“Mini Posts” là chọn lọc các bài viết ngắn được yêu thích nhất trên Facebook và Instagram của blog (dựa trên lượt like và comment). Mục đích của “Mini Posts” là đồng hành với các bài viết chính trên blog và cập nhật cuộc sống hàng ngày của tác giả Chi Nguyễn.
Mini Post #2 tổng hợp bài viết ngắn trong giai đoạn cuối kỳ học năm thứ 3 Tiến sĩ (28/10/2016 – 10/12/2016)
Ngày 28/10/2016
Manage your money 💰 . Đầu tuần vừa rồi tôi đi nghe lớp quản lý tài chính cá nhân cơ bản (Financial Literacy). Mặc dù tiền bạc rất quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của con người nhưng rất ít trường lớp dạy về quản lý tiền (trừ khi bạn học ngành Tài Chính-Kế Toán). Bố mẹ cũng thường ít khi thảo luận với con cái về việc quản lý tiền từ khi còn nhỏ (bố mẹ thường chỉ nhắc nhở phải biết tiết kiệm tiền, tiêu xài chính đáng…nhưng không nói cụ thể phải làm như thế nào). Vì thế, rất nhiều người trưởng thành (trong đó có tôi) còn ngô nghê với nhiều khái niệm quản lý tài chính cơ bản và phải tự đi tìm tòi thông tin để giáo dục bản thân. Sau đây là 4 điều tôi rút ra từ buổi học về tài chính cá nhân:
1. Luôn để 10% thu nhập của mình vào tài khoản tiết kiệm. Con số 10% đã được chứng minh qua nghiên cứu và thực tiễn là khoản tiết kiệm tối thiểu mỗi người cần trích ra từ thu nhập để đảm bảo kế hoạch tương lai. Đừng bao giờ chờ đến khi bạn kiếm được “kha khá” rồi mới tiết kiệm! Tiết kiệm ngay hôm nay! Nếu thu nhập là 3 triệu, hãy để riêng ra ít nhất 300.000 đồng/tháng và đừng động đến nó cho đến khi bạn đạt được mục tiêu tiết kiệm hoặc trong trường hợp cần kíp.
2. Ai cũng cần phải có tài khoản dự trữ cho trường hợp khẩn cấp (emergency fund)!!!. Tài khoản này ít nhất phải bằng 3 tháng chi phí của bạn. Ví dụ, một tháng bạn tiêu hết 5 triệu thì tài khoản dự trữ cần có ít nhất 15 triệu. Số tiền này dự trữ cho trường hợp cấp bách (như tai nạn, nghỉ việc, bệnh nặng…). Ba tháng chi phí dự trữ này sẽ giúp bạn cầm cự cho đến khi tìm được trợ giúp hoặc cơ hội mới.
3. Ghi chép chi tiêu của mình hàng ngày. Để biết được một tháng tiêu bao nhiêu tiền và tiêu nhiều nhất vào những đâu, bạn cần ghi chép chi tiêu hàng ngày. Hiện có rất nhiều app điện thoại rất tiện dụng, mỗi lần tiêu tiền, bạn chỉ cần đánh nhanh một vài chi tiết là cuối tháng có thể xem lại cụ thể từng mục. Nếu không có điều kiện làm hàng tháng, hãy làm thử ít nhất 1 tháng, bạn sẽ ngạc nhiên về những khoản mình thường chi tiêu đấy!
4. Phân biệt giữa cái “cần mua” và cái “muốn mua” (tôi từng viết về đề tài này tại đây). “Cần mua” là những thứ phục vụ như cầu cuộc sống thiết yếu, “muốn mua” là những thứ không thiết yếu nhưng có thể đem thêm giá trị vào cuộc sống. Nếu bạn đang phân vân giữa một món đồ, không biết nó là “cần mua” hay “muốn mua”, hãy để món đồ đó lại, nếu một vài ngày sau hay vài tuần sau bạn vẫn nghĩ đến nó, hãy mua nó, còn nếu không, hãy quên nó đi.
