Đọc phần 1 của bài phỏng vấn tại đây.
Cô gái “trà sữa”
Trang: Sau khi đi Sing về, em bắt đầu cảm thấy muốn có một công việc ổn định. Lúc đó, dường như em đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với các chuyến đi. Em cũng xác định lâu dài với bạn trai nên muốn ổn định lấy chồng và bắt đầu gia đình riêng. Khi về Việt Nam, em có 3 cơ hội công việc. Cơ hội thứ nhất là từ một em khoá dưới Khoa mình, em ấy giới thiệu cho em làm điều phối viên ở một Công ty du lịch. Cơ hội thứ hai là từ một chị em quen từ chương trình Mùa hè Xanh – giới thiệu em đi làm điều phối ở Viện Huyết học Truyền máu. Còn một cơ hội nữa là từ một đứa bạn Malay làm cùng em ở nhà hàng bên Sing. Sếp của bạn này cũng là người Malay đang tìm người trợ giúp để mở Chatime (hãng trà sữa Chatime) tại Việt Nam.
Chi: Các móc nối quan hệ của em ly kỳ quá! (cười)
Trang: Đúng vậy ạ! Lúc đó bạn Malay này có viết thông tin tuyển lên Facebook rồi tag em và mấy bạn Việt Nam khác cũng từng làm cùng bên Sing vào. Thấy thế, em cũng gửi tin nhắn hỏi ông Sếp Malay kia về công việc xem như thế nào. Vào thời điểm đó, em cũng có đi làm thử – dạng như cộng tác viên không lương – ở Viện Huyến học Truyền máu được khoảng một tuần. Em cũng đi làm thử ở cả Công ty du lịch kia nữa khoảng một, hai tuần. Nhưng cả hai công việc này em đều cảm thấy không thực sự phù hợp.
Chi: Vậy tức là em làm thử tất cả các cơ hội công việc đến với mình vào thời điểm đó?
Trang: Vâng ạ! Em thấy làm thử rất quan trọng để biết được công việc có phù hợp với mình không. Em cũng có nói trước với người giới thiệu mình như thế để có thể vào làm 1-2 tuần xem sao trước khi nhận công việc. Thời điểm đó, nguyện vọng của em là tìm được một công việc ổn định nên em rất muốn chắc chắn mình hợp với vị trí rồi mới vào làm chính thức.
Sau khi biết chắc không phù hợp 2 công việc kia rồi, em quay lại với cơ hội ở Chatime. Công việc ở Chatime thì cũng có một cái em “lăn tăn” là nếu được nhận làm thì phải sang Đài Loan training một thời gian, rồi cũng phải có nhiều cam kết làm việc khác, em thì không thích bị bó buộc quá, nên em cũng đặt lên rồi hạ xuống đến 3 lần. Đến khi chốt rồi, em mới đến gặp Sếp em ở căn hộ của ông ý ở Hồ Tây để đưa hộ chiếu của em làm giấy tờ đi Đài Loan. Ông Sếp em mới nói đùa là: “Minh, đây là lần thứ 3 rồi, nếu mày còn thay đổi quyết định làm với tao nữa là tao sẽ ném cái hộ chiếu của mày xuống Hồ Tây!” (cười). Em buồn cười quá, mới nói: “Chốt!” – và thế là em đi làm ở Chatime.
Như chị cũng thấy, những công việc của em cái này cứ kéo đến cái kia, cơ hội này lại dắt ra cơ hội khác. Ngẫm lại, em thấy mình chưa bao giờ phải xin việc cả. Công việc cứ đến với em tự nhiên, nhẹ nhàng, cho em quyền chọn lựa. Có lẽ đó cũng là một điều may mắn của em vì có rất nhiều người khác vất vả xin việc bao lâu mà đâu có được.
Chi: Quá trình làm việc ở Chatime của em thế nào?
Trang: Em làm ở Chatime cũng được một thời gian, mọi việc cũng tốt. Nhưng đến một thời điểm, Sếp em muốn thay đổi chiến lược kinh doanh theo một hướng khác. Ông ấy muốn em làm Giám đốc thương hiệu, tức là cho em đứng tên mở ra một thương hiệu khác ngoài Chatime. Thời điểm đó, em cảm thấy mình không hợp với hướng đi này, em có suy nghĩ khác về định hướng kinh doanh, và có lẽ, cũng chưa đủ chín chắn để nhận lấy trách nhiệm của cả một nhãn hàng. Vì vậy, em quyết định rời Chatime và sang Dingtea.
