Nối tiếp 15 ngày đầu tiên của #30DaysofGratitude (series bài viết trên trang Facebook của blog), tôi vừa hoàn thành xong 15 ngày cuối cùng. Viết cho bạn đọc mỗi ngày một bài viết, 7 ngày trong tuần, liên tục trong 30 ngày là một trải nghiệm thực sự đáng nhớ đối với tôi. Cám ơn tất cả bạn đọc đã theo dõi và ủng hộ #30DaysofGratitude trên Facebook và trên thepresentwriter.com. Mặc dù có một số ngày (đặc biệt gần cuối) tôi bận từ sáng đến tối và chỉ có thể post bài viết vào đêm muộn hoặc sáng sớm hôm sau, mọi người vẫn không than phiền và vẫn luôn đón đọc bài mới với nhiều phản hồi tích cực. Cám ơn tất cả mọi người vì đã đồng hành cùng tôi trong 30 ngày đầy ý nghĩa.
Day 16: I’m grateful for being healthy and strong. Từ thứ 7 tuần trước khi trời bắt đầu trở lạnh, tôi ốm sốt mất mấy ngày 😷. Nhưng gratitude journal sáng nào cũng bắt đầu bằng: “tôi biết ơn vì mình khoẻ mạnh”, và mỗi tối kết thúc bằng: “tôi biết ơn vì mình đã đỡ hơn một chút hôm nay”. Đây là cách viết gratitude journal mà nhiều người thành công đã sử dụng trong hoàn cảnh khó khăn. Họ viết cám ơn cả về những việc chưa từng xảy ra. Ví dụ, khi khánh kiệt, nhiều người đã viết hoặc nói ra lời rằng: “tôi biết ơn vì đã có một sự nghiệp tuyệt vời, kinh doanh tốt, mang lại lợi ích cho tôi và mọi người” – đây đều là những điều chưa xảy ra. Thực tế chứng minh nhiều người theo phương pháp này đã thành công và đạt được điều mình mơ ước, trong đó có Oprah, Jim Carrey, Bruce Lee… Tâm lý học tích cực chỉ ra rằng với việc viết/nói ra ước mơ của mình như thể mình đã đạt được nó giúp củng cố niềm tin và tạo động lực để đến với ước mơ trong hiện thực. Tất nhiên ta không lên lạm dụng cách này để tránh huyễn hoặc bản thân và chỉ sử dụng trong những thời điểm cần nhất. Hôm nay tôi biết ơn vì mình đang dần khoẻ lại 🙏
Day 17: I’m grateful for my recovery. Sáng nay ngủ dậy, tôi cảm thấy khoẻ lại lới 80-90%. Ngày hôm qua tôi gặp rất nhiều điều thuận lợi, cảm giác như cả thế giới đều giúp sức để mình hồi phục. Sáng hôm qua trời khá lạnh, tôi bắt xe buýt tới trường rồi đi bộ một quãng khá xa tới toà nhà có văn phòng cấp bảng điểm cho sinh viên. Lúc này tôi vẫn còn hơi lơ mơ vì hiệu ứng của thuốc cảm cúm uống từ tối hôm trước. Rất may gặp được một cô văn phòng tốt bụng, tươi cười hướng dẫn tôi làm thủ tục. Văn phòng còn rất vắng vẻ chứ không đông đúc, rồng rắn người xếp hàng như bình thường – điều này giúp tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Khi tôi vừa bước ra khỏi toà nhà thì có một chiếc xe buýt vụt lướt qua, nếu bắt được chuyến xe này thì tôi không phải đi bộ một quãng xa dưới trời lạnh nữa. Tôi cố gắng bước nhanh theo xe buýt, lúc này khách đợi xe đều đã lên hết, cửa xe bắt đầu đóng. Nhưng khi tôi đến được tới nơi thì cô lái xe buýt lại mở cửa ra tươi cười, hoá ra cô ấy nhìn thấy tôi từ gương chiếu hậu nên cố nán lại một chút đợi tôi – điều mà rất ít lái xe làm, nhất là trong một buổi sáng thứ 4 bận rộn như vậy. Khi làm việc ở nhà đến tầm trưa, tôi thấy thèm ăn cái gì đó chua nóng, cảm giác như một tô canh giải cảm sẽ giúp tôi cảm thấy tốt lên nhiều. Vì thế tôi quyết định order canh chua cá ở tiệm đồ ăn Việt Nam mang đến nhà (tôi chắc chỉ order đồ ăn bên ngoài như thế này 1-2 lần/năm). Khoảng 15 phút sau, người giao hàng gọi điện nói đã đến nơi nhưng không thấy tôi đâu, tôi mới phát hiện ra địa chỉ giao hàng mà app điện thoại nhận diện khi tôi order là địa chỉ sai (cách nhà tôi 10 phút lái xe). Khi nghe tôi trình bày, người giao hàng không những không trách móc mà còn nói: “xin lỗi, cô đợi tôi một chút, chỉ một chút nữa thôi là tôi đến ngay”. Đúng 10 phút sau tôi có canh chua cá ăn thật, người giao hàng rất lịch sự và nhẹ nhàng khi gặp tôi. Ngay khi vừa ăn vội xong bát canh, tôi lại bắt xe buýt và đi bộ khoảng 15 phút tới lớp học thứ 1. Bình thường lớp này học trong 3 tiếng và rất nhức đầu vì phải suy nghĩ và sử dụng thuật toán, codes trên phần mềm máy tính để giải quyết số liệu. Nhưng thật bất ngờ là lớp hôm qua lại không căng thẳng chút nào, thuật toán mới cũng không khó lắm. Tôi còn có thời gian hoàn thành hết bài