Tôi học đọc
Nhiều người bắt gặp tôi đọc tài liệu academic (học thuật/chuyên ngành) hay nonfiction (phi giả tưởng) từng kêu trời lên rằng: “Không thể tưởng tượng được cậu suốt ngày đọc những cái khô khan như thế này! Cậu không thấy chán, không thấy buồn ngủ à?” Những lúc như thế, tôi lại tủm tỉm cười. Tôi nhớ mình từng đặt những câu hỏi y chang như vậy khi thấy mọi người đọc hàng tập tài liệu dày đặc chữ với số ở thư viện. Làm sao họ có thể đọc lâu thế trong khi mình thì cứ mở quyển sách ra là buồn ngủ tới rơi cả mắt? Chăm chú đọc truyện tranh hay truyện chữ giả tưởng kiểu kiếm hiệp, ngôn tình thì còn có thể lý giải được nhưng đọc academic với nonfiction thì có cái gì mà hấp dẫn thế? Tôi vẫn còn nhớ hồi học Đại học, mỗi lần phải đọc sách chuyên ngành (bằng tiếng Anh) từ 10 trang trở lên là một lần hạ quyết tâm lên, quyết tâm xuống, rồi tốn bao nhiều trà, cà phê, nước tăng lực để chống chọi cơn buồn ngủ. Có những hôm phải mất nguyên cả ngày đứng lên, ngồi xuống mới đọc được 30 trang tài liệu. Đọc quả là một thảm hoạ!
Khi mới bắt đầu sang Mỹ học Thạc sĩ, tôi vẫn tiếp tục đọc rất chậm trong khi khối lượng bài đọc mỗi ngày một nặng, gấp hàng chục tới hàng trăm lần hồi học Đại học tại Việt Nam. Có những tuần tôi được yêu cầu đọc 3 quyển sách chuyên ngành, mỗi quyển ít nhất 300 trang để thuyết trình và thảo luận trên lớp. Với áp lực phải đọc và tiếp nhận khối lượng kiến thức lớn như vậy, tôi cố gắng hỏi và quan sát cách các bạn trong lớp đọc, ghi chép, và diễn đạt ý hiểu của mình trên lớp để “bắt chước” làm theo ở nhà hoặc ở thư viện. Tôi cũng tự tìm tòi, nghiên cứu, và thử nghiệm các phương pháp đọc khác nhau để rút kinh nghiệm cho mình.
Xem video để thấy cách đọc nhanh tôi bắt đầu xây dựng trong thời kỳ này:
Bằng cách áp dụng vài quy tắc cơ bản, đến kỳ 2 Thạc sĩ, tốc độ đọc của tôi tăng lên rõ rệt, có thời điểm tôi đã đuổi kịp, thậm chí vượt lên tốc độ đọc của các bạn bản ngữ học cùng. Tuy nhiên, đọc nhanh cũng dẫn đến việc không nắm được chắc ý và thiếu tập trung khi đọc những tài liệu khó – những điểm mà tôi phải rút kinh nghiệm và luyện tập thêm vài năm sau đó.
Cho đến khi học lên Tiến sĩ và trở thành nghiên cứu sinh, đọc trở thành công việc chính của tôi. Tôi được trả lương để đọc. Công việc đầu tiên tôi được nhận là đọc hơn 200 bài báo chuyên ngành, lọc ý, tóm tắt, và viết lại thành một Literature Review (cơ sở lý luận) cho giáo sư. Trong quá trình biến đọc trở thành một hoạt động cố định mà tôi làm hàng ngày (như đánh răng, rửa mặt vậy), tôi đã xây dựng một số phương pháp để đọc tốt hơn cả về số lượng (đọc nhanh hơn) và chất lượng (đọc tập trung, nắm tốt ý).
Ngày nay, đọc tài liệu academic và nonfiction không còn là thảm hoạ với tôi nữa, đọc trở thành một kỹ năng, một thói quen giao thoa giữa công việc và sở thích. Đọc đưa tôi đến với nhiều kiến thức thú vị – những tri thức không chỉ áp dụng cho nghiên cứu mà còn cho đời sống hàng ngày (rất nhiều điều tôi viết trên blog ra từ sách academic và nonfiction). Nếu không vì thích đọc, chắc chắn tôi sẽ không thích viết và sẽ không viết thường xuyên như thế này. Đọc và học đọc thực sự đã tạo ra những thay đổi gốc rễ và tích cực cho cuộc sống của tôi những năm qua.
Phương pháp đọc của tôi
Trước khi chia sẻ phương pháp đọc của tôi, tôi muốn nhấn mạnh một điều là dù cùng đọc một loại tài liệu, mỗi người sẽ có phương pháp đọc riêng, không ai giống ai và không có phương pháp đọc nào đúng với mọi trường hợp. Phương pháp đọc của tôi (hay hàng vạn phương pháp đọc khác trên đời) chỉ có ý nghĩa tham khảo. Cách duy nhất để tìm ra phương pháp đọc phù hợp nhất của mình là phải đọc nhiều, thử nghiệm các phương pháp khác nhau, và không ngại thay đổi linh hoạt để đáp ứng với đặc điểm của bài đọc. Nâng cao kỹ năng đọc luôn là một quá trình lâu dài tìm tòi, phát triển, và không ngừng luyện tập (bằng cách đọc nhiều và đọc hiệu quả) để ngày một tốt hơn.
Dưới đây là một vài gợi ý của tôi:
1. Đọc có chọn lựa
Điều đầu tiên tôi thường nói với sinh viên/bạn bè của mình khi vào Cao học là đừng kỳ vọng mình sẽ đọc được hết tất cả những tài liệu được giao cho từng từ, từng chữ một. Ngay cả những giáo sư lâu năm trong nghề, mặc dù ngày nào cũng đọc, viết, và suy nghĩ, họ cũng chỉ có thể đọc kỹ lưỡng một số tài liệu nhất định mà thôi. Số còn lại, họ đều đọc lướt để lấy ý. Ở trình độ học viên, khi khả năng đọc (đặc biệt đọc ngôn ngữ nước ngoài) của mình còn thấp, tôi rất khuyên mọi người nên đọc có chọn lựa.
Thứ nhất, bạn chỉ nên dành thời gian đọc những bài báo/sách thực sự có giá trị và có liên hệ đến những vấn đề mình quan tâm. Để có lựa chọn tốt, bạn có thể dựa vào review của sách trên mạng, số lượng trích dẫn (citation) của bài báo, và giới thiệu của bạn bè, thầy cô, internet.
Thứ hai, khi lần đầu tiếp xúc một tài liệu, bạn chỉ nên đọc lướt (scan/skim) tiêu đề, tóm tắt (executive summary/abstract), mở bài, kết bài, và có thể cả phần phương pháp (methodology) đối với nghiên cứu khoa học vì đây là những phần xương sống của tài liệu. Nếu những phần này không rõ ràng hoặc không nói lên liên hệ gì với vấn đề bạn đang quan tâm, bạn có thể đưa ngay ra quyết định ngừng đọc tiếp.
Thứ ba, khi đọc những phần xương sống này, bạn có thể tăng hơn nữa tốc độ đọc bằng cách tập trung vào 1-2 câu mở đầu của từng đoạn (thesis statements), tiêu đề phụ (subtitles), mô hình/bảng biểu mình hoạ, và hệ thống danh từ, động từ của từng câu vì đây luôn là những phần nêu ra ý chính của từng phần nhỏ trong bài.
Qua ba bước đọc nhanh này, bạn có thể dễ dàng nắm được ý chính của tài liệu và đưa ra quyết định có đọc tiếp/đọc kỹ hay không trong vòng 3-5 phút.
