4 năm về trước, vào thời điểm trước khi đi du học, tôi có viết một chuỗi 3 bài viết trên blog cũ có tên là Học tiếng Anh cho người “lỡ cỡ”. Mặc dù bài viết khi đó mới chỉ được chia sẻ ở phạm vi hẹp, tôi đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ bạn đọc — nhiều người tới nay vẫn còn nhắc đến chuỗi bài viết này. Qua 4 năm, thế giới đã có nhiều điều khác biệt, cách mọi người học tiếng Anh và nhìn nhận về ngôn ngữ này đã khác, bản thân tôi cũng có nhiều phương pháp mới để rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Anh của mình. Vì vậy, tôi quyết định biên tập lại chuỗi bài viết cũ và tiếp tục đăng trên blog mới này để bạn đọc tham khảo quá trình và phương pháp học tiếng Anh của tôi — một phương pháp học cho người “lỡ cỡ”.
***
Thế nào là người “lỡ cỡ”? Người “lỡ cỡ” là dạng lửng lơ ở giữa, không quá kém nhưng cũng chưa đủ giỏi, biết tiếng Anh đã lâu nhưng thường thiếu hụt một kỹ năng nào đấy (ví dụ, ngữ pháp tốt nhưng văn diễn đạt kém, đọc được nhưng nói kém, nghe được cô giáo/bạn bè người Việt nói tiếng Anh nhưng không nghe được người bản ngữ…)
Chân thành mà nói, tôi không phải là người quá giỏi tiếng Anh, nhưng tôi có thể khẳng định rằng mình là người có tiến bộ rõ rệt với ngoại ngữ này. Khi mới vào học Đại học ở Việt Nam, đến mấy câu đơn giản như “Hello, my name is Chi” tôi còn ngọng nghịu, thậm chí có học kỳ còn bị điểm 0 môn Phát Âm, cho đến nay tôi đã hoàn toàn hoà nhập với môi trường sử dụng tiếng Anh với người bản ngữ, không chỉ nghe, nói, đọc, viết tốt bằng tiếng Anh, tôi còn tư duy bằng tiếng Anh, thậm chí ngủ mơ cũng nói tiếng Anh. Rất nhiều người nghĩ rằng tôi học tốt tiếng Anh là vì được gia đình đầu tư đi học sớm, có chồng là người Mỹ, hay được đi học ở nước ngoài nhưng những điều này đều không hoàn toàn đúng. Tiếng Anh của tôi phần lớn là tự học, gia đình tôi cũng không có điều kiện cho tôi đi học trung tâm Anh ngữ từ bé, và tôi cũng phải đạt được một trình độ nhất định để đi du học, chứ không thể đợi đến lúc sang tới nơi mới bắt đầu học tiếng Anh. Vì đã trải qua nhiều khó khăn để tự học, tôi rất hiểu nỗi khổ của các bạn học tiếng Anh phổ thông bao năm toàn ngữ pháp, dẫn đến “câm, điếc” khi giao tiếp với người nước ngoài, hay không có điều kiện học trung tâm hay đi du học để luyện tập nói tiếng Anh. Bài viết dưới đây là một số phương pháp tôi áp dụng để cải thiện trình độ tiếng Anh “lỡ cỡ” của mình.
Đẩy tiếng Anh từ sách vở ra đời sống
Khi còn đi học và đi dạy tiếng Anh tại Việt Nam, tôi nghe rất nhiều học sinh và phụ huynh phàn nàn về cách học “chay” ở các trường phổ thông chỉ chuyên về ngữ pháp, ít luyện tập nghe-nói, khiến học sinh trở nên “câm, điếc” tiếng Anh và có tâm lý “sợ” khi phải đối thoại với người nước ngoài. Hơn ai hết, tôi hiểu khó khăn của học sinh và phụ huynh Việt Nam nhưng thực tâm tôi nghĩ than phiền không thể giải quyết được vấn đề. Quan điểm của tôi là: Nếu không có sẵn môi trường nói tiếng Anh, ta tự tạo ra môi trường nói tiếng Anh cho mình! Thay vì ngồi đó phàn nàn rằng tiếng Anh được học chỉ nằm trên sách vở, tại sao ta không tự mình đưa tiếng Anh từ sách vở ra đời sống?