tập về nhà trước giờ lớp học kết thúc (điều chưa bao giờ xảy ra!). Sau đó, tôi đáng ra phải đến lớp học thứ 2 để học thêm 3 tiếng nữa nhưng trước đó tôi đã xin thầy giáo cho nghỉ vì không nghĩ mình có thể học được 6 tiếng liên tục trong tình trạng ốm sốt. Thầy rất dễ tính, nói là tôi có thể Skype từ nhà để vẫn nghe được bài giảng. Một người bạn tốt của tôi trong lớp đã gọi Skype cho tôi trong 3 tiếng, giúp tôi không bị mất bài mà vẫn có thể ở nhà nghỉ ngơi. Hai điều tuyệt vời nữa cũng xảy ra trong ngày. Điều thứ nhất là chồng tôi đã dọn dẹp và lau chùi cả căn hộ trong thời gian tôi ở trường vì anh ấy biết là nhà cửa bừa bộn làm tôi thấy mệt hơn. Điều thứ hai là Bloom – cuốn sách tôi pre-ordered (mua trước khi xuất bản) đã giao đến nhà tôi hôm qua. Vậy là khi tôi về đến nhà, nhà cửa đã sạch sẽ và có sẵn cuốn sách mình chờ đợi để đọc. Mặc dù không phải ngày nào cũng suôn sẻ như ngày hôm qua, tôi cảm thấy nếu mình để ý kỹ hơn vào những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống và biết ơn những người đã giúp một ngày của mình dễ chịu hơn, dù ít dù nhiều, ngày nào cũng có thể là một ngày vui
Day 18: I’m grateful for my PhD journey. 🙏 Mọi người thường hỏi tôi: “Làm Tiến sĩ thì như thế nào?”, “Có khó lắm không?”, “Có stress không?”, “Có lý thuyết quá không?”, “Học thế ra trường để làm gì?” Trước đó thì còn có một câu nữa là: “Học nhiều thế thì thằng nào nó dám lấy?”😅. Thực ra trải nghiệm học Tiến sĩ như thế nào và ra trường có thể làm gì là tuỳ vào từng người, từng chương trình học, và từng cơ hội, từng định hướng của mỗi người. Ngay hôm qua thôi, khi tôi vừa ra khỏi lớp thì K. – một bạn Trung Quốc sắp tốt nghiệp Thạc sĩ chạy đuổi theo tôi, thì thầm là bạn cũng đang có ý định nộp Tiến sĩ nhưng chưa dám nói ra với ai. Bạn hỏi tôi: “Chi, cậu nhìn lại 3 năm vừa qua học Tiến sĩ có stress kinh khủng lắm không?” Tôi trả lời: “Không. Tớ thấy ổn”. K. ngạc nhiên lắm. Bạn kể cho tôi là tuần trước có tâm sự ý định nộp học với Y. một cô bạn người Trung Quốc khác học Tiến sĩ cùng Khoa với tôi, vào cùng năm với tôi, và cũng có cùng giáo sư hướng dẫn với tôi. Y. bảo là đừng nên dại mà nộp làm gì, stress kinh khủng lắm. Y. nói là trong năm học, bạn chỉ ngủ một ngaỳ 2-4 tiếng, còn lại học điên cuồng mà vẫn không xuể. Tôi biết Y. khá rõ. Chúng tôi từng lấy lớp cùng nhau một vài lần, Y. lúc nào cũng xuất hiện mặc áo bông sù sụ (kể cả trong ngày nóng), sắc mặt lúc nào cũng nhợt nhạt, và có hơn một lần tôi bắt gặp Y. ngủ gật trong lớp. Không phải nói có lẽ bạn cũng hiểu, trải nghiệm học Tiến sĩ của tôi và Y. là khác hẳn nhau. Tất nhiên vừa đi học, vừa đi làm, vừa lo nghiên cứu thì ai cũng stress nhưng cách đối diện với stress của mỗi người khác nhau. Mặc dù hiểu biết của tôi về các chương trình sau đại học còn hạn hẹp nhưng tôi có thể khẳng định rằng, không nhất thiết phải stress, ngày ngủ 2-4 tiếng, hành xác thì mới thành công. Học Tiến sĩ không phải cho tất cả mọi người và bạn không cần có bằng Tiến sĩ để làm được điều mình muốn – đây là điều tôi từng nói với rất nhiều người và hôm qua tôi lại nói lại với K. Nhưng nếu bạn nghĩ học Tiến sĩ, làm nghiên cứu, theo học thuật là con đường của bạn, thì luôn có cách tìm được niềm vui trong cuộc sống của mình. Với tôi, đọc một bài báo chuyên ngành hay là một niềm vui, phỏng vấn được một người thú vị là một niềm vui, xử lý số liệu trên phần mềm statistics ra được kết quả *significant* là một niềm vui, Nhưng viết blog cũng là một niềm vui, nói chuyện với mẹ tôi cũng là một niềm vui, và nghỉ hẳn một ngày không làm gì cũng là một niềm vui khác. Tôi biết có nhiều người lại cho rằng phải “lao tâm khổ tứ” mới là đích thực nghiên cứu, phải nói ra những thứ cao siêu không ai hiểu gì mới là học thuật, và phải “khác người” mới là Tiến sĩ – và họ cho đó là niềm vui. Trải nghiệm đều xuất phát từ cá tính, tư duy, và thế giới quan của mỗi người. Không có gì đúng và sai. Chỉ có hạnh phúc hay không hạnh phúc với con đường mình đã chọn. Hôm nay tôi biết ơn vì chưa một ngày nào hối tiếc vì mình đã quyết định học Tiến sĩ và đi trên con đường mình đang đi .
