Từ khi bắt đầu học Tiến sĩ, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi về quá trình apply, học tập, và cuộc sống của nghiên cứu sinh tại Mỹ. Nhiều bạn đọc The Present Writer cũng muốn được đọc thêm về đề tài này. Mặc dù có nhiều điều muốn chia sẻ, tôi nhận thấy kinh nghiệm và kiến thức của mình về việc du học còn hạn hẹp trong ngành Giáo dục nói riêng và khối ngành Xã hội nói chung, trong khi đó rất nhiều bạn ở Việt Nam quan tâm đến khối Khoa học-Kỹ thuật. Vì vậy, tôi đã liên hệ với một người bạn thân của tôi là Tiệp Vũ (Vũ Hữu Tiệp), nghiên cứu sinh ngành Electrical Engineering (Kỹ sư điện tử) để thực hiện cùng bài viết này. Bài viết hoàn toàn dựa trên cuộc trò chuyện giữa tôi và Tiệp, để giữ cho câu chuyện được tự nhiên nhất, tôi chủ đích giữ ngôi xưng đúng như cách chúng tôi nói chuyện thực tế. Đây là lần đầu tiên blog thử nghiệm phong cách đối thoại/phỏng vấn. Chúng tôi hy vọng bài viết này giúp bạn đọc phần nào hiểu thêm về quá trình apply, học tập, và cuộc sống của nghiên cứu sinh tại nước ngoài. Hãy chia sẻ bài viết cho người thân, bạn bè, và tất cả những ai có ước mơ du học!
Một số nét về hai nhân vật giới thiệu trong bài:
- Chi Nguyễn: Tốt nghiệp Đại học Hà Nội (ngành Quốc tế học/International Studies) năm 2011. Tốt nghiệp Thạc sĩ trường University of Pennsylvania (ngành Education, Culture, & Society) năm 2014. Theo học Tiến sĩ (PhD) trường Pennsylvania State University (2 ngành: Educational Leadership và International & Comparative Education) từ năm 2014. Nghiên cứu về bình đẳng giáo dục, giáo dục so sánh, và xã hội học. Viết blog The Present Writer về bài học cuộc sống và phát triển bản thân: www.thepresentwriter.com
- Tiệp Vũ: Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội (ngành Kỹ sư điện tử Viễn thông) năm 2012. Theo học Tiến sĩ (PhD) trường Pennsylvania State University (ngành Electrical Engineering) từ năm 2013. Nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo trong xử lý ảnh (ví dụ, nhận dạng khuôn mặt) — chi tiết trên website cá nhân. Thực hiện trang Youtube hướng dẫn cách sử dụng ngôn ngữ LaTeX bằng tiếng Việt.
- Chi và Tiệp quen nhau trong một nhóm tự học GRE (kỳ thi chuẩn hoá cho cao học) năm 2012. Cùng với hơn 10 anh chị em (rất giỏi và đầy nghị lực!) trong nhóm, Tiệp và Chi apply thành công và cùng đi học ở Mỹ vào học kỳ mùa thu năm 2013.
1. Quá trình apply
Chi: Quá trình apply vào các trường Đại học ở Mỹ của bọn mình thực sực có rất nhiều điều đáng nhớ. Tiệp có thể chia sẻ về hành trình nộp học của mình được không?
Tiệp: Thực sự mà nói, quá trình nộp học rất dài và nhiều bước nhỏ, hầu hết là không tên. Nếu tính từ thời điểm bắt đầu có ý định đi du học đến lúc nộp hồ sơ của mình thì khoảng 2-3 năm, chứ không phải chỉ vài tháng lúc thực sự bắt tay vào làm hồ sơ. Tuy nhiên, mình sẽ nói ngắn gọn chỉ trong 4 tháng cuối, thời điểm bắt đầu từ lúc vào nhóm GRE với bạn và mọi người. Trong 3 tháng học GRE (tháng 8-11/2012), điều tuyệt vời nhất có lẽ không phải là kiến thức luyện thi mà là được quen biết với mọi người trong nhóm. Cả nhóm giúp đỡ nhau rất nhiều, từ việc học, đăng ký thi, đến tìm trường, cổ vũ động viên tinh thần lẫn nhau. Đây là nguồn động lực rất quan trọng trong thời điểm đó! Ngay cả khi đã thi xong GRE, dù mọi người không còn học cùng nữa những vẫn gặp nhau, giúp nhau hoàn thành hồ sơ trong 1 tháng cuối cam go để kịp nộp cho các trường vào giữa tháng 12 hoặc đầu tháng 1.