1. Dùng truyền thông làm phương tiện
So với thời kỳ tôi bắt đầu học tiếng Anh và thậm chí so với thời điểm 4 năm trước khi tôi bắt đầu viết về đề tài này, đã có hằng hà sa số các phương tiện truyền thông miễn phí/giá rẻ mới được tạo ra để mọi người học tiếng Anh. Đã qua rồi cái thời kỳ mà chỉ 1-2 đứa trong lớp nhà có mạng Internet hay có truyền hình cáp, cũng qua rồi cái thời kỳ phải mua thẻ đọc thư viện “Tây” để được nghe CNN và nghe người bản ngữ nói chuyện. Nếu bạn có thể truy cập Internet để đọc bài viết này, không có lý do gì bạn không thể học tiếng Anh!
Truyền hình cáp/Youtube là phương tiện tôi từng sử dụng nhiều nhất để học tiếng Anh. Khi mới vào Đại học, tôi phát hiện ra các bạn nói tiếng Anh hay trong lớp — những người phát âm chuẩn, lên xuống, uốn lưỡi, nhả hơi đúng giọng Anh-Mỹ, Anh-Anh, hay Anh-Úc— đều rất hay cập nhật âm nhạc hoặc phim ảnh nước ngoài. Sau một thời gian lân la dò hỏi, tôi mới biết các bạn này thay vì ngày đêm cày cuốc tiếng Anh “chay” như tôi thì dành thời gian xem các kênh truyền hình cáp (như MTV, HBO) rồi sau này là Youtube để vừa giải trí vừa học tiếng Anh. Cách học này không những vô cùng nhàn hạ, không áp lực, lại rất hiệu quả vì vừa tăng kỹ năng ngoại ngữ, vừa học được văn hoá nước ngoài (bao gồm cả tiếng lóng, thành ngữ, tục ngữ…). Rất khó để ngồi hàng giờ đồng hồ khoanh tay ngay ngắn trên bàn để học tiếng Anh nhưng 3-4 tiếng xem phim hay nghe nhạc tiếng Anh có thể trôi qua rất nhanh.
Tôi còn nhớ chỉ sau khoảng 1-2 tháng xem mấy kênh như MTV, HBO, Star Movie, Discovery Channel … khả năng nghe – nói tiếng Anh của tôi tiến bộ rõ rệt. Vài tuần đầu, sự tiến bộ là rất chậm và không rõ nét, nhưng sau dần, các âm, từ, câu nói tiếng Anh dần “vỡ” ra – đó là khi tôi kết nối được từ vựng trên giấy với cách phát âm chuẩn trên tivi (kết nối này là rất quan trọng đối với những người “lỡ cỡ” mới chỉ biết tiếng Anh “chay”). Mặc dù không có ai luyện tập nói cùng, một cách vô thức, tôi cũng lặp lại thành lời những từ ngữ và câu hội thoại, dần luyện cho mình âm giọng chuẩn. Ngay cả thầy cô và bạn bè học cùng lớp cũng rất ngạc nhiên về tiến bộ của tôi, và càng nhận được nhiều lời động viên, tôi lại càng tự tin nói nhiều hơn, nghe nhiều hơn, và luyện tập nhiều hơn. Cuối năm thứ nhất Đại học, từ chỗ “Hello” còn ngượng nghịu, tôi đã nói được tốt tiếng Anh giao tiếp, và đến năm thứ hai Đại học, tôi đã thuyết trình được bằng tiếng Anh ở những hội nghị quốc tế lớn ở nước ngoài. Nói ra thì không ai tin nhưng phần lớn kết quả đó là nhờ những đêm trùm chăn, ăn vặt, cày phim nước ngoài :).