***Bạn nào quan tâm về đề tài này, hãy theo dõi blog thường xuyên!! Vài tuần nữa, blog sẽ có bài phỏng vấn đầu tiên giữa tôi và một người bạn thân cũng đang học Tiến sĩ – Working title: “So you want to be a PhD?”
Day 19: I’m grateful for being prepared for bad situations 🙏. Hôm nay tôi đọc một số báo mạng Việt Nam, đâu cũng nói về vấn đề thực phẩm bẩn và sức khoẻ của người tiêu dùng. Toàn những vấn đề đáng buồn của xã hội. Nhưng vì series này tập trung vào tư duy tích cực và vì tôi luôn tin rằng mình luôn tìm được mặt tích cực của mọi vấn đề, hôm nay tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện có thật, gắn liền với “thương hiệu” của tôi. Năm 2008, khi mới 19 tuổi, tôi (cùng 2 anh chị nữa) được vinh dự đại diện Việt Nam sang dự hội nghị APEC ở Lima, Peru. Đó là lần đầu tiên tôi lên máy bay, và bay hẳn đến một Châu lục khác. Chúng tôi nhập hội với gần một trăm bạn thanh niên đại diện các nước khác trên thế giới. Bạn nào cũng ăn mặc bảnh bao, nói tiếng Anh như gió, rất tự tin trong giao tiếp, và có hiểu biết rộng về kinh tế, chính trị. Chân thành mà nói thì mấy ngày đầu đoàn Việt Nam khá lép vế (ít nhất là tôi cảm thấy như vậy) bởi vì chúng tôi chỉ có đúng 3 người (trong khi những đoàn như Mỹ, Canada có đến chục người). Tôi lúc đó cũng khá rụt rè, kinh nghiệm giao tiếp quốc tế còn non nớt nên chưa biết cách nói lớn tiếng, chen lên hàng đầu để đặt câu hỏi tới các chính khách như một số bạn nước khác. Một buổi tối (khoảng ngày làm việc thứ 3-4 gì đó), cả đoàn ăn tiệc đứng BBQ ngoài trời – đúng phong cách Mỹ La Tinh. Vì là ngoài trời buổi tối, lại là đồ nướng BBQ, không ai rõ món nào với món nào. Trong lúc tôi đang ăn một miếng “thịt” gì đó thì một nhóm bạn người Peru khá thân với tôi với kéo ra cười rúc rích: “Này, đừng bảo cho Chi biết là bạn ý đang ăn cái gì nhé!”. Tôi trộm nghĩ, “ở Việt Nam mình đã ăn đủ các thứ trên đời, chẳng lẽ lại có thứ mình chưa ăn bao giờ?” Sau một hồi đẩy qua đẩy lại, cuối cùng các bạn ấy cũng nói với tôi là tôi đang ăn… tim lợn. Trời! Tưởng gì! Tôi không phải người thích ăn nội tạng động vật nhưng tim lợn thì tôi cũng đã thử qua rồi. Tối hôm đó trôi qua yên bình, vui vẻ. Sáng hôm sau, cả đoàn gần trăm người gần như ốm hết. Lần đầu tiên tôi mới thấy một cảnh tượng kinh hoàng đến thế, người thì nôn ói, người thì cắm chốt trong restroom, ai cũng mặt xanh nanh vàng. Có mấy bạn Tây phong độ đến thế mà sáng hôm đó người trùm chăn, tay cầm cốc nước ấm run lên hừ hừ. Mọi người nói là các bạn bị ngộ độc thực phẩm (food poisioning) – có lẽ không phải do thực phẩm bẩn mà do thực phẩm quá “lạ”. Sáng hôm đó điểm danh đoàn vô cùng thưa thớt, hầu như nước nào cũng có từ một đến chục người bị ốm, chỉ có 3 nước duy nhất không ai bị sao. Ba nước đó là: Peru (nước chủ nhà), Trung Quốc, và…Việt Nam. Lý do vì sao chắc bạn cũng đoán được 😂. Từ sau hôm đó, vì không còn nhiều người đại diện cho đoàn thanh niên các nước, 3 đội Peru, Trung Quốc, và Việt Nam (đặc biệt là Việt Nam) vụt lên như những ngôi sao sáng. Nhờ vậy, tôi được gặp gỡ, phỏng vấn, thậm chí dùng bữa với rất nhiều người có vai vế, nhiều chính trị gia xuất chúng, và cả những nhà kinh tế lớn (trong đó có Jack Ma, người sáng lập ra Alibaba Group). Đây là những trải nghiệm vô cùng quý giá đối với tôi ở thời điểm đó. Tôi học được nhiều điều về chuyên ngành của mình (ở Đại học, tôi học International Studies) và tự tin hơn rất nhiều trong giao tiếp quốc tế. Hồi đó, tôi cũng rất bạo gan, có ngày nghỉ, tôi từng nhờ bạn cùng phòng người Peru bắt xe đưa mình đến những nơi ổ chuột, những ngôi nhà dựng trên vách núi để tìm hiểu mặt trái của thành phố – đằng sau những gì nguy nga, tráng lệ mà hội nghị bày ra trước mắt chúng tôi. Đây cũng là một phần lý do sau này tôi đi sâu vào nghiên cứu về bình đẳng giáo dục. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác. Câu chuyện lần này kể ra không phải để cười trên nỗi đau khổ của người khác, mà để thấy được rằng nhiều khi lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, ta sẽ được rèn giũa khả năng đương đầu với những tình huống xấu 💪🏼. (*** Điều buồn cười nhất là vài năm sau đó, khi tôi sang Mỹ lần thứ hai và được bạn trai (chồng tôi bây giờ) mời ăn sushi ở nhà hàng 5 sao, tôi lại bị ngộ độc thực phẩm ngay ở đó 😂 – Dạ dày luôn khiến chúng ta đau bụng (cười) vì những điều khó hiểu***)