2. Luôn ghi chép
Từ những năm học phổ thông, tôi đã nhận ra sức mạnh của ghi chép. Ghi chép giúp tăng độ tập trung lên rất cao vì hoạt động này bắt buộc não bộ phải xử lý thông tin nhận được, làm cho thông tin có nghĩa, chọn lọc thông tin, rồi chuyển hoá thành con chữ trên giấy qua hoạt động thể chất (viết tay/đánh máy). Vì vậy, khi đọc bất cứ tài liệu nào dạng academic hay nonfiction, tôi đều dùng bút chì/con trỏ chuột để gạch chân phần quan trọng hoặc ghi lại bên lề. Nếu đọc sách giấy mà không mang theo bút hoặc đọc tài liệu bản mềm mà không ghi chép được lên máy, tôi không thể đọc tập trung quá 15 phút!. (Xem video để thấy rõ hơn cách tôi ghi chép trên sách)
Ghi chép còn giúp việc đọc thú vị hơn vì khi đã có ý thức ghi chép, ta thường sẽ có thêm động lực để kiếm tìm và ghi lại những ý tưởng quan trọng, thú vị của tài liệu. Từ đó, việc đọc cũng trở nên sôi nổi, lôi cuốn, vui vẻ hơn. Với những ai thường phải học thuộc lòng, bạn biết là đọc chữ cho chính mình viết ra luôn dễ hiểu và dễ nhớ hơn là đọc ghi chép của người khác. Vì vậy, ghi chép còn giúp tăng khả năng nhắc lại khi bạn cần review lại nội dung bài đọc hoặc cần học thuộc lòng.
3. Xây dựng một “hệ thống” đọc phù hợp
Mỗi người nên có một “hệ thống” (system) đọc riêng. Hình dưới đây là hệ thống của tôi khi đọc sách chuyên ngành – một nội dung đọc yêu cầu sự tập trung rất cao.
Mỗi khi ngồi xuống bàn, tôi thích mở ra cuốn Productivity Planner của mình để quản lý thời gian đọc tài liệu.
Với tài liệu mở bên cạnh (có thể là tài liệu giấy hoặc tài liệu điện tử trên máy tính), tôi sẽ mở cuốn sổ của mình ngay bên cạnh. Cuốn sổ này, như bạn thấy trên hình, được chia làm 2 phần. Bên tay trái trang sổ tôi ghi lại ý chính hoặc những ý thú vị của tài liệu (kèm theo số trang để tiện tra cứu lại). Bên tay phải trang sổ, tôi viết suy nghĩ của cá nhân mình về bài đọc, liên hệ từ bài đọc này sang bài đọc khác, hoặc câu hỏi tôi có đối với bài đọc. Đây là cách làm của riêng tôi để tách biệt đâu là thông tin từ bài đọc và đâu là suy nghĩ cá nhân.
Xem video dưới đây để thấy rõ hơn cách chia sổ này:
Cách làm này đặc biệt hữu ích khi tôi cần phát biểu trên lớp, trong hội thảo, hay trong cuộc họp. Mỗi lần cần đưa ra ý kiến của mình, tôi chỉ cần nhìn vào phần bên phải để chuẩn bị ý tưởng và nói cho rõ ràng, đồng thời đối chiếu với phần bên trái để người nghe có thể cùng đối chiếu vào văn bản.
Tôi cũng để một vài tờ nhắn màu sắc bên cạnh để ghi chú lại ý tưởng và dán vào vở/ sách. Tuỳ vào tính chất của từng bài đọc, tôi đôi khi còn làm thêm một bước nữa là đánh máy nhanh tóm tắt bài đọc, lưu lại ở một file chung trên máy tính để sau này có thể tìm lại dễ dàng.
4. Sắp xếp tài liệu đọc
Với khối lượng tài liệu đọc nhiều, việc sắp xếp tài liệu đọc là rất quan trọng để theo dõi tiến trình đọc thường xuyên và xem lại ý chính của bài đọc khi cần (rất quan trọng đối với sinh viên và những người làm nghiên cứu). Đối với tài liệu giấy, tôi có một hệ thống sắp xếp riêng trên giá sách theo thể loại và chủ đề. Tuy nhiên, mấy năm gần đây tôi đang thực hiện giảm thiểu việc đọc trên giấy và tăng lên việc đọc trên máy để có thể di chuyển dễ dàng hơn với tài liệu và có thể đọc mọi lúc, mọi nơi (trừ khi phải đọc trong thời gian gấp rút thì đọc trên giấy vẫn hiệu quả hơn). Vì vậy, tài liệu nào không cần nữa tôi thường cho đi, huỷ đi, hoặc scan để giữ lại trên máy tính.
Đối với tài liệu điện tử, tôi sử dụng Mendeley để sắp xếp tài liệu và ghi chép dạng PDF, sử dụng Kindle lưu trữ và đọc sách, và Dropbox hoặc Google Drive để lưu và chia sẻ tài liệu. Hiện nay, càng ngày càng có nhiều công nghệ để sắp xếp và lưu trữ tài liệu, bạn đọc có thể nghiên cứu và chọn cho mình loại hình công nghệ thích hợp nhất.
***
Tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn đọc củng cố hơn kỹ năng đọc của mình và không còn ngại đọc thể loại academic/nonfiction nữa. Nếu bạn có bí quyết đọc nào nhanh, tập trung, và hiệu quả, hãy chia sẻ với tôi cùng các bạn đọc khác trong phần comment dưới đây nhé!
Đừng quên xem video dưới đây để thấy được các phương pháp đọc trong thực tiễn:
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Tran Lien says
Em đợi bài này của chị Chi rất lâu rồi. Em thấy rất hữu dụng cho mọi người vì bây giờ có rất nhiều phương tiện và các thứ… cái gì cũng cần mọi người phải đọc. Em thích việc chị Chi chia ra làm 2 cột, 1 bên trích dẫn từ tài liệu và 1 bên là suy nghĩ, thắc mắc của bản thân và thêm cái review nữa. Làm như vậy mình sẽ không bỏ sót, hiểu và nhớ lâu hơn. Em sẽ áp dụng thôi.
Tuy nhiên, chị Chi có thể cho em biết thêm, ngoài việc mình nhận được gì từ nội dung thì trung bình những quyển sách bao nhiêu trang cần đọc bao nhiêu lâu thì gọi là hiệu quả vậy chị? Vì em có nhiều khi không thể đọc liên tục, khi bắt đầu quay lại đọc tiếp thì cảm giác mình không được xuyên suốt lắm.
Chi Nguyễn says
Hi em! Cám ơn em về câu hỏi thú vị! Chị nghĩ là sẽ không có một con số nào chuẩn cho việc đọc sách bao nhiêu trang trong bao nhiêu lâu thì ổn bởi vì độ khó của từng văn bản khác nhau, chưa kể có những cuốn sách tác giả cố ý để dấu hiệu để độc giả dừng lại suy nghĩ chứ không “hùng hùng” đọc hết ngay (ví dụ, “The Power of Now”). Chị cũng đồng ý là không thể đọc liên tục hàng tiếng đồng hồ và đọc như thế theo chị cũng chưa chắc hiệu qủa vì cần thời gian để “thấm”. Để tránh trường hợp đọc tiếp không cảm thấy xuyên suốt, cá nhân chị thường lần lại theo dấu gạch/note bút chì của mình để nhớ lại ý của đoạn. Có những cuốn sau mỗi chương chị có viết lại một vài từ hoặc một vài câu tóm tắt để lần sau đọc lại dễ bắt mạch cảm xúc hơn. Hy vọng những tips nhỏ này giúp được em!
Tran Lien says
Em cảm ơn chị Chi rất nhiều. Chị đã cứu cánh tinh thần em rất nhiều.