Sau khi lọt được qua vòng hồ sơ, mình có cuộc phỏng vấn với giáo sư, chính là giáo sư mình làm việc cùng bây giờ. Cuộc phỏng vấn này rất quan trọng vì giáo sư là người trực tiếp quyết định cho mình học hay không (chứ không phải trường hoặc khoa như một số ngành khác). Sau khi vào trường, mình sẽ làm việc trực tiếp và nhận lương từ giáo sư. Ngay trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, mình đã phải sớm tìm giáo sư phù hợp. Cách mình làm là vào website riêng của từng giáo sư hoặc forum sinh viên để tìm hiểu xem giáo sư có đang cần tuyển nghiên cứu sinh không, hướng nghiên cứu có phù hợp với khả năng của mình không… rồi viết thư liên hệ với họ. Tất nhiên là không phải giáo sư nào cũng trả lời. Có một vài giáo sư trả lời là họ không còn nhận nghiên cứu sinh nữa, hoặc có nhận nghiên cứu sinh nhưng không có nguồn tiền tài trợ, cũng có những giáo sư không có kế hoạch tuyển nhưng có giới thiệu mình cho giáo sư khác. Giáo sư hiện tại của mình là một trong những người trả lời tích cực nhất, khuyến khích mình nộp hồ sơ ngay từ đầu, và hẹn phỏng vấn sau 2 tháng nộp hồ sơ. Cuộc phỏng vấn diễn ra khá suôn sẻ và giáo sư nói khoảng tháng 3 (1 tháng sau phỏng vấn) sẽ có kết quả. Tới cuối tháng 3 mà vẫn chưa nhận được quyết định, mình khá sốt ruột vì các trường khác đều đã báo trượt. Rất may mắn là vài ngày sau khi email hỏi, mình được giáo email lại nói rằng funding proposal mới được thông qua và mình được nhận.
Chi: Tớ vẫn nhớ cái ngày hôm cậu nhận được kết quả! Cảm giác vỡ oà không thể quên được!
Tiệp: Đúng rồi, tớ gọi cho bạn ngay khi biết tin! (cười)
Chi: Đúng là quá trình nộp hồ sơ từ lúc chuẩn bị đến lúc biết kết quả là cả một cuộc hành trình với rất nhiều bước đi nhỏ. Tớ muốn quay lại nói về việc học GRE một chút vì bọn mình cùng có xuất phát điểm là lớp GRE. Cậu cũng biết là trước đây tớ rất sợ GRE vì ngành của tớ là ngành Xã hội nên tớ nghĩ yêu cầu đầu vào với phần Verbal (từ vựng) phải cao lắm, trong khi đó những từ của GRE thì thực sự rất hiếm khi dùng, kể cả đối với người Mỹ. Tớ rất chật vật với GRE, sau lần thi với cậu, tớ còn vào Sài Gòn thi thêm một lần nữa nhưng điểm vẫn không tăng lên nên rất stress. Nhưng sau này, khi vào học, tớ mới nhận ra là ngành của tớ họ không coi trọng điểm GRE như mình tưởng tượng, nó chỉ có yếu tố tham khảo, một phần rất nhỏ của hồ sơ thôi. Thậm chí, giáo sư của tớ còn nói rằng những kỳ thi chuẩn hoá này chỉ là công cụ kiếm tiền của các tổ chức khảo thí thôi chứ không phải cái gì cao siêu quá. Do vậy, tớ nghĩ những bạn nào đang chuẩn bị hồ sơ cao học, đừng nên stress quá nhiều vì các kỳ thi chuẩn hoá. Mình vẫn nên học và vẫn nên thi, nhưng năng lượng nên tập trung vào giai đoạn thứ 2—như Tiệp đã nói—là giai đoạn hoàn thiện hồ sơ nộp cho trường.