Day 20: I’m grateful for a peaceful walk with my cat in the park 🙏. Tôi thích nuôi mèo vì mèo có tính cách riêng, không con nào giống con nào, và mỗi con đều đối xử với chủ (hay đầy tớ?) theo cách riêng. Friday có tính cách như một con chó, hàng ngày chạy ra cửa vẫy đuôi đón chủ về, thích được dắt đi bộ, thích được gặp người lạ, thích đi ô tô du lịch… Nhưng Friday cũng giống mèo, thích được ở nhà, thích yên ắng, thi thoảng dỗi hờn, và thích chơi với đèn la-de. Mỗi năm vào tháng 8, tôi lại nhận được thiệp cám ơn từ trạm mèo vì đã “cứu” (rescue) Friday ra khỏi trạm khi họ quá tải. Nhưng tôi nghĩ Friday “cứu” chúng tôi mới đúng. Cuộc sống nhiều màu sắc và dễ thương hơn nhiều từ khi có em 😺
Day 21: I’m grateful for winning two free tickets to Ramsey Lewis and John Pizzarelli musical concert. Tôi không phải là người hay tin vào vận may nên hầu như không bao giờ tham gia quay xổ số hay bốc thăm trúng thưởng bất cứ thứ gì. Thế nên, mặc dù thường xuyên nhận được email từ Khoa Giáo Dục Nghệ Thuật (Arts Education) mời đăng ký bốc thăm lấy vé xem nhạc kịch miễn phí, tôi chưa từng tham gia bao giờ. Nhưng khoảng 1 tuần trước lúc bị ốm nằm nhà, tôi rất muốn được đi xem phim, xem ca nhạc, leo núi, tắm biển – làm những thứ khác đi với việc suốt ngày cắm đầu vào máy tính hay loanh quanh ở trường. Vừa lúc đó tôi lại nhận được email mời tham gia bốc thăm lấy vé cho buổi hoà nhạc của Ramsey Lewis và John Pizzarelli (2 nghệ sĩ lớn mà tôi từng thấy trên áp phích biểu diễn hồi ở Philadelphia). Thế là tôi điền thông tin tham gia và thắng 2 vé xem ca nhạc! Vậy là tối thứ 5 này tôi và Joe sẽ xúng xính đi xem. Thứ 5 cũng là ngày tôi đi làm từ sáng đến trưa, đi học 6 tiếng buổi chiều, và tham gia nhóm thiền (meditation group) khoảng 1 tiếng rưỡi – vừa đủ thời gian để kết thúc ngày bằng buổi ca nhạc (miễn phí!). Cũng không loại trừ khả năng tôi sẽ ngủ gật trong khán phòng vì mệt quá nhưng hy vọng việc thiền sẽ giúp tôi tỉnh táo hơn trước giờ xem. Tôi sẽ “báo cáo” lại cho các bạn kết quả sau tối thứ 5
Day 22: I’m grateful for my kindergarten memories. Tối qua ở lớp học Ethnography, chúng tôi xem video và thảo luận về cuốn sách “Preschool in Three Cultures (Revisisted)” (Trường Mẫu Giáo ở Ba Nền Văn Hoá). Đây là một dự án nghiên cứu định tính (qualitative research) rất đặc biệt. Nhóm nghiên cứu đến quay phim một ngày bình thường ở 3 trường mẫu giáo ở 3 nước: Trung Quốc, Nhật, và Mỹ vào 2 thời điểm khác nhau: năm 1984 và 2002. Sau đó mỗi lần quay phim, họ đem cuốn băng ghi hình cho giáo viên dạy lớp đó, giáo viên trong trường đó, và giáo viên ở các nước khác xem. Mục đích của việc này là để từng đối tượng đưa ra lý giải về những việc xảy ra trong lớp học và so sánh xem việc dạy và học ở trường mẫu giáo có phản ánh gì về văn hoá mỗi nước. Vì hai lần quay phim cách nhau gần 20 năm, nhóm nghiên cứu cũng có dịp so sánh để thấy được trường mẫu giáo ở mỗi nước đã thay đổi như thế nào qua thời gian. Khó có thể tóm tắt kết quả nghiên cứu trong một vài dòng (phải đọc sách với nắm được hết ý). Nhưng về cơ bản: Mẫu giáo ở Trung Quốc nhấn mạnh việc sinh hoạt theo nhóm lớn (ví dụ, cả trường cùng tập thể dục, ca múa nhạc trên sân); Mẫu giáo ở Nhật chú trọng vào việc để trẻ tự giải quyết xung đột và làm những công việc nhẹ giúp người lớn (ví dụ, giáo viên không can thiệp ngay khi trẻ có mâu thuẫn, trẻ lớp lớn được giao việc giúp trẻ lớp bé); Mẫu giáo ở Mỹ tập trung vào tính cá nhân và quyền lựa chọn của trẻ (ví dụ, giáo viên đưa cho trẻ một số lựa chọn và cho trẻ quyền quyết định học/chơi một trong số các lựa chọn đó).
