Tiếp theo phần 1 của cuộc trò chuyện giữa Chi (PhD candidate, Educational Leadership) và Tiệp (PhD candidate, Electrical Engineering), trong phần 2 này chúng tôi sẽ nói thêm về quá trình học tập và cuộc sống của nghiên cứu sinh tại Mỹ. Mặc dù chia sẻ mang tính cá nhân cao, chúng tôi tin rằng trải nghiệm của mình sẽ giúp bạn hiểu thêm về khó khăn cũng như cơ hội của du học sinh Mỹ. Hãy chia sẻ bài viết cho người thân, bạn bè, và tất cả những ai có ước mơ du học!
- Quá trình học tập
Chi: Sau khi apply thành công và đặt chân đến nước Mỹ, bọn mình bắt đầu quá trình học tập bậc cao học. Thường đối với Tiến sĩ (PhD), mình mất khoảng 2 năm đến 2 năm rưỡi để hoàn thành các khoá học bắt buộc và sau đó mới đến giai đoạn nghiên cứu làm luận án tốt nghiệp. Tiệp hiện giờ đã học xong nhưng Chi vẫn phải lên lớp hết học kỳ này [vì Chi học thêm bằng PhD thứ hai]. Là người đã hoàn thành xong tất cả các khoá học, Tiệp có thể chia sẻ về trải nghiệm 2 năm đầu của mình không?
Tiệp: Vấn đề khó khăn nhất khi sang đây của tớ là ngôn ngữ. Đúng là lúc đầu sang họ nói mình không hiểu, mình nói họ cũng không hiểu luôn. Ở cả giao tiếp bên ngoài và khi nói chuyện với giáo sư, tớ chỉ nghe câu được câu không thôi. Nhưng tớ vẫn đi học trên lớp bình thường, vẫn đạt điểm cao bởi vì may mắn đối với ngành kỹ thuật, ngôn ngữ Toán là ngôn ngữ toàn cầu. Đôi khi tớ không hiểu thầy nói gì nhưng những phương trình thầy viết trên bảng tớ hoàn toàn hiểu được vì ở Việt Nam cũng dùng ngôn ngữ như thế. Đó cũng có thể là một lý do tại sao ngành của tớ không đòi hỏi điểm tiếng Anh cao! (cười) [Cho bạn nào tò mò, điểm IELTS speaking của tớ là 5.5]
Chi: Đúng! (cười lớn)
Tiệp: Đấy! Cả trên lớp khi phát biểu hay về nhà khi viết bài, tớ đâu có phải viết nhiều như ngành xã hội của bạn đâu (cười). Nhiều khi không cần đủ mở bài, kết bài, chỉ cần viết phương trình, lập luận gì thì có dấu suy ra, Việt Nam, Ả Rập hay Mỹ thì đều dùng ngôn ngữ như thế cả. Nếu mình học tốt Toán ở Việt Nam thì chắc chắn cũng sẽ học được ở bên này.
Sau một kỳ đầu đã quen với mấy môn cơ bản [và có kết quả chấp nhận được], tớ thấy tự tin hơn ở các kỳ sau. Ngoài ra, tớ không gặp nhiều khó khan với việc học trên lớp vì các môn ở trường này dậy khá dễ hiểu và các thầy cũng rất tốt, mọi chuyện đều qua suôn sẻ. Chỉ có một điều là trong thời gian đầu tớ đã phải làm một số dự án trên lab cùng với giáo sư hướng dẫn, nên có những giai đoạn khá bận bịu, tớ đã gặp khó khăn trong việc cân bằng việc học và việc nghiên cứu.