Chi: Dingtea cũng là một nhãn trà sữa lớn …
Trang: Đúng vậy ạ. Cơ hội làm ở Dingtea cũng đến với em từ một người em quen từ công việc làm thêm ở Đại học. Hồi còn học Đại học, mỗi khi công ty tổ chức sự kiện có cần thêm người thì em chạy việc đi làm thêm, còn bình thường em vẫn làm bán thời gian tại một cửa hàng quần áo trên Hàng Bè. Một chị cùng làm ở cửa hàng quần áo với em cũng học trường mình nhưng ở Khoa Quản trị kinh doanh. Chị ấy lại thân với một chị khác làm quản lý thương hiệu bên Dingtea. Khi biết em mới nghỉ ở Chatime, chị bạn em có gọi, nói rằng bên Dingtea đang rất cần người biết việc, làm trợ lý, nếu em cảm thấy công việc ở Dingtea phù hợp thì sang giúp cho bạn chị ấy. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, em quyết định đồng ý làm ở Dingtea.
Chi: Chị theo dõi Facebook của em thì thấy thời điểm em làm ở Dingtea với Chatime, em đưa lên mạng rất nhiều hồ sơ/email xin việc “dở khóc, dở cười”. Em có nhớ không?
Trang: Có ạ! Vì em phụ trách cả tuyển người và phỏng vấn nên các email xin việc đều vào hòm thư của em. Có nhiều em xin việc gửi kèm hình “selfie”, địa chỉ email thì rất “củ chuối”, có em còn viết: “Em tính tình hoà nhã, hay cười. Mục tiêu trong tương lai là kiếm tiền shopping không cần nhìn giá. Tính em rất vô tư, hồn nhiên, nên nhiều khi bị bạn bè gọi là … ‘phò’”
Chi: Trời đất! Em ấy viết thật vậy trong email xin việc hả?
Trang: Thật luôn chị! Còn nhiều trường hợp kiểu như vậy lắm ạ. Khi làm tuyển dụng rồi, em mới thấy nhiều em sinh viên học sinh giờ tư tưởng rất kỳ, đi tìm việc mà không nghiêm túc, chuyên nghiệp. Kể cả xin việc ở một vị trí nhân viên bình thường thôi, em nghĩ mình cũng nên chuẩn bị lời ăn tiếng nói, hồ sơ cho chỉn chu. Công việc ở đâu thì cũng cần có sự tôn trọng.
Chi: Chị vẫn nhớ có lần em gửi “tâm thư” lên Facebook để hướng dẫn các em viết email và làm hồ sơ xin việc như thế nào. Có lẽ chị phải tìm lại để share trên blog sau này mới được. Quay lại câu chuyện công việc, em làm ở Dingtea thế nào?
Trang: Bây giờ nghĩ lại thời gian làm ở Dingtea, em cảm thấy đôi phần có lỗi với chị Sếp bởi vì em không còn nhiệt huyết, năng lượng nhiều như khi em làm ở Chatime. Có lẽ bởi vì khi Chatime mới vào Việt Nam, nó như một start-up, em được đi Đài Loan huấn luyện, trở về xây dựng thương hiệu từ ban đầu… Thời điểm đó em cảm thấy rất sung sức, nhiệt huyết, đầy sức trẻ. Nhưng khi sang Dingtea, em cảm thấy mình thực sự đã thấm mệt. Làm nghề dịch vụ thực sự rất vất vả, ngày cuối tuần người ta nghỉ thì mình đi làm, những ngày lễ, tết cũng vẫn đi làm, lại còn làm nhiều hơn vì đông khách hơn bình thường nữa. Nếu cách đó vài năm, đối với em không là gì, nhưng dường như ở thời điểm đó, em biết mình không còn phù hợp với ngành dịch vụ nữa. Cùng thời gian đó, em cũng đã lấy chồng nên muốn có công việc giờ giấc ổn định hơn, không còn muốn đi sớm, về khuya nữa. Trong lúc em đang suy nghĩ kế hoạch nghỉ việc ở Dingtea thì em nhận được một cuộc gọi của Vietnamworks mời ứng tuyển vị trí Business Associate (nhân viên kinh doanh).
Chi: Tại sao Vietnamworks tìm được em?
