Hai năm đầu học cao học, tôi nhận ra mình cứ diễn đi diễn lại một “kịch bản” như thế này:
Ngày thứ 1 tôi mang bài đến nộp cho giáo sư. Tay run cầm cập, tim đập thình thịch, tôi nghĩ rằng thể nào thầy cũng mắng vì bài vở không ra gì, ngay đến tôi còn không tự tin về kết quả của mình cơ mà. Tôi rón rén: “Thầy xem giúp em, bài chắc còn nhiều lỗi lắm”. Thầy xem xong, không những không chê lại còn động viên bài làm tốt: “Cứ thế về triển khai làm tiếp nhé, có kết quả mới mang lại đây”. Tôi thở phào nhẹ nhõm, tưởng như gác được gánh nặng ngàn cân, cám ơn rối rít rồi lập tức ra về ngay, quên hẳn việc hỏi những khúc mắc mà tôi gặp phải trong quá trình làm bài. Khi về nhà tiếp tục làm, tôi vẫn gặp phải những khúc mắc đó, nhưng thay vì hỏi giáo sư, tôi lại nghĩ: “À, thầy khen bài của mình như thế thì chắc là cách giải quyết của mình ổn rồi, khỏi phiền thầy”. Ngày thứ 2 tôi mang bài lên nộp cho giáo sư. Tôi khấp khởi mừng thầm, nghĩ mình làm đúng như đường hướng hôm trước, chắc chắn thầy sẽ khen cho mà xem. Giáo sư xem xong, cau mày, chỉ vào đúng những chỗ khúc mắc mà hôm trước tôi nghĩ đến nhưng quên không hỏi, yêu cầu về chỉnh sửa lại cách làm và kết quả. Tôi ra về, thất vọng não nề, tự trách mình vừa chủ quan lại thiếu tự tin không hỏi ngay từ đầu để tốn bao nhiêu thời gian phải về làm lại. Ngày thứ 3 tôi mang bài lên nộp cho giáo sư. Lần này tôi không có nhiều cảm xúc, không lo lắng, cũng không mừng vui. Tôi mang theo một số câu hỏi mình muốn trao đổi với thầy như hai người đồng nghiệp, tôi biết mình làm không quá tệ nhưng vẫn còn nhiều điều cần phải học hỏi thêm. Tôi nghĩ, thầy khen cũng được, thầy chê cũng không sao, miễn là tôi học thêm được điều mới. Và đó thường là lần gặp thành công nhất, tôi hỏi được nhiều điều có ích nhất và giáo sư cũng có vẻ ấn tượng nhất về công việc tôi đang làm.
Điều gì đã khiến cho 3 lần gặp là 3 trải nghiệm khác nhau đến như vậy? Tôi từng quy chụp cho giáo sư là “đồng bóng” – tính tình lúc này lúc khác, tôi cũng từng đổ lỗi cho sản phẩm mình làm ra là không ổn định – chất lượng lúc lên lúc xuống, rồi các lý do khách quan (thời tiết không đẹp, ra đường bước nhầm chân, phải ngày sao xấu…). Nhưng sự thật là gì? Tất cả đều là do tôi, hay nói đúng hơn là do những kỳ vọng (expectation) tôi tự tạo ra trong đầu trước mỗi cuộc gặp. Chính tôi tự tưởng tượng ra kết quả mình sẽ nhận được ở tương lai (“thể nào cũng bị ăn mắng vì bài vở không ra gì”, “chắc chắn thầy sẽ khen cho mà xem”), khiến cho hiện tại của tôi méo mó theo những tưởng tượng đó. Nghe có vẻ hơi trừu tượng, đúng không? Hãy để tôi hỏi bạn:
Đã bao giờ bạn đinh ninh rằng người yêu/bạn đời của bạn sẽ làm điều gì đó thật tuyệt vời cho mình vào dịp đặc biệt, bạn khấp khởi hy vọng để rồi thất vọng não nề khi người ta chẳng làm gì cả?
