Xin chào bạn đọc The Present Writer!
Hơn 1 tháng trước, khi đang ở Hà Nội, tôi có mời các bạn tham gia một bản khảo sát ngắn để đặt câu hỏi và góp ý cho tôi và cho blog. Cám ơn tất cả các bạn đã gửi câu hỏi và ý kiến đóng góp! Bạn đọc thực sự đã giúp tôi mở mang nhiều ý tưởng mà tôi chưa từng chạm tới khi nghĩ về bản thân và blog . Tất cả các ý kiến đóng góp đều được ghi nhận, một số tôi đã thực hiện ngay trong tháng vừa qua (như viết thêm bài về học tiếng Anh và cách đọc nhanh), còn một số khác tôi sẽ thực hiện trong tương lai gần (như viết về hành trình du học, đời sống của du học sinh, review sách…). Đối với câu hỏi các bạn dành cho tôi (với tư cách cá nhân hoặc với tư cách là tác giả blog), tôi quyết định chọn lọc và nhóm các câu hỏi tương tự nhau để trả lời trong một hoặc một vài bài viết (tiêu đề: “Bạn hỏi – Chi trả lời”). Đây cũng là những câu hỏi mà tôi thường nhận được qua email, Facebook message, blog comment…, do vậy, tôi tin là bài viết dạng Hỏi-Đáp như thế này sẽ mang lại lợi ích chung cho phần đông bạn đọc.
***Ghi chú: Một số câu hỏi dưới đây đã được gộp lại hoặc/và biên tập câu chữ cho phù hợp với nhân xưng và văn cảnh.
Du học – Nghiên cứu – Công việc
Bạn hỏi: Mình muốn biết thêm về ngành học hiện giờ của bạn, bạn đang nghiên cứu gì, và cách bạn chuyển sang học ngành này như thế nào?
Chi trả lời: Hiện tôi đang làm Tiến sĩ hai ngành: Educational Leadership (Lãnh đạo Giáo dục) và International & Comparative Education (Giáo dục Quốc tế và Giáo dục So sánh). Nói một cách chung nhất thì tôi học về các vấn đề vĩ mô của Giáo dục như chính sách công, hệ thống và thể chế giáo dục, cách quản lý giáo dục ở các nước và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Nói về phạm vi hẹp thì tôi nghiên cứu về bình đẳng trong giáo dục và cơ hội vào Đại học của học sinh có hoàn cảnh khó khăn (đầy đủ bằng tiếng Anh: equity and access to higher education for socioeconomically disadvantaged and minority students). Ngoài ra, tôi cũng nghiên cứu về những đề tài khác như giáo dục nông thôn, sách giáo khoa, sinh viên quốc tế, nhập cư… Có rất nhiều lý do, cả về chủ quan và khách quan, đưa tôi đến với những đề tài này. Nhưng đa phần, đó đều dựa vào trải nghiệm của tôi trong những năm đầu của tuổi 20 – những trải nghiệm mà tôi đã và đang chia sẻ trên blog (như chuyện tôi chọn trường Đại học và làm tình nguyện ở Đài Loan).