Buổi học gợi nhắc tôi nhiều đến kỷ niệm hồi học mẫu giáo. Mẫu giáo ở Việt Nam có lẽ giống mẫu giáo Trung Quốc nhất. Khi xem video về trường mẫu giáo năm 1984 ở Trung Quốc, tôi bật cười khi thấy lại hình ảnh nhà vệ sinh ngồi xổm , tô cơm to tướng mỗi em được phát xúc ăn, ngủ trưa bán trú, cả lớp ngồi nghe cô kể chuyện… Tôi nhớ ra là từ mẫu giáo đến cấp 3, tôi rất sợ phải đi vệ sinh ở trường vì không giỏi ngồi xổm 😂 và đã luyện được kỹ năng “nhịn” cho đến khi về nhà. Tôi ăn rất chậm nên sau khi cả lớp ăn xong, tôi vẫn phải cầm bát cơm đứng trong góc lớp hậm hực nhai nuốt. Tôi cũng không thích ngủ trưa nên suốt ngày bị mắng với ghép ngủ cạnh mấy đứa con trai ở dơ để rồi bị lây chấy . Ngày xưa ở trường mẫu giáo các “cô nuôi” có món tủ là giá xào tim lợn, hầu như tuần nào cũng có một bữa trưa như vậy. Đó cũng là lý do mà đến giờ tôi không bao giờ ăn giá xào và cũng nói không luôn với tim lợn 😆
Day 23: I’m grateful for the Jazz concert last night. Thực hiện đúng lời hứa với mọi người vào Day 21, tôi viết lại suy nghĩ của mình về buổi biểu diễn nhạc Jazz tối qua. Khi viết stattus Day 21, tôi quên không đề cập là buổi biểu diễn này nhằm tôn vinh người nghệ sĩ nhạc Jazz quá cố Nat King Cole. Do vậy, mỗi bài nhạc chơi đêm qua đều là những bài nổi tiếng, gắn với tên tuổi Nat King Cole. Có lẽ không phải nói nhiều về chất lượng âm nhạc. Buổi biểu diễn hôm qua thực sự đỉnh cao. Nhưng điều tôi thích nhất là trước khi chơi một bài nhạc, một trong hai nghệ sĩ chơi chính thường kể câu chuyện liên quan đến Nat King Cole. Ví dụ như, Cole đã chơi bài nhạc đó vào thời điểm nào, nó có ý nghĩa gì với ông. Thỉnh thoảng họ cũng chia sẻ về kỷ niệm của mình với bài nhạc đó, như lần đầu tiên nghe bài đó là lúc nào, đang làm gì, đang hẹn hò với ai (một cách rất dí dỏm!). Điều này làm tôi nhớ lại kỷ niệm của mình với album nhạc Jazz nổi tiếng đầu tay của Norah Jones: Come Away With Me.
Năm 2008, tôi sang Mỹ lần đầu tiên và được một giáo sư trường University of North Texas (UNT) cho ở nhờ nhà. Nếu bạn yêu thích Norah Jones thì chắc cũng biết chị ấy tốt nghiệp âm nhạc ở UNT. Đây là một ngôi trường rất nổi tiếng về đào tạo âm nhạc, đặc biệt là nhạc Jazz. Tôi còn nhớ vào một trong những buổi sáng đầu tiên, tôi và chị cùng phòng mở album Come Away With Me ra nghe. Ngay khi lời nhạc đầu tiên: “Come away with me in the night…” vang lên, cả hai chị em đều xao xuyến, tan chảy vào không gian yên bình của buổi sáng mùa đông vùng ngoại ô Texas. Cảm giác như trong một khoảng khắc, cả thế giới bỗng nhẹ bẫng, dịu dàng, trầm ấm. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần nghe bài hát Come Away With Me, tôi lại sống lại cảm giác buổi sáng mùa đông năm ấy—cảm giác của một cô bé mới lớn, trong trẻo, mơ mộng giữa nước Mỹ bao la. Đây cũng là album yêu thích của tôi để nghe đầu tiên vào mỗi sáng sớm, khi màn đêm còn chưa tan hết, không gian yên ắng giống như vùng ngoại ô Texas chúng tôi ở khi xưa. Tôi bật nhạc Norah Jones lên cỡ nhỏ nhất, ngồi xuống viết Morining Pages, và bắt đầu một ngày mới.