Tuy nhiên, xem TV/Youtube để học tiếng Anh và xem để giải trí thuần tuý là rất khác nhau! Để học tiếng Anh, tôi thường nhìn vào màn hình, vào diễn viên/người nói nhưng không đọc phụ đề. Đoạn nào nghe thấy từ lạ hoặc cách diễn đạt mới, tôi mới liếc nhanh xuống phụ đề. Có những phim hoặc chương trình về Khoa học, Vật lý khó hiểu thì tôi thường xem phụ đề tiếng Anh rồi ghi và tra lại nếu gặp từ mới. Tôi còn thường xem VTV4 bằng cả tiếng Anh (phụ đề tiếng Việt) và tiếng Việt (phụ đề tiếng Anh) để học cách diễn đạt nội dung song ngữ. Phát thanh viên người Việt của VTV4 thường là những người nói tiếng Anh tốt, giọng êm ái, âm chuẩn mực – rất đáng để học tập. Tôi cũng thường xem talkshows của những người dẫn chương trình hàng đầu thế giới như Oprah Winfrey hay Ellen Degeneres trên Youtube để học cách họ gợi mở câu chuyện và sử dụng ngôn ngữ một cách duyên dáng để đùa (joke) với người đối diện – hiểu được cách nói đùa này rất hữu ích để hoà nhập vào văn hoá phương Tây. Một điều đáng ghi nhớ là không nên sa đà quá sâu vào việc xem TV/Youtube, trong mọi trường hợp, việc học vẫn nên đặt lên trên yếu tố giải trí. Nếu bạn cảm thấy khó để “dứt” ra khỏi màn hình, tôi khuyên nên đặt đồng hồ 1-3 tiếng một lần để nhắc bản thân tắt máy và nghỉ ngơi.
Ngày nay, khi đã sử dụng thành thạo tiếng Anh, tôi thường nghe podcast (một dạng như radio). Trái với TV/Youtube nặng về hình ảnh, podcast tập trung vào âm thanh, giúp tăng tính tập trung hơn, và gợi mở nhiều suy nghĩ có chiều sâu hơn là thuần giải trí. Bất kỳ ai có mạng internet cũng có thể nghe podcast miễn phí, có rất nhiều podcast hay bằng tiếng Anh về đủ mọi chủ đề. Podcast tôi yêu thích nhất là Optimal Living Daily về cuộc sống – rất nhiều bài viết trên blog được lấy cảm hứng từ podcast này (nếu bạn thích đọc The Present Writer, chắc chắn bạn sẽ thích Optimal Living Daily). Việc nghe podcast hay radio bằng tiếng Anh không chỉ giúp tăng kỹ năng nghe tập trung mà còn mở rộng thêm kiến thức về cuộc sống và văn hoá nước ngoài. Tôi có thói quen nghe podcast trên điện thoại di động (bằng Podcasts app), tôi nghe bất cứ lúc nào rảnh rỗi ngồi một mình như khi đang trên xe buýt, đi bộ, làm việc nhà, tập thể dục… Cách “học” này thực sự rất đơn giản, nhẹ nhàng, mà hiệu quả.
2. Sử dụng tốt công nghệ
Thời đại smartphone hiện nay đã mở ra cả một chân trời mới đối với việc học tiếng Anh. Nhưng liệu chúng ta có đang sử dụng tốt công nghệ để phục vụ việc học?
Tôi còn nhớ chiếc điện thoại đầu tiên tôi được sử dụng là chiếc Samsung cũ, chỉ có tính năng nghe, gọi, và ghi âm. Ngay khi đó, tôi đã tận dụng triệt để tính năng ghi âm này để thu lại giọng đọc tiếng Anh của mình, nghe đi nghe lại, nói đi nói lại để sửa phát âm cho thật chuẩn. Ngày nay, có nhiều app điện thoại có tính năng tự phát hiện lỗi phát âm sai và sửa cho người học một cách đơn giản mà chính xác.
Cũng qua rồi thời kỳ lúc nào cũng cầm kè kè quyển sổ từ điển mà tra cứu đến toét mắt hay phải thèm thuồng nhìn bạn học có “kim từ điển” bỏ túi. Tất cả các loại từ điển thông dụng Anh-Anh, Việt-Anh, đồng nghĩa, tục ngữ… đều thu bé lại trong apps điện thoại di động, chỉ cần một cú chạm tay là có thể mở ra cả kho tàng kiến thức.
