong muốn điều gì, cả vũ trụ sẽ mang đến cho bạn điều đó”, không biết có phải tác giả lấy ý tứ từ The Alchemist không “when you want something, all the universe conspires in helping you to achieve it” (Paulo Coelho). 1 câu tóm gọn sức mạnh của sự tin tưởng bản thân, tư duy tích cực và sự nỗ lực hết mình.
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn. Đúng là mình lấy ý từ câu nói của Paulo Coelho vì mình cũng hay trích câu này lên blog. Hôm nay cũng có mấy bạn hỏi mình nên mình edit bài và sẽ mở ngoặc tên tác giả cho mọi người biết. The Alchemist là một trong những cuốn mình rất thích
Hạnh Nguyễn says
Ôi, chị Chi ơi,
Em thật sự cảm ơn chị về những bài viết của chị,
Thật sự em đã thay đổi khá nhiều – theo hướng tích cực từ những bài viết của chị cả về Sống tối giản, Khủng hoảng tuổi 20, và cả bài viết này nữa,
Trước đó em cũng cân nhắc và quá là để ý nhiều đến những người xung quanh nghĩ gì về mình và chỉ làm đúng phần việc của mình ko hơn ko kém,
Đúng là đừng làm đủ phần việc của mình mà hãy làm trọn làm tròn sẽ tạo cho mình hình ảnh tốt hơn và thậm chí là tạo cho mình cơ hội thăng tiến nữa chị nhỉ!
Chúc chị một ngày vui vẻ!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc và comment trên blog! Chị viết ra bài này cũng để nhắc bản thân học lại và thực hành những điều trên để mỗi ngày làm việc với tinh thần tốt hơn. Chúc em nhiều điều may mắn!
Trang says
Bài viết rất chân thực và hữu ích. Cám ơn Chi
Chi Nguyễn says
Cám ơn Trang đã đọc bài viết !
Amy says
Cảm ơn Chi rất nhiều về những chia sẻ chân thành và hữu ích. Mình biết đến bạn lần đầu tiên qua các bài viết về Sống tối giản. Những chia sẻ của bạn về cuộc sống, về du học, về công việc và nghiên cứu…thật có ý nghĩa đối với mình. Cảm ơn bạn vì đã truyền cảm hứng cho mình!
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc bài và động viên mình. Thực ra rất nhiều điều mình nghiệm ra được là từ khi trải nghiệm về lối sống tối giản. Vì trước đây có quá nhiều đồ đạc, quá nhiều lựa chọn, không biết sắp xếp ưu tiên, mình thường xao nhãng rất nhiều điểm quan trọng mà bản thân cần thay đổi. Mình sẽ cố gắng viết nhiều hơn nữa về Chủ nghĩa tối giản và các ứng dụng của lối sống này trong đời sống hàng ngày.
Long says
Chị ơi bài viết hay quá. Congratz chị nha. Tự nhiên trong đầu lại nghĩ ra nhiều cách xử lý việc chọn con đường nào tiếp theo cho mình sau khi đọc bài của chị. Em cũng học ngành xã hội, muốn làm giáo dục và cũng muốn có Ph.D. Anyway thank you very much for sharing and hope you continue encouraging people as always 🙂
Chi Nguyễn says
Cám ơn em! Tới đây chị sẽ viết thêm bài về du học, học thạc sĩ, và học tiến sĩ cho những người đang cân nhắc con đường phía trước như em. Em thi thoảng ghé blog đọc thêm nhé! — Cám ơn em!
