Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 23/04/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Tuần vừa rồi lại là một tuần bận rộn nữa với mình trong “mùa” cuối năm học tại Mỹ. Dưới áp lực thời gian khủng khiếp, mình tự hào vì đã nộp kịp 4 đề án nghiên cứu đồng tác giả tới 2 hội thảo khoa học đầu ngành chỉ trong vòng một tuần.
Tuy vậy, để có thể tập trung tối đa, mình đã phải nói “không” với rất nhiều người trong những hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ: “Rất tiếc tôi không tham gia được nghiên cứu với bạn ở giai đoạn này”; “Cô không thể phản hồi yêu cầu của em trong lúc này”; “The Present Writer không thể nhận thêm dự án ở thời điểm này”…
Sau nhiều năm thực hành sống tối giản, mình không còn cảm thấy tội lỗi hay khó khăn để nói “không” như trước đây; vì mình biết việc nói “không” là điều kiện cần để nói “có” với những thứ quan trọng và ý nghĩa hơn cho cuộc sống. TUY VẬY, đôi lúc mình cũng không thể tránh được cảm giác bất an: “Liệu người khác nghĩ gì về mình?” khi mình không đáp ứng được những yêu cầu của họ.
Những lúc như vậy, mình lại nhớ tới một câu nói của cô therapist (chuyên gia tâm lý) của mình trước đây:
“You will always be the villain in someone’s story, just make sure it isn’t yours”
(“Bạn sẽ luôn là nhân vật phản diện trong câu chuyện của ai đó, hãy chắc chắn đó không phải là câu chuyện của chính bạn”)
Câu này có hai vế—hai ý tưởng thú vị:
Thứ nhất, bạn sẽ luôn là “nhân vật phản diện” trong câu chuyện nào đó—ai đó ngoài kia sẽ luôn có điều không hay để nói về bạn, mặc cho bạn có cố gắng “hoàn hảo” tới mức nào đi chăng nữa. Việc “người khác nghĩ gì về mình” phụ thuộc rất nhiều vào hiện tại họ đang sống, quá khứ họ đã trải qua và mục tiêu tương lai họ hướng tới—tất cả những điều chi phối quan điểm cá nhân của họ. Bạn không thể kiểm soát điều người khác nghĩ về mình. Bạn chỉ có thể kiểm soát điều bạn nghĩ về bản thân mình.
Thứ hai, hãy chắc chắn bạn không là “nhân vật phản diện” trong chính cuộc đời của mình. Có rất nhiều người dành cả cuộc đời để “kiểm điểm”, chỉ trích và mạt sát…chính mình. Mặc dù việc nhận ra điểm yếu của bản thân là cần thiết, việc khắt khe quá với chính mình sẽ khiến cuộc sống ngột ngạt, mệt mỏi và đau buồn—như thể ta đang “hành hạ” chính mình vậy. Học cách yêu thương bản thân vô điều kiện, tha thứ cho những lỗi lầm trong quá khứ và khích lệ bản thân tới tương lai là một kỹ năng vô cùng cần thiết cho cuộc sống cân bằng, tích cực, hạnh phúc.
Cô therapist của mình còn thêm một ý thứ ba nữa, kết nối hai ý trên: Người khác học cách đối xử với bạn theo cách bạn đối xử với chính mình. Nếu bạn yêu thương, trân trọng và thứ tha với bản thân thì cách bạn thể hiện trong lời ăn tiếng nói, cư xử hàng ngày sẽ “dạy” cho người bên cạnh cách họ nên đối xử với bạn. Ngược lại, nếu bạn khắt khe với chính mình, người khác cũng sẽ cho rằng họ cần khắt khe với bạn. Ví dụ: Nếu mình nói “không” để bảo vệ thời gian của mình, người khác cũng sẽ tự hiểu rằng họ cần quý trọng từng khoảnh khắc mình dành cho họ. Ngược lại, nếu mình sẵn sàng bỏ mọi thứ để chiều lòng, đón ý người khác, ngay cả khi mình không muốn, họ sẽ tự rút ra kết luận là thời gian, cảm xúc, suy tư của mình không cần phải coi trọng.