Trang: Khi mới từ Sing về, em có tải CV của mình lên trang Vietnamworks để ứng tuyển vị trí Business Associate của Navigos (một công ty cùng hệ thống với Vietnamworks). Em có được lọt vào vòng phỏng vấn của Navigos. Trong buổi phỏng vấn, chị quản lý có nói với em là nhìn CV của em có rất nhiều hoạt động sôi nổi, chị cảm thấy em là người năng động, nhưng công việc Associate của văn phòng này là kiểu làm ở phía sau, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu…, chị không chắc em phù hợp với công việc này. Ở thời điểm đó, em cũng không có lý giải nào thuyết phục tại sao em muốn một công việc ổn định, làm hành chính hậu trường như vậy – có lẽ vì em cũng chưa thực sự phù hợp – nên em không được chọn. Đó là ngay sau khi em đi Sing về.
Sau một thời gian làm ở Chatime, rồi Dingtea, rồi kết hôn, em cảm thấy mình giờ đã sẵn sàng với một công việc ổn định của văn phòng nên rất vui khi lại có cơ hội được làm Business Associate. Tuy nhiên, khi em đến phỏng vấn ở Vietnamworks, em mới được thông báo là mặc dù cùng tên Business Associate nhưng khác với Navigos, ở Vietnamworks đây lại là telesale (bán hàng qua điện thoại). Em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi làm sale cả, nhưng vì đã đến tới vòng 2 phỏng vấn, em quyết định vẫn tiếp tục thử nghiệm, biết đâu mình lại hợp công việc này. Rồi em trúng tuyển và bắt đầu làm ở Vietnamworks.
Tuy nhiên, làm ở Vietnamworks được vài tháng thì em phát hiện mình có bầu. Mà quy định của Vietnamwork là nhân viên mới tuyển phải sau 1 năm mới được có bầu, nếu không sẽ bị “out”. Vì vậy, em rời khỏi Vietnamworks.
Làm mẹ & Bán hàng online
Chi: Đúng là chặng đường công việc của em rất “thăng trầm” với nhiều điều khó đoán trước. Sau khi nghỉ ở Vietnamworks, em làm gì?
Trang: Em nghỉ ở nhà dưỡng thai, chờ sinh con. Nhưng có lẽ do tính em không ngồi yên được lâu nên vừa nghỉ một cái, em đã mở ra làm bán hàng xách tay trên mạng luôn. Em có nguồn hàng đảm bảo từ nước ngoài về và kinh doanh thu nhập cũng khá tốt.
Ngay khi mang bầu, em đã xác định là sinh con rồi sẽ ở nhà 2 năm để chăm con, cho con cứng cáp, đi học rồi mới quay lại làm. Em cũng có nhiều ý tưởng, muốn toàn tâm toàn ý nuôi dạy con theo cách của mình. Mà như vậy thì nếu gửi cho ông bà chăm hộ thì rất khó dạy được con theo ý mình muốn. Vì vậy, em nghĩ công việc bán hàng online là rất phù hợp đối với em ở thời điểm đó.
Chi: Chị muốn hỏi thêm một chút. Tại sao em vừa mở bán hàng online đã có thu nhập tốt? Bởi vì chị biết rất nhiều người chật vật với bán hàng online.
Trang: Nó cũng là một quá trình chị ạ, nhưng có lẽ do trời thương nên cũng khá suôn sẻ. Ban đầu em chỉ đi nhập hàng của người ta theo order của khách. Em biết được 2 chỗ lấy hàng quen, rõ nguồn gốc, xuất xứ, đúng là hàng chuẩn xách tay nhưng mua buôn thì rẻ hơn mặt bằng chung một chút. Rồi em đăng lên, lấy order của khách, em chỉ lấy chênh lệch chỉ 20-30 nghìn một món gọi là bù đắp tiền xăng xe, đi lại thôi. Ban đầu em chỉ bán mỗi sữa tắm, chắc mọi người dùng thấy tốt, tin tưởng em thì dần dần cũng mua nhiều lên. Những lần em lấy được 10 chai, 20 chai thì chỗ lấy hàng lại bớt được cho em một chút nữa. Cứ như thế bớt được chỗ này 20 nghìn, chỗ kia 10 nghìn cũng đủ duy trì buôn bán.