Đã bao giờ bạn nhìn thấy sự thất vọng, mất niềm tin trong ánh mắt của bố mẹ mình khi bạn không làm được đúng như những điều họ mong muốn?
Đã bao giờ bạn nghĩ chắc chắn mình không thể làm được một điều gì đó nhưng sau đó lại làm được, và bạn cảm thấy vừa ngạc nhiên vừa vui mừng?
Đó chính là kỳ vọng.
“Kỳ vọng vs. Thực tế” là điều mà chúng ta vẫn thường hay đem ra để so sánh. Kỳ vọng và thực tế rất khó để hoàn toàn khớp với nhau. Nếu ban đầu ta đặt kỳ vọng thấp thì khi thực tế đem về kết quả tốt hơn, ta sẽ rất vui mừng. Nhưng nếu ban đầu ta đặt kỳ vọng cao thì khi thực tế đem về kết quả thấp hơn, ta sẽ dễ thất vọng.
Vậy nên có nhiều người chọn cách luôn đặt kỳ vọng rất thấp để khỏi phải đối diện với thực tế phũ phàng, tránh đi phần nào nỗi thất vọng. Nhưng đây không phải là một thói quen tốt. Nếu ta thường xuyên đặt kỳ vọng thấp về bản thân, nghĩ mình đừng nên ước mơ cao xa làm gì, hy vọng lắm thì thất vọng nhiều… thì dần dà, ta cũng sẽ tin rằng đó là sự thật, tin rằng mình kém cỏi, không xứng đáng để mơ những giấc mơ lớn. Tôi hiểu cảm giác này. Có một thời gian rất dài (khoảng hơn 10 năm) tôi không thể phân biệt đâu là “thiếu tự tin” và đâu là “khiêm tốn”. Từ nhỏ, tôi (và đa phần các bạn nữ) được dạy phải biết tỏ ra khiêm tốn, thậm chí khép nép, được người ta khen câu nào thì phải nhìn xuống: “Dạ không dám đâu ạ, cháu còn kém lắm”, khi quyết định làm gì đó mạnh bạo thì phải tự bào chữa: “Ôi, mình cứ thử làm vậy cho biết thôi chứ chắc chắn chẳng được đâu”. Khiêm tốn là đức tính tốt nhưng nó rất dễ biến thành sự thiếu tự tin khi trưởng thành, cảm giác trước khi làm gì cũng phải rón rén, dò ý người khác, và cảm giác như mình bị đánh giá khắt khe khi “dám” làm những điều vượt trên khả năng bình thường.
Tương tự như vậy, nếu bạn mang kỳ vọng thấp về người khác, người ta sẽ cảm thấy ngay sự thiếu niềm tin từ bạn. Người ta có thể thấy vui vẻ một vài lần đầu khi nghe bạn nói: “Ôi, mình không ngờ cậu lại làm được điều này cơ đấy!” nhưng nếu câu này cứ lặp đi lặp lại, đối phương sẽ tự hỏi liệu bạn có đặt bất cứ niềm tin nào vào khả năng của người ta hay không. Thiếu niềm tin, cả cho bản thân và cho người khác đều là không công bằng.
Nhưng kỳ vọng quá cao hẳn nhiên cũng không phải là điều tốt. Kỳ vọng cao về bản thân, về người khác, hay về sản phẩm/công trình của mình dễ khiến ta chủ quan, huyễn hoặc bản thân, không để ý được những điều mình còn hạn chế để rút kinh nghiệm. Những người kỳ vọng quá cao thường cảm thấy đau đớn, xấu hổ, mất niềm tin mỗi khi gặp thất bại. Họ cảm thấy như ai cũng đang phán xét và đổ lỗi cho mình. Đặt kỳ vọng quá cao so với thực tế thường đẩy con người vào tình thế khó xử.
