Trong quá trình học tập và làm việc ở Mỹ, mặc dù phải một mình vượt qua nhiều thử thách, tôi luôn cảm thấy những khó khăn mình gặp phải chưa là gì khi so sánh với các bạn, các anh chị vừa học vừa nuôi con nhỏ bên này. Việc học tiến sĩ không thôi đã vô cùng áp lực, chưa kể đến phải làm ngày làm đêm để giữ nguồn học bổng, lại thêm việc sinh con và nuôi con ở một đất nước xa lạ, xa vòng tay gia đình thì quả thật là rất khó khăn. Vì vậy, mỗi khi tôi cảm thấy đuối, cảm thấy mỏi mệt với cuộc sống của mình, tôi lại nhìn vào tấm gương các bạn, các anh chị vừa học, vừa làm, vừa nuôi con nhỏ ở đây để có thêm động lực bước tiếp.
Bài viết lần này giới thiệu một người phụ nữ, một người em gái, một người đồng môn mà tôi vô cùng khâm phục: Linh Phan (Phan Thuỳ Linh), nghiên cứu sinh ngành Y Tế Công Cộng (Public Health) tại University of Illinois at Chicago. Tôi và Linh quen nhau trong lớp tự học GRE (cùng với Tiệp Vũ). Chúng tôi cùng nhau trải qua khoảng thời gian nộp hồ sơ vô cùng căng thẳng và cùng bước chân đến Mỹ năm 2013. Sau năm đó, Linh đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi chỉ trong vòng 2 năm, em giành được nhiều học bổng danh giá, hoàn thành chương trình Thạc sĩ, được tiếp tục nhận vào chương trình Tiến sĩ, lấy chồng, sinh con, và nuôi con một mình ở Mỹ (khi chồng học ở xa). Điều kỳ lạ là trong những năm tháng bận rộn, khó khăn, vất vả như thế, Linh vẫn giữ nguyên vẻ nhẹ nhàng, dễ thương, trẻ trung của cô gái tuổi đôi mươi – hệt như những ngày chị em tôi còn học chung với nhau ở Hà Nội.
Tôi tin bài viết này hữu ích không chỉ với những du học sinh mà còn với những người vợ, người mẹ, và tất cả những người phụ nữ hiện đại. Bài phỏng vấn này sẽ được chia làm 2 phần/2 kỳ đăng trên blog. Trong phần đầu tiên này, Linh chia sẻ về quá trình nộp học ở Mỹ, xin học từ Thạc sĩ lên Tiến sĩ, có bầu và sinh con trong hoàn cảnh rất khó khăn.
Chi: Chào Linh, em có thể giới thiệu một chút về bản thân và hành trình sang Mỹ học của em được không?
Linh: Em tốt nghiệp Đại học ở trường Y Tế Công Cộng (chuyên ngành Y Tế Công Cộng) vào năm 2012. Sau đó em làm việc ở Khoa Sức Khoẻ Môi Trường được một năm. Trong thời gian làm việc ở trường, em có chuẩn bị hồ sơ và nộp học bổng VEF (Vietnam Education Foundation – *một học bổng chuyên dành cho khối Kỹ thuật). Thực ra em đã nung nấu ý định nộp học bổng VEF từ hồi năm 2 đại học, sau khi biết được thông tin về học bổng tại Trung tâm văn hoá Mỹ. Em mày mò tìm hiểu kỹ các yêu cầu của học bổng và lập kế hoạch từng bước, từng bước một để hoàn thành. Yêu cầu đầu tiên là phải có điểm tiếng Anh cao nên em tự học ôn để thi IELTS. Lần đầu tiên em thi IELTS là năm thứ 2 Đại học, em chỉ được 6.5 và cảm thấy chưa thực sự hài lòng với mức điểm này. Vì vậy, em lại quyết tâm thi lại một lần nữa vào năm thứ 3 Đại học và được 7.0.