Day 24: I’m grateful for having the time to watch a good movie every Friday. Mấy tuần gần đây, thứ 6 thường là ngày nghỉ của tôi, phần lớn được dành cho xem phim điện ảnh. Thứ 6 tuần trước tôi xem Silver Linings Playbook và thứ 6 tuần này tôi xem Forrest Gump. Đây là 2 bộ phim nổi tiếng đã nằm trong danh sách “phim muốn xem” của tôi từ nhiều năm nay mà không biết tại sao đến giờ tôi mới có dịp xem. Và đúng là phim hay thật, hay đến mức xem xong tôi cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ rằng tại sao mình không xem phim sớm hơn. Silver Linings Playbook đề cập đến sức khoẻ tâm lý (mental health), Forrest Gump diễn tả lối suy nghĩ đơn giản, tích cực, luôn nhìn về phía trước, cả hai phim đều nói về tình yêu và ý nghĩa của hạnh phúc. Rất trùng hợp, đây đều là những điều tôi viết trong suốt ba tháng qua trên blog. Tôi tự hỏi nếu mình không suy nghĩ nhiều về những chủ đề này và viết lại trên blog thì liệu mình có cảm xúc tương tự về 2 bộ phim như bây giờ không? Ví dụ như, nếu tôi xem Forrest Gump ngay năm đầu tiên phim ra mắt (1994, khi tôi mới 5 tuổi) thì tôi hiểu được gì từ bộ phim này? Vài tuần trước tôi mới xem lại Eat, Pray, Love – một trong những bộ phim yêu thích của tôi – và nghĩ: “Kết thúc phim rất đẹp nhưng có vẻ quá tròn trịa cho một tính cách đặc biệt, nhiều cảm xúc trái chiều như Elizabeth Gilbert (nhân vật nữ chính)?” (một suy nghĩ tôi chưa bao giờ có những năm trước đây khi mới xem phim này). Sau đó, tôi đọc được là Elizabeth Gilbert thực tế đã li dị người chồng người Brazil trong Eat, Pray, Love năm 2016. Có lẽ quá trình trưởng thành, kết hôn, và gặp gỡ nhiều người phụ nữ giống Gilbert khiến tôi có suy nghĩ ra ngoài một bộ phim kết thúc có hậu. Có lẽ thi thoảng cũng cần có đầu óc IQ 75 của Forrest Gump để nghĩ ít hơn và lạc quan hơn vào cuộc sống 🙂
Day 25: I’m grateful for my “first world problems”. Sáng hôm nay theo đúng lịch dự kiến, vợ chồng tôi lên đường leo núi xem cây chuyển lá vàng. Trên đường đi, tôi đọc được tin về lũ lụt miền Trung. Tôi đưa cho chồng tôi xem hình ảnh nhà dân ngập trong lũ, người người ngồi trên mái nhà, súc vật thoi thóp trên mặt nước. Chồng tôi ngạc nhiên hỏi: “Is this Vietnam?” Có lẽ đó không phải hình ảnh “Việt Nam” mà anh ấy biết mỗi mùa hè về Hà Nội, Sài Gòn, hay các thành phố lớn chơi. Cũng như khi người ta nhìn thấy cảnh nhà cửa ở Mỹ tan tác, xác xơ sau mấy trận lũ quét, người nghèo vạ vật trên đường ăn xin và tự hỏi đây có phải thực sự “nước Mỹ” hay không. Trên đường lên núi, chúng tôi dừng chân ở một hồ nước rất đẹp, mặt hồ tĩnh lặng phản chiếu bóng cây đủ màu sắc: xanh, vàng, cam, đỏ tươi, đỏ ối… Tôi chợt nghĩ mình thực sự may mắn khi được đứng ở một nơi khô ráo, hít thở bầu không khí trong lành, trong khi đó có những người sinh ra không khác mình là mấy nhưng lại ở đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, dưới cả nhu cầu sống tối thiểu của con người.
Mọi người thường nói cuộc sống ở Mỹ và Việt Nam là một trời một vực. Nhưng tôi nghĩ sự khác biệt thật sự không lớn như mọi người tưởng, ở đâu cũng có tầng lớp, giai cấp, có thành thị, nông thôn, có những người may mắn, và những người kém may mắn hơn. Nhiều khi chúng ta hay than phiền về cái gọi là “first world problems” như giao hàng đến nhà trễ hẹn, tắc đường, điều hoà nhiệt độ hỏng, kết nối wifi chậm… mà quên mất mình may mắn như thế nào so với biết bao nhiêu người khác. Như một người bạn của tôi thường nói, nếu bạn đọc được những dòng này (đồng nghĩa với việc bạn có kết nối internet, có điện thoại/máy tính để vào mạng, và biết đọc chữ), bạn đã may mắn hơn phần lớn dân số của thế giới. Vì vậy, hôm nay tôi biết ơn những “first world problems” của mình vì luôn nhắc tôi nhớ những đặc ân mình đang có và nên làm gì để chia sẻ với những người kém may mắn hơn.