Vậy nếu bỏ đi toàn bộ kỳ vọng thì sao? Rất nhiều sách self-help tôi từng đọc ủng hộ điều này, thậm chí có những quyển nói rằng bạn chỉ thấy hạnh phúc khi bỏ đi hoàn toàn kỳ vọng của mình vào bản thân và người khác. Nhưng tôi cảm thấy khó có thể đồng tình với luận điểm này. Đối với tôi, kỳ vọng là bản năng tự nhiên của con người để nhìn về phía trước. Kỳ vọng giúp ta mơ ước, chuẩn bị cho tương lai; kỳ vọng thôi thúc bản thân ta làm việc vì niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn sắp tới. Cá nhân tôi không tin rằng con người có thể loại bỏ đi hoàn toàn kỳ vọng, ta chỉ có thể tìm cách nới lỏng hay thắt chặt kỳ vọng, tuỳ vào từng hoàn cảnh, thời điểm, và đối tượng.
Dưới đây là một số suy nghĩ của tôi về kỳ vọng:
1. Kỳ vọng vào bản thân
Đối với bản thân, khi nhìn thấy một cơ hội mới hay một thách thức mới, tôi thường bắt đầu với kỳ vọng cao. Tôi tự nói với bản thân hãy làm và tin rằng mình sẽ làm được. Tôi cảm thấy việc đặt kỳ vọng cao vào bản thân ở giai đoạn đầu khiến cho mình có nhiều động lực làm việc hơn, dám mơ những ước mơ lớn, và để hoài bão của mình lên trên những dèm pha, đàm tiếu từ dư luận. Ngược lại, nếu bắt đầu bằng kỳ vọng thấp, tôi cảm giác mình sẽ khó có thể vượt lên nỗi sợ hãi của bản thân để bắt tay vào làm (và tôi từng lỡ rất nhiều cơ hội tốt vì điều này). Vì vậy, khi nắm được một cơ hội nào đó, tôi thường đặt kỳ vọng cao về khả năng của bản thân trước nhất.
Sau một thời gian, khi đã vào guồng công việc và hiểu rõ mặt mạnh/yếu của mình, tôi thường tự giảm mức kỳ vọng của mình xuống thấp hơn một chút. Ở thời điểm này, tôi dễ cảm thấy đuối, thấy mình chưa đủ khả năng để làm việc suôn sẻ được như mình nghĩ ban đầu. Và đây cũng là cơ hội để tôi hạ mình xuống và bắt đầu phân tích cái khó của bản thân, không ngại đi hỏi xin ý kiến mọi người để khắc phục khó khăn. Những điều này thường chỉ có thể làm được với kỳ vọng thấp – độ tự cao thấp. Tôi tự nói với mình: “All you can do is do your best!” – nếu tôi đã làm hết sức của mình thì không còn gì để hối tiếc cả. Do vậy, dù mang kỳ vọng thấp, tôi cũng cố gắng đi làm cho đến cùng.
Khi việc đã hoàn tất và đến thời điểm phải nộp, bàn giao, hoặc gửi cho người khác đánh giá, tôi thường nới lỏng phần lớn kỳ vọng của mình. Cũng như câu chuyện tôi kể ban đầu của bài viết, trước thời điểm quyết định, tôi thường hít thở sâu, nghĩ rằng vì mình đã cố hết sức, thành công hay thất bại không còn là quan trọng, điều quan trọng là mình học được điều mới. Đây cũng là điều tôi từng viết khá nhiều trên blog này: nếu bạn có tư duy rằng mọi va vấp đều là bài học để mình trưởng thành thì không có thất bại nào là trắng tay cả. Với việc bỏ đi phần lớn kỳ vọng vào thời điểm quyết định, tôi cảm thấy mình bình tâm hơn nhiều khi bước vào một sự kiện lớn và dù kết quả có như thế nào, tôi vẫn có thể bước ra bình thản, không chỉ trích, không hạ thấp, và cũng không đề cao bản thân thêm một chút nào.