***Ngoài ra, một bí quyết rất hay cho việc tiết kiệm tiền là thay vì bước ra khỏi cửa hàng (quần áo, mỹ phẩm, siêu thị…) tay không và cảm thấy tiêu cực vì không mua gì, hãy để khoản tiền bạn định bỏ ra vào tài khoản tiết kiệm. Ví dụ, tôi muốn mua một cái váy 1 triệu nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi cần tiết kiệm tiền trong tháng này, tôi bước ra khỏi cửa hàng tay không. Nhưng thay vì hậm hực, tôi sẽ chuyển khoản ngay trên điện thoại 1 triệu từ tài khoản tiêu (spending) sang tài khoản tiết kiệm (saving). Ngay lập tức, cảm giác tiêu cực sẽ ra đi và thay vào đó là cảm giác tích cực vì tôi thực sự nhìn thấy tiền đi ngược vào túi mình. Nếu bạn không có tài khoản ngân hàng trên điện thoại, hãy mang theo 2 phong bì (hoặc 2 ngăn ví) cho tiền tiêu và cho tiền tiết kiệm, và bỏ tiền vào phần tiết kiệm theo cách trên. Tôi đã thử nghiệm bí quyết này được 1 tháng và thấy thực sự hữu hiệu — một trong những cách rèn luyện tư duy tích cực qua việc ngừng tiêu tiền vô tội vạ
Ngày 5/11/2016
Giant pomegranate 😍. Lần đầu tiên tôi biết đến quả lựu là mẹ mua cho trước cổng trường cấp 1. Vì vội để đưa tôi đi học, mẹ tôi không kịp giới thiệu cách ăn lựu. Thế nên khi vào lớp, tôi loay hoay mãi dưới hộc bàn vẫn không biết nên ăn thế nào. Nó không cắn được vào như quả táo, cũng không dễ bóc như quả cam, lại có nhiều hột nhìn là lạ. Thừa lúc cô giáo quay lưng viết bảng, tôi lôi quả lựu lên mặt bàn và cố gắng tách nó ra làm đôi. Đúng lúc vừa tách được ra thì một dòng nước đỏ bắn lên phía trước, trúng vào tà áo dài trắng của cô giáo (hình như hôm đó là khai giảng hay sao nên cô nào cũng mặc áo dài). Khỏi phải nói, tôi sợ toát mồ hôi hột, giấu diếm ngay “tang vật” 😂. Đến bây giờ, mỗi lần thấy quả lựu là kỷ niệm đó lại ùa về.
Nói về chuyện hồi cấp 1. Hôm qua, ngay khi đầu óc tôi cảm thấy mơ hồ về cuộc sống thì T.A., một người bạn thân từ năm lớp 2 gọi điện nói chuyện với tôi gần 3 tiếng (!!!). Sau cuộc nói chuyện, tôi cảm thấy rõ ràng hơn về những điều mình đang hướng tới và thấy những khó khăn mình gặp phải chưa là gì to tát cả. Dù bạn đang ở độ tuổi vào và ở đâu, tôi cầu mong bạn có được một người bạn lâu năm để trò chuyện mỗi khi cần – người mà luôn thấu hiểu bạn là ai và yêu quý bạn dù cho cuộc sống hai người có khác đến đâu đi chăng nữa. #longlivefriendship
Ngày 9/11/2016
The day after US election . Rất trùng hợp là bài viết mới nhất của blog về học tập và cuộc sống của du học sinh Mỹ (phần 1 & phần 2) được đăng vào tối qua – giữa đêm kiểm phiếu bầu cử tổng thống Mỹ. Và cũng thật trớ trêu, người đắc cử là Donald Trump, một người có tư tưởng thiên về số đông (đàn ông, da trắng) và bài xích thiểu số, dân nhập cư. Kết quả bỏ phiếu này phản ánh phần nào thực tế tình hình xã hội Mỹ, nơi mà bất công, bất bình đẳng giới, và chia rẽ sắc tộc vẫn còn đang tiếp diễn. Tôi biết rất nhiều người là du học sinh, người Việt nhập cư ở Mỹ, người da màu, phụ nữ, và những thành phần thiểu số khác đang rất lo sợ cho tương lai của mình khi Trump lên làm tổng thống.