Chi Nguyễn says
Vậy hả? Hihi. Chị rất vui vì giúp được em
Thebutchi says
Em chào chị. Em cảm ơn chị rất nhiều với những gì chị đã chia sẻ, em biết ơn rất nhiều. Ở trên phần bài viết chị có đề cập đến các vấn đề của việc đọc nhanh và hiệu quả như thế nào, nó tập trung nhiều vào việc đọc các tài liệu học thuật hay phi giả tưởng. Dạ có một vấn đề nữa em muốn hỏi, rất vui khi nhận được giải đáp của chị rằng: Khi mình đọc các bài viết trên blog như thế này hoặc đọc sách để relax hoặc là tiếp thu kiến thức kĩ năng thì dĩ nhiên là áp dụng được những phương pháp này, nhưng em vẫn có 1 trăn trở rằng chị sẽ có các cách riêng lẻ nữa để mình biến kiến thức đã được đọc trở thành của mình, cách đọc và tiếp thu hiệu quả các kiến thức từ bài blog và đọc làm sao để nhớ được các tình tiết diễn ra trong tiểu thuyết hay truyện hay các bản tin,….. Những điều em thắc mắc có diễn đạt gì cộc lóc, hay thiếu mạch lạc hoặc kém duyên gì đấy, mong chị thứ lỗi và bỏ qua cho em nha🥰. Em cảm ơn chị Chi rất nhiều. Sớm hôm nhận được phản hồi của chị. Cảm ơn chị một lần nữa ạ 🥰🥰🥰🥰🥰🥰
Chi Nguyễn says
Cách chị làm để “hấp thụ” kiến thức chính là viết những bài blog để chia sẻ kiến thức (giúp mình nhớ hơn) và tìm cách ứng dụng tốt hơn vào đời sống hàng ngày của mình
Trần Thi says
Khoa học, hiện đại , cụ thể và hữu ích, cám ơn Chi đã chia sẻ kinh nghiệm quí báu!
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc bài viết! Mình rất mong mọi người chia sẻ phương pháp đọc này cho người thân và bạn bè nữa 🙂
Giang Pham says
Chào Chi,
Chị mới biết đến trang blog này của Chi từ hôm qua. Ngồi đọc ngấu nghiến 1 loạt bài viết của em mà thu nhận được rất nhiều thông tin mới, thú vị và học được quá nhiều thứ từ em. Có nhiều bài viết còn nhìn thấy hình bóng mình trong ấy (Cái vụ xin học bổng Tiến sĩ của em ấy), nhưng thật sự là chị chưa đạt được đến level như em 😀
Cám ơn em rất nhiều vì đã “truyền lửa” cho nhiều bạn đọc (như chị) và chờ đón nhiều bài viết nữa của em. <3
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị! Chị cũng đang học cao học ở nước ngoài ạ? Em dự định sẽ viết thêm nữa về cuộc sống ở nước ngoài, đặc biệt là giai đoạn mới đặt chân đến đất nước xa lạ trong thời gian tới
Giang Pham says
Hi Chi,
Chị bắt đầu làm TS được 6 tháng rùi. Đọc bài của em chị cũng đang nghiền ngẫm để tìm cho mình cách đọc hiệu quả. Nhưng từ đọc sang viết vẫn là một thử thách đối với chị. Ngóng chờ tiếp nhiều bài viết của em. Rất hay, thực tế, và dễ đi vào tâm trí người đọc 😉
Chúc em sức khỏe và hạnh phúc.
Chi Nguyễn says
Chúc mừng chị bắt đầu vào con đường học thuật! Em rất vui vì gặp nhiều bạn học TS trên blog này. Em sẽ viết nhiều hơn về cuộc sống nghiên cứu sinh trong những bài viết tới
THÙY TIÊN says
chị ơi, bài viết hay quá ạ. Em cảm ơn chị rất nhiều ạ. Em đã học được thêm được thói quen ghi chép khi đọc rất hữu ích ạ.Hồi trước em chỉ có thói quen là đọc sách thôi,nhưng bây giờ em đang muốn rèn luyện thêm thói quen vừa đọc, vừa ghi chép, và sau khi đọc xong mình sẽ tóm tắt sách. Vậy tóm tắt sách gồm những bước nào chị,chị chia sẻ thêm cho em với ạ. Em cảm ơn chị
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết! Ghi chép đúng là có sức mạnh rất lớn. Trong quá trình đi du lịch chị cũng thường ghi chép về những thứ mình gặp trên đường và cảm xúc của bản thân nữa. Rất thú vị! 🙂
Thùy Tiên says
Chị ơi, chị có thể viết tiếp bài về làm thế nào để viết tóm tắt sách và tư duy phản biện khi đọc sách được không chị. Em rất mong chị chia sẻ thêm về vấn đề này ạ. Chúc chị tuần mới vui
Chi Nguyễn says
Chào Tiên! Cám ơn em đã gợi ý, chị sẽ cân nhắc viết bài về đề tài này hoặc lồng ghép chia sẻ trong bài đề tài gần gũi sau
Linh Nguyen says
thường xuyên ra bài viết mới chị nhé <3
Chi Nguyễn says
Cám ơn em. Chị sẽ cố gắng 🙂
Vu Thi Tuyet says
Cảm ơn Chi Nguyễn về những bài viết có chất lượng như này. Cảm ơn vì chị đã biết đến blog của em. Mong là em sẽ chia sẻ nhiều kiến thức hơn nữa.
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị đã theo dõi blog!
.SS. says
Em chào chị,
Em vô tình biết đến trang này và rất yêu thích những bài viết của chị, đặc biệt là 2 bài gần đây về quy luật 20/80 và bài chia sẻ này về cách đọc tài liệu academic của chị. Em đang trong giai đoạn cần nghiên cứu nhiều tài liệu nước ngoài và viết thesis nên những bài viết này đặc biệt có ý nghĩa với em. Em đã áp dụng cách take note khi đọc và dán lên 1 bảng lớn để có cái nhìn tổng quát hơn và thấy hiệu quả hơn hẳn.
Cảm ơn chị và chúc chị luôn vui khoẻ, có thêm nhiều động lực để duy trì và phát triển blog này trong tương lai 🙂
Chi Nguyễn says
Chị rất vui vì em thích 2 bài mới nhất của blog! Mong em sẽ ghé blog thường xuyên để cập nhật bài mới 🙂
HƯNG PHAN says
Tôi xin cảm ơn Chi rất nhiều.Khi tôi đọc được những chia sẻ của Chi đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống và công việc.Vì vậy Chi có thời gian rãnh hãy chia sẻ những kinh nghiệm sống cũng như trong công việc để mọi người được học tập nhiều hơn!
Mark Tuyen says
Bài viết bổ ích quá ạ. Cảm ơn vì những chia sẻ của chị!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc blog! <3
Huyền Nguyễn says
Cách đọc của chị cũng tương tự em, nên chị đọc khá nhanh và chắc ý. Chỉ có thêm vài chia sẻ là, từ ngày áp dụng cách này chị rất kén sách, ko đọc tràn lan như xưa nữa :”>. Vì dù đọc nhanh, nhưng mình cũng phải tập trung năng lượng để tìm ra mạch ý xuyên suốt cuốn sách. Trong lĩnh vực mình quan tâm, tiêu chí hàng đầu là tác giả – Liệu người đó viết có đủ tốt, đủ mạch lạc, đủ sâu và bao quát để mình lĩnh hội được kiến thức đó không? (Vì mình kém rồi, phải chọn người viết tốt thì mới hiểu được vấn đề =)) )
Khi định đọc một cuốn sách nào đó, chị chú ý để tách biệt các hoạt động ra 1 vài buổi/các khoảng thời gian khác nhau, ví dụ:
1. Đọc mục lục + Hình dung mạch ý + Đọc phần mở đầu, kết thúc sách + Đánh dấu những phần mình nghĩ sẽ quan trọng nhất với mình để đọc trước.
2. Đọc những phần quan trọng, trong đó đọc phần đầu + kết luận + ví dụ – Để hình dung phần lý thuyết. Khi đọc gạch chân/highlight những phần quan trọng.
3. Đọc những phần mình đã nghĩ là ít quan trọng hơn. Cách đọc tương tự như trên; với phần này có thể rút ra hoặc ko rút ra được điều gì mấy. Các trang sách thấy ko quan trọng chị gạch thẳng dấu X vào nguyên trang.
4. Take note. Lúc này chị mới dùng stickynote để gom lại một số text được gạch chân/highlight mình thấy quan trọng nhất và là phần xương sống của vấn đề, theo từng chương hoặc đề mục lớn một. (Vẫn theo thứ tự phần quan trọng note trước, ít quan trọng note sau). Sticky note dán luôn trên các trang sách đầu chương/đề mục.