2. Kỳ vọng vào người khác
Kỳ vọng vào người khác là điều tưởng dễ mà rất khó kiểm soát. Tôi từng làm cùng một chị có con mới đi học và thường xuyên nghe chị kể về những điều thất vọng về con mình, đa phần về cách bé học tập, hành xử, nói năng với người lớn. Một lần hai chị em cùng đi thăm một em bé con đồng nghiệp khác bị ốm trong bệnh viện. Trên đường về, chị trầm ngâm khá lâu rồi nói với tôi rằng: “Khi con còn nhỏ thì mình nghĩ con cứ khoẻ mạnh, không ốm, không tật, lớn lên bình thường là mình hạnh phúc rồi. Thế mà khi con còn lớn thì mình lại muốn nhiều thứ hơn, muốn nó phải học giỏi, phải biết đi đứng cư xử, phải bằng hoặc hơn con người khác. Nhiều khi mình làm khổ con…” Câu nói đó cứ theo tôi mãi. Nhiều khi kỳ vọng xuất phát từ tình yêu – từ mong muốn được làm điều tốt nhất cho người khác mà không ý thức rằng mình đang gây áp lực cho chính người thân yêu của mình. Trong quan hệ tình cảm cũng vậy, có rất nhiều cặp đôi rất vui vẻ khi hẹn hò nhưng từ sau khi kết hôn lại trở nên khó chịu, khắt khe với nhau hơn vì họ có kỳ vọng cao hơn cho đối phương. Dường như khi đã trở thành một gia đình, ta có cảm giác như mình có “quyền” và “trách nhiệm” kiểm soát, uốn nắn, và thay đổi hành vi, tính cách của vợ/chồng/con cái vì những điều này có ảnh hưởng đến đời sống chung của cả nhà. Nhưng áp đặt kỳ vọng của mình lên người khác là điều không nên làm, nó là nguồn gốc tạo nên căng thẳng, mệt mỏi, và mâu thuẫn gia đình.
Do vậy, đối với người khác, thay vì đặt kỳ vọng, tôi nghĩ ta có thể đặt niềm tin (nhưng tất nhiên, phải đặt niềm tin đúng chỗ). Thay vì nói (hoặc nghĩ) rằng: “Tôi kỳ vọng bạn phải làm được điều này” (chú ý, đây đều là điều tự mình vẽ ra trong đầu và áp lên người khác), tôi thường nói: “Tôi tin là bạn có thể làm được điều này nếu bạn thực sự muốn và để tâm vào việc đó. Bạn nghĩ sao?” (chú ý, những điều này là dựa trên mong muốn chung của cả hai phía). Viết ra có vẻ đơn giản nhưng đây là điều rất khó để thực hiện vì giải phóng kỳ vọng cũng có nghĩa là dẹp đi những giả định, phỏng đoán của mình về người khác (đọc bài viết 4 Thoả Ước để hiểu rõ hơn ý này)—những điều mà ta thường làm hàng ngày, hàng giờ một cách vô thức. Tôi bắt đầu ý thức về việc đặt niềm tin lên trên kỳ vọng khoảng hơn 1 năm trước đây, nhưng cho đến thời điểm này, tôi vẫn cảm thấy mình cần rèn luyện thêm nhiều hơn nữa để có thể hướng mình ra khỏi tư duy lối mòn, áp đặt trước đây.