Chi: Tớ rất đồng ý với chia sẻ của cậu. Ngay cả đối với tớ, trước khi sang Mỹ tớ đã dùng tiếng Anh khá thành thạo và làm việc trong nhiều môi trường nói tiếng Anh, ngôn ngữ vẫn là một rào cản! Tớ thì không gặp khó khăn trong việc nghe, nói với người nước ngoài nhưng sử dụng ngôn ngữ học thuật (academic language) rất khác với ngôn ngữ giao tiếp thông thường. Mà đối với ngành của tớ, đọc và viết là sống còn. Tớ phải đọc rất nhiều. Thông thường một tuần tớ được yêu cầu đọc ít nhất 300 đến 500 trang mà không phải ngôn ngữ dễ đọc, có nhiều bài học thuật rất khó hiểu. Viết cũng thế, viết học thuật không hoàn toàn giống như khi mình viết bài luận (essay) ngày trước cho các kỳ thi tiếng Anh chuẩn hoá, nó đòi hỏi phải có những kỹ năng khác, vốn từ vựng khác, và phong cách viết khác. Tớ nghĩ mình cũng phải mất 1-2 năm mới làm quen được hẳn với cách viết học thuật. Do vậy, tớ nghĩ ngôn ngữ là cái khó chung đối với các du học sinh, không cứ là ở ngành nào.
Tiệp: Nhưng việc viết học thuật ở bên bạn chắc chắn đòi hỏi cao hơn bên tớ nhiều. Bạn phải viết nhiều, trong khi tớ làm bài tập chỉ cần viết 1- 2 trang toàn công thức Toán thôi thì cũng đơn giản, không có vấn đề gì cả!
Chi: Ừ! Có lẽ viết là điểm khác nhau lớn nhất giữa hai ngành mà nhiều người không mường tượng được trước khi sang đây. Ví dụ như tớ biết nhiều người ở Việt Nam viết luận rất giỏi, còn đi dạy kỹ năng viết luận nữa, nhưng sang đến đây vẫn chật vật để chuyển sang phong cách viết học thuật. Hai cách viết này thực sự rất khác nhau.
Tiệp: Tớ thấy cách viết ở bên này rất khác với cách viết ở Việt Nam ở một điểm. Ở bên này, phải “nói có sách, mách có chứng”. Nếu bạn muốn viết về bất kỳ điều gì, bạn phải tìm hiểu trước xem đã có ai viết cái đó chưa, nếu có phải trích dẫn (cite/refer) đến bài của người ta vì đó là điều người ta đã nghiên cứu rồi. Hoặc khi muốn làm cho luận điểm của mình mạnh hơn, bạn cũng nên dẫn chứng một số bài viết trước, để nói là đã có người này đã nghiên cứu về vấn đề này rồi, kết quả của họ cũng hợp theo luận điểm của mình. Đây có lẽ là điểm khác nhất đối với cách viết ở Việt Nam vì ở Việt Nam, mình chưa để ý nhiều đến trích dẫn (citation).
Chi: Chính xác! Citation đối với ngành tớ rất quan trọng!
Tiệp: Ngành tớ cũng vậy. Nếu bạn đưa ra một ý tưởng mới mà không cite (trích dẫn) lại nghiên cứu trước đã từng làm trong mảng tương tự, chắc chắn bài của bạn sẽ bị từ chối (reject) ngay.
Chi: Đối với ngành của tớ, có những cái nhiều khi rất thông thường, có thể gọi là hiểu biết chung (common sense), mình tưởng ai cũng biết rồi. Nhưng khi viết ra, mình cũng vấn phải cite nghiên cứu của người đi trước để chứng mình cho luận điểm của mình. Những kiến thức mình cho là thông thường đó có thể dựa trên hàng trăm, hàng ngàn bài báo được xuất bản từ trước đây để xây dựng nền tảng kiến thức hiện đại, mình cần phải trích dẫn lại công trình của họ.
Tiệp: Vậy làm thế nào để biết chỗ nào cần citation?
Chi & Tiệp: Phải đọc nhiều! (cười đồng thanh)
Tiệp: Không còn cách nào khác là phải đọc thôi!
Chi: Thế nhìn lại quá trình học, Tiệp có lời khuyên gì không?
Tiệp: Có một điều học bên này khác với ở Việt Nam là bài tập rất nhiều và rất khó [hơn khi tớ học ở Việt Nam]. Nhưng các thầy bên này hoàn toàn có thể cho điểm tốt nếu bạn thể hiện là mình đã đầu tư công sức để học. Nếu không học hành chăm chỉ, thầy sẽ biết ngay qua quá trình nghe giảng trên lớp và làm bài tập về nhà, và sẽ không bao giờ cho điểm cao. Bạn có thể thấy bên này điểm A, A+ hay 4.0/4.0 là rất nhiều, không như ở Việt Nam là khoảng 3.5 là rất cao rồi, bên này 3.7, 3.8 là rất bình thường. Đó là vì bên này sinh viên học rất thật và khi tỏ ra mình đã thực sự cố gắng, thầy sẽ tạo điều kiện cho điểm tốt. Kể cả khi mình lỡ bị điểm kém, mình cũng có thể xin làm bài thêm để gỡ điểm (extra credit), rất nhiều thầy cũng tạo điều kiện cho việc này.