Canh Van Le says
Mình thích nhất 2 đoạn này:
Trong quá trình trao đổi, bạn ấy hỏi một câu (có vẻ rất hiển nhiên) mà cả tôi, chồng tôi, mẹ tôi, và tất cả những người tôi từng nói chuyện chưa bao giờ nghĩ đến: “Dự định sự nghiệp lớn nhất, lâu dài của Chi là gì? Giữa SCHOOL và SURVEY, công việc nào giúp Chi tiến gần hơn với dự định đó nhất?” Ngay khi nghe câu hỏi này, tôi đột nhiên cảm thấy đầu óc mình thông suốt rõ ràng, như có một luồng năng lượng bất ngờ xẹt qua não tôi — đó là khoảnh khắc mà Oprah gọi là: “Aha Moment”
Bước ra khỏi Career Service, tôi cảm thấy trời đất sáng tỏ, đầu óc minh mẫn, tâm hồn bình yên. Tôi nhắn tin cho chồng tôi, nội dung chỉ vỏn vẹn một câu nói khuyết danh nổi tiếng: “I was blind but now I see” (Tôi từng đui mù nhưng giờ đã nhìn sáng tỏ). Và anh ấy biết, tôi đã đưa ra được quyết định cuối cùng của mình:SCHOOL.
–> Mình cũng từng ở hoàn cảnh tương tự, có 1 hôm đi làm ở cty về, lúc đó buổi tối khoảng 7h30, chưa tắm, chưa ăn tối, vẫn mệt mỏi như mọi ngày lúc trở về. Rồi đột nhiên trog đầu mình lóe lên 1 câu hỏi. Đây có phải công việc mình thực sự muốn làm? có phải đây là ước mơ to lớn của mình? Và chỉ trog vài phút, mình biết ngay câu trả lời là gì, rồi ngay sau đó mình gọi điện cho sếp xin nghỉ ở cty đó. Mình sẽ lưu lại link bài viết này để sau này khi phải đối mặt vs quyết định tương tự, mình sẽ biết nên làm thế nào. Cảm ơn bài viết của bạn rất nhiều!
Chi Nguyễn says
“I was blind but now I see” — cám ơn bạn đã đọc và chia sẻ câu chuyện của mình. Chúc bạn nhiều may mắn trên con đường phía trước
Châu says
Cám ơn Chi! Mình vô tình đọc được những bài viết của Chi trong nỗi tuyệt vọng về tất cả mọi mặt. Bài viết của bạn giúp cho mình có thêm tinh thần, cách suy nghĩ của mình cũng thay đổi rõ rệt khi đọc bài viết của bạn về cuộc sống, tư duy, du học.. cảm thấy rất rất hay và thông suốt hẳn ra
Chi Nguyễn says
Cám bạn đã đọc blog. Nếu bạn thấy những chủ đề như thế này hữu ích, Chi sẽ viết nhiều hơn. Chúc bạn nhiều điều may mắn
Ánh Vân says
Chi ơi, chị rất hâm mộ em. Suy nghĩ sâu sắc, tư duy tích cực với cuộc sống, vừa nhạy cảm vừa thông minh. Chị cảm thấy mình rất may mắn khi vô tình đọc được blog của em và học được từ em rất nhiều. Sẽ là một trong những fan theo dõi em thường xuyên.
Chúc em mọi điều tốt lành!
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị rất nhiều! Em lại thấy thật may mắn khi có nhiều bạn đọc thường xuyên và đồng cảm với mình
Vi says
Chi ơi, Chi thật sự viết rất hay lun ý. <3
Vi chỉ mới xem blog của Chi lần đầu mà đã đọc liền mấy bài. Tới bài này thì không thể không comment được luôn.
Văn phong của Chi rất lôi cuốn, mở lời, thắc nút, gỡ nút rất ấn tượng. Một phần rất lớn là Vi cũng trải nghiệm những khoảnh khắc quyết định như Chi chia sẻ, nên cảm thấy rất tò mò trên từng câu chữ. Tuy nhiên, Vi thật sự chưa tìm được nguồn advice hiệu quả như Chi. Thường phải tự giải quyết thôi.
Vi đang học Master Research về Educational Leadership ở Canada. Vi có đam mê trong giáo dục kỹ năng xã hội và cảm xúc nên sẽ đi PhD để nghiên cứu mảng đó. Nhiều khi Vi hơi tự ti về Vi bắt đầu theo đuổi nghiên cứu hơi trễ, khi mà con gái tuổi này nên ổn định chuyện gia đình rồi. Nhưng nghĩ lại, cả một hành trình dài V mới tìm được mục đích sống cho mình, vẫn còn thấy may mắn lắm.