3. Kỳ vọng vào sản phẩm mình làm ra
Đây có thể là sản phẩm công việc, tác phẩm nghệ thuật, bài nói chuyện trước đám đông, hoặc đơn giản là phong cách thời trang mình theo đuổi, hình ảnh của mình trên mạng xã hội— tất cả những điều trước đây là “của mình” nhưng nay đã được chia sẻ cho người khác. Ai cũng có kỳ vọng về sản phẩm mình làm ra, đó là lý do tại sao mạng xã hội với những comment, like, dislike, share…trở nên “hot” như vậy. Đối với những người làm nghiên cứu khoa học hay làm trong lĩnh vực sáng tạo, sản phẩm là “đứa con tinh thần” thực sự. Tôi đã từng chứng kiến những giáo sư uyên bác phải cay đắng ra về giữa cuộc họp vì không chịu nổi việc nghe công trình của mình bị chỉ trích (kể cả khi chỉ trích mang tính xây dựng). Tôi cũng từng gặp nhiều nghệ sĩ rơi nước mắt, thậm chí bỏ nghề vì không tiếp thu được việc người khác chê bai tác phẩm của mình (trong khi đó, tác phẩm làm ra là để người đời chiêm ngưỡng, bình phẩm). Bớt đi kỳ vọng của bản thân về sản phẩm mình làm ra thực sự là một điều khó.
Lời khuyên tốt nhất tôi từng nghe về việc này đến từ một nữ giáo sư dạy tôi trong năm đầu Tiến sĩ. Cô nói rằng mỗi khi nghe ai chỉ trích về công việc của mình, trước hết hít một hơi thật sâu, có gắng đừng phản ứng lại ngay ở thời điểm đó. Nếu chỉ trích dưới dạng văn bản, hãy đọc qua một lần rồi đóng lại ngay và không nghĩ gì về nó trong ít nhất một ngày (cô khuyên nên để hẳn 1 tuần, nếu có thể), rồi sau đó mới quay lại xử lý khi đầu óc đã tỉnh táo hơn. Nếu chỉ trích dưới dạng lời nói, hãy cố gắng viết tay ra ý kiến của người chỉ trích (ghi chép tốc ký –note taking) ngay tại thời điểm đó. Trong quá trình viết ra như vậy, bản thân ta cũng cảm thấy bình tĩnh hơn, có thêm thời gian (ít nhất vài giây) để kìm chế bản thân và suy nghĩ cách đối đáp lại. Từ phía người nói, họ cũng cảm thấy ta ít nhất có tinh thần tiếp thu. Sau đó, nếu có phản biện gì hãy nói lại nhẹ nhàng với dẫn chứng được viết lại trên giấy. Tôi đã áp dụng cách thứ hai rất hiệu quả khi bảo vệ đề án tốt nghiệp mùa hè vừa rồi. Trong quá trình phản biện, hội đồng các giáo sư đưa ra rất nhiều ý kiến sắc bén (họ còn tranh cãi cả với nhau), tôi cố gắng giữ bình tĩnh, tập trung ghi lại nhanh lại vài ý chính của họ trên notepad. Tôi còn nhớ tay tôi run lên khi ghi xuống vì có nhiều điều tôi hoàn toàn không đồng tình. Sau khi cuộc tranh luận dần hạ nhiệt và hội đồng bắt đầu im lặng đợi câu trả lời từ tôi, tôi mới từ tốn trả lời từng câu một, với dẫn chững là những từ ngữ chính họ dùng khi phản biện. Quá trình ghi tay xuống notepad thực sự có tác dụng rất lớn khiến tôi bình tâm và suy nghĩ tỉnh táo hơn, khiến cuộc thảo luận sau này không quá căng thẳng mà vẫn đi được vào đúng vấn đề.
Tôi hy vọng những suy nghĩ, chia sẻ, và lời khuyên về kỳ vọng trên đấy giúp bạn có cái nhìn mới về cuộc sống và về những điều xảy ra xung quanh mình. Đối với tôi, Journaling là một phương pháp tốt để kiểm soát kỳ vọng vì khi viết ra suy nghĩ của mình, ta có thể phân tích và tìm ra vấn đề mình đã kỳ vọng, đã thất vọng, và cách mình từng phản ứng với những vấn đề này. Còn bạn thì sao? Bạn có suy nghĩ gì về kỳ vọng và cách kiểm soát kỳ vọng? Hãy chia sẻ trong mục comment phía dưới, tôi rất muốn được nghe suy nghĩ của bạn.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Ly Tran says
Bai viet nao cua Chi cung hay, ro rang, khuc chiet nhi. Thich van phong cua Chi lam y. Viet nhieu bai nua nhe 🙂
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị! Chắc chắn còn nhiều bài viết sắp tới nữa ạ!