Sau khi có điểm tiếng Anh, em tiến thêm bước nữa là chuẩn bị ôn luyện và thi lấy điểm GRE. Lúc đầu học GRE thì em rất hoảng sợ vì phải đối diện với số lượng từ vựng khổng lồ, cộng với việc vừa học vừa phải đi làm, rồi có đợt em còn đi thực địa tận Lương Sơn, Hoà Bình nên không có thời gian ôn luyện nhiều. Em còn nhớ trong thời gian đi thực địa, cứ có thời gian rảnh là em mượn một phòng không có bệnh nhân để ngồi học. Các bạn đi thực địa cùng em còn cười vì không hiểu em học gì nhiều vậy. Khi đi thực địa về, em thi GRE lần đầu tiên nhưng điểm rất thấp. Thời gian này thật sự rất khó khăn và em cũng không tự tin mình sẽ cạnh tranh được để giành học bổng. Vì thế, em quyết định thi lại GRE nhưng lần này em muốn tìm được một nhóm học GRE để có thể ôn luyện tốt hơn. Khi đấy em tình cờ cũng tham gia một nhóm luyện phỏng vấn cho VEF và gặp anh Hiếu (bạn cùng nhóm GRE của Chi, Tiệp, và Linh), anh Hiếu có rủ em học cùng và thế là em gặp mọi người trong nhóm GRE. Nhóm GRE có khoảng 10 người với những backgrounds khác nhau nhưng ai cũng rất giỏi. Trong thời gian này, em cũng vượt qua được hai vòng loại của VEF và chuẩn bị hồ sơ nộp cho trường bên Mỹ. Để cho hồ sơ có tính cạnh tranh cao, em có thi lại GRE hai lần nữa nhưng điểm không lên chút nào! Em cảm thấy rất bất lực và thất vọng!
Chi: Chị vẫn còn nhớ hai lần cuối em thi GRE là hai lần cùng đồng hành với chị. Lần thứ nhất cả lớp GRE mình cùng thi chung ở Hà Nội. Lần thứ hai chị em mình gặp lại nhau trong Sài Gòn để thi lại lần thứ hai (*vì ở Hà Nội không có lịch thi thường xuyên). Nhớ cái ngày chị em mình đứng giữa trung tâm Sài Gòn, giữa bao nhiêu hoang mang, sợ hãi, cùng động viên nhau cố gắng.
Linh: Đó quả là thời gian rất khó khăn khăn vì em có nhiều áp lực từ công việc và việc nộp hồ sơ! Lần vào Sài Gòn để thi GRE là em kết hợp đi công tác rồi đi thi. Mặc dù GRE không cao, nhưng rồi em cũng phải chấp nhận điểm số đó hoàn thiện hồ sơ để gửi sang Mỹ. Giai đoạn làm hồ sơ thì thực sự rất căng thẳng vì em không biết phải làm như thế nào mới được nhận. Đối với ngành Y Tế Công Cộng của em thì rất là khó để được nhận thẳng từ Cử nhân lên Tiến sĩ, đa phần giáo sư nào cũng nói em phải học Thạc sĩ trước mới được xét tuyển Tiến Sĩ.
Sau một thời gian căng thẳng nộp hồ sơ thì em cũng được tin đỗ (*với học bổng VEF) vào University of Texas-Houston và University of Illinois at Chicago. Em quyết định chọn University of Illinois at Chicago (UIC) và sang Mỹ năm 2013. Em hoàn toàn không hối hận với quyết định này vì thành phố Chicago thực rất tuyệt vời. Chương trình học của em ở đây cũng rất thú vị. Khi bắt đầu vào học Thạc sĩ, em học ngành Sức khoẻ môi trường và Sức khoẻ nghề nghiệp, chuyên ngành hẹp của em là về Vệ Sinh trong công nghiệp (Industrial Hygiene). Em thực sự rất đam mê với ngành học này!