5. Xem lại các note của mình từ đầu đến cuối sách.
Sau đó có thể chuyển sang thành phần áp dụng cho bản thân mình hoặc tóm lược / nhận xét. Phần sticky note có thể để nguyên trên trang sách hoặc chuyển hết sang một cuốn sổ khác.
Chị để ý thấy là chị rất hay đọc sách từ khoảng giữa đến cuối sách, sau đó mới đọc ngược trở lại nửa đầu sách – Thường nửa đầu này nói đến những khái niêm cơ bản, những thứ mình có thể biết rồi hoặc ko cần dùng đến.
Với cả, chị take note bằng bút chì thôi, sau này thấy sai thì sửa lại cho dễ :D. Và nhìn chung vẫn ko thích đọc trên máy; thích cầm quyển sách, biết nó dày từng nào, mình vừa đọc xong được bao nhiêu trang hehe
Chi ơi, chị thấy em nói về phần viết. Em có thể chia sẻ thêm về cách take note/tốc ký của em ko? Chị đọc trong quyển “Du học trên đất Mỹ” của Vương Quyên có một đoạn chị ấy dùng tốc ký để ghi chép tất cả mọi thứ sếp chị ý nói (rất nhanh và nhiều).
Cám ơn em hehe
Chi Nguyễn says
Em chào chị! Cám ơn chị đã dành thời gian comment chi tiết về kinh nghiệm đọc này. Em nghĩ không chỉ em mà các bạn đọc blog cũng sẽ học được qua comment này của chị :D. Em rất đồng ý là mình nên “kén” sách một chút để đọc được đến hết. Em có xem một bài phỏng vấn với Bill Gates, ông chia sẻ là mình có một cam kết là sẽ không bao giờ bỏ dở một cuốn sách, đã mua, đã đọc là phải đọc hết. Chính cam kết này giúp Bill Gates “kén” sách hơn và đọc có trách nhiệm hơn. Em cũng đang cố gắng được như vậy!
Về cách tốc ký, em cũng không có phương pháp nào cụ thể nhưng cá nhân em vốn là người viết khá nhanh vì em trước học chuyên văn phải viết nhiều. Tuy nhiên, lần này về Việt Nam em mới phát hiện ra mẹ em còn viết nhanh hơn, viết rất rõ ràng và đủ ý của người nói. Mẹ em là nhà báo hơn 30 năm nay nên kỹ năng này có được từ việc đi phỏng vấn người khác (thời còn chưa có ghi âm). Do vậy, em nghĩ tốc ký có thể thuần thục được qua luyện tập ạ 😀
Huyền Nguyễn says
Đọc phần mở đầu + kết luận + ví dụ, sau đó mới đọc phần lý thuyết chính 😀
Ano says
Em lang thang trên mạng tìm kiếm “Minimalism” thì thấy blog của chị. Em rất thích chủ đề về chủ nghĩa tối giản mà không hiểu sao không comment được. Nhân tiện góp ý nhỏ chị có thể sử dụng plugin TinyMCE Advanced để canh đều (justified) các đoạn văn cho nó khỏi thụt ra thụt vào, như vậy bài viết sẽ đẹp hơn.
Chi Nguyễn says
Hi em! Cám ơn em đã comment trên blog và recommend chị plugin. Chị cũng có thể justified văn bản đánh nhưng có thể chị bị ảnh hưởng lối viết academic bên Mỹ họ vào lề trái chứ không justified để dãn chữ. Chị sẽ xem lại tổng thể blog và thử sử dụng plugin em nói. Cám ơn em nhiều!
Hiếu says
Cảm ơn chị về bài chia sẻ này, em thật sự rất vui khi được đọc nó. Em đọc tài liệu chuyên ngành rất kém và mất tập trung, đôi khi em dành cả giờ để đọc nó nhưng đọc xong em lại không hiểu đang ý nói của bài đề cập về cái gì. Hy vọng cách đọc vừa ghi và note lại thông tin của chị sẽ giúp em hữu ích.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết! Đọc tài liệu chuyên ngành thường là khó đọc và dễ gây buồn ngủ nhất. Đối với chị, ghi chép, gạch chân câu-từ quan trọng là biện pháp hữu hiệu để tập trung
AnAn says
Hi chị Chi,
Việc ghi chép đúng là giúp nhớ đoạn kiến thức đó lâu hơn. Tuy nhiên, em thấy tốc độ đọc của em sẽ bị chậm đi. Sau đó, dẫn đến việc đoạn đó em đọc kĩ tới đoạn sau thì lại bị lướt. Như vậy, vấn đề là do sự tập trung của em không đều đặn đúng không ạ?
Em đoán là khi đã là một nghiên cứu sinh chị không bị gặp vấn đề này nữa. Nhưng trước đó, chị có gặp phải vấn đề như thế không. Nếu có, thì cách giải quyết nên thế nào chị 🙂
Cảm ơn chị nhiều,
Chi Nguyễn says
Chào em! Cám ơn em vì một câu hỏi thú vị! Chị nghĩ là vấn đề này hầu như ai cũng gặp và khó để kiểm soát vì mỗi văn bản có độ khó và yêu cầu sự tập trung khác nhau. Theo chị cách tốt nhất là phải cân bằng giữa việc đọc nhanh và ghi chép đầy đủ. Không nên quá sa đà vào ghi chép khi đọc đoạn đầu rồi đoạn về sau mệt quá không còn đọc kỹ được nữa. Chị thường cố gắng đọc tập trung trong 25-45 phút rồi nghỉ để não bộ và con mắt của mình được thư giãn chút. Như thế, mình có thêm năng lượng để tập trung đọc được lâu hơn. Hy vọng chia sẻ này giúp được em!
My says
Cam on chi Chi da chia se nhung dieu nay, no thuc su giup do e rat nhieu a 🙂
Book recommendations chi Chi?
Chi Nguyễn says
Cám ơn em! Chị thích nhiều sách lắm, có thể phải viết 1 post riêng về cái này. Hiện nay chị đang đọc cuốn “Obstacle Is The Way” của Ryan Holiday
Thùy Dương says
“Mỗi khi ngồi xuống bàn, tôi thích mở ra cuốn Productivity Planner của mình để quản lý thời gian đọc tài liệu. Với tài liệu mở bên cạnh (có thể là tài liệu giấy hoặc tài liệu điện tử trên máy tính), tôi sẽ mở cuốn sổ của mình ngay bên cạnh. Cuốn sổ này, như bạn thấy trên hình, được chia làm 2 phần. Bên tay trái trang sổ tôi ghi lại ý chính hoặc những ý thú vị của tài liệu (kèm theo số trang để tiện tra cứu lại). Bên tay phải trang sổ, tôi viết suy nghĩ của cá nhân mình về bài đọc, liên hệ từ bài đọc này sang bài đọc khác, hoặc câu hỏi tôi có đối với bài đọc. Đây là cách làm của riêng tôi để tách biệt đâu là thông tin từ bài đọc và đâu là suy nghĩ cá nhân. Cách làm này đặc biệt hữu ích khi tôi cần phát biểu trên lớp, trong hội thảo, hay trong cuộc họp. Mỗi lần cần đưa ra ý kiến của mình, tôi chỉ cần nhìn vào phần bên phải để chuẩn bị ý tưởng và nói cho rõ ràng, đồng thời đối chiếu với phần bên trái để người nghe có thể cùng đối chiếu vào văn bản. Tôi cũng để một vài tờ nhắn màu sắc bên cạnh để ghi chú lại ý tưởng và dán vào vở/ sách. Tuỳ vào tính chất của từng bài đọc, tôi đôi khi còn làm thêm một bước nữa là đánh máy nhanh tóm tắt bài đọc, lưu lại ở một file chung trên máy tính để sau này có thể tìm lại dễ dàng.”
