Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 16/04/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Mình vừa trải qua một tuần khá “lạ”. Một mặt, mình đã làm việc rất chăm chỉ và hoàn thành hầu hết những yêu cầu phản hồi/đóng góp/cộng tác với đồng nghiệp và nghiên cứu sinh ở trường, cũng như với nhân sự, đối tác và khán giả của The Present Writer. Mặt khác, vì mình dành quá nhiều thời gian và tâm sức cho những đầu việc với người khác, những mục tiêu độc lập của mình (như làm dự án nghiên cứu riêng, viết sách, lập kế hoạch tài chính cá nhân…) buộc phải lùi lại sang tuần sau, ảnh hưởng khá lớn đến tiến độ. Đây là một vấn đề mình thường gặp trong ba năm trở lại đây. Từ khi mình bắt đầu công việc professor tại Mỹ và The Present Writer phát triển lớn hơn, trách nhiệm, ưu tiên và thời gian của mình phải san sẻ cho nhiều người hơn, thay vì chỉ tập trung vào bản thân như trước đây.
Chiều Chủ nhật vừa rồi, khi mình nhìn lại tuần đã qua và lên kế hoạch cho tuần sắp tới (bằng trang Weekly refection và Weekly planning của sổ The Present Day planner), mình cảm thấy khá thất vọng vì phải viết đi, viết lại một đầu việc cá nhân từ tuần này sang tuần khác mà chưa hoàn thành được dứt điểm, mặc dù mình đã cố gắng hết sức. Nhưng thay vì ngồi đó tự trách bản thân, mình quyết định đóng tất cả sổ, sách, máy tính lại và … đi tắm. 🧖🏻♀️
Bạn đã bao giờ nghe câu: “Mỗi khi chùng xuống, hãy nhắc bản thân rằng một phần hiện tại hôm nay từng là ước mơ của ta trong quá khứ”? Mình luôn nhớ tới lời nhắc này mỗi lần tắm nước nóng.
Mình lớn lên trong một căn nhà cấp bốn cải tạo lại ở khu tập thể quân đội 28B Điện Biện Phủ (Hà Nội). Nhà mình có diện tích rất nhỏ, đặc biệt căn bếp và khu vệ sinh ở tầng một chỉ đứng được hai người là chật. Phòng tắm duy nhất của cả nhà nằm ở tầng ba, với một bình nước nóng nhỏ. Để tiết kiệm tiền điện, bình nước nóng luôn trong trạng thái tắt. Nếu ai muốn tắm nước nóng thì sẽ phải lên bật công tắc ít nhất 30 phút, chờ nước ấm lên rồi mới vào sử dụng được. Mình còn nhớ có những hôm đang chạy xe trên đường, mồ hôi nhễ nhại vẫn phải táp vào vỉa hè để gọi điện về nhà: “Có ai đang ở nhà không ạ? Ai lên tầng ba bật nước cho con với ạ!” để về tới nhà là có nước tắm ngay. Mùa hè thì không sao, nhưng mùa đông lại rất cực. Vì bình nước nóng rất nhỏ, nên đôi khi mình vừa gột được hết xà phòng trên mái tóc dài thì đã hết nước nóng, phải run lập cập tắm rất nhanh dưới vòi nước lạnh. Thế nên, thường mùa đông mình sẽ mặc quần áo và gội đầu bằng nước lạnh trước, sau đó mới thay đồ và tắm bằng nước ấm.
Ngày đó, ước mơ của mình đơn giản là có bình nước nóng to thật to, luôn bật công tắc sẵn sàng, khi nào muốn tắm nước nóng là có ngay và không bao giờ hết nước giữa chừng. Bây giờ, ước mơ từ nhỏ đó đã thành hiện thực với căn nhà hiện đại, tiện nghi hơn ở Mỹ, muốn tắm nước nóng lúc nào cũng được 😊. Bởi vậy, mỗi lần được tắm nước nóng, mình lại nhớ tới ký ức tuổi thơ và thấy vui vì mình đã có được điều ngày xưa mình hằng ao ước.
Bên cạnh ước mơ “bình nước nóng”, mình đã mơ được đi du học, được trở thành professor, được làm công việc sáng tạo… Chính vì những ước mơ này thành hiện thực, mình mới có cơ hội được hướng dẫn nghiên cứu sinh, cộng tác với đồng nghiệp, sáng tạo nội dung, kiến tạo đội nhóm và cộng đồng chất lượng cho The Present Writer như hiện nay. Cuộc sống “hậu ước mơ” không phải lúc nào cũng chỉ có màu hồng. Tuy vậy, mình nhận ra rằng, nếu có thể dành ra chỉ một vài phút ngừng nghỉ, ngoái lại nhìn con đường đã đi qua, mình sẽ nhớ lại rằng mình đã đi một con đường dài như thế nào để tới được đây. Từ đó, mình trân trọng hiện tại hơn và cảm thấy an yên hơn với suy nghĩ: “ngày mai lại là một ngày mới” —một cơ hội mới để “sống với ước mơ” của mình.