Nhưng từ khía cạch tích cực, tôi nghĩ đây là động lực tốt để nhắc bản thân và bạn bè rằng chúng ta còn rất nhiều điều phải làm để đạt được bình đẳng, công bằng cho thiểu số. Từ khi bắt đầu đi học và đi làm tại Mỹ, tôi đã nhận ra rằng vì là người ngoại quốc, là thiểu số, mình phải cố gắng gấp đôi, gấp ba những người khác để thành công. Hơn bao giờ hết, đây là thời gian tập trung vào những điều mình đam mê, đóng góp cho cộng đồng, nỗ lực 100% và hơn thế nữa cho tương lai.
The best is yet to come, for me, for you, and for everyone!
***Update 13/4/2017: Cùng trong tuần này, tôi đăng bài viết chính trên blog về những gì tôi học được từ cuộc bầu cử. Đây cũng là một trong những bài viết được quan tâm nhất trên blog từ trước tới nay. Bạn đọc có thể đọc bài viết này tại đây.
Ngày 19/11/2016
Life before technology. Cuộc sống của mọi người từng như thế nào trước khi có các loại công nghệ hiện đại? Những năm 90, không phải nhà ai cũng có tivi (đặc biệt là tivi màu) và nếu có cũng chỉ có 3 kênh VTV1 (thông tin thời sự), VTV2 (khoa học-giáo dục) và VTV3 (giải trí). Thời mới ra đời, những kênh này chỉ chiếu một số giờ nhất định, và hầu như rất ít khi chiếu lại phim. Hồi đó cũng không có internet để tìm xem phim cả bộ và các tiệm cho thuê băng cũng không có đầy đủ các phim chiếu trên tivi. Tức là nếu bỏ lỡ một tập phim nào thì xác định có thể không bao giờ xem lại được tập phim đó.
Năm lớp 4, tôi rất mê xem một bộ phim Trung Quốc dài tập chỉ chiếu vào giờ ăn trưa tên là Càn Long Du Giang Nam (hay đại loại như vậy). Vấn đề là thời gian đó, tôi học bán trú (ăn, ngủ ở trường) – đồng nghĩa với việc không về nhà vào buổi trưa để xem phim từ thứ 2 đến thứ 5. Điều này thật kinh khủng! Tôi còn nhớ những ngày được xem phim, tôi ngồi sát tivi, dán mắt vào màn hình, chăm chăm ghi nhớ toàn bộ cảnh quay, lời thoại của nhân vật như thể đó là lần cuối cùng trong đời được xem (và với hoàn cảnh hồi đó thì đúng là như thế thật). Những ngày không được xem phim, tôi nhằng nhẵng theo đòi ba tôi (người thường xuyên về nhà nghỉ trưa giữa 2 ca làm việc) kể lại cụ thể diễn biến phim, từng chi tiết dù là nhỏ nhất tôi cũng hỏi, từ câu nói, hành động đến quần áo, đồ ăn của nhân vật. Tôi mê bộ phim đó đến mức vào 3 ngày chiếu cuối cùng (đúng 3 ngày tôi phải đi học), ba tôi chỉ về nhà ăn vội bữa trưa rồi quay lại ngay cơ quan – nơi có máy thu băng từ tivi – để bí mật ghi lại 3 tập phim đó vào băng cho tôi (tôi là đứa may mắn nhất trên đời, đúng không?) . Ngày ba tôi bất ngờ đưa tôi mấy cuốn băng tập cuối phim đó có lẽ là một trong những ngày vui nhất trên đời! Tôi còn nhớ mình đã xem đi xem lại, xem hết lại tua băng lại từ đầu, lại xem. Xem nhiều đến mức đến giờ tôi vẫn còn nhớ vài hình ảnh và lời thoại của 3 tập cuối đó.