Trước khi làm Tiến sĩ thì tôi có học Thạc sĩ ngành Education, Culture, & Society (Giáo dục, Văn hoá, & Xã hội) ở Khoa Giáo dục ở một trường khác ở Mỹ. Khi còn ở Việt Nam, tôi học ngành International Studies (Quốc tế học) tại Đại học Hà Nội. Như bạn có thể thấy, tôi học Cao học hoàn toàn trái ngành Đại học. Thực chất, tôi đã từng nhận được rất nhiều email và tin nhắn của bạn đọc hỏi về việc học trái ngành (“Liệu có thể học Cao học ở nước ngoài trái ngành được không? Làm sao để thuyết phục nhà trường nhận mình học một ngành khác hẳn ngành học Đại học? Làm sao để “bù đắp” được lượng kiến thức hụt khi học trái ngành như vậy?” ). Do vậy, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để trả lời các câu hỏi này. Thứ nhất, học trái ngành hoàn toàn có thể, đặc biệt đối với du học Mỹ. Tôi đã từng nộp hồ sơ cùng, cũng như từng hướng dẫn rất nhiều bạn nộp học trái ngành cho Cao học và tỷ lệ thành công là rất cao. Điều quan trọng là bạn phải chứng minh cho người xét đơn thấy bạn đã đầu tư thời gian và công sức như thế nào để định hướng bản thân theo ngành khác phù hợp hơn, có nhiều đam mê và tiềm năng hơn (chứng minh qua bề dày kinh nghiệm công việc, nghiên cứu, tình nguyện…). Để “bù đắp” được lượng kiến thức thiếu hụt, không có cách gì khác là chăm chỉ, cần cù đọc sách, nghiên cứu, rèn luyện ngày đêm (cứ nghĩ là người khác học 1, mình phải học gấp 2, gấp 3) để tự tin hơn với ngành đã chọn. Đam mê, quyết tâm, và chăm chỉ — đó là 3 điểm cốt lõi, theo tôi, để chạm được tới thành công trong học thuật.
Bạn hỏi: Trước khi đến với công việc hiện tại, bạn đã làm gì và đã trải qua những khó khăn gì trước khi biết được mình thực sự thích và tâm huyết với công việc hiện tại?
Chi trả lời: Mặc dù “nghiên cứu” là việc tôi được trả lương làm hàng ngày nhưng tôi không nghĩ đó là một “công việc” theo nghĩa hiểu truyền thống vì tôi vẫn là sinh viên. Khi ra trường, tôi cũng mong muốn sẽ tìm được một công việc thiên về nghiên cứu, giảng dạy, học thuật vì đó là đam mê lớn nhất của tôi. Trở lại với câu hỏi của bạn, trước khi đi du học và trở thành một “nghiên cứu sinh”, tôi đã từng làm rất nhiều công việc. Tôi bắt đầu làm tình nguyện, làm các công việc bán thời gian, và đi thực tập ngay từ năm nhất Đại học. Do chăm chỉ làm việc ngoài học chính khoá, khi ra trường tôi đã có khoảng 4 năm dạy học và 2 năm làm quản lý các dự án tình nguyện ở một tổ chức phi chính phủ. Những kinh nghiệm này giúp tôi rất nhiều để tìm ra đường hướng tương lai cho mình, mặc dù việc vừa học, vừa làm, vừa đi tình nguyện thực sự rất áp lực, nhất là ở những năm đầu Đại học.
Tôi học hết các môn ở trường khá sớm và được chọn viết luận văn (thay vì học và thi tốt nghiệp), nên cả năm cuối Đại học tôi hầu như không phải đến trường. Thời gian trống này tạo điều kiện để tôi tham gia cùng với một số người anh em, “đồng đội” cùng làm tình nguyện lâu năm mở ra một Trung tâm thanh thiếu niên có tên là 4T Center. Thời gian làm ban đầu mò mẫm tìm đường, trải qua rất nhiều sóng gió nhưng cũng giúp tôi học được rất nhiều điều bổ ích về công tác quản lý và tổ chức các chương trình Giáo dục, giúp tôi có thêm động lực để theo đuổi ngành này. Sau khi có bằng Đại học, tôi thi tuyển và đỗ vào làm Chuyên viên Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là một môi trường giáo dục đại học năng động hiếm có thời bấy giờ với rất nhiều tư duy đổi mới, hội nhập. Trong hơn 1 năm làm ở trường, tôi may mắn có được những người đồng nghiệp và sinh viên thân thiết và học được rất nhiều điều về công tác dạy học, quản lý, và nghiệp vụ văn phòng. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian tôi nhận ra rằng mình không hợp với công việc hành chính “7 giờ sáng cắp cặp đến cơ quan, 5 giờ sáng cắp cặp đi về” – đó có thể là công việc mà nhiều người mơ ước nhưng không thực sự phù hợp với tôi ở thời điểm đó. Vì vậy, dù rất luyến tiếc môi trường làm việc, tôi quyết định nghỉ việc để học thi GRE/TOEFL và apply học bổng. Tôi đi du học một năm sau đó – năm 2013.
