Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 09/04/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Trong bản tin tuần trước, mình chia sẻ rằng mình đang đọc lại cuốn “Deep Work” (“Làm ra làm, chơi ra chơi”) của Cal Newport về làm việc hiệu quả. Đây thực sự là một cuốn sách hay! Mỗi lần đọc lại mình lại nhận ra bài học mới hoặc thấm thía hơn bài học cũ.
5 BÀI HỌC LỚN TỪ “DEEP WORK”
#1. Sự khác biệt giữa “deep work” (làm việc sâu) và “shallow work” (làm việc nông)
Hiểu một cách đơn giản, deep work là những hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao độ, đẩy trí lực tới mức độ cao nhất (ví dụ: nghiên cứu, lập trình, học nâng cao, sáng tạo…). Làm nhiều deep work giúp phát triển kỹ năng, tạo giá trị đột phá và khó để lặp lại.
Ngược lại, shallow work là những hoạt động không đòi hỏi nhiều trí lực, có thể làm khi sao nhãng, thường là những việc “không tên” hàng ngày (ví dụ: trả lời email/tin nhắn, xem mạng xã hội, sắp xếp giấy tờ…). Làm nhiều shallow work không giúp cải thiện kỹ năng, không mang nhiều giá trị và dễ lặp lại, thay thế.
Khi hiểu rõ hai khái niệm này, bạn có thể xem lại trong ngày có bao nhiêu thời gian mình làm deep work và shallow work. Để tối ưu giá trị công việc và sự phát triển của bản thân, ta nhất thiết cần tìm cách tăng thời gian làm deep work. Bắt đầu bằng việc đặt lại ưu tiên trong công việc (đâu là đầu việc quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất), loại bỏ những thứ gây sao nhãng cho mình, áp dụng quy luật 80/20 để đo lường và tối ưu hóa mọi mặt của cuộc sống.
Đọc thêm về 80/20 và các phương pháp tối ưu hóa khác trong Chương 3 của “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”.
#2 Sự khác biệt giữa busyness (bận rộn) và productivity (hiệu suất)
Trong sách, tác giả dành cả một chương để phân tích tại sao mô hình làm việc hiện đại với không gian mở, bàn làm việc chung, sếp ngồi kè kè bên cạnh nhân viên… khiến cho nhiều người buộc phải tỏ-ra-bận-rộn. Họ chạy đi chạy lại khắp nơi, cắm đầu vào máy tính, tác phong gấp gáp… để đồng nghiệp và sếp cảm thấy họ đang làm việc chăm chỉ và năng suất.
Nhưng thực tế, bận rộn nhiều không đồng nghĩa với hiệu suất cao. Hiệu suất cao đến từ những giờ làm việc sâu, trong yên tĩnh, tập trung, độc lập, và nên được đánh giá bằng kết quả thực tế thay vì sự “biểu diễn” hàng ngày ở công sở.
#3 Hạnh phúc nằm ở “flow” (dòng chảy)
Dẫn kết quả nghiên cứu từ công trình tâm lý học nổi tiếng của Mihaly Csikszentmihalyi về trạng thái “flow” (dòng chảy)—một cảm giác mà khi con người đạt được độ tập trung tuyệt đối, họ sẽ say sưa quên hết mọi thứ xung quanh—tác giả khẳng định rằng khi tập trung làm deep work càng nhiều thì ta sẽ càng dễ đạt được trạng thái dòng chảy. (Bạn có thể đọc thêm trong cuốn Flow/Dòng Chảy).
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng càng ở trong dòng chảy lâu và thường xuyên, con người sẽ càng cảm thấy hạnh phúc vì họ được tập trung làm điều họ thích, tạo ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ. Điều này trái với những lời khuyên là phải “thư giãn”, “nghỉ dưỡng” để thấy hạnh phúc. Hạnh phúc thực chất đến từ cảm giác tập trung làm điều mình muốn, hiểu và kiểm soát tốt bản thân, nhận thấy được thành quả và tiến trình của mình.
#4 Giới hạn của tập trung
Tập trung cao độ đòi hỏi rất nhiều trí lực, do vậy nó có hạn mức nhất định. Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người mới rèn luyện tập trung có thể tập trung được chừng 1 tiếng. Những người rất giỏi có thể tập trung nhiều nhất 4 tiếng. Rất hiếm người có thể tập trung lâu hơn thế và nếu có, cũng không lâu bền và gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Do vậy, khi lên lịch làm deep work, chúng ta nên lập kế hoạch một cách thực tế với tối đa 4 tiếng tập trung cao độ.