Sau khi học xong năm đầu Thạc sĩ (*chương trình học 2 năm), em bắt đầu chuẩn bị hồ sơ nộp cho chương trình Tiến sĩ. Cũng trong năm này, em cưới chồng- cũng là nghiên cứu sinh ở Mỹ. Vì thế, em có ý định muốn xin sang bên trường chồng em là University of California, San Diego để cho được gần chồng hơn (*San Diego và Chicago cách nhau hơn 3 ngàn km). Nhưng trường UC San Diego không có ngành em đang học và em cũng không có đam mê với mấy ngành học bên đó. Thế nên em mới nói với giáo sư hướng dẫn (advisor) của em là em vẫn muốn được học tiếp tiến sĩ tại UIC. Giáo sư em cũng rất muốn nhận nhưng mắc phải vấn đề lớn nhất là nguồn tiền (funding) để học. Thực sự không phải dễ gì mà có được funding cho em học mấy năm tiếp theo. Nhất là em là sinh viên ngoại quốc thì không được nhận funding từ chính phủ Mỹ như các bạn Mỹ khác. Thực sự rất khó! Giáo sư có nói sẽ làm hết sức để tìm nguồn tiền cho em. Trước hết, em chỉ biết được mình sẽ đi dạy phụ (Teaching Assistant) 10 tiếng một tuần nhưng thực sự đồng lương không đủ để sống.
Ngày em nhận được thư chấp nhận của trường cho học Tiến sĩ thì cũng là ngày em biết mình có bầu. Lúc đấy em không biết mình nên phải làm như thế nào. Nhưng em vẫn tâm niệm rằng mình đến Mỹ là để học, dù cho có khó khăn đến mức nào em cũng sẽ không cho phép mình từ bỏ.
Vậy là trong kỳ cuối của năm học Thạc sĩ ấy, em vừa mới có bầu nên rất ốm, lại phải lo tìm funding, trong lúc đó, em cũng vẫn phải đi học và đi làm nghiên cứu cho luận văn Thạc sĩ. Luận văn Thạc sĩ của em là về phơi nhiễm tiếng ồn khi đi tàu điện ở Chicago (*Linh có ý tưởng này khi ngày ngày đi học bằng tàu điện). Ngay khi em chia sẻ ý tưởng với giáo sư, giáo sư khen em và khuyên em nên làm hồ sơ nộp lấy grant (tiền tài trợ cho dự án). Em hoàn thành đơn xin tài trợ trong vòng 3 tháng dưới sự hướng dẫn của giáo sư. Cuối cùng, grant của em được chấp nhận và em có tiền để làm dự án. Em làm nghiên cứu ấy trong vòng một năm. Trong thời gian có bầu, em ốm lắm, mệt lắm nhưng vẫn tiếp tục đi làm. Đến khi bụng bầu 6 tháng, em vẫn đi hội thảo để thuyết trình dự án ở Salt Lake City. Mọi người hỏi em bầu to như thế có đi được không, em trả lời: “No problem!” (Không sao đâu!) và vẫn đi thuyết trình bình thường.
Sau hội thảo, em vừa về tới Chicago lại phải chuẩn bị bay về Việt Nam vì với việc kết thúc học bổng VEF, em phải ra khỏi Mỹ (*thời điểm này Linh đã học xong 2 năm Thạc sĩ). Vậy là em bay về Việt Nam khi em đang bầu 6 tháng.
Chi: Trời! Vậy em vừa bay đi hội thảo ở Salt Lake City, vừa bay về Chicago, lại phải ngồi máy bay mấy chục tiếng về Việt Nam khi em đang bầu 6 tháng?
Linh: Vâng ạ. Em mang bụng bầu 6 tháng về Việt Nam để đổi visa sang F1 (*loại visa cho sinh viên theo học bổng nhà trường hoặc tự túc). Chặng đường từ Chicago về Việt Nam em tưởng mình chết! Khi máy bay đã cất cánh được 1 tiếng thì phi công thông báo là động cơ máy bay bị trục trặc và phải quay về sân bay để sửa. Lúc đấy em rất sợ, em nghĩ mình không biết có sống được không. Em lại có bầu to nên rất mệt. Sau khi về lại sân bay Chicago, máy bay lại tiếp tục delay đến tận ngày hôm sau! Hôm sau khi em bay từ Chicago về đến Nhật, em lại phải đợi 10 tiếng ở sân bay Nhật cho chuyến bay về Việt Nam. Em cứ nằm ở sân bay ngồi chờ như thế cả đêm hôm trước, rồi lại 10 tiếng hôm sau. Lúc về tới Việt Nam, em cảm thấy chân mình sưng vù lên, không còn cảm giác gì nữa. Nhưng lúc đó, em vẫn suy nghĩ tích cực rằng mình đã may mắn vì không chết và vẫn về được đến nhà!