Tôi rất tâm đắc với mục này của bạn, vì tôi cũng thường làm vậy, nhưng không phải sách nào cũng làm, nhưng đến khi đọc đoạn này của bạn thì nó giống như là một sự khẳng định việc mình đang làm, và phải làm thường xuyên hơn. Cám ơn bạn nhiều.
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc và comment chia sẻ. Cách làm chia cột để note này mình đã làm từ lâu và thấy rất hiệu quả, sau này khi mình chia sẻ lại trên lớp, một số bạn học có nói phương pháp note-taking này có tên hẳn hoi (mình không nhớ cụ thể), đã được nghiên cứu và ứng dụng nhiều. Mình thì cũng chưa đọc tài liệu nào nói về phương pháp này nhưng tự tin là nếu cứ làm theo cách nào phù hợp với bản thân nhất thì cách đó sẽ là cách hiệu quả nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!
DieuHang says
Phương pháp Cornell đó Chi.
Phuongthu says
Chị ơi, chị có thể nói thêm về cách chị ghi chép trong quá trình chị đọc tài liệu/giáo trình không ạ? Làm thế nào để mình không bỏ sót ý chính, nhưng lại không cần ghi quá nhiều
Chi Nguyễn says
Chào em! Chị chỉ có một số quy tắc cơ bản: “Quy tắc số 1 là: Không bao giờ đọc từng chữ một! Tôi từng biết rất, rất nhiều sinh viên quốc tế dò từng chữ một trên tài liệu và tra từ điển song song. Nếu làm theo cách này, bạn sẽ không bao giờ đọc hết được tài liệu. Thay vào đó, luyện cách đọc nhanh, đọc lấy ý chính, vừa đọc vừa ghi chép để ghi nhớ. Có rất nhiều kỹ thuật đọc nhanh, nhưng về cơ bản, tập trung vào tóm tắt (abstract/summary), mở bài, kết bài, câu đầu tiên của mỗi đoạn văn… Nếu có tài liệu nào quan trọng, bạn luôn có thể quay lại đọc kỹ hơn” (Viết tại bài: https://thepresentwriter.com/lam-sao-de-hoc-tot-hon-mot-so-bi-quyet/). Nhưng quan trọng hơn cả có lẽ là phải rèn luyện thường xuyên, càng làm nhiều thì càng rút ra được bài học để đọc và ghi chép hiệu quả. Hy vọng comment này giúp được em!
Nhung says
Em cảm ơn chị rất nhiều về những kiến thức, kinh nghiệm, thông tin và cả những suy nghĩ mà chị chia sẻ ở đây. Chị thực sự là một người rất cần cù, thông minh và tốt bụng đó ạ. Đặc biệt là chị làm việc rất có tổ chức và có kỷ luật nữa. Em cũng có ý tưởng lờ mờ vậy nhưng chưa bao giờ em làm cho nó sáng tỏ mạch lạc ra như chị, nên ngày trc ngày sau là em quên rồi. Thật may mắn vì em đã tìm được chị trên này. Hy vọng em sẽ luôn dõi theo và kiên trì đc với những cách chị chỉ. Em đang bắt đầu học tiếng anh và cũng bắt đầu phải học nhiều sách dày cộp, đang tập tành nghiên cứu chị ạ. May quá 😀
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã động viên! Chị cũng có học được mấy tips để tư duy mạch lạc hơn từ những ngày còn “lờ mờ” đấy thôi :). Chị vui vì bài viết giúp được em có thêm ý tưởng học tập và làm việc hiệu quả hơn
Phương Mỹ says
đọc xong thấy là em đã fail ngay từ bước 1 rồi chị hic, em đọc tràn lan nên rất dễ nản và khong biết bắt đầu từ đâu. Cảm ơn chị nhiều lắm lắm!!!! Thạt là hữu ích wa mà
Chi Nguyễn says
Nếu em không biết đọc từ đâu, em có thể đọc book review trên blog của chị cũng mới có một bài: https://thepresentwriter.com/my-reading-list-sach-truyen-blog-hay-nhat-toi-tung-doc/. Ngoài ra, nếu em follow Instagram của các nhà xuất bạn/các bạn chuyên viết book review (dùng #sách #bookreview #bookstagramvn …) là có thể cập nhật luôn sách mới và nội dung bằng tiếng Việt luôn 😀
thu tran says
Cám ơn những chia sẻ của Chi rất nhiều. Chi có thể nói thêm về cách review 1 paper như thế nào không? và có trang web nào chỉ mình cách viết academic không Chi?
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Review paper thì theo mình phải tuỳ theo mục đích, review để lấy ý tưởng, review để check ý tưởng mình đã có rồi, review để viết literature review, hay review để viết bài về paper đó… nên khó có thể nói gắn gọn các bước review. Mình thường chỉ đọc (như cách mình viết ở trên) và luyện tập nhiều để đọc nhanh mà vẫn nắm chắc ý thôi ạ.
Đối với viết, mình nghĩ đọc sách tốt hơn là trang web – mình sẽ viết thêm về sách mình đọc cho việc viết. Nhưng ngắn gọi thì mình thấy mấy cuốn sau là tốt nhất:
– Advice for New Faculty Members (Robert Boice)
– Writing Your Dissertation in 15 Minutes a Day (Joan Bolker)
– How to write a lot (Paul Silvia)
Chúc bạn đọc hiệu quả – có bí quyết gì hay trong quá trình luyện tập chia sẻ lại cho mình nhé! 🙂
Canh Van Le says
Mình cũng đang đọc 1 cuốn sách 300 trang, sẽ áp dụng phương pháp của bạn trong khi đọc. Thanks!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã quyết định thử phương pháp này. Kết quả như thế nào chia sẻ lại với mình nhé 🙂
Thuc Le says
Chào chị,
Em tình cờ đọc được bài viết này của chị khi em đang ngồi ôn thi. Bài viết của chị rất hay, em sẽ thử áp dụng cách ghi chép của chị để nâng cao khả năng đọc của mình.
Mong chị giới thiệu vài tài liệu để nâng cao phần reading comprehension, ngôn ngữ hằng ngày của người mỹ khác với ngôn ngữ học thuật của họ quá, nên em không biết tìm tài liệu nào thích họp cho phần này.
Em có thêm một câu hỏi, nếu mình đọc các tài liệu chuyên ngành, như môn sinh, cần có nhiều thứ phải ghi nhớ chứ không phải chỉ nắm ý là đủ, thì chị có bí quyết gì không chị ?
Cảm ơn chị
Chi Nguyễn says
Chào em! Xin lỗi vì chị reply comment muộn, hy vọng kịp thời cho em ôn luyện cho kỳ thi. Câu hỏi thứ nhất về reading comprehension, chị đồng ý là tiếng Anh học thuật rất khách với tiếng Anh dùng hàng ngày. Do vậy, chị nghĩ chỉ có một cách là đọc thật nhiều thì khả năng đọc mới tăng lên được. Ngày trước chị cũng lùng đọc các sách về kỹ năng đọc nhưng phần lớn họ chỉ dạy cách đọc nhanh (chứ không dạy đọc hiểu) và tips/tricks nào cũng cần luyện đọc thường xuyên mới nâng cao trình độ được. Nên tựu chung lại, chị chưa tìm thấy cuốn sách nào về reading comprehension tốt hơn là tự đọc. Về câu hỏi thứ 2, rất thú vị, nếu đọc các môn cần phải ghi nhớ thì nên làm gì? Chị nghĩ em có thể vừa đọc vừa ghi chép (như hướng dẫn trong bài viết) và làm flash cards để học ghi nhớ các từ vựng hoặc công thức cần thiết. Chị sử dụng phương pháp này để học statistics và thấy rất hiệu quả. Hy vọng comment này giúp được cho em
Thuc Le says
Cảm ơn chị Chi vì những bài viết chưa sẻ kinh nghiệm của chị.
Em rất mong đợi những bài viết sau này.
