Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 14/05/2025
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Chủ nhật vừa rồi, nhân Ngày của Mẹ, con trai 6 tuổi của mình viết một tấm thiệp bằng tiếng Anh, đại ý “Con yêu mẹ vì mẹ là người nấu ăn ngon”. Nhưng vì bé mới tập viết nên mắc lỗi là thay vì dùng từ “cook” (người nấu), bé viết “cooker” (nồi nấu). Đây là một lỗi thường gặp vì tiếng Anh có rất nhiều từ đổi từ động từ sang danh từ với đuôi “er” chỉ người làm hoạt động (ví dụ: driver, painter, singer).
Mình cũng từng gặp đúng lỗi này với từ cook/cooker khi mới học tiếng Anh tại Việt Nam. Khi ấy, một anh gia sư rất đặc biệt đã giúp mình sửa lỗi này, và sau đó, để lại cho mình một số bài học giá trị về cuộc sống.
Bản tin tuần này kể lại câu chuyện ấy…
—
Vào một mùa hè cách đây khoảng 22 năm, mình là một cô bé 13-14 tuổi ở Hà Nội mới chỉ bắt đầu học tiếng Anh một cách nghiêm túc. Mẹ mình nghe một người bạn kể về anh gia sư này đang dạy con họ tiếng Anh. Sự “tài tình” của anh gia sư ấy là ngoài việc dạy cẩn thận, anh còn khiến học trò “sợ chết khiếp” nên buộc phải chú tâm học hành. Vì thế, mẹ mình mời anh ấy về phụ đạo cho mình mùa hè.
Mình còn nhớ anh ấy rất trẻ nhưng nói năng cứng rắn, đĩnh đạc, thay vì xưng “anh-em” như các anh/chị gia sư khác, anh ấy luôn xưng “bạn-tôi” với mình. Cảm giác học anh ấy như học một ông đồ ngày xưa. Ý mình là, anh ấy dạy kiến thức chắc chắn, nhưng không khí học rất nặng nề vì anh ấy cực nghiêm, tuyệt đối không nở một nụ cười, chỉ chê thôi chứ không bao giờ khen. Chẳng hạn, khi mình mắc lỗi sai, anh ấy nghiêm mặt, lắc đầu, cau mày nói: “Tôi thật không thể hiểu nổi tại sao tới giờ này bạn còn nhầm giữa cook và cooker. Ai cho bạn lên lớp được thì thật sự phải xem lại tư cách. Bạn thử suy nghĩ xem học như vậy có đáng với đồng tiền bố mẹ bạn bỏ ra cho bạn không…” Cách anh ấy phê bình thường đánh vào cảm giác thất vọng bản thân và tội lỗi với gia đình/thầy cô nên học trò rất sợ mắc lỗi, từ đó lớp học trở nên tập trung nhưng căng thẳng.
Vì mình là một đứa trẻ nhạy cảm và được dạy từ nhỏ là phải luôn chiều lòng đón ý người khác, nên mình thường cố làm không khí buổi học nhẹ nhàng hơn. Ví dụ, khi bị anh gia sư mắng, mình hay cười trừ: “Hì hì… Dạ em quên mất ạ!”, mình cũng hay gợi chuyện hỏi han anh ấy, hoặc cố gắng cười đùa với hy vọng anh ấy sẽ vui hơn. Tất nhiên, anh ấy không bao giờ vui và cũng chẳng tham gia những chuyện tán ngẫu mà mình gắng gượng gợi ra.
Mọi chuyện cứ thế trôi qua… Cho tới một ngày nọ…
Không vì bất kỳ một lý do nào cụ thể hay sự kiện, con người nào tạo ra ảnh hưởng khác biệt, mình tự quyết định thay đổi cách giao tiếp với anh gia sư. Trong buổi học chiều hôm đó, mình vẫn học bình thường, nhưng thay vì căng mình ra để mỉm cười, xoa dịu, gợi chuyện với anh gia sư thì mình chỉ giữ mọi thứ ở mức bình thường. Ví dụ, khi anh ấy nói mình làm bài tập, mình gật đầu nói “vâng ạ”; anh ấy mắng mình làm bài sai, mình cũng gật đầu “dạ vâng ạ” và sửa lỗi. Không có cười trừ, làm mặt mếu, cố gắng pha vào vài câu bông đùa như mọi khi. Một lần nữa, tất cả những thay đổi này không vì một lý do nào cả, và thật sự mình cũng không nghĩ là anh ấy sẽ nhận ra sự thay đổi nào hết. Mình chỉ muốn giao tiếp ít và tập trung học đơn thuần, bỏ qua câu chuyện anh ấy có quý mình hay không.