Cám ơn Chi vì những chia sẽ thấu đáo và chân thành Chi nhé!
Ngan Nguyen says
Từ tận đáy lòng, em cảm ơn chị rất rất nhiều chị Chi ạ!!!
Các bài viết của chị rất chân thành, tâm huyết và chất luôn ý.. Đặc biệt bài này, em thấy thấm lắm lắm luôn ý ạ!! Trên đường đi học về ngồi trên xe bus đường xấu nhưng mà em đọc ngấu nghiến, chứng say xe hàng ngày của em biến mất luôn..
Biết đến chị và Blog của chị là niềm may mắn cực kì lớn đối với em.
Em chúc chị và mọi người thân yêu của chị luôn khoẻ mạnh, hạnh phúc và bình an.
Yêu chị và sẽ luôn theo dõi blog của chị!!! <3 <3
Chi Nguyễn says
Awww. Cảm ơn em gái! Comment ngọt lịm đường! Giờ mới biết blog có thêm tác dụng chống say tàu xe 😀
Thin says
Cả buổi sáng hôm nay mình đã đọc những bài viết của bạn. Giấc mơ du học thực sự lớn lao. Mình cũng đang tự tìm cho mình một con đường du học, con đường giành cho một người phụ nữ có gia đình và con nhỏ thực sự sẽ khó khăn hơn nhiều lần. Mình sẽ tiếp tục những chia sẻ của bạn để tự tin bước tiếp. I was blind but now I see. Mình đã khóc khi đọc đến đoạn này.
Ngọc Tú says
Em cám ơn chị Chi vì những bài viết rất hay nhe. Em đọc xong cảm thấy như có người đồng cảm với mình vậy. Em nhận ra khi mình để ý hay mặc cảm chuyện gì đó thì mình nhạy cảm gấp 100 lần, cứ suy diễn rồi tạo áp lực bản thân. (Kiểu mặc định ai đó đang giận/không thích mình). Với khi đi làm tính em không thể ngồi buôn chuyện với đồng nghiệp được nên hay bị góp ý không hoà đồng (vì mọi người ít khi nói chuyện về sở thích, mối quan tâm của bản thân mà loanh quanh một lúc là xét nét, nói xấu nhau cả đồng nghiệp lẫn sếp). Em học hỏi được rất nhiều về phong cách sống và làm việc từ các bài viết của chị. Chúc chị Chi cuối tuần vui vẻ nha.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết! Trước đây khi đi làm chị rất hòa đồng và hoạt động rất năng nổ (gần như trở thành một người hướng ngoại vậy) nhưng mỗi lần về nhà là như một con thỏ hết pin vì bị hút hết năng lượng. Sau này hiểu hơn về bản thân rồi chị mới có thể tìm lại được bản thân mình, mà không cứ phải thay đổi để vừa lòng người khác. Chị cũng cảm thấy một phần của mình trong những dòng chia sẻ ngắn của em. Chúc em ngày mới vui vẻ!
Hồng says
Cảm ơn chia sẻ của chị. Thật sự khi đọc bài của chị e thấy bản thân mình trong đó. Em cũng từng phải trải qua việc phải lựa chọn giữa 2 ngành học. Lúc đó e cũng rối kinh khủng, stressed khiến em gần như không nghĩ được gì. Em cũng nói chuyện với gia đình, bạn bè để xin lời khuyên nhưng tiếc là em không gặp được người bạn như bạn của chị. Nên nghe mọi người khuyên xong em càng rối hơn. Cuối cùng thì em cũng chọn nhưng thực sự thì không happy với lựa chọn của mình lắm. Sau này em phát hiện ra rằng mọi thứ em lo sợ về lựa chọn còn lại hoàn toàn không có thật, chỉ là do em lo lắng quá mà thôi. Giá như đọc được bài của chị sớm hơn thì tốt quá.