Được một thời gian thì một chị tiếp viên hàng không mới gửi tin nhắn cho em trên Facebook, nói là nếu em cần thêm hàng xách tay, chị có thể xách về cho em. Em cũng không hiểu sao chị ấy tìm được em, cả hai chỉ có đúng 1 người bạn chung, có lẽ cũng do cái “duyên” nữa. Em rất vui khi cơ hội này đến! Mình đang phải nhập hàng của người khác, giờ lại có người xách hàng về cho mình, mua được tận gốc. Nói ra thì rất buồn cười, nhưng cả em và chị tiếp viên đều là lần đầu tham gia kinh doanh online và xách hàng nên chẳng biết tính giá cả cho nhau thế nào cả. Hồi đó cứ tính chung 20 nghìn, 30 nghìn một món, mà lại còn chiều khách, khách order 1 chai sữa tắm cũng xách, 1 túi bánh kẹo cũng xách… Mà chính ra như thế hai chị em lại làm việc thoải mái, không so đo tính toán gì với nhau cả. Vì chị ấy tính giá xách đồ cho em rất rẻ, trong khi đó hàng lại chuẩn, có biên lai đàng hoàng, em cũng tính được giá rẻ hơn cho khách. Dần dần, mọi người biết đến em nhiều hơn, em có khách quen quay lại nhiều, kinh doanh cũng phát triển hơn.
Thành công với tư vấn bảo hiểm
Chi: Em làm kinh doanh online thành công như vậy, tại sao em lại ngừng và chuyển tiếp công việc khác? Và tiếp theo em làm việc gì?
Trang: Khi con em được 14 tháng, em nghĩ đã đến lúc nên cho con đi học. Em thấy con ở nhà một mình với mẹ suốt thì cũng buồn, chỉ có loanh quanh ở nhà, rồi sáng ra ngoài chơi với các bạn với các bác giúp việc quanh khu phố được một tý thôi. Bé nhà em rất năng động, thích khám phá, mà trong khi đó em nghĩ một mình em trông con thì cũng không thể tạo điều kiện cho con khám phá được như ở trường, lớp. Thế là em bắt đầu tìm trường cho con, và cũng xác định là con đi học thì mẹ cũng trở lại đi làm. Tính em không hợp ở nhà mãi được.
Rồi cũng tình cờ thôi, em có Facebook của một chị làm ở Manulife (một hãng bảo hiểm) qua group của các bà mẹ bỉm sữa. Em cũng chưa từng nói chuyện với chị ấy, cũng thấy chị hay đưa ảnh làm việc rồi các events của công ty lên thì mới biết chị làm ở Manulife vậy thôi. Về bảo hiểm thì em có mua cho con em Bảo hiểm Y tế, nhưng em chưa bao giờ nghĩ đến mua Bảo hiểm Nhân thọ cả vì lúc đấy nghe Bảo hiểm Nhân thọ thì có vẻ xa xôi, “chẳng liên quan gì đến mình cả”. Cho đến một hôm có một chị học khoá trên Khoa mình có nhắn tin cho em, hỏi em mua bảo hiểm gì cho con em để chị tham khảo cho bé nhà chị ấy. Bé nhà chị ấy ít ốm nên chị cảm thấy đóng Bảo hiểm Y tế cả năm không dùng, bị mất đi thì cũng phí, chị ấy muốn tìm loại bảo hiểm nào tích luỹ được cho con, như Bảo hiểm Nhân thọ chẳng hạn. Lúc đấy em mới nghe thì cũng ngạc nhiên lắm, vì nhiều khi em nghĩ mình là “bà mẹ @” tức là cái gì cũng biết, nhưng hoá ra lại chẳng biết gì về bảo hiểm cả. Thế là hai chị em trao đổi với nhau, chị ấy có nói là đang tìm hiểu mua bảo hiểm Manulife. Em mới bảo: “À, thế trên Facebook em có chị làm Manulife đấy, để em hỏi cho!”.
Ngay sau cuộc nói chuyện với chị ấy, em nghĩ là ngay cả những người mẹ trẻ, kinh tế không quá dư dả mà cũng có nhu cầu cao về bảo hiểm, mong muốn tìm hiểu thông tin về bảo hiểm thì đây là cơ hội của mình! Vì thế khi hỏi chị làm Manulife trên Facebook tư vấn về bảo hiểm, em cũng nhắn hỏi luôn: “Chị ơi, bên chị hiện có cần tuyển người không?”
Chị: Như vậy tức là Trang rất nhạy bén! Qua một câu chuyện với người bạn, em nhận ra rằng ngay cả “bà mẹ @” như mình cũng không biết nhiều về bảo hiểm thì chắc chắn ngoài kia rất nhiều người không biết, trong khi lại có nhu cầu về bảo hiểm rất lớn.