Ngoài ra, những ứng dụng thông minh (và hoàn toàn miễn phí!) như Grammarly cũng giúp cho người dùng sửa lỗi sai chính tả, ngữ pháp, đặt câu ngay khi đang viết. Đây là một trong những công nghệ mà khi còn đi học tôi có nằm mơ cũng không thấy.
Bởi vậy, nếu bạn muốn bắt đầu học tiếng Anh, khỏi phải tìm kiếm gì đâu xa, nhìn ngay vào chiếc điện thoại, máy tính mình đang dùng hàng ngày. Sử dụng tốt công nghệ là cách học tiếng Anh hiện đại nhất và giản tiện nhất!
3. Làm công tác xã hội với người nước ngoài
Từ những năm đầu học Đại học, tôi đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, liên tục đến tận khi đã đi làm. Tôi từng có thời làm tình nguyện hăng say, quên ăn quên ngủ, lúc nào cũng khát khao được đi thật nhiều, làm thật nhiều, sống một cuộc sống gấp nhưng giàu ý nghĩa để giúp mọi người. Trong quá trình này, tôi làm quen được nhiều bạn nước ngoài sang Việt Nam làm tình nguyện, du lịch thiện nguyện, và học tiếng Việt. Làm việc cùng các bạn làm dày thêm vốn tiếng Anh của tôi rất nhiều và cũng dạy cho tôi thêm nhiều điều về văn hoá nước ngoài.
Đối với các bạn sinh viên đang tự học và muốn nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh của mình, làm công tác xã hội với người nước ngoài là một cơ hội tuyệt vời. Thứ nhất, bạn có thể thực hành tiếng Anh rất nhiều mà không mất phí, thậm chí còn được biết ơn (ví dụ, qua việc dịch hộ người nước ngoài, đưa các bạn đi thăm quan…). Thứ hai, bạn làm được một công đôi việc, vừa giúp được cho người khác qua hoạt động thiện nguyện, vừa trang bị cho mình ngoại ngữ và văn hoá nước ngoài (theo cá nhân tôi là hiệu quả hơn nhiều với việc phải lang thang ở Bờ Hồ hay các khu phố Tây để bắt chuyện với người lạ). Thứ ba, những người ngoại quốc đến Việt Nam để làm tình nguyện đa phần là người tốt, nhiệt tình, cởi mở, và chan hoà – họ là những người đồng hành thực sự thú vị.
Tôi vẫn còn nhớ dự án đầu tiên tôi tham gia với người nước ngoài là phiên dịch cho 2 bạn tình nguyện viên người Scotland và Canada, mỗi người có một âm giọng (accent) khác nhau và đôi khi rất khó để hiểu được cả hai. Với vốn tiếng Anh còn hạn chế của mình, khi đó tôi cố gắng nghe kỹ cách họ phát âm, chủ động hỏi lại ngay khi có gì không hiểu, và so sánh cách họ nói với cách phát âm của mình để học hỏi thêm. Sau vài tháng làm việc cùng 2 bạn, kỹ năng nghe và nói của tôi tăng lên rõ rệt, tôi bắt đầu phân biệt được các âm giọng khác nhau và thích “nhại” theo cách nói của mọi người từ nhiều đất nước nói tiếng Anh khác ngoài Mỹ. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi tình cờ nghe được giọng người Scotland trên đường, tôi lại mỉm cười. Thật ấm áp khi nghĩ về những năm tháng tuổi trẻ rong ruổi trên đường làm tình nguyện, làm quen với bạn bè khắp năm châu, học tiếng Anh “đường phố”, và lặng thầm nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ của mình.
Đọc Phần 2: Viết tiếng Anh như người có học
Đọc Phần 3: Nhìn nhận về tiếng Anh
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Phuongthu says
Cảm ơn chị về bài viết nhé. em cũng đang thuộc tuýp “lỡ cỡ” thế này. Em thấy cách nghe podcast khá phù hợp với cá nhân em. Hiện em đang nghe trên trang spotlight, tốc độ đọc khá chậm và rất dễ để nhại theo.