Trà says
Hi chị Chi,
Trước em đã từng đọc bài này của chị nhưng vì khi đấy hoàn cảnh của em khác hoàn toàn với bây giờ cho nên lần thứ hai đọc lại này em cảm thấy mình học được nhiều thứ hơn.
Em cũng đang trong giai đoạn tìm việc và cũng nhận được 2 offer, cho 2 vị trí hoàn toàn khác nhau. Có 1 chiếc offer đến trước và em đã đồng ý rồi, nhưng khi nhận được offer thứ hai thì em bắt đầu băn khoăn vô cùng. Em cũng cảm thấy việc mình từ chối một offer mà mình đã đồng ý nhận là một việc “sai sai” thế nào ấy, nhưng cuối cùng em vẫn cân nhắc lại lợi ích cho bản thân mình (vì em gần như luôn đặt lợi ích của cá nhân lên trước nhất). Và em đã chọn offer thứ 2, nơi công việc của em sẽ đa dạng hơn và chắc chắn là áp lực hơn.
Đọc lại bài viết này của chị khiến em có thêm can đảm để viết mail từ chối offer cũ. Mặc dù em biết gọi điện thoại sẽ thể hiện sự lịch sự tốt hơn nhưng em phải thừa nhận là em khá ngại trong việc gọi điện.
Em cảm ơn chị Chi vì những chia sẻ rất “đời thường” này của chị. Dù giờ chị rất bận với công việc và việc chăm sóc gia đình nhưng em mong là chị sớm đọc được comment này của em.
Em luôn ở đây chờ bài viết của chị ạ 😀
Dương Cao says
Bài viết thực sự truyền cảm hứng cho chị vào thời điểm này, khi bản thân chị đang mang đúng tư duy làm việc cầm chừng và chưa nhìn nhận ra mặt tốt của công việc hiện tại, hay lo nghĩ về những gì người khác đánh giá mình theo suy diễn của mình. Cám ơn Chi rất nhiều! Chúc Chi và gia đình nhỏ của em luôn hạnh phúc nha <3
Thu Hong Nguyen Thi says
Chị Chi ơi, em cảm ơn bài viết của chị nhé! Quá nhiều bài học bổ ích mà em đã ngồi đọc đi đọc lại hơn 5 lần.
Em thích nhất là câu nói này và tự ám thị tính cách này cho mình từ nay về sau:
“Nếu có điều gì bạn nên biết về tôi thì đó là một khi đã xác định được mục tiêu, tôi có khả năng làm việc vô cùng, vô cùng chăm chỉ và cẩn thận để đạt được mục tiêu đó. ”
Em cảm ơn chị và gửi mọi bình an cho chị và người thân.
pham thu phuong says
Cuối tuần đọc lại bài của Chi thấy rất hay, Bao cảm xúc của thời kì học Tiến Sĩ Chi nhỉ, Giờ bạn sắp thành Assistant Professor rồi, chắc chắn sẽ còn chia sẻ nhiều điều hữu ích nữa
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Phương. Vừa đi học vừa lo funding thật sự áp lực. Chi hy vọng mình làm prof. thì sẽ có cơ hội mang funding cho sinh viên đỡ stress như mình ngày xưa 😀
Linh Le Nguyen Ngoc says
Tình cờ đọc lại sau 1 thời gian dài. Bài viết gợi ra nhiều góc nhìn mới mẻ,truyền cảm hứng sâu sắc và buộc người đọc phải suy ngẫm. Thật sự biết ơn chị Chi và The Present Writer đã tạo nên một “khu vườn xanh yên tĩnh” tràn đầy kiến thức và bài học trải nghiệm cho người đọc.
Biết ơn thật nhiều,
Tue Linh.
Lê Thủy Nguyên says
cảm ơn chị Chi rất nhiều. Em đang trong quá trình chuẩn bị kế hoạch học sau Đại học và những chia sẻ của chị rất có ý nghĩa với em <3