Linh Nguyen says
Cả sáng ngồi đọc blog của chị. Cảm ơn chị vì những bài viết rất hay và hữu ích. Em đang có khoảng thời gian khó khăn, những bài viết của chị thực sự đã truyền cho em cảm hứng và giúp em vực dậy tinh thần. Mong chị sẽ thường xuyên cho ra các bài viết mới và chúc chị nhiều may mắn trong cuộc sống!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em rất nhiều! Comment của em cũng đến thực sự đúng lúc, truyền cảm hứng cho chị viết tiếp bài mới hôm nay!
Lieu Dang says
Chị Chi ơi, em cũng thấy rất khó để phân biệt được thiếu tự tin và khiêm tốn. Vậy chị phân biệt 2 khái niệm này như thế nào ạ?
Chi Nguyễn says
Chào em! Đây thực sự là một câu hỏi khó. Chị nghĩ khái niệm khiêm tốn và thiếu tự tin dễ bị lẫn với nhau vì cách thể hiện ra bên ngoài tương đối giống nhau (ví dụ, không khoe khoang về thành công, không quá tự đắc trước lời khen từ người khác). Nhưng điểm khác biệt lớn nhất, theo chị, là cách bản thân cảm nhận từ bên trong. Đối với chị, khiêm tốn là biết rõ khả năng nổi trội của mình, tự hào về thành tích của mình, nhưng cũng biết rằng còn nhiều người giỏi hơn mình, và còn nhiều điều mình cần phải học. Khiêm tốn có nghĩa là nói về thành công một cách chừng mực, đúng đắn nhất. Còn thiếu tự tin là cảm giác luôn thấy mình kém hơn người khác và luôn sợ người khác đánh giá mình. Người thiếu tự tin rất ít khi nói về thành công của mình hoặc nói giảm đi tới mức tưởng như không tự hào chút nào về thành công của mình. Chị sẽ suy nghĩ thêm và có thể quay lại đề tài này trong tương lai. Cám ơn em đã comment một câu hỏi thú vị!
Lieu Dang says
Em cảm ơn câu trả lời của chị ạ! Mong chờ bài viết mới của chị về vấn đề này ạ :)))
Miu.Negative says
Theo mình thì:
+ Khiêm tốn là mình BIẾT mình giỏi nhưng mình không nói ra.
+ Thiếu tự tin là mình NGHĨ mình không giỏi.
Hihi.
Canh Van Le says
cảm ơn bạn rất nhiều, chia sẻ rất hữu ích.
Huyền Phạm says
Em đọc được bài viết này của chị trong bối cảnh mà em vừa phải chấp nhận một công việc thấp hơn expectation của mình, đồng thời đang đứng trước một mối quan hệ mà em có nhiều expectation vào nó. Và em nhận ra, thời gian qua em đã đau khổ vì những expectation của mình như thế nào T_T. Cám ơn bài viết của chị. Đọc xong em nhẹ lòng hẳn và biết mình cần như thế nào tiếp theo
Chi Nguyễn says
Chị rất vui vì bài viết khiến em cảm thấy nhẹ lòng. Bản thân chị cũng cần thường xuyên nhắc bản thân về expectations
Trung Vinh says
Hay quá chị ơi. Chị ơi, em có thể xin list về phần mềm chị dựng lên 1 vid như v được không ạ. Có video animation đẹp với giọng chị hay và truyền cảm nữa. Em mê luôn ý. Huhu
Chi Nguyễn says
Chị dùng Canva + Final Cut Pro X