Mai says
Chào Chi,
Chị mới được chị gái mình giới thiệu đọc page này của Chi và cả tối mê mẩn với các bài viết của Chi luôn :). Chị cũng đang làm PhD ngành kỹ thuật và việc đọc tài liệu/take note trở nên rất quan trọng, nhất là khi chị đang có ý tưởng viết survey về 1 topic chuyên ngành. Cũng như Chi, chị rất thích take note bằng tay, highlight nên có rất nhiều sổ và dĩ nhiên khi ghi chép thì ko thể insert hay rearrange theo thứ tự mình muốn đc. Hơn nữa theo thời gian, việc lưu trữ thông tin như vậy là khá cồng kềnh, liệu có app nào có thể giúp take note trên pdf hiệu quả như viết tay ko nhỉ?
Chúc em luôn thú vị, nhiệt tình và đầy năng lượng như vậy!
Chi Nguyễn says
Chào chị! Em rất vui vì chị tìm đến với blog và thấy các bài viết hữu ích. Như em có viết trong bài, em đang dần chuyển sang take note điện tử trên PDF vì dễ lưu trữ hơn (trừ khi đọc sách giấy). Em dùng Mendeley https://www.mendeley.com/ để ghi chép và sắp xếp tài liệu. Cũng có một số chương trình tương tự như Mendeley nhưng đây có lẽ là chương trình thông dụng nhất ạ. Chị tham khảo xem sao chị nhé!
Bùi Khắc Sáng says
Cảm ơn tác giả đã chia sẻ, thông tin mà tác giả đưa ra rất hay và bổ ích. Thực ra còn một cách khác để các bạn tiếp thu nhanh hơn một cuốn sách, đó là việc nghe các audio đọc sách từ các kênh sách nói. Sách ngắn là một kênh như vậy, các bạn có thể ghe thăm kênh của mình. Sách ngắn là một kênh đọc sách với tốc độ nhanh hơn 35%, giúp bạn tiếp thu tốt hơn, chủ động và tiết kiệm thời gian hơn phương thức thông thường.
Link kênh của mình là: https://www.youtube.com/channel/UCudsDa6aA5V2J0p4XVgYFsg
LattexCoca says
Rất cảm ơn bài viết này của chị. Công việc hiện tại của em đôi khi yêu cầu em phải đọc nhiều đến mức muốn “tẩu hỏa nhập ma” luôn mà đồng thời phải hiểu quá nhiều ngôn ngữ chuyên ngành của y dược – lĩnh vực em không có chút background nào. Nếu có thể mong chị chia sẻ thêm về cách mình tiếp cận/đọc những chủ đề mà mình không có background trước đó mà tài liệu lại có hàm lượng ngôn ngữ chuyên ngành cao ạ.
Cảm ơn chị rất nhiều 😀
Thu Phuong Pham says
Mình thích bài này quá bạn Chi ơi!! M đã p share link ngay trên fb và chính thức trở thành fan của Chi Nguyễn❤️❤️❤️
Chi Pham says
Cám ơn chị Chi vì những chia sẻ về việc đọc. Những bài viết của chị rất hay và hữu dụng. Em đang học thạc sỹ năm thứ 2 và thực sự là đang “suffer” với việc đọc chậm, vừa đọc vừa bị phân tán tư tưởng trong khi số lượng tài liệu ngày một nhiều. Chúc chị một năm mới tốt lành và thêm nhiều bài viết hay ạ!
Ntthieu says
Em chào chị ^^ bài viết của chị hay quá ạ.
Nhưng mà , chị cho em hỏi cuốn Productivity Planner nên sử dụng và được ghi chép như thế nào được không ạ? ^^
Chi Nguyễn says
Chào em, chị từng viết một bài về cuốn sổ này tại đây: https://thepresentwriter.com/lam-sao-de-lam-viec-tap-trung-va-hieu-qua-hon/
Ntthieu says
Dạ, em cảm ơn chị nhiều lắm ^^
Anh Duy says
Em chào chị, cảm ơn vì bài viết rất bổ ích ạ!
Em bắt đầu đọc sách cách đây không lâu, và em rất loay hoay vấn đề đọc thế nào cho hiệu quả. Em tìm đọc về cách đọc sách là cuốn “Phương Pháp Đọc Sách Hiệu Quả” của tác giả Mortimer J.Adler & Charles Van Doren.
Trong cuốn sách này tác giả có đề cập vấn đề giống chị là “khi tiếp xúc lần đầu với sách thì đọc lướt để nắm ý chính, và xem cuốn sách mình đọc có thật sự cần với mình không?”.
Vấn đề em thắc mắc ở bước đọc tiếp theo là:
– Khi đọc lướt xong và xác định được đây là cuốn sách mình cần đọc thì bắt đầu đọc thật sự tập trung và ĐỌC TỪ ĐẦU ĐẾN CUỐI CUỐN SÁCH KHÔNG DỪNG LẠI , đọc một mạch từ đầu đến cuối rồi đóng sách lại và tóm tắt sách.
Theo chị thì đọc từ đầu đến cuối không dừng lại có hợp lý không ạ?
Mong chị chia sẻ giúp em!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Cá nhân chị không thể đọc từ đầu đến cuối sách không dừng lại như vậy được vì độ khó của mỗi cuốn sách khác nhau, có những cuốn hàn lâm thì chị nghĩ khó ai có thể đọc vừa tập trung lại vừa từ đầu đến cuối sách được vì nó rất đau đầu và cần thời gian nghỉ và chiêm nghiệm. Nếu là sách giải trí như kiểu fiction ngắn thì chị nghĩ là được. Nhưng chị thích ý đọc xong đóng sách lại và tóm tắt sách. Chị hay đọc xong 1 chương rồi chị viết ra giấy nhắn hoặc lề sách hoặc vào điện thoại để tóm tắt chương. Đó là suy nghĩ cá nhân của chị, chị chưa đọc cuốn em đề cập nên cũng không rõ hoàn cảnh và nội dung tác giả gợi ý như vậy như thế nào để comment cụ thể hơn
Anh Duy says
Dạ em cảm ơn chị đã chia sẻ ạ!
Vậy theo chị là chị sẽ xử lý từng chương trong cuốn sách, đến khi nào hiểu sâu và nắm được ý chính của chương đó thì sẽ viết tóm tắt lại chương đó. Xong rồi mới đọc sang chương tiếp theo đúng không ạ?
Chi Nguyễn says
Đúng vậy em à
Mai says
Em thấy có 1 số bạn take note trên ipad dùng apple pencil nữa ạ. Không rõ có hiệu quả như mendelay không
Chi Nguyễn says
Chị cũng note trên ipad bằng pencil nhưng mendeley là một hệ thống sắp xếp bài đọc, tác giả, citation, notes, và có thể export citation từ ứng dụng, sync với MS word…. nên không chỉ đơn thuần là ứng dụng ghi note như ipad notes
Mai says
Chị thấy take note trên ipad có thể thay thế hoàn toàn sổ bút được không ạ?
Chi Nguyễn says
Cái này là tuỳ người tuỳ thói quen thôi em :). Chị hay dùng vở hơn
Steve kieu says
Rất thích bạn này. Bạn dễ thương và cách chia sẻ rất hay và gần gũi
Nio says
Em học được rất nhiều từ blog cũng như video của chị trong việc tập đọc IELTS academic ạ! Thật may mắn khi mới bắt đầu học đọc IELTS trong lối mòn tra từ thì ngay hôm nay e đã học được kĩ năng mà e cho là hết sức quý báu này ạ!
Nhưng có 1 phần e chưa hiểu thấu đáo, là phần “luôn ghi chép”, liệu ghi chép có phải là ghi lại những ý chính ra notebook của bản thân không ạ?
Em xin cảm ơn trước ạ
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc blog! Chị khuyến khích active note taking, tức là ghi chép theo suy nghĩ trong đầu (sử dụng não bộ tích cực, chủ động), ghi xuống ý chính của bài đọc theo ngôn ngữ của em và suy nghĩ của bản thân em khi đọc.
Nio says
Em cảm ơn chị ạ!
Lục Hiền says
Em chào chị Chi. Đây là bài viết đầu tiên em đọc trên trang blogs của chị ạ. Bởi trước nay em chỉ hay theo dõi các kênh phát triển bản thân trên youtube.