Bạn hỏi: Quá trình apply học bổng Thạc sĩ/Tiến sĩ đi Mỹ của bạn như thế nào? Bạn tìm nhóm học GRE/nhóm đồng hành apply du học như thế nào?
Chi trả lời: Tôi đã có một bài viết dưới dạng trò chuyện – phỏng vấn cùng một người bạn apply và sang Mỹ cùng đợt với tôi. Bài viết gồm hai phần, có tiêu đề: “Chúng tôi đã apply và học Tiến sĩ như thế nào” (phần 1, phần 2) – bạn đọc có thể tham khảo bài viết để biết được quá trình apply từ Thạc sĩ đến Tiến sĩ của tôi. Nếu bạn muốn đọc thêm về trải nghiệm, cảm xúc, cũng như khó khăn của tôi trong quá trình apply và đi học ban đầu, bạn có thể tìm tới bài “Con đường (đến trường) em đầy mưa bay” – một trong những bài viết được đọc nhiều nhất trên blog. Trong tương lai, có thể tôi sẽ viết kỹ hơn nữa về quá trình apply đi học và lời khuyên của tôi đối với các bạn đang có nguyện vọng đi học. Trong thời gian chờ đợi, bạn đọc có thể tham khảo một trang thông tin hữu ích cho học sinh Việt Nam: Nguồn Học Bổng.
Trong các bài viết về du học trên blog, tôi có nhấn mạnh rằng việc tìm được những người bạn đồng hành để cùng học thi và cùng apply là rất quan trọng. Bởi vì quá trình apply du học có thể rất đơn độc và mệt mỏi, nhất là khi bạn apply khi đã lớn tuổi, đang đi làm, và gánh nhiều trọng trách gia đình, việc có người đồng hành để động viên, chia sẻ là yếu tố cần thiết để đến được mục tiêu đã đề ra. Nhóm bạn cũng sẽ là nguồn thông tin vô cùng hữu ích đối với việc tìm trường và tìm nguồn học bổng. Tôi tìm được nhóm học GRE của mình tình cờ qua việc google và lướt forum du học như USguide và VietPhd – nơi mọi người cùng chí hướng du học tìm gặp và chia sẻ thông tin lẫn nhau. Có một số người trong nhóm tôi lại tìm được nhau qua Facebook hoặc qua việc cùng apply một học bổng chính phủ. Tóm lại, nếu bạn năng động tìm kiếm, không ngại đăng thông tin hỏi về du học, đến những triển lãm/diễn đàn du học… thì chắc chắn bạn sẽ tìm được những người đồng hành tốt.
Quan điểm sống – Phong cách sống
Bạn hỏi: Chi nghĩ thế nào về việc hài lòng với những gì mình có nhưng vẫn luôn phấn đấu cho những mục tiêu cao hơn? Hai phong cách sống này nghe chừng có mâu thuẫn không?