Chi: Tội em quá! Vậy em ở Việt Nam bao lâu lại bay về Mỹ?
Linh: Thực sự lúc về đến Việt Nam, em rất muốn quay lại Mỹ sớm vì em không muốn đi máy bay khi đã bầu lớn quá vì 32 tuần người ta đã không cho lên máy bay nữa rồi. Nhưng khi đó trường lại không cho em về trước 30 ngày nhập học. Vậy là em phải đợi một thời gian khá lâu, khoảng gần 2 tháng ở Việt Nam. Lúc em lên máy bay là cũng là lúc em bầu đến tuần thứ 31, hạn chót để em có thể lên máy bay và về Mỹ kịp nhập học. Sát nút chị ạ! Em cứ nơm nớp lo nhỡ mình sinh em bé trên máy bay. Rất may là em bay từ Việt Nam qua Mỹ không sao cả, em vẫn khoẻ mạnh bình thường. Em ban đầu sang San Francisco chơi với chồng em một tuần. Rồi sau đó, vì em có lịch khám thai ở Chicago, em lại phải bay về Chicago khám vì bảo hiểm của em chỉ cho ở đó thôi.
Sau khi bay về Chicago, em lên gặp giáo sư của em thì được biết là Hội đồng các giáo sư (Commitee) yêu cầu em lấy thêm dự liệu cho đề tài Thạc sĩ. Thế là em lại tiếp tục lấy dữ liệu trên tàu điện trong khi không còn tiền trong grant nữa. Giáo sư em cũng hỏi em bầu to thế có đi tàu được không, em lại trả lời: “No problem!” và em lại lên đường. Em mang bụng bầu sắp sinh lên tàu, cầm cái máy đo tiếng ồn để đo đạc và lấy dữ liệu. Cũng may là giáo sư cũng giúp em thêm và thuê thêm một số bạn nữa thu thập dữ liệu cùng em.
Vì khi đó đã vào kỳ học mới, em vẫn phải đi tàu lên trường làm việc hàng ngày. May mắn là em bé ra đời đúng ngày dự sinh. Hôm sau là ngày dự sinh, thì ngày hôm trước em vẫn đang đi tàu…
Chi: Vậy em vẫn đi làm cho tận đến ngày sinh?
Linh: Vâng ạ. Ngày nào em cũng lên trường mà! Ngày dự sinh của em là thứ hai thì sáng thứ hai em vẫn có lịch làm việc với giáo sư. Tối Chủ nhật em vẫn còn thức đến 1 giờ sáng để đọc tài liệu. Sau đó em đi ngủ thì đến 4 giờ sáng là em vỡ ối rồi đi viện. May quá một ngày trước đó chồng em mới lên thăm em nên hai vợ chồng mới cùng chở nhau đi viện kịp. Nếu không em cũng không biết thế nào nữa. Rồi cũng may là mẹ chồng em đến trước 1 tuần để chuẩn bị cho em. Lúc đó nhà em còn chưa có ô tô nên vợ chồng em bắt Uber đi vào bệnh viện. Khi em được cho vào Emergency Room (phòng cấp cứu) rồi, em vẫn lấy điện thoại ra để email cho giáo sư là em đã vào viện và sẽ nói với giáo sư khi em xuất viện. Sáng hôm sau, bà ấy email lại cho em là “Don’t worry! Good luck!” (Đừng lo! Chúc may mắn nhé!). 5 giờ sáng thì em được nhập viện nhưng phải đến 10 giờ tối em bé nhà em mới ra. Hôm đó thực sự rất mệt ạ!