Trang: Đúng vậy ạ! Ban đầu, em cũng nghĩ mình đi nghe tư vấn để biết thêm về các hình thức bảo hiểm cho mình, rồi có ai hỏi mình sẽ biết giới thiệu thêm cho họ. Nhưng rồi sau khi em hỏi chị bạn trên Facebook về tuyển người, chị ấy bảo nếu em muốn ứng tuyển thì qua văn phòng chị ấy phỏng vấn. Em gặp chị ấy phỏng vấn vào thứ 5, thì thứ 2 tuần sau em đã đi học lớp training để đi làm chính thức ngay rồi. Em cũng rất bất ngờ. Đúng là từ trước đến nay, mọi công việc của em đến rất nhanh, mọi việc đều là tình cờ, mà phải đưa ra quyết định ngay lập tức (cười). Thế là em trở thành nhân viên full-time của Manulife.
Chi: Vậy công việc của em ở Manulife là gì?
Trang: Em làm tư vấn và quản lý. Hiện em quản lý một đội ngũ các bạn tư vấn viên cho khách hàng, ngoài ra em cũng tư vấn cho các khách hàng riêng của em.
Chi: Trong gần 1 năm làm việc ở Manulife, có điều gì làm em bất ngời không?
Trang: Em bất ngờ là hiểu biết về bảo hiểm của mọi người thực sự rất ít. Nhiều người còn có định kiến về bảo hiểm ở Việt Nam, họ nghĩ là chỉ có bảo hiểm ở nước ngoài mới tốt, còn ở Việt Nam thì không ra gì. Nhưng em nghĩ điểm này cũng rất thú vị. Vì mọi người chưa biết nhiều về bảo hiểm, chưa hiểu đúng về bảo hiểm ở Việt Nam thì cũng mới có cơ hội cho em làm công việc tư vấn! Em rất thích công việc này. Trước nhất, đối với bản thân em, từ lúc đi làm em học được rất nhiều; em cũng có môi trường phát triển, thu nhập của em tốt, lại có cơ hội thăng cấp theo đúng năng lực của mình. Thứ hai là em cảm thấy đây là một công việc có ý nghĩa cho xã hội. Từ lúc đi làm, em mới thấm thía là bảo hiểm thực sự rất cần thiết, nhiều người nghĩ cả đời chẳng bao giờ cần đến bảo hiểm nhưng nhỡ ra có biến cố bất chợt lại không có gì để bấu víu cả. Bảo hiểm cũng như một khoản tiết kiệm, bảo vệ cho bản thân mình.
Từ ngày làm bảo hiểm em cũng cảm thấy mình sống có trách nhiệm hơn. Ví dụ, ngày trước em chạy xe rất ẩu, có việc gấp phải làm là đi trên đường phóng “bạt mạng”, nhưng giờ em đi chậm rãi, từ tốn hơn, biết “sợ” nhiều thứ hơn. Rồi mỗi khi em nghe người ta nói nhà có ai quen mà bị ung thư, trong đầu em câu hỏi đầu tiên là: “Không biết người đó có bảo hiểm chưa?”. Có thể một phần do bệnh nghề nghiệp, nhưng một phần vì em thấy đây là một công việc rất nhân văn. Nhiều người mua bảo hiểm của em ban đầu cũng chỉ để “ủng hộ” em bán bảo hiểm, nhưng em vẫn “bắt” người ta phải ngồi nghe em phân tích kỹ càng các quy chế, lợi ích rồi mới tư vấn mua bởi vì các thông tin đều rất quan trọng. Thật lòng mà nói, chẳng ai muốn dùng đến khoản tiền bảo hiểm của mình cả, nhưng nhỡ ra một ngày có chuyện xảy ra, có số tiền bảo hiểm cứu cánh thì em nghĩ người ta cũng biết ơn mình đã tư vấn kỹ càng. Còn nếu may mắn không có vấn đề gì, nhiều năm sau người ta nhận một cục tiền bảo hiểm thì cũng có thể nghĩ là: “À, ngày xưa mình mua cũng là có lợi cho mình, chứ không chỉ vì để ‘ủng hộ’” (cười). Đây thực sự là công việc nhiều ý nghĩa.
Chi: Điểm vừa rồi em nói chị thấy rất thú vị. Bởi vì chị thấy nhiều người ở Việt Nam có thành kiến lớn về bảo hiểm, nghĩ là bảo hiểm là “bán hàng đa cấp” – mua chỉ là để “ủng hộ” người quen, rồi bảo hiểm của Việt Nam không tốt như nước ngoài… Em nghĩ thế nào về vấn đề này?