Tiệp: Đúng vậy! Đối với ngành kỹ thuật như của tớ thì khi vào trường, giáo sư nói luôn là điểm Verbal không quá quan trọng. Chỉ có điểm Toán không được thấp quá, để nhìn qua thấy khả năng của mình như thế nào thôi. Điểm GRE, hay cả GPA (điểm trung bình môn) cũng không quá quan trọng. Quan trọng là bạn có kinh nghiệm nghiên cứu chưa, nếu có bài nghiên cứu nào đã được xuất bản (publication) thì càng tốt.
Chi: Nói về vấn đề kinh nghiệm nghiên cứu, tớ thấy nộp cho ngành Xã hội và ngành Kỹ thuật có đôi chút khác nhau. Ví dụ như trường hợp của tớ và cậu. Cậu nộp thằng cho chương trình PhD, còn tớ nộp cả cho Master và PhD. Đầu tiên tớ được nhận PhD của Penn State trước nhưng năm đó trường không có nguồn funding cho tớ. Trong khi đó, UPenn lại cho tớ một phần học bổng học Master nên tớ quyết định bảo lưu PhD để học Master trước. Đối với tớ, đây là quyết định sáng suốt bởi vì ở thời điểm đó, tớ chưa có nhiều kiến thức về Giáo dục Mỹ, cách làm nghiên cứu ở Việt Nam cũng rất khác ở bên này, nên 1 năm học Master thực sự giúp tớ chuẩn bị tốt hơn nhiều. Đối với ngành của tớ, hầu như mọi người đều phải có bằng Master trước rồi mới học PhD. Nhưng ngành của cậu thì nộp thẳng từ Đại học lên PhD có vẻ là hướng đi chung?
Tiệp: Ừ. Ngành của tớ nộp thẳng như vậy là bình thường. Ngoài ra, đối với tớ, nếu cho học bổng một phần tớ cũng không có điều kiện học được, bắt buộc phải có học bổng toàn phần. Bên Mỹ học Master rất khó kiếm học bổng toàn phần, trong khi đó PhD thì dễ kiếm học bổng hơn vì mình làm việc cho giáo sư, ông ấy cũng là người trực tiếp trả lương cho mình.
Chi: Ngành của tớ cũng vậy! Kiếm học bổng toàn phần Master vô cùng khó. Nhưng nếu không có Master, lại càng khó hơn để kiếm được học bổng PhD. Ngay các bạn Mỹ học cùng tớ cũng vậy, họ toàn có Master rồi đi học, đi làm, nghiên cứu hàng bao nhiêu năm mới quyết định nộp và xin funding (nguồn tiền tài trợ) học PhD. Đối với ngành xã hội, kinh nghiệm là rất quan trọng, mà phải có thời gian mới tích luỹ được nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và thực tiễn như vậy.
Tiệp: Nộp cho Master và cho PhD cũng rất khác nhau. Master thường là xin học bổng của trường còn PhD là xin funding trực tiếp từ giáo sư. Nên đối với PhD (ngành kỹ thuật của mình), việc liên hệ được với giáo sư là rất quan trọng.
Chi: Đúng rồi! Tớ thấy rất nhiều sinh viên quốc tế ngại liên hệ với giáo sư, ngày xưa tớ cũng vậy. Mình cứ sợ, cứ ngại, không biết viết gì cho họ, họ có trả lời không, rồi họ nghĩ gì về mình. Nhưng nếu mình không liên hệ với họ thì mình thật không biết họ có nhu cầu tuyển nghiên cứu sinh không, có nguồn tiền không. Nhiều khi mình đầu tư bao nhiêu thời gian, công sức để hoàn thành hồ sơ rồi bị từ chối mà không biết lý do thực sự chỉ là giáo sư không có tiêu chuẩn tuyển thêm người thì rất là phí.
Tiệp: Trong nội dung bức thư gửi giáo sư nên giới thiệu chung về bản thân (tốt nghiệp ở đâu, nghiên cứu gì, điểm mạnh là gì, muốn làm gì trong tương lai), nói rằng đã tham khảo trang của giáo sư và thấy có những điểm chung gì, và sau đó hỏi luôn giáo sư có kế hoạch tuyển người không và nói nguyện vọng của mình. Nếu có thể, đính kèm CV của mình hoặc đường link đến trang web cá nhân. Không nên soạn một thư chung rồi gửi đi hàng loạt giáo sư, nhìn là người ta biết ngay, họ sẽ không hứng thú đọc đâu!