Chi: Tớ nghĩ đó là một suy nghĩ đúng. Học là để cho mình, chứ không phải học cho ai hết, không phải cho thầy cũng không phải vì điểm số.
Tiệp: Đúng vậy. Học bên này là phải học thực chất.
Chi: Trong ngành của tớ, khi đi học có một cái khó là lớp thường được tổ chức dưới dạng thảo luận (seminar), do vậy phải nói rất nhiều mới được tính điểm tham gia trên lớp (participation) và mới tạo được ấn tượng tốt với giáo sư. Vì một lớp của bên tớ thường rất ít, khoảng 6-15 người thôi, lớp lớn thì cũng chia làm nhiều nhóm nhỏ thảo luận, nếu bạn không đọc và chuẩn bị bài trước, đến lớp không biết nói gì sẽ “lộ” ra ngay. Điều này là điều khó đối với sinh viên quốc tế mới sang. Vì ở Việt Nam chẳng hạn, mình không có nhiều điều kiện nói trên lớp, lớp thì đông, muốn phát biểu gì phải giơ tay xin phép. Ở đây, hầu như không mấy khi giơ tay mà mình thường nói trực tiếp luôn trong thảo luận bàn tròn. Do vậy, cũng phải mất một thời gian để làm quen, để biết khi nào nên phát biểu, khi nào nên lắng nghe, và để tìm được tiếng nói riêng của mình trên lớp. Nhưng đúng như Tiệp nói, giáo sư họ rất tinh, ngay cả khi mình không nói được nhiều trên lớp nhưng nếu mình cố gắng chăm chỉ chuẩn bị bài và đóng góp khi có thể, giáo sư đều ghi nhận hết. Họ rất thấu hiểu cho khó khăn ban đầu của sinh viên quốc tế và biết sinh viên nào có cố gắng, sinh viên nào chỉ giả tạo bên ngoài. Nhiều khi mình không nói được trên lớp nhưng ngoài giờ mình trao đổi lại với giáo sư về suy nghĩ của mình và khó khăn khi nói trước đám đông ở trên lớp, họ hoàn toàn có thể chia sẻ được.
Tiệp: Đúng vậy. Một điểm nữa là bên này có office hours là thời gian giáo sư [hoặc trợ giảng] có mặt trong lab/văn phòng để sinh viên có vấn đề gì tìm đến hỏi. Nếu bạn có gặp khó khăn gì, nên tìm đến gặp giáo sư [hoặc trợ giảng] trong thời gian này. Không những mình giải toả được khó khăn của mình mà còn ghi điểm được thêm với giáo sư nữa. Giáo sư thường rất coi trọng những sinh viên có cố gắng, chịu khó tìm tòi.
Chi: Đúng vậy!
Tiệp: Ban nãy bạn có nói về việc phát biểu trên lớp làm tớ nhớ lại chuyện của tớ. Mấy năm đầu đi học tớ thường ngồi bàn đầu và tớ ngồi góc ngoài cùng [ngay cửa ra vào], chọn chỗ thầy dễ nhìn thấy nhất. Tớ rất hay phát biểu. Mặc dù tiếng Anh của tớ còn chưa tốt, tớ vẫn có thể tự tin trả lời những câu ngắn như một con số kết quả, hoặc một phương trình ngắn. Điều này đã giúp tớ “ghi điểm” trong mắt giáo sư.
Chi: Tớ đồng ý! Mình nên tập trung vào điểm mạnh của mình để phát triển… Hiện Tiệp không phải lên lớp nữa thì cậu làm gì cho giáo sư?