Chính vì lý do này, khi thiết kế trang Daily (Ngày) của sổ The Present Day planner, mình chỉ để 10 lượt pomodoro, tương đương khoảng 4 tiếng làm việc liên tục.
#5 Tập trung là kỹ năng rèn luyện được. Nhưng sao nhãng cũng vậy…
Trái với suy nghĩ của nhiều người là khả năng tập trung là do bẩm sinh, nghiên cứu chỉ ra rằng tập trung là một kỹ năng hoàn toàn có thể học được và nhất thiết phải luyện tập thì mới có thể cải thiện hơn. (Mình đã chia sẻ một số phương pháp tập trung ở video này).
Cuốn sách nhấn mạnh thêm: Sao nhãng cũng là một kỹ năng mà nhiều người trong chúng ta vô tình “luyện tập” hàng ngày. Mỗi khi có vài phút trống (ví dụ: đợi bác sĩ, chờ lấy đồ ăn, giữa hai cuộc họp), nhiều người có thói quen lấy điện thoại ra xem mạng xã hội, đọc báo mạng, xem video giải trí… giết thời gian. Điều này tưởng như rất vô hại nhưng dần dần biến thành một thói quen vô thức, cứ có lúc nào ngơi nghỉ là lại rút chiếc điện thoại ra để sao nhãng đầu óc của mình. Trong khi đó, để nạp lại năng lượng cho não, ta nên cho não nghỉ ngơi hoàn toàn bằng cách hít thở, đi lại, nhắm mắt, thư giãn cơ thể… thay vì liên tục khiến não phải hoạt động trong trạng thái mệt mỏi, vô thức.
Ngày hôm nay, bạn hãy quan sát xem mình đang rèn luyện tập trung hay rèn luyện…sao nhãng nhé! 😉
—
Nếu bạn quan tâm đến chủ đề tập trung, bạn có thể đọc thêm Chương 3 (Chọn lựa và ưu tiên) của “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản và tham khảo layout sổ hiệu năng The Present Day planner. Mình là “fan cứng” của Cal Newport và được truyền cảm hứng từ cuốn sách này rất nhiều khi viết sách và thiết kế sổ.
Nếu bạn thấy thông điệp này hữu ích, hãy chuyển tiếp email “Bài học thứ Tư” tuần này cho những ai cần nhé!
Be present,
Chi Nguyễn
GỢI Ý TUẦN NÀY
- Phim “Yesterday”. Một bộ phim âm nhạc hài hước, tình cảm mà mình thường xem lại mỗi khi muốn có lại cảm giác trong trẻo, nhẹ nhàng. Phim kể về một anh chàng ca sĩ kiêm nhạc sĩ đang chật vật với mưu sinh thì bỗng nhiên “đụng” phải một phép màu khiến anh trở thành người duy nhất trên thế giới còn nhớ và chơi được các bài hát kinh điển của ban nhạc The Beatles. Vấn đề xảy ra khi mọi người đều tưởng là anh chàng tự sáng tác các bài hát này và sự nổi tiếng, giàu sang, cùng rắc rối cũng kéo đến… The Beatles là ban nhạc yêu thích nhất của mình khi còn nhỏ và qua bộ phim này, mình cũng được nghe lại nhiều bản remix hay.
- Khóa học làm blog miễn phí. Bạn đã nghe về khóa học này của The Present Writer chưa? Từ năm 2020, mình đã phát triển và duy trì Khóa học làm Blog miễn phí 7 ngày qua email. Khóa học đã có tới hơn 50,000 học viên. Bạn chỉ cần đăng ký địa chỉ email tại đây và hệ thống sẽ tự động gửi email liên tiếp trong 7 ngày, mỗi ngày là một bài học mới. Hoàn toàn miễn phí!
- Khóa học sáng tạo trên Domestika. Một năm trở lại đây, mình học các bộ môn liên quan đến nghệ thuật (vẽ, làm nội dung sáng tạo, thuyết trình sáng tạo…) trên nền tảng Domestika. Đây là một nền tảng tập trung các giáo viên là người làm nghề thực thụ để dạy lại cho học viên—do vậy cách học cũng rất thực tế và “thực chiến”. Giá mỗi khóa học cũng rất phải chăng với link ưu đãi này: domestika.sjv.io/TPW
CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
YouTube – Thay Đổi Nhỏ, Hiệu Quả Cao | Thói Quen Nguyên Tử
Trên cả một review sách, video phân tích những bài học bổ ích nhất mà mình chắt lọc được sau nhiều năm đọc đi đọc lại “siêu phẩm sách” Atomic Habits/Thói quen tí hon của James Clear và làm nghiên cứu về khoa học hành vi.
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email