Cảm ơn chị vì đã có bài chia sẻ rất hay và hữu ích ạ.
Em hiện tại là sinh viên năm 3 của một trường y trong nước ạ. Dẫu chưa biết mình có đủ khả năng và cơ duyên với con đường học thuật hay du học như chị không, nhưng đặc thù ngành em học cũng có rất nhiều tài liệu chuyên ngành cần đọc và ghi nhớ nên em cũng đang tìm hiểu phương pháp đọc cho riêng mình. Phương pháp đọc của chị thật sự truyền cảm hứng cho em, em sẽ thử trải nghiệm ạ.
Ngành em theo học ngoài việc đọc hiểu và tư duy, thực hành còn có rất nhiều thứ phải học thuộc lòng như các thang điểm đánh giá, chỉ số các chất ,…những thứ này đều cần nhớ một cách chính xác. Không biết chị có cách học thuộc nào dành cho phần kiến thức như này không ạ? Nếu có, mong chị có thể chia sẻ với em và mọi người ạ.
Em chúc chị luôn mạnh khỏe, vui vẻ và luôn tràn đầy năng lượng tích cực ạ.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Hiền đã theo dõi chị trên các nền tảng. Về cách học thuộc lòng, chị gợi ý học theo phương pháp Spaced Repetition (lặp lại cắt quãng). Có 2 video chị recommend em nên em: Thứ nhất là video của chị nói về ứng dụng pp này trong việc học tiếng Anh (em có thể xem để rõ hơn về phương pháp): https://youtu.be/T_e_NlAX3yE. Thứ hai là video của Ali về cách học này trong ngành Y (đúng ngành của em): https://www.youtube.com/watch?v=ukLnPbIffxE
Luu Nguyen says
Cảm ơn Chi nhiều, mình cũng đang bắt đầu con đường PhD nên đọc được blog này kiểu như là có người hiểu thấu được tâm can ^^…
Chúc Chi sức khỏe và tiếp tục ra nhiều blog như thế này nhé !
Chi Nguyễn says
Hôm nay Chi đang làm update bài blog này, có kèm thêm video nữa. Nên nếu bạn cần thì đọc lại nha 😀
Lê Minh Huy says
Em cảm ơn bài viết của chị Chi ạ. Một bài viết đã giúp đỡ em rất nhiều
Minh Ngọc Đặng says
thật sự ngưỡng mộ chị, em đang học thạc sĩ ở Việt Nam thôi mà loay hoay vụ luận văn mãi vẫn chưa ra được. Tình cờ hôm nay xem clip youtube của chị và tìm đến blog, quá nhiều thứ để em phải học hỏi. HIHI xin vía d9uo74c một phần của chị. Cảm ơn chị nhiều thật nhiều
Hula Mem says
Cảm ơn chị Chi vì bài viết ạ ! Em còn đang là học sinh, và nhờ có bài viết của chị mà em đã học hỏi thêm được những cách đọc hiệu quả để áp dụng vào việc học ở trường lẫn tự học các bài Reading TOEFL. Cá nhân em muốn hỏi, chị nghĩ sao về việc vừa ghi chép vừa nghe thầy/cô giảng ? Và việc này có ngăn chúng ta tập trung vào bài giảng 100% không ạ ?
Chi Nguyễn says
Đối với chị, việc vừa ghi chép vừa nghe giảng giúp tăng độ tập trung lên, chứ không làm giảm đi. Tuy nhiên, mình cần ghi có chọn lọc, chứ không ghi tất cả lời giảng như kiểu ghi âm. Chị sẽ có video trên YouTube về đề tài này trong tuần này, em theo dõi nha!
An says
Chi ơi, em có khi nào đọc các thông tư, nghị định , văn bản quy phạm pháp luật không? Với khối lượng chương điều khoản mục khổng lồ như vậy thì ghi chép như này có còn phù hợp k? Hoặc em có nghĩ cách ghi chép như nào phù hợp hơn k?
Chi Nguyễn says
Em có học luật giáo dục và cũng ghi chép như trên nhưng em chọn lựa chỉ ghi những thông tư quan trọng, những điểm liên quan đến nghiên cứu của mình. Có thể trường hợp của chị khác, em không chuyên ngành luật nên em không thể trả lời cụ thể. Tuy nhiên, với những luật định khó nhớ, để nhớ lâu hơn em có làm thêm một số phương pháp khác như mindmap, active recall… em sẽ chia sẻ thêm trên blog/youtube sau ạ 🙂
Phan Nhật Minh says
Em xin chào chị Chi. Em là một follower khá trẻ (2005) của chị từ khá là lâu, từ khi chị chỉ mới 20.000 subscribes cho đến giờ. Em từng là một đứa rất lười học cho đến khi gặp chị, em thay đổi 360 độ về cách học lẫn điểm số haha. Và em mong chị sẽ cho em phương pháp giải quyết vấn đề này Khi học thêm, thầy giáo thường nhắc trước khi đến lớp hãy sắp xếp thời gian đọc bài từ đầu đến cuối cho thầy. Đầu năm khi lượng kiến thức chưa nhiều thì chỉ 30p, nhưng giờ nó đã lên tới 3-4 tiếng và em thấy lượng kiến thức em nạp vào k hiệu quả, mặc dù em rất yêu thích môn học đó. Xin chị hãy cho em phương pháp. Em cảm ơn chị
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã theo dõi các kênh nội dung của chị. Chị rất vui vì giúp được em học tốt hơn. Chị nghĩ nếu em thích môn học này thì có thể cân nhắc xem tại sao lượng kiến thức lại ngày một nhiều và em học không vào (ví dụ: do nhiều bài vở hơn, tài liệu khó hơn, thầy giáo giảng chưa rõ, em học nhưng không nhớ…) rồi bóc tách những phương án giúp em giải quyết được vấn đề này. Em cũng có thể trao đổi với thầy giáo về vướng mắc của em xem thầy có định hướng gì khác không. Chúc em học tốt nhé!
Vương Quỳnh says
Cháu chào cô ạ, Cháu rất thích thú với cách đọc sách chủ động của cô, vừa đọc vừa bình luận như bản thân đang trò chuyện với tác giả. Điều này cháu nghĩ thực sự rất có ích trong quá trình tư duy phản biện , mình đồng ý vs tác giả chỗ nào, ko đồng ý chỗ nào . Hiện tại cháu đang thử áp dụng phương pháp này vào việc đọc của mình. Nhưng cháu thấy cháu gặp một số vấn đề vì có nhiều đầu sách kiến thức hơi hàn lâm, hay những sách mà mk ko có kiến thức, quan điểm riêng về vấn đề đó nên cháu ko có ý tưởng gì đánh giá cho lời tác giả. Mà bản thân cháu lại là người rất dễ mất chủ kiến , người ta nói gì nghe đó,viết sao theo vậy. Thêm nữa là, cô chia sẻ rằng cô hay tự đặt câu hỏi đối vs ý mà tác giả đưa ra . Ko biết cô có thể chia sẻ thêm cách cô đặt câu hỏi ko ạ, vì nhiều khi cháu ko bt mk nên hỏi gì và hỏi như thế nào.
Cháu cảm ơn cô và mong cô chia sẻ thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm hay ho qua mỗi blog ! ^
Chi Nguyễn says
Cô hay đặt câu hỏi theo 2 cách: 1) dựa vào kiến thức của mình so với nội dung sách nói (cách này đòi hỏi có kiến thức để phản biện) và 2) dựa vào kinh nghiệm cá nhân có giống/khác gì với sách (cách này chỉ cần liên hệ bản thân tốt là có thể có nền tảng phản biện)
Phương Thúy says
Chị Chi thân mến, em vô tình click vào 1 video của chị trên YouTube 3 ngày trước, và từ đó ngày nào e cũng nghe những chia sẻ của chị. Em rất ngưỡng mộ và yêu quý chị. The Present Writer mở ra như một chân trời với em. Em nhất định sẽ xem hết các video của chị để có thêm những kinh nghiệm học tập, nghiên cứu và cách nhìn nhận, tư duy tích cực về cuộc sống. Em đã đăng ký làm NCS nhưng học trong nước thôi ạ. Dù chưa bắt đầu quá trình học tập, học trong nước cũng không gặp nhiều khó khăn như chị khi đi học ở nước ngoài. Em sẽ áp dụng cách ghi chép chị chia sẻ để đạt được hiệu quả tốt. Sau khi hoàn thành chương trình học tập, nhìn lại từng con chữ mình ghi chép thấy thật đáng quý c nhỉ.