Tiệp: Giờ tớ không hẳn làm cho giáo sư mà làm nghiên cứu cho chính mình, dưới sự hướng dẫn của giáo sư. Sau dự án đầu tiên (vào cuối năm thứ nhất) khi giáo sư có bài toán cụ thể cần giải quyết [tớ phải tự tìm tòi đưa ra ý tưởng] thì những năm sau, tớ tự đưa ra bài toán, ý tưởng, và tự tìm cách giải quyết bài toán đó luôn. Bây giờ tớ đang làm thêm một số hướng nghiên cứu được phát triển dựa trên bài báo đầu tiên được xuất bản năm ngoái.
Chi: Còn tớ, hiện giờ tớ vẫn lên lớp nhưng cũng làm những dự án riêng. Ngành của tớ thường mọi người nghiên cứu độc lập và mỗi người có một hướng làm nhỏ riêng, không có một công thức chung nào hết. Nên nhiều khi tớ cảm thấy đề tài của mình một mình mình biết, thầy có thể đưa ra góp ý riêng, nhưng thầy không phải là người cầm tay chỉ cho mình là mình phải làm thế này, thế kia… Vì ít có điều kiện làm theo nhóm trên lớp, tớ tự tổ chức nhóm mới như nhóm viết (writing group) để trao đổi ý tưởng và giúp nhau làm việc hiệu quả hơn. Tớ nghĩ đây cũng là lời khuyên cho các bạn học ngành xã hội, nếu không có nhóm cố định trên lớp, mình hoàn toàn có thể tạo ra nhóm riêng để hoạt động cho mục đích riêng của mình.
- Cuộc sống nghiên cứu sinh
Tiệp: Ngoài việc học tập, có được một nhóm người bạn để chia sẻ là rất quan trọng. Mình học PhD trong 5 năm nhưng không phải 5 năm đó chỉ tập trung vào nghiên cứu, mình cũng cần phải có những thú vui khác và cuộc sống khác ngoài trường lớp.
Chi: Đúng vậy! Nhiều khi ở nhà mọi người hay lo lắng hỏi làm sao mình học nổi nhiều năm như vậy. Thực ra, tớ cảm thấy có nhiều niềm vui, còn vui hơn hồi đi làm rất nhiều!
Tiệp: Đúng là học PhD cũng có nhiều niềm vui. Từ khi sang đây, tớ thấy mình tập được nhiều thói quen mà ở nhà không có, ví dụ như nấu ăn, đọc sách, thể thao — hồi ở Việt Nam tớ không có điều kiện thời gian làm được những điều đó. Mình phải tự nghĩ ra việc để thư giãn.
Chi: Tớ nghĩ một phần là bởi vì ở đây mình làm việc quá căng thẳng và tập trung nên mình cần có không gian thư giãn riêng để cân bằng cuộc sống. Như ở Việt Nam, tớ thường làm việc dàn trải, toàn những việc không tên nhưng không để ra thời gian để tập trung vào hẳn là làm hay hẳn là chơi. Cách làm việc này không còn phù hợp khi sang Mỹ. Cậu thì có những thú vui gì?
Tiệp: Ngoài đọc sách và nấu ăn, mùa hè tớ đi thể thao (bóng đá), mùa đông thì đi bơi (bể bơi trong nhà). Học PhD điều quan trọng là phải giữ được sức khoẻ vì nếu ốm thì rất “nhục”. Một là tiền thuốc nhiều, kể cả có bảo hiểm. Hai là không khỏi nhanh thì càng ngày càng ốm, càng ốm càng chết vì không đi làm được, cũng không có ai chăm sóc cả. Vậy lên lúc biết mình sắp ốm, tớ thưởng ăn tỏi và nấu ăn phòng trước mấy ngày.
Chi: Tớ nhớ có lần tớ ốm quá không đi ra ngoài được, phải gọi điện nhờ cậu đi mua thuốc mang đến giúp (cười)
Tiệp: Đúng rồi (cười). Học PhD phải giữ sức khoẻ tốt và có bạn bè giúp đỡ thêm khi cần.
Chi: Nói về bạn bè, hồi tớ chuẩn bị sang học, tớ nghe 2 luồng tư tưởng về việc kết bạn bên này. Một trường phái là chỉ chơi với người Việt Nam thôi để có cộng đồng thân thuộc, còn một trường phái thì chỉ nhắm vào chơi với “Tây” thôi để hoà nhập vào cuộc sống ở nước ngoài. Cậu thì thấy thế nào?