Chi: Ngoài ra tớ nghĩ nếu bạn nào đã ở Mỹ sẵn thì rất nên hẹn gặp trực tiếp giáo sư. Đây là một lợi thế. Năm thứ 2 tớ nộp lại PhD, tớ có đến trường nói chuyện với một số giáo sư trong Khoa và biết được là nguồn tiền cho nghiên cứu sinh là từ Khoa rót xuống (vì ngành Giáo dục có ngân sách rất nhỏ, khác với ngành kỹ thuật). Vì thế, tớ tìm gặp chủ nhiệm Khoa và giới thiệu bản thân trực tiếp với thầy ấy, tớ nghĩ cuộc gặp đấy thực sự rất quan trọng.
Tiệp: Nhiều khi việc được hay không được cũng do hên xui nữa. Nhưng hên xui không có nghĩa là mặc cho số phận. Mình phải tự tạo thật nhiều cơ hội để sẵn sàng đón nhận may mắn. Nếu mình không làm gì mà chỉ ngồi đợi may mắn đến thì sẽ không bao giờ thành hiện thực. Tất cả đều là từ nỗ lực bản thân mình, và chỉ cần một cơ hội được may mắn rơi trúng là mình đã thành công rồi.
Chi: Nói về cơ hội, một điểm chung thú vị giữa tớ và cậu là cả hai đều đi dưới dạng “tự do” xin học bổng của trường chứ không có ràng buộc học bổng của nhà nước hay các tổ chức khác như VEF hay Fullbright. Tớ muốn nhấn mạnh điểm này vì rất nhiều bạn nghĩ chỉ có thể đi du học với học bổng của nhà nước hay của các tổ chức thôi, chứ không biết đến nguồn học bổng từ trường. Tớ nhớ một lần Tiệp được mời nói chuyện ở một buổi nói chuyện về du học và sau buổi nói chuyện, nhiều bạn đến nói là các bạn cứ nghĩ phải có học bổng của nhà nước hay tổ chức mới có thể đi du học và rất ngạc nhiên về trường hợp của cậu.
Tiệp: Nếu bạn xin được học bổng của nhà nước hay các tổ chức lớn thì rất tốt, đảm bảo bạn nộp học bên này khả năng được nhận là rất cao vì đã qua một bộ lọc uy tín rồi. Nhưng nếu bạn nào chưa hoặc không kịp nộp [cho các nguồn học bổng ngoài] hoặc nộp rồi mà chưa được, bạn vẫn hoàn toàn có cơ hội nộp và xin học bổng trực tiếp từ trường hoặc giáo sư như cách của mình.
Chi: Đúng vậy! Nếu bạn nào đang đọc bài này, mơ ước đi du học, và lo lắng mình không cạnh tranh được để lấy suất học bổng nhà nước hoặc các tổ chức lớn, bọn mình muốn các bạn biết rằng có rất nhiều cơ hội khác. Bạn hãy kiên nhẫn, không ngừng tìm tòi, và đừng bao giờ để mất hy vọng!
(kết phần 1)
Phần 2 của cuộc nói chuyện này sẽ xoay quanh (1) việc học và nghiên cứu ở Mỹ và (2) đời sống của nghiên cứu sinh. Mong bạn đọc tiếp tục đón xem và chia sẻ series bài viết này đến tất cả bạn bè, người thân, học trò, đồng nghiệp—những ai đang có ước mơ học cao học nước ngoài. Hẹn gặp mọi người vào Phần 2.
Be Present,
Chi Nguyễn & Tiệp Vũ
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Phạm Thị Mai Uyên says
Em cảm ơn chị Chi và anh Tiệp đã chia sẻ.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết! 🙂
Nguyễn thị Ngân says
Em chào chị Chi, chị có thể cho em hỏi thêm về kinh nghiệm apply ngành Giáo dục của chị được không ạ. Em là dân trái ngành, học kinh tế nhưng lại đi dạy tiếng Anh và rất có mong muốn học chuyên sâu hơn về ngành ạ.
Bùi Văn Thương says
Cảm ơn anh chị đã chia sẽ.!.
Mong đợi anh chị bài biết tiếp theo về học tập PhD , cuộc sống, con người , và lập nghiệp khi đã hoàn thành xong PhD.