Ngành học của em cũng là về giáo dục chị ạ. Mà có liên quan đến tâm lý một chút. Vì cùng là ngành xã hội học nên em có thắc mắc ko biết tiến trình ở nước ngoài có khác trong nước không chị? Sau khi thu thập số liệu thì chị có sử dụng các phần mềm phân tích số liệu như spss để ra được kết quả không ạ? Ngày còn học đại học và cả thạc sĩ, e đều không được học chuyên sâu spss mà chỉ tự học nên kinh nghiệm còn ít. Nếu lên NCS chắc chắn em phải tìm hiểu và học chuyên sâu hơn.
Mong được chị Chi hồi đáp em.
Gửi ngàn chiếc ôm từ Việt Nam đến chị <3
Chi Nguyễn says
Chào em. Cảm ơn em rất nhiều vì đã theo dõi chị. Chị rất vui vì có một bạn đọc là NCS Giáo dục. Chị có sử dụng SPSS nhưng những năm gần đây chị code trên Stata thấy tiện hơn. Một số bạn khác chị thấy dùng R. Chị có được học ở trường nhưng chủ yếu là tự học, học qua các project mình làm và Google thêm vì công nghệ và phương pháp thay đổi rất nhanh, giáo trình chỉ cover những kiến thức cơ bản chứ không cập nhật được theo từng project như mình làm thực tiễn. Chúc em thành công nhé!
Hà says
Bài viết của chị Chi rất hay và bổ ích đối với em.
Em cảm ơn chị nhiều! <3
Lan Nguyen says
Chào chị Chi, sau khi đọc xong bài viết này, em thấy bản thân được mở mang kiến thức về việc đọc tài liệu chuyên ngành rất nhiều. Hiện tại em đang học năm hai, tuy chưa thực sự học lên chuyên ngành nhưng tài liệu đọc cho các buổi học tiếng phục vụ việc viết luận cũng rất nhiều. Đôi lúc em thấy ngợp và thấy chán nản vì phải hiểu 100% nội dung bài đọc và rồi đọc từng chữ một, nhiều từ khó lại mở từ điển để tra liên tục. Hiện tại em đang áp dụng 20% những lời khuyên của chị, ở khâu tương tác khi đọc tài liệu nhưng cũng chưa để tâm lắm đến việc ghi chép vì những ghi chép của em gần như cover toàn bộ trong tài liệu. Tuy em mới chỉ áp dụng được 20% phương pháp nhưng em sẽ cố gắng để cải thiện thêm việc đọc và ghi chép của mình, như một bước đệm cho kỳ tới học chuyên ngành của em.
Lời cuối, cảm ơn chị đã chia sẻ phương pháp cực kỳ chi tiết và dễ hiểu, em nghĩ em sẽ share cho các bạn cùng lớp để mọi người không gặp khó khăn và sợ đọc tài liệu Tiếng Anh nữa.
P/s: Thank you so much! :3!!!
Vy says
Chào chị, bài viết của chị rất hay. Em cảm ơn chị nhiều
Chị có thể cho em xin một vài tựa cuốn sách cho người mới bắt đầu đọc tài liệu học thuật về giáo dục như chị được không ạ?
Chi Nguyễn says
Em tham khảo link này nhé: https://thepresentwriter.com/my-reading-list-sach-truyen-blog-hay-nhat-toi-tung-doc/
Ngan Ta Kim says
Cảm ơn Chi bởi những bài chia sẻ rất open, mình biết đến Chi từ chia sẻ của chồng mình khi mình đang loay hoay với việc mai không tiến bộ sau nhiều năm học tiếng anh, sau đó mình đọc rất nhiều bào viết của Chi. Hiện nay mình đang làm chuyên luận “tinh thần học hỏi không ngừng” với cách đọc sách mà Chi chia sẻ đã là một nguồn thông tin rất hay cho bài chuyên luận của mình. Mình có một mong muốn nhờ Chi chia sẻ, đó là mình nghe được từ rất lâu rằng “mỗi chúng ta sẽ có xu hướng giống với 6 người chúng ta thường xuyên tiếp xúc hoặc quan tâm” Chi có đồng ý với quan điểm này không và mong Chi có một bài blog về quan điểm này. Cảm ơn Chi rất nhiều rất nhiều
Chi Nguyễn says
Chi không nghĩ là chúng ta sẽ “giống” những người mình tiếp xúc gần nhưng họ sẽ có ảnh hưởng lớn nhất tới mình. Nhiều nghiên cứu khoa học xã hội, bao gồm cả nghiên cứu Giáo dục của Chi, cũng chứng minh tầm ảnh hưởng rất lớn đối với thanh niên Việt Nam từ: bố mẹ, bạn bè, thầy cô. Chi nghĩ cả những nguồn mình đọc trên mạng (“cộng đồng mạng” mà mình hay giao tiếp) ngày nay cũng có ảnh hưởng rất lớn nữa.
Nguyễn Ngọc Anh Thư says
Chào chị Chi ạ! Em biết đến chị đầu tiên từ các video trên Youtube, càng xem em càng học được nhiều điều về tư duy lẫn tinh thần. Mặc dù cuộc sống hiện tại của em có nhiều áp lực, biến cố và em thường xuyên stress, căng thẳng thì thay vì đi cafe hay du lịch chữa lành như các bạn đồng trang lứa thì em lại tìm đến các video của chị. Vì mỗi khi xem em vừa học thêm được nhiều thứ, vừa như gặp được người bạn đồng hành và những lúc đó em cảm thấy cuộc sống mình dường như cũng bình lặng và nhẹ nhàng trở lại như cách mà video diễn ra vậy. Em luôn mong đến sáng thứ tư hằng tuần để nhận được “Bài học thứ Tư” từ chị, nó giống như việc bố em sẽ gọi cho em vào mỗi chiều chủ nhật để hỏi thăm và cho em những lời khuyên vậy á. Trước đây em chỉ vừa học và vừa làm thêm 4h mỗi tối, nhưng từ tháng 7 em đã có thêm một công việc nữa là thực tập sinh full-time cho một công ty về dựng (À quên chưa kể với chị em là sinh viên năm 4 chuyên ngành kế toán). Vì trong một ngày, tính cả thời gian học, làm việc ở công ty, làm thêm buổi tối đã ít nhất là 14 tiếng một ngày nên em đã không thể ghé đến các video của chị thường xuyên như trước. Thay vào đó em đã ghé đến các bài blog của chị vào những giờ nghỉ trưa ở công ty, hay vừa làm việc vừa nghe podcast. Em đã muốn chia sẻ rất nhiều với chị rằng chị đã trở thành một người bạn đồng hành của em và giúp đỡ em nhiều như thế nào trong suốt quãng thời gian từ khó khăn đến ngày càng trưởng thành của em từ khi em vào Đại học. Em đã đọc rất nhiều bài blog theo thứ tự yêu thích của mình ở The Present Writer nhưng không hiểu sao em vẫn không thể đánh lên những dòng chữ trong đầu mình để gửi đến chị-người bạn đồng hành của em. Nhưng lần này em để lại những tâm tư của mình ở đây, vì em nghĩ mình đã nhận được rất nhiều điều tích cực từ chị nên em cũng nên chia sẻ với chị rằng chị thực sự rất tuyệt vời, biết đâu điều này cũng là một xíu tích cực nho nhỏ cho người bạn đồng hành của em. Em thực sự cảm ơn chị rất nhiều <3