Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 16/07/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Vài ngày trước, nữ diễn viên Shannen Doherty qua đời ở tuổi 53 vì căn bệnh ung thư. Đối với thế hệ 8x như mình, cố nghệ sĩ này là một phần của tuổi thơ với những buổi chiều tan học, dán mắt vào TV hóng tới giờ chiếu phim “Phép thuật” (Charmed—Shannen Doherty đóng vai chị cả trong gia đình ba chị em gái có năng lực phù thủy). Một video xúc động tưởng nhớ Shannen Doherty ghi lại lời cô ấy nói khi biết ung thư tái phát: “Điều tôi muốn làm nhất bây giờ là mang lại ảnh hưởng. Tôi muốn mình được nhớ tới về một điều gì đó lớn hơn chính mình”.
Câu nói này thực sự chạm tới mình vì gần đây, mình suy nghĩ khá nhiều về khái niệm di sản (legacy). Hay nói một cách đơn giản hơn, cũng như Shannen Doherty, mình tự hỏi: “Nếu một ngày kia tôi chết đi, người ta sẽ nghĩ đến tôi vì điều gì? “
Trong một cuốn sách mình đọc gần đây—Slow Productivity (Hiệu năng chậm) của Cal Newport—tác giả dẫn ra nhất nhiều ví dụ về cách tiếp cận công việc của những vĩ nhân như Marie Curie, Carl Jung, Jane Austen… và chỉ ra rằng ngay khi họ có một ý tưởng bứt phá nào đó, thay vì việc lao đầu vào làm ngày đêm để hoàn thiện ý tưởng, họ lại chủ đích chậm lại, tới nơi yên tĩnh để suy nghĩ, hoặc dành thời gian cho bản thân và gia đình, trước khi quay lại với công việc. Chính quá trình chậm lại này giúp họ suy nghĩ thông suốt, thư thái và tập trung hơn khi quay lại với ý tưởng. Carl Newport phân tích thêm rằng, sở dĩ những vĩ nhân này có thể chậm lại vì cái họ hướng tới không phải là một vài công trình/tác phẩm/thành tựu mà là cả một di sản lớn quyết định toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp sau này. Một khi ta đã quyết định sẽ dành cả quãng đời tiếp theo cho một điều gì đó vĩ đại, những thành công, thất bại, thăng trầm trong hành trình sẽ nhỏ đi rất nhiều.
Mình cũng gặp ý tưởng này khi đọc lại cuốn “Flow” (Dòng chảy) của Mihaly Csikszentmihalyi—người được xem là “ông tổ của ngành Tâm lý học Tích cực” và tạo ảnh hưởng vĩnh viễn cho nghiên cứu về hạnh phúc con người với học thuyết “dòng chảy”—trạng thái mà con người tập trung làm điều gì đó khiến họ say mê tới mức quên hết mọi thứ xung quanh. Khi đọc sách và những nghiên cứu trước đó của Mihaly Csikszentmihalyi, mình nhận ra rằng tới vài thập kỷ trước khi ra cuốn sách và chứng minh được khái niệm “dòng chảy”, học giả này đã cho ra đời rất nhiều nghiên cứu nhỏ lẻ, viết chung với các nhà nghiên cứu khác về những ý tưởng xoanh quanh chủ đề này. Những nghiên cứu ban đầu ấy tựa như những viên gạch nhỏ nhưng vững chắc, dần dần giúp ông tạo nên công trình “để đời” sau này. Nếu Mihaly Csikszentmihalyi giữ khư khư ý tưởng lớn trong đầu, không chấp nhận chẻ nhỏ ý tưởng đó để quan sát và nghiên cứu trong nhiều năm, với nhiều người khác thì chắc chắn ông đã không có di sản như ngày hôm nay.
Trong suy nghĩ của mình ở thời điểm hiện tại, di sản cá nhân là (1) điều đầu tiên mà mọi người nghĩ tới khi nhắc tới bạn—ví dụ: Jane Austen-tác giả “Kiêu hãnh và Định kiến”, (2) thứ lớn nhất bạn dành cả cuộc đời tập trung xây dựng nó—ví dụ: Marie Curie với nghiên cứu về phóng xạ, và (3) điều có khả năng tiếp tục tạo ảnh hưởng ngay cả khi bạn lìa đời—ví dụ: Shannen Doherty sẽ mãi hiện lên ấm áp trong ký ức tuổi thơ của mình mỗi khi mình nghĩ tới phim “Phép thuật”.
Minh không nghĩ rằng chúng ta phải trở thành “vĩ nhân” thì mới có thể tạo di sản cá nhân. Mình có thể tạo di sản nhỏ, cho chính mình và những người thân yêu quanh mình trước, sau đó mới tới cộng đồng, công chúng, xã hội lớn hơn.
Có rất nhiều cách để tạo nên di sản và di sản cũng có nhiều hình hài, quy mô, ý nghĩa khác nhau. Nhưng tựu chung lại, tất cả đều phải bắt đầu bằng một câu hỏi: “Nếu một ngày kia tôi chết đi, người ta sẽ nghĩ đến tôi vì điều gì? “
Bạn có câu trả lời cho mình không?
Be present,
Chi Nguyễn
P/S: Nếu bạn thấy thích nội dung này, hãy nhấn chuyển tiếp (forward) email “Bài học thứ Tư” này cho ai cần, và cân nhắc ủng hộ tại đây để bản tin miễn phí này được duy trì và phát triển bền vững nhé!
GỢI Ý TUẦN NÀY
- Phim Knife Out (2019) và Glass Onion (2022): Tuần rồi mình dành thời gian xem lại hai bộ phim trinh thám này. Cả hai phim đều xoay quanh hành trình phá án của nhân vật thám tử Benoit Blanc, người rất thông minh những cũng cực kỳ hài hước. Điều mình thích ở hai phim này là đều có những cú twist rất thú vị và các nhân vật phụ trong phim cũng được xây dựng màu sắc. Phim hay cho những ai thích thể loại trinh thám, truy tìm dấu vết tội phạm (như mình ^^).
- Khóa học làm blog miễn phí. Bạn đã nghe về khóa học này của The Present Writer chưa? Từ năm 2020, mình đã phát triển và duy trì Khóa học làm Blog miễn phí 7 ngày qua email. Khóa học đã có tới hơn 50,000 học viên. Bạn chỉ cần đăng ký địa chỉ email tại đây và hệ thống sẽ tự động gửi email liên tiếp trong 7 ngày, mỗi ngày là một bài học mới. Hoàn toàn miễn phí!
CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
Podcast – SS4ES6 Khởi nghiệp với lý tưởng thanh xuân (cùng Spiderum Co-Founders: Nga và Việt Anh)
Trong tập Podcast đặc biệt tuần này, Chi phỏng vấn Nga và Việt Anh, hai bạn đồng sáng lập Spiderum—nền tảng chia sẻ và sáng tạo nội dung số đa kênh, đồng thời cũng là một đơn vị xuất bản với những cuốn sách thú vị cho giới trẻ.
Bắt đầu khởi nghiệp với lý tưởng thanh xuân, Nga và Việt Anh chia sẻ những trải nghiệm, bài học khi bắt đầu mở start-up với những bài học về liên hệ đối tác, phong cách quản lý, hình thành đội nhóm, và góc nhìn về người lãnh đạo. 👉 Nghe chia sẻ của hai bạn trong tập podcast mới nhất nha!
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email