Chúc anh chị vui khỏe mỗi ngày!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em! Hy vọng vài năm nữa sẽ có bài về cuộc sống sau khi tốt nghiệp PhD 🙂
Võ Minh Vũ says
Cảm ơn chị Chi và anh Tiệp. Em rất cảm ơn anh chị đã giới thiệu về các nguồn funding khác nhau và cách để liên lạc với giáo sư. Cho em hỏi thêm về cách liên hệ với giáo sư ạ. Em đang đinh xin 1 học bổng master ngành Nuôi trồng thủy sản. vậy em có nên viết tất cả nội dung: giới thiệu bản thân, sự phù hợp của mình với các nghiên cứu của giáo sư và hỏi luôn giáo sư có cần tuyển người vào 1 mail để gửi cho giáo sư không ạ. Hay là mình phải làm quen với giáo sư trước rồi sau này sẽ nhờ vả sau ạ. Em không biết nên tiếp cận với giáo sư như thế nào.
Em cảm ơn anh chị.
Chi Nguyễn says
Chào em! Theo chị, trong một email đầu tiên em nên liệt kê tất cả những điều như trên (ngắn gọn, khúc chiết). Vì giáo sư họ rất bận rộn, không có nhiều thời gian để email qua lại làm quen, rào trước đón sau rồi mới hỏi đến vấn đề chính. Ngoài ra, việc mình hỏi về cơ hội nghien cứu và học bổng không hẳn là “nhờ vả” bởi vì nhiều giáo sư cũng rất cần tuyển người để làm việc cho họ, nên em đừng ngại, cứ email hỏi thẳng thắn nhé! 🙂
Võ Minh Vũ says
Dạ. em cảm ơn chị. Chúc chị vui khỏe.
Tiệp Vũ says
Đúng rồi. Em cứ liên hệ trực tiếp, nói về bản thân một chút rồi hỏi luôn giáo sư có nhận thêm sinh viên năm tới không. Đừng quên đính kèm CV.
Võ Minh Vũ says
Em cảm ơn anh. Nếu em muốn xin học master thì em phải tìm một supervisor có thể là một Doctor, hay phải là một Prof/ A.prof ạ?
Thao says
Anh cho em hỏi là khi giáo sư gọi điện phỏng vấn thì ông ấy hỏi những gì ak? Em cảm ơn.
Nguyễn Dương says
Chị Chỉ cho e xin được email trao đổi thông tin chút được ko ạ?
Mail của e là duong.dhbrvt@gmail.com
Thank chị!
Minh An says
Chào chị Chi, em là fan của blog này đã lâu và đặc biệt rất thích các bài trong mục du học và giáo dục. Em nhớ có lần đọc liên tục blog của chị trong vài tiếng, đọc hết bài này đến bài khác, cứ như tìm được 1 cuốn sách hay. Em cũng nhớ có lần đã đọc 1 FB post của chị nói về việc học cho bản thân & rất thích post đó nhưng sau đó không tìm lại được (chắc do không đủ kiên nhẫn tìm :-))
Em mới học xong master ở Anh và trong quá trình học ở bên đó thì phát hiện ra là công việc nghiên cứu thật sự rất thú vị (mặc dù trước đây khi đi làm thì suy nghĩ của em về việc nghiên cứu hoàn toàn ngược lại, lúc đó em nghĩ nghiên cứu thật buồn tẻ & đáng chán). 1 năm học master ở Anh đã thay đổi suy nghĩ của em về công việc nghiên cứu rất nhiều, bây giờ em muốn học lên thêm PhD (chắc đây cũng là lý do mà em tìm ra blog của chị)
Mấy tháng gần đây em đang mày mò tìm research idea/topic, đọc rất nhiều journal papers, loay hoay làm mind mapping…. nhưng vẫn chưa có được research idea nào cho ra hồn. Em tự hỏi kg biết có phải do research skills của mình còn yếu quá hay là vì sao (master ở Anh của em chỉ có 1 năm và chương trình học chỉ bao gồm 1 module về research method và toàn là nghe giảng, kg có workshop chị ạ). FB group VietPhD thì em thấy hầu hết các discussions là cho khối STEM mà em thì học marketing nên em vẫn chưa tìm ra được groups nào để học hỏi về cách tìm research idea cho PhD research proposal.