Mong chờ những bài viết tiếp theo của chị!!!!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc và comment!!! Chị rất thích podcast. Hy vọng thời gian tới podcast sẽ càng phổ biến hơn với các bạn trẻ Việt Nam
Trần Thi says
Cám ơn tác giả rất nhiều: chi tiết, cụ thể và áp dụng được, mình sẽ thử lại
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc bài viết! Trong quá trình áp dụng nếu có điều gì thú vị chia sẻ lại với mình nhé! 🙂
Trang says
Cam on chi Chi nhieu a
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã theo dõi blog!
Tâm says
Cảm ơn bài viết của chị. Em cũng tập nói tiếng Anh bằng nhại lại, nhưng mà mỗi lần nhại thì lại không có cảm giác là mình đang nhại giọng của người ta chị ạ, chỉ như đang lặp lại nội dung người ta vừa nói + ngữ điệu lên xuống thôi, phát âm thì nghe kì lắm :(( Em chẳng biết mình nhại kiểu gì luôn. Chị có lời khuyên nào giúp em không ạ? Em định học thêm một khóa phát âm ở trung tâm, không biết có nên không chị nhỉ?
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết. Nếu em chưa từng học phát âm hoặc rất ít có điều kiện giao tiếp với người bản xứ thì có thể theo học một khoá phát âm cho biết cơ bản. Nếu có cơ bản rồi em sẽ biết cách phát âm chuẩn để “nhại” theo tốt hơn. Còn nếu em đã có cơ bản rồi, chị nghĩ một thời gian kiên trì luyện tập sẽ “thấm” dần thôi. Cố lên nhé!
Thảo Nguyễn says
Em chào chị, em cũng đang là người “lỡ cỡ” nên mừng như bắt được vàng khi đọc được bài này :”>. Em cũng đang luyện nghe tiếng anh trên spotlight và pronunciation trên BBC nhưng có một vấn đề là thi thoảng em không hiểu được hàm ý của người ta là gì ví dụ từ “waters” (các nghĩa em tra không phù hợp với ngữ cảnh) hay “as far away as” (em nghĩ chỉ cần as far as cũng đủ hiểu rồi). Em rất mong bài viết tiếp theo của chị, làm thế nào để có thể hiểu sát ý người viết để có thể học cách viết từ họ ạ :D. Em cảm ơn chị!
Chi Nguyễn says
Chào em! Việc hiểu từ ngữ và thành ngữ theo văn cảnh/hoàn cảnh nói là một kỹ năng khó. Chị khuyên em nên xem TV/phim thì sẽ dễ đoán được văn cảnh hơn. Ngoài ra, cách khắc phục vấn đề này hiệu quả nhất là giao tiếp nhiều với người bản ngữ qua công việc tình nguyện hoặc làm các hoạt động chung. Hy vọng comment này giúp em thêm động lực học t Anh!
Thư Nguyễn says
Em chào chị!
Em rất yêu thích những bài viết của chị, yêu thích cả phong cách sống của chị nữa. Cứ mỗi lần xuống tinh thần, em lại đọc loạt bài chị chia sẻ, những bài viết tạo động lực mà lại rất gần gũi. Em rất mong chờ những chia sẻ tới của chị.
Mong mọi điều tốt lành nhất sẽ tới với chị ạ.
Em cám ơn chị!
Giang Phạm says
Cám ơn Chi về bài viết hay. Chị cũng thích kiểu “bắt chước” hay “nhại” theo người nước ngoài. Trước đây mỗi lần gặp người nước ngoài, nói chuyện mà họ nói “Thank you” mình là c cũng kiểu “cứng họng” k biết trả lời làm sao, chỉ cười. Dần dần đi “hóng” 2 người nước ngoài nói chuyện vơis nhau mình mới quan sát và bắt chước cách họ nói chuyện qua lại, dần dần cũng tạo được phản xạ cho mình 🙂
Chị chỉ có 1 chút chia sẻ về kinh nghiệm “bắt chước” của chị.