—
Mình không biết bạn có đang trong giai đoạn chông chênh nào đó giống như mình tuần rồi hay không, nhưng nếu bạn có thể làm một hoạt động nào đó gợi nhắc về những điều tuyệt vời đang xảy ra trong hiện tại của bạn, mình tin rằng bạn sẽ lấy lại được sự cân bằng tâm lý nhanh hơn và lâu bền hơn. Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, mình gợi ý viết “Nhật ký biết ơn” mỗi sáng—một trang giấy nhỏ ghi lại 3-5 điều bạn cảm thấy may mắn và trân quý trong cuộc sống hiện tại. Đây là một thói quen mình đã làm được hơn 10 năm và có ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe tinh thần của mình. (Mình viết kỹ hơn về ý này trong Chương 5 và Chương 6 của “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”).
Nếu bạn thấy nội dung này hữu ích, hãy nhấn chuyển tiếp email “Bài học thứ Tư” tuần này cho những ai cần tiếp thêm năng lượng tích cực nhé! Chúc bạn một tuần tốt lành!
Be present,
Chi Nguyễn
“Mọt phim vui học ngoại ngữ – Khai phóng bản thân”
Một dự án mới của Tiến sĩ khoa học Thiều Thu giúp các bạn “mọt phim” là sinh viên học thêm tiếng Trung hoặc tiếng Hàn, đồng thời phát triển bản thân qua các bộ phim. Tham gia chương trình các bạn được hướng dẫn cách tiếp thu ngôn ngữ mới CHỈ qua phim ảnh, từ đó phát triển và xây dựng triết lý sống riêng cho bản thân mình. Thông qua việc tự học ngoại ngữ qua phim, TS. Thiều Thu giúp các bạn rèn luyện tư duy liên kết – chìa khóa giúp bạn nâng cao hiệu quả học tập trong mọi lĩnh vực.
Chương trình đang tìm kiếm Thực tập sinh để đào tạo hoàn toàn miễn phí trong 8 tuần từ 22.04.2024 đến 14.06.2024. Các bạn quan tâm đến chương trình có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết tại đây.
Cảm ơn Dự án “Mọt học bay” đã tài trợ cho số “Bài học thứ Tư” tuần này!
GỢI Ý TUẦN NÀY
1.Sách “Không diệt không sinh, đừng sợ hãi” (Thích Nhất Hạnh). Trong tập mới nhất của The Present Writer Podcast về Nỗi sợ cái chết, mình phân tích cách đối diện cái chết và sự mất mát dựa vào tư duy “vô thường” trong cuốn sách này. Mặc dù viết về một đề tài nặng nề, sách lại tạo cho người đọc cảm giác nhẹ nhõm, an yên đến kỳ lạ. Bản đặc biệt của sách có thiết kế rất đẹp, hình vẽ nhiều họa tiết, phủ nhũ vàng và hộp giấy cứng—không chỉ hay về nội dung mà còn rất đẹp để trưng bày hoặc làm quà tặng.
2- Khóa học từ Coach La Khuê. Nếu bạn muốn học từ “thầy” của mình thì chị La Khuê (Business Coach của Chi) mở Khóa học “Diamond Time Secret” vào đầu mỗi tháng cho các bạn muốn rèn luyện, tu tập những thói quen tốt để rèn thân-tâm-trí hàng ngày. Riêng trong tháng 4 này, chị La Khuê có Workshop “Bí mật Nghề chia sẻ” dành cho những ai muốn biến đam mê chia sẻ thành một nghề mơ ước. Mình đã tham gia coach với chị La Khuê từ năm 2022, khi mình mới bước vào con đường kinh doanh nghiêm túc và chị Khuê đã giúp mình chuyển hóa tư tưởng sâu sắc và xây dựng thương hiệu The Present Writer như ngày nay.
3- Video của Ray Willam Johnson. Ray là một trong những YouTuber “đời đầu” nổi tiếng với những video hài hước. Gần đây, Ray trở lại với loạt video ngắn (1-4 phút) kể những câu chuyện thú vị, thường là “true crime” (tội phạm có thật). Ray có tài kể chuyện cực kỳ thu hút và cam kết rất lớn với người xem (video mới ra hàng ngày). Bạn nào thích nghe các mẩu chuyện có thật, học tiếng Anh Mỹ, học cách kể chuyện hài hước, cuốn hút thì rất nên theo dõi kênh này nha.
CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
YouTube – Thuyết trình/phỏng vấn tiếng Anh: Mô hình thành công toàn diện. Lần đầu tiên sau 10 năm luyện nói tiếng Anh trước công chúng, mình chia sẻ mô hình toàn diện mà mình tự xây dựng để thuyết trình và phỏng vấn tiếng Anh hay, đúng, trôi chảy và tự tin hơn.
🎤 Podcast – Nỗi sợ cái chết. Phải làm gì để đối diện và vượt qua nỗi sợ cái chết hay sự mất mát trong cuộc sống? Tập podcast là những tâm sự từ trái tim mình, được dẫn đường bởi những triết lý trong cuốn sách “Không diệt không sinh, đừng sợ hãi” (Thích Nhất Hạnh).
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email