Chị có dự định viết 1 post về chủ đề này kg ạ? Lúc trước chị có gặp khó khăn khi tìm research idea khi apply PhD scholarship kg? Nếu có thể chị share với em một số sách để tự học về research cho social sciences được kg chị? Hoặc là một số cách để improve research skills, các groups nên join để tìm hiểu thêm…
Em cám ơn chị Chi nhiều. Chúc chị & gia đình nhỏ luôn khỏe mạnh 🙂
Chi Nguyễn says
Chào em. Cảm ơn em vì đã theo dõi blog và gửi câu hỏi rất thú vị. Trước đây chị có mentor cho một bạn cũng tốt nghiệp Master’s ở Anh và có ý định nộp PhD thì nhận ra cách làm PhD ở Anh và ở Mỹ rất khác nhau. Ở Anh (ít nhất là với bạn chị mentor, và cũng có vẻ như trường hợp của em) là mình phải có research idea/agenda rõ ràng rồi gửi cho giáo sư, cho trường mới được chấp nhận làm theo hướng research đó. Nhưng ở Mỹ thì khác, 2-3 năm đầu nghiên cứu sinh chỉ đi học thôi và qua quá trình học tập và làm việc với giáo sư rồi thì mới làm research proposal (chị làm năm thứ 3) và từ đó mới làm research riêng cho luận án tiến sĩ. Và kể cả khi đã có research proposal rồi nhưng nếu muốn thay đổi idea thì hoàn toàn vẫn có thể. Chị nghĩ cách làm của Mỹ tốt hơn vì không phải ai (thậm chí có thể nói là rất hiếm ai) biết mình muốn nghiên cứu cụ thể cái gì trước khi vào chương trình PhD. PhD cũng là một cách để mình khám phá hướng đi của mình. Hơi dông dài một chút nhưng ý chị muốn nói là nếu em chưa biết mình muốn nghiên cứu cụ thể gì (bản thân chị trước đây cũng chỉ lờ mờ ý tưởng thôi) thì em có thể tham khảo những chương trình kiểu như ở Mỹ, cho phép em bắt đầu với một ý tưởng rộng về Marketing chẳng hạn và dần dần sau đó theo giáo sư, theo sự phát triển của em mà quyết định hướng nghiên cứu hẹp sau. Chị sẽ cân nhắc viết kỹ hơn về đề tài này trong những bài viết tới
Ngọc says
Em chào hai anh chị! Em đang lên kế hoạch apply PhD và đi thẳng từ Bachelor lên. Em có một điều thắc mắc là mình nên mail cho giáo sư trước rồi đợi giáo đồng ý sau đó mới apply quy trình của trường hay là ngược lại ạ? Mấy trường em định apply đều có phí apply khá cao (~500USD), nếu như rải vài trường thì chắc bằng đi làm ở Việt Nam cả năm trời ạ :))) em cảm ơn ạ.
Chi Nguyễn says
Chào em! Nếu em làm ngành khoa học cơ bản thì apply thẳng từ bachelor lên như anh Tiệp trong bài viết này là thường thấy. Nếu là ngành này, em nên liên hệ giáo sư trước, nếu được bật đèn xanh hoặc không bật đèn xanh nhưng cũng khích lệ kiểu như “em có thể nộp rồi chúng tôi sẽ xem xét” thì em sẽ apply cho trường. Ngành xã hội thì hơi khác một chút. Phí apply đúng là cao nhưng thường chị thấy không đến mức $500; thường $20 đến $200 là cùng. Nếu em có vấn đề tài chính em có thể email xin fee waiver
Quynh Le says
Em chào chị, em cũng đang apply PhD và đọc được bài viết của chị thấy hay quá. Em định apply PhD in Finance ở 1 số trường rank cao ( top 20-30). Đối vs ngành này thì yêu cầu gmat. Em cũng đã thi rồi đc 730. Em có tham khảo một số anh chị thì một số người bảo là chưa đủ còn 1 số người bảo là đủ rồi.