Trang: Em nghĩ việc mọi người có thành kiến hay hiểu chưa đúng về bảo hiểm trước hết là do lỗi của người tư vấn. Thứ nhất, thời điểm bảo hiểm mới vào Việt Nam, đa phần mọi người làm tư vấn part-time, ví dụ như chị đang làm một công ty nào đấy, một ngày chị bảo: “Này, mình cũng bán bảo hiểm đấy, mọi người mua ủng hộ đi!”. Thế là mọi người mua với tinh thần “ủng hộ” thôi, chứ không nghĩ đó là mua vì lợi ích của mình.
Thứ hai là khi tư vấn thì cũng tư vấn sai. Bản thân gia đình em cũng từng là một “nạn nhân” của tư vấn bảo hiểm sai. Khoảng chục năm trước, thời điểm mẹ em mới sinh em trai em, có một cô cũng đến tư vấn bảo hiểm. Cô ấy nói đơn giản lắm, kiểu như: “Này chị nhé, gửi tiền vào cái này cũng đúng y như chị gửi tiết kiệm ngân hàng ấy. Rồi năm con chị 18 tuổi, nó sẽ có một khoản tiền du học!”. Thế là mẹ em nghe theo rồi gửi tiền năm đầu là 27 triệu – tức là một gói rất cao ngay cả ở thời điểm bây giờ. Đến năm thứ hai, đúng là đợt em có cơ hội đi học ở Thuỵ Điển (xem ở phần 1), mẹ em mới có ý định rút khoản tiền này ra để thêm vào cho em đi học. Đến gặp cô tư vấn thì cô ấy bảo: “Chị ơi! Chị phải đóng hết năm thứ 2. Rút ra năm nay là chị mất hết, mất toàn bộ 27 triệu”. Bố mẹ em lớn tuổi thì cũng không biết đọc hợp đồng, chỉ thấy người ta nói gì thì nghe nấy, bảo là thôi, đóng nốt năm thứ 2, rồi rút ra một cục. Đến hết năm thứ 2, khi đã đóng vào được 54 triệu, mẹ em rút ra chỉ được 5-6 triệu gì đấy thôi.
Chi: Tại sao vậy?
Trang: Bởi vì đó là bản chất của bảo hiểm. Bảo hiểm là một khoản tiền tích kiệm lâu dài, khác hẳn với gửi tiền ngân hàng. Gửi ngân hàng chị gửi hàng năm tính lãi, rút ra lúc nào cũng được vốn và lãi. Còn bảo hiểm là một khoản chị để đấy để đầu tư cho về lâu về dài sau này (ví dụ như, cho con du học, mua nhà, mua xe), phải nhiều năm không động đến mới có tiền lãi về, còn nếu rút sớm năm đầu, năm thứ hai là chỉ có lỗ.
Chi: Chị hiểu. Nhưng người tư vấn kia lại không giải thích kỹ với mẹ em bản chất của bảo hiểm như vậy từ đầu.
Trang: Vâng ạ. Ngay từ đầu đã không được tư vấn đúng, đến hết năm thứ nhất khi mẹ em định rút ra thì cô ấy lại khuyên đóng thêm mà không nói là nếu hết năm thứ hai rút thì cũng không được bao nhiêu. Nếu ở thời điểm hết năm thứ nhất mà cô ấy nói với mẹ em là đóng thêm 27 triệu nữa thành 54 triệu để rồi rút ra chỉ được 5-6 triệu thì chắc chắn mẹ em cũng không đóng thêm làm gì cả. Nói thật là lúc đó lấy 5-6 triệu cũng chẳng để làm gì, nhưng mẹ em vẫn rút ra hết, đóng tài khoản vì mẹ em tức, mẹ em nghĩ mình bị lừa. Vì ngay hoàn cảnh nhà em như vậy, em rất hiểu tâm lý tại sao mọi người thành kiến về bảo hiểm. Mọi người không hiểu đúng bản chất của bảo hiểm, mua bảo hiểm không phải để tích lãi, mà là để bảo vệ bản thân mình.
