Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 16/04/2025
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer!
Tuần rồi, mình bắt đầu đọc cuốn “The Practice: Shipping Creative Work” (tựa tiếng Việt: “Ta Giấu Sáng Tạo Ở Đâu”) của Seth Godin và thấy có nhiều điểm hay mà mình muốn chia sẻ với các bạn.
Mặc dù tựa sách có chữ “sáng tạo” nhưng sách không chỉ dành riêng cho những ai làm nghề sáng tạo truyền thống (như họa sĩ, cây viết, ca sĩ…) mà dành cho tất cả những ai “không cho mình chỉ là bánh răng trong một bộ máy” và những người sẵn sàng “tạo ra thay đổi lên người khác”. Nói đơn giản, nếu bạn là một người có tư duy độc lập, suy nghĩ tự do, muốn tạo ảnh hưởng tới thế giới quanh mình, đây là cuốn sách dành cho bạn.
Ý tưởng lớn của cuốn sách xoay quanh câu chuyện “output vs. practice” (p/s: mình đọc bản tiếng Anh nên sẽ dùng song ngữ khi diễn giải): Thông thường chúng ta được dạy rằng phải nghĩ về thành quả (output) trước rồi lội ngược lại xem mình sẽ cần kỹ năng, trải nghiệm hay quá trình luyện tập (practice) như thế nào để đạt được kết quả đề ra. Trong một thế giới hoàn hảo, đây là một phương pháp tốt. Vấn đề là, thế giới không ngừng thay đổi, các chính sách, tình huống, con người… mới xảy đến nên đôi khi, mặc dù với một kế hoạch hoàn hảo và nỗ lực tối đa, bạn cũng không chắc đạt được thành quả như mong muốn.
Do vậy, tác giả cho rằng “the practice is the output” (“quá trình luyện tập chính là thành quả”). Hành trình luyện tập mang lại cho bạn kỹ năng, kiến thức, sự trưởng thành trong tư tưởng và phát triển bản thân—đây vốn đã là thành quả của mình rồi, mặc cho kết quả cuối cùng có như thế nào đi chăng nữa.
Đây cũng là điều mình luôn tâm niệm trong quá trình làm The Present Writer từ năm 2016: mình làm vì sự phát triển của bản thân, chứ không vì một mục đích nào cuối cùng. Ngay trong năm đầu tiên khi blog mình viết bắt đầu tạo hiệu ứng viral, rất nhiều khán giả, cũng như phóng viên và các bạn làm truyền thông đều hỏi: “Mục đích cuối cùng của bạn để xây dựng thương hiệu là gì? Để bán khóa học? Làm người nổi tiếng? Xây dựng “phễu” bán hàng?…” Tất cả những mục đích này đều hợp lý (với nhiều người), nhưng đó hoàn toàn không phải là lý do đầu tiên để mình bắt đầu thương hiệu. Mình bắt đầu viết vì mình thích viết và mình muốn luyện viết tốt hơn, vậy thôi. Chính vì không đặt ra mục tiêu thành quả cụ thể, những năm đầu mình khá loay hoay và nhiều lần định bỏ blog, nhất là khi kinh tế khó khăn mà còn phải “nuôi” một blog không làm ra tiền. Nhưng cũng vì không có mục tiêu cụ thể, mình không có nhiều áp lực về con số và có những năm đầu “khởi nghiệp viết” trong vui vẻ, tự do, sáng tạo.
Nghe tới đây, nhiều người có thể nhíu mày: “Nếu không vì tiền hay danh tiếng thì tại sao phải đầu tư làm chỉn chu ngay từ đầu?” Mình cũng từng tình cờ đọc được một bình luận trên Facebook grouo về Thương hiệu cá nhân nói rằng việc mình đăng một blog (hiện nay là bản tin) mới hàng tuần là một điều “đáng ngờ” vì không ai làm đều đặn và kiên trì như vậy mà không có mục đích lớn nào đằng sau cả. Bản thân mình trước nay luôn nghĩ việc mình làm chỉn chu từ ban đầu và giữ lời hứa “hàng tuần” với khán giả là vì tính mình vốn cận trọng như vậy (dù gì mình cũng là “con nhà lính”—lớn lên trong môi trường quy củ). Nhưng đọc câu này của Seth Godin trong sách giúp mình hiểu hơn: “Bạn có thể không được trả công cho việc bạn đang làm, hoặc chưa được trả ngay hôm nay, nhưng bạn tiếp cận nó một cách chuyên nghiệp”—không phải chỉ có việc trả lương mới xứng đáng được làm một cách chuyên nghiệp. Một lần nữa, cuốn sách dạy lại cho mình một bài học (mà có thể trước đó mình từng nghĩ tới nhưng chưa nói được ra thành lời): Quá trình luyện tập chính là thành quả.
Ngày nay, The Present Writer đã trở thành một thương hiệu đa kênh, không chỉ có blog mà còn có YouTube, podcast, và cả những sản phẩm vật lý như Sách tối giản, Sổ hiệu năng. Mặc dù vậy, mình vẫn đang trong quá trình “luyện tập” để phát triển bản thân và cùng trên hành trình đó, phát triển doanh nghiệp—đối với mình, đây luôn là hai con đường chung nhau chứ không phải tách rời.
Mình chia sẻ bài học này vì thứ nhất, cuốn “The Practice: Shipping Creative Work” (hay“Ta Giấu Sáng Tạo Ở Đâu”) là một cuốn sách rất thú vị, ngắn gọn, thông minh—đúng như phong cách thông thường của Seth Godin. Thứ hai, mình nghĩ phần nào đó trong các bạn, cũng như mình, đôi khi thấm mệt với các loại mục tiêu, KPI, đánh giá… và cần kết nối lại với những lý do về hành trình luyện tập phát triển bản thân (practice) ấm áp hay vì kết quả đầu ra (output) lạnh lùng. Nếu bạn thấy đồng cảm, hãy đọc sách nhé! Mình không được trả tiền để truyền thông cuốn sách này, nhưng đó không phải là lý do mình không giới thiệu nó một cách “chuyên nghiệp” như lời tác giả gửi gắm 😊
Be present,
Chi Nguyễn
P/S: Bản tin hàng tuần này đã, đang và sẽ luôn được gửi tới bạn hoàn toàn miễn phí. Nếu bạn muốn giúp bản duy trì bền vững, hãy cân nhắc ủng hộ một phần chi phí vận hành, mua sách và sổ của mình, hoặc chia sẻ dự án “Bài học thứ Tư” nhé! Mình thực sự biết ơn sự cổ vũ và động viên của bạn ♥️
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email