Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 26/03/2025
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer từ Chicago!
Mình đang ở Chicago để dự hội thảo về giáo dục quốc tế (CIES). Đây cũng đánh dấu tròn 1 năm kể từ ngày mình bắt đầu viết Bản tin thứ Tư hàng tuần, bởi vì bản tin đầu tiên được viết tại chính hội thảo này năm ngoái tại Miami. Chúng mình hãy cùng chúc mừng Bản tin thứ Tư lên 1 tuổi nhé! 🎉
—
Trước khi vào nội dung chính, mình muốn nhắn nhủ các bạn rằng chỉ còn 9 ngày nữa form đặt trước sổ The Present Day planner phiên bản mới sẽ đóng tại Việt Nam. Sau khi đóng form, những quyền lợi và quà tặng đặc biệt (lên tới 2 triệu đồng) cũng sẽ kết lại nên các bạn muốn nhận quà hãy đăng ký sớm nhé!
Hiện đơn đặt trước tại Việt Nam đang đạt 40% so với mục tiêu (chi phí tối thiểu cần để sản xuất lượt sổ mới), còn đơn đặt trước tại Quốc tế mới đạt được 15%. Do vậy, mình rất mong nhận được thêm sự ủng hộ của các bạn ở trong và ngoài nước để sổ hoàn thành sản xuất suôn sẻ và có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế:
🇻🇳 Đặt trước sổ phiên bản mới tại Việt Nam qua form (đóng ngày 2/4/2025): https://forms.gle/Uu2jTy53YA1iFJGz5
🌍 Đặt trước sổ phiên bản mới tại Quốc tế qua Kickstarter (đóng ngày 17/4/2025): http://kck.st/4bYdB4q
🌐Thông tin thêm về dự án và sản phẩm: https://thepresentwriter.com/planner-v2/
—
Bài học tuần này đến từ cuộc “hội ngộ” với một nữ giáo sư từng tư vấn du học cho mình 12 năm trước!
Chuyện là vào năm 2013 khi chuẩn bị học Thạc sĩ, mình đã hỏi rất nhiều người về kinh nghiệm học tại Mỹ. Sau này nhìn lại, những lời khuyên mình nhận được khi đó thực sự “vàng thau lẫn lộn”, có cái rất đúng, và có cái rất sai. Mình viết về trải nghiệm này trong một bài blog năm 2017, trong đó mình kể về một lời khuyên tệ nhất mình từng nhận khi đó:
“PHẢI BIẾT TOÁN CAO CẤP THÌ HỒ SƠ MỚI CẠNH TRANH
Đây thường là lời khuyên từ những người có nền tảng Toán tốt (ví dụ: Giáo viên dạy Toán, Kỹ sư, Lập trình…) hoặc từ những người không học Toán nhưng từng thấy những người có nền tảng Toán tốt dễ kiếm được học bổng hơn (ví dụ: giúp giáo sư xử lý dữ liệu, viết thuật toán cho dự án …). Tôi không phải là người học chuyên về Toán và thành thực mà nói, cũng không thực sự thích Toán nên khi nghe được lời khuyên này, tôi cảm thấy rất hoang mang.
Rất may mắn là cùng thời gian đó, tôi tình cờ gặp được một nữ giáo sư cùng ngành và có cơ hội hỏi cô ấy về lời khuyên này. Ngay khi vừa nghe tôi trình bày, giáo sư đã lắc đầu ngay, nói rằng trong nghiên cứu khoa học xã hội, có nghiên cứu định lượng (quantitative) và định tính (qualitative) và không phải ai (kể cả khi đã lên hàm giáo sư) cùng giỏi cả 2 mặt này; có những người cả đời chỉ làm một trong hai mà vẫn thành công, bởi vậy không ai đánh giá ứng viên ngành xã hội ở trình độ Toán (để làm nghiên cứu định lượng) quá khắt khe. Nhờ có lời khẳng định này của giáo sư, tôi mới yên tâm làm tiếp hồ sơ chứ không phải lao đầu vào học thêm Toán.
Sau này, khi đã làm nghiên cứu cả định lượng lẫn định tính vài năm, tôi nhận ra rằng bạn không nhất thiết phải quá giỏi Toán mới có thể làm nghiên cứu định lượng vì công nghệ hiện đại với các phần mềm tính toán ngày nay đã lên một tầm cao mới; nghiên cứu sinh chỉ cần hiểu về bản chất của phép Toán chứ không cần phải tính toán bằng tay (như học phổ thông ở Việt Nam) khi làm nghiên cứu. Bởi vậy, những bạn đang lo lắng về nền tảng Toán của mình có thể hoàn toàn yên tâm để nộp hồ sơ cao học; bạn luôn có thể bổ sung kiến thức Toán sau này (nếu cần).”