Có 1 anh em quen anh ấy đc 750 nhưng apply 10 trưởng thì 2 trường gọi pvan và 1 trường nhận và trường cũng “bình thường” theo kỳ vọng anh ấy. Nên em cũng hoang mang về việc mình có nên tiếp tục đầu tư nâng điểm gmat lên nữa không?
Về thư giới thiệu của giáo sư, trước em học ở Úc bằng master nhưng cách đây 1 năm rồi và học coursework nên khả năng gsu nhớ mặt khó lắm. Họ vẫn có thể cho LOR nhưng knang chi tiết thì khó ạ. Điều này có phải 1 điểm trừ không ạ?
Em cũng thấy kinh nghiệm về email hỏi giáo sư về funding và nhu cầu tuyển sinh rất hay ạ. Để tránh trường hợp mà mình k đc nhận k phải vì hồ sơ mình kém ạ.
À chị cho em hỏi thêm 1 chút là kinh nghiệm ncuu thì chủ yếu của em là ở Việt Nam vs các publications cũng chỉ ở Vietnam thì đây cũng lả điểm trừ chị nhỉ?
Em cảm ơn chị ạ. Xin lỗi vì hỏi chị nhiều câu quá do em đang hoang mang quá
Thy Nguyen says
Chào Chi Nguyễn,
Mình có U.S. định apply PhD thẳng từ bằng Bachelor VN lĩnh vực Public Policy/ Administration / management thì khả năng cạnh tranh tính theo tiêu chí nào? Vad cơ hội xin học bổng thế nào vì mình không có khả năng tự trang trải toàn bộ kinh phí.
Phuc says
Em chào chị Chi,
Cám ơn chị vì chia sẻ bài viết. Chị cho em xin tên của Group luyện GRE mà các anh chị đã tham gia nhé? Em loay hoay tìm mãi mà không biết được nhóm nào chuyên về GRE ạ.
Em cám ơn chị nhiều. Chúc chị luôn khỏe và thành công 🙂
Lê Dũng says
Em chào hai anh chị ạ!
Em thấy cuộc trò chuyện này rất bổ ích đối với em, vì em cũng có rất nhiều những băn khoăn về việc học tiến sĩ từ khâu lựa chọn hướng phù hợp cũng như apply. Hiện tại em chuẩn bị hoàn thành xong bằng thạc sĩ vật lý tại đại học Sư phạm Hà Nội Việt Nam, nhưng em đang băn khoăn về việc tiếp tục học nghiên cứu sinh về lĩnh vực giáo dục (cụ thể là EdD – doctorate in education), chị Chi có thể cho em vài lời khuyên và tips nhỏ về việc chuẩn bị cũng như là thay đổi về hướng đi trong tương lai được không ạ?.
Vì em biết hai ngành có liên hệ với nhau một chút nhưng tuy nhiên ngành kĩ thuật và giáo dục thì lại có những khác biệt nhất định về mặt kinh nghiệm làm việc.
Giang Nguyen says
Dạ em chào chị Chi Nguyễn ạ. Em hiện đã học xong Master về International Relations ở Nhật, và dự định sắp tới em sẽ học tiếp lên PhD về Education (do em cũng đang làm việc cho tập đoàn về giáo dục ở Nhật). Em hiện đang lên kế hoạch học PhD và ôn tập GRE để chuẩn bị dần. Em cảm ơn chị Chi Nguyễn vì những chia sẻ của chị, thật sự rất có ích và tâm huyết, nhất là đối với những ai học về social science. Chị cho em mạn phép hỏi về nhóm ôn thi GRE mà chị và anh Tiệp đã tham dự được không ạ? Hoặc nếu không, chị có thể giới thiệu cho em một số nhóm ôn thi GRE khác mà chị biết để em học hỏi, giúp cho việc ôn GRE được không chị? Em xin cảm ơn chị nhiều, em chúc chị nhiều sức khỏe.
Chi Nguyễn says
Chào em. Nhóm ôn thi của chị là tự tìm nhau trên forum VietPhD và Học bổng VEF. Nếu em có ý định lập nhóm em cũng có thể post lên forum hay FB group đó và hỏi xem có bạn nào đồng chí hướng, nghiêm túc học thì mình lập nhóm. Về GRE, chị recommend Magoosh nếu em tự học. Em có thể đọc thêm review của chị tại đây: https://thepresentwriter.com/10-cong-cu-tieng-anh/