Chi trả lời: Đây là một câu hỏi rất thú vị và cũng khó để trả lời! Bằng lòng với cuộc sống hiện tại hay không ngừng phấn đấu cho mục tiêu cao hơn? Tôi nghĩ điều này phải tuỳ thuộc vào từng cá nhân, từng hoàn cảnh cụ thể, và từng thời điểm trong cuộc sống. Điều cốt lõi, theo tôi, là nên sống theo lý trí và con tim của mình, đừng nên quá lệ thuộc vào ý kiến của người khác. Mỗi người chỉ có một cuộc đời và không ai có thể sống thay cho ai cả. Bạn chỉ nên bằng lòng với cuộc sống hay phấn đấu thay đổi cuộc đời khi chính bạn mong muốn điều đó và cảm thấy hạnh phúc với quyết định của mình. Đừng nên vì người này, người kia (kể cả đó là người yêu/bạn đời hay gia đình) nói rằng bạn nên sống theo cách này hay cách khác vì cho đến cùng, bạn vẫn là người duy nhất chịu trách nhiệm đối với hạnh phúc của mình. Quan điểm của tôi là tuổi trẻ không nên hài lòng với cuộc sống của mình quá sớm. Có thể nhiều người mơ ước có cuộc sống và công việc “ổn định” từ sớm nhưng tôi nghĩ việc gì cũng có thời điểm, có những điều mình định làm khi còn trẻ thì phải làm ngay bởi vì chỉ bẵng đi một vài năm thôi, những điều đó là là không thể nữa rồi (hoặc nếu có làm được thì cũng không còn cảm giác phấn chấn như khi còn trẻ nữa). Ở tuổi 28, tôi đã cảm thấy thời gian ngày càng trôi nhanh hơn, nếu mình không tập trung nắm bắt, sống cho hiện tại, và phấn đấu cho tương lai thì sẽ không bao giờ đạt được những điều mình mong muốn. Nhưng mặt khác, nếu quá “ám ảnh” với thành công mà khắt khe với bản thân và gia đình, chạy theo tương lai mù quáng mà quên mất hiện tại thì cũng là điều rất đáng sợ. Để tìm được sự cân bằng cần thiết cho vấn đề bằng lòng với cuộc sống hay phấn đấu cho tương lai, tôi sẽ luôn luôn quay lại hỏi bản thân mình: “Tôi có thực sự hạnh phúc với cuộc sống hiện tại hay không? Tại sao?” – “Nếu không, tôi có thể làm gì để cuộc sống của mình hạnh phúc hơn?”
Bạn hỏi: Chi có mất nhiều thời gian để tạo lập các thói quen tích cực và học cách cân bằng cuộc sống không? Khi còn độc thân, bạn sắp xếp cuộc sống cá nhân, học tập, và công việc như thế nào?
Chi trả lời: Như tôi từng viết trong phần 5 của chuỗi bài về Rèn luyện tư duy tích cực, bất kỳ thói quen nào cũng cần có thời gian và qua luyện tập hàng ngày mới có thể thành thục được. Cũng như tất cả mọi người, tôi gặp rất nhiều khó khăn ban đầu để tạo lập thói quen tốt, tốn rất nhiều thời gian để duy trì thói quen đó, và cũng không hiếm lần bỏ bẵng đi một vài ngày, hay thậm chí một vài tuần không thực hành các thói quen tích cực (nhất là khi đi du lịch dài ngày). Nhưng điều quan trọng, theo tôi, là luôn nhớ về lợi ích của thói quen tốt đó và luôn tìm cách quay lại với nó, luyện tập một cách vui vẻ, tích cực, và kiên trì.
Khi còn độc thân và bắt đầu sống một mình ở nước ngoài, cuộc sống của tôi hơi “điên rồ” một chút vì phải làm rất nhiều việc một lúc và tự chăm sóc bản thân trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy, những năm đầu độc thân tôi sống rất gấp và thiếu cân bằng (tôi có viết về trải nghiệm này trong bài: “Bạn đang sống cho hiện tại, quá khứ, hay tương lai”). Sau khi nhận ra mình cần sống chậm lại, tôi đã thử nghiệm rất nhiều phương pháp kế hoạch lại cuộc sống theo từng ngày/từng tuần và giành lại quyền kiểm soát thời gian (đọc thêm về các phương pháp này tại đây). Nếu bạn đang độc thân và cảm thấy khó khăn để sắp xếp thời gian của mình, tôi khuyên bạn nên dành 30 phút cuối ngày để lên kế hoạch những gì mình muốn làm trong ngày kế tiếp và thực hiện tuần tự theo trình tự ưu tiên, bạn cũng nên dành một tối cuối tuần cho riêng mình (làm “spa” tại nhà, đọc sách, xem phim, nghe nhạc yên tĩnh…) để tái tạo năng lượng, tự nấu ăn cũng là một cách thư giãn tốt và đảm bảo cơ thể khoẻ mạnh để cân bằng cuộc sống.