Người “nữ giáo sư cùng ngành” mà mình kể trong bài viết chính là người mình gặp lại hôm nay tại hội thảo! Thực ra trong suốt 12 năm qua, mình vẫn nhớ tới cô và thỉnh thoảng lên trang LinkedIn hay Google Scholar của cô để xem cô dạo này thế nào, có xuất bản gì mới không.
Rất nhiều lần mình định email cô và nói: “Cô nhớ em không? Em cảm ơn cô rất nhiều…” Nhưng lần nào mình cũng xóa thư nháp đi vì một suy nghĩ ngại ngần: “Chắc cô không nhớ mình đâu. Thôi email làm gì, ngại lắm!”
Thế nhưng năm nay, khi thấy cô trình bày ở hội thảo, lại đúng chủ đề liên quan đến mixed methods (phương pháp tổng hợp cả định lượng và định tính) mà mình yêu thích, mình cảm thấy không thể nào không tới gặp cô. Bởi vậy, mình đã bỏ qua cái ngại ngần ban đầu để tới dự buổi thuyết trình của cô.
Cuối buổi, mình chủ động bước tới cô và nói: “Chào cô, em là Chi Nguyễn, PGS trường ĐH Arizona. Em biết cô không nhớ em đâu, nhưng chúng ta đã từng gặp…”
Thật bất ngờ, mình chưa kịp nói hết câu cô đã lên tiếng: “Cô nhớ chứ! Chi Nguyễn!”
Ôi trời! Mình bất ngờ vô cùng, mình phải hỏi lại: “Em gặp cô tận 12 năm trước ở Hà Nội trước khi em đi du học Thạc sĩ, cô nhớ không ạ?”
Cô cười: “Cô nhớ! Mỗi lần cô thấy tên em ở hội thảo, ở xuất bản mới, hay trên LinkedIn, cô đều tự hỏi: Đó có phải là Chi Nguyễn mà mình từng gặp không?” Sau đó cô và mình ôn lại rất nhiều về kỷ niệm gặp gỡ và những đam mê nghiên cứu chung.
Huhu… 🥹… Vậy là suốt 12 năm nay, cô vẫn nhớ tới mình và mình vẫn nhớ tới cô; nhưng cả hai đều không chắc chắn về nhau để chủ động liên hệ. Mình cảm thấy thật tiếc những cơ hội kết nối cá nhân sâu sắc và hợp tác nghiên cứu tiềm năng mà mình đã bỏ lỡ. (Bây giờ viết đến dòng này mình mới nhớ ra là hình như cũng vì mình rất ngại nên không dám liên hệ cô để nộp học Tiến sĩ ở trường cô dạy. Biết đâu nếu mình bớt ngại hơn thì mình đã học Tiến sĩ ở một nơi khác và cuộc đời rẽ nhánh khác đi???🤔).
Một điều rất buồn cười là bản thân mình luôn nói với sinh viên: “Đừng có ngại gì cả! Hãy tìm đến cô khi cần!” Và bản thân mình cũng rất bất ngờ khi sinh viên nói: “Em muốn hỏi cô cái này nhưng ngại” bởi vì mình không hề thấy phiền hà gì khi gặp gỡ và trò chuyện với sinh viên. Thế nhưng đôi khi, mình vẫn chưa áp dụng được triệt để bài học “đừng ngại” cho chính mình.
Mình hy vọng bài học này giúp cho các bạn bớt ngại ngần hơn để kết nối với những người bạn cảm thấy muốn học hỏi từ họ. Biết đâu đấy, họ cũng đang chờ bạn thì sao? 😊
Be present,
Chi Nguyễn
P/S: Bản tin hàng tuần này đã, đang và sẽ luôn được gửi tới bạn hoàn toàn miễn phí. Nếu bạn muốn giúp bản duy trì bền vững trong giai đoạn này, hãy giúp mình thực hiện phiên bản mới của sổ hiệu năng The Present Day planner bằng việc ủng hộ đặt trước sổ tại Việt Nam và tại Quốc tế ! Mình thực sự biết ơn sự cổ vũ và động viên của bạn ♥️
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email