Em bé ra đời thì em được nghỉ 2 tuần, sau đó lại quay lại làm việc bình thường ngay. Vì đó là học kỳ đầu tiên em làm teaching assistant nên em phải ngồi trong lớp, vẫn giữ giờ gặp hàng tuần (office hours) cho sinh viên, và bản thân em cũng đang lấy 3 lớp học. Có nhiều việc em làm được ở nhà nhưng đa phần em vẫn phải đến trường. Em vẫn đi học, vẫn có bài tập về nhà, và vẫn phải học thi. Em vẫn còn nhớ khi em xuất viện vào ngày thứ 4 thì tối thứ 5 em vẫn phải thi giữa kỳ (Mid-term) trên mạng. Cả cái kỳ đầu tiên đấy thực sự quá sức với em. Em cảm thấy rất stress, không biết phải làm thế nào để vừa có thể trông con, vừa đi học, và vừa đi làm….
(Còn tiếp)
Kết thúc phần 1 của bài phỏng vấn. Phần 2 Linh sẽ chia sẻ thêm về quá trình vượt qua khó khăn để cân bằng giữa việc nuôi con và việc học/làm việc ở trường, cùng với những cập nhật về cuộc sống và nghiên cứu hiện tại của mình. Mong bạn đọc tiếp tục ghé blog tuần tới để đọc thêm phần 2 câu chuyện về cô gái đầy nghị lực này.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Long Truong says
Em đọc bài này cứ như đang đi cùng chuyến tàu điện với siêu nhân (super-woman) ấy chị Chi ạ 😀
Cảm thấy quá phục sức cố gắng và chịu đựng của Ph.D Mom – Linh Linh này.
Mong sớm được đọc tiếp part 2 của chị 🙂
Btw, em vừa biết đến blog của chị hôm qua through the list of minimalism thì hôm nay đã đọc hết tất cả bài viết rồi.
Em cũng nể con đường Master – Ph.D của chị lắm.
Chúc chị sức khỏe và tiếp tục thành công.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em nhiều! Linh và chị đều đi chung con đường Master-PhD nhưng Linh vất vả hơn vì có em bé sớm hơn chị. Tuần tới em ghé đọc thêm phần 2 bài viết nhé! Chuỗi bài về Chủ nghĩa tối giản cũng sẽ tiếp tục trong vài tuần tới
Hạnh Nguyễn says
Khâm phục bạn Linh quá chị ạ,
Cố lên Linh nhé!
Quỳnh Vũ says
Thật sự cảm phục chị Linh, em cũng đang có học bổng tiến sĩ, và phân vân với chuyện lập gia đình. Hóng phần tiếp theo phỏng vấn chị.
Chi Nguyễn says
Phần tiếp theo là tuần tới nhé! Em có thể subcribe blog và follow trên Facebook page để cập nhật sớm nhất!
Le Hanh says
Cho Chi! Chị là Lê Hanh, phụ trách mảng giáo dục của VietNamNet. Chị có theo thông tin cuả quỹ học bổng VEF từ những gày đầu (2003). Hôm nay đọc được bài viết của em trò chuyện với Linh về chuyện học tiến sĩ ở Mỹ. Bài viết này rất hữu ích nên chị muốn đăng tải trên VietNamNet. Em hồi âm giúp chị nhé. Email của chị là hanh.le@vietnamnet.vn. Mon nhận được hồi âm của em.
Chi Nguyễn says
Em chào chào chị ạ! Cám ơn chị đã quan tâm đến blog! Em sẽ liên hệ lại với nhân vật rồi email trả lời chị sớm ạ.
DL says
Cảm ơn bạn Chi vì bài viết này! Bao giờ có phần 2 bạn ơi?
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã theo dõi blog! Phần 2 có vào thứ 4 tuần tới ạ. Blog thứ 4 (giờ Việt Nam) nào cũng đăng một bài, trừ trường hợp đặc biệt sẽ có thông báo tới độc giả trước.
Hieu Nguyen says
Siêu nhân thật!
Bây giờ mới đc nghe câu chuyện ly kỳ sau khi sang Mỹ, còn gian nan hơn khi học GRE và apply nhiều phần. Nhìn lại thấy mình ko có j khác biệt mấy sau khi qua Mỹ, xấu hổ vl =)))).