Tình yêu – Hôn nhân
Bạn hỏi: Anh Joe, chồng bạn, là người nước ngoài. Vậy hai người quen nhau như thế nào? Lý do gì khiến bạn chấp nhận yêu một người nước ngoài? Có một chút nào là do bạn muốn ở lại Mỹ để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp không?
Chi trả lời: Cám ơn một chuỗi những câu hỏi dễ thương và cũng rất thẳng thắn về tình yêu. Tôi đã từng chia sẻ về hoàn cảnh tôi và Joe gặp nhau và đến với nhau như thế nào trong một post Facebook ngắn (đã có tới hơn 400 lượt “likes”!). Tôi vốn là người hướng nội — hiếm khi chia sẻ chuyện cá nhân lên mạng xã hội, nên tôi cảm thấy rất vui khi thấy mọi người đón nhận và chia sẻ câu chuyện tình yêu của mình. Thời gian tới tôi sẽ viết thêm về chuyện tình yêu và hôn nhân của chúng tôi với hashtag #ourstory.
Nếu bạn đã từng đọc câu chuyện gặp gỡ của chúng tôi, bạn hẳn cũng biết rằng Joe và tôi quen nhau đã được 8 năm trong một dịp tình cờ đi du lịch Trung Quốc. Khi đó, cả hai đều đang học Đại học và không có khái niệm gì về tương lai, bao giờ sẽ gặp lại, chứ chưa nói là sang Mỹ du học rồi ở lại định cư theo đuổi sự nghiệp gì cả. Thời điểm đó, suy nghĩ của chúng tôi vẫn còn rất non trẻ — cứ nói chuyện rồi làm bạn, giữ liên lạc vậy thôi. Tôi không phải người duy tâm nhưng chuyện tôi và Joe đến với nhau, tôi tin là do duyên số. Trong ngần ấy năm, tôi đã có thể yêu và kết hôn với rất nhiều người, tại sao tôi lại lấy một người ngoại quốc mình tình cờ gặp được ở một đất nước thứ 3? tại sao phải yêu xa cách trở như vậy? tại sao lại phải sống xa gia đình đến nửa vòng trái đất? Tất cả chỉ có thể giải thích bằng một chữ “duyên”. Nhưng từ chữ “duyên” ấy đến kết hôn là cả một chặng đường dài… Tôi sẽ kể dần với bạn đọc qua #ourstory 🙂
Nguồn thông tin – Xây dựng website
Bạn hỏi: Chi tìm hiểu thông tin để viết trên blog từ những nguồn nào (Blog, Youtube, Website, Sách…)?
Chi trả lời: Phần lớn bài viết trên blog được xây dựng từ trải nghiệm thực tế, kỷ niệm trong quá khứ, hoặc những chuyến đi xa của tôi – những bài này hầu như không dùng nguồn tham khảo ngoài. Những bài viết khác mang tính khoa học hoặc có cảm hứng từ những kênh thông tin khác, tôi đã trích nguồn cụ thể để bạn đọc tham khảo thêm. Nhìn chung, tôi đọc khá nhiều sách academic/non-fiction (do nhu cầu công việc và sở thích) và lựa sách dựa theo review/preview sách. Tôi thường “đọc” các blog bằng tiếng Anh thông qua việc nghe podcast The Optimal Living Daily – một podcast rất hay về mọi chủ đề trong cuộc sống. Tôi cũng thích xem các kênh YouTube về sách và ý tưởng tối ưu cuộc sống, ví dụ như kênh FightingMediocrity. Hầu như bất kỳ điều gì tôi nghe thấy, nhìn thấy, hoặc cảm nhận thấy thú vị, tôi đều ghi nhanh vào điện thoại hoặc sổ tay để sử dụng làm nguyên liệu viết blog.