Day 26: I’m grateful for a productive day of planning. Nếu theo dõi blog từ lâu thì chắc bạn cũng biết tôi là người có “sở thích” lập kế hoạch. Tôi thường lập kế hoạch mỗi tuần vào Chủ Nhật, có nhiều khi tôi lập kế hoạch luôn cho vài tháng, thậm chỉ vài năm. Tôi cũng thường được giao công việc lập kế hoạch cho nhóm ở trường/lab. Nhưng lập kế hoạch tốt không bảo đảm làm việc sẽ hiệu quả. Có thời gian tôi từng sợ mở quyển sổ planner của mình ra vì không dám đối diện với việc mình đã lỡ nhiều mốc quan trọng (đã được kế hoạch vô cùng chặt chẽ trong sổ). Đôi khi vì sổ viết quá đẹp, quá sạch sẽ, tôi ngại tẩy xoá để thay đổi, làm kế hoạch càng ngày càng xa với thực tế. Những năm gần đây, khi có cơ hội làm việc với nhiều học sinh và dạy về phương pháp lập kế hoạch học tập, tôi nhận ra rằng nếu muốn kế hoạch thực sự hiệu quả thì phải gắn từng mốc thời gian với lịch làm việc hàng ngày. Ví dụ như kế hoạch là “Đi du lịch Châu Âu” thì lịch cá nhân hàng tháng phải có “chuyển khoản $XXX vào tài khoản du lịch”. Hay như kế hoạch là “nộp bài cuối kỳ” thì lịch cá nhân phải nhắc “viết nháp lần 1”, “viết nháp lần 2” … vài tuần trước hạn nộp. Ngoài ra, tôi cũng bắt đầu kế hoạch trên máy tính (như Google Calendar hay Excel) để dễ chỉnh sửa hơn viết trên sổ giấy. Nếu bạn đọc quan tâm, tôi sẽ viết kỹ hơn trên blog trong thời gian tới. Hôm nay, tôi biết ơn vì có một ngày lập kế hoạch hiệu quả. Tôi đang lập kế hoạch cho đề án tốt nghiệp (toát mồ hôi hột!) 😅.
Day 27: I’m grateful for growing up in different cultures. Chiều nay sau giờ làm, tôi đến một ruộng ngô xem người ta bán bí ngô, táo, ngô, và tổ chức các trò chơi trên nông trại cho trẻ con dịp Halloween. Dù hoàn cảnh có hơi khác nhau, nhưng tôi từng thấy những trò chơi tương tự ở nông thôn Việt Nam. Các em cũng trốn tìm ở ruộng ngô, cũng lấy quả bầu quả bí ra nghịch vẽ hình mặt người, cũng có Tết Thiếu Nhi, có Trung Thu. Sống giữa hai nền văn hoá Đông-Tây, lẽ tất nhiên tôi cảm thấy nhiều điều khác biệt. Nhưng càng ngày, tôi lại càng tìm thấy nhiều hơn những điểm tương đồng. Chúng ta thực ra không khác xa nhau đến thế. Tôi cảm thấy đôi khi chúng ta quá tập trung vào những điểm khác nhau để so sánh, phán xét, so đo mà không để ý những nét chung, những giá trị văn hoá tương đồng để tôn trọng lẫn nhau. Hôm nay, tôi biết ơn vì đã học được nhiều điều nhờ việc sống giữa hai nền văn hoá
Day 28: I’m grateful for the beautiful weather (80F in mid-October) 🍁. Có lẽ đây là năm đầu tiên mùa Thu đến dễ chịu thế. Giữa tháng 10 rồi mà vẫn có ngày nắng ấm, lá chuyển màu vàng, cam, đỏ, xào xạc khắp mọi nơi. Xem video con đường từ nhà đến lớp học của tôi#đihọc
Day 29: I’m grateful for a good night sleep. Hôm qua tôi lên giường đi ngủ từ 10 giờ tối và sáng ngủ dậy lúc 7:30 . Đây có thể là lịch sinh hoạt bình thường đối với nhiều người, nhưng được ngủ nhiều hơn 8 tiếng là điều vô cùng hiếm có với tôi ở thời điểm giữa năm học như thế này. Ngủ đủ giấc làm tôi cảm thấy thoải mái, phấn chấn hơn. Tối qua trời mưa to nên sáng nay thời tiết rất mát mẻ, tôi bước chân trần trên sàn gỗ ngoài ban công ấm ướt, nhìn thấy cây cối, rau quả đã “no nước” từ đêm qua. Friday (chú mèo 2 tuổi rưỡi của tôi) cũng ngủ dậy sớm, ăn uống đầy đủ, hóng ra ban công chơi. Đêm qua lúc sấm chớp đùng đoàng, Friday sợ quá ba chân bốn cẳng chạy trốn vào trong tủ, đến giờ ăn phải có người mang đồ ăn đến tận miệng, giờ ngủ phải “rước” cho lên giường vỗ về. Sáng nay cu cậu lại hiên ngang bước ra ngoài như không có chuyện gì xảy ra .