Khâm phục e Linh 🙂
Chi Nguyễn says
Hiếu ơi! Bài viết có nói đến tên Hiếu đấy – một nhân tố quan trọng không thể thiếu để đưa Linh đến lớp GRE mình 😀
Lê Huệ says
Thật khâm phục chị ấy. Cảm tưởng chị ý phi thường thế nào khi khó khăn, khó khăn chồng chất. Chúc chị luôn thành công, con người lớn trong thân hình nhỏ.
Thanh Van Ngo says
Em đã cố gắng tìm link phần tiếp theo cơ ạ. Bản thân em cũng vừa vượt qua hành trình chinh phục học bổng và phải tự lo mọi thứ.Em đã nghĩ rằng khó khăn của mình thật nhiều,thật kinh khủng, nhưng đọc xong bài này ,em cảm thấy rất khâm phục chị Linh và em nhận ra rằng không có gì là không thể trừ khi bản thân mình chịu khuất phục.Em tin rằng chị Linh sẽ thành công và hạnh phúc với con đường phía trước.Một điều nữa là cả ngày hôm nay em cũng đã đọc những bài viết của chị, đã bấm nút like trên trang facebook,cũng như ấn follow trên IG.Những chia sẻ của chị rất thú vị và mong chị luôn cập nhật thường xuyên những bài viết mới
Xin phép chị em share bài này về trang cá nhân của mình
Chi Nguyễn says
Cám ơn em! Em share cho các bạn đang đi trên con đường đầy thử thách của mình nhé! Chị cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống học tập và làm việc ở đây, những mỗi lần nghĩ đến Linh và các anh chị em khác, chị lại có thêm động lực để bước tiếp. Chị rất vui vì em cảm thấy blog hữu ích.
P/S: Phần tiếp theo sẽ được đăng vào tuần sau em nhé!
Hue says
Đọc xong bài này cảm thấy mấy cái khó khăn gục mặt của mình chỉ là những trò vặt trẻ con. Khâm phục chị Linh này quá!!!
#camthaycodongluccaytiep#
Huyền Trang says
Sau khi đọc xong bài này, em cảm thấy mình thực sự nhỏ bé và chưa làm được cái gì dù chỉ bằng 1/10 của bạn Linh “super woman” trong bài viết trên (xin phép cho em được gọi Linh như vậy^^!).
Chúc Linh sẽ tiếp tục hoàn thành thật xuất sắc con đường học tập sắp tới! Chúc 2 mẹ con bạn luôn mạnh khỏe.
Cảm ơn chị Chi vì những bài viết hữu ích của chị. Chúc chị sức khỏe và thành công.
Luôn đón đọc những bài viết mới của chị!
Thơm says
Thực sự rất ngưỡng mộ chị Chi, chị Linh và những người đã, đang vượt qua muôn vàn khó khăn trên đất khách để học tập và làm việc! Đọc bài mà thấy mình nhỏ bé quá chị ơi!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em! Nhiều khi nản lòng đọc lại bài này chị lại cố gắng phấn đấu vì thấy mình còn có điều kiện thoải mái hơn Linh nhiều lần. Chị hy vọng là em cảm thấy có thêm động lực khi đọc bài viết để làm những điều em muốn, chắc chắn Linh cũng mong bạn đọc cảm thấy như vây 🙂
Minh Nguyệt says
Quá khâm phục bạn Linh.
Bản thân mình, đã trải qua quá trình mang bầu và sinh em bé, và cũng trải quá áp lực của việc học Master của nước ngoài, cảm thấy bạn Linh thật nghị lực và có sức khỏe phi thường.
chúc Bạn Linh và em bé luôn khỏe nhé
chờ phần 2 phỏng vấn tiếp theo của bạn Chi
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc và comment. Phần 2 đã có trên blog từ mấy tháng trước (mình chỉ share lại bài viết trên Facebook để các bạn có dịp đọc lại) – link phần 2: https://thepresentwriter.com/hoc-tien-si-sinh-con-va-nuoi-con-o-my-phong-van-linh-phan-ph-d-candidate-public-health-phan-2/