Tiệp: Tớ thì không có phân biệt gì Việt hay Tây, ai tốt thì mình chơi. Tớ có chơi thân với hội Việt Nam nhưng cũng thân với mấy bạn nước ngoài trong lab tớ. Nói chung, mình không nên phân biệt làm gì, ai làm cho mình cảm thấy vui vẻ thì mình chơi thôi.
Chi: Tớ cũng nghĩ vậy. Tớ nghĩ phân biệt như hai trường phái trên thì có vẻ hơi bị thái quá. Vì mình cũng nên có cộng đồng người Việt thân thuộc để nương tựa khi cần nhưng cũng nên làm quen với bạn bè các nước khác để hoà nhập vào nền văn hoá mới. Không nhất thiết cứ phải chọn một trong hai.
Tiệp: Đúng thế! Mình không nên phân biệt bạn bè vì quốc tịch của họ.
Chi: Nói về sở thích ngoài học tập, cậu cũng biết là việc viết blog này là niềm vui của tớ. Còn tớ cũng biết cậu có một kênh Youtube dạy về ngôn ngữ LaTeX bằng tiếng Việt. Cậu có thể nói qua một chút được không?
Tiệp: Mọi việc cũng là tình cờ thôi. Từ khi tớ sang đây, trong quá trình học tập, nghiên cứu, làm báo cáo, mọi thứ tớ đều [phải] làm trên LaTeX. Sau 3 năm, tớ gần như quên hẳn Word. Đến khi đi thực tập, sếp của tớ lại yêu cầu làm việc trên Word, do vậy tớ có quay lại làm Word. Lúc đấy, tớ có lên Facebook than thở với các bạn là đổi từ LaTeX sang Word cứ như đang đi một con SH lại chuyển sang con xe đạp tòng tọc (cười). Sau đó, một số bạn có hỏi tớ về LaTeX, nói là trên Google cũng có nhưng không có hệ thống và hỏi tớ có thể soạn lại tài liệu giúp các em ở Việt Nam học không. Thế là tớ mới bắt đầu làm clip chia sẻ đăng trên YouTube. Ban đầu cũng chỉ nói chung chung về LaTeX thôi nhưng sau được bạn bè góp ý, trang YouTube cũng có rất nhiều bạn để ý, tớ bắt đầu chia thành từng mục nhỏ, mỗi clip khoảng 5 phút, trình bày khoa học hơn. Sau khi clip của mình được chia sẻ trên trang VJS (Vietnam Journal of Sciene) và nhận được khoảng 500 likes và 300 shares, tớ nhận ra việc mình làm có ích cho mọi người và có động lực làm thêm.
Chi: Blog này của tớ cũng thế. Tớ bắt đầu ban đầu chỉ là trong một mùa hè có thời gian và muốn viết lại những điều mình học được một cách dễ hiểu, gần gũi với mọi người (đọc thêm Giới thiệu về The Present Writer). Viết blog thực sự tốn rất nhiều thời gian, nhiều khi phải 2-3 ngày mới xong một bài. Nhưng viết blog thực sự có ích, khi viết ra một cách có hệ thống, bản thân tớ cũng học được nhiều điều hơn và cam kết với bản thân tốt hơn. Tớ cũng học được nhiều điều mới thú vị từ bạn đọc blog.
Tiệp: Đối với cuộc sống của PhD, có lẽ việc sống cần bằng, có niềm vui ngoài nghiên cứu là rất quan trọng. Ngoài ra, tớ nhớ lại khoảng thời gian khó khăn nhất của tớ là khi chuẩn bị cho bài báo xuất bản đầu tiên, tớ lo nghĩ rất nhiều, có nhiều hôm 2-3 giờ sáng còn làm việc trong lab. Nhưng mỗi khi khó khăn, tớ đều cố gắng động viên bản thân mình không được nản chí, cố gắng tập trung tìm vào điểm mạnh của mình để phát huy hết mức, không bao giờ từ bỏ.