Bạn hỏi: Chi học thiết kết website/blog ở đâu?
Chi trả lời: Tôi chưa từng qua lớp đào tạo thiết kế website chuyên nghiệp nào cả, tất cả đều là tự học. Tôi bắt đầu xây dựng blog qua việc theo sát các bước hướng dẫn trong một blog post của The Minimalists (link). Hướng dẫn này cho phép tôi lập domain (thepresentwriter.com) và vào được hệ thống của WordPress. Sau khi vào được WordPress rồi thì mọi việc khá đơn giản vì WordPress đã có sẵn rất nhiều themes (khung cơ bản) cho người dùng sử dụng với các tiện ích dễ sử dụng. Để website hoạt động đúng theo mong muốn của mình, tôi cũng phải mất một chút thời gian để tìm tòi học thêm về WordPress và google các codes (mã hoá) để thêm, bớt, sửa chữa các ứng dụng, tiện ích có sẵn của WordPress. Như bạn có thể thấy, blog này được thiết kế rất đơn giản, gọn nhẹ nên quá trình thiết kế cũng không quá khó. Ngoài ra, từ khi blog ra mắt, nhiều bạn đọc và người thân biết về thiết kế blog/website cũng đã góp ý với tôi nhiều để xây dựng blog cho tốt hơn. Tới ngày hôm nay, tôi vẫn đang vừa làm, vừa học cách xây dựng blog.
***
Tôi hy vọng phần “Q&A – Bạn hỏi – Chi trả lời” đầu tiên này giúp bạn đọc hiểu hơn về tôi và về blog. Nếu bạn còn có câu hỏi mới cần trả lời hay có góp ý nào khác cho blog, hãy tham gia bản khảo tại đây. Đừng ngại đặt câu hỏi khó cho tôi nhé! Tôi luôn vui khi đọc được suy nghĩ của bạn đọc.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Hải Yến says
Mỗi lần nhận email thông báo blog chị Chi có bài viết mới là vui lắm ạ 🙂
Biết chị cũng rất bận, nhưng nếu cứ giữa tuần (hàng tuần) được đọc bài mới thì thích nhỉ 😀 thấy có niềm vui nho nhỏ cho những ngày nhiều việc nhất tuần chị ạ!
Cảm ơn chị vì những bài viết…
Chi Nguyễn says
Cám ơn em nhiều vì đã gửi comment ngay khi bài viết vừa được đăng! Chị sẽ cố gắng viết nhiều hơn những bài nhỏ trên Facebook và Instagram của blog – hy vọng mọi người có những cái “boost” nho nhỏ trong những ngày làm việc bận rộn. <3
Phương Thúy says
Mình hơn tuổi Chi nhưng mình sẽ xưng là bạn vì cảm thấy những suy nghĩ trải nghiệm của Chi còn hơn mình rất nhiều. Cám ơn bài viết những bài viết của bạn, nhất là 5 bài viết rèn luyện tư duy tích cực. Mình đã nghiệm ra rất nhiều và đã tự đóng 1 cuốn 5 minute journal để viết hàng ngày. Chi cho mình link facebook nhé để mình có thể đọc nhiều bài viết của Chi hơn. Chúc Chi luôn khỏe mạnh & hạnh phúc.