Hồi đó, khi nằm ấm ức trong lớp ngủ bán trú, tôi chỉ ước Doraemon cho tôi một cái tivi thu nhỏ, dạng như radio, nhưng có màn hình để tôi có thể giấu dưới chăn xem mỗi giờ ngủ trưa. Tôi từng nghĩ đó là giấc mơ hoang đường nhất, chỉ có trong tưởng tượng. Nhưng ngày nay, việc có “tivi thu nhỏ” đã trở nên quá dễ dàng. Hôm nay trên đường road trip từ miền Bắc xuống miền Nam nước Mỹ, tôi chỉ cần mở iPad là có thể xem ngay bộ phim yêu thích. Tôi cũng có thể làm việc, đọc báo, xem Youtube, và viết status này trên điện thoại – thiết bị còn nhỏ hơn “tivi thu nhỏ” trong tưởng tượng của tôi ngày xưa. Nhiều khi tôi nghĩ rằng mình thường xem việc có công nghệ hiện đại xung quanh là điều hiển nhiên mà quên rằng chỉ 20 năm trước thôi, được xem lại một tập phim vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu đã là điều hạnh phúc không tưởng.
Ngày 1/12/2016
It’s the most “wonderful” time of the year … It’s the “Finals” time . Học kỳ này tôi học tới 5 môn (15 credits) – kỷ lục chưa từng có trong cả thời học Đại học và Cao học. Sau 3 tháng cố gắng “sống sót” qua lịch học và làm việc dày đặc (nhờ tuân thủ các quy tắc về productivity tôi từng viết trên blog), bây giờ là thời điểm quyết định nhất trong năm: thi cuối kỳ . Hôm qua chồng tôi vừa bảo: “You’re out of your mind!” khi thấy tôi vẫn viết blog giữa hàng núi bài vở. Có lẽ tôi cũng hơi điên thật nhưng tôi thực sự cảm thấy thư giãn khi ngồi viết blog (so với việc cả ngày ngồi viết học thuật). Blog hiện là thứ duy nhất có deadlines và tôi mong chờ để thực hiện. Nhưng hôm nay (ngày mai, ngày kia, và ngày hôm sau nữa) sẽ là ngày làm việc 100% cho bài cuối kỳ. Wish me luck!
Ngày 5/12/2016 (12:30 sáng)
Stick with my Productivity Planner during the finals week. 12:30 sáng: Tôi vừa về nhà sau khi tham dự International Write-In, một sự kiện có cái tên “mỹ miều” cho việc khoá bản thân vào một phòng thư viện và viết liên tục trong vòng 4 tiếng (từ 8h tối đến nửa đêm). Tối nay tôi vừa viết nháp hết được một bài cuối kỳ và đang edit dở 1/3. Hy vọng sáng mai có thể xong edit bài này và chuyển sang bài khác . Khi còn trẻ (non và xanh) tôi thường đợi đến khi có cảm hứng mới viết (nên lúc nào cũng “nước đến chân mới nhảy”), nhưng khi trưởng thành và bước vào con đường học thuật, viết bắt buộc phải là việc làm hàng ngày. Viết cũng như việc rửa mặt, đánh răng mỗi sáng và tối 😬. Càng viết nhiều thì càng có thói quen viết. Càng có thói quen viết tốt thì càng có nhiều cảm hứng để viết nhiều hơn. ️
Ngày 5/12/2016 (10 giờ tối)
Working in Webster’s bookstore cafe today . 1 final paper is down, 4 more to go . Hôm nay ngồi làm bài ở tiệm cà phê sách này làm tôi nhớ đến chỗ bán sách tầng 2 ngõ Đinh Lễ – một thời lang thang khắp chốn thu thập sách Văn học với sách học tiếng Anh. Không biết đã đọc được bao nhiêu phần số sách tha về ngày đó nữa . Bây giờ tôi vẫn có thói quen đọc sách và vẫn thích sách in. Nhưng có lẽ tương lai phải chuyển dần sang đọc ebook để lưu trữ nhẹ nhàng hơn và dễ di chuyển hơn với sách. Anw, còn 4 bài nữa cuối kỳ nữa cho 5 ngày còn lại trong tuần
Ngày 9/12/2016
Hôm qua tôi có dịp đi ăn trưa với một cô làm văn phòng ở trường. Bữa ăn rất vui vẻ. Gần cuối, cô gọi thêm một phần ăn nữa mang về, gọi rất cụ thể về loại rau, nước sốt, khoai tây chiên đi kèm. Tôi hỏi: “Cô mua mang về ăn tối đấy à?” Cô mới bảo: “Không, tôi mua cho con gái. Nó có tiết học buổi trưa, không kịp đi ăn. Mua thế này để nó về tới là có đồ ăn ngay”. How sweet!!! Một hành động rất nhỏ và rất thông thường thôi nhưng lại khiến tôi cảm thấy vô cùng ấm áp. Có lẽ vì tôi sống xa gia đình lâu rồi nên quên mất mình cũng từng sung sướng như thế nào khi có mẹ ở bên.