Chi: Không bao giờ từ bỏ! Tớ cũng muốn kết lại bài nói chuyện bằng câu nói này. Thực ra rất nhiều người nhìn vào cuộc sống của bọn mình ở Mỹ có thể nghĩ rằng bọn mình đang rất sung sướng, nhưng thực chất, để đạt được thành quả như ngày hôm nay, mình phải bỏ ra rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thức khuya dậy sớm, stress… Nhìn lại con đường mình đã đi và con đường sắp đi tương lai, tớ nghĩ vẫn còn rất nhiều chông gai, nhưng điều quan trọng là không bao giờ từ bỏ, hãy luôn tập trung vào những nguồn năng lượng tích cực để có động lực bước lên phía trước.
****
Cám ơn bạn đọc đã theo dõi 2 phần trò chuyện giữa Chi và Tiệp. Chúng tôi mong bạn đọc tìm được điều bổ ích từ series này. Hãy chia sẻ bài viết đến tất cả bạn bè, người thân, học trò, đồng nghiệp—những ai đã, đang, và sẽ bước đi trên con đường học thuật này. Chúng tôi chúc mọi người thật nhiều may mắn!
Be Present,
Chi Nguyễn & Tiệp Vũ
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Hiếu says
Bài viết rất hay! Cám ơn vì đã chia sẻ!!!!!!
Thái says
Dear anh/chị,
Bài viết rất bổ ích. Cả phần 1 và phần 2, em đều học được những điều hay; chẳng hạn như từ cách tìm kiếm giáo sư, trao đổi với họ đến cách điều chỉnh cân bằng cuộc sống khi học có những căng thẳng. Bài viết này đã cho em nhiều motivation để em tiếp tục apply for PhD.
Rất cám ơn những chia sẽ rất thực tế và gần gủi của anh/chị từ những bài viết như thế này!
Thái
Chi Nguyễn says
Chào em! Cám ơn em đã theo dõi blog. Tới đây sẽ còn có thêm nhiều bài viết về chủ đề này, hy vọng em sẽ ghé blog thường xuyên 🙂
Thái says
Chị ơi,
Có thể cho em xin địa chỉ email để trao đổi thêm về việc xin HB cho PhD không vậy? Địa chỉ email của em: nvthai6rd@gmail.com
Thanks chị nhé!
Thái
Thắng Trần says
Cảm ơn 2 anh chị. Cái cách dẫn dắt và đưa thông tin rất hay lại cảm nhận được tình cảm ở trong đó.
Có 1 cái là em không biết nhóm GRE mà a ch có nói đến la nhóm nào.
Em hi vọng tham gia vừa để học tập vừa để to be Inspired và motivated
Chi Nguyễn says
Chào em! Nhóm GRE mà bọn chị nói trong bài là nhóm tự lập ra. Mọi người gọi nhau trên mạng và người này giới thiệu người kia để vào nhóm. Bọn chị khi đó học ở nhà riêng và ngoài quán cà phê rất nhiều. Tất cả mọi người trong nhóm này đều đã đi du học. Nếu em muốn học GRE có thể đưa thông tin lên Facebook cá nhân, các diễn đàn, và hỏi bạn bè về nhóm học. Chúc em nhiều may mắn!
SvTre says
Tình cờ biết bài viết qua machinelearningcoban
Nội dung và lối hành văn rất hay và tự nhiên
Ko hổ danh writer
Thanks and bookmarked
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog. Mình cũng rất thích machinelearningcoban
Huyenlemkt says
Em cảm ơn anh chị ạ. Bài viết rất bổ ích. Em cũng đang băn khoăn không viết nên học PhD hay học Master một chuyên ngành khác. Vì em cảm thấy học PhD rất nặng, và là 1 kiểu học hoàn toàn khác. Em có đọc bài của một người anh học PhD, thì anh nói rằng “Lên tới Master thì vẫn là đang đi học kiến thức, còn lên PhD là tạo ra kiến thức”. Qua chia sẻ của anh chị, em cũng thấy mọi việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Em mong có thể đọc thêm trải nghiệm của anh chị về chủ đề chuẩn bị hành trang xin học bổng và các vấn đề xung quanh việc học PhD nữa.
Em cảm ơn anh chị nhiều ạ.