Vậy nên, cách mình nói với bản thân mình hàng ngày rất quan trọng. Mình có đang nói với mình và về mình như cách mình giao tiếp với một người bạn thân mà mình trân quý hay không? Mình là một người bạn hay là một kẻ bắt nạt chính mình? Mình đang đóng vai “nhân vật anh hùng” hay “nhân vật phản diện” trong câu chuyện cuộc đời mình?
Hẹn bạn viết tiếp câu chuyện này trong tuần bận rộn tiếp theo nhé!
Be present,
Chi Nguyễn
Nếu bạn thấy nội dung này hữu ích, hãy nhấn chuyển tiếp email “Bài học thứ Tư” tuần này cho những ai cần tiếp thêm năng lượng tích cực nhé!
GỢI Ý TUẦN NÀY
1- Sách “Slow Productivity”/“Hiệu năng chậm” (Cal Newport). Hai tuần bận rộn gần đây mình cố gắng dành 30 phút mỗi sáng để đọc cuốn sách mới nhất (xuất bản năm 2014) của Cal Newport (tác giả “Deep Work”/“Làm ra làm, chơi ra chơi”). Vẫn với văn phong khoa học tập trung, thẳng thắn, Cal đưa ra một góc nhìn mới về hiệu năng: Thay vì làm nhiều, làm nhanh, làm lấy số lượng thì ta nên làm ít hơn, làm theo nhịp tự nhiên và “ám ảnh” về chất lượng.
Như mình tâm sự trong một video đầu năm, chủ đề năm 2024 của mình là “phát triển chậm” vì mình muốn bước chậm hơn, chắc hơn, an nhiên hơn. Tuy vậy, nói khó hơn làm. Ba tháng đầu năm 2024 dạy cho mình rằng phát triển chậm đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn từ mình. Cuốn sách này tình cờ ra trong năm nay như một sự cổ vũ tinh thần thêm cho mình, khiến mình vững tin hơn trên con đường 9 tháng sắp tới ^^
2- Phim “Maid” (Hầu gái). Hai ngày cuối tuần mình thức đêm “cày” hết bay 10 tập phim này (khoảng 10 tiếng) trên Netflix. Phim kể câu chuyện rất cảm động về một người mẹ trẻ (Alex) mang con gái 3 tuổi bỏ đi khỏi mối quan hệ bạo hành tinh thần. Không tiền, không nơi ở, không có chỗ dựa, Alex quay cuồng vừa chăm con vừa đi lau dọn kiếm thu nhập ít ỏi, vừa tìm sự trợ giúp khó khăn từ chính phủ và mái ấm cưu mang những hoàn cảnh tương tự như mình.
Cái hay của bộ phim nằm ở tính chân thực trong các nhân vật đa chiều (không ai hoàn toàn xấu và hoàn toàn tốt), giúp người xem hiểu được vòng xoáy của sự bạo hành và tại sao phụ nữ lại khó thoát ra khỏi bạo hành như vậy. Sau khi xem phim và rơm rớm nước mắt cả đêm 🥹, mình thấy biết ơn vì lấy được người chồng không kiểm soát, cô lập, thâu tóm tinh thần đến nghẹt thở như trong phim.
3- Ưu đãi Shopee. Shopee đang có đợt giảm giá cuối tháng với mã ưu đãi tại đây. Khi ở trên Shopee, bạn có thể ghé gian hàng của The Present Writer 😉 với các sản phẩm tri thức của mình như Sổ hiệu năng “The Present Day planner” và Sách “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”.
CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
🎤 Podcast – Nỗi sợ lập gia đình. “Liệu mình có phù hợp để lấy chồng, sinh con hay không? Mình có thể nuôi dạy một đứa trẻ khoẻ mạnh và hạnh phúc hay không?” là những câu hỏi mà rất nhiều bạn trẻ thắc mắc và lo lắng khi nghĩ tới việc lập gia đình.
Với kinh nghiệm của “người đi trước” với một gia đình nhỏ, Chi chia sẻ những góc nhìn, đúc kết của bản thân, giúp các bạn có một cái nhìn cởi mở, thoải mái, và chuẩn bị tốt hơn cho hôn nhân thay vì tê liệt bởi nỗi sợ.
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email