Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 11/09/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Hôm qua, lần đầu tiên mình làm chủ tọa cho một buổi bảo vệ đề án Tiến sĩ. Học trò của mình là một người đàn ông đứng tuổi (U50) đã làm trong ngành giáo dục ở Mỹ hơn 20 năm. Nhưng anh ấy vẫn thể hiện đủ mọi cung bậc cảm xúc của một nghiên cứu sinh mới trước hội đồng: hồi hộp, lo lắng, xúc động… tới rơi nước mắt đôi lần.
Điều này khiến mình nhớ lại kỷ niệm mình đã từng run bần bật trong hành lang khi đợi kết quả bảo vệ luận án Tiến sĩ 5 năm trước như thế nào. Mình chỉ thở phào khi giáo sư hướng dẫn của mình bước ra và nói: “Chi, em đã làm tôi tự hào!”. Ngày hôm qua, mình được nói lại câu này với học trò của mình và đó là khoảnh khắc mình sẽ không bao giờ quên.
Là người từng đứng ở cả hai vị trí, mình chắt lọc được 6 bài học như sau:
Đối với học viên/nhân viên/ứng viên trước hội đồng quan trọng:
- Điều tốt nhất bạn có thể làm là chuẩn bị thật kỹ kiến thức và kỹ năng yêu cầu. Nếu có thể, xin ý kiến góp ý từ hội đồng hoặc những người đã có kinh nghiệm qua những cột mốc tương tự trước ít nhất 2-4 tuần. Hãy nhớ rằng, điều quan trọng nhất là năng lực thực sự của bạn, những yếu tố khác chỉ là phụ.
- Hành xử chuyên nghiệp nhưng đừng mất đi cái tôi của mình. Khi nói về đề bạn tài tâm huyết, hãy để cảm xúc, đam mê và công sức mình dồn cho đề tài ấy được thể hiện chân thực nhất. Những gì từ trái tim sẽ chạm tới trái tim.
- Bước vào mọi cuộc thảo luận với tư duy học hỏi cởi mở. Dù bạn có là ai, bao nhiêu tuổi, có vị trí như thế nào trong xã hội… sẽ luôn có điều mình chưa biết, cần lắng nghe để mở mang hơn. Khi bạn có thể nhìn nhận mọi lời nhận xét (tiêu cực/tích cực) như những bài học mà mình có thể chắt lọc sau này, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng và bớt áp lực hơn.
Đối với giáo viên/lãnh đạo/chủ tọa hội đồng quan trọng:
- Sự tử tế luôn cần đặt lên hàng đầu. Khi bạn ở vị trí “quyền lực” thì bạn sẽ chắc chắn phải có những “buổi nói chuyện khó khăn” (difficult conversation) với người khác về thiếu sót, sai lầm, lỗ hổng… trong công việc của họ. Nhưng cùng là một câu chuyện, có những cách trao đổi tiêu cực, độc hại, có những cách lại tích cực, nâng đỡ hơn là chì chiết nặng nề. Sự khác biệt nằm ở sự tử tế. Chỉ làm những điều bạn muốn người khác làm cho mình (hoặc cho con mình hay những người mình thương yêu).
- Có những điều bạn đã làm đi làm lại rất nhiều lần với rất nhiều người (ví dụ: dự thuyết trình hàng tuần, đánh giá năng lực làm việc của nhân viên hàng năm…). Nhưng với người ở phía bên kia, đó là sự kiện vô cùng quan trọng của họ, họ có thể lo lắng tới mất ăn mất ngủ vì buổi gặp với bạn. Bởi vậy, hãy đặt mình ở vị trí của người kia và “sống cho hiện tại” (be present) khi chứng kiến cột mốc quan trọng của họ.
Bạn ở vị trí hiện tại vì bạn có điều gì đó để truyền đạt, giúp đỡ, chia sẻ với người khác. Đừng lo lắng về thâm niên (trong tuổi tác lẫn công việc). Hãy tập trung vào những đóng góp tích cực bạn có thể làm cho người khác, trong khi vẫn trân trọng kinh nghiệm sống và làm việc dồi dào của họ.
—
Mình bắt đầu dạy học từ năm 19 tuổi và từng dạy qua đủ mọi lứa tuổi học viên (từ 4 tuổi tới 60+ tuổi). Mình không tự nhận là một giáo viên/giảng viên giỏi nhất, nhưng chắc chắn là một trong những người cảm thấy thoải mái nhất khi đứng trên giảng đường. Mình biết giá trị mình mang lại cho từng người, qua từng tiết dạy như thế nào. Và điều mình thích nhất ở việc đi dạy là mình học được hàng ngày từ học viên, từ trải nghiệm đứng lớp, và từ những hội đồng nghiên cứu khiến mình luôn có thêm bài học cho Bản tin thứ Tư như hôm nay ☺️.
Be present,
Chi Nguyễn
P/S: Bản tin hàng tuần này đã, đang và sẽ luôn được gửi tới bạn hoàn toàn miễn phí. Nếu bạn muốn giúp mình và The Present Writer phát triển bền vững, hãy cân nhắc ủng hộ một phần chi phí, mua sách và sổ của mình, hoặc chia sẻ dự án “Bài học thứ Tư” nhé! Mình thực sự biết ơn sự cổ vũ và động viên của bạn ♥️
CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
🎬 YouTube – LÊN KẾ HOẠCH cho THÁNG MỚI hiệu quả
Thoáng cái sang tháng mới rồi!!! Cùng mình lập kế hoạch cho tháng 9 thành công với một chiếc video tối giản, nhỏ xinh (chưa tới 3 phút) nhưng rất “có võ” nha! 👉 Xem video ngay tại đây.
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email