Khi nào Chi viết bài về hướng dẫn cách viết học thuật hiệu quả được không em? Chị nghĩ các bạn đi học (như chị chẳng hạn) rất muốn biết làm sao có thể vận dụng từ ngữ trong văn viết hiệu quả. Nhiều khi đọc papers thấy có đoạn hay, mình không viết làm sao để thoát ý như họ Và tránh “đạo văn”.
Mong chờ bài viết tiếp theo của em
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị đã chia sẻ! Tuần tới em sẽ có bài về kỹ năng viết. Có thể bài này chưa sâu được về học thuật nhưng em sẽ cố gắng lồng ghép nội dung này ở những bài sau nữa ạ. Chị đón đọc thêm chị nha! 🙂
Giang Pham says
Hi Chi,
Nghe Optimal Living Daily rất là hay. Thank you for your suggestion.
Have a good day, em 😉
Chi Nguyễn says
Yay! Vậy là lại có thêm một bạn “nghe đài” Optimal Living Daily 😀
Huy says
Em chào chị chi, em cảm ơn chị rất nhiều về bài viết, nó đã khơi lại cho em động lực và hứng thú để đi tình nguyện, để ra ngoài và khám phá nhiều hơn.
Những phần học lý thú như xem video và nghe postcard thì em cũng có được dịp xem hướng dẫn, và em sẽ thực hiện trong thời gian tới, em hứa :)) . Vì giai đoạn này em đang học phương pháp Effoless English để tăng cường khả năng nghe và phản xạ. Em thấy bản thân em mới học đã có tiến bộ lên 1 ít.
Không biết chị và mọi người có biết đến phương pháp này không và có ai đã thành công với phương pháp này có thể chia sẻ thêm!
Cám ơn chị lần nữa và chúc chị nhiều sức khỏe !!!
Chi Nguyễn says
Chào Huy! Chị chưa nghe tới phương pháp em nhắc tới bao giờ, chị sẽ tìm hiểu thêm sau bài viết này. Nếu em cảm thấy phương pháp nào hiệu quả mà nhẹ nhàng nhất cho bản thân thì chắc chắn đó là phương pháp tốt! 🙂
T.pham says
Em chào chị. Em đúng là người học tiếng anh lỡ cỡ như chị mói ở trên. Ngữ pháp ổn nhưng khó giao tiếp. Em muốn tham gia các câu lạc bộ như dạy tiếng việt cho người nước ngoài hoặc dẫn tour nhưng hiện tại em nói rất kém. Sợ tham gia rồi không nói được. Liệu em nên làm thế nào ạ
Chi Nguyễn says
Chào em! Ai mới bắt đầu học giao tiếp tiếng Anh thì cũng ngại nhưng ai cũng phải qua được cái “ngại” ấy thì mới nói được tiếng Anh. Nói sai thì sửa thôi, không có gì phải sợ cả em ạ. Nếu em vẫn cảm thấy run thì trước khi bắt đầu làm việc, nói chuyện, hoặc dẫn tour, em thẳng thắn nói với các bạn là “mình mới bắt đầu tập hội thoại tiếng Anh, nếu có gì nghe không rõ, các bạn cứ hỏi lại và sửa cho mình nhé” thì sẽ không có ai đánh giá em đâu. Thành công hay thất bại chỉ là có vượt qua được bản thân mình không thôi em ạ. Cố lên nhé!
Ánh Nguyệt says
Cảm ơn những chia sẻ của chị. Hóng các bài đăng tiếp theo của chị nữa 🙂
Thu Phuong Pham says
Mình thích câu cuối bài Chi ah:” lặng thầm nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ của mình”
Chi Mai says
Em cảm ơn chị rất nhiều thông qua các bài viết của chị. Chúc chị cùng gia đình luôn mạnh khỏe.
Thu Hợi says
Đang trong quá trình tự học tiếng anh, gặp được bài viết này của chị thật sự quá tuyệt. Em chỉ ước khi còn đang trên giảng đường đại học đã biết tới bài viết này của chị, chắc chắn tiếng anh đã sớm đi vào cuộc sống của em hơn rồi.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Chị thấy tự học tiếng Anh rất khó nhưng nếu có phương pháp thì mình có thể tiến bộ rất nhanh, nhất là nếu tự học bằng cách xem giao tiếp chuẩn qua phim ảnh, video nói tiếng Anh… Chị có viết 1 series mấy bài về đề tài học tiếng Anh, em có thể tham khảo thêm trên blog nhé 😀
Mai Ngọc Thư says
Cảm ơn chị rất nhiều về bài viết ạ!!!