Tôi luôn ủng hộ việc làm việc năng suất cao, cường độ nhanh, thậm chí bận rộn để thực hiện đam mê, hoài bão của mình. Nhưng đôi lúc, có một tuần nghỉ xả hơi, một tối ngủ hơn 8 tiếng, hay nguyên một ngày không làm gì cả là rất quan trọng để nạp năng lượng trước khi trở lại guồng quay của công việc. Do vậy, Nghỉ ngơi (Rest) là một phần không thể thiếu trong công thức làm việc hiệu quả P2JR tôi từng giới thiệu trên blog: https://thepresentwriter.com/lam-sao-de-lam-viec-tap-trung-…/
Day 30: I’m grateful for my #30daysofgratitude journey. Hôm nay là ngày cuối cùng của series #30daysofgratitude ! Thật khó tin là 1 tháng đã trôi qua và tôi đã viết đủ 30 ngày, mỗi ngày một đoạn văn ngắn về một điều tôi biết ơn trong ngày. Khi bắt đầu có ý tưởng viết #30daysofgratitude, tôi nghĩ khá đơn giản: thay vì chỉ viết gratitude journal một dòng ngắn ngủi (như hàng ngày tôi vẫn làm sáng, tối), tôi sẽ viết thêm một chút về câu chuyện/cảm xúc liên quan đến gratitude đó. Nhưng khi bắt tay vào viết thì không đơn giản chút nào. Vì mục đích của tôi là không chuẩn bị trước, để gratitude đến tự nhiên nên mỗi ngày, tôi đều buộc mình ngồi xuống và suy nghĩ về điều mình muốn viết (viết luôn ngồn nhiều thời gian hơn dự tính!). Nếu như khi viết gratitude journal hàng ngay tôi chỉ vắn tắt đại ý (ví dụ, “Tôi biết ơn về những điều tôi học được trên lớp hôm nay”), thì khi viết lên blog, tôi cần suy nghĩ kỹ hơn thực sự những cái gì đã khiến tôi vui trong ngày đó, tôi học được những cái gì, có những con người nào liên quan, tôi có cảm xúc gì? Và vì thế, việc viết #30daysofgratitude cũng khiến tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về trải nghiệm hàng ngày của mình. Ngoài ra, ban đầu tôi nghĩ mình sẽ viết hoàn toàn về những điều diễn ra ở thời điểm hiện tại, nhưng khi bắt tay vào viết, tôi lại viết nhiều hơn về những điều xảy ra trong quá khứ (ví dụ, chuyện đi thực tập ở Đài Loan, ước mơ làm hoạ sĩ truyện tranh)—những chuyện mà tôi hiếm khi chia sẻ nhưng có ảnh hưởng lớn đến quá trình trưởng thành của tôi. Nhờ việc viết #30daysofgratitude, tôi cũng nhận ra và biết ơn những người đã mang lại ảnh hưởng tích cực cho tôi từ nhỏ tới lớn, từng mảnh ghép nhỏ của quá khứ dường như đều được sắp đặt để tạo nên nhân cách và hoài bão của tôi ngày hôm nay. Tôi hy vọng series #30daysofgratitude truyền cảm hứng cho bạn đọc viết gratitude journal hàng ngày. Nếu bạn theo dõi series này thường xuyên, có thể comment chia sẻ với tôi bài viết nào bạn thích nhất được không?
Cá nhân tôi thích nhất bài viết về ông ngoại (Day 7: I’m grateful for my grandpa’s lesson on “being present”) vì mỗi lần đọc lại, tôi có cảm giác ông ngoại đang ở trên cao, móm mém mỉm cười với tôi (bên cạnh ông chắc vẫn có một tách cà phê phin, một bao thuốc lá Thăng Long, và một tờ báo Hà Nội Mới, chắc chắn là như thế!)
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
vu van van says
Bài viết của chị thật đơn giản nhẹ nhàng, lôi cuốn người đọc đến giây cuối cùng. cảm ơn đời
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn nhiều! Mong bạn thường xuyên theo dõi blog!
Tinhduyenvanthi says
Bài viết hay quá bạn ạ. Cũng chưa dành TG đọc thật cẩn thận từng câu từng chữ. Nhưng nó để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Cảm ơn bạn rất nhiều.
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn!
Hoàng Việt says
Cám ơn Chi rất nhiều về những bài viết thú vị. Mình thích nhất đoạn nói về việc ngộ độc thực phẩm của bạn bè thế giới khi tham dự APEC :). Chúc bạn có thêm nhiều bài viết mới!
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã comment!!! Vụ ngộ độc thực phẩm đấy có lẽ là chuyện đáng nhớ nhất của mùa APEC năm đó 😀
Phạm Thị Linh Chi says
Em không còn nhớ cơ duyên nào mà em biết đến cuốn sách ” Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” của chị, nhưng em thấy đấy là một điều tuyệt vời nhất mà em may mắn tìm thấy. Từ việc chia sẻ lối sống tối giản và tư duy tích cực, chị đã truyền cảm hứng sống cho em rất nhiều ạ. Em cảm ơn chị Chi. Ngay lúc này đây, em đang ngập giữa những bài kiểm tra cuối kì, em tạm gác sang một bên và tìm đến những bài chia sẻ rất hay và ý nghĩa của chị. Em cảm thấy cuộc sống thật muôn màu và chan chứa những khoảnh khắc diệu kì dù là từ những điều nhỏ bé nhất. Chúc chị luôn khỏe, chúc gia đình nhỏ của chị luôn hạnh phúc. Hi vọng chị sẽ luôn truyền ngọn lửa sống nhân văn và tích cực cho thật thật nhiều hơn nữa ạ <3 <3 <3
Chi Nguyễn says
Comment ngọt ngào quá!!! <3 Cảm ơn em nhiều vì đã ủng hộ chị