Bây giờ, khi tư vấn, em cũng gặp nhiều khách hàng trước cũng như mẹ em, cảm giác bị “lừa” khi mua bảo hiểm. Đối với khách hàng nào, em cũng hướng dẫn rất kỹ càng, em chỉ cho khách vào bảng dự thảo, em nói rõ đến năm nào, năm nào rút tiền thì được lãi, còn năm nào rút thì lỗ. Em nói thẳng luôn với khách nếu đóng tiền mà để 1-2 năm rút ra thì đừng nên đóng bảo hiểm. Khách hàng nghe tư vấn kỹ càng, đồng ý với dự thảo thì em mới khuyến khích mua, còn nếu không, em cũng vui vẻ dừng ngay ở thời điểm tư vấn. Em xác định làm việc lâu dài nên em luôn cố gắng làm bền vững nhất, chậm nhưng chắc. Có lẽ vì thế mà khách hàng tin tưởng em, giới thiệu khách hàng mới cho em. Thu nhập của em vì thế cũng cao – em có một mức lương mà nhiều bạn đồng lứa mơ ước.
Chi: Chị nghĩ không phải ai làm bảo hiểm cũng thành công, cũng có một mức lương tốt như Trang. Em có chia sẻ gì để thành công trong lĩnh vực này?
Trang: Em nghĩ mỗi người đều có một cách tư vấn và bán hàng riêng. Cá nhân em, em chưa bao giờ chèo kéo người mua. Chị có Facebook của em, chị cũng biết, em chưa bao giờ đưa lên thông tin quảng cáo bán hàng gì cả. Người thân, đồng nghiệp cũ, khách hàng cũ mua online biết được em làm bảo hiểm chỉ vì em đổi status trên Facebook là chuyển việc thôi, rồi mọi người vào hỏi em tư vấn. Em nghĩ giờ rất nhiều người có nhu cầu mua bảo hiểm, chỉ là mọi người chọn mua của ai, của hãng nào thôi. Có thể em may mắn được mọi người tin tưởng nên nhiều người chọn em để tư vấn và mua bên em. Có nhiều người được tư vấn một chỗ rồi, quay lại hỏi em để so sánh xem tư vấn có đúng không, có là lựa chọn hợp lý nhất không. Em cũng trả lời rất nhiệt tình, vô tư, ai cảm thấy phù hợp thì làm hồ sơ với em, chứ em chưa bao giờ ép ai phải mua chỉ vì ủng hộ em cả.
Em cũng có nhiều khách “lạ”, quen biết qua nhiều kênh khác nhau nữa. Ví dụ, em rất hay tham gia các nhóm trên mạng, thỉnh thoảng mọi người cũng vào hỏi là nên mua bảo hiểm gì, rồi khi mua bảo hiểm cần chú ý những gì. Em cũng vào comment, nhưng em chưa bao giờ giới thiệu là em là thế này thế kia, chị mua của em nhé… hay gì cả, em chỉ comment đúng như kinh nghiệm của em là một người lần đầu mua bảo hiểm. Em chia sẻ rất bình thường, vô tư, chị nào thích phong cách của em thì vào em tư vấn, chứ em cũng không “săn đón” khách. Em nghĩ khách đến với mình cũng là tuỳ “duyên”, ai hợp với mình thì sẽ đến và ở lại với mình thôi. Em thích mọi việc đến tự nhiên, rõ ràng, thẳng thắn ngay từ đầu, và mối quan hệ bền vững, lâu dài.
Chi: Những chia sẻ của em thật sự rất thú vị! Cám ơn Trang đã tham gia buổi trò chuyện này!
***
Sau khi tắt băng phỏng vấn, tôi có nói với Trang là mình thực sự “chóng mặt” khi nghe đủ các công việc Trang từng làm, các khúc quanh, ngã rẽ, các mối quan hệ tình cờ, lắt léo đưa Trang đến những trải nghiệm của mình. Tôi có hỏi Trang: “Từ khi còn đi học tới giờ, tưởng chừng như cuộc sống của em chưa có lúc nào ngơi nghỉ, có bao giờ em nghĩ mình sẽ sống chậm lại không?”. Trang trả lời, đại ý là có thể tương lai sẽ khác, nhưng hiện nay, em muốn dành tuổi trẻ để trải nghiệm, để làm những việc mình có thể làm ngay tại thời điểm này và để trưởng thành. Đây thực ra là câu hỏi mà một người khác từng đặt ra cho tôi vào thời điểm 3-4 năm trước, khi cuộc sống của tôi là một guồng quay nhanh không tưởng, tôi có cảm giác mình sống gấp đến mức không thở nổi, tưởng như nếu mình ngừng lại là trái đất cũng ngừng quay. Cuộc sống như gió táp vù vù, còn tôi cứ đầu trần lao ngược chiều gió. Câu trả lời của tôi khi đó cũng y hệt như Trang, tôi không hối tiếc một giây, một phút nào sống vội vì những gì tôi trải nghiệm được những năm đầu tuổi 20 là vô giá. Nhưng bây giờ khi sang những năm cuối của tuổi 20, tôi nghiệm ra rằng nhanh hay chậm là do trong tâm mình, tôi có thể làm nhiều việc, có thể còn bận hơn 3-4 năm trước nhưng nếu trong tâm tôi an nhiên, tĩnh lặng, cuộc sống hoàn toàn “chậm” lại; ngược lại, với cùng khối lượng công việc, nếu tâm tôi lo lắng, không yên thì sẽ cảm giác như mình đang sống gấp.