Ngày 10/12/2016
Nổi loạn. Thứ 4 vừa rồi một người bạn học của tôi (người Trung Quốc) mới đỗ kỳ thi Comprehensive Exam (một trong những cột mốc quan trọng nhất đối với bậc học Tiến sĩ). Bạn gọi ngay tôi bảo: “Đây là một sự kiện thay đổi cuộc đời tớ! Tớ sẽ nổi loạn, sẽ làm một điều mà tớ chưa từng dám làm bao giờ!” Tôi cứ ngỡ bạn sẽ cắt tóc hay xăm trổ gì hổ báo lắm. Sáng hôm nay bạn nhắn tin khoe: “Tớ bấm lỗ tai rồi! Hoàn thành ước mơ lớn! Nhưng tớ sẽ vẫn giấu mẹ tớ đấy!” Khổ thật! 27 tuổi, đã lấy chồng, ở riêng rồi mà bây giờ mới được (giấu giếm) bấm lỗ tai.
Trong khi đó, năm 3 tuổi, bố tôi đã chở tôi đi bấm khuyên tai lần thứ nhất (mọi người bảo là không biết tôi nghe ai xúi mà cứ đòi nằng nặc). Sau này đến năm cấp 2 khi đeo nhiều khuyên tai trở thành mốt (không nhớ là tại sao nữa), tôi lại muốn bấm thêm hai khuyên nữa. Và cả bố và mẹ tôi đều đồng hành (chở đi) và chứng kiến tôi bấm thêm khuyên. Tôi còn tự đi bấm khuyên thêm một lần nữa vào năm cấp 3. Còn nhớ, tôi từng có một bộ sưu tập khuyên tai bạc Thái đủ loại xoắn, vặn, vòng… Buồn cười là ở chỗ bây giờ tôi không còn đeo khuyên tai nữa, cũng không rõ còn lỗ nào xỏ được khuyên không.
Có bạn nào có nhiều hơn hai lỗ khuyên không?
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
haiyen thi nguyen says
Cảm ơn bạn Chi mình cũng đang cố gắng viết mỗi ngày, như dạng nhật ký, sau 1 tháng điều hãnh diện là viết gần hết một quyển sổ tay và cạn 3 ngòi bút, tự hào và vui từ điều nhỏ nhất để bước tiếp, thói quen này mình mới set up sau khi đọc một bài healthy throught writting. Được đọc post của bang học hỏi được nhiều, có thêm kiến thức, lại có động lực, have a nice day, check at 6.50am from your email.
Bao Yan says
Chị cho em hỏi: Mỗi tháng dành 10% thu nhập làm Quỹ tiết kiệm, sau 01 năm chuyển nó vào Quỹ khẩn cấp. Rồi mở Quỹ tiết kiệm mới. Cứ như thế lập đi lập lại thì có được không chị?
Chi Nguyễn says
Hi em. Bài viết này chị đã viết khá lâu nên có một vài điểm khi đó chưa thực sự rõ ràng. Chị có cập nhật kiến thức mới ở đây: https://thepresentwriter.com/category/lam-sao-de-toi-uu-hoa-cuoc-song/tu-chu-tai-chinh/. Về cơ bản, có nhiều cách tiết kiệm. Nhưng quỹ tiết kiệm khẩn cấp là 3-6 tháng thu nhập, tiết kiệm cho đến khi đủ thì thôi (không nhất thiết phải 10%, có thể hơn). Sau đó tuỳ mục tiêu có thể tiết kiệm để đầu tư, tiết kiệm để kinh doanh làm giàu… vào quỹ khác (không nhất thiết phải tích trữ sau 1 năm). Tới đây chị sẽ viết thêm bài cập nhật về tiết kiệm. Cảm ơn em đã ghé blog! 🙂