Van says
Chị Chi ơi, bài viết nào của chị cũng hay quá, mà lại áp dụng dc luôn: từ việc học TA, 80/20… e ước mình đọc dc bài viết của chị mấy năm trc
Vân anh says
Chij biết đến những dự án tình nguyện xã hội như vậy thông qua trang web nào. Có thể chia sẻ thêm ko vì e cũng muốn tham gia những dự án tình nguyện như vậy
Dan Lin says
Em chào chị , em cũng thuộc team những người học lỡ cỡ. Em muốn hỏi những người mới bắt đầu nghe qua TV/ YouTube hay podcast giống như Chi lúc nghỉ 3 tuần chỉ xem TV không có phụ đề. Thì lúc đó việc nghe như thế mình không hiểu gì cả và nhiều từ lạ, cấu trúc và họ nói nhanh nữa mình chưa hình dung được gì cả . Em không biết là lúc đó chị có tra từ hay cách nào đó hay chỉ mỗi nghe sau 3 tuần đó Tự khá lên ạ? Và 1 điều nữa là người mới bắt đầu nghe mình nên nghe có chủ đề English hay không ạ? Hay chị có những các bước nghe để cải thiện không ạ? Em cảm ơn
Chi Nguyễn says
Chị không tra từ gì cả mà chỉ nghe không thôi (vì lúc đó chị định nghỉ học, chán chường ở nhà xem tv cho vui thôi), xem ngày xem đêm thì dần ngấm vào đầu. Chị nghĩ là như vậy. Vì trước đó chị cũng “tình cờ” học tiếng Trung thông qua việc xem TVB (kênh truyền hình Đài Loan). Chị nghĩ là nếu em mới học em nên kết hợp vừa nghe theo chủ điểm, có phụ đề và vừa nghe chay để ngấm tự nhiên như chị từng làm là tốt hơn cả. Chị sẽ làm thêm video về chủ đề nghe nhé
Lê Anh minh says
Rất hay, bài viết rất bổ ích cho tôi tiếp thu nhũng cái hay, cảm ơn bạn nhé
Daily lover says
Em chào chị ạ. Em có một câu hỏi sau khi đọc xong bài viết của chị đó là hiện tại em vẫn có thể nghe được tiếng anh nma khi làm bài thi yêu cầu phải điền từ keyword và chỗ trống thì em vẫn không bắt đc và bị fail ạ. Chị có thể cho em lời khuyên để cải thiện tình hình này đc ko ạ? Em cảm ơn chị rất nhiều ạ.
Chi Nguyễn says
Chị nghĩ nếu em nghe được nhưng không bắt được keyword thì có lẽ em cần tăng từ vựng hoặc cần nghe theo loại bài điền chỗ trống nhiều hơn để luyện tập
Daily lover says
Dạ em cảm ơn chị rất nhiều ạ.
Khang says
Em cám ơn chị nhiều về bài viết . Chị cho em hỏi về app sửa phát âm của bản thân được không ạ ?
Chi Nguyễn says
Em có thể sử dụng app ELSA thử xem nhé (Chị có review trên blog)
Phan Thị Tố Nga says
Chị ơi chị có thể chia sẻ làm thể nào để tham gia các hoạt động tình nguyện cùng người nước ngoài không ạ? Chị cho em xin thông tin của tổ chức mà chị tham gia nhé ạ
Phan Thị Tố Nga says
Chị ơi em có provide nhầm email thành mail cty. Chị revise lại giúp e mail nhận new letters là tongaphan20101998@gmail.com nhé ạ
Thuat Bui says
Chào chị Chi. Em cũng thuộc tuýp “lỡ cỡ” khi học tiếng Anh. Em muốn hỏi chị khi nghe nên bật phụ đề hay không ạ?
Chi Nguyễn says
Em nên bật phụ đề để học song song nhé