Còn bạn thì sao?
Bạn cảm thấy mình đang “sống nhanh” hay “sống chậm”? Những năm đầu của tuổi 20 của bạn như thế nào? Bạn có đang hạnh phúc với công việc mình đang làm không?
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Nhi says
Cảm ơn bài viết của chị. Em ra trường được 6 tháng. Mới nghỉ công việc đầu tiên nek chị. Em xin việc cả tháng nay rồi mà chưa có, buồn lắm chị. Nhiều khi mong lung không biết mình thích gì hợp với cái gì?
Chi Nguyễn says
Chào em! Cám ơn em đã theo dõi blog! Tìm việc đúng là không phải dễ dàng, nhưng nếu em kiên trì, đừng nản chí thì chắc chắn rồi sẽ tìm được công việc như ý. Khoảng 2 tuần nữa chị sẽ viết bài review một cuốn sách, có tên là “The Defining Decade” (https://www.amazon.com/Defining-Decade-Your-Twenties-Matter/dp/0446561754). Cuốn sách này nói về những người mới sang tuổi 20 và cũng mông lung chưa biết mình hợp với điều gì như em nói. Em có thể tham khảo dần cuốn sách này, chị nghĩ là sẽ phù hợp với em <3
Dương Vân Anh says
Mình thật sự ngưỡng mộ Trang!
Huong says
hihi đọc bài này của c thấy bản thân e trong đó luôn ấy, kiểu chưa bao giờ xin việc mà toàn do ng này ng kia giới thiệu, xong công việc sau của em còn ko lquan đến công việc trước, ko biết gọi là may hay không nữa. Nhưng mà e thấy cũng tốt, còn trẻ nên thử nhiều cái, biết mình thích hay không thích thay đổi nó còn kịp. Dù giờ vẫn trong quá trình đổi lung tung nhưng thấy cũng k sao 😀
Chi Nguyễn says
Đúng là tuổi trẻ nên trải nghiệm! Càng lớn hơn, càng có nhiều trách nhiệm hơn thì càng khó để thay đổi. Chị cũng có rất nhiều việc làm cả hồi học Đại học và sau khi tốt nghiệp nữa, bây giờ nhìn lại việc nào cũng tạo cho mình kỹ năng và kiến thức nhất định. Cám ơn em đã đọc và comment trên blog!
Quỳnh says
Rất thú vị, cảm ơn chị Chi và chị Trang nhiều!
Em cảm thấy mở rộng mindset của mình hơn sau khi đọc những trải nghiệm của chị Trang. Em đã từng “cân đo đong đếm” về việc, như thế nào là 1 công việc “đúng nghĩa”. Giờ thấy thật trẻ con 🙂
Hiện tại em cũng đang làm 2 công việc cùng lúc. Thời gian làm việc 1 ngày khoảng 12 – 13 tiếng. Thu nhập chưa có nhiều, vì 1 công việc em làm không lương (tổ chức phi lợi nhuận). Nhưng giá trị phi vật chất nhận được, từ tinh thần, kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh, trải nghiệm,… đều rất lớn. Em luôn thấy may mắn vì mình đã quyết định dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân trong những năm tuổi trẻ, để khám phá chính mình và lớn lên mỗi ngày.
Chúc chị Chi một ngày vui! 🙂
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc và comment chia sẻ. Khi còn học ĐH và sau khi ra trường 1 năm chị cũng làm không lương ở các tổ chức phi chính phủ và học được vô vàn kỹ năng từ đây, cũng như có thêm nhiều bạn tốt nữa