Chi Nguyễn says
Chào bạn! Mình rất vui là bạn đã theo dõi và thấy blog hữu ích. Bạn có thể kết nối với mình và blog hàng ngày qua Facebook: https://www.facebook.com/PresentWriter/ và Instagram: https://www.instagram.com/thepresentwriter/?hl=en
Đỗ Hồng Thuận says
Vụ chọn trường ĐH chị cũng bị “lập trình” giống như đa số mọi người thời đó là chọn Ngoại Thương. Buồn cười là chị cũng đã nộp đơn cho Sư phạm, cũng đỗ Sư phạm thế mà chị không đi học, để rồi sau khi ra trường lại bỏ công làm lại từ đầu, thiệt cực và mất thời gian! Giờ càng nghĩ càng thấy tiếc thời gian vô cùng tận!
Chi Nguyễn says
Học Ngoại Thương môi trường cũng năng động mà chị! Nhưng quanh đi quẩn lại vẫn về Sư phạm với Giáo dục chị nhỉ 🙂
Hoàng Thơm says
Em tình cờ biết được blog của chị qua một chia sẻ của bạn và “bị” thích ngay từ lần đầu đọc bài. Những chia sẻ của chị thực sự sâu sắc và tâm huyết! Cảm ơn những bài viết của chị và mong được đọc nhiều hơn nữa ạ! 😘😘
Chi Nguyễn says
Cám ơn em rất nhiều! Mong em ghé blog thường xuyên 🙂
Kim says
Sau một ngày dài đằng đẵng và quần quật với công việc, được về nhà mở laptop đọc blog của chị thật không khác gì một therapy session :). Thank you so much for writing chị ơi!
Chi Nguyễn says
How sweet!!! Cám ơn em nhiều vì đã xem bài viết của chị như therapy session. Chị sẽ viết tiếp vì những bạn đọc dễ thương như em!
Mark Tuyen says
Nhung chia se rat hay va bo ich a. Minh da rut ra duoc mot vai dieu cho ban than de ap dung ngay. Chan thanh cam on ban.
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn! Chúc bạn sớm đạ được mục tiêu của mình 🙂
Haiauska says
Em đã & đang theo “Minimalism style” được 1 thời gian, và lạc vào xứ xở đáng yêu này. Cảm ơn chị Chi. Chúc Chị hạnh phúc & luôn truyền cảm hứng cho mọi người như vậy.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em nhiều! Live light! 🙂
Đào Thu says
Chi có thể đăng những bài báo về giáo dục đã được đăng của Chi không? Xin cảm ơn
Chi Nguyễn says
Chào bạn, cám ơn bạn đã quan tâm đến những nghiên cứu về giáo dục của mình. Vì luật bản quyền ở Mỹ rất chặt nên mình sẽ không thể đăng toàn văn bài báo được đăng trên blog. Nếu bạn có tài khoản của trường Đại học hay ở các tổ chức để lấy bài báo nghiên cứu, bạn có thể đọc/download bài mới nhất của mình ở đây: http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/13613324.2016.1248833. Nếu bạn không có tài khoản đọc, bạn có thể email cho mình (contact@thepresentwriter.com), mình sẽ gửi bản PDF riêng cho bạn. Cám ơn bạn nhiều!
Nguyen Thanh Hoai says
Chào chị, em năm nay 19 tuổi và đang loay hoay giữa những đích đến, điều này khiến cho cuộc sống của em mất thăng bằng, và em không xác định được mình nên bắt đầu từ đâu. May mắn được nghe đến cụm từ Minimalism khá lâu rồi và chợt nhớ ra, em bắt đầu lục tung các kênh MXH để tìm hiểu về nó, vòng vèo mãi cuối cùng tìm ra được blog của chị và học hỏi được rất nhiều từ những con chữ, kinh nghiệm của chị. Chúc chị luôn thành công và có thể mang lại những kinh nghiệm trong cuộc sống của mình đến với mọi người 😀
Chi Nguyễn says
Chào em! Cám ơn em đã đọc và comment. Chị rất vui vì em tìm đến được blog nhờ cụm từ “minimalism”. Chị sẽ tiếp tục viết nhiều hơn về đề tài này trong những tuần tới, em ghé blog thường xuyên hoặc update trên Facebook nhé! Cám ơn em 🙂