Vì thế, mình đã rất ngạc nhiên khi anh ấy đột nhiên tỏ ra ngại ngần và hỏi: “Hôm nay bạn mệt à?” Sau khi nghe thấy mình trả lời “không ạ”, anh ấy giao bài cho mình làm rồi ra ngoài hiên ngồi trầm ngâm một lúc lâu. Sau đó, anh ấy quay lại và bắt đầu một tràng tâm sự rất dài và rất riêng tư với mình. Thành thực mà nói, mình không còn nhớ chi tiết vì trong đầu mình khi ấy chỉ lặp đi lặp lại suy nghĩ: “Ủa tại sao anh ấy lại kể mấy chuyện này cho mình?” 🐒. Nhưng đại khái, anh ấy kể rằng thuở nhỏ, anh sống với bố là người rất hà khắc, có kỳ vọng cao và luôn dạy con theo kiểu “yêu cho roi cho vọt”. Nên khi trưởng thành, anh ấy cũng trở thành kiểu người đàn ông như vậy. Và khi đi dạy học, anh ấy cũng không có hình mẫu nào khác ngoài cách bố anh dạy ngày xưa với vằn mắt, dằn hắt, chì chiết—mặc dù thâm tâm anh ấy muốn thay đổi nhưng không biết làm cách nào khác.
Trong đầu một đứa trẻ tuổi teen còn đang ú ớ không hiểu tại sao phải ngồi đây và nghe những câu chuyện này, mình hiểu lờ mờ là anh ấy kể chuyện thay lời giãi bày (và có lẽ cả xin lỗi?) cho cách anh ấy giảng dạy và hành xử. Mình cũng chỉ biết ngồi đó lắng nghe, không phản ứng gì.
Nhưng sau buổi đó, không khí học nhẹ nhàng hơn hẳn. Anh gia sư vẫn nghiêm nghị, vẫn “bạn-tôi”, vẫn ít cười. Mình vẫn lắng nghe, vẫn “vâng ạ”, vẫn mỉm cười. Nhưng cả hai bên dường như không còn cảm giác “gồng” lên nữa: thầy giáo không còn chỉ trích gắt gao để học trò tiến bộ, học trò không còn căng mình lên để chiều ý thầy. Việc học diễn ra nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả cho tới buổi cuối cùng.
—
Ngày nay, sau hơn 1 thập kỷ đứng trên giảng đường và trở thành nhà nghiên cứu giáo dục, thỉnh thoảng mình vẫn nghĩ về kỷ niệm học gia sư ngày nhỏ và nghiệm ra đôi điều đáng giá:
1- Không nhất thiết phải đối xử với người khác như cách mình từng bị đối xử. Ai trong chúng ta khi lớn lên cũng chịu ảnh hưởng bởi nền giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội, văn hóa… Nhưng khi đến tuổi trưởng thành, ta có quyền chọn lọc những gì mình cảm thấy phù hợp nhất từ nền tảng giáo dục cũ và bỏ đi những thứ không còn phù hợp khi thiết kế cuộc sống riêng cho mình.
Mình từng nghe nhiều người nói rằng: “Ngày xưa bố/mẹ tôi đánh mắng tôi như thế nên giờ tôi cũng đánh mắng con tôi cho nó thành người”, hay “Ngày xưa mẹ chồng tôi hành hạ tôi nhiều nên giờ tôi sai bảo con dâu như thế vẫn còn là nhẹ lắm”... Nhưng hãy thử hỏi bản thân 2 điều: (1) Ngày xưa khi bị đối xử như vậy bạn có thấy hạnh phúc không? và (2) Bạn có thể đạt được mục tiêu răn dạy nhưng không dùng phương pháp cũ hay không? Thông thường, những đứa trẻ bên trong chúng ta đều nhớ cảm giác tồi tệ khi bị đối xử hà khắc, nhưng phần trưởng thành trong chúng ta không biết làm cách nào khác, ngoài việc lặp lại sự hà khắc trong quá khứ, để đạt được mục tiêu mong muốn.
Mình nghĩ, bước đầu tiên là thành thực nhìn nhận nhận vấn đề trong việc lặp lại cách hành xử cũ trong những mối quan hệ mới—như điều anh gia sư trong câu chuyện trên của mình. Đây là bước khó nhất vì nó đòi hỏi tư duy phản biện, phản tư và sự dũng cảm khi dám thừa nhận những vết sẹo trong quá khứ. Bước tiếp theo là mở mang kiến thức, học hỏi những cách giảng dạy/làm cha mẹ/giao tiếp… khác nhau và lựa chọn phương pháp phù hợp nhất cho mình. Tiếp đó là ứng dụng vào những trường hợp thực tế riêng và tiếp tục hành trình phát triển bản thân để thiết kế cuộc sống tốt nhất cho mình và những người xung quanh.
2- Quyền lực đến từ hai phía. Khi đối diện một người ở vị trí quyền lực (ví dụ: thầy cô giáo, phụ huynh, sếp…), ta rất dễ có cảm giác phải “cong lưng, uốn mình” để chiều lòng đón ý họ. Nhưng quyền lực tới từ hai phía: người nắm quyền và người trao quyền. Nếu ta không chủ động, liên tục trao cho người đối diện mọi quyền lực (ví dụ: tâng bốc, bợ đỡ, làm mọi thứ để người kia hỉ hả) thì một phần quyền lực sẽ vẫn được giữ lại ở phía của ta.
Đây có thể là một góc nhìn khác lạ và hơi khó hiểu với nhiều người. Nhưng ở tuổi 13-14, từ câu chuyện nhỏ kể trên, mình đã học được bài học này. Và kể từ đó tới sau này, mỗi khi mình đứng trước một tình huống có sự bất cân bằng về quyền lực, mình luôn nghĩ tới phần quyền lực nào mình có trong tay và liệu mình có đang chủ động nắm lấy nó hay trao đi nó.
3- Dạy và học với sự chân thành. Sau hơn 30 năm vừa là học trò và vừa là người thầy, mình nghiệm ra rằng lớp học tốt nhất là lớp học diễn ra trong bầu không khí tự nhiên, chân thành và tin tưởng—khi mà cả thầy và trò đều không phải gồng lên để chứng minh cho nhau điều gì không có thật.
Từ câu chuyện chia sẻ cá nhân của anh gia sư hồi nhỏ, mình học được bài học là luôn nói hết ra những điều ảnh hưởng tới phương pháp giảng dạy, cũng như nhân sinh quan của mình ngay từ đầu với học trò. Ngày nay, trong các lớp mình dạy tại Mỹ, nếu không tổ chức học trực tiếp thì mình luôn kèm 1 video giới thiệu bản thân ở ngay buổi đầu tiên. Trong đó, mình nói về nơi mình sinh ra và lớn lên, hành trình của mình từ Việt Nam sang Mỹ, tại sao trải nghiệm của mình ảnh hưởng tới những gì mình truyền đạt (tương đối giống như những đoạn mở đầu mình có trong các video của The Present Writer trên YouTube). Mình luôn nhận được phản hồi tích cực từ học viên về bài giới thiệu này và nó cũng giúp học viên cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ góc nhìn và phương pháp riêng của họ. Với một lớp học được xây dựng bằng sự chân thành, trải nghiệm của ai cũng được lắng nghe và trân trọng.
—
Mình hy vọng các bạn cũng nhận được giá trị từ câu chuyện nhỏ ngày hôm nay. Hãy chia sẻ bài viết này cho tất cả những ai cần/muốn phá bỏ đi vòng lặp của quá khứ và bắt đầu kiến tạo cuộc sống mới theo cách riêng của mình nhé!
Be present,
Chi Nguyễn
P/S: Bản tin hàng tuần này đã, đang và sẽ luôn được gửi tới bạn hoàn toàn miễn phí. Nếu bạn muốn giúp bản duy trì bền vững, hãy cân nhắc ủng hộ một phần chi phí vận hành, mua sách và sổ của mình, hoặc chia sẻ dự án “Bài học thứ Tư” nhé! Mình thực sự biết ơn sự cổ vũ và động viên của bạn ♥️
GỢI Ý TUẦN NÀY
1- Ưu đãi sản phẩm của The Present Writer. Shopee Việt Nam 🇻🇳 đang có đợt giảm giá giữa tháng (15.5) với mã ưu đãi tại đây. Khi ở trên Shopee, bạn có thể ghé gian hàng của The Present Writer 😉 với các sản phẩm tri thức của mình như Sổ hiệu năng “The Present Day planner” và Sách “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”. Bên cạnh đó, The Present Writer International hiện ưu đãi miễn phí giao hàng toàn nước Mỹ 🇺🇸 cho các đơn hàng từ 2 sản phẩm ($60) trở lên. Các bạn tận dụng thời gian này để mua hoặc restock các sản phẩm của The Present Writer nha!
2-Sách “Việc 12 tháng làm trong 12 tuần” (The 12 Week Year). Mình đang đọc lại cuốn sách này để lập kế hoạch cho 12 tuần sắp tới—học kỳ mùa Hè của mình. Sách đưa ra một ý tưởng thú vị: Tại sao cần lập kế hoạch cho đủ 12 tháng cuối năm? Tại sao không rút ngắn lại thành 12 tuần (3 tháng) để hoàn thành toàn bộ mục tiêu của mình? Cuốn sách tập trung nhiều vào yếu tố thực thi (execution) và chia sẻ nhiều phương pháp cụ thể giúp bạn đạt được mục tiêu nhanh nhất, sớm nhất nhưng vẫn tốt nhất. Mình đã làm hẳn một video review sách này tại đây.
3-Sử dụng nhạc bản quyền Epidemic Sound. Với những ai làm sáng tạo nội dung, “ác mộng” lớn nhất có lẽ là khi những video/podcast/audio mà mình dày công dàn dựng bị xóa đi và chịu án phạt vì lỗi bản quyền. Chính vì lý do này, ngay từ ngày đầu tiên làm nội dung số, mình tìm hiểu và quyết định gắn bó với nền tảng nhạc bản quyền Epidemic Sound. Bạn có thể đăng ký 7 ngày thử nghiệm miễn phí với Epidemic Sound. Sau thời gian dùng thử, kể cả khi bạn không tiếp tục dùng Epidemic Sound nữa thì tất cả âm nhạc trong content bạn đăng trong thời gian dùng Epidemic Sound sẽ VĨNH VIỄN không bị đánh bản quyền. Tìm